WHĐ (25.06.2023) –
“Hướng tới sự hiện diện tròn đầy – Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” là chủ đề tài liệu do Bộ Truyền thông công bố ngày 29.05.2023, nhằm đưa ra một
suy tư về việc Kitô hữu sử dụng mạng xã hội với hình mẫu là Người
Samari Nhân Lành trong Tin Mừng. Sau đây là toàn văn của tài liệu này.
I. CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG CẠM BẪY TRÊN CÁC XA LỘ KỸ
THUẬT SỐ Phân định sự hiện diện của chúng ta trên mạng xã hội Nội dung
(What) và Cách thế (How): Khả năng sáng tạo của tình yêu |
BỘ TRUYỀN
THÔNG
HƯỚNG TỚI SỰ HIỆN DIỆN TRÒN ĐẦY
Suy tư mục vụ về
việc tham gia mạng xã hội
Dẫn nhập
1) Đã có những bước tiến lớn trong thời đại kỹ
thuật số, nhưng một trong những vấn đề cấp bách vẫn chưa được giải quyết, đó là
làm thế nào chúng ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách cộng đoàn Giáo hội,
có thể sống trong thế giới kỹ thuật số như “những người thân cận đầy yêu
thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình
cùng đi trên “xa lộ kỹ thuật số”.
Các tiến bộ công nghệ đã đem lại những kiểu
tương tác mới của con người. Thật vậy, vấn đề không còn là có nên tham gia vào
thế giới kỹ thuật số hay không, mà là tham gia như thế nào. Cách riêng, mạng xã
hội là một môi trường trong đó người ta tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp
các mối quan hệ chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, trong khi truyền thông ngày
càng bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo, thì chính ở đó nảy sinh nhu cầu khám
phá lại sự gặp gỡ giữa người với người tại cốt lõi của nó. Trong hai thập kỷ
qua, mối quan hệ của chúng ta với các nền tảng kỹ thuật số đã trải qua một chuyển
biến không thể đảo ngược. Đã nổi lên một nhận thức rằng các nền tảng này có thể
phát triển thành những không gian cùng được sáng tạo, chứ không chỉ là cái mà
ta sử dụng một cách thụ động. Những người trẻ – cũng như các thế hệ lớn tuổi
hơn – đang yêu cầu ta gặp họ tại nơi của họ, kể cả trên mạng xã hội, bởi vì thế
giới kỹ thuật số là “một phần quan trọng trong căn tính và lối sống của người
trẻ.”[1]
2) Nhiều Kitô hữu đang yêu cầu được truyền cảm
hứng và được hướng dẫn - vì mạng xã hội, một biểu hiện của văn hóa kỹ thuật số,
đã có tác động sâu sắc đến các cộng đoàn đức tin lẫn hành trình tâm linh của cá
nhân chúng ta.
Có rất nhiều ví dụ về sự tham gia cách trung
thành và sáng tạo vào mạng xã hội trên khắp thế giới, từ các cộng đoàn địa
phương cũng như các cá nhân làm chứng cho đức tin của mình trên những nền tảng
này, thường có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cả Giáo hội thể chế. Cũng có rất nhiều
sáng kiến mục vụ và giáo dục được phát triển bởi các Giáo hội địa phương, các
phong trào, cộng đoàn, hội dòng, các trường đại học, và các cá nhân.
3) Giáo hội hoàn vũ cũng đã đề cập đến thực tại
kỹ thuật số. Ví dụ, kể từ năm 1967, các Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông hằng
năm đã đưa ra suy tư liên tục về chủ đề này. Bắt đầu từ những năm 1990, các sứ
điệp này đề cập đến việc sử dụng máy tính; và kể từ đầu những năm 2000, các sứ
điệp đã nhất quán suy tư về các khía cạnh của văn hóa kỹ thuật số và mạng xã hội.
Khơi lên những câu hỏi nền tảng cho văn hóa kỹ thuật số, Đức Giáo hoàng
Bênêđictô XVI, vào năm 2009, đã đề cập đến những chuyển đổi trong các mô hình
truyền thông, ngài nói rằng các phương tiện truyền thông không chỉ cần thúc đẩy
sự kết nối người ta với nhau mà còn phải khuyến khích họ dấn thân vào các mối
quan hệ cổ võ “một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, và hữu nghị”[2].
Tiếp đó, Giáo hội củng cố hình ảnh của mạng xã hội như là những “không gian”,
chứ không chỉ là “công cụ”, và kêu gọi việc loan báo Tin Mừng cả trong môi trường
kỹ thuật số[3].
Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng thế giới kỹ thuật số “không
thể tách khỏi lĩnh vực đời sống thường ngày”, và nó đang thay đổi cách mà con
người thu thập kiến thức, phổ biến thông tin và phát triển các mối quan hệ[4].
4) Bên cạnh những suy tư đó, sự tham gia mạng
xã hội cách thực tiễn của Giáo hội cũng đã có hiệu quả[5].
Một thời điểm gần đây đã cho thấy rõ ràng rằng truyền thông kỹ thuật số là một
công cụ mạnh mẽ cho sứ vụ của Giáo hội. Vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, khi vẫn
còn trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Quảng trường Thánh Phêrô vắng
tanh nhưng lại đầy sự hiện diện. Một chương trình truyền hình và phát sóng trực
tiếp đã giúp Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn dắt
một trải nghiệm biến đổi mang tầm vóc toàn cầu: đó là lời cầu nguyện và sứ
điệp gửi đến một thế giới đang bị phong tỏa. Giữa cuộc khủng hoảng về sức khỏe
cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, người ta trên khắp thế giới, đang bị
cách ly và cô lập, thấy mình được kết hợp sâu xa với nhau và với đấng kế vị
thánh Phêrô[6].
Thông qua các phương tiện truyền thông truyền
thống lẫn công nghệ kỹ thuật số, lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đã đến được
các gia đình và chạm đến cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Vòng tay rộng
mở của hàng cột Bernini quanh Quảng trường có thể vươn ra ôm lấy hàng triệu người.
Mặc dù cách xa nhau về mặt thể lý, những người theo dõi Đức Thánh Cha trong giờ
phút đó đã hiện diện với nhau và có thể trải nghiệm khoảnh khắc hiệp nhất và hiệp
thông.
***
5) Các trang sau đây là kết quả suy tư của các
chuyên gia, giáo viên, các nhà lãnh đạo và chuyên viên trẻ, các giáo dân, giáo
sĩ và tu sĩ. Mục đích là đề cập một số vấn đề chính yếu liên quan đến cách mà
các Kitô hữu nên tham gia vào lãnh vực truyền thông xã hội. Đây không phải là
những “chỉ dẫn” cụ thể cho sứ vụ mục vụ trong lĩnh vực này. Đúng hơn, mối kỳ vọng
ở đây là cổ võ suy tư chung về các trải nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến
khích cả cá nhân lẫn các cộng đoàn có một cách tiếp cận đầy tính sáng tạo và
xây dựng vốn có thể củng cố một nền văn hóa tương thân tương ái.
Thách thức của việc cổ võ các mối quan hệ hòa
bình, đầy ý nghĩa và đầy quan tâm trên mạng xã hội đòi phải có cuộc thảo luận
trong giới học thuật và chuyên môn, cũng như trong Giáo hội. Dạng nhân văn nào
được thể hiện khi chúng ta hiện diện trong các môi trường kỹ thuật số? Được bao
nhiêu trong các mối quan hệ kỹ thuật số của chúng ta mang lại hoa trái giao tiếp
sâu sắc và chân thực, và có bao nhiêu mối quan hệ chỉ đơn thuần được định hình
bởi những quan điểm tiên thiên và những phản ứng cuồng nhiệt? Bao nhiêu phần
trong đức tin của chúng ta tìm được cách diễn tả kỹ thuật số sống động và mới mẻ?
Và “người thân cận” của tôi trên mạng xã hội là ai?
***
6) Dụ ngôn Người Samari Nhân Lành[7]
- qua đó Chúa Giêsu giúp ta trả lời câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” -
là dụ ngôn đến từ thắc mắc của một kinh sư. Ông ta hỏi: “Tôi phải làm gì để được
thừa hưởng sự sống đời đời?” Động từ
“thừa hưởng” nhắc chúng ta về di sản
đất hứa, vốn không chủ yếu là một lãnh thổ địa lý, mà là biểu tượng của một điều
gì đó sâu xa và bền vững hơn, điều mà mọi thế hệ đều phải tái khám phá, và nó
có thể giúp chúng ta hình dung lại vai trò của mình trong thế giới kỹ thuật số.
I. CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG CẠM BẪY TRÊN
CÁC XA LỘ KỸ THUẬT SỐ
Học cách
nhìn từ nhãn quan của người rơi vào tay bọn cướp (x. Lc 10,36).
Một vùng đất hứa để tái khám phá?
7) Mạng xã hội chỉ là một nhánh của hiện tượng
số hóa phức tạp và rộng lớn hơn nhiều,
hiện tượng này là tiến trình chuyển nhiều công việc và nhiều chiều kích của cuộc
sống con người sang các nền tảng kỹ thuật số. Các công nghệ kỹ thuật số có thể
gia tăng hiệu quả của chúng ta, nâng cao kinh tế của chúng ta, và giúp chúng ta
giải quyết những vấn nạn không thể giải quyết được trước đây.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mở rộng khả năng
tiếp cận thông tin và khả năng kết nối với nhau vượt quá những giới hạn của không
gian vật lý. Một quá trình vốn đã diễn ra trong ba thập kỷ qua đã được đẩy
nhanh bởi cơn đại dịch. Các hoạt động, như giáo dục và việc làm, thường được
làm trực tiếp thì giờ đây có thể được làm từ xa. Các quốc gia cũng đã thực hiện
những thay đổi đầy ý nghĩa trong các hệ thống pháp lý của mình, áp dụng việc hội
thảo và biểu quyết trực tuyến như một giải pháp thay thế cho việc gặp mặt trực
tiếp. Tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng cũng đang thay đổi cách vận hành
của chính trị.
8) Với sự ra đời của Web 5.0 và các tiến bộ
truyền thông khác, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong những năm tới sẽ ngày
càng tác động đến kinh nghiệm của chúng ta về thực tại. Chúng ta đang chứng kiến
sự phát triển của các máy móc hoạt động và đưa ra quyết định thay cho chúng
ta; chúng có thể tìm hiểu và dự đoán hành vi của chúng ta; các máy cảm ứng trên
da có thể đo cảm xúc của chúng ta; những cỗ máy trả lời các câu hỏi của ta đồng
thời học hỏi từ những câu trả lời của ta, hoặc những cỗ máy sử dụng các dữ liệu
ghi lại sự mỉa mai và nói bằng giọng nói cũng như bằng biểu cảm của những người
không còn ở bên ta nữa. Trong thực tại không ngừng phát triển này, nhiều vấn nạn
vẫn đang cần được giải đáp[8].
9) Những thay đổi quan trọng mà thế giới trải
qua kể từ khi xuất hiện Internet cũng khơi lên các căng thẳng mới. Một số người
sinh ra trong nền văn hóa này và là những “dân bản địa của kỹ thuật số”; những
người khác thì vẫn đang cố gắng làm quen với tư cách là những “dân nhập cư vào
kỹ thuật số”. Trong mọi trường hợp, văn hóa của chúng ta hiện nay là một nền
văn hóa kỹ thuật số. Để khắc phục sự phân đôi cũ giữa “kỹ thuật số” và “diện đối
diện”, một số người không còn nói về “online” (trực tuyến) so với “offline”
(ngoại tuyến) nữa, mà chỉ nói về “onlife”
(đời thực), tức là hội nhập đời sống con người và xã hội trong các biểu lộ đa dạng
của nó, có thể ở dạng kỹ thuật số hoặc trong không gian vật lý.
10) Trong bối cảnh truyền thông tích hợp, bao
gồm sự hội tụ của các tiến trình truyền thông, thì mạng xã hội đóng vai trò quyết
định, như một diễn đàn trong đó các giá trị, niềm tin, ngôn ngữ và các giả định
của chúng ta về đời sống hằng ngày được hình thành. Hơn nữa, đối với nhiều người,
đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sự tiếp xúc duy nhất với truyền thông kỹ
thuật số chính là thông qua mạng xã hội. Vượt xa hơn cả việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ,
chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái mà cốt lõi của nó được hình thành bởi
trải nghiệm về sự chia sẻ trong xã hội. Trong khi vẫn dùng web để tìm kiếm thông tin hoặc giải trí, chúng ta chuyển sang
mạng xã hội để có một cảm thức thuộc về
và khẳng định, biến nó thành một không gian sống, ở đó diễn ra sự truyền đạt
các giá trị và các niềm tin cốt lõi.
Trong hệ sinh thái này, mọi người được yêu cầu
tin vào tính xác thực của các lời công bố sứ mạng của các công ty mạng xã hội,
chẳng hạn họ hứa hẹn sẽ mang thế giới lại gần nhau hơn, sẽ trao cho mọi người
khả năng sáng tạo và chia sẻ ý tưởng, hoặc cho mọi người được có tiếng nói. Mặc
dù chúng ta hiểu những khẩu hiệu quảng cáo này hầu như không bao giờ trở thành
hiện thực vì các công ty quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận của họ, nhưng chúng
ta vẫn có xu hướng tin vào các lời hứa ấy.
11) Thật vậy, khi bắt đầu sử dụng internet
cách đây vài thập niên, người ta đã chia sẻ một phiên bản của giấc mơ này: hy vọng
rằng thế giới kỹ thuật số sẽ là một không gian hạnh phúc nhờ có chung hiểu biết,
thông tin miễn phí và cộng tác với nhau. Internet được kỳ vọng là một “miền đất
hứa” nơi mọi người có thể cậy dựa vào thông tin được chia sẻ trên cơ sở minh bạch,
tin tưởng và chuyên nghiệp.
Những cạm bẫy cần tránh
12) Tuy nhiên, những kỳ vọng ấy đã không được
đáp ứng đúng như vậy.
Trước hết, chúng ta vẫn đang giải quyết vấn đề
“phân hóa kỹ thuật số”. Trong khi sự tiến hóa này đang diễn ra nhanh hơn khả
năng ta hiểu đúng về nó, thì nhiều người vẫn không được tiếp cận không chỉ với
các nhu cầu cơ bản, như thực phẩm, nước, quần áo, nhà ở, và sự chăm sóc y tế,
mà cả đối với các công nghệ truyền thông. Điều này khiến rất nhiều người bị gạt
ra bên lề.
Bên cạnh đó, “sự phân hóa trên mạng xã hội”
đang trở nên gay gắt hơn bao giờ. Các nền tảng vốn hứa hẹn xây dựng cộng đồng
và mang thế giới lại gần nhau hơn hóa ra lại đào sâu thêm các hình thức chia rẽ
khác nhau.
13) Có một số cạm bẫy cần lưu ý trên “xa lộ kỹ
thuật số”, giúp ta hiểu rõ hơn về cách thức xảy ra điều này.
Ngày nay, hễ nói về “mạng xã hội” thì phải xem
xét giá trị thương mại của nó, tức là phải nhận thức được rằng cuộc cách mạng
thực sự đã xảy ra khi các thương hiệu và các tổ chức nhận ra tiềm năng chiến lược
của các nền tảng xã hội, góp phần củng cố nhanh chóng các ngôn ngữ và các thực
hành mà những năm qua đã biến người sử dụng
thành người tiêu dùng. Ngoài ra, các
cá nhân vừa là người tiêu dùng vừa là
hàng hóa. Là người tiêu dùng, họ được
cung cấp quảng cáo dựa trên dữ liệu
và nội dung được tài trợ theo cách phù hợp với họ. Là hàng hóa, hồ sơ và dữ liệu
của họ được bán cho các doanh nghiệp khác với mục đích tương tự. Khi tin vào
các lời công bố sứ mệnh của các công
ty mạng xã hội, người ta cũng chấp nhận “các điều khoản thỏa thuận” mà họ thường
không đọc hoặc không hiểu. Hầu như ở khắp nơi người ta đã hiểu các “điều khoản
thỏa thuận” này theo ngạn ngữ cổ: “Nếu bạn
không trả tiền cho nó, thì bạn chính là sản phẩm”. Nói cách khác, nó không
miễn phí: chúng ta đang chi trả bằng số phút chú ý và số byte dữ liệu của chúng
ta.
14) Sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào việc phân
phối và buôn bán tri thức, dữ liệu và thông tin đã tạo ra một nghịch lý. Trong
một xã hội mà thông tin đóng vai trò thiết yếu như vậy, ngày càng khó xác minh
các nguồn và độ chính xác của thông tin lưu hành bằng kỹ thuật số. Tình trạng
quá tải nội dung được giải quyết bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chúng
không ngừng ấn định cái gì sẽ hiển thị cho ta dựa trên các yếu tố mà ta khó nhận
ra: không chỉ các lựa chọn, lượt thích, phản ứng hoặc sở thích trước đây của
mình, mà cả sự vắng mặt và mất tập trung, những lúc tạm dừng và những khoảng thời
gian chú ý của ta nữa. Môi trường kỹ thuật số mà mỗi người nhìn thấy – và ngay
cả các kết quả tìm kiếm trực tuyến – không bao giờ giống với người khác. Khi
tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt hoặc nhận thông tin trong nguồn cung cấp
cho mình theo các nền tảng và các ứng dụng khác nhau, chúng ta thường không biết
các bộ lọc quyết định các kết quả. Việc cá nhân hóa các kết quả ngày càng tinh
vi này dẫn đến việc buộc ta phải tiếp xúc với chỉ một phần thông tin, là phần
chứng thực các ý tưởng của ta, củng cố các niềm tin của ta, và do đó đưa chúng
ta vào tình trạng cô lập của “những bong
bóng bộ lọc”.
15) Những cộng đồng trực tuyến trên mạng xã hội
là “các điểm gặp gỡ”, thường được hình thành xoay quanh các mối quan tâm chung
của “những người trong cùng mạng lưới”. Những người có mặt trên mạng xã hội sẽ
được xem xét theo các đặc điểm, nguồn gốc, thị hiếu và sở thích cụ thể của họ,
vì các thuật toán đằng sau các nền tảng trực tuyến và các công cụ tìm kiếm có
xu hướng tập hợp những người “giống nhau” lại với nhau, kết nhóm họ lại và thu
hút sự chú ý của họ để giữ chân họ. Do đó, các nền tảng mạng xã hội có nguy cơ làm
cho người dùng không thực sự gặp được những người ‘khác’ với mình.
16) Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến các hệ
thống tự động có nguy cơ tạo ra những “không gian” có tính cá nhân chủ nghĩa
này, và đôi khi chúng khuyến khích những hành vi cực đoan. Những phát biểu hung
hăng và tiêu cực dễ dàng lan truyền cách nhanh chóng, cung ứng một cánh đồng
màu mỡ cho bạo lực, lạm dụng, và thông tin sai lệch. Trên mạng xã hội, các diễn
viên khác nhau, thường nấp trong tấm áo giả danh, liên tục đốp chát nhau. Những
tương tác này thường khác biệt rõ rệt so với những tương tác trong không gian vật
lý, nơi mà hành động của ta chịu ảnh hưởng bởi sự phản hồi bằng lời và không lời
của người khác.
17) Việc ý thức những cạm bẫy này sẽ giúp
chúng ta phân định và lột mặt nạ cái luận lý gây ô nhiễm cho môi trường mạng xã hội, và
tìm kiếm giải pháp cho điều không thỏa đáng như thế của kỹ thuật số. Điều quan
trọng là phải đánh giá cao thế giới kỹ thuật số và công nhận nó là một phần cuộc
sống của chúng ta. Tuy nhiên, chính trong tính bổ sung giữa trải nghiệm kỹ thuật
số và trải nghiệm thể lý mà cuộc sống và hành trình của con người được xây dựng.
18) Trên các “xa lộ kỹ thuật số”, nhiều người
bị tổn thương bởi chia rẽ và hận thù. Chúng ta không thể bỏ qua điều này. Chúng
ta không thể là những người qua đường hoàn toàn im lặng. Để làm cho các môi trường
kỹ thuật số có được tính nhân văn, chúng ta không thể quên những người “bị bỏ lại
phía sau”. Chúng ta chỉ có thể hiểu điều gì đang diễn ra nếu biết nhìn từ góc độ
của người bị thương trong dụ ngôn Người Samari Nhân Lành. Như trong dụ ngôn,
trong đó ta thấy người bị thương được nhìn như thế nào, thì góc nhìn của những
người bị gạt ra bên lề xã hội và bị thương tổn về mặt kỹ thuật số cũng sẽ giúp
chúng ta hiểu rõ hơn cái thế giới ngày nay đang ngày càng phức tạp.
Các mối quan hệ đan kết
19) Trong thời đại mà chúng ta ngày càng bị
chia rẽ, khi mỗi người thu mình vào chiếc bong bóng được lọc của riêng mình,
thì mạng xã hội đang trở thành nẻo đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực
và cực đoan. Khi các cá nhân không đối xử với nhau như những con người mà như
những biểu hiện đơn thuần của một quan điểm nào đó mà mình không chia sẻ, chúng
ta chứng kiến một biểu hiện khác của “nền văn hóa vứt bỏ” làm gia tăng việc
“toàn cầu hóa” và bình thường hóa sự “thờ ơ”. Rút lui vào sự cô lập với những mối
quan tâm riêng của mình, đó không thể là cách để khôi phục niềm hy vọng. Đúng
hơn, con đường tiến về phía trước phải là vun trồng một “nền văn hóa gặp gỡ”, một
nền văn hóa thúc đẩy tình thân hữu và hòa bình giữa những con người khác biệt
nhau[9].
20) Do đó, có một nhu cầu ngày càng khẩn thiết
phải tham gia vào các nền tảng mạng xã hội theo cách vượt ra khỏi ốc đảo của
mình, thoát khỏi nhóm “tương đồng” của mình để gặp gỡ những người khác.
Việc tiếp đón “người khác”, một người có quan
điểm trái ngược với mình hay một người dường như “khác biệt”, thì chắc chắn
không phải là việc dễ dàng. “Tại sao tôi phải quan tâm chứ?”, đây có thể là phản
ứng đầu tiên của chúng ta. Chúng ta có thể gặp thấy thái độ này ngay cả trong
Kinh Thánh, bắt đầu với việc Cain từ chối làm người canh giữ em mình (x. St 4,9), và tiếp tục với người kinh
sư đã hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Người kinh sư này muốn vạch một ranh giới giữa ai là và ai không phải là người thân cận của mình. Có vẻ như chúng ta muốn
tìm một lời biện minh cho sự thờ ơ của mình; chúng ta luôn cố gắng vạch giới
tuyến giữa “ta” và “họ”, giữa “người mà tôi phải cư xử tôn trọng” và “người mà
tôi có thể phớt lờ”. Bằng cách này, vô hình trung chúng ta trở nên mất khả năng
cảm thông với người khác, như thể những đau khổ của họ là trách nhiệm của chính
họ chứ không phải việc của chúng ta[10].
21) Trong khi đó, dụ ngôn về Người Samari Nhân
Lành thách thức chúng ta đương đầu với “nền văn hóa vứt bỏ” thuộc kỹ thuật số,
và giúp nhau bước ra khỏi vùng an toàn của mình bằng cách tự nguyện nỗ lực tiếp
cận với người khác. Điều này chỉ có thể làm được nếu chúng ta trút rỗng chính
mình, hiểu rằng mỗi người chúng ta là một phần của nhân loại bị tổn thương, và
nhớ rằng Ai Đó đã đoái nhìn chúng ta và chạnh lòng thương chúng ta.
22) Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể – và
phải – là người đi bước trước trong việc vượt qua sự thờ ơ, vì chúng ta tin vào
một “Thiên Chúa không thờ ơ”[11].
Chúng ta có thể và phải là người ngừng đặt câu hỏi: “Tôi thực sự phải quan tâm
đến người khác tới mức nào?”, và thay vào đó ta bắt đầu hành động như những người
thân cận, loại bỏ cái tâm thức loại trừ và xây dựng lại tâm thức cộng đồng[12].
Chúng ta có thể và phải là người chuyển từ cách hiểu phương tiện kỹ thuật số
như một trải nghiệm cá nhân sang một cách hiểu đặt nền trên sự gặp gỡ lẫn nhau,
là điều thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng.
23) Thay vì hành động một cách cá nhân, sản xuất
nội dung hoặc phản ứng trước những thông tin, ý tưởng và hình ảnh do người khác
chia sẻ, chúng ta cần tự hỏi: Bằng cách nào chúng ta có thể cùng nhau đem lại
những kinh nghiệm trực tuyến lành mạnh hơn, trong đó mọi người có thể tham gia
vào các cuộc trò chuyện và vượt qua những bất đồng với một tinh thần biết lắng
nghe nhau?
Bằng cách nào chúng ta có thể làm cho các cộng
đồng có khả năng tìm cách vượt qua những chia rẽ, thúc đẩy sự đối thoại và tôn
trọng trong các nền tảng mạng xã hội?
Bằng cách nào chúng ta có thể trả môi trường
trực tuyến về chỗ thích đáng của nó: một nơi của chia sẻ, cộng tác, và của cảm thức thuộc về, dựa trên sự tin tưởng
lẫn nhau?
24) Mọi người đều có thể tham gia vào việc
mang lại sự thay đổi này qua việc dấn thân với người khác, và thách đố chính
mình gặp gỡ người khác. Là những tín hữu, chúng ta được kêu gọi trở thành những
nhà truyền thông, là những người muốn hướng tới sự gặp gỡ. Bằng cách này, chúng
ta có thể tìm kiếm những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa và lâu bền, chứ không chỉ hời hợt
và phù du. Thật vậy, khi định hướng các kết nối kỹ thuật số hướng tới gặp gỡ những
con người thực, hình thành các mối quan hệ thực và xây dựng cộng đồng thực, đó
là chúng ta đang thực sự nuôi dưỡng mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Nghĩa
là, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng phải được nuôi dưỡng qua việc
cầu nguyện và đời sống bí tích của Giáo hội, những điều mà tự yếu tính của
chúng không bao giờ có thể bị thu gọn vào lĩnh vực “kỹ thuật số”.
II. TỪ NHẬN THỨC TỚI GẶP GỠ THỰC
Học hỏi
từ con người biết chạnh lòng thương (x. Lc 10,33).
Những người chăm chú lắng nghe
25) Suy tư về sự tham gia của chúng ta với mạng
xã hội bắt đầu từ nhận thức về cách mà các mạng lưới này làm việc, cũng như về
những cơ hội và những thách thức mà chúng ta gặp trong đó. Dù các mạng xã hội
trực tuyến vốn có xu hướng lôi kéo đi về chủ nghĩa cá nhân và đề cao bản thân,
như được mô tả trong chương trước, thì chúng ta vẫn không tất yếu phải rơi vào
những thái độ ấy. Người môn đệ gặp được ánh nhìn thương xót của Đức Kitô sẽ cảm
nghiệm được một điều khác. Họ biết rằng sự giao tiếp tốt đẹp khởi sự với việc lắng
nghe và với nhận thức rằng trước mặt mình là một người khác. Lắng nghe và nhận
thức nhằm thúc đẩy gặp gỡ và vượt qua những trở ngại đang tồn tại, kể cả trở ngại
của sự thờ ơ. Lắng nghe theo cách này là một bước thiết yếu để tương tác với
người khác; nó là yếu tố tiên vàn không thể thiếu cho truyền thông, và là một
điều kiện cho đối thoại đích thực[13].
26) Trong dụ ngôn Người Samari Nhân Lành, nạn
nhân bị đánh đập và bị bỏ cho chết đã được cứu giúp bởi một người bất ngờ nhất:
vào thời Đức Giêsu, người Do thái và người Samari thường không hòa thuận. Thái
độ được chờ đợi ở đây hầu chắc là sự thù địch. Thế nhưng, người Samari ấy không
nhìn nạn nhân bị đánh như một “người khác”, mà đơn giản là một người cần được cứu
giúp. Anh động lòng trắc ẩn, anh đặt mình vào hoàn cảnh của người khác; và anh
đã xả thân, cống hiến thời gian, sức lực của mình để lắng nghe và đồng hành với
người mà anh gặp gỡ[14].
27) Dụ ngôn này có thể truyền cảm hứng cho các
mối quan hệ trên mạng xã hội, vì nó minh họa khả năng của một cuộc gặp gỡ có ý
nghĩa thâm sâu giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samari phá vỡ “sự chia rẽ
xã hội”: anh ta vượt lên trên ranh giới của sự đồng ý và bất đồng. Trong khi vị
tư tế và thầy Lêvi bỏ qua người bị thương, thì người lữ khách Samari nhìn thấy
nạn nhân và chạnh lòng thương (x. Lc
10,33). Chạnh lòng thương có nghĩa là cảm thấy rằng người khác là một phần
của mình. Người Samari lắng nghe câu chuyện của nạn nhân; anh đến để tiếp cận
vì anh được đánh động từ bên trong.
28) Tin Mừng Luca không ghi lại mẩu đối thoại
nào giữa hai người. Chúng ta có thể tưởng tượng người Samari gặp người bị
thương và hỏi, chẳng hạn: “Bạn bị sao vậy?” Nhưng ngay cả khi không có lời nói,
thì qua thái độ cởi mở và ân cần của anh, một cuộc gặp gỡ bắt đầu. Cử chỉ đầu
tiên ấy diễn tả sự quan tâm, và điều này rất quan trọng. Khả năng lắng nghe và
sự cởi mở đối với câu chuyện của người khác, mà không băn khoăn về những định
kiến văn hóa của thời ấy, đã giúp người bị thương không bị bỏ mặc cho đến chết.
29) Tương tác giữa hai người ấy thôi thúc
chúng ta thực hiện bước đầu tiên trong thế giới kỹ thuật số. Chúng ta được mời
gọi nhìn thấy giá trị và phẩm giá của những người khác biệt so với mình. Chúng
ta cũng được mời gọi nhìn vượt ra khỏi hệ thống an toàn của mình, khỏi căn hầm
của mình, và những bong bóng của mình. Việc trở thành một người thân cận trong
môi trường mạng xã hội đòi hỏi phải có chủ ý. Và tất cả bắt đầu với khả năng lắng
nghe tốt, cho phép thực tại của người khác chạm vào chúng ta.
Đánh cắp sự chú ý của chúng ta
30) Lắng nghe là một kỹ năng cơ bản cho phép
chúng ta đi vào những mối quan hệ với người khác, chứ không chỉ là chuyện trao
đổi thông tin. Tuy nhiên, các thiết bị của chúng ta có đầy ắp thông tin. Chúng
ta thấy mình được nhúng trong một mạng lưới thông tin, kết nối với những người
khác thông qua các bài đăng bằng văn bản, hình ảnh, và âm thanh. Các nền tảng mạng
xã hội cho phép chúng ta cuộn (scroll) không ngớt khi khám phá bối cảnh này. Mặc
dù chắc chắn video và âm thanh đã gia tăng sự phong phú của truyền thông kỹ thuật
số, nhưng các tương tác qua phương tiện truyền thông của chúng ta vẫn còn hạn
chế. Chúng ta thường bắt gặp thông tin một cách nhanh chóng mà không có bối cảnh
đầy đủ và cần thiết. Chúng ta có thể phản ứng dễ dàng và tức thời với thông tin
trên màn hình mà không tìm hiểu toàn bộ câu chuyện.
31) Nguồn thông tin dồi dào này có nhiều lợi
ích: khi chúng ta tham gia vào mạng lưới, thông tin sẽ được truy cập nhanh
chóng và rộng rãi, và được cá nhân hóa theo sở thích của chúng ta. Chúng ta có
thể có được thông tin thực tiễn, duy trì kết nối xã hội, khám phá các nguồn,
đào sâu và mở rộng kiến thức của mình. Việc dễ dàng tiếp cận thông tin và
liên lạc cũng có tiềm năng tạo ra những không gian rộng mở, mang lại tiếng nói
cho những người trong các cộng đồng của chúng ta vốn bị gạt ra ngoài lề bởi sự
bất công xã hội hoặc kinh tế.
32) Đồng thời, nguồn thông tin vô tận cũng tạo
ra một số thách thức. Chúng ta kinh nghiệm tình trạng quá tải thông tin vì khả năng xử lý của chúng ta phải chịu đựng lượng
thông tin quá mức được cung cấp cho mình. Cũng trong chiều hướng này, chúng ta
kinh nghiệm tình trạng quá tải tương tác
xã hội vì chúng ta phải nhận rất nhiều những mời chào xã hội. Các trang
web, các ứng dụng và các nền tảng khác nhau được lập trình để đánh vào khao
khát được nhìn nhận của con người chúng ta, và chúng không ngừng tranh giành sự
chú ý của mọi người. Bản thân sự chú ý đã trở thành tài sản và hàng hóa quí giá
nhất.
33) Trong môi trường này, sự chú ý của chúng
ta không tập trung, khi chúng ta cố gắng điều hướng mạng lưới thông tin và
tương tác xã hội tràn ngập này. Thay vì tập chú vào một vấn đề tại một thời điểm,
sự chú ý phân mảnh liên tục của chúng
ta chuyển nhanh từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng “luôn mở” của
mình, chúng ta đứng trước cám dỗ đăng ngay lập tức, vì về mặt sinh lý, chúng ta
nghiêng về sự kích thích của kỹ thuật số, luôn muốn có thêm nội dung khi cuộn
(scroll) vô tận và thất vọng khi thiếu thông tin cập nhật. Nền văn hóa kỹ thuật
số có một thách thức đáng kể về nhận thức, đó là chúng ta mất khả năng suy nghĩ
sâu sắc và có hướng đích. Chúng ta lướt qua bề mặt và vẫn ở trên cạn, thay vì
suy ngẫm sâu xa các thực tại.
34) Chúng ta phải ý thức hơn về phương diện
này. Nếu không có sự thinh lặng và không gian để suy nghĩ chậm rãi, sâu sắc và
có chủ đích, chúng ta có nguy cơ đánh mất không chỉ khả năng nhận thức mà còn cả
chiều sâu trong các tương tác của mình, cả với con người lẫn với Thiên Chúa.
Không gian cho sự chăm chú lắng nghe, cho sự chú ý, và cho việc phân định sự thật
đang trở nên hiếm hoi.
Cái quá trình được gọi là chú ý - quan tâm - ham muốn - hành động, rất quen thuộc với các nhà
quảng cáo, thì tương tự như quá trình mà bất kỳ cám dỗ nào xâm nhập vào tâm hồn
con người và lôi kéo sự chú ý của chúng ta ra khỏi lời duy nhất thực sự có ý
nghĩa và trao ban sự sống, tức Lời Thiên Chúa. Cách này hay cách khác, chúng ta
vẫn đang dành chú ý cho con rắn cũ, nó chỉ cho chúng ta những trái cấm mới mỗi
ngày. Chúng có vẻ “ngon, bổ và đẹp mắt, lại đáng ao ước vì được khôn ngoan” (St 3,6). Như những hạt giống rơi ở vệ đường,
lời được gieo, và chúng ta để cho ma quỷ đến lấy đi lời đã gieo trong mình (x. Mc 4,14-15).
35) Với quá nhiều sự kích thích và dữ liệu mà
chúng ta nhận được như vậy, sự thinh lặng là một điều quí giá, vì nó bảo đảm
không gian cho sự tập trung và phân định[15].
Sức đẩy tìm kiếm sự thinh lặng trong nền văn hóa kỹ thuật số làm tôn lên tầm
quan trọng của việc tập trung và lắng nghe. Trong các môi trường giáo dục hoặc
công việc cũng như trong các gia đình và cộng đồng, ngày càng có nhu cầu tách
mình ra khỏi các thiết bị kỹ thuật số. “Sự thinh lặng” trong trường hợp này có
thể được so sánh với một “sự giải độc kỹ thuật số”, không chỉ đơn giản là một sự
rút lui mà là một cách để gắn kết sâu xa hơn với Thiên Chúa và với người khác.
36) Việc lắng nghe xuất phát từ sự thinh lặng
và là nền tảng cho việc quan tâm đến người khác. Bằng cách lắng nghe, chúng ta
chào đón ai đó, chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách và thể hiện sự tôn trọng đối với
người ấy. Lắng nghe cũng là một hành động khiêm nhường của chúng ta, vì chúng
ta nhìn nhận sự thật, sự khôn ngoan và giá trị vượt ngoài tầm nhìn hạn chế của
mình. Nếu không sẵn lòng lắng nghe, chúng ta không thể nhận được quà tặng của
người khác.
Nghe bằng trái tim
37) Với tốc độ và tính tức thời của nền văn
hóa kỹ thuật số, thứ trắc nghiệm sự chú ý và khả năng tập trung của chúng ta,
thì việc lắng nghe càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống thiêng liêng của
chúng ta. Một phương thức đậm tính chiêm niệm sẽ đi ngược dòng văn hóa, ngay cả
sẽ có tính ngôn sứ, và có thể có năng lực đào tạo không chỉ cho con người mà
còn cho toàn bộ nền văn hóa.
Một sự dấn thân lắng nghe trên mạng xã hội sẽ
là khởi điểm cơ bản để hướng tới một mạng lưới không quá đặt nặng số lượng
byte, hình đại diện và “lượt thích”, mà nhằm quan tâm đến con người[16].
Bằng cách này, chúng ta chuyển từ những phản ứng nhanh, những giả định sai lầm
và những bình luận đầy bức xúc sang việc kiến tạo các cơ hội đối thoại, khơi
lên các câu hỏi để tìm hiểu thêm, bày tỏ sự quan tâm và lòng trắc ẩn, và nhìn
nhận phẩm giá của những người chúng ta gặp gỡ.
38) Văn hóa kỹ thuật số đã làm tăng vô kể khả
năng chúng ta tiếp cận những người khác. Điều này cũng cho chúng ta cơ hội để lắng
nghe nhiều hơn. Thông thường, khi nói về “lắng nghe” trên mạng xã hội, đó là muốn
nói đến các quy trình giám sát dữ liệu, con số thống kê về tương tác, và các
hành động nhằm phân tích tiếp thị các hành vi xã hội đang có trên mạng. Dĩ nhiên
như vậy thì không đủ để mạng xã hội trở thành một môi trường lắng nghe và đối
thoại. Lắng nghe có chủ đích trong bối cảnh kỹ thuật số đòi hỏi phải lắng nghe
bằng “trái tim”. Việc lắng nghe bằng “trái tim” sẽ vượt xa khả năng nghe âm
thanh về mặt thể lý. Đúng hơn, nó thúc đẩy chúng ta cởi mở với người khác bằng
toàn bộ con người mình: một sự mở lòng
đem lại sự gần gũi[17].
Đó là thái độ quan tâm và hiếu khách, nền tảng để thiết lập giao tiếp. Sự khôn
ngoan này không chỉ áp dụng cho việc cầu nguyện chiêm niệm, mà còn cho những ai
tìm kiếm các mối quan hệ đích thực và các cộng đồng đích thực. Khát vọng được ở
trong mối quan hệ với tha nhân và với Thiên Chúa, Đấng Khác, vẫn là một nhu cầu
cơ bản của con người, một nhu cầu cũng được thấy rõ qua mong muốn được kết nối
trong văn hóa kỹ thuật số[18].
39) Để chúng ta có thể lớn lên trong khả năng
biết lắng nghe, thì thiết yếu cần một cuộc đối thoại nội tâm và một mối quan hệ
với Thiên Chúa, điều trở nên có thể nhờ ơn ban đức tin. Lời Chúa cũng có một
vai trò nền tảng trong cuộc đối thoại nội tâm này. Việc lắng nghe Lời Chúa
trong Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện, xuyên qua việc đọc các bản văn Kinh
Thánh để di dưỡng tâm linh, như thực hành lectio
divina, sẽ có sức đào tạo sâu xa, vì nó cho phép một kinh nghiệm chiêm niệm
đầy chú tâm và chậm rãi[19].
40) “Lời Chúa của ngày” hoặc “Phúc Âm của
ngày” là một trong những chủ đề được các Kitô hữu tìm kiếm nhiều nhất trên
Google, và hoàn toàn có thể nói rằng môi trường kỹ thuật số đã cung ứng cho
chúng ta nhiều khả năng mới mẻ và dễ dàng hơn để thường xuyên “gặp gỡ” Lời
Chúa. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Lời của Thiên Chúa hằng sống, ngay cả trên mạng,
sẽ chuyển đổi cách tiếp cận của chúng ta từ việc xem thông tin trên màn hình
sang việc gặp một người đang kể câu chuyện. Nếu chúng ta ghi nhớ rằng mình đang
kết nối với những người khác đằng sau màn hình, thì việc luyện tập lắng nghe có
thể mở rộng thái độ cởi mở đón nhận những câu chuyện của người khác, và các mối
quan hệ bắt đầu được tạo lập.
Phân định sự hiện diện của chúng ta trên mạng xã hội
41) Từ nhãn quan đức tin, việc truyền đạt cái gì và truyền đạt như thế nào không chỉ là một vấn đề thực
tiễn mà còn là một vấn đề thiêng liêng. Việc có mặt trên các nền tảng mạng xã hội
yêu cầu sự phân định. Trong những bối cảnh này, việc truyền đạt tốt đòi có sự
thận trọng, và cần phải cầu nguyện để cân nhắc cách tương tác với người khác.
Việc tiếp cận vấn đề này qua lăng kính câu hỏi của người kinh sư (“Ai là người
thân cận của tôi?”) sẽ yêu cầu việc phân định sự hiện diện của Thiên Chúa trong
và qua cách chúng ta liên hệ với nhau trên các nền tảng truyền thông xã hội.
42) Trên mạng xã hội, thân cận là một khái niệm phức tạp. “Người thân cận” trên mạng xã hội
rõ ràng nhất là những người mà chúng ta duy trì kết nối. Đồng thời, những người
thân cận của chúng ta cũng thường là những người mà chúng ta không thể nhìn thấy,
vì các nền tảng ngăn chúng ta nhìn thấy họ hoặc đơn giản là vì họ không có ở
đó. Môi trường kỹ thuật số cũng được chia sẻ bởi những ‘người’ tham gia khác,
như “ứng dụng robot trên internet” và “deepfakes”, tức các chương trình máy
tính tự động hoạt động trực tuyến với các nhiệm vụ được giao, thường mô phỏng
hành động của con người hoặc thu thập dữ liệu.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội được kiểm
soát bởi một “thẩm quyền” bên ngoài, thường là một tổ chức vì lợi nhuận - tổ chức
này phát triển, điều hành và thúc đẩy các thay đổi khiến cho nền tảng mạng xã hội
được lập trình và hoạt động. Theo nghĩa rộng hơn, tất cả những thứ này đều “sống
trong” hoặc góp phần vào “vùng thân cận” trực tuyến.
43) Nhận ra người thân cận kỹ thuật số của
chúng ta, chính là nhận ra rằng cuộc sống của mọi người liên quan đến chúng ta,
cho dù sự hiện diện (hay vắng mặt) của họ được truyền đạt gián tiếp bởi các
phương tiện kỹ thuật số. “Các phương tiện truyền thông ngày nay cho phép chúng
ta giao tiếp và chia sẻ kiến thức cũng như tình cảm của mình”, như Đức Thánh
Cha Phanxicô nói trong Thông điệp Laudato
si’, “nhưng đôi khi chúng cũng ngăn cản chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nỗi
đau, nỗi sợ hãi và niềm vui của người khác, cũng như tính phức tạp trong các
kinh nghiệm riêng của họ.”[20]
Trở nên người thân cận trên mạng xã hội có nghĩa là hiện diện với câu chuyện của
người khác, nhất là những ai đang đau khổ. Nói cách khác, ủng hộ các môi trường
kỹ thuật số tốt hơn không có nghĩa là không chú tâm tới các vấn đề cụ thể mà
nhiều người gặp phải – ví dụ như đói, nghèo, di cư bắt buộc, chiến tranh, bệnh
tật và cô đơn. Đúng hơn, nó có nghĩa là ủng hộ một tầm nhìn toàn diện về cuộc sống
con người, ngày nay bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật số. Thật vậy, mạng xã hội có
thể là một cách để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những thực tế này và xây dựng
tình liên đới giữa những người ở gần hay ở xa.
44) Khi xem mạng xã hội như một không gian
không chỉ dành cho những kết nối mà trên hết là cho các mối quan hệ, thì một cuộc
“xét mình” đúng đắn về sự hiện diện của chúng ta trên các mạng xã hội phải bao
gồm ba mối quan hệ cốt yếu: với Thiên Chúa, với người lân cận, và với môi trường
xung quanh mình[21].
Mối quan hệ với những người khác và với môi trường của chúng ta phải nuôi dưỡng
mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa; và mối quan hệ của chúng ta với Thiên
Chúa, vốn là điều quan trọng nhất, phải được diễn tả trong mối quan hệ của ta với
những người khác và với môi trường.
III. TỪ SỰ GẶP GỠ TỚI CỘNG ĐỒNG
“Xin
chăm sóc anh ấy” (x. Lc 10,35) – mở rộng tiến trình chữa lành tới những người
khác.
Diện đối diện
45) Truyền thông bắt đầu bằng sự kết nối và hướng
tới các mối quan hệ, tới cộng đồng và sự hiệp thông[22].
Không có truyền thông nếu không có một cuộc gặp gỡ thực sự. Giao tiếp là thiết
lập các mối quan hệ; nghĩa là “sống với”. Trở thành cộng đồng, đó là chia sẻ với
người khác những sự thật cơ bản về mình
có gì và mình là ai. Vượt xa sự gần
gũi về địa lý-lãnh thổ hay sắc tộc-văn hóa đơn thuần, điều tạo nên một cộng đồng
đó là cùng chia sẻ sự thật với cảm thức
thuộc về, hỗ tương và liên đới, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống
xã hội. Điều quan trọng là cần nhớ rằng việc xây dựng sự hiệp nhất cộng đồng
thông qua các thực hành giao tiếp – điều duy trì các mối ràng buộc xã hội xuyên
qua không gian và thời gian – sẽ luôn là thứ yếu so với việc gắn kết với chính
sự thật.
46) Làm thế nào để xây dựng một cộng đồng
thông qua các hoạt động giao tiếp ngay cả giữa những người không ở gần nhau, đó
thực ra là một vấn nạn rất cũ. Trong các lá thư của các Tông đồ, chúng ta có thể
nhận ra sự căng thẳng giữa sự hiện diện qua trung gian và niềm ao ước được gặp
gỡ trực tiếp. Chẳng hạn, thánh sử Gioan kết thúc bức thư thứ hai và thứ ba của
mình bằng câu: “Tôi có nhiều điều muốn viết cho anh em, nhưng tôi không muốn
dùng giấy và mực. Trái lại, tôi mong được đến thăm anh em và nói chuyện trực tiếp
với anh em, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (2 Ga 12). Điều này cũng đúng đối với Tông đồ Phaolô, ngay cả khi
ngài vắng mặt và “ao ước được gặp mặt” mọi người cách đích thân (1Tx 2,17), cũng đã nhờ các bức thư của
ngài mà hiện diện trong đời sống của mọi cộng đoàn do ngài thành lập (x. 1Cr 5,3). Các lá thư ngài viết cũng
giúp “kết nối” các cộng đoàn khác nhau (x.
Cl 4,15-16). Khả năng xây dựng cộng đoàn của Phaolô đã được truyền lại cho
thời đại chúng ta qua nhiều bức thư của ngài, trong đó chúng ta nhận biết rằng
đối với ngài, không có sự tương phản giữa sự hiện diện thể lý và sự hiện diện
qua thư từ ngài viết được cộng đoàn đọc lại (x. 2Cr 10,9-11).
47) Trong thực tại ‘đời thực (onlife)’ ngày càng gia tăng của thế giới ngày nay, cần phải
vượt qua kiểu luận lý “hoặc A hoặc B” - trong đó ta nghĩ về các mối quan hệ của
con người theo kiểu luận lý lưỡng phân (kỹ
thuật số đối nghịch với hiện diện thể
lý), để chấp nhận loại luận lý “cả A lẫn B”, dựa trên tính bổ trợ và tính
toàn vẹn của đời sống con người và xã hội. Những mối liên hệ cộng đồng trên các
mạng xã hội cần phải củng cố các cộng đồng địa phương và ngược lại. “Việc sử dụng
mạng xã hội là bổ trợ cho cuộc gặp gỡ bằng xương thịt, vốn sống động nhờ thân
xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, hơi thở của người khác. Nếu Mạng được sử dụng
như để nối dài hoặc mong đợi một cuộc gặp gỡ như thế, thì khái niệm mạng không
mâu thuẫn và vẫn là một tài nguyên cho sự hiệp thông”[23].
“Thế giới kỹ thuật số có thể là nơi đầy tình người, không phải là một mạng lưới
dây nhợ, nhưng là một mạng lưới những con người”[24],
nếu chúng ta nhớ rằng ở phía bên kia màn hình không phải là “những con số” hay
chỉ là “tập hợp của những cá nhân”, mà là những con người có những câu chuyện,
những giấc mơ, những kỳ vọng, những đau khổ. Những con người có tên gọi và có
khuôn mặt.
Trên đường đi Giêricô
48) Truyền thông kỹ thuật số cho phép người ta
gặp nhau vượt quá các vành đai của không gian và văn hóa. Ngay cả khi những cuộc
gặp gỡ kỹ thuật số này không nhất thiết mang lại sự gần gũi về thể lý, chúng vẫn
có thể có ý nghĩa, có ảnh hưởng, và rất thực tế. Vượt ngoài sự kết nối đơn thuần,
chúng có thể là một đại lộ để tương tác chân thành với người khác, để đi vào những
cuộc trò chuyện có ý nghĩa, để bày tỏ tình liên đới, và để xoa dịu sự cô lập và
nỗi đau của ai đó.
49) Mạng xã hội có thể được coi là một “con đường
khác dẫn đến Giêricô”, đầy những cơ hội gặp gỡ bất ngờ như đã xảy ra với Chúa
Giêsu: một người hành khất mù kêu lớn tiếng bên vệ đường (x. Lc 18,35-43), một người thu thuế bất lương nấp trong những cành
cây sung (x. Lc 19,1-9), và một người
đàn ông bị thương dở sống dở chết do bọn cướp bỏ lại (x. Lc 10,30). Đồng thời, dụ ngôn Người Samari Nhân Lành nhắc chúng
ta rằng duy chỉ sự kiện một người nào đó “là chức sắc trong đạo” (thầy tư tế
hay thầy Lêvi) hoặc tự nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu, thì không có gì bảo
đảm rằng họ sẽ giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự chữa lành và sự hòa giải. Anh mù đã bị
các môn đệ của Chúa Giêsu quát mắng và bảo im đi; sự giao tiếp của Dakêu với
Chúa Giêsu gây ra những tiếng càu nhàu của những người khác; người đàn ông bị
thương thì hoàn toàn bị phớt lờ bởi thầy tư tế và thầy Lêvi khi đi ngang qua.
50) Tại các giao lộ kỹ thuật số, cũng như
trong các cuộc gặp gỡ trực tiếp, sự việc ta ‘là Kitô hữu’ thì chưa đủ. Có thể
tìm thấy nhiều tài khoản trên mạng xã hội tuyên bố mình có nội dung tôn giáo
nhưng lại không trung thành dấn thân tạo nên động lực xây dựng tương quan. Những
tương tác thù địch và những từ ngữ bạo lực, hạ nhục gào lên từ màn hình, đặc biệt
trong bối cảnh chia sẻ nội dung Kitô giáo, sẽ là một sự mâu thuẫn với chính Tin
Mừng[25].
Trái lại, Người Samari Nhân Lành, quan tâm và
sẵn sàng gặp gỡ nạn nhân bị thương, động lòng trắc ẩn để ra tay chăm sóc nạn
nhân ấy. Anh chăm sóc các vết thương và đưa nạn nhân đến một quán trọ để bảo đảm
người ấy được tiếp tục chăm sóc. Cũng vậy, niềm ước mong làm cho mạng xã hội trở
thành một không gian nối kết và nhân văn hơn phải được chuyển thành những thái
độ cụ thể và những cử chỉ đầy sáng tạo.
51) Muốn thúc đẩy cảm thức cộng đồng thì cần
quan tâm chia sẻ với nhau: các giá trị, kinh nghiệm, hy vọng, nỗi buồn, niềm
vui, hài hước và cả những chuyện cười, mà tự thân chúng có thể trở thành những
điểm quy tụ người ta trong không gian kỹ thuật số. Cùng với việc lắng nghe,
phân định và gặp gỡ, việc hình thành cộng đồng với người khác đòi hỏi sự dấn
thân cá nhân. Điều được các nền tảng mạng xã hội định nghĩa là “tình bạn” chỉ
đơn thuần bắt đầu như một sự kết nối hay sự thân quen. Tuy nhiên, ở đây cũng có
thể nhấn mạnh đến tinh thần ủng hộ và đồng hành chung với nhau. Để trở thành cộng
đồng thì cần phải có cảm thức tham gia với nhau cách tự nguyện; để trở thành một
hội nhóm như mong muốn thì cần phải quy tụ được các thành viên gần gũi nhau. Sự
tự do và sự ủng hộ nhau không tự dưng mà có. Để hình thành cộng đồng, thì bước
đầu tiên của tiến trình là công việc chữa lành và hòa giải.
52) Ngay cả trên mạng xã hội, “chúng ta phải
quyết định chọn làm người Samari Nhân Lành hoặc làm người bộ hành dửng dưng ngoảnh
mặt bỏ đi. Và nếu chúng ta chịu khó nhìn lại trọn cuộc đời mình cũng như toàn bộ
lịch sử thế giới, chúng ta sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều là hoặc đã là những
nhân vật này: tất cả chúng ta đều có chút gì đó của người bị thương tích, chút
gì đó của kẻ cướp, chút gì đó của người quay mặt bỏ đi và chút gì đó của người
Samari Nhân Lành”[26].
Tất cả chúng ta có thể là kẻ bỏ đi qua trên xa
lộ kỹ thuật số - chỉ đơn giản là “được kết nối”[27]
- hoặc chúng ta có thể làm điều gì đó giống như người Samari kia, cho phép các
kết nối phát triển thành những cuộc gặp gỡ thực sự. Người lữ khách tình cờ đã
trở thành một người thân cận khi anh ta chăm sóc cho nạn nhân bị thương bằng việc
băng bó các vết thương. Khi chăm sóc cho người ấy, anh nhằm mục đích chữa lành
không chỉ những vết thương thể xác mà cả những chia rẽ và thù hận tồn tại giữa
các nhóm xã hội của hai người.
53) Vậy thì, trên mạng xã hội, “chữa lành” có
nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể “hàn gắn” sự chia rẽ? Làm thế nào
chúng ta có thể xây dựng các môi trường trong Giáo hội có khả năng chào đón và
hội nhập “các vùng ngoại biên về địa lý và hiện sinh” của các nền văn hóa ngày
nay? Những câu hỏi như thế này rất thiết yếu để nhận ra sự hiện diện của Kitô hữu
trên các xa lộ kỹ thuật số.
“Ngày nay, chúng ta có thời cơ thuận tiện để
chứng tỏ rằng tự bản chất chúng ta là anh chị em với nhau, để trở thành những
người Samari Nhân Lành nhận về mình nỗi đau của người khác, thay vì kích động hận
thù và oán giận. Tựa như người bộ hành trong dụ ngôn tình cờ đi qua, chúng ta
chỉ cần để mình được thúc đẩy bởi ước muốn tự nhiên, trong sáng và đơn giản, là
làm nên một dân tộc, là miệt mài dấn thân giúp cho người quỵ ngã bên đường được
đón nhận, được hội nhập và được nâng dậy.”[28]
“Hãy đi và cũng làm như vậy”
54) Mối quan hệ sinh ra mối quan hệ, cộng đồng
xây dựng cộng đồng. Ơn phước của mối quan hệ được xây dựng giữa hai người thì
vượt quá sự tương tác của họ. Con người được tạo dựng cho các mối quan hệ và
cho cộng đồng. Đồng thời, tình trạng cô đơn và cô lập đang lan tràn trong thực
tế văn hóa của chúng ta, như chúng ta đã kinh nghiệm cách sâu sắc trong đại dịch
COVID-19. Những người đang tìm kiếm sự bầu bạn, nhất là những người bị gạt ra
bên lề, thường chuyển sang các không gian kỹ thuật số để tìm nối kết với cộng đồng,
tìm sự hòa nhập và liên đới với những người khác. Trong khi nhiều người tìm được
niềm an ủi khi kết nối với những người khác trong không gian kỹ thuật số, thì
nhiều người khác lại thấy không thỏa đáng. Có lẽ chúng ta thất bại trong việc
cung cấp không gian cho những người muốn tham gia đối thoại và muốn tìm được sự
ủng hộ mà không gặp phải những thái độ phán xét hay phòng thủ.
55) Sự dịch chuyển từ gặp gỡ sang quan hệ và
tiến tới cộng đồng liên quan đến cả những quà tặng lẫn những thách thức của văn
hóa kỹ thuật số. Đôi khi các cộng đồng trực tuyến hình thành khi người ta tìm
thấy mảnh đất chung qua việc thu thập những điểm chống lại một “kẻ khác” bên
ngoài, một kẻ thù chung về mặt ý thức hệ. Kiểu phân cực này tạo ra một “não trạng
bộ lạc kỹ thuật số”, trong đó nhóm này đấu với nhóm khác trong tinh thần thù địch.
Chúng ta không thể quên sự có mặt của những người khác, những anh em chị em, những
con người có phẩm giá ở bên kia các giới tuyến bộ lạc này. Chúng ta “không được
phân loại người khác để quyết định ai là và ai không phải là người thân cận của
mình. Chính tôi phải quyết định làm một người thân cận hay không - quyết định
là của tôi – chính tôi phải quyết định mình là
hay không là người thân cận của những
người mà tôi gặp gỡ, những người cần sự giúp đỡ, ngay cả khi họ là người lạ hoặc
có thể là thù địch.”[29]
Đáng tiếc là những mối quan hệ đổ vỡ, những xung đột và chia rẽ không phải là
hiếm trong Giáo hội. Ví dụ, khi các nhóm tự xưng mình là “Công giáo” nhưng dùng
sự hiện diện của mình trên mạng xã hội để gây chia rẽ, thì đó là họ không hành
xử như một cộng đồng Kitô giáo thực sự
nên làm[30].
Thay vì nhấn mạnh đến các xung đột và mồi nhử đối đầu, các thái độ thù địch nên
trở thành cơ hội để hoán cải, một cơ hội cho sự gặp gỡ, đối thoại và hòa giải
xung quanh các vấn đề có vẻ gây chia rẽ[31].
56) Việc tham gia vào mạng xã hội phải vượt
quá những trao đổi ý kiến cá nhân hay mô phỏng các hành vi. Hành động xã hội
được vận động qua mạng xã hội đã có tác động lớn hơn và thường hiệu quả hơn
trong việc chuyển hóa thế giới so với một cuộc tranh luận hời hợt về các ý tưởng.
Các cuộc tranh luận này thường bị giới hạn bởi số lượng ký tự được cho phép
cũng như tốc độ người ta phản ứng đối với các bình luận, chưa kể những lập luận
ad hominem nặng cảm tính, tức tấn
công trực tiếp vào người nói, bất kể toàn bộ chủ đề đang được thảo luận là gì.
Chia sẻ ý tưởng là cần thiết, nhưng chỉ có ý
tưởng thôi thì không hiệu quả; các ý tưởng phải trở thành “xác thịt”. Mảnh đất
phải được làm cho màu mỡ bằng các hành động hằng ngày[32].
Học tập từ tấm gương người Samari ấy, chúng ta
được kêu gọi chú ý đến năng động này. Anh ta không dừng lại ở cảm nghĩ thương hại;
anh ta thậm chí không dừng lại ở việc băng bó vết thương cho một người lạ. Anh
đi xa hơn, đưa người bị thương ấy đến một quán trọ và sắp xếp để người ấy được
tiếp tục chăm sóc[33].
Nhờ sự sắp xếp này, mối quan hệ chăm sóc và các hạt giống của cộng đồng được
thiết lập giữa người Samari và người bị thương lại được mở rộng đến chủ quán trọ
và cả gia đình.
Giống như người kinh sư ấy, chúng ta cũng vậy,
khi hiện diện trên truyền thông kỹ thuật số, chúng ta được mời “hãy đi và cũng
làm như vậy” và qua đó thúc đẩy thiện ích chung. Làm thế nào chúng ta có thể
giúp chữa lành một môi trường kỹ thuật số độc hại? Làm thế nào chúng ta có thể
thúc đẩy lòng hiếu khách và các cơ hội chữa lành và hòa giải?
57) Lòng hiếu khách xây dựng trên sự cởi mở mà
chúng ta đem lại khi gặp gỡ người khác; qua đó, chúng ta tiếp đón Đức Kitô
trong lốt người khách lạ (x. Mt 25,40).
Để được như vậy, các cộng đồng kỹ thuật số phải chia sẻ nội dung và sở thích
nhưng cũng phải cùng nhau hành động và trở thành chứng nhân cho sự hiệp thông.
Đã có những biểu hiện mạnh mẽ về cộng đồng chăm sóc trong bối cảnh kỹ thuật số.
Ví dụ, có những nhóm được qui tụ để để hỗ trợ người khác trong hoàn cảnh ốm
đau, mất mát, đau buồn, cũng như những nhóm huy động sự đóng góp từ cộng đồng
cho người gặp khó khăn, và những nhóm cung cấp sự hỗ trợ tâm lý và xã hội giữa
các thành viên. Tất cả những nỗ lực này có thể được coi là ví dụ về “sự thân cận
trong thế giới kỹ thuật số”. Những người rất khác nhau có thể tham gia vào một
“cuộc đối thoại về hành động xã hội” trực tuyến. Họ có thể có hoặc không được cảm
hứng bởi đức tin. Trong mọi trường hợp, các cộng đồng - được hình thành để hành
động vì thiện ích của người khác - chính là chìa khóa để vượt qua sự cô lập
trên mạng xã hội.
58) Chúng ta có thể nghĩ ‘vĩ mô’ hơn nữa: mạng
xã hội không phải là thứ đá tảng cứng ngắc. Chúng ta có thể thay đổi nó. Chúng
ta có thể trở thành những tác nhân thay đổi, hình dung những mô hình mới dựa
trên sự tin tưởng, minh bạch, bình đẳng và rộng mở. Cùng với nhau, chúng ta có
thể thúc bách các công ty truyền thông xem xét lại vai trò của họ và cho phép
internet trở thành một không gian công cộng thực sự. Những không gian công cộng
được cấu trúc tốt sẽ có thể thúc đẩy hành vi xã hội tốt hơn. Do đó, chúng ta cần
xây dựng lại các không gian kỹ thuật số để chúng trở thành những môi trường
lành mạnh và nhân văn hơn.
Chia sẻ một bữa ăn
59) Là một cộng đoàn đức tin, Giáo hội đang
hành hương về Nước Trời. Vì mạng xã hội, và rộng hơn nữa, thực tại kỹ thuật số
là một khía cạnh then chốt của hành trình này, nên thật quan trọng khi suy tư về
động lực của sự hiệp thông và cộng đồng đối với sự hiện diện của Giáo hội trong
môi trường kỹ thuật số.
Trong những thời khắc phong tỏa nghiêm trọng
nhất hồi đại dịch, việc phát sóng các cử hành phụng vụ qua mạng xã hội và các
phương tiện truyền thông khác đã mang lại niềm an ủi nhất định cho những người
không thể tham gia trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần suy nghĩ trong
các cộng đoàn đức tin của chúng ta về cách tận dụng môi trường kỹ thuật số để bổ
trợ cho đời sống bí tích. Các vấn đề thần học và mục vụ đã được đặt ra liên
quan đến các chủ đề khác nhau: chẳng hạn, sự khai thác thương mại việc truyền
phát lại Thánh lễ.
60) Cộng đoàn Giáo hội được hình thành nơi nào
có hai ba người tụ họp nhân danh Chúa Giêsu (x. Mt 18,20) bất kể nguồn gốc, nơi cư trú hay gắn kết địa lý. Trong
khi chúng ta có thể nhận ra rằng qua việc phát sóng Thánh lễ, Giáo hội đã đi
vào nhà của mọi người, thì cần phải suy tư về ý nghĩa của việc “tham dự” vào cử
hành Thánh Thể[34].
Sự xuất hiện của nền văn hóa kỹ thuật số và kinh nghiệm đại dịch cho thấy các
sáng kiến mục vụ của chúng ta đã không mấy chú ý đến “Giáo hội tại gia”, là
Giáo hội quy tụ trong nhà và quanh bàn ăn. Về khía cạnh này, chúng ta cần khám
phá lại mối nối kết giữa phụng vụ cử hành trong nhà thờ với việc cử hành của
Chúa bằng những cử chỉ, lời nói và cầu nguyện trong khung cảnh gia đình. Nói
cách khác, chúng ta cần xây dựng lại chiếc cầu nối giữa bàn ăn gia đình và bàn
thờ, nơi chúng ta được di dưỡng tâm linh qua việc lãnh nhận Thánh Thể và được củng
cố sự hiệp thông của mình trong tư cách là những tín hữu.
61) Người ta không thể chia sẻ một bữa ăn qua
màn hình[35].
Tất cả các cảm quan của chúng ta đều hoạt động khi chúng ta dùng bữa: vị giác
và khứu giác, ánh mắt chiêm ngưỡng khuôn mặt của thực khách, lắng nghe những
câu chuyện tại bàn. Ăn chung bàn là bài học đầu tiên của chúng ta về sự quan
tâm đến người khác, nuôi dưỡng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình,
hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp. Tương tự như vậy, chúng ta tham gia với toàn bộ
con người tại bàn thờ: cả tâm trí, tinh thần và thể xác đều tham gia. Phụng vụ
là một kinh nghiệm giác quan; chúng ta đi vào mầu nhiệm Thánh Thể qua cánh cửa
của các giác quan được đánh thức và nuôi dưỡng trong nhu cầu về vẻ đẹp, ý
nghĩa, sự hòa điệu, tầm nhìn, tương tác và cảm xúc. Trên hết, Thánh Thể không
phải là một cái gì để chúng ta chỉ “ngắm nhìn”; vì Thánh Thể thực sự nuôi dưỡng
chúng ta.
62) Hiện
thân là quan trọng đối với các Kitô hữu. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể
trong một thân xác, Người đã chịu đau khổ và chịu chết với thân xác của Người,
và Người đã sống lại trong mầu nhiệm Phục Sinh với thân xác Người. Sau khi về với
Chúa Cha, mọi điều Người trải qua trong thân xác của Người được đưa vào các bí
tích[36].
Người bước vào nơi thánh trên trời và mở ra một con đường hành hương qua đó
thiên ân được đổ tràn trên chúng ta.
63) Được kết nối vượt ngoài ranh giới của
không gian không phải là thành tựu của “những khám phá công nghệ tuyệt vời”. Đó
là điều chúng ta trải nghiệm, ngay cả khi không biết, mỗi lần chúng ta “tụ họp
nhân danh Chúa Giêsu”, mỗi lần chúng ta tham dự vào sự hiệp thông phổ quát của
thân thể Chúa Kitô. Ở đó, chúng ta “kết nối” với Giêrusalem trên trời, gặp gỡ
các thánh của mọi thời đại, và nhìn nhận nhau là các chi thể của cùng một Thân
thể Đức Kitô.
Do đó, như Đức Thánh cha Phanxicô nhắc chúng
ta trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2019, mạng xã hội bổ sung – nhưng không thay thế cho – một cuộc gặp gỡ bằng
xương bằng thịt trở nên sống động qua cơ thể, trái tim, đôi mắt, cái nhìn và
hơi thở của người khác. “Nếu một gia đình sử dụng mạng để kết nối nhiều hơn, để
rồi gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì đó là một tài nguyên. Nếu một cộng
đoàn Hội thánh phối hợp hoạt động của mình thông qua mạng lưới, rồi sau đó cùng
nhau cử hành bí tích Thánh Thể, thì đó là một tài nguyên. (…) Chính Giáo hội là
một mạng lưới được dệt bởi sự hiệp thông Thánh Thể, ở đó sự hiệp nhất không phải
dựa trên những nút “like”, mà dựa trên sự thật, trên “Amen”, nhờ đó mỗi người
bám chặt vào Thân mình Chúa Kitô và đón nhận người khác.”[37]
IV. MỘT PHONG CÁCH ĐẶC SẮC
Hãy yêu…
và ngươi sẽ được sống (x. Lc 10,27-28).
Nội dung (What) và Cách thế (How): Khả
năng sáng tạo của tình yêu
64) Nhiều người sáng tác nội dung Kitô giáo tự
hỏi: Đâu là chiến lược hiệu quả nhất để tiếp cận nhiều người dùng hơn? Công cụ
nào sẽ giúp cho nội dung của tôi hấp dẫn hơn? Phong cách nào hoạt động tốt nhất?
Mặc dù những câu hỏi này hữu ích, nhưng chúng ta nên luôn nhớ rằng truyền thông
không chỉ là một “chiến lược”. Nó bao gồm nhiều hơn thế. Một nhà truyền thông
đích thực sẽ cho đi tất cả, cho đi hết con người mình. Chúng ta truyền thông với
tâm hồn và thể xác, với tâm trí, trái tim, đôi tay, với tất cả mọi thứ[38].
Khi chia sẻ Bánh Hằng Sống, chúng ta học được
“phong cách chia sẻ” từ Đấng đã yêu thương chúng ta và hiến mình vì chúng ta (x. Gl 2,20). Phong cách này được phản
ánh trong ba thái độ – “gần gũi, đồng cảm và dịu dàng” – mà Đức Thánh cha
Phanxicô nhận thấy là những đặc điểm nổi bật của phong cách Thiên Chúa[39].
Chính Chúa Giêsu, trong bữa tối tiệc ly, đã quả quyết với chúng ta rằng dấu hiệu
đặc trưng của các môn đệ Người là yêu thương nhau, như Người đã yêu thương họ.
Căn cứ dấu hiệu này, mọi người có thể nhận ra một cộng đoàn Kitô hữu (x. Ga 13,34-35).
Bằng cách nào chúng ta có thể phản ánh “phong
cách” của Thiên Chúa trên mạng xã hội?
65) Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng bất cứ điều
gì mình chia sẻ trong các bài đăng, các bình luận và lượt thích của mình, bằng
lời nói hoặc văn bản, bằng phim hay hình ảnh hoạt hình, đều phải phù hợp với
phong cách mà chúng ta học được từ Đức Kitô, Đấng truyền tải thông điệp của Người,
không chỉ qua lời nói nhưng qua toàn thể lối sống của Người, cho thấy rằng truyền
thông, ở mức độ sâu xa nhất, là sự hiến thân trong tình yêu[40].
Do đó, chúng ta nói điều gì đó như thế
nào (how) cũng quan trọng như nội dung (what) chúng ta nói. Tất cả
tính sáng tạo hệ tại việc bảo đảm rằng cách
thế (how) tương ứng với nội dung
(what). Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể truyền thông tốt nếu chúng ta
“thực sự yêu thương”[41].
66) Để truyền đạt sự thật, trước tiên chúng ta
phải bảo đảm rằng chúng ta đang chuyển tải thông tin trung thực; không chỉ
trong việc tạo nội dung mà còn trong việc chia sẻ nội dung đó. Chúng ta phải bảo
đảm rằng chúng ta là một nguồn đáng tin cậy. Để truyền đạt sự thiện, chúng ta cần
nội dung chất lượng, một thông điệp hướng đến giúp đỡ chứ không gây hại; để
thúc đẩy hành động tích cực, chứ không lãng phí thời gian trong các cuộc thảo
luận vô bổ. Để truyền đạt cái đẹp, chúng ta cần bảo đảm rằng mình đang truyền đạt
một thông điệp trong tính toàn vẹn của nó, điều này cần nghệ thuật chiêm nghiệm
– một nghệ thuật giúp chúng ta nhìn thấy một thực tại hay một sự kiện liên kết
với nhiều thực tại và nhiều sự kiện khác.
Trong bối cảnh “hậu sự thật” và “tin giả”,
Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), là tiêu biểu cho nguyên tắc hiệp
thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau[42].
Như Đức thánh cha Phanxicô đã nhắc chúng ta trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền
thông năm 2019, “bổn phận bảo vệ sự thật phát sinh từ nhu cầu không phủ nhận mối
tương quan hiệp thông với nhau. Sự thật được tỏ lộ trong mối hiệp thông. Trái lại,
dối trá là ích kỷ phủ nhận việc chúng ta là chi thể của một thân mình; là từ chối
hiến mình cho người khác, do đó đánh mất phương cách duy nhất để tìm gặp chính
mình.”[43]
67) Vì lý do này, điều thứ hai cần nhớ, đó là,
một thông điệp sẽ dễ thuyết phục hơn khi người truyền đạt nó thuộc về một cộng
đồng. Có một nhu cầu cấp thiết phải hành động không chỉ với tư cách cá nhân mà
còn với tư cách là cộng đồng. Khi các mạng xã hội tạo điều kiện cho các sáng kiến
cá nhân sản xuất nội dung, điều này có vẻ như là một cơ hội quý giá, nhưng nó
có thể trở thành vấn đề khi các hoạt động cá nhân được thực hiện một cách thất
thường và không phản ánh mục tiêu và tầm nhìn bao quát của cộng đoàn Giáo hội.
Việc gạt bỏ hoạch định cũng như khẳng định khả năng và kỹ năng của riêng mình,
để khám phá ra rằng mỗi người chúng ta – với tất cả điểm mạnh và điểm yếu của
mình – là một phần của tập thể, đó là một quà tặng có sức thúc đẩy chúng ta cộng
tác như những “chi thể của nhau.” Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một phong
cách truyền thông giúp chúng ta thuộc về nhau, và làm sống lại điều mà thánh
Phaolô gọi là “các khớp nối” giúp các chi thể của một thân thể hoạt động một
cách phối hợp (Cl 2,19).
68) Sự sáng tạo của chúng ta, vì thế, chỉ có
thể là kết quả của hiệp thông: nó không phải là thành quả của một thiên tài cá
nhân vĩ đại, mà đúng hơn là hoa trái của một tình thân hữu vĩ đại. Nói cách
khác, đó là hoa trái của tình yêu. Là những nhà truyền thông Kitô giáo, chúng
ta được kêu gọi làm chứng cho một phong cách truyền thông không chỉ dựa trên cá
nhân, nhưng dựa trên con đường xây dựng và thuộc về cộng đồng. Cách tốt nhất để
truyền tải nội dung là tập hợp tiếng nói của những người yêu thích nội dung đó.
Làm việc cùng nhau như một nhóm, tạo không gian cho những tài năng, những hoàn
cảnh, những năng lực và nhịp độ đa dạng, cùng tạo ra vẻ đẹp trong một “sáng tác
giao hưởng”, đó thực sự là chứng tá đẹp nhất cho thấy chúng ta thực sự là con
cái của Thiên Chúa, được cứu thoát khỏi việc chỉ loay hoay với chính mình, và sẵn
sàng mở ra gặp gỡ tha nhân.
Hãy nói điều đó bằng một câu chuyện
69) Những câu chuyện hay sẽ thu hút sự chú ý
và lôi kéo trí tưởng tượng. Chúng biểu lộ và mở rộng sự quan tâm đối với sự thật.
Các câu chuyện trao cho chúng ta một khung diễn giải để hiểu thế giới và trả lời
những câu hỏi sâu xa nhất của mình. Các câu chuyện sẽ xây dựng cộng đồng, vì cộng
đồng luôn được xây dựng qua truyền thông.
Việc kể chuyện đã đạt được một tầm quan trọng
mới trong văn hóa kỹ thuật số, vì sức mạnh độc đáo của các câu chuyện trong việc
thu hút sự chú ý của chúng ta và ngỏ lời trực tiếp với chúng ta; chúng cũng
cung cấp một bối cảnh truyền thông đầy đủ hơn so với những bài đăng hay những
‘tweet’ bị cắt bớt. Văn hóa kỹ thuật số chứa đầy thông tin và các nền tảng của
nó hầu hết là những môi trường hỗn độn. Các câu chuyện đưa ra một cấu trúc, một
cách để hiểu kinh nghiệm kỹ thuật số. Các câu chuyện thì “cụ thể” hơn là một lập
luận đơn thuần, và phức tạp hơn những phản ứng hời hợt và cảm tính thường gặp
trên các nền tảng kỹ thuật số, vì thế chúng giúp khôi phục các mối quan hệ giữa
con người với nhau bằng cách cung ứng cho mọi người cơ hội chuyển tải câu chuyện
của họ, hoặc chia sẻ những câu chuyện đã giúp biến đổi họ.
70) Lý do chính đáng để kể một câu chuyện, đó
là để trả lời những ai chất vấn về thông điệp hay sứ mạng của chúng ta. Khi ta
phải trả lời một bình luận gây hấn, thì việc tạo ra một câu chuyện để phản biện
sẽ hiệu quả hơn so với việc trả lời bằng một lập luận[44].
Bằng cách này, chúng ta chuyển sự chú ý từ việc phòng thủ sang việc chủ động quảng
bá một thông điệp tích cực và vun xới tình liên đới, như Chúa Giêsu đã làm khi
kể câu chuyện về Người Samari Nhân Lành. Thay vì tranh luận với vị kinh sư về
việc ta nên xem ai là người thân cận của mình và ai là người mình có thể phớt lờ
hoặc thậm chí oán ghét, Chúa Giêsu chỉ kể một câu chuyện. Là một bậc thầy kể
chuyện, Chúa Giêsu không đặt vị kinh sư vào hoàn cảnh của người Samari, nhưng đặt
vào hoàn cảnh của nạn nhân bị thương. Để biết ai là người thân cận của mình,
trước hết người kinh sư phải hiểu rằng ông ta đang ở trong hoàn cảnh của người
bị thương và một người khác đã động lòng trắc ẩn với ông ta. Chỉ khi người kinh
sư khám phá ra điều này và kinh nghiệm được sự chăm sóc của người Samari ấy
dành cho mình, thì ông mới có thể rút ra kết luận về đời sống của chính mình và
biến câu chuyện ấy thành của mình. Chính người kinh sư là người đã rơi vào tay
bọn cướp, và người Samari đến gần ông ta chính là Chúa Giêsu.
Mỗi chúng ta khi nghe câu chuyện này đều là
người bị thương đang nằm đó. Và đối với mỗi chúng ta, người Samari ấy chính là
Chúa Giêsu. Vì nếu chúng ta còn hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”, thì đấy
là vì chúng ta chưa cảm nghiệm mình được yêu thương và cuộc sống của mình được
nối kết với cuộc sống của mọi người khác.
71) Ngay từ buổi đầu của Giáo hội, việc kể câu
chuyện về trải nghiệm sâu sắc được sống với Chúa Giêsu mà các môn đệ của Người
có được đã thu hút những người khác trở thành môn đệ. Sách Công vụ Tông đồ có đầy
những ví dụ như vậy. Chẳng hạn, Phêrô được đầy Thánh Thần và rao giảng về sự Phục
sinh của Đức Kitô cho các khách hành hương vào Lễ Ngũ Tuần. Điều này làm cho ba
ngàn người trở lại (x. Cv 2,14-41). Ở
đây chúng ta có một ý niệm về về việc kể chuyện của chúng ta có thể ảnh hưởng đến
những người khác nhiều như thế nào. Đồng thời, việc kể lại những câu chuyện và
những trải nghiệm chỉ là một yếu tố của việc rao giảng Tin Mừng. Những giải
thích có tính hệ thống về đức tin được thực hiện thông qua định thức các tín điều
và qua các công trình giáo lý khác cũng rất quan trọng.
Xây dựng cộng đồng trong một thế giới
phân mảnh
72) Người ta tìm kiếm ai đó có thể trao cho họ
sự chỉ dẫn và niềm hy vọng; họ khao khát sự hướng dẫn luân lý và tâm linh,
nhưng họ lại thường không gặp được điều đó ở những nơi truyền thống. Hiện nay,
người ta thường tìm đến “những người có ảnh hưởng”, những cá nhân đạt và giữ được
một lượng lớn người theo dõi, những người nhìn xa trông rộng hơn và có thể truyền
cảm hứng cũng như thúc đẩy người khác bằng ý tưởng hoặc kinh nghiệm của họ. Nhờ
vận dụng lý thuyết công luận vào phương pháp tiếp thị trên mạng xã hội, sự
thành công của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã dẫn đến khả năng làm
cho họ nổi bật trong mạng lưới rộng lớn nhờ thu hút một lượng lớn người theo
dõi.
73) Tự nó, việc “lan tỏa” là một hành động
trung tính; nó không tự động có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến cuộc sống của
người khác. Về phương diện này, “các mạng xã hội có thể giúp cho những mối
tương quan được dễ dàng và thúc đẩy thiện ích của xã hội, nhưng chúng cũng có
thể làm gia tăng sự phân cực và chia rẽ giữa các cá nhân và các nhóm. Thế giới
kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người ta có thể yêu
thương hay gây đau thương, tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau
tàn nhẫn.”[45]
74) Những
người có ảnh hưởng vi mô và vĩ mô
Tất cả chúng ta nên xem xét “ảnh hưởng” của
mình một cách nghiêm túc. Không chỉ có những người có ảnh hưởng vĩ mô với lượng
khán giả lớn, mà còn có những người có ảnh hưởng vi mô. Mỗi Kitô hữu là một người
có ảnh hưởng vi mô. Mọi Kitô hữu cần nhận thức được tiềm năng ảnh hưởng của
mình, bất kể mình có bao nhiêu người theo dõi. Đồng thời, cần ý thức rằng giá
trị của thông điệp được chuyển tải bởi “người Kitô hữu có ảnh hưởng” không phụ
thuộc vào các năng lực của người truyền tải. Mọi môn đệ Đức Kitô đều có tiềm
năng thiết lập một liên kết, không phải với chính mình, mà với Nước Thiên Chúa,
ngay cả trong vòng quan hệ nhỏ nhất của mình. “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh
và cả nhà anh sẽ được cứu rỗi” (Cv 16,31).
Tuy nhiên, chúng ta nên nhận ra rằng trách nhiệm
của mình tăng lên theo sự gia tăng số lượng người theo dõi. Số người theo dõi
càng nhiều, chúng ta càng ý thức rằng mình không hành động nhân danh tên tuổi của
mình. Trách nhiệm phục vụ cộng đồng của mình, đặc biệt đối với những người có
vai trò lãnh đạo công chúng, không thể trở thành thứ yếu so với việc quảng bá
quan điểm cá nhân của mình nơi giảng đài công cộng của truyền thông kỹ thuật
số[46].
75) Hãy
phản ánh, không phản ứng
Phong cách Kitô hữu trên mạng xã hội nên là phản
ánh chứ không phản ứng. Vì vậy, tất cả chúng ta nên cẩn thận để không rơi vào
những cái bẫy kỹ thuật số ẩn chứa trong nội dung được thiết kế có chủ ý gieo rắc
xung đột giữa những người dùng bằng cách gây ra những phản ứng phẫn nộ hoặc bức
xúc.
Chúng ta phải ý tứ về việc đăng và chia sẻ nội
dung có thể gây hiểu lầm, khoét thêm chia rẽ, kích động xung đột và đào sâu định
kiến. Thật không may, xu hướng bị lôi cuốn vào các cuộc đấu khẩu ồn ào và đôi
khi thiếu tôn trọng lại rất phổ biến với các tương tác trực tuyến. Tất cả chúng
ta đều có thể rơi vào cám dỗ tìm “cái rác trong mắt” anh chị em mình (Mt 7,3) qua việc công khai đấu tố trên mạng
xã hội, gây chia rẽ trong cộng đoàn Giáo hội hoặc tranh cãi xem ai là người lớn
nhất, như điều đã xảy ra với các môn đệ đầu tiên (Lc 9,46). Kiểu truyền thông có tính đôi co và phiến diện, và do đó
gây chia rẽ, thì đặc biệt đáng lo ngại khi nó đến từ giới lãnh đạo Giáo hội:
các giám mục, các cha sở và các chức sắc lãnh đạo giáo dân. Điều này không chỉ
gây chia rẽ trong cộng đoàn mà còn cho phép và hợp pháp hóa để những người khác
cũng quảng bá kiểu truyền thông như thế.
Trước loại cám dỗ này, thường thì cách hành động
tốt nhất là không phản ứng, hoặc phản ứng bằng sự im lặng để tránh đề cao động
lực sai trái này. Có thể nói rằng loại động lực này không có tính xây dựng, mà
trái lại gây thiệt hại lớn. Vì vậy, các Kitô hữu được mời gọi để hành động một
cách khác.
76) Hãy
tích cực, hãy hiệp hành
Mạng xã hội có thể trở thành một cơ hội để
chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về vẻ đẹp hay nỗi đau ở xa chúng
ta về thể lý. Khi chia sẻ như vậy, chúng ta có thể cầu nguyện với nhau và cùng
nhau tìm kiếm điều tốt đẹp, khám phá lại những gì liên kết chúng ta[47].
Tích cực có nghĩa là tham gia vào các
dự án tác động đến cuộc sống hằng ngày của mọi người: các dự án thăng tiến phẩm
giá và sự phát triển con người, nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng kỹ thuật số,
thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin và xóa mù chữ trên kỹ thuật số, thúc đẩy
các sáng kiến phục vụ và trợ giúp những người nghèo và người bị gạt ra lề, và
đem lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói trong xã hội.
Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt thì
có tính toàn cầu, và do đó đòi hỏi nỗ lực hợp tác toàn cầu. Vì thế, thật khẩn
thiết phải học cách hành động cùng nhau, trong tư cách một cộng đồng chứ không
phải những cá nhân. Không phải với tư cách “những người có ảnh hưởng cá nhân”,
mà là với tư cách “những người đan kết sự hiệp thông”, chúng ta tập hợp các tài
năng và kỹ năng của mình, chia sẻ kiến thức và đóng góp[48].
Vì lý do này, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi
“từng hai người một” (x. Mc 6,7), để
bằng cách bước đi với nhau[49],
chúng ta có thể cho thấy khuôn mặt hiệp hành của Giáo hội cả trên phương tiện
truyền thông xã hội. Đây là ý nghĩa sâu xa của sự hiệp thông có sức liên kết tất
cả những người đã lãnh Phép Rửa trên toàn thế giới. Là Kitô hữu, hiệp thông là
một phần trong “cấu trúc gien” (DNA) của chúng ta. Như vậy, Chúa Thánh Thần
giúp chúng ta mở rộng trái tim mình với người khác, và đón nhận tư cách thành
viên của mình trong tình huynh đệ phổ quát.
Dấu ấn của chứng nhân
77) Sự hiện diện trên mạng xã hội của chúng ta
thường tập trung vào việc lan tỏa thông tin. Theo chiều hướng này, việc trình
bày ý tưởng, giáo huấn, tư tưởng, suy gẫm thiêng liêng, vân vân… trên phương tiện
truyền thông xã hội cần phải trung thành với truyền thống Kitô giáo. Nhưng như
vậy vẫn chưa đủ. Bên cạnh khả năng tiếp cận người khác với nội dung tôn giáo
thú vị, các Kitô hữu chúng ta nên thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và phân định
trước khi hành động, đối xử với mọi người trong lòng tôn trọng, trả lời bằng một
câu hỏi hơn là phán xét, giữ im lặng hơn là chọc khuấy tranh cãi, và “mau nghe,
chậm nói, chậm giận” (Gc 1,19). Nói
cách khác, tất cả những gì chúng ta làm, trong lời nói và hành động, đều phải
mang dấu ấn của chứng nhân. Chúng ta không có mặt trên mạng xã hội để “bán sản
phẩm”. Chúng ta không quảng cáo, nhưng chuyển thông sự sống, là sự sống đã được
ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Vì vậy, mọi Kitô hữu phải cẩn thận để không
chiêu dụ, nhưng là làm chứng.
78) Làm một chứng nhân có nghĩa là gì? Từ ‘chứng
nhân’ trong tiếng Hy Lạp mang nghĩa “tử vì đạo”, và thật đúng đắn khi nói rằng
một số “người có ảnh hưởng nhất của Kitô giáo” là những vị tuẫn đạo. Tính hấp dẫn
của các vị tuẫn đạo, đó là họ thể hiện sự kết hợp với Thiên Chúa qua việc hy
sinh chính mạng sống của mình[50].
“Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng ở
trong anh em, Đấng mà anh em đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sao? Anh em không còn
thuộc về mình” (1Cr 6,19). Thân xác của
các vị tuẫn đạo là khí cụ mẫu mực để mạc khải tình yêu Thiên Chúa.
Trong khi tử vì đạo là dấu chỉ tột đỉnh của chứng
tá Kitô giáo, thì mọi Kitô hữu đều được mời gọi hy sinh chính mình: đời sống
Kitô hữu là một ơn gọi tiêu hao chính sự hiện hữu của chúng ta bằng cách hiến
dâng chính mình, linh hồn và thể xác, để trở thành một không gian truyền thông
tình yêu của Thiên Chúa, một dấu hiệu hướng chỉ Con Thiên Chúa.
Chính trong ý nghĩa này mà chúng ta hiểu rõ
hơn những lời của Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ lớn, chứng nhân đầu tiên của Chúa
Kitô: “Người phải lớn lên; tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Giống như đấng Tiền hô, người đã thúc giục các môn đồ của
mình đi theo Đức Kitô, chúng ta cũng không tìm kiếm “các môn đồ” cho chính
mình, nhưng cho Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể loan báo Tin Mừng bằng cách tạo
nên một sự hiệp thông có sức liên kết chúng ta trong Chúa Kitô. Chúng ta làm điều
này bằng cách noi gương Chúa Giêsu trong việc tương tác với người khác.
79) Sức hấp dẫn của đức tin chạm đến người ta
tại nơi chốn và trong hoàn cảnh của họ ở đây và bây giờ. Từ một người thợ mộc
vô danh ở Nadaret, Chúa Giêsu đã nhanh chóng nổi tiếng khắp vùng Galilê. Chạnh
lòng thương nhìn dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã
công bố Nước Thiên Chúa bằng việc chữa lành các bệnh nhân và giảng dạy cho đám
đông. Để bảo đảm “tầm với” rộng nhất, Người thường nói chuyện với đám đông từ
trên núi hoặc từ trên thuyền. Để thúc đẩy “sự dấn thân” của một số trong đó,
Người đã chọn Nhóm Mười Hai và giải thích mọi sự cho họ. Nhưng rồi, thật bất ngờ,
ở đỉnh cao của “sự thành công”, Người lại rút vào cô tịch với Chúa Cha. Và Người
cũng yêu cầu các môn đệ của mình làm như vậy: khi các ông đang thuật lại thành
quả của các chuyến đi sứ mạng, Người mời các ông lánh đi để nghỉ ngơi và cầu
nguyện. Và khi các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nhóm, thì Người
đã loan báo về cuộc khổ nạn thập giá sắp tới của Người. Điểm nhắm của Người –
mãi sau này các ông mới hiểu – không phải là tăng số lượng thính giả, mà là mặc
khải tình yêu của Chúa Cha, để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải ưu tiên
dành đủ không gian để trò chuyện riêng với Chúa Cha và hưởng ứng sự thúc đẩy của
Chúa Thánh Thần, Đấng luôn nhắc chúng ta rằng mọi sự đã bị đảo ngược trên Thánh
giá. Không có “lượt thích” nào cả và hầu như không có “người theo dõi” nào vào
thời điểm biểu lộ lớn nhất của vinh quang Thiên Chúa! Mọi phép đo lường “thành
công” của con người đều bị tương đối hóa bởi luận lý của Tin Mừng.
80) Đây là chứng tá của chúng ta: bằng lời nói
và cuộc sống của mình, ta làm chứng cho những gì một Người Khác đã làm[51].
Theo nghĩa này, và chỉ theo nghĩa này, chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân
– thậm chí là những thừa sai – của Đức Kitô và Thần Khí của Người. Điều này bao
gồm sự tham gia của chúng ta vào mạng xã hội. Đức tin trước hết có nghĩa là làm
chứng cho niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Và niềm vui này luôn chiếu sáng rực
rỡ trong bối cảnh của một ký ức biết ơn. Nói với người khác về lý do chúng ta
hy vọng, và làm việc đó với sự dịu dàng và tôn trọng (1Pr 3,15), đó là một dấu hiệu của lòng biết ơn. Đó là sự đáp trả của
một người, nhờ lòng biết ơn, trở nên ngoan ngoãn với Thần Khí và do đó được tự
do. Điều này đúng với Đức Maria, người đã trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử mà không hề cố ý để được
như vậy[52].
Đó là sự đáp trả của một người, nhờ ơn khiêm nhường, không tôn mình lên và do
đó tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã phán: “Hãy học cùng
tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Theo luận lý của Tin Mừng, tất cả những gì
chúng ta phải làm là khơi lên một câu hỏi để kích hoạt cuộc tìm kiếm. Phần còn
lại là công việc ẩn giấu của Thiên Chúa.
***
81) Như đã thấy, chúng ta đi trên xa lộ kỹ thuật
số cùng với bạn bè lẫn những người hoàn toàn xa lạ, cố gắng tránh nhiều cạm bẫy
trên đường, và chúng ta thấy mình nhận ra những người bị thương bên vệ đường.
Đôi khi, những người bị thương này là những người khác. Đôi khi chính chúng ta
là những người bị thương. Khi điều này xảy ra, chúng ta dừng lại, và qua sự sống
mà chúng ta đã lãnh nhận trong các bí tích, vốn đang hoạt động trong mình, ý thức
này trở thành cuộc gặp gỡ: từ các ký tự hay các hình ảnh trên màn hình, người bị
thương ấy mang dáng dấp của một người thân cận, một anh chị em, và thực sự là
Chúa, như Chúa đã phán: “Bất cứ điều gì các con làm cho một trong những người
bé mọn nhất… là các con đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Và nếu có lúc chúng ta cũng là người bị thương, thì người
Samari cúi xuống trên chúng ta với lòng trắc ẩn cũng mang khuôn mặt của Chúa, Đấng
đã trở thành người thân cận của chúng ta, cúi xuống nhân loại đau khổ để băng
bó vết thương cho chúng ta.
Trong cả hai trường hợp, những gì bắt đầu có
thể như một gặp gỡ tình cờ hay sự hiện diện hờ hững trên các nền tảng mạng xã hội,
sẽ trở thành những người hiện diện với nhau trong một cuộc gặp gỡ đầy lòng
thương xót. Lòng thương xót này cho phép chúng ta cảm nếm Nước Thiên Chúa ngay
bây giờ, và cảm nếm sự hiệp thông bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: “miền đất hứa”
đích thực.
82) Như vậy, từ sự hiện diện chân thật và yêu
thương của chúng ta trong các cảnh vực kỹ thuật số của cuộc sống con người, một
nẻo đường có thể được mở ra cho điều mà thánh Gioan và thánh Phaolô khao khát
trong các thư của các ngài: cuộc gặp gỡ trực tiếp của mọi người bị thương tích
với Thân Thể của Chúa, là Giáo hội, để rồi trong một cuộc gặp gỡ cá vị, từ trái
tim đến trái tim, vết thương của họ và của chúng ta có thể được chữa lành, và
“niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (2Ga
12).
***
Ước gì
hình ảnh người Samari nhân lành lấy dầu và rượu chăm sóc các vết thương của người
bị nạn thành kim chỉ nam cho chúng ta. Ước gì sự truyền thông của chúng ta là dầu
thơm xoa dịu đau khổ và là rượu ngon mang lại hân hoan cho các tâm hồn. Ước gì
ánh sáng chúng ta đem đến cho người khác không phải là nhờ mỹ phẩm hay những hiệu
ứng đặc biệt, nhưng do chúng ta trở thành “người thân cận” đầy tình yêu và lòng
xót thương với người mang thương tích bị bỏ lại bên vệ đường.[53]
Vatican, ngày 28 tháng 5 năm 2023, Lễ Hiện Xuống.
Paolo Ruffini
Bộ trưởng Bộ Truyền thông
Lucio
A. Ruiz
Thư ký
Chuyển ngữ: Ủy ban
Truyền thông Xã hội
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Từ: vatican.va
[1] Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu Chung kết từ Cuộc Họp TiềnThượng Hội đồng để Chuẩn bị cho Hội nghị Toàn thể Thường kỳ Lần thứ XV, “Người Trẻ, Đức Tin, và Việc Phân Định Ơn Gọi”, Rôma (19-24 tháng Ba, 2018), Số 4.
[2] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 43, “Nền công nghệ mới, mối tương giao mới. Thúc đẩy một nền văn hóa
tôn trọng, đối thoại và hữu nghị” (24 tháng Năm, 2009). Aetatis Novae đã
qui chiếu đến công nghệ kỹ thuật số vào năm 1992, và vào năm 2002, các văn kiện
kèm theo là ‘Đạo đức trong Internet’ và ‘Giáo hội và Internet’ tập
chú đến tác động văn hóa của Internet một cách chi tiết hơn. Cuối cùng, Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với Tông thư ‘Sự Phát triển Nhanh chóng’ vào
năm 2005, đã nói với những người có trách nhiệm truyền thông và đưa ra những
suy tư về các vấn đề mà truyền thông xã hội khơi lên. Ngoài các văn kiện chuyên
biệt về truyền thông xã hội, trong những thập niên gần đây, các văn kiện huấn
quyền cũng có dành những phần cho chủ đề này. Chẳng hạn, Verbum Domini, 113; Evangelii gaudium, 62, 70, 87; Laudato si’, 47, 102-114; Gaudete et exsultate, 115; Christus Vivit, 86-90, 104-106; Fratelli tutti, 42-50).
[3] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47, “Mạng xã hội: cửa vào sự thật và đức Tin; những không gian mới
cho việc loan báo Tin Mừng” (24 tháng Một, 2013).
[4] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, “Chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Từ các cộng đồng mạng
xã hội đến cộng đoàn nhân loại” (24 tháng Một, 2019).
[5] Vatican mở kênh YouTube đầu tiên
của mình vào năm 2008. Từ năm 2012, Đức Thánh Cha đã tích cực tham gia trên
Twitter, và từ 2016 trên Instagram. Đồng thời, sự hiện diện được truyền
thông kỹ thuật số của Đức Thánh Cha đã trở thành một trong những phương thức dấn
thân mục vụ của ngài, với các sứ điệp video vào giữa những năm 2000, được nối
tiếp với Hội nghị trực tuyến qua video như cuộc gặp gỡ với các phi hành gia của
Trạm Không Gian Quốc Tế vào năm 2017. Sứ điệp video của Đức Thánh Cha vào năm
2017 gửi cho ‘Siêu Cúp Bóng Bầu Dục’ ở Mỹ, và những bài nói chuyện của ngài
trên chương trình TED Talks vào năm 2017 và năm 2020, đó chỉ là hai ví dụ của sự
hiện diện mục vụ của Đức Thánh Cha trên truyền thông kỹ thuật số.
[6] Buổi phát sóng trực tiếp Statio Orbis vào ngày 27 tháng Ba, 2020, đã thu hút khoảng 6 triệu người xem trên
kênh Vatican News YouTube và 10 triệu trên Facebook. Những con số này không bao
gồm các lượt xem về sau của video ghi lại sự kiện, hay những lượt xem trên các
kênh truyền thông khác. Vào buổi tối hôm diễn ra sự kiện, đã có hơn 200.000 người
theo dõi mới gia nhập @Franciscus trên Instagram, và các bài đăng về sự kiện
ngày 27 tháng Ba 2020 vẫn thuộc nhóm nội dung được theo dõi cao nhất trong lịch
sử của tài khoản này.
[7] Trong số nhiều hình ảnh Phúc Âm
có thể được chọn làm nguồn cảm hứng cho bản văn này, dụ ngôn về Người Samari
Nhân Lành đã được chọn, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là “một dụ ngôn về
truyền thông”. Xem: Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48, “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” (24 tháng Một, 2014).
[8] Ví dụ, ai sẽ cài đặt các nguồn để
hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) học hỏi? Ai cung cấp dư luận công chúng cho những
nhà sản xuất mới này? Làm sao chúng ta bảo đảm rằng những người thiết kế các
thuật toán này được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đạo đức, và giúp truyền bá rộng
rãi một ý thức mới, cũng như cân nhắc để giảm thiểu việc gây hại trong các nền
tảng thông tin mới này? Việc khai hóa về truyền thông mới phải bao gồm những kỹ
năng không chỉ giúp người ta tham gia thông tin một cách hiệu quả và có phê
bình, mà còn giúp phân định việc sử dụng các công nghệ ngày càng giảm trừ khoảng
cách giữa con người và các loài khác.
[9] Xem: Fratelli tutti 30; Evangelii gaudium 220; xem thêm “Một Tài liệu về Tình Huynh đệ Con người cho Hòa bình Thế giới và cho Việc Chung Sống với nhau” (4
tháng Ba, 2019): “Chúng tôi kêu gọi các chuyên gia truyền thông trên khắp thế
giới khám phá lại các giá trị hòa bình, công lý, sự thiện, vẻ đẹp, tình huynh đệ
con người và sự chung sống với nhau để củng cố tầm quan trọng của những giá trị
này như những chiếc neo của sự cứu độ cho tất cả, cũng như để thúc đẩy các giá
trị ấy khắp mọi nơi”.
[10] “Một số người không muốn đặt câu
hỏi hay tìm câu trả lời; họ sống dễ dãi, bưng tai trước tiếng kêu của những người
đau khổ. Dường như một cách không ý thức, chúng ta ngày càng mất khả năng cảm
thấy chạnh lòng trước người khác và trước những vấn đề của họ; chúng ta không
quan tâm về việc chăm sóc họ, như thể các khó khăn của họ thuộc trách nhiệm của
chính họ, chứ không phải việc của chúng ta”.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 49, “Vượt qua sự thờ ơ
và đạt được Hòa bình” (1 tháng Một, 2016); Evangelii gaudium, 54.
[11] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 49, “Vượt qua sự thờ ơ và đạt được Hòa bình” (1 tháng Một, 2016).
[13] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56, “Lắng nghe bằng trái tim” (24 tháng Một, 2022).
[15] “Sự thinh lặng thật là quý giá để
giúp chúng ta dễ dàng phân định chính xác hầu nhận ra và chú tâm vào những vấn
đề thực sự quan trọng giữa biết bao sự kích thích và dữ liệu mà chúng ta nhận
được”. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 46, “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa” (24 tháng Một, 2012).
[16] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48, “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” (24 tháng Một, 2014).
[17] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56, “Lắng nghe bằng trái tim” (24 tháng Một, 2022); Evangelii gaudium, 171.
[18] “Khi tìm cách giao tiếp thực sự,
kiểu lắng nghe đầu tiên cần được tái khám phá là lắng nghe bản thân mình, lắng
nghe những nhu cầu chân thật nhất của mình, những nhu cầu được khắc ghi trong
sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe
điều khiến chúng ta trở nên độc đáo khi được tạo dựng: mong muốn được ở trong mối
tương giao với người khác và với một Đấng khác”. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56, “Lắng nghe bằng trái tim” (24 tháng Một, 2022).
[23] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, “Chúng ta là chi thể của nhau (Ep 4,25). Từ các cộng đồng mạng
xã hội đến cộng đồng nhân loại” (24 tháng Một, 2019).
[24] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48, “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” (24 tháng Một, 2014).
[27] Xem: Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48, “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” (24 tháng Một, 2014)
[31] Về vấn đề phân cực và mối liên hệ
của nó với việc xây dựng sự đồng thuận, xem cách riêng Fratelli tutti, số 206-214.
[33] “Và hôm sau, anh lấy ra hai quan
tiền trao cho chủ quán và nói: ‘Xin hãy chăm sóc người này, nếu tốn kém thêm
bao nhiêu, khi trở lại tôi sẽ hoàn trả cho bác’” (Lc 10,35).
[34] Một cuộc thăm dò được tiến hành bởi
Trung Tâm Nghiên Cứu Barna ở Mỹ vào năm 2020 đã cho biết rằng: trong khi một nửa
con số những người thường đi nhà thờ kể rằng họ đã không “tham dự các nghi lễ ở nhà thờ, trực tiếp hay qua kỹ thuật số” trong
suốt thời gian sáu tháng, dù họ vẫn nói rằng mình đã “xem video trực tuyến một cử hành ở nhà thờ” trong khoảng thời gian ấy.
Như vậy có nghĩa là họ nhìn nhận rằng xem video trực tuyến một cử hành thì
không coi mình là người đã tham dự.
[35] Dường như có những sự thay thế
nhân tạo cho hầu hết mọi sự trong thực tại ảo; chúng ta có thể chia sẻ mọi loại
thông tin qua kỹ thuật số, nhưng việc chia sẻ một bữa ăn là điều không thể,
ngay cả trong vũ trụ ảo (metaverse).
[36] Xem: Desiderio desideravi, số 9, tham chiếu Đức Thánh Cha
Lêô Cả, Bài giảng LXXIV: De ascensione Domini II, 1: “quod … Redemptoris nostri conspicuum fuit,
in sacramenta transivit.”
[37] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, “Chúng ta là chi thể của nhau (Ep 4,25). Từ các cộng đồng mạng
xã hội đến cộng đồng nhân loại” (24 tháng Một, 2019). Hẳn sẽ hữu ích việc xem xét các hình thức
khác của thực hành thiêng liêng, như Các Giờ Kinh Phụng Vụ và lectio divina, có thể được chia sẻ trực
tuyến cách phù hợp hơn so với Thánh lễ.
[38] Xem: Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn từ cho Hội nghị Toàn thể Bộ Truyền thông,
23 tháng Chín, 2019.
[39] Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về
phong cách của Thiên Chúa là “gần gũi, cảm thông và dịu dàng” trong nhiều dịp
(Tiếp kiến chung, Kinh Truyền tin, Giảng lễ, Họp báo, vv…).
[41] “Để nói hay, chỉ cần yêu thương
là đủ” (thánh Phanxicô Salesio). Xem: Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57, “Nói bằng Trái tim. Sự thật trong tình yêu” (24 tháng Một, 2023).
[42] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32). Tin giả và một nền báo
chí vì hòa bình”
(24 tháng Một, 2018).
[43] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, “Chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Từ các cộng đồng mạng
xã hội đến cộng đoàn nhân loại” (24 tháng Một, 2019).
[44] Tuy nhiên khi một thông tin giả nổi
lên, điều thật quan trọng là phải chỉnh sửa nó ngay với sự tôn trọng và chính
xác. “Phải bác bỏ tin giả, nhưng cá nhân con người phải luôn được tôn trọng, vì
rất thường họ tin điều đó mà không nhận thức đầy đủ hoặc vô trách nhiệm” Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các Tham dự viên Cuộc Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Truyền thông Cônggiáo Quốc gia ‘Catholic Fact-Checking’, 28
tháng Một, 2022.
[45] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, “Truyền thông và Lòng Thương xót: Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa
trái” (24 tháng Một,
2016).
[46] Điều này cũng liên quan đến việc
đào tạo linh mục. Như chúng ta đọc thấy trong Ratio Fundamentalis Institutionis
Sacerdotalis: “Các mục tử tương lai không thể phớt lờ cái quảng trường công cộng
của truyền thông xã hội, trong thời gian đào tạo lẫn trong sứ vụ tương lai của
họ” (Số 97). Họ cũng phải ý thức mối nguy hiểm rõ rệt của việc thường xuyên lân
la với thế giới kỹ thuật số, kể cả nhiều hình thức nghiện khác nhau (x. Số 99). Về phương diện này, xem thêm ‘Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho các Chủng sinh và các Linh mục học ở Rôma’, 24
tháng Mười, 2022.
[47] x. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, “Chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25). Từ các cộng đồng mạng
xã hội đến cộng đoàn nhân loại” (24 tháng Một, 2019).
[48] Vì thế sẽ hữu ích nếu các sáng kiến
cá nhân trên mạng xã hội, nhất là những sáng kiến từ các tu sĩ và giáo sĩ, được
vận dụng để gia tăng mối hiệp thông trong Hội Thánh. Trong tư cách là một cộng
đoàn Kitô hữu, cũng sẽ hữu ích việc vươn ra tới “những con người có ảnh hưởng”
đang ở ngoài lề của các môi trường Giáo hội chúng ta.
[49] ‘Hiệp hành’ (syn odòs) có nghĩa là đi trên cùng con đường, bước đi với nhau,
tiến lên phía trước cùng với nhau.
[50] Điều này đã được các Giáo phụ thuở
xưa mô tả. Chẳng hạn, Tertullian nói về sự tuẫn đạo như là sức hấp dẫn. Trong
tác phẩm ‘Biện giáo’, tác giả giải thích rằng các cuộc bách hại không chỉ bất
công mà còn vô nghĩa: “Không một sự độc ác nào của quí vị, dù được tô vẽ đến mấy,
sẽ đem lại sự tưởng thưởng cho quí vị; trái lại, nó làm cho đạo của chúng tôi
càng thêm hấp dẫn hơn. Quí vị càng vùi dập chúng tôi, thì chúng tôi càng tăng số;
máu của các Kitô hữu là hạt giống của
một sự sống mới. (…) Chính sự kiên cường mà quí vị chống lại ấy là một bài học.
Vì ai suy ngẫm về nó mà lại không cảm thấy muốn tìm hiểu nó cách thâm sâu? Và
ai đã tìm hiểu mà lại không đón nhận các giáo lý của chúng tôi?” Tertullian, ‘Biện giáo’, số 50.
[51] Đoạn này một phần được cảm hứng bởi
Sứ điệp cho Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, 21 tháng Năm, 2020.
[52] Chuyến Tông du tới Panama: Canh thức với các bạn trẻ (Campo San Juan Pablo II – Metro
Park, 26 tháng Một, 2019).
[53] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48, “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực” (24 tháng Một, 2014).