SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
LẦN THỨ 57, NĂM 2023
Nói bằng trái
tim
“Sự thật trong
tình yêu” (Ep 4,15)
Anh chị em thân mến,
Sau khi đã suy ngẫm trong những
năm qua về các động từ “đến mà xem” và “lắng nghe” như những điều kiện để truyền
thông tốt đẹp, với Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57 này,
tôi muốn tập trung vào việc “nói bằng trái tim”. Chính trái tim đã thôi thúc
chúng ta đi, để nhìn và để lắng nghe, và chính trái tim đã đưa chúng ta đến với
cung cách truyền thông cởi mở và niềm nở.
Một khi chúng ta đã thực hành lắng
nghe, vốn đòi hỏi phải chờ đợi và kiên nhẫn, cũng như từ bỏ khẳng định quan điểm
của mình một cách tiên quyết, thì chúng ta có thể đi vào cuộc đối thoại
và chia sẻ cách năng động, vốn chính là sự năng động khi giao tiếp bằng trái tim.
Sau khi lắng nghe người khác bằng
con tim trong sáng, chúng ta cũng có thể nói theo sự thật trong tình yêu
(x. Ep 4,15). Chúng ta đừng sợ phải công bố sự thật, cho dù có
khi sự thật không dễ chịu, nhưng hãy sợ rằng chúng ta công bố sự thật mà không
có bác ái, không có trái tim. Bởi vì như Đức Bênêđictô 16 đã viết, “chương
trình của Kitô hữu là ‘một trái tim biết nhìn’”.[1] Một
trái tim với nhịp đập của nó sẽ tỏ lộ sự thật về bản thân chúng ta và chính vì
thế mà cần phải được lắng nghe.
Điều này khiến cho người nghe tự
điều chỉnh tần số, để có thể nghe thấy nhịp tim của người khác trong chính trái
tim của mình. Khi ấy, phép lạ của gặp gỡ có thể xảy ra, khiến chúng ta nhìn
nhau với lòng thương cảm, đón nhận những yếu đuối của nhau với lòng tôn trọng
thay vì phán xét qua tin đồn và gieo rắc bất hòa và chia rẽ.
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng
xem quả thì biết cây (x. Lc 6,44): “Người lành do lòng chứa điều thiện mà sinh
ra điều thiện, còn kẻ dữ do lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì trong lòng
có đầy, miệng mới nói ra” (c. 45). Đây là lý do tại sao, để có thể thông truyền
chân lý trong yêu thương, cần phải thanh tẩy tâm hồn mình.
Chỉ khi biết lắng nghe và nói bằng
một trái tim trong sáng, chúng ta mới có thể nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài và
vượt qua được những tiếng ồn ào hỗn độn, cả trong lĩnh vực truyền thông, khiến
chúng ta khó phân định được trong một thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống.
Lời kêu gọi nói bằng trái tim
thách thức triệt để thời đại mà chúng ta đang sống, một thời đại rất dễ dẫn đến
sự thờ ơ và phẫn nộ, thậm chí đôi khi còn dựa trên những thông tin sai lệch,
bóp méo và lạm dụng sự thật.
Giao tiếp bằng trái tim
Giao tiếp bằng trái tim có nghĩa là
những người đọc hoặc lắng nghe chúng ta đều hiểu được rằng chúng ta đang chia sẻ
niềm vui, nỗi sợ, niềm hy vọng và nỗi đau của những con người trong thời đại
chúng ta.
Những người nói chuyện theo cách
thức này sẽ yêu thương tha nhân vì họ quan tâm và bảo vệ chứ không xâm phạm quyền
tự do của người khác.
Chúng ta có thể thấy cung cách
này nơi người lữ khách bí ẩn đối thoại với các môn đệ trên đường Emmaus, sau thảm
kịch xảy ra tại Golgotha. Chúa Giêsu Phục Sinh nói với họ bằng trái tim, đồng
hành với hành trình đau khổ của họ một cách tôn trọng, đề nghị chứ không áp đặt,
âu yếm mở trí cho họ hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra. Thật vậy, họ
có thể vui mừng thốt lên rằng tâm hồn họ bừng cháy khi Người nói chuyện với họ
trên đường và giải thích Kinh Thánh cho họ (x. Lc 24,32).
Trong một giai đoạn lịch sử được
đánh dấu bởi những phân cực và mâu thuẫn – mà tiếc thay, ngay cả cộng đoàn giáo
hội cũng không được miễn nhiễm –, việc dấn thân truyền thông “với trái tim và
vòng tay rộng mở” không chỉ dành riêng cho những người trong lĩnh vực truyền
thông mà là trách nhiệm của mọi người. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm
và nói lên sự thật và làm như vậy với lòng bác ái. Đặc biệt, các Kitô hữu chúng
ta luôn được khuyên bảo phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói lời gian ác (x. Tv 34,14),
bởi vì như Kinh thánh dạy, chúng ta có thể dùng lưỡi để vừa chúc tụng Chúa vừa
nguyền rủa những con người được dựng nên giống Thiên Chúa (x. Gc 3,9). Miệng
chúng ta không được phép thốt ra bất kỳ một lời xấu xa nào, mà “chỉ được nói những
lời tốt đẹp, để xây dựng và mang ích lợi cho người nghe.” (Ep 4,29).
Đôi khi những cuộc trò chuyện
thân thiện có thể mở được lối vào trong những trái tim cứng cỏi nhất. Chúng ta
thấy có những bằng chứng về điều này trong văn học. Tôi nghĩ đến một trang đáng
nhớ trong chương 21 của cuốn tiểu thuyết ‘Những Kẻ Hứa Hôn’, trong đó Lucia nói
bằng cả trái tim với Kẻ Giấu Tên cho đến khi anh này bị tước ‘vũ khí’, nội tâm
chao đảo rồi đầu hàng trước sức mạnh dịu dàng của tình yêu. Chúng ta trải nghiệm
điều này trong xã hội, nơi lòng tốt không chỉ là “phép xã giao” mà còn là liều
thuốc giải độc thực sự cho sự tàn ác – là điều không may có thể đầu độc trái
tim và khiến các mối quan hệ trở nên độc hại. Chúng ta cần lòng tốt trong lĩnh
vực truyền thông, để việc giao tiếp không nuôi dưỡng sự oán giận gây phẫn nộ,
không tạo ra sự tức giận dẫn đến đối đầu, nhưng giúp mọi người bình tĩnh suy
nghĩ, giải mã thực tế họ đang sống, với tinh thần phê phán mà vẫn luôn tôn trọng
nhau.
Giao tiếp từ trái tim đến trái
tim: “Cứ thương yêu cho tốt đẹp thì sẽ biết diễn tả cách tốt đẹp”
Một trong những ví dụ sống động
và hấp dẫn nhất về việc “nói bằng trái tim” là chính Thánh Phanxicô Salêsiô, Tiến
sĩ Hội thánh, người mà tôi đã viết trong Tông thư Totum Amoris Est,
400 năm sau khi ngài qua đời. Ngoài ngày kỷ niệm quan trọng này, tôi muốn đề cập
đến một ngày kỷ niệm khác diễn ra vào năm 2023: kỷ niệm 100 năm ngày Đức Piô XI
công bố Thông điệp Rerum Omnium Perturbationem, đặt Thánh Phanxicô
Salêsiô là đấng bảo trợ các nhà báo Công giáo.
Là một trí thức lỗi lạc, một nhà
văn viết nhiều và một nhà thần học sâu sắc, Thánh Phanxicô Salêsiô là Giám mục
của Geneva vào đầu thế kỷ 17 trong những năm khó khăn được đánh dấu bằng những
cuộc tranh chấp gay gắt với những người theo thuyết Calvino. Thái độ hiền lành,
nhân bản và sẵn sàng kiên nhẫn đối thoại với mọi người, đặc biệt với những người
bất đồng với ngài, đã khiến ngài trở thành chứng nhân phi thường về tình yêu
thương xót của Thiên Chúa.
Người ta có thể nói về ngài: “Ăn
nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm tình thân
ái” (Hc 6,5). Rốt cuộc, một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ngài, “trái
tim nói với trái tim”, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tín hữu, trong số đó
có Thánh John Henry Newman, người đã chọn nó làm phương châm sống: Cor
ad cor loquitur - Trái tim nói với trái tim. Một trong những xác tín của
ngài là “Cứ yêu thương cho thật tốt đẹp thì sẽ nói hay, nói tốt”.
Điều này cho thấy rằng đối với
thánh nhân, giao tiếp không bao giờ được giảm thiểu xuống thành một thứ gì đó
giả tạo, thành một chiến lược tiếp thị, như chúng ta có thể nói ngày nay, mà
đúng hơn là sự phản ánh của tâm hồn, là mặt thấy được của hạt nhân tình yêu mà
mắt thường không thể nhìn thấy. Đối với Thánh Phanxicô Salêsiô, chính “trong
trái tim và qua trái tim mà tiến trình hiệp nhất tinh tế và mạnh mẽ này được thực
hiện, nhờ đó con người nhận biết Thiên Chúa”.[2] Bằng
cách “yêu cho tốt đẹp”, Thánh Phanxicô đã thành công khi giao tiếp với người
câm điếc Martin, bằng cách làm bạn với người ấy. Đây là lý do tại sao ngài còn
được gọi là đấng bảo vệ những người bị khuyết tật trong giao tiếp.
Chính từ “tiêu chuẩn yêu thương”
này, qua các bài viết và chứng tá đời sống của mình, vị thánh Giám mục thành
Geneva đã nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta giao tiếp thế nào thì chúng ta là
như thế”. Điều này đi ngược lại xu hướng ngày nay, là thời đại mà – như ta đặc
biệt trải nghiệm trên mạng xã hội – truyền thông thường bị lợi dụng nhằm làm
cho thế giới thấy chúng ta như chúng ta muốn, chứ không phải như chúng ta vốn
là.
Thánh Phanxicô Salêsiô đã phổ biến
nhiều bản sao các bài viết của mình trong cộng đồng Geneva. Trực giác “báo chí”
này đã làm cho danh tiếng của ngài nhanh chóng vượt ra ngoài giáo phận và vẫn
còn tồn tại cho đến ngày nay. Thánh Phaolô VI đã nhận xét rằng đọc các bài viết
của ngài thật là “thú vị, bổ ích và cảm động”.[3] Chẳng
phải đây chính xác là những đặc điểm mà một bài báo, một phóng sự, một chương
trình truyền hình hoặc truyền thanh hay một bài đăng trên mạng xã hội phải có
hay sao, nếu chúng ta nhìn vào lĩnh vực truyền thông ngày nay? Ước gì những người
làm việc trong lĩnh vực truyền thông cảm thấy được truyền cảm hứng từ vị thánh
dịu dàng này, khi tìm kiếm và nói lên sự thật với lòng can đảm và tự do, đồng
thời từ chối cơn cám dỗ sử dụng những cách diễn đạt giật gân và gây hấn.
Nói bằng trái tim trong tiến
trình hiệp hành
Như tôi đã nhấn mạnh, trong Giáo
hội cũng vậy, rất cần lắng nghe và nghe lẫn nhau. Đó là món quà trao tặng sự sống
quý giá nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau.[4]
Lắng nghe không thành kiến, chăm chú và cởi mở, sẽ đưa đến cung cách nói của
Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Trong Giáo
hội, chúng ta rất cần một nền truyền thông vỗ về các tâm hồn, đó là dầu xoa dịu
những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta.
Tôi mơ ước Hội Thánh có một nền
truyền thông biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một nền truyền thông dịu
dàng và đồng thời mang tính ngôn sứ, biết tìm ra những cách thức và phương tiện
mới cho sứ mạng loan báo tuyệt vời mà Hội Thánh được mời gọi thi hành trong
thiên niên kỷ thứ ba. Một nền truyền thông đặt trọng tâm vào mối tương quan với
Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt là với những người túng thiếu nhất, và biết
cách thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là cứ giữ lấy đống tro tàn của một căn tính
tự quy chiếu. Một hình thức giao tiếp dựa trên thái độ khiêm tốn lắng nghe và
thẳng thắn trong lời nói, vốn không bao giờ tách rời sự thật khỏi lòng bác ái.
Giải giáp linh hồn bằng cách
thúc đẩy một ngôn ngữ hòa bình
Sách Châm ngôn (25,15) nói: “Lưỡi
mềm sẽ làm gãy xương”. Ngày nay hơn bao giờ hết, nói bằng trái tim là điều cần
thiết để nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình ở những nơi có chiến tranh, để mở
ra những con đường cho phép đối thoại và hòa giải ở những nơi mà giận ghét và
thù hận hoành hành.
Trong bối cảnh bi đát của cuộc
xung đột toàn cầu mà chúng ta đang trải qua, điều cấp bách là phải duy trì một
hình thức truyền thông không mang tính thù địch. Cần phải khắc phục khuynh hướng
“phỉ báng và xúc phạm đối thủ ngay từ đầu [thay vì] mở ra một cuộc đối thoại
tôn trọng”.[5] Chúng ta cần những nhà
truyền thông biết đối thoại, tham gia vào việc thúc đẩy giải trừ quân bị toàn
diện và cam kết loại bỏ chứng rối loạn tâm thần hiếu chiến đang ngự trị trong
tâm hồn chúng ta, như Thánh Gioan 23 đã nói tiên tri khi thúc giục trong thông
điệp ‘Pacem in Terris - Hòa Bình Trên Thế Giới’: “Hòa bình
đích thực chỉ có thể được xây dựng trong sự tin tưởng lẫn nhau” (số 113). Một sự
tin tưởng cần có những người giao tiếp không cố thủ hay khép kín, nhưng táo bạo
và sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro hầu tìm ra điểm chung để gặp gỡ.
Giống như 60 năm trước đây, chúng
ta hiện cũng đang sống trong giờ phút đen tối, khi mà nhân loại lo sợ chiến
tranh leo thang. Cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt sự leo thang của chiến
tranh, kể cả ở cấp độ thông tin liên lạc. Thật đáng sợ khi nghe những lời kêu gọi
hủy diệt con người và lãnh thổ được nói ra cách dễ dàng đến thế. Thật không
may, những lời nói thường biến thành những hành động hiếu chiến của bạo lực ghê
tởm. Đây là lý do tại sao phải bác bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi
hình thức tuyên truyền xuyên tạc bóp méo sự thật vì mục đích ý thức hệ. Thay
vào đó, điều phải được thúc đẩy là một hình thức truyền thông giúp tạo ra những
điều kiện để giải quyết những xung đột giữa các dân tộc.
Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng vận
mệnh của hòa bình được định đoạt nhờ tâm hồn hoán cải, vì vi rút chiến tranh
phát xuất từ trong tâm hồn con người.[6] Những
lời đúng đắn từ trái tim sẽ xua tan bóng tối của một thế giới khép kín và chia
rẽ và xây dựng một nền văn minh tốt đẹp hơn nền văn minh mà chúng ta đã nhận được.
Đây là một nỗ lực đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tham gia, nhưng đặc biệt kêu
gọi tinh thần trách nhiệm của những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông
phải tác nghiệp như là thi hành một sứ mạng vậy.
Xin Chúa Giêsu - Lời tinh tuyền
tuôn trào từ trái tim Chúa Cha - giúp chúng ta thực hiện việc truyền thông một
cách rõ ràng, cởi mở và chân tình.
Xin Chúa Giêsu - Lời nhập thể -
giúp chúng ta lắng nghe nhịp đập của con tim, để tái khám phá mình là anh chị
em của nhau, và giải trừ sự thù địch gây chia rẽ.
Xin Chúa Giêsu - Lời của sự thật
và tình yêu - giúp chúng ta nói lên sự thật trong bác ái, để chúng ta cảm thấy
mình là những người bảo vệ lẫn nhau.
Rôma, Đền thờ Gioan Lateranô,
ngày 24-1-2023, lễ nhớ Thánh Phanxicô Salêsiô.
Phanxicô
Vi Hữu & Minh Đức
chuyển ngữ
WHĐ
(12.02.2023)
[3] X. Tông
thư Sabaudiae Gemma, nhân Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Thánh
Phanxicô Salêsiô, Tiến sĩ Hội thánh (29 tháng 1 năm 1967).
[6] X. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần
thứ 56 (01/01/2023).