SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
LẦN THỨ 48 – NĂM 2014
Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực
Anh chị em thân mến,
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở
nên “nhỏ bé hơn” và vì thế, là nơi dường như tất cả chúng ta dễ gần gũi
nhau hơn. Những phát triển về giao thông và công nghệ truyền thông đang làm cho
chúng ta xích lại gần nhau và gắn kết với nhau hơn, ngay cả sự toàn cầu hóa
cũng khiến chúng ta càng thêm tương thuộc lẫn nhau. Nhưng trong gia đình nhân
loại vẫn còn những chia rẽ, có khi rất trầm trọng. Trên bình diện toàn cầu
chúng ta thấy có một khoảng cách gây gương mù giữa sự sa hoa của người
giàu và cảnh cơ cực của người nghèo. Nhiều khi chúng ta chỉ cần dạo qua những
con đường trong một thành phố cũng thấy được cảnh tương phản giữa những người sống
ở đường phố với ánh đèn rực rỡ trong các cửa hàng. Chúng ta đã trở nên quá quen
thuộc với những cảnh tượng ấy đến mức chúng chẳng còn làm cho chúng ta áy
náy nữa. Thế giới chúng ta đang gánh chịu nhiều hình thức loại trừ, gạt ra
bên lề và nghèo khổ, chưa kể đến những cuộc xung đột phát sinh từ các nguyên
nhân kinh tế, chính trị, ý thức hệ cộng lại, và đáng buồn thay, có cả nguyên
nhân tôn giáo nữa.
Trong thế giới này, các phương tiện truyền thông có thể giúp
chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, tạo nên cảm thức về một gia đình nhân loại
hiệp nhất, thúc đẩy tình liên đới và nghiêm túc dấn thân xây dựng một cuộc sống
xứng đáng hơn cho mọi người. Việc truyền thông tốt đẹp giúp chúng ta gần nhau
hơn, biết rõ nhau hơn, và cuối cùng, hiệp nhất với nhau hơn. Những bức tường
ngăn cách chúng ta chỉ có thể bị phá vỡ nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe nhau và
học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần giải quyết những khác biệt qua những hình thức đối
thoại, giúp chúng ta thêm cảm thông và tôn trọng nhau. Một nền văn hóa gặp gỡ
đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng không những cho đi, nhưng còn nhận lãnh nữa.
Các phương tiện truyền thông có thể giúp chúng ta rất nhiều trong lĩnh vực này,
đặc biệt là ngày nay, khi các mạng truyền thông giữa con người đạt được những
tiến bộ chưa từng thấy. Đặc biệt, internet cho chúng ta vô số cơ hội
gặp gỡ và liên đới với nhau. Đây là điều thực sự tốt lành, là quà tặng của
Thiên Chúa.
Nói như thế không phải là không có những vấn đề. Vận tốc
thông tin mau lẹ vượt quá khả năng suy tư và phán đoán của chúng ta, và điều
này không giúp chúng ta thể hiện mình một cách quân bình và đúng đắn hơn. Việc
bày tỏ những ý kiến khác nhau có thể được coi là hữu ích, nhưng cũng có thể khiến
người ta cố thủ đằng sau những nguồn thông tin chỉ khẳng định cho những mong muốn
và tư tưởng, hoặc những quyền lợi chính trị và kinh tế của riêng mình. Thế giới
truyền thông có thể giúp chúng ta hoặc thêm kiến thức, hoặc lạc hướng. Ước muốn
kết nối bằng kỹ thuật số có thể đưa đến hậu quả làm cô lập chúng ta với người
thân cận, những người gần gũi chúng ta nhất. Chúng ta cũng đừng quên có những
người, vì nhiều lý do, không được tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội,
họ có nguy cơ bị bỏ lại đàng sau.
Những bất lợi ấy là những điều có thực, nhưng chúng không biện
minh cho việc loại bỏ các phương tiện truyền thông xã hội; đúng hơn, chúng nhắc
nhở chúng ta rằng truyền thông, xét cho cùng, là một thành tựu về mặt con người
hơn là về kỹ thuật. Vậy trong môi trường kỹ thuật số, đâu là điều giúp chúng ta
lớn lên trong tình người và hiểu biết lẫn nhau? Chẳng hạn, chúng ta cần phục hồi
ý nghĩa nào đó của sự khoan thai và điềm tĩnh. Điều này đòi phải có thời gian
và khả năng thinh lặng để lắng nghe. Chúng ta cũng cần phải kiên nhẫn nếu chúng
ta muốn hiểu được người khác biệt với mình. Người ta chỉ bộc lộ hoàn toàn,
không chỉ những khi họ được đối xử cách bao dung, nhưng còn là khi biết mình được
đón nhận thực sự. Nếu chúng ta thực sự quan tâm lắng nghe người khác, chúng ta
sẽ học được cách nhìn thế giới với đôi mắt khác và quý chuộng kinh nghiệm phong
phú của con người như được biểu lộ trong các nền văn hóa và truyền thống khác
nhau. Chúng ta cũng học quý chuộng hơn nữa những giá trị quan trọng lấy cảm hứng
từ Kitô giáo, chẳng hạn nhân sinh quan về con người, bản chất của hôn nhân và
gia đình, sự phân biệt giữa các lĩnh vực tôn giáo và chính trị, các nguyên tắc
liên đới và bổ trợ, và nhiều giá trị khác.
Như vậy truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ
đích thực như thế nào? Và đối với chúng ta là môn đệ của Chúa, gặp gỡ người
khác theo ánh sáng Tin Mừng nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể lại gần với
nhau mặc dù chúng ta có những giới hạn và tội lỗi? Những câu hỏi này có thể tóm
gọn trong điều mà có lần một thầy thông luật –tức là một người truyền thông– hỏi
Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Câu hỏi này giúp chúng
ta hiểu truyền thông theo nghĩa “tình thân cận”. Chúng ta có thể diễn dịch câu
hỏi đó theo cách này: Làm thế nào để trở thành “người thân cận” khi sử dụng
các phương tiện truyền thông xã hội và khi sống trong môi trường mới do nền kỹ
thuật số tạo nên? Tôi tìm được câu trả lời trong dụ ngôn người Samaritanô nhân
lành – cũng là một dụ ngôn về truyền thông. Thực vậy, ai truyền thông thì trở
nên người thân cận. Người Samaritanô nhân lành không chỉ trở nên người thân cận,
nhưng còn nhận trách nhiệm chăm sóc người mà ông gặp thấy dở sống dở chết bên vệ
đường. Chúa Giêsu đã đảo ngược quan điểm của chúng ta: không phải tôi nhìn người
khác như người đồng loại của tôi, mà là khả năng tôi trở nên giống như người
khác. Truyền thông có nghĩa là nhìn nhận rằng chúng ta đều là con người, là con
cái Thiên Chúa. Tôi thích định nghĩa khả năng truyền thông ấy là “tình thân cận”.
Nếu như truyền thông chủ yếu nhắm đến việc khuyến khích chủ
nghĩa tiêu thụ hoặc thao túng người khác, khi ấy chúng ta đang đối mặt với một
hình thức tấn công hung bạo, như người ở trong dụ ngôn bị bọn cướp đánh và bỏ mặc
bên đường. Thầy Lêvi và vị Tư tế không coi người ấy là người thân cận, mà như một
kẻ xa lạ cần phải tránh xa. Thời ấy, có những quy luật về sự thanh sạch theo
nghi lễ đã quy định cách cư xử của họ. Ngày nay có một mối nguy cơ là một số
phương tiện truyền thông cũng quy định cách xử sự của chúng ta đến độ chúng ta
không còn nhận ra người thân cận thực sự của mình nữa.
Chỉ lướt qua các xa lộ kỹ thuật số –hay đơn giản chỉ “nối mạng”–
là không đủ: các kết nối còn cần phải đi vào gặp gỡ đích thực. Chúng ta không
thể sống tách biệt, co cụm vào mình. Chúng ta cần yêu và được yêu. Chúng ta cần
đến lòng nhân hậu. Các chiến lược truyền thông chẳng bảo đảm cho chân thiện mỹ
trong truyền thông. Thế giới truyền thông cũng phải quan tâm đến con người,
cũng được mời gọi thể hiện lòng nhân hậu. Thế giới kỹ thuật số có thể là nơi đầy
tình người, không phải là một mạng lưới giây nhợ, nhưng là một mạng lưới những
con người. Tính trung lập của các phương tiện truyền thông chỉ là vẻ bề ngoài;
chỉ những ai truyền thông với tất cả con người của mình thì mới có thể trở nên
một điểm tham chiếu thực sự cho người khác. Nền tảng cho tính đáng tin của một
người truyền thông là sự dấn thân cá nhân của người ấy. Vì thế, nhờ internet chứng
tá Kitô giáo có thể đến với các vùng ngoại vi của cuộc sống.
Như tôi vẫn thường lặp đi lặp lại, nếu phải chọn giữa một
Giáo hội bầm giập vì đi ra đường phố và một Giáo hội tự thu mình lại, chắc chắn
tôi sẽ chọn Giáo hội trước. Các “đường phố” ở đây là thế giới nơi con người
đang sống, nơi chúng ta có thể đến với họ, vừa thiết thực vừa thân thương. Xa lộ
kỹ thuật số là một trong những con đường ấy, con đường đầy rẫy những người bị
thương, những người đang tìm kiếm ơn cứu độ hay niềm hy vọng. Nhờ internet,
sứ điệp Kitô giáo có thể đi đến “tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Mở rộng những
cánh cửa nhà thờ cũng có nghĩa là mở những cánh cửa ấy trong môi trường kỹ thuật
số, để cho mọi người bước vào, dù họ ở trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, và để
cho Tin Mừng bước ra gặp gỡ mọi người. Chúng ta được mời gọi chứng tỏ rằng Giáo
hội là nhà của mọi người. Chúng ta có khả năng thông truyền hình ảnh một Giáo hội
như thế hay không? Truyền thông là phương tiện diễn tả ơn gọi truyền giáo của
toàn thể Giáo hội; ngày nay các mạng xã hội là một phương thức để sống lời mời
gọi tái khám phá vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Trong
lĩnh vực truyền thông cũng vậy, chúng ta cần có một Giáo hội mang lại hơi ấm và
lay động các tâm hồn.
Chứng tá Kitô giáo hiệu quả không phải là dùng các sứ điệp
tôn giáo dội bom người khác, nhưng là mong muốn tự hiến cho tha nhân “qua
việc lấy sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng tham dự vào những vấn nạn và hoài nghi
của họ trên con đường kiếm tìm chân lý và ý nghĩa đời người” (Bênêđictô
XVI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 47, 2013). Chỉ
cần nhắc lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta phải có khả năng
đối thoại với con người ngày nay, để hiểu những ước vọng, hoài nghi và hy vọng
của họ và trao tặng họ Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người,
đã chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng
ta được thách đố trở nên những người có chiều sâu, quan tâm đến những gì diễn
ra xung quanh mình và tỉnh thức về tinh thần. Đối thoại có nghĩa là tin rằng
“tha nhân” có điều gì đó tốt đẹp đáng nói, đồng thời nhường chỗ cho quan điểm
và đề nghị của họ. Đối thoại không có nghĩa là từ bỏ những ý tưởng và truyền thống
của mình, nhưng là bỏ đi thái độ cho rằng chỉ có ý tưởng và truyền thống của
mình mới là có giá trị và tuyệt đối.
Ước gì hình ảnh người Samaritanô nhân lành lấy dầu và rượu
chăm sóc các vết thương của người bị nạn thành kim chỉ nam cho chúng ta. Ước gì
sự truyền thông của chúng ta là dầu thơm xoa dịu đau khổ và là rượu ngon mang lại
hân hoan cho các tâm hồn. Ước gì ánh sáng chúng ta đem đến cho người khác không
phải là nhờ mỹ phẩm hay những hiệu ứng đặc biệt, nhưng do chúng ta trở thành
“người thân cận” đầy tình yêu và lòng xót thương với người mang thương tích bị
bỏ lại bên vệ đường. Chúng ta hãy mạnh dạn trở thành những công dân của thế giới
kỹ thuật số. Giáo hội cần quan tâm đến và hiện diện trong thế giới truyền
thông, để đối thoại với con người ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô. Giáo hội
phải là một Giáo hội ở với mọi người, có thể đồng hành với mọi người. Cuộc cách
mạng diễn ra trong các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin
là một thách đố lớn lao và đầy thú vị; mong sao chúng ta đáp ứng thách đố ấy bằng
nghị lực mới mẻ và đầy sáng tạo khi tìm cách thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa
cho tha nhân.
Vatican, ngày 24 tháng
1 năm 2014, lễ thánh Phanxicô Salêsiô
Phanxicô
Chuyển ngữ: Đức Thành