Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 56 năm 2022 - Lắng nghe bằng trái tim

15/02/2022


SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

LẦN THỨ 56, NĂM 2022

Lắng nghe bằng trái tim

Anh chị em thân mến,

Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về nhu cầu “Hãy đến mà xem” để khám phá thực tế và có thể kể lại, bắt đầu bằng cách trải nghiệm các sự kiện và gặp gỡ mọi người. Tiếp tục dòng suy tư này, bây giờ tôi muốn mọi người chú ý đến một từ khác, “lắng nghe”, từ này mang tính quyết định trong ngữ pháp giao tiếp và là điều kiện để đối thoại cách chân thực.

Trên thực tế, chúng ta đang mất khả năng lắng nghe những người trước mặt, cả trong các mối tương quan bình thường hằng ngày cũng như khi tranh luận về các vấn đề quan trọng nhất của đời sống dân sự. Đang khi ấy, việc lắng nghe lại đang có một bước phát triển quan trọng mới trong lĩnh vực truyền thông và thông tin, với sự xuất hiện của nhiều podcast và audio chat, nhằm khẳng định rằng: lắng nghe vẫn là điều cần thiết trong giao tiếp của con người.

Một bác sĩ đáng kính, quen chữa trị những vết thương tâm hồn, một lần nọ được hỏi về nhu cầu lớn nhất của con người là gì. Ông trả lời: “Đó là, vô cùng mong muốn được lắng nghe”. Một niềm mong muốn thường bị che giấu, nhưng lại thách thức bất cứ những ai được kêu gọi trở thành nhà giáo dục hoặc nhà đào tạo, hoặc là người có vai trò truyền thông: cha mẹ và giáo viên, cha sở và nhân viên mục vụ, chuyên viên truyền thông và những người phục vụ trong lãnh vực xã hội hay chính trị.

Lắng nghe bằng trái tim 

Từ các trang Kinh thánh, chúng ta biết rằng lắng nghe không chỉ có nghĩa là nhận thức âm thanh, mà về cơ bản được liên kết với mối tương quan đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người. “Shema Israel - Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6,4), lời mở đầu của điều răn thứ nhất trong kinh Torah, liên tục được nhắc lại trong Kinh thánh, đến mức thánh Phaolô khẳng định rằng “Đức tin có được là nhờ lắng nghe” (xem Rm 10,17). Quả thực, sáng kiến là của Thiên Chúa, Đấng nói chuyện với chúng ta, và chúng ta đáp lại bằng cách lắng nghe Ngài. Cuối cùng, ngay cả sự lắng nghe này cũng xuất phát từ ân sủng của Chúa, như trường hợp của đứa trẻ sơ sinh đáp lại ánh mắt và giọng nói của mẹ hoặc cha mình. Trong số 5 giác quan, giác quan được Chúa ưu ái dường như là thính giác, có lẽ vì nó ít xâm lấn hơn, kín đáo hơn thị giác, và do đó, con người được tự do hơn.

Lắng nghe tương ứng với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa. Đó là hành động cho phép Thiên Chúa bày tỏ Ngài là Đấng dùng lời để tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và dùng cách lắng nghe để nhìn nhận họ là đối tác trong cuộc đối thoại. Thiên Chúa yêu thương loài người: đó là lý do tại sao Ngài ngỏ lời với họ, và tại sao Ngài “ghé tai” lắng nghe họ.

Ngược lại, con người có xu hướng trốn tránh các mối tương quan, quay lưng lại và “bịt tai” để khỏi phải phải lắng nghe. Việc từ chối lắng nghe thường dẫn đến gây hấn với người khác, như đã xảy ra với những người đang nghe phó tế Têphanô, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông (xem Cv 7,57).

Thế nên, một mặt, Thiên Chúa luôn mặc khải chính mình khi tự ý thông truyền; và mặt khác, con người được yêu cầu đón nhận và sẵn sàng lắng nghe. Chúa gọi con người cách rõ ràng vào giao ước yêu thương, để họ có thể trọn vẹn trở nên chính mình: giống hình ảnh Thiên Chúa trong khả năng lắng nghe, đón nhận và dành không gian cho người khác. Về cơ bản, lắng nghe là một chiều kích của tình yêu.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đồ xét lại xem họ đã lắng nghe như thế nào. “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18): đây là điều Ngài khuyên họ làm sau khi kể lại dụ ngôn người gieo giống, giúp cho người ta hiểu rằng chỉ nghe thôi là chưa đủ, mà cần phải biết chăm chú lắng nghe. Chỉ những ai đón nhận lời với tấm lòng “lương thiện” và trung thành tuân giữ thì mới sinh hoa kết quả là sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8,15). Chỉ khi nào chúng ta chú ý đến người mà chúng ta lắng nghe, đến điều chúng ta lắng nghe và cách chúng ta lắng nghe, chúng ta mới có thể phát triển trong nghệ thuật giao tiếp - trọng tâm của nghệ thuật ấy không phải là lý thuyết hay kỹ thuật, mà là “con tim rộng mở, làm cho người ta có thể gần gũi nhau” (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 171).

Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng nhiều khi ngay cả những người có thính giác hoàn hảo cũng không thể nghe thấy người khác. Trên thực tế, có một chứng điếc nội tâm còn tồi tệ hơn điếc thể chất. Thật vậy, việc lắng nghe liên quan đến toàn bộ con người, chứ không chỉ là thính giác. Cơ quan thực sự của lắng nghe là trái tim. Dù còn rất trẻ, Vua Salômôn đã tỏ ra mình khôn ngoan vì ông đã xin Chúa ban cho ông một “trái tim biết lắng nghe” (xem 1 V 3,9). Thánh Augustinô từng khuyến khích chúng ta lắng nghe bằng trái tim (corde audire), đón nhận những lời nói không phải để lọt ra ngoài qua lỗ tai, nhưng đi vào tim ta cách linh thiêng: “Chớ để trái tim ở lỗ tai, mà hãy để lỗ tai trong tim mình.”[1] Thánh Phanxicô Assisi đã khuyến khích các anh em của mình “hãy nghiêng lỗ tai của con tim mà lắng nghe”.[2]

Do đó, khi tìm cách giao tiếp thực sự, kiểu lắng nghe đầu tiên cần được tái khám phá là lắng nghe bản thân mình, lắng nghe những nhu cầu chân thật nhất của mình, những nhu cầu được khắc ghi trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe điều khiến chúng ta trở nên độc đáo khi được tạo dựng: mong muốn được ở trong mối tương giao với người khác và với một Đấng khác. Chúng ta không được tạo dựng để sống như các nguyên tử, nhưng để sống với nhau.

Lắng nghe như một điều kiện của giao tiếp tốt

Có một kiểu nghe không thực sự là nghe mà ngược lại: đó là nghe lén. Trên thực tế, việc nghe lén và theo dõi, khai thác người khác để trục lợi là một cám dỗ thường xuyên mà ngày nay dường như đã trở nên quyết liệt hơn trong thời đại của mạng xã hội. Trái lại, điều đặc biệt làm cho giao tiếp trở nên tốt đẹp và đầy tính nhân văn chính là lắng nghe người ở trước mặt chúng ta, đối diện trực tiếp, lắng nghe người mà chúng ta giao tiếp với sự cởi mở công bằng, tin tưởng và trung thực.

Thật không may, việc thiếu lắng nghe mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hằng ngày cũng thể hiện rõ trong cuộc sống công cộng, nơi mà thay vì lắng nghe nhau, những câu chuyện lại thường chỉ là “ông nói gà bà nói vịt”. Đây là một triệu chứng cho thấy, thay vì tìm kiếm chân lý và thiện hảo, người ta lại tìm kiếm sự đồng thuận; thay vì lắng nghe, người ta lại chú ý đến cử tọa. Trái lại, giao tiếp tốt sẽ không cố gây ấn tượng với công chúng bằng một câu nói nào đó nhằm chế giễu người khác, mà là chú ý đến nguyên do của họ và cố gắng nắm bắt tính phức tạp của thực tế. Thật đáng buồn khi, ngay cả trong Giáo hội cũng hình thành những cấu kết về ý thức hệ, chẳng còn biết lắng nghe, để lại hậu quả là sự chống đối vô bổ.

Trên thực tế, trong nhiều cuộc đối thoại, chúng ta chẳng giao tiếp gì cả. Chúng ta chỉ đơn giản là đợi người kia nói xong rồi áp đặt quan điểm của mình. Trong những tình huống này, như nhà triết học Abraham Kaplan lưu ý,[3] đối thoại chỉ là một cuộc song thoại: một cuộc độc thoại với hai giọng nói. Trái lại, trong giao tiếp thực sự, “tôi” và “bạn” đều “đi ra”, hướng về nhau.

Vì vậy, lắng nghe là thành phần đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và giao tiếp tốt. Không có lắng nghe thì không có giao tiếp, và sẽ không thể có một nền báo chí lành mạnh nếu không có khả năng lắng nghe. Để cung cấp thông tin chắc chắn, quân bình và đầy đủ, cần phải lắng nghe trong một thời gian dài. Để kể lại một sự kiện hoặc mô tả trải nghiệm khi tường thuật tin tức, điều cần thiết là phải biết cách lắng nghe, sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình, để sửa đổi các giả định ban đầu của mình.

Chỉ khi gạt bỏ những độc thoại sang một bên thì các tiếng nói mới hài hòa được với nhau, hầu có thể bảo đảm đạt được sự giao tiếp đích thực. Phải lắng nghe một số nguồn, “đừng dừng lại ở quán rượu đầu tiên” – như các chuyên gia trong lĩnh vực này dạy chúng ta – mới bảo đảm được độ tin cậy và nghiêm túc của thông tin chúng ta truyền tải. Lắng nghe nhiều tiếng nói, lắng nghe lẫn nhau, ngay cả trong Giáo hội, giữa các anh chị em, sẽ cho phép chúng ta thực hiện nghệ thuật phân định, vốn luôn chứng tỏ là khả năng định hướng bản thân trong một bản giao hưởng nhiều giọng.

Nhưng tại sao lại phải đối mặt với việc cố gắng lắng nghe? Một nhà ngoại giao vĩ đại của Tòa thánh, Hồng y Agostino Casaroli, đã thường nói về “thái độ kiên nhẫn tử đạo” cần có khi lắng nghe và được lắng nghe trong các cuộc đàm phán với các bên khó tính nhất, để đạt được lợi ích lớn nhất có thể trong điều kiện tự do hạn chế. Nhưng ngay cả trong những tình huống ít khó khăn hơn, việc lắng nghe cũng luôn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, cùng với khả năng để cho mình ngạc nhiên trước sự thật, dù chỉ là một mảnh nhỏ của sự thật, nơi người mà chúng ta đang lắng nghe. Chỉ có sự ngạc nhiên mới mang lại kiến thức. Tôi nghĩ đến sự tò mò vô hạn của đứa trẻ luôn mở to mắt nhìn thế giới xung quanh. Lắng nghe trong trạng thái tâm trí này – sự ngạc nhiên của trẻ thơ trong nhận thức của người lớn – thì luôn luôn phong phú bởi vì tôi luôn có thể học được một điều gì đó, dù nhỏ, từ người khác và đơm hoa kết trái trong cuộc sống của chính tôi.

Khả năng lắng nghe tiếng nói của xã hội có giá trị hơn bao giờ hết trong thời điểm đang bị tổn thương bởi đại dịch kéo dài này. Quá nhiều sự ngờ vực tích lũy trước đây đối với “thông tin chính thức” cũng đã gây ra một “dịch bệnh thông tin”, trong đó giới truyền thông không ngừng phấn đấu để trở nên đáng tin cậy và minh bạch hơn. Chúng ta cần ghé tai lắng nghe một cách sâu sắc, đặc biệt đối với những bất an xã hội tăng cao do nhiều hoạt động kinh tế suy thoái hay ngưng trệ.

Thực tế của việc cưỡng bức di cư cũng là một vấn đề phức tạp và không ai có sẵn một giải pháp cho vấn đề này. Tôi xin nhắc lại rằng, để vượt qua những định kiến về người di cư và làm tan chảy sự chai sạn của trái tim chúng ta, ta phải cố gắng lắng nghe câu chuyện của họ. Hãy cho từng di dân một cái tên và một câu chuyện. Nhiều nhà báo giỏi đã làm điều này rồi. Nhiều người khác cũng muốn làm như thế, và ước chi họ có thể làm được. Chúng ta hãy động viên họ! Hãy lắng nghe những câu chuyện ấy! Rồi thì mọi người sẽ tự nguyện ủng hộ các chính sách di cư mà họ cho là phù hợp nhất đối với đất nước của họ. Nhưng bất luận thế nào, trước mắt chúng ta không phải là những con số, không phải là những kẻ xâm lược nguy hiểm, mà là những khuôn mặt và những câu chuyện, những ánh mắt, những mong đợi và những khổ đau của những con người thực sự đang cần được lắng nghe.

Lắng nghe nhau trong Giáo hội

Trong Giáo hội cũng vậy, rất cần lắng nghe và nghe được lời của nhau. Đó là món quà trao tặng sự sống quý giá nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau. “Các Kitô hữu đã quên rằng sứ vụ lắng nghe đã được Đấng lắng nghe vĩ đại uỷ thác cho họ và họ phải chia sẻ công việc ấy của Người. Chúng ta cần lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để có thể nói lời của Chúa.”[4] Thế nên nhà thần học Tin lành Dietrich Bonhoeffer mới nhắc nhở chúng ta rằng: công việc phục vụ đầu tiên ta phải dành cho người khác trong tình hiệp thông là lắng nghe họ. Ai không biết lắng nghe anh chị em mình thì chẳng bao lâu nữa cũng sẽ không còn khả năng lắng nghe Thiên Chúa.[5]

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động mục vụ chính là việc “tông đồ lắng nghe” – lắng nghe trước khi nói, như Thánh tông đồ Giacôbê khuyên nhủ: “Mọi người hãy mau nghe, và hãy chậm nói” (1,19). Tự nguyện dành một chút thời gian của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên.

Một tiến trình Thượng hội đồng vừa được khởi động. Chúng ta hãy cầu xin cho đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để lắng nghe nhau. Thực ra, sự hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trên sự lắng nghe nhau giữa các anh chị em. Như trong một dàn hợp xướng, sự thống nhất không đòi hỏi sự đồng đều, đơn điệu mà là sự đa dạng và nhiều giọng, đa âm. Đồng thời, trong dàn hợp xướng mỗi giọng hát vừa hát vừa lắng nghe các giọng khác và để ý đến sự hòa hợp của tổng thể. Sự hòa hợp này là do nhà soạn nhạc tạo ra, nhưng thể hiện sự hoà hợp này lại do tất cả và từng giọng hát hoà âm với nhau.

Khi ý thức rằng chúng ta tham gia vào một sự hiệp thông đã có trước và bao gồm cả chúng ta, chúng ta có thể tái khám phá một Giáo hội giao hưởng, trong đó mỗi người có thể hát bằng chính giọng hát của mình, đón nhận giọng hát của người khác như một món quà để thể hiện hoà âm của toàn bộ bản giao hưởng do Chúa Thánh Thần soạn thảo.

Roma, Đền thờ Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 1 năm 2022, lễ Thánh Phanxicô Salêsiô,

Phanxicô

Vi Hữu & Minh Đức (WHĐ) chuyển ngữ



[1] “Nolite habere cor in auribus, sed aures in corde” (Sermo 380, 1: Nuova Biblioteca Agostiniana 34, 568).

[2] “Lettera a tutto l’Ordine”: Fonti Francescane, 216.

[3] Xem “Cuộc đời đối thoại”, trong J.D. Roslansky, ed., Communication. Một cuộc thảo luận tại Hội nghị Nobel, Công ty xuất bản North-Holland, Amsterdam, 1969, trang 89-198.

[4] D. Bonhoeffer, La vita comune, Queriniana, Brescia 2017, 76.

[5] Xem sđd., 75.

LỊCH PHỤNG VỤ