SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
LẦN THỨ 50 – NĂM 2016
Truyền thông và Lòng Thương xót:
Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa trái
Anh chị em thân mến,
Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi tất cả chúng ta suy gẫm về
mối tương quan giữa truyền thông và lòng thương xót. Giáo hội, trong sự hiệp
thông với Chúa Kitô là hiện thân sống động Lòng Thương Xót của Chúa Cha, được
kêu gọi thực thi lòng thương xót như là nét đặc trưng của tất cả những gì mình
là và mình làm. Điều chúng ta nói và cách chúng ta nói, từng lời nói và cử chỉ
của chúng ta, phải diễn tả lòng thương xót, nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa đối
với mọi người. Tự bản chất, tình yêu là truyền thông; tình yêu dẫn đến mở ra và
chia sẻ. Nếu con tim và hành động của chúng ta được lòng bác ái và tình yêu
Thiên Chúa thúc đẩy, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ có được sức mạnh của
Thiên Chúa.
Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi truyền
thông với mọi người, không trừ ai. Một cách đặc biệt, ngôn ngữ và hoạt động của
Giáo hội đều nhằm thông truyền lòng thương xót, chạm đến trái tim con người và
nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn mà Chúa Giêsu Kitô được
Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là
chính chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hơi ấm của Mẹ Hội Thánh và chia sẻ cho mọi
người, để họ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu. Hơi ấm ấy làm cho những lời đức
tin được vững vàng và thắp lên “ánh lửa” trong lời rao giảng và chứng tá làm
cho chúng trở nên sống động.
Truyền thông có sức mạnh bắc những nhịp cầu, thúc đẩy gặp gỡ
và hoà nhập, làm cho xã hội được phong phú. Đẹp biết bao khi thấy mọi người thận
trọng lựa lời và cử chỉ, để vượt qua những hiểu lầm, để chữa lành những ký ức
đau thương và xây dựng hoà bình và hoà hợp. Lời nói có thể bắc những nhịp cầu nối
giữa các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều
này là có thể được, cả trong thế giới vật chất và thế giới kỹ thuật số.
Thế nên, lời nói và hành động của chúng ta phải làm sao để
giúp tất cả chúng ta thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của sự lên án và trả thù cứ
luôn gài bẫy các cá nhân và các quốc gia khi kích động những lời lẽ hận thù.
Trái lại, lời nói của người Kitô hữu phải làm cho tình hiệp thông được lớn lên
và, cả khi phải mạnh mẽ lên án điều ác, lời ấy cũng không hề tìm cách phá vỡ
các mối tương quan và sự truyền thông.
Vì thế, tôi muốn mời gọi mọi người thiện chí khám phá lại sức
mạnh của lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ và khôi
phục hoà bình và hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đồng. Mọi người chúng ta
đều biết rằng có biết bao cách để các vết thương xưa cũ và những mối bất hoà
dai dẳng có thể gài bẫy các cá nhân, không cho họ truyền thông và hoà giải với
nhau. Điều này cũng đúng đối với các mối quan hệ giữa các dân tộc. Trong mọi
trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một phương cách nói chuyện và đối thoại
mới, như Shakespeare đã diễn tả rất tài tình: “Lòng thương xót không phải là điều
gượng gạo. Lòng thương xót như hơi mát của mưa rơi xuống mặt đất. Lòng thương
xót là một phúc lành kép: nó chúc lành cho cả người ban lẫn người nhận” (Người
lái buôn thành Venise, Hồi IV, Cảnh I).
Mong sao ngôn ngữ chính trị và ngoại giao của chúng ta sẽ lấy
cảm hứng từ lòng thương xót, vốn chẳng bao giờ mất đi niềm hy vọng. Đặc biệt
tôi kêu gọi những ai có trách nhiệm trong các tổ chức và trong lĩnh vực chính
trị, những ai có trách nhiệm hướng dẫn công luận, hãy luôn để ý đến cách nói của
mình về những người có suy nghĩ hay hành động khác với mình và về những người
có thể đã mắc sai lầm. Thật dễ dàng chiều theo cám dỗ khai thác những tình huống
như vậy để thổi bùng ngọn lửa của sự hồ nghi, sợ hãi và hận thù. Thay vì làm
như thế, hãy can đảm hướng mọi người vào tiến trình hoà giải; và chính sự táo bạo
tích cực và sáng tạo ấy sẽ đem lại các giải pháp thực sự cho các cuộc xung đột
cũ và cơ hội xây dựng hoà bình lâu dài. “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ
sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,7-9).
Tôi mong muốn biết bao rằng cung cách truyền thông của chúng
ta, cũng như công việc phục vụ của các mục tử trong Giáo hội, không bao giờ tỏ
ra tự cao tự đại, đắc thắng trước đối phương, hoặc khinh rẻ những người bị thế
giới coi như vất đi và dễ dàng bị loại bỏ! Lòng thương xót có thể giúp giảm bớt
đi những nghịch cảnh của cuộc sống và đem lại ấm áp cho những ai chỉ còn biết sự
lạnh lùng của bản án. Ước gì cung cách truyền thông của chúng ta giúp vượt qua
não trạng phân cách rạch ròi người tội lỗi với những người công chính. Chúng ta
có thể và phải phán xét những hoàn cảnh của tội phạm –như bạo lực, tham nhũng
và bóc lột– nhưng chúng ta không được phán xét những con người, vì chỉ có Thiên
Chúa mới có thể nhìn thấu tâm hồn của họ. Bổn phận của chúng ta là bảo ban những
ai lầm lạc, tố cáo tội ác và bất công của một số lối ứng xử, để giải thoát các
nạn nhân và nâng dậy những ai té ngã. Tin mừng Gioan nói với chúng ta rằng “sự
thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Sự thật tối thượng là Chúa Kitô, lòng
thương xót dịu dàng của Người là thước đo cách thức chúng ta loan báo sự thật
và lên án bất công. Nghĩa vụ chính của chúng ta là bảo vệ sự thật với lòng bác
ái (x. Ep 4,5). Chỉ những lời nói ra bằng tình yêu cùng với sự hiền lành và
lòng thương xót mới có thể chạm vào trái tim tội lỗi của chúng ta. Những lời
nói và cử chỉ khắc nghiệt hay răn dạy đạo đức có nguy cơ đẩy ra xa hơn những
người mà chúng ta muốn dẫn đưa họ đến chỗ hoán cải và tự do, làm tăng thêm ý muốn
từ khước và phòng vệ của họ.
Có người cho rằng một quan điểm xã hội bắt nguồn nơi lòng
thương xót sẽ chỉ mang tính lý tưởng vô vọng hoặc khoan dung thái quá. Nhưng
chúng ta hãy thử nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về những mối tương
quan trong gia đình mà xem. Cha mẹ chúng ta yêu thương và quý trọng chúng ta vì
chính chúng ta, chứ không phải vì khả năng hay thành công của chúng ta. Lẽ tự
nhiên các bậc cha mẹ đều muốn điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng tình yêu của
họ không bao giờ phụ thuộc vào việc phải đạt được những mục tiêu nào đó. Mái ấm
gia đình là nơi chúng ta luôn được đón nhận (x. Lc 15,11-32). Tôi muốn khích lệ
tất cả anh chị em hãy nhìn xã hội không phải như một nơi mà những kẻ xa lạ ganh
đua nhau để tìm cách thống trị, nhưng trước hết như một mái ấm hay một gia
đình, nơi cánh cửa luôn mở rộng và ai cũng thấy mình được đón nhận.
Để được như thế, điều thiết yếu là phải lắng nghe. Truyền
thông nghĩa là chia sẻ, và chia sẻ đòi hỏi lắng nghe và đón nhận. Lắng nghe
không chỉ đơn giản là nghe. Nghe là tiếp nhận thông tin, còn lắng nghe là truyền
thông, và đòi hỏi sự gần gũi. Lắng nghe giúp chúng ta có thái độ đúng đắn, ra
khỏi tình trạng thụ động của người nghe nhìn hay người tiêu thụ. Lắng nghe cũng
có nghĩa là biết chia sẻ những thắc mắc và nghi ngờ, cùng đi cận kề bên nhau, để
rũ bỏ mọi đòi hỏi quyền lực và dùng khả năng và ân ban của mình mà phục vụ công
ích.
Lắng nghe chẳng bao giờ là dễ dàng. Lắm khi giả điếc lại dễ
hơn. Lắng nghe nghĩa là chú tâm, muốn hiểu biết, để lượng giá, để tôn trọng và
suy nghĩ về những gì người khác nói. Lắng nghe cũng giống như một thứ tử đạo
hay hy sinh, khi chúng ta cố gắng bắt chước Môsê đứng trước bụi cây đang cháy:
phải bỏ dép ra khi đứng trên “đất thánh” của cuộc gặp gỡ với một người đang nói
với tôi (x. Xh 3,5). Biết cách lắng nghe là một ân huệ lớn lao, đó là ơn chúng
ta cần cầu xin và rồi phải nỗ lực hết sức để thực thi.
Email, tin nhắn, mạng xã hội và trò chuyện cũng có thể là những
hình thức truyền thông đầy tính nhân văn. Không phải là công nghệ xác định truyền
thông có xác thực hay không, mà là trái tim con người và khả năng của con người
biết sử dụng một cách khôn ngoan các phương tiện sẵn có. Các mạng xã hội có thể
giúp cho những mối tương quan được dễ dàng và thúc đẩy thiện ích của xã hội,
nhưng chúng cũng có thể làm gia tăng sự phân cực và chia rẽ giữa các cá nhân và
các nhóm. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người
ta có thể yêu thương hay gây đau thương, tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay
ném đá nhau tàn nhẫn. Tôi cầu xin cho Năm Thánh này, khi được sống với lòng
thương xót, “giúp chúng ta cởi mở hơn trong việc đối thoại, để có thể hiểu biết
và cảm thông nhau nhiều hơn; mong sao Năm Thánh sẽ giải toả mọi thái độ khép
kín và thiếu tôn trọng, cũng như loại bỏ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị”
(Misericordiae Vultus, 23). Internet có thể giúp chúng ta trở nên những công
dân tốt hơn. Việc tham gia các mạng kỹ thuật số đòi hỏi chúng ta phải có trách
nhiệm đối với người thân cận của mình – dù chúng ta không nhìn thấy họ nhưng họ
vẫn có thật và có một phẩm giá phải được tôn trọng. Internet có thể được sử dụng
một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia.
Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách
nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người.
Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao.
Tôi muốn dùng từ “sự gần gũi” để nói về sức mạnh truyền
thông này. Cuộc gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ mang
lại hoa trái vì nó tạo nên được sự gần gũi để chăm sóc, an ủi,
chữa lành, đồng hành và chung vui với nhau. Trong một thế giới vụn vỡ,
phân mảnh và phân cực, truyền thông với lòng thương xót nghĩa là giúp kiến tạo
sự gần gũi lành mạnh, tự do và huynh đệ giữa các con cái Thiên Chúa và mọi người
anh chị em của chúng ta trong một gia đình nhân loại duy nhất.
Vatican, ngày 24 tháng Giêng 2016
PHANXICÔ
Chuyển ngữ: Minh Đức