TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỚI CHA TIMOTHY RADCLIFFE, OP
BÀI III: TÌNH BẰNG HỮU
WHĐ (07.10.2023) – “Tình bằng hữu”, là đề tài thứ 3 Cha Timothy Radcliffe, OP chia sẻ với các tham dự viên Thượng Hội đồng tại nhà tĩnh tâm "Fraterna Domus" sáng mồng 02.10.2013.
Thưa anh chị em,
Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với
Chúa Cha: “Xin cho họ nên một như chúng
ta” (Ga 17, 11). Nhưng ngay từ đầu,
trong hầu hết các bản văn Tân Ước, chúng ta thấy các môn đệ chia rẽ, cãi vã, và
rút phép thông công lẫn nhau.
Chúng ta quy tụ tại Thượng Hội đồng này vì chúng ta cũng bị
chia rẽ, đồng thời chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho sự đồng tâm nhất trí. Đây
phải là chứng từ quý giá của chúng ta trong một thế giới bị xâu xé bởi xung đột
và bất bình đẳng. Nhiệm Thể Đức Kitô phải thể hiện sự bình an mà Chúa Giêsu đã
hứa và thế giới khao khát.
Hôm qua, tôi đã xem xét hai nguồn gốc của sự chia rẽ: những niềm hy vọng mâu thuẫn nhau, và những tầm nhìn khác nhau của chúng ta về Giáo hội là nhà. Nhưng những căng thẳng này không nhất thiết phải chia rẽ chúng ta;
Chúng ta là những người mang một niềm hy vọng vượt lên trên mọi hy vọng, và
Chúa nói với chúng ta rằng trong ngôi nhà rộng rãi của Vương quốc có “nhiều chỗ ở” (Ga 14, 1).
Tất nhiên không phải mọi hy vọng hoặc ý kiến đều chính đáng.
Nhưng chính thống thì rộng rãi còn tà giáo thì chật hẹp. Chúa dẫn đàn chiên của
Người ra khỏi chuồng chiên nhỏ bé để đến những đồng cỏ rộng mở của đức tin
chúng ta. Vào Lễ Phục Sinh, Người sẽ dẫn đàn chiên ra khỏi căn phòng nhỏ bị
khóa để bước vào sự bao la vô biên của Thiên Chúa, “sự dồi dào của Thiên Chúa”[1].
Vậy chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Người. Nhưng bằng cách
nào? Một giám mục Đức lo ngại về “giọng
điệu gay gắt” trong các cuộc thảo luận tại công nghị của họ. Ngài nói rằng
họ “giống như một cuộc trao đổi bằng lời
nói khoa trương "hơn là một cuộc tranh luận có trật tự”[2]. Tất nhiên là cần phải có những
cuộc tranh luận hợp lý có trật tự. Là một tu sĩ Đa Minh, tôi không bao giờ phủ
nhận tầm quan trọng của lý trí! Nhưng nếu muốn vượt lên trên những khác biệt,
chúng ta cần hơn thế nữa. Đàn chiên tin tưởng vào tiếng của Chúa vì đó là tiếng
của một người bạn. Thượng Hội đồng này sẽ có kết quả nếu nó dẫn chúng ta đến một
tình bằng hữu sâu sắc hơn với Chúa và với nhau.
Vào đêm trước khi chết, Chúa Giêsu nói với các môn đệ sắp phản
bội, chối bỏ, và bỏ rơi Người rằng: “Thầy
gọi anh em là bạn hữu”. (Ga 15, 15). Chúng ta được đón nhận bởi tình bằng hữu
chữa lành của Thiên Chúa, tình bằng hữu mở ra những cánh cửa ngục tù mà chúng
ta tự tạo ra cho mình. “Thiên Chúa vô
hình nói với con người như những người bạn” (Vatican II, Dei Verbum, 2). Chúa Giêsu đã mở đường để
đi vào tình bằng hữu vĩnh cửu của Ba Ngôi. Tình bằng hữu này được trao tặng cho
các môn đệ, cho những người thu thuế và gái điếm, cho các luật sĩ và dân ngoại.
Đó là hương vị đầu tiên của Vương quốc.
Cả Cựu Ước lẫn Hy Lạp và Roma cổ điển đều coi tình bằng hữu
như vậy là bất khả thi. Tình bằng hữu chỉ tồn tại giữa những người tốt lành,
còn kết bạn với kẻ gian ác bị coi là không thể. Như Tv 26 nói rõ: “Con gớm ghét bè lũ vô lương, không ngồi
chung với phường gian ác” (c. 5). Kẻ gian tà không có tình bạn vì họ chỉ hợp
tác để thực hiện những hành động xấu xa. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta luôn có
xu hướng tạo ra những tình bạn gây sửng sốt. Ngài yêu mến Giacob, kẻ lừa gạt;
Đavít, kẻ sát nhân và ngoại tình; và Salômôn, kẻ thờ ngẫu tượng.
Ngoài ra, tình bằng hữu chỉ có thể tồn tại giữa những người
bình đẳng với nhau. Nhưng ân sủng nâng chúng ta lên trong tình bằng hữu thần
linh. Thánh Tôma Aquino khẳng định, “solus Deus deificat - chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng
ta trở nên giống thần thánh”. Hôm nay Lễ các Thiên thần Bản mệnh, những
vị là dấu chỉ của tình bằng hữu độc đáo mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng
ta. Đức Thánh Cha có nói nhân ngày lễ này rằng, “Không ai bước đi một mình và đừng ai có thể nghĩ rằng mình đơn độc”[3]. Trong hành trình, mỗi chúng
ta đều được bao bọc bởi tình bằng hữu thần linh.
Việc rao giảng Phúc âm không bao giờ chỉ là truyền đạt thông
tin. Đó là một hành động của tình bằng hữu. Một trăm năm trước, Vincent McNabb
OP đã nói: “Hãy yêu thương những người bạn
rao giảng. Nếu không có tình yêu thương thì đừng giảng nữa. Hãy giảng cho chính
mình”. Người ta cho rằng thánh Đa Minh được mọi người yêu mến vì ngài yêu
thương tất cả mọi người. Thánh Catarina Siena luôn có một nhóm bạn hữu bên cạnh
là những nam nữ giáo dân và tu sĩ, đến độ họ được gọi là Caterinati, người của
Catarina. Thánh Martin de Porres thường xuất hiện trong bức tranh có cảnh một
con mèo, một con chó, và một con chuột đang ăn cùng một đĩa. Thật là hình ảnh đẹp
về đời sống tu trì!
Không có tình bạn thanh thoát nào giữa nam và nữ trong Cựu Ước.
Vương quốc Chúa Giêsu khai mở được bao quanh bởi bạn bè, cả đàn ông lẫn phụ nữ.
Thậm chí ngày nay, nhiều người vẫn hoài nghi liệu có thể tồn tại một tình bạn
trong sáng giữa một người nam và một người nữ hay không. Đàn ông sợ bị buộc tội;
phụ nữ sợ bị đàn ông bạo hành; giới trẻ sợ bị lạm dụng. Chúng ta cần thể hiện
tình bằng hữu rộng lượng của Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta rao giảng Phúc âm qua tình bằng hữu vượt
lên trên ranh giới. Thiên Chúa đã vượt qua sự phân cách giữa Đấng Tạo Hóa và thụ
tạo. Vậy chúng ta có thể thiết lập được những tình bằng hữu bất khả thi nào?
Khi Chân phước Pierre Claverie được tấn phong giám mục của Oran ở Algeria vào
năm 1981, ngài đã chia sẻ với những người bạn Hồi giáo của mình rằng: “Tôi cũng mắc nợ các bạn những gì tôi có
ngày hôm nay. Với các bạn khi học tiếng Ả Rập, trên hết tôi đã học được cách
nói và hiểu ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ của tình huynh đệ, nơi các chủng tộc
và tôn giáo giao tiếp với nhau... Vì tôi tin rằng tình bạn này đến từ Thiên
Chúa và dẫn đến Thiên Chúa”[4]. Xin hãy nhớ rằng, chính
tình bằng hữu đã làm nên con người của ngài như ngài là!
Chính vì tình bằng hữu này mà Đức cha Pierre Claverie đã bị
nhóm khủng bố sát hại cùng với một người bạn trẻ Hồi giáo, Mohamed Bouckichi.
Sau khi ngài được phong chân phước, người ta đã trình diễn vở kịch về tình bạn Pierre et Mohamed. Mẹ của Mohamed đã xem
vở kịch về cái chết của con trai và bà đã ôm hôn diễn viên đóng vai con mình.
Tin mừng mà người trẻ chờ đợi được nghe từ chúng ta là Thiên
Chúa đến với họ qua tình bằng hữu. Đây chính là tình bạn mà họ khao khát, và vì
đó mà họ tìm kiếm trên Instagram và TikTok. Khi còn là thiếu niên, tôi kết bạn
với một số linh mục Công giáo. Với họ, tôi khám phá ra niềm vui đức tin. Nhưng
than ôi, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã khiến những tình bạn như vậy trở
nên đáng ngờ. Tồi tệ hơn cả tội tình dục, đó là tội chống lại tình bạn. Tầng
sâu nhất trong Địa ngục của Dante (Dante's Inferno) được dành riêng cho những kẻ
phản bội tình bạn.
Do đó, nền tảng của những gì chúng ta sẽ làm trong Thượng Hội
đồng này phải là tình bằng hữu mà chúng ta tạo ra. Chẳng có gì to tát đâu và việc
này sẽ không xuất hiện trên các tiêu đề của truyền thông. “Họ đến tận Roma để kết bạn! Thật là lãng phí!” Nhưng chính nhờ tình
bằng hữu mà chúng ta thực hiện quá trình chuyển đổi từ 'Tôi' sang 'Chúng ta' (Tài liệu làm việc
A. 1. 25). Không có tình bạn, chúng ta sẽ chẳng đạt được gì cả. Khi Tổng Giám mục
Anh giáo của Canterbury, Robert Runcie, gặp Thánh Gioan Phaolô II, ngài thấy thất
vọng vì dường như chẳng có tiến triển nào hướng tới sự hiệp nhất được thực hiện.
Nhưng Đức Gioan Phaolô II nói Đức cha Robert Runcie là hãy tin tưởng. “Tính hiệp đoàn tình cảm đi trước tính hiệp
đoàn hiệu quả”.
Tài liệu Làm việc đề cập đến tình trạng cô đơn của nhiều
linh mục, và các vị “cần được chăm sóc, cần
tình bạn, và sự nâng đỡ”. (B. 2.4, b). Trung tâm của ơn gọi linh mục là nghệ
thuật của tình bạn. Đây là tình bằng hữu vĩnh cửu, bình đẳng của Thiên Chúa Ba
Ngôi. Khi đó, mọi chất độc của giáo sĩ trị sẽ tan biến. Ơn gọi của bậc cha mẹ
cũng có thể cô đơn và cần tình bạn hỗ trợ.
Tình bằng hữu là một phận vụ sáng tạo. Trong tiếng Anh chúng
ta nói rằng chúng ta yêu nhau nhưng lại không kết bạn. Chúa Giêsu hỏi người luật
sĩ sau dụ ngôn Người Samaritanô nhân lành: 'Trong
ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?'
(Lc 10, 36). Ngài bảo các môn đệ rằng họ hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy
bạn bè (Lc 16, 9). Trong Thượng Hội đồng, chúng ta có nhiệm vụ sáng tạo là tạo
ra những tình bằng hữu bất khả thi, nhất là với những người mà chúng ta bất đồng.
Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang nói những điều vô nghĩa, hãy tiến lại và kết bạn với
tôi!
Điều này nghe có vẻ lạ lùng! Hãy tưởng tượng tôi một mực quyết
chí muốn kết bạn với bạn. Có lẽ bạn sẽ muốn bỏ chạy! Nhưng nền tảng của tình bạn
thực ra chỉ đơn giản là ở bên nhau. Đó là niềm vui khi có sự hiện diện của người
khác. Chúa Giêsu mời gọi nhóm thân cận, Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng lên núi với
Người, đồng thời họ cũng sẽ ở bên Người trong vườn Ghếtsêmani. Sau khi Chúa
Giêsu lên trời, các tông đồ tìm người thay thế Giuđa, một người đã từng ở với
Chúa và với họ. Phêrô nói rằng người ấy phải là một “trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian
Người dẫn đầu chúng ta, kể từ phép rửa của ông Gioan cho đến ngày Người lìa bỏ
chúng ta và được rước lên trời” (Cv 1, 21). Thiên đàng chỉ đơn thuần là ở
bên Chúa. Bốn lần khi cử hành Thánh Thể, chúng ta nghe những lời này: “Chúa ở cùng anh chị em”. Đây chính là
tình bằng hữu thần linh. Sơ Wendy Becket diễn tả việc cầu nguyện là “bất lực trước sự trước sự hiện diện của Chúa”.
Không cần phải nói gì thêm nữa.
Trong cuốn sách về tình bạn thiêng liêng, Thánh Aelred
Rivaulx, viện phụ dòng Xitô ở thế kỷ XII, đã viết "Chúng ta ở đây, bạn và tôi, và tôi hy vọng rằng Đức Kitô là người thứ
ba với chúng ta. Giờ đây chẳng ai có thể làm phiền chúng ta nữa... Vì vậy, hỡi
bạn thân mến, hãy đến đây, hãy bộc lộ tâm tư và nói lên suy nghĩ của mình”. Liệu chúng ta có đủ can đảm để nói ra điều
mình nghĩ không?
Tất nhiên, trong Tổng Tu nghị Đa Minh, chúng tôi tranh luận
và đưa ra quyết định. Nhưng chúng tôi cũng cầu nguyện, ăn uống, đi dạo, và giải
trí cùng nhau. Chúng tôi trao cho nhau món quà quý giá nhất, đó là thời gian.
Chúng tôi xây dựng đời sống chung. Sau đó, những tình bạn tưởng như không thể
đã nảy sinh. Lý tưởng nhất là chúng ta cũng nên làm điều này trong ba tuần của
Thượng Hội đồng thay vì đi theo những con đường riêng rẽ vào cuối ngày. Chúng
ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ có thể thực hiện được trong khoá họp tiếp theo
của Thượng Hội đồng này.
Tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta không
gian. Herbert McCabe OP viết rằng: “Quyền
năng của Thiên Chúa trước hết là quyền năng cho phép mọi thứ diễn ra như chúng
là. "Hãy có ánh sáng" - quyền năng sáng tạo là quyền năng là bởi vì
nó khiến mọi thứ trở nên như chúng là, con người trở nên như mình là, không can
thiệp vào các thụ tạo. Rõ ràng là việc sáng tạo không tạo ra sự khác biệt nào đối
với sự vật, mà để chúng là chính chúng. Sáng tạo chỉ đơn giản là để mọi thứ diễn
ra tự nhiên, và tình yêu của chúng ta là một hình ảnh mờ nhạt về điều đó”[5].
Nhiều khi không cần đến lời nói. Một phụ nữ trẻ người
Algeria tên là Yasmina đã để lại một tấm thiệp gần nơi Pierre Claverie chịu tử
đạo, trong đó cô ấy viết: “Cha ơi, tối
nay con chẳng thể nói được lời nào ngoại trừ nước mắt và niềm hy vọng”[6].
Nếu chúng ta ở bên nhau giống như thế, chúng ta sẽ gặp nhau
như thể mới gặp nhau lần đầu! Khi Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Simon Biệt
phái, một phụ nữ, có lẽ là một gái điếm địa phương, bước vào và khóc, rửa chân
cho Người bằng nước mắt của mình. Ông Simon bị sốc. Chẳng lẽ Chúa Giêsu không
biết cô ấy là ai sao? Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không
đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình
mà lau” (Lc 7, 44).
Dân Israel khao khát được chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa.
Qua nhiều thế kỷ họ hát lên: “Xin toả ánh
tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80, 4). Nhưng con
người chẳng thể nhìn thấy Chúa mà vẫn sống được. Israel mong mỏi điều không thể
chịu nổi, đó là việc được diện kiến tôn nhan Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, tôn
nhan này đã được mạc khải. Những người mục đồng có thể nhìn thấy Thiên Chúa nơi
một em bé đang ngủ trong máng cỏ mà vẫn sống. Tôn nhan của Thiên Chúa trở nên hữu
hình, nhưng chính Thiên Chúa lại là Đấng phải chết, đôi mắt nhắm nghiền trên thập
giá.
Trong Kinh nguyện Thánh Thể thứ hai, chúng ta cầu nguyện cho
những tín hữu đã ly trần được vào hưởng ánh sáng Tôn nhan Chúa. Nhập Thể là sự
xuất hiện hữu hình của Thiên Chúa. Một nhà thần học cổ xưa, có lẽ là Thánh
Augustinô, tưởng tượng ra cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và người trộm lành
cùng chết với Chúa Giêsu. Người trộm lành nói: 'Tôi chưa thực hiện bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào về Kinh thánh. Tôi từng
là một tên trộm chuyên nghiệp. Nhưng, vào một thời điểm nào đó trong nỗi đau đớn
và cô đơn của mình, tôi thấy Chúa Giêsu đang nhìn tôi và, trong ánh mắt của Người,
tôi hiểu được mọi thứ”[7].
Trong thời gian giữa lần đến thứ nhất và lần đến thứ hai của
Đức Kitô, chúng ta phải thể hiện với nhau giống như vậy. Chúng ta thấy những
người bé nhỏ không ai thấy, và nở nụ cười chia sẻ với những người cảm thấy xấu
hổ. Brian Pierce, một tu sĩ Đa Minh người Mỹ, đã đến thăm cuộc triển lãm ảnh về
trẻ em đường phố ở Lima, Peru. Dưới bức ảnh của một cậu bé có dòng chú thích, “Saben que existo pero no me ven - Họ biết tôi tồn tại nhưng họ không nhìn thấy
tôi”. Họ biết tôi tồn tại như một vấn đề, một mối phiền toái, và một số liệu
thống kê, nhưng họ không nhìn thấy tôi!
Ở Nam Phi, lời chào phổ biến là “Sawabona” - Tôi nhìn thấy bạn!
Hàng triệu người cảm thấy mình vô hình. Chẳng ai nhìn họ với sự thừa nhận. Thường
có những người bị cám dỗ thực hiện hành vi bạo lực chỉ để cho người khác nhìn
thấy họ! Nhìn này, tôi ở đây này! Thà bị coi là kẻ thù còn hơn là không được
nhìn thấy.
Thomas Merton gia nhập đời sống tu trì vì muốn thoát khỏi sự
gian ác của thế gian. Nhưng sau ít năm sống trong dòng Xitô đã mở rộng tầm mắt
của ông trước vẻ đẹp và sự thiện hảo của con người. Một hôm, khi đang đi trên
đường, những chiếc vảy che mắt ông rơi xuống. Thomas Merton bộc bạch trong nhật
ký: “Rồi như thể tôi chợt nhìn thấy vẻ đẹp
thầm kín của trái tim họ, chiều sâu của tâm hồn họ, nơi mà tội lỗi, ham muốn,
hoặc sự tự biết mình đều không thể chạm tới, cốt lõi hữu thể của họ, cá vị mỗi
người đều ở trong mắt Thiên Chúa. Giá như họ có thể nhìn thấy con người thật của
mình. Giá như chúng ta luôn có thể luôn nhìn thấy nhau như vậy. Sẽ không còn
chiến tranh, không còn hận thù, và cũng không còn tham lam nữa”[8].
Thế giới của chúng ta khao khát tình bạn, nhưng nó bị phá hoại
bởi những xu hướng hủy diệt: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, trong đó mọi
người gắn kết với nhau bằng những câu chuyện đơn giản, những khẩu hiệu dễ dãi,
và sự mù quáng thái quá của đám đông. Và có chủ nghĩa cá nhân cực đoan, có
nghĩa là tất cả những gì tôi có đều là câu chuyện của tôi. Terry Eagleton viết
rằng: “Những chuyến đi không còn phổ biến
mà được thiết kế riêng, giống như đi nhờ xe hơn là đi xe khách. Chúng không còn
được sản xuất hàng loạt nữa mà hầu hết được tự xử lý. Thế giới đã không còn bị
định hình bởi những câu chuyện, điều đó có nghĩa là, bạn có thể tự tạo nên cuộc
sống của mình theo cách bạn muốn”[9].
Nhưng “câu chuyện của tôi” là câu
chuyện của chúng ta, câu chuyện phúc âm vốn có thể được kể theo nhiều cách tuyệt
vời khác nhau.
Một điểm ngắn gọn cuối cùng. C. S. Lewis nói rằng những người
yêu nhau nhìn nhau, trong khi bạn bè nhìn về cùng một hướng. Họ có thể bất đồng
với nhau, nhưng ít nhất họ có chung một số vấn đề. Tôi trích dẫn: '"Bạn có quan tâm đến cùng một sự thật không?"
Một người đồng ý với chúng ta rằng có một
số vấn đề, dù ít được người khác quan tâm, nhưng lại có bản chất rất quan trọng,
người đó có thể là bạn của chúng ta. Anh ấy không cần phải đồng ý với chúng ta
về giải pháp”[10].
Điều dũng cảm nhất mà chúng ta có thể làm trong Thượng Hội đồng
này là thành thật với nhau về những hoài nghi và thắc mắc của chúng ta, những vấn
đề mà chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Khi đó, chúng ta sẽ tiếp cận với
tư cách là những người cùng tìm kiếm, những người ăn xin sự thật. Trong tác phẩm
Don Quixote của Graham Greene, một linh mục Công giáo người Tây Ban Nha và một
Thị trưởng Cộng sản cùng nhau đi nghỉ. Một ngày nọ, họ chia sẻ với nhau những
hoài nghi của mình. Vị linh mục nói, “thật
kỳ lạ là làm sao việc chia sẻ cảm thức hoài nghi lại có thể gắn kết con người lại
với nhau hơn là việc chia sẻ một đức tin. Người có đức tin sẽ đấu tranh với một
người có đức tin khác vì một chút khác biệt; còn người hoài nghi chỉ chiến đấu
với chính mình”[11].
Trong cuộc đối thoại với Rabbi Skorka, Đức Thánh Cha
Phanxicô có nói rằng: “Các nhà lãnh đạo
vĩ đại của Dân Chúa là những người luôn để lại chỗ cho sự hoài nghi… Bất cứ ai
muốn lãnh đạo Dân Chúa đều phải nhường chỗ của mình cho Thiên Chúa; do đó, người
ấy phải nhỏ lại, rút lui vào chính mình với sự hoài nghi, với trải nghiệm nội
tâm về bóng tối, về việc không biết phải làm gì; tất cả những điều đó cuối cùng
đều rất tinh ròng. Người lãnh đạo tồi là người tự tin và cứng đầu. Một trong những
đặc điểm của một nhà lãnh đạo tồi là quá chuẩn mực vì sự tự tin của mình”[12]. (On Heaven and Earth, 52)
Nếu không có mối quan tâm
chung về sự thật thì cơ sở cho tình bằng hữu là gì? Tình bạn trở nên khó khăn
trong xã hội chúng ta, một phần vì xã hội hoặc đã mất niềm tin vào sự thật, hoặc
bám vào những sự thật chính thống hạn hẹp không thể bàn cãi. Solzhenitsyn đã
nói “một lời nói thật có giá trị hơn cả
thế giới”[13]. Một người anh em của tôi
trên xe buýt tình cờ nghe được câu chuyện của hai phụ nữ ngồi ở ghế trước mặt.
Một người phàn nàn về những đau khổ mà cô phải chịu đựng. Người kia nói: "Chị ạ, chị phải nhìn nhận chúng một cách
thông thái", “Thông thái ư? Nhưng thông thái nghĩa là gì?”. “Nó có nghĩa là đừng nghĩ về chúng nữa”.
Tình bằng hữu phát triển khi chúng ta dám chia sẻ những hoài
nghi và cùng nhau tìm kiếm sự thật. Nói chuyện với những người đã biết mọi thứ
hoặc những người hoàn toàn đồng ý thì liệu có ích gì? Nhưng chúng ta làm điều
đó như thế nào? Đó là chủ đề của buổi tĩnh tâm tiếp theo.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
(02.10.2023)
[9] Terry Eagleton, "What's
Your Story?", in London Review of Books, February 16, 2023
www.lrb.co.uk/the-paper/v45/n04/terry-eagleton/what-s-your-story
[12] Bergoglio, Jorge Mario and Abraham Skorka. On Heaven and Earth. New York: Image [2010] 2013, p. 52, quoted in
Marc Bosco, SJ, 'Colouring Catholicism: Greene in the Age of Pope Francis'.
[13] Nobel Prize Speech 1970 'One
Word of Truth'