TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỚI CHA TIMOTHY RADCLIFFE, OP:
BÀI I - “NIỀM HY VỌNG CHỐNG LẠI HY VỌNG”
WHĐ (03.10.2023) – Sáng Chúa Nhật, ngày mồng 01.10, cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, OP, nguyên Bề trên Dòng Giảng Thuyết, đã suy tư về ý nghĩa của “Niềm hy vọng chống lại hy vọng” với các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục sẽ khai mạc vào Thứ Tư, ngày mồng 04.10.2023.
Thưa anh chị em,
Khi Đức Thánh Cha yêu cầu tôi hướng dẫn cuộc
tĩnh tâm này, tôi cảm thấy hết sức vinh dự nhưng lại rất lo lắng. Tôi nhận thức
sâu sắc về những giới hạn cá nhân của mình. Tôi, một người già, da trắng, Tây
phương, và là đàn ông! Tôi không biết còn có điều gì tệ hơn nữa không! Tất cả
những khía cạnh thuộc về căn tính này làm hạn chế sự hiểu biết của tôi. Vì vậy,
tôi xin quý vị thứ lỗi cho sự thiếu sót trong những lời của tôi.
Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo và chúng ta cần
có nhau. Karl Barth, nhà thần học Tin Lành vĩ đại, đã viết về cái gọi là cái “cả / và” Công giáo. Ví dụ, Kinh thánh và
truyền thống, đức tin và việc làm. Người ta cho rằng ông đã gọi nó là ‘cái “Và” Công giáo tồi tệ’, 'das verdammte katholische "Und"'.
Vì vậy, khi chúng ta lắng nghe nhau trong những tuần tới và bất đồng quan điểm
với nhau, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ thường xuyên nói, “Có, và….”
thay vì nói “Không”! Đó là cách thức
của Thượng hội đồng. Tất nhiên, “Không”
đôi khi cũng cần thiết!
Trong bài đọc thứ hai của Thánh Lễ hôm nay (Chúa
nhật XXVI Thường Niên năm A), Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê: “Hãy
làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một
lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2, 2). Chúng ta quy tụ tại đây vì chúng ta chưa đồng tâm nhất
trí. Đại đa số những người tham gia vào tiến trình Thượng Hội đồng đều ngạc
nhiên vì vui mừng. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên Giáo hội mời họ nói
về đức tin và niềm hy vọng của họ. Nhưng một số người trong chúng ta lo sợ về
cuộc hành trình này và những gì đang chờ đợi phía trước. Một số người hy vọng rằng
Giáo hội sẽ được thay đổi đột ngột, rằng chúng ta sẽ đưa ra những quyết định cấp
tiến, chẳng hạn như về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Những người khác lại
sợ những thay đổi giống như vậy và lo rằng chúng sẽ chỉ dẫn đến sự chia rẽ, thậm
chí là ly giáo. Một số vị không muốn ở đây chút nào. Một vị giám mục nói với
tôi rằng ngài đã cầu nguyện để không bị chọn đến đây. Lời cầu nguyện của vị ấy
đã được chấp nhận! Quý vị có thể giống như người con trong bài Tin Mừng hôm
nay, lúc đầu không muốn đi làm vườn nho, nhưng rồi lại đi!
Vào những thời điểm quan trọng trong Phúc âm,
chúng ta luôn nghe thấy những lời này: “Đừng
sợ”. Thánh Gioan nói với chúng ta “Tình
yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi”. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc cầu
nguyện để Chúa giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi sự sợ hãi. Đối với một số người,
đây là nỗi sợ thay đổi và đối với những người khác, thì nỗi sợ là sẽ không có
gì thay đổi. Nhưng “điều duy nhất chúng
ta phải sợ là chính nỗi sợ hãi”[1].
Tất nhiên, tất cả chúng ta đều có những sự sợ
hãi nào đó, nhưng Thánh Tôma Aquino đã dạy chúng ta rằng dũng cảm là từ chối
làm nô lệ cho sự sợ hãi. Mong sao chúng ta luôn nhạy cảm trước nỗi sợ hãi của
người khác, nhất là những người mà chúng ta bất đồng. “Giống như Abraham, chúng ta ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Nhưng nếu chúng ta giải thoát
tâm hồn khỏi sợ hãi thì điều đó sẽ tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng của chúng
ta.
Để hướng dẫn chúng ta trong kỳ tĩnh tâm này,
chúng ta sẽ suy niệm về Cuộc Biến Hình. Đây là nơi tĩnh tâm Chúa Giêsu dành cho
các môn đệ thân cận nhất của Người trước khi họ bước vào Thượng Hội đồng đầu
tiên trong đời sống Giáo hội, khi họ cùng nhau tiến về Giêrusalem (syn-hodos). Cuộc tĩnh tâm này là cần thiết
vì các ông sợ cuộc hành trình này mà họ phải thực hiện cùng nhau. Cho tới lúc
này, họ đã lang thang khắp miền bắc Israel. Nhưng tại Xêdarê Philípphê, Phêrô
tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô. Sau đó, Chúa Giêsu mời họ cùng đi với Người
lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại từ cõi chết.
Các ông không thể chấp nhận điều này. Phêrô cố gắng ngăn cản Người. Chúa Giêsu
gọi ông là “Satan”, “kẻ thù”. Cộng
đoàn nhỏ bé bị tê liệt. Thế là Chúa Giêsu đưa các ông lên núi. Chúng ta hãy lắng
nghe tường thuật của Thánh Marco về những gì đã xảy ra.
Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô,
Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình
các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các
ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt
trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với
Ðức Giêsu. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng
con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một
cái, và ông Êlia một cái". Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông
kinh hoàng. Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng
phán rằng: "Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". Các ông
chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi”.
(9, 2 - 8).
Cuộc tĩnh tâm này mang lại cho các ông lòng can
đảm và niềm hy vọng để bắt đầu cuộc hành trình của mình, một cuộc hành trình
không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì thực, các ông ngay lập tức thất bại trong
việc giải thoát mình khỏi tinh thần xấu xa. Họ tranh cãi xem ai là người lớn nhất.
Họ hiểu sai về Chúa. Nhưng họ đang trên con đường của mình với một niềm hy vọng
mong manh.
Cũng thế, chúng ta cũng chuẩn bị cho Thượng Hội
đồng bằng việc đi tĩnh tâm, ở đây, giống như các môn đệ, chúng ta học cách lắng
nghe Chúa. Khi chúng ta sẽ bắt đầu lên đường trong thời gian 3 ngày nữa, chúng
ta sẽ thường giống như những môn đệ đó, hiểu lầm nhau và thậm chí cãi nhau.
Nhưng Chúa sẽ dẫn chúng ta tiến về cái chết và sự phục sinh của Giáo hội. Chúng
ta cũng hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng: niềm hy vọng rằng Thượng
Hội đồng này sẽ dẫn đến một cuộc canh tân Giáo hội chứ không phải sự chia rẽ;
niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ xích lại gần nhau hơn như anh chị em. Niềm hy vọng
này của chúng ta không chỉ đối với Giáo hội Công giáo mà còn đối với tất cả anh
chị em của chúng ta đã lãnh phép Rửa. Người ta nói về một “mùa đông đại kết”. Chúng ta hy vọng một mùa xuân đại kết.
Chúng ta cũng quy tụ lại với niềm hy vọng đối với
nhân loại. Tương lai có vẻ ảm đạm. Thảm họa sinh thái đe dọa phá huỷ ngôi nhà của
chúng ta. Cháy rừng và lũ lụt đã tàn phá thế giới vào mùa hè này. Những hòn đảo
nhỏ bắt đầu biến mất dưới đáy biển. Hàng triệu người đang trên đường chạy trốn
khỏi nghèo đói và bạo lực. Hàng trăm người đã chết đuối ở Địa Trung Hải cách
đây không xa. Nhiều bậc cha mẹ từ chối đem con cái vào một thế giới có vẻ như
đã bị diệt vong. Ở Trung Quốc, giới trẻ mặc áo phông có dòng chữ “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng”. Chúng ta
hãy quy tụ lại trong niềm hy vọng đối với nhân loại, đặc biệt là niềm hy vọng đối
với giới trẻ.
Tôi không biết chúng ta có bao nhiêu bậc cha mẹ
tại Thượng Hội đồng, nhưng cảm ơn quý vị đã trân trọng tương lai của chúng ta.
Sau khoảng thời gian khó khăn ở Nam Sudan, tại biên giới với Congo, tôi bay trở
lại Anh và ngồi bên cạnh một đứa trẻ liên tục la hét suốt 8 tiếng đồng hồ. Tôi
thật xấu hổ để thú nhận rằng tôi đã có ý định giết người! Còn gì kỳ diệu hơn thừa
tác vụ linh mục là nuôi dạy con cái và tìm cách mở mang tâm trí của chúng để
đón nhận lời hứa về sự sống. Cha mẹ và giáo viên là những thừa tác viên của niềm
hy vọng.
Vì thế chúng ta quy tụ lại trong niềm hy vọng
cho Giáo hội và cho nhân loại. Nhưng đây chính là khó khăn: Chúng ta có những
hy vọng trái ngược nhau! Vậy thì làm sao chúng ta có thể cùng nhau hy vọng? Ở
điểm này chúng ta cũng giống như các môn đệ. Mẹ của Giacôbê và Gioan hy vọng rằng
họ sẽ ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong vinh quang, và như thế sẽ thay thế
Phêrô; có sự ganh đua ngay cả trong vòng bạn bè thân thiết nhất của Chúa Giêsu.
Có lẽ Giuđa hy vọng vào một cuộc nổi loạn để đánh bật quân Roma. Một số người
trong số họ có lẽ chỉ hy vọng không bị giết. Nhưng họ vẫn bước tiếp cùng nhau.
Vậy chúng ta có thể có được niềm hy vọng chung nào?
Trong Bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã nhận được một
niềm hy vọng vượt xa tất cả những gì họ có thể tưởng tượng: Mình và Máu Chúa
Kitô, giao ước mới, sự sống đời đời. Dưới ánh sáng của niềm hy vọng Thánh Thể
này, tất cả những hy vọng mang tính xung đột của họ dường như chẳng là gì cả,
ngoại trừ Giuđa người đang tuyệt vọng. Đây là điều mà Thánh Phaolô gọi là “niềm hy vọng chống lại hy vọng” (Rm 4,18), một niềm hy vọng vượt trên mọi
hy vọng của chúng ta.
Chúng ta cũng được quy tụ như các môn đệ trong
phòng Tiệc Ly, căn phòng không như một phòng tranh luận chính trị để giành chiến
thắng. Niềm hy vọng của chúng ta là Thánh Thể. Lần đầu tiên tôi thoáng thấy ý
nghĩa của điều này là gì khi tôi ở Rwanda vào năm 1993, lúc mà tình trạng bất
an mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi đã lên kế hoạch đi thăm các chị em Đa Minh ở miền
bắc, nhưng vị đại sứ Bỉ nói với chúng tôi rằng chúng tôi nên ở nhà. Đất nước
đang bùng nổ chiến tranh. Nhưng lúc đó tôi còn trẻ và dại dột. Hiện nay tôi đã
già và vẫn còn ngu ngốc! Ngày hôm đó chúng tôi chứng kiến những điều thật khủng
khiếp: Một khu bệnh viện đầy những trẻ em bị cụt tay chân vì bom mìn. Một em bị
mất cả hai chân, một tay và một mắt. Cha em ngồi khóc bên cạnh em. Tôi nấp vào
một bụi cây để khóc, cùng với hai đứa trẻ mỗi đứa nhảy bằng một chân.
Chúng tôi đến gặp các chị em, nhưng tôi có thể
nói gì đây? Đối diện với bạo lực vô nghĩa như vậy, chẳng ai có thể nói nên lời.
Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa: “Hãy làm việc
này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta được giao việc gì đó để làm. Trong phòng Tiệc
Ly, dường như không có tương lai. Tất cả những gì ở phía trước dường như chỉ là
thất bại, đau khổ, và cái chết. Và trong thời khắc đen tối nhất này, Chúa Giêsu
đã thực hiện một cử chỉ chất chứa hy vọng nhất trong lịch sử thế giới: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì
các con. Này là máu Thầy đổ ra vì các con”. Đây chính là niềm hy vọng mời gọi
chúng ta vượt lên trên mọi chia rẽ.
Một trong những anh em của tôi ở miền đông
Ukraine đã đến dâng thánh lễ cho một số nữ tu đang chuẩn bị dời di. Mọi thứ đã
được đóng gói. Tất cả những gì họ có thể đề nghị để thay cho đĩa thánh là một
chiếc đĩa nhựa màu đỏ. Cha ấy viết: “Đây
là cách Chúa cho chúng tôi thấy rằng Ngài ở cùng chúng tôi. 'Các con đang ngồi
trong một tầng hầm, ẩm ướt và mốc meo, nhưng Ta ở bên các con - trên một chiếc
đĩa nhựa dành cho trẻ em màu đỏ, chứ không phải trên một đĩa bằng vàng'".
Đây là niềm hy vọng Thánh Thể của cuộc hành trình hiệp hành này: Chúa ở cùng
chúng ta.
Niềm hy vọng của Thánh Thể là những gì nằm ngoài
sức tưởng tượng của chúng ta, như trong Sách Khải Huyền: “Kìa, một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi
chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình
mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế Họ lớn tiếng tung hô: "Chính
Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta"
(Kh 7, 9tt). Đây là niềm hy vọng mà
các môn đệ thoáng thấy trên núi nơi Chúa Biến Hình. Nó làm cho xung đột giữa những
hy vọng của chúng ta trở nên nhỏ bé, gần như vô lý. Nếu chúng ta thực sự đang
trên đường tiến đến Vương quốc, liệu việc bạn đứng về phía những người được gọi
là theo chủ nghĩa truyền thống hoặc những người theo chủ nghĩa tiến bộ có thực
sự quan trọng chăng? Ngay cả những khác biệt giữa các tu sĩ Đa Minh và Dòng Tên
cũng trở nên vô nghĩa! Vậy chúng ta hãy lắng nghe lời Người, xuống núi và vững
tin bước đi. Những món quà tuyệt vời nhất sẽ đến từ những người mà chúng ta bất
đồng nếu chúng ta dám lắng nghe họ.
Trong hành trình Thượng Hội Đồng, chúng ta có thể
lo lắng liệu chúng ta có đạt được điều gì không. Giới truyền thông có thể sẽ
cho rằng rằng tất cả chỉ là lãng phí thời gian, chỉ là lời nói suông. Họ sẽ tìm
hiểu xem liệu những quyết định táo bạo có được đưa ra về khoảng 4 hoặc 5 chủ đề
nóng bỏng hay không. Nhưng các môn đệ trong Thượng hội đồng đầu tiên ấy trên
hành trình đi đến Giêrusalem dường như chẳng đạt được điều gì cả. Họ thậm chí
còn cố gắng ngăn chặn việc chữa lành cho anh mù Bartimê. Họ dường như vô dụng.
Khi đám đông đói khát tụ tập quanh Chúa Giêsu, các môn đệ hỏi Chúa “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra
bánh cho họ ăn no?”. Chúa Giêsu hỏi họ có gì ăn không, họ chỉ có bảy chiếc
bánh và một vài con cá (Mc 8, 1-10). Như vậy là quá đủ. Nếu chúng ta quảng đại
cống hiến bất cứ điều gì chúng ta có trong Thượng Hội đồng này, như thế là quá
đủ. Chúa của mùa gặt sẽ lo liệu.
Bên cạnh tu viện của chúng tôi ở Baghdad là một
ngôi nhà dành cho trẻ em bị bỏ rơi thuộc mọi tín ngưỡng, do các nữ tu của Mẹ
Têrêsa điều hành. Tôi sẽ không bao giờ quên được cô bé Nura, khoảng 8 tuổi,
sinh ra không có tay chân, đang đút cho những đứa trẻ nhỏ hơn bằng chiếc thìa
ngậm trong miệng. Người ta có thể tự hỏi mục đích của những hành động nho nhỏ ở
vùng chiến sự là gì. Liệu chúng có tạo nên sự khác biệt nào chăng? Chẳng phải
chúng chỉ dán thạch cao lên một cái xác đang thối rữa đó sao? Chúng ta hãy cứ
làm những việc tốt nho nhỏ và để Chúa của mùa gặt ban thành quả như Người muốn.
Hôm nay chúng ta quy tụ nhân lễ Thánh Têrêsa thành Lisieux, vị Thánh được sinh
ra cách đây 150 năm. Thánh nữ mời gọi chúng ta đi theo “Con đường bé nhỏ” dẫn tới Nước Trời. Ngài từng nói, “Hãy nhớ rằng không có gì là nhỏ bé trong mắt
Thiên Chúa”.
Ở Auschwitz, Primo Levi, một người Do Thái gốc
Ý, được Lorenzo chia cho một phần bánh mì mỗi ngày. Anh ấy viết: “Tôi tin rằng thực sự là nhờ Lorenzo mà tôi
còn sống đến ngày hôm nay; và không phải vì sự giúp đỡ vật chất của anh ấy mà
là vì anh ấy đã liên tục nhắc nhở tôi bằng sự hiện diện, bằng việc cư xử tốt bụng
và giản dị của anh ấy, rằng vẫn tồn tại một thế giới bên ngoài thế giới của
chúng tôi, một cái gì đó, và một ai đó vẫn còn trong sáng và trọn vẹn, không hư
hỏng, không dã man… một điều gì đó khó định nghĩa, một sự tốt đẹp khả thi tuy
xa vời nhưng đáng để tồn tại. Nhờ Lorenzo mà tôi đã không quên rằng chính tôi
là một người con người”[2]. Một phần bánh mì nhỏ đã cứu
thoát tâm hồn anh ấy.
Những lời cuối cùng của Thánh David, vị thánh bổn
mạng của xứ Wales, là: “Hãy làm thật tốt
những điều đơn giản”. Chúng ta hy vọng rằng bất kỳ hành động nhỏ nào mà
chúng ta thực hiện trong Thượng Hội đồng này sẽ mang lại kết quả ngoài sức tưởng
tượng của chúng ta. Vào đêm cuối cùng đó, Chúa Giêsu đã hiến trao cho các môn đệ:
“Thầy hiến mình cho các con”. Trong
Thượng Hội đồng này, chúng ta không chỉ chia sẻ lời nói và niềm xác tín của
mình mà còn chia sẻ chính mình với sự quảng đại Thánh Thể. Nếu chúng ta mở lòng
với nhau, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Các môn đệ thu nhặt tất cả những mẩu
bánh và cá còn sót lại sau khi cho năm ngàn người ăn no. Chẳng có gì bị thất
thoát cả.
Điểm cuối cùng. Phêrô cố gắng ngăn cản Chúa
Giêsu đi lên Giêrusalem, vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với ông. Thật là vô
lý khi đến đó để bị giết. Tuyệt vọng không phải là bi quan, nhưng đó là khiếp sợ
rằng chẳng còn gì có ý nghĩa nữa. Và hy vọng không phải là lạc quan mà là tin
tưởng rằng tất cả những gì chúng ta đang sống, những hỗn loạn, và đớn đau của
chúng ta, bằng cách nào đó, sẽ được coi là có ý nghĩa. Chúng ta tin rằng, như
Thánh Phaolô nói: “Bây giờ tôi biết chỉ
có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết” (1 Cr 13, 12).
Bạo lực vô nghĩa phá hủy mọi ý nghĩa và giết chết
tâm hồn chúng ta. Khi Thánh Oscar Romero, Tổng Giám mục San Salvador đến thăm
hiện trường vụ thảm sát của quân đội Salvador, ngài nhìn thấy xác một cậu bé nằm
dưới mương: “Cậu ấy chỉ là một đứa trẻ, ở
dưới đáy mương, mặt ngửa lên. Bạn có thể nhìn thấy những lỗ đạn, những vết bầm
tím do những cú đánh để lại, và những vết máu khô. Đôi mắt cậu bé mở to, như thể
hỏi nguyên nhân cái chết của mình và chẳng hiểu gì”[3].
Tuy nhiên, chính vào lúc này, cậu bé khám phá ra ý nghĩa cuộc đời mình và lời
kêu gọi để từ bỏ nó. Vâng, cậu đã sợ hãi đến cùng. Xác chết của cậu ướt đẫm mồ
hôi khi cậu nhìn vào người đàn ông sắp giết mình. Nhưng cậu không còn là nô lệ
của sự sợ hãi nữa.
Tôi hy vọng rằng trong Thượng Hội đồng này sẽ
không có bạo lực! Nhưng thường thì có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi ý nghĩa của tất cả
những điều này là gì, nhưng nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau,
chúng ta sẽ hiểu được con đường phía trước. Đây là chứng tá Kitô của chúng ta
trong một thế giới thường mất niềm tin rằng sự tồn tại của con người có ý nghĩa
gì đó. Nhân vật Macbeth của Shakespeare khẳng định rằng cuộc đời chỉ là một câu
chuyện, “được kể bởi một kẻ ngốc, nhiều lời
và giận dữ, chẳng có ý nghĩa gì cả”[4].
Nhưng qua việc cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện về những vấn đề lớn lao mà Giáo
hội và thế giới đang phải đối diện, chúng ta làm chứng cho niềm hy vọng của
chúng ta nơi Chúa, Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của mỗi con người.
Mỗi trường học Kitô là một chứng từ cho niềm hy
vọng của chúng ta vào “Ánh sáng chiếu soi
trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Tại
Baghdad, các tu sĩ Đa Minh đã thành lập một học viện với khẩu hiệu: “Ở đây không cấm đặt câu hỏi”. Giữa vùng
chiến sự, một ngôi trường là minh chứng cho niềm hy vọng của chúng ta rằng bạo
lực vô nghĩa sẽ không có tiếng nói cuối cùng. Homs ở Syria là một thành phố bị
tàn phá nặng nề bởi bạo lực vô nghĩa. Nhưng ở đó, giữa đống đổ nát, chúng tôi
phát hiện ra một trường học Công giáo. Tại đây, Franz van der Lugt, tu sĩ Dòng
Tên người Hà Lan, đã từ chối rời đi bất chấp những lời đe dọa bị giết chết. Anh
bị bắn khi đang ngồi trong vườn. Nhưng chúng tôi tìm thấy một tu sĩ già Dòng
Tên người Ai Cập vẫn đang giảng dạy. Ông đang huấn luyện một thế hệ trẻ em khác
tiếp tục cố gắng hiểu được rằng cuộc sống của chúng có ý nghĩa. Hy vọng là như
thế đó!
Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta có thể bị chia
rẽ bởi những hy vọng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta lắng nghe Chúa và lắng nghe
nhau, tìm kiếm để hiểu ý muốn của Người đối với Giáo hội và thế giới, chúng ta
sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng vượt lên trên những bất đồng của chúng ta,
và được chạm vào Đấng mà Thánh Augustinô gọi đó là “Vẻ đẹp vừa cổ kính vừa luôn mới mẻ… Con đã nếm thử và giờ đây con đói
khát Ngài; Chúa đã chạm vào con, và con đã bừng cháy sự bình an của Ngài”[5]. Trong phần tiếp theo, chúng
ta sẽ xem xét một cách thức khác mà chúng ta có thể bị chia rẽ, với nhận thức của
chúng ta về Giáo Hội là ngôi nhà như thế nào!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en (01.10.2023)