TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỚI CHA TIMOTHY RADCLIFFE, OP
BÀI II: “Ở NHÀ TRONG THIÊN CHÚA VÀ THIÊN CHÚA Ở NHÀ TRONG CHÚNG TA”
WHĐ (04.10.2023) – Sáng Chúa Nhật, ngày mồng 01. 10, Cha Timothy Radcliffe, OP trình bày bài suy niệm thứ II dành cho các tham dự viên Thượng Hội đồng với chủ đề: “Ở nhà trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở nhà trong chúng ta”.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đến với Thượng Hội đồng này với những
hy vọng mâu thuẫn nhau. Nhưng đây không nhất thiết là một trở ngại không thể vượt qua. Chúng ta hiệp nhất trong niềm hy vọng
của Thánh Thể, một niềm hy vọng bao trùm và vượt trên tất cả những gì chúng ta
mong muốn.
Tuy nhiên, còn có một
nguyên nhân gây căng thẳng khác. Nhận thức của chúng
ta về Giáo hội như là ngôi nhà
đôi khi có sự bất đồng. Mọi sinh
vật sống đều cần một ngôi nhà để phát triển.
Cá cần nước và chim cần tổ. Không có nhà, chúng ta không thể sống được. Các nền
văn hóa khác nhau có quan niệm khác nhau về thế nào là nhà. Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) cho chúng ta biết rằng “Á Châu đưa ra hình ảnh một người cởi
giày để bước qua ngưỡng cửa, như một
dấu hiệu của sự khiêm tốn mà chúng ta chuẩn bị để gặp gỡ Thiên Chúa và người
thân cận của mình. Châu Đại Dương đề xuất hình ảnh con thuyền và Châu Phi đề xuất hình ảnh
Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa, có khả năng mang lại sự thuộc về và chào đón
tất cả các thành viên của mình trong tất cả sự đa dạng của họ” (B 1.2). Nhưng tất cả
những hình ảnh này đều cho thấy rằng chúng ta cần một nơi mà ở đó chúng ta vừa
được chấp nhận vừa được thử thách. Ở nhà, chúng ta khẳng định mình là ai và được mời gọi trở thành mình nhiều hơn nữa.
Nhà là nơi chúng ta được biết đến, được yêu thương, và được an toàn,
nhưng cũng là nơi chúng ta được thách thức
để dấn thân vào cuộc phiêu lưu đức tin.
Chúng ta cần canh tân Giáo hội được hiểu như ngôi
nhà chung nếu chúng ta muốn nói chuyện với một thế
giới đang phải chịu cuộc khủng hoảng do tình trạng
vô gia cư. Chúng ta đang tàn phá ngôi nhà
hành tinh nhỏ bé của mình. Có hơn 350 triệu di dân đang di cư, chạy trốn
chiến tranh và bạo lực. Hàng ngàn người chết khi vượt biển để tìm nhà. Chẳng ai
trong chúng ta có thể cảm thấy hoàn toàn như ở nhà khi không có nhà. Ngay cả ở những nước giàu, hàng triệu người vẫn
phải ngủ ngoài đường. Những người trẻ thường không có đủ tiền mua nhà. Khắp mọi nơi đều có tình trạng vô gia
cư khủng khiếp về mặt tinh thần. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, gia đình đổ vỡ, sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc hơn có
nghĩa là chúng ta đang phải hứng chịu một
cơn sóng thần cô đơn. Tỷ lệ các vụ tự tử ngày
càng gia tăng bởi vì không có nhà ở, vật chất cũng như tinh thần,
người ta không thể sống được. Yêu là về nhà với một ai đó.
Vậy cảnh Chúa Biến Hình
này dạy chúng ta điều gì về ngôi nhà của chúng ta, cả trong Giáo hội lẫn trong
thế giới bị tước đoạt của chúng ta? Chúa Giêsu mời gọi những người bạn thân thiết
nhất của Người hãy tách riêng ra với Người và tận hưởng
giây phút thân mật này. Các ông cũng sẽ ở
với Người trong Vườn Ghết-sê-ma-ni. Đây là nhóm thân cận mà Chúa Giêsu cảm thấy thân thiết nhất. Trên núi,
Chúa Giêsu cho các ông chứng kiến vinh quang của Người. Phêrô muốn giữ lấy khoảnh khắc này. “"Thưa
Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái,
ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái". Phêrô đã đến và muốn giây phút thân mật này kéo dài.
Nhưng các ông nghe thấy
tiếng Chúa Cha. “Hãy vâng
nghe lời Người!”. Họ phải
xuống núi và đi đến Giêrusalem mà không biết điều gì đang chờ đợi mình. Họ sẽ bị
phân tán và sai đi đến tận
cùng trái đất để trở thành chứng nhân cho ngôi
nhà cuối cùng của chúng ta, Vương quốc. Vì vậy, ở đây chúng ta thấy hai cách hiểu
về nhà: nhóm thân cận với Chúa Giêsu trên núi và lời mời gọi
về ngôi nhà cuối cùng của chúng
ta, Vương quốc, nơi tất cả mọi
người sẽ thuộc về.
Tương tự như vậy, những cách hiểu khác nhau về
Giáo hội là nhà hiện đang chia
rẽ chúng ta. Đối với một số người, điều này được xác định
bởi những truyền thống và lòng sùng đạo cổ xưa, bởi những cấu trúc và ngôn ngữ được kế thừa, bởi Giáo hội mà chúng ta lớn lên và yêu mến và cho chúng ta một căn tính Kitô rõ ràng. Đối với
những người khác, Giáo hội hiện tại dường như không phải là một ngôi nhà an
toàn. Giáo hội được trải nghiệm như một sự độc quyền,
gạt ra bên lề nhiều người, phụ nữ, những người ly dị và tái hôn. Đối với một số người, Giáo hội quá phương
Tây, quá châu Âu. Tài liệu Làm
việc cũng đề cập đến những người đồng tính và những người sống trong hôn
nhân đa thê. Họ mong muốn một Giáo hội được canh tân, trong đó họ có thể cảm thấy hoàn toàn như ở nhà, được nhìn nhận, khẳng
định, và an toàn.
Đối với một số người, ý tưởng về sự chào đón phổ
quát, trong đó mọi người đều được chấp nhận bất kể họ là ai, bị cho là phá hoại
căn tính của Giáo hội. Như trong một bài hát tiếng Anh thế
kỷ XIX, “Nếu ai cũng là nhân vật quan trọng, thì chẳng có ai quan trọng cả”[1].
Họ tin rằng căn tính đòi phải
có ranh giới. Tuy nhiên, đối với những
người khác, sự cởi mở chính là trọng tâm của căn tính Giáo hội. Đức
Thánh Cha Phanxicô nói rằng, “Giáo hội được mời gọi trở thành ngôi nhà của
Chúa Cha, với những cánh cửa luôn rộng mở… nơi có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ và hướng tới những người cảm
thấy cần phải tiếp tục lộ trình đức tin của
mình”[2].
Sự căng thẳng này luôn là tâm điểm đức tin của
chúng ta, kể từ khi Ápraham rời bỏ thành Ur. Cựu Ước có hai điều thường xuyên căng thẳng với nhau: ý tưởng
về sự lựa chọn, về dân được
Thiên Chúa chọn, và về dân mà
Thiên Chúa ở cùng. Đây
là một căn tính được trân trọng. Nhưng cũng có chủ nghĩa phổ quát, sự cởi mở đối
với tất cả các quốc gia, một căn tính vẫn chưa được khám phá.
Căn tính Kitô giáo đồng thời được nhận biết và chưa được nhận biết; được ban tặng và được tìm kiếm. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, hiện giờ
chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng
chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy
chưa được bày tỏ. Chúng ta
biết rằng khi Ðức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người
thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3, 1-2).
Chúng ta vừa biết mình là ai nhưng cũng vừa chưa biết mình sẽ là ai.
Đối với một số người trong chúng ta, căn tính
Kitô trên hết là được ban tặng, đó là Giáo hội mà chúng ta biết và yêu mến. Đối
với những người khác, căn tính Kitô luôn mang tính tạm thời, hướng về phía trước khi chúng ta tiến tới Vương quốc mà trong đó mọi bức tường sẽ sụp đổ. Cả hai đều cần thiết! Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh rằng căn tính của chúng ta là được ban tặng
- đây là ý nghĩa của việc trở thành người Công giáo - chúng ta có nguy cơ trở
thành một giáo phái. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh cuộc phiêu lưu hướng tới một
căn tính vẫn chưa được khám phá, chúng ta có nguy cơ trở thành một phong trào Kitô
mơ hồ. Nhưng Giáo hội là dấu chỉ và bí tích của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại
trong Chúa Kitô (LG. 1) khi là cả hai. Chúng ta hiện đang ở trên núi và nếm trải vinh quang. Nhưng chúng ta hãy tiến về Giêrusalem, Thượng hội đồng đầu tiên của Giáo hội.
Chúng ta phải sống sự căng thẳng cần thiết này
như thế nào? Mọi thần học đều bắt nguồn từ sự căng thẳng, uốn cong cái cung để phóng mũi tên. Sự căng thẳng này là trọng tâm của Phúc âm theo thánh Gioan. Thiên Chúa ngự trong
chúng ta: “Ai yêu mến
Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy
sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy
và Thầy sẽ đến và ở lại với
người ấy” (14, 23). Nhưng
Chúa Giêsu cũng hứa với chúng ta về nơi ở
trong Thiên Chúa: “Trong nhà
Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không,
Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi
dọn chỗ cho anh em?” (Ga 14, 2).
Khi chúng ta nghĩ Giáo hội như là nhà, một số người trong chúng ta chủ yếu nghĩ đến việc Thiên Chúa đến với chúng ta, và những người
khác trong chúng ta nghĩ đến việc chúng ta về nhà trong Thiên Chúa. Cả hai đều đúng. Chúng ta
phải nới rộng tấm lều cảm thông của mình đối với những người có
suy nghĩ khác biệt. Chúng ta quý trọng nhóm thân cận trên núi, nhưng chúng ta đi xuống và đi về phía Giêrusalem, những người nay đây mai đó, và vô gia
cư. “Hãy vâng nghe lời Người”.
Vì vậy, trước hết, Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngôi Lời
trở thành nhục thể nơi một người Do Thái Palestine ở thế kỷ thứ nhất, được nuôi dưỡng theo phong tục và truyền thống của dân
tộc mình. Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trong mỗi nền văn hóa của chúng ta. Trong những
bức tranh về Truyền tin của Ý, chúng ta thấy những ngôi nhà
xinh xắn bằng đá cẩm thạch, có cửa sổ mở ra những cây
ô liu, vườn hoa hồng và hoa huệ. Các họa sĩ người Hà Lan và Flemish vẽ Đức Maria với một chiếc lò nóng được bọc cẩn thận để chống lạnh. Dù nhà bạn là nhà nào thì Thiên Chúa cũng đến sống trong đó. Trong 30 năm thầm lặng, Thiên Chúa sống ở
Nazareth: một vùng nước đọng vô danh.
Nathanael khinh thường kêu lên: “Từ
Nazareth làm sao có cái gì hay được” (Ga 1,46) và Philip chỉ trả lời: “Cứ đến mà xem”.
Tất cả nhà của chúng ta đều là Nazareth, nơi
Thiên Chúa ngự trị. Thánh Charles de Foucauld đã nói: “Hãy để Nazareth trở thành mẫu mực của bạn,
trong tất cả sự đơn sơ và cởi mở của
nó... Cuộc sống ở Nazareth có thể được sống ở bất cứ
đâu. Hãy sống ở nơi nào có ích nhất cho người lân cận của bạn”[3].
Dù chúng ta ở đâu và làm gì, Thiên
Chúa cũng đến thăm và ở lại: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng
Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy
sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).
Do đó, chúng ta hãy quý trọng những nơi chúng ta đã gặp Đấng Emmanuel - “Thiên Chúa ở cùng
chúng ta”. Chúng ta
yêu thích những phụng vụ trong đó chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp thần linh, những
nhà thờ thời thơ ấu, những lòng đạo đức bình dân. Tôi yêu thích Đan viện Benedictine tuyệt vời của trường tôi, nơi lần đầu tiên tôi cảm nhận được cánh cửa thiên đàng đang mở ra. Mỗi người chúng ta đều có Núi Tabor của riêng mình, nơi chúng ta
thoáng thấy vinh quang. Chúng ta cần nó. Vì thế, khi Phụng vụ bị thay đổi hoặc khi nhà thờ bị phá hủy, người ta cảm thấy vô cùng đau đớn, như thể ngôi nhà của họ trong Giáo hội đang bị tàn phá. Giống như Phêrô, chúng ta muốn ở lại.
Mỗi Giáo Hội địa phương đều là nhà của Thiên Chúa. Mẹ Maria của chúng ta đã hiện ra tại Walsingham, một đền thờ vĩ đại thời trung cổ ở Anh quốc, ở Lộ Đức, tại Guadalupe ở Mexico, tại Czestochowa ở Ba Lan, tại
La Vang ở Việt Nam, và tại Donglu ở Trung Quốc. Không có sự cạnh tranh về Mẹ Maria. Ở Anh, người ta thường nói: “Tin tốt là Thiên Chúa yêu bạn. Tin xấu là Ngài cũng yêu tất cả những người khác”. Thánh Augustinô có nói: “Thiên Chúa yêu thương mỗi chúng ta như thể mỗi chúng ta là duy nhất”[4]. Tại Vương cung Thánh đường Notre Dame d'Afrique ở Algiers có khắc dòng chữ: “Priez pour
nous et pour les Musulmans” - Hãy cầu
nguyện cho chúng con và cho những người Hồi giáo.
Các linh mục thường thấy lộ trình Thượng Hội đồng
khó theo đuổi hơn. Chúng tôi, các linh mục, trông nom những nơi thờ phượng này
và cử hành các phụng vụ tại đó. Các linh mục cần có một cảm thức mạnh mẽ về căn tính, một tinh thần đoàn thể. Nhưng chúng ta sẽ là ai trong Giáo hội được giải thoát khỏi giáo sĩ trị
này? Làm sao hàng giáo sĩ có thể chấp nhận một căn tính không
mang tính giáo sĩ? Đây là một thách đố lớn đối với
một Giáo hội được canh tân. Chúng ta hãy đón nhận thách đố mà không sợ hãi, một nhận thức huynh đệ mới
về chức linh mục thừa tác! Có lẽ chúng ta có thể khám phá ra việc mất đi căn tính này thực sự là một phần cố hữu của căn tính linh
mục của chúng ta như thế nào. Đó là một ơn gọi vượt lên trên mọi căn tính, bởi vì “chúng ta sẽ
như thế nào, điều ấy
chưa được bày tỏ” (1 Ga 3, 2).
Hiện nay Thiên Chúa xây dựng nhà của Ngài ở những nơi mà thế giới coi thường. Thầy Frei Betto, một anh em Đa Minh của
chúng tôi mô tả việc Thiên Chúa đến ở tại một nhà tù ở
Brazil như thế nào. Một số tu sĩ Đa Minh bị bỏ tù vì phản đối chế độ độc tài
(1964-1985). Thầy Betto viết: “Vào ngày
Giáng sinh, Lễ Thiên Chúa đến, niềm vui ngập tràn. Đêm Giáng sinh trong tù... Bây
giờ cả nhà tù hát vang, như thể
bài hát hạnh phúc và tự do của chúng
tôi vang vọng khắp thế giới. Những phụ nữ đang hát phần của họ và chúng tôi vỗ
tay... Mọi người ở đây đều biết rằng hôm nay là Giáng sinh, ai đó đang được tái sinh. Và bằng tiếng hát của mình, chúng tôi chứng thực rằng chúng tôi cũng đã được tái sinh
để đấu tranh cho một thế giới không còn nước mắt, hận thù hoặc áp bức. Thật ấn
tượng khi chứng kiến những gương mặt trẻ này bị ép vào
song sắt và hát về tình yêu của mình. Không thể nào quên được. Đó không phải là một cảnh tượng dành cho các thẩm phán, các công tố viên hoặc cảnh sát đã bắt giữ chúng tôi. Họ sẽ thấy vẻ đẹp của
đêm nay là điều họ không
thể chịu nổi. Những kẻ tra tấn sợ một nụ cười, dù chỉ là một nụ cười yếu ớt”.
Vì vậy, chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp của Chúa trên
Núi Tabor của chúng ta, nơi mà, giống như Phêrô, chúng ta muốn dựng lều của
mình. Tốt! Nhưng “Hãy vâng
nghe lời Người!" Chúng ta tận hưởng
khoảnh khắc đó rồi xuống núi và tiến về Giêrusalem. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải trở thành người vô gia
cư. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người
không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Các môn đệ đi về
phía Giêrusalem, thành thánh nơi thánh danh Thiên
Chúa ngự trị, nhưng ở đó,
Chúa Giêsu chết bên ngoài tường thành vì lợi ích của tất cả những người sống bên
ngoài tường thành, như Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân Ngài trong hoang địa bên ngoài trại. James Alison đã viết: “Thiên Chúa ở giữa chúng ta như một kẻ bị
loại ra ngoài[5]. Vì thế, để thánh hóa dân bằng chính máu mình, Chúa Giêsu cũng phải chịu đau khổ bên ngoài cổng
thành. Vậy chúng ta hãy đến gặp Người bên ngoài
trại và chịu sự sỉ nhục mà Người đã phải gánh chịu” (Dt 12, 12ff).
Đức Tổng Giám mục Carlos Aspiroz da Costa đã viết
cho Gia đình Đa Minh khi ngài còn là Bề trên tổng quyền Dòng: ''Bên ngoài trại”, trong số
tất cả những 'người khác' bị đưa đến một nơi bên ngoài trại, là nơi chúng ta gặp
gỡ Thiên Chúa. Hành trình đòi phải rời bỏ thể chế,
ra ngoài những nhận thức và niềm tin bị quy định về văn hóa, bởi vì chính ở 'bên ngoài trại' mà chúng ta gặp
một vị Thiên Chúa không thể bị kiểm soát. Chính 'bên
ngoài trại' là nơi chúng ta gặp Đấng Khác, Đấng khác
biệt và khám phá ra chúng ta là ai và chúng ta phải làm gì”[6]. Chính khi đi ra ngoài mà chúng ta đến một ngôi nhà mà ở đó “không còn
chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất
cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3, 26).
Vào những năm 1980, khi suy tư về phản ứng của
Giáo hội đối với bệnh AIDS, tôi đã đến thăm một bệnh viện ở London. Chuyên gia
tư vấn nói với tôi rằng có một thanh niên xin gặp một linh mục tên là Timothy.
Nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, tôi đã có
thể xức dầu cho anh ngay trước
khi anh qua đời. Anh xin được chôn cất tại Nhà thờ chính toà Westminster,
trung tâm của đạo Công giáo ở Anh. Xung quanh anh là những người bình thường đến
tham dự Thánh lễ ngày thường đó, cũng như các bệnh nhân AIDS, y tá, bác sĩ và những người bạn đồng tính. Người từng ở ngoại
biên, vì căn bệnh, vì khuynh hướng tính dục của mình, và trên hết, vì đã chết,
lại ở trung tâm. Xung quanh anh ấy là những người mà Giáo hội là nhà và những
người thường không bao giờ vào nhà thờ.
Cuộc đời của chúng
ta được nuôi dưỡng bởi những truyền thống và lòng mộ đạo yêu quý. Nếu chúng mất đi, chúng ta đau buồn.
Nhưng chúng ta cũng phải nhớ đến tất cả những người chưa cảm thấy như ở nhà
trong Giáo hội: những người phụ nữ cảm thấy không được công nhận trong chế độ
gia trưởng của những ông già da trắng như tôi! Những người
cảm thấy Giáo hội quá phương Tây, quá Latinh, quá thuộc địa. Chúng ta phải tiến
tới một Giáo hội trong đó họ không còn ở bên lề nữa mà là ở trung tâm.
Khi Thomas Merton trở thành tín hữu Công giáo,
ông đã khám phá ra “Thiên Chúa, Đấng là trung tâm, ở khắp mọi nơi và chu vi của Ngài không ở đâu cả đang tìm đến tôi”. Do đó, canh tân Giáo hội cũng giống như làm bánh. Người
ta gom các rìa bột vào giữa và trải phần ở giữa ra các lề, và lấp đầy tất
cả bằng oxy. Người ta làm ra ổ bánh bằng cách đảo ngược sự phân biệt giữa các
phần ở rìa và ở giữa, việc làm ổ bánh
của Thiên Chúa, Đấng mà trung tâm
của Ngài ở khắp mọi nơi và chu vi của Ngài không ở đâu cả, đang tìm đến chúng ta.
Một lời cuối cùng rất ngắn gọn. Đã nhiều lần, trong quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, câu hỏi đã được đặt ra: “Nhưng làm
sao chúng ta có thể ngồi yên trong Giáo hội với vụ bê bối khủng khiếp về lạm dụng
tình dục?" Đối với nhiều người, đây là giọt nước tràn ly. Họ đã thu dọn hành lý và ra đi. Tôi đặt
câu hỏi này trong một cuộc họp của các hiệu trưởng Công giáo ở Úc, nơi Giáo hội
đã bị biến dạng khủng khiếp vì vụ bê bối này. Họ đã ở lại như thế nào? Làm sao
họ vẫn có thể ở nhà được?
Một người trong số
họ trích dẫn Carlo Carretto (1910 - 1988), em trai
của Charles de Foucauld. Những lời của Carretto
tóm tắt sự mơ hồ của Giáo hội, nhà của tôi nhưng chưa phải là nhà của tôi, nơi mạc khải và che giấu Thiên Chúa.
“Hỡi Giáo hội của
ta, ta phải chỉ trích ngươi rất nhiều, nhưng ta
yêu ngươi biết bao! Ngươi đã làm cho ta đau khổ hơn bất cứ ai, nhưng ta lại nợ ngươi nhiều hơn bất
kỳ ai. Ta muốn thấy ngươi bị tiêu diệt nhưng ta vẫn cần sự hiện diện của ngươi. Ngươi đã gây cho ta nhiều tai tiếng, nhưng chỉ có ngươi mới khiến ta hiểu được sự thánh thiện của ngươi. … Đã bao lần, ta cảm thấy muốn đóng sầm cánh cửa tâm hồn
mình trước mặt ngươi – thế mà, hàng
đêm, ta vẫn cầu nguyện rằng ta có thể được chết trong
vòng tay bình yên của ngươi! Không, ta chẳng thể bỏ ngươi, bởi vì ta là một
với ngươi, dù không hoàn
toàn. Vậy thì – ta sẽ đi đâu?
Để xây dựng một Giáo hội khác chăng? Nhưng ta không thể tạo ra một Giáo hội mà
không có những khiếm khuyết tương tự, vì đó là những khiếm khuyết của ta”.
Ở cuối Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói: “Thầy ở
cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Nếu Chúa
ở lại thì làm sao
chúng ta có thể bỏ đi được? Thiên
Chúa đã đặt mình vào trong nhà chúng ta,
với tất cả những hạn chế đáng hổ thẹn của chúng ta, mãi mãi. Thiên Chúa vẫn ở trong Giáo Hội của chúng ta,
ngay cả với tất cả những sự tham nhũng
và lạm dụng. Do đó, chúng ta
phải ở lại. Nhưng Thiên Chúa ở cùng chúng ta để dẫn chúng ta vào những không
gian rộng mở hơn của Vương quốc. Chúng ta cần Giáo hội, ngôi nhà hiện tại của
chúng ta với tất cả những yếu đuối của nó,
nhưng cũng cần hít thở luồng oxy tràn đầy Thánh Thần của ngôi
nhà tương lai không biên giới của chúng ta.
Nt. Anna
Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en (01. 10. 2023)
(Cập nhật lúc 10g30 ngày 06.10.2023)