TÁI KHÁM PHÁ VÀ SỐNG CÁC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
THEO TINH THẦN TÔNG THƯ DESIDERIO DESIDERAVI

Lm. Gioan B. Trương Đình Hà

WHĐ (21.02.2024) Vào dịp lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô ngày 29 tháng 6 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư Desiderio Desideravi - Về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa. Tông thư gồm có 65 số, nội dung có thể thấy được ước muốn của Đức Thánh Cha được nói đến trong số 16: “Với lá thư này, tôi chỉ muốn mời gọi toàn thể Hội Thánh khám phá lại, bảo toàn và sống những ý nghĩa xác thực cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo”. Tông thư này được viết sau khi ngài viết Tự sắc Traditionis Custodes (Những người gìn giữ truyền thống - 16/07/2021) gửi riêng cho các Đức Giám mục trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Anh chị em rất thân mến, tôi muốn gửi thư này đến tất cả anh chị em - sau khi công bố Tự sắc Traditionis Custodes mà tôi chỉ viết cho các giám mục - nay tôi viết thư này để chia sẻ với anh chị em một số suy tư về Phụng vụ, một chiều kích căn bản trong đời sống Hội Thánh”. Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “Chủ đề này rất rộng lớn và đáng được xem xét cẩn thận về mọi lãnh vực: tuy nhiên, trong thư này, tôi không có ý định trình bày vấn đề cách cặn kẽ. Đúng hơn, tôi muốn đưa ra một vài hướng suy tư có thể giúp ích cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo”[1]. Khi đưa ra vài khởi điểm để suy tư căn cứ vào tư tưởng của Guardini rằng: “Nếu không có đào tạo phụng vụ, thì việc cải cách các nghi thức và bản văn sẽ không giúp ích được gì nhiều”[2], Đức Thánh Cha cũng phân biệt hai chiều kích đào tạo: đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ[3]. Trong giới hạn của bài viết này, xin được khép góc với chủ đề: Tái khám phá và sống các cử hành phụng vụ theo tinh thần của Tông thư Desiderio Desideravi dưới chiều kích thứ hai: “đào tạo qua phụng vụ” hướng đến việc đào tạo qua các cử hành phụng vụ.

Tuy nhiên, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu một vài lý do vì sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại cẩn thận viết Tự sắc cho Hàng Giám mục trước, rồi mới viết cho mọi thành phần Dân Chúa về Đào tạo Phụng Vụ.


I. TỪ TỰ SẮC TRADITIONIS CUSTODES

II. TÔNG THƯ DESIDERIO DESIDERAVI 4

III. TÌM VỀ BẢN CHẤT CỦA PHỤNG VỤ. 4

IV. BỮA TIỆC VƯỢT QUA CỦA CHÚA GIÊSU VỚI CÁC TÔNG ĐỒ.. 7

V. CỬ HÀNH LỄ BẺ BÁNH TỪ THỜI CÁC TÔNG ĐỒ.. 9

VI. CHỨNG TỪ CỦA THÁNH GIUSTINÔ TỬ ĐẠO VỀ THÁNH LỄ TỪ THẾ KỶ THỨ II 9

VII. SỐNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THEO TINH THẦN CỦA DESIDERIO DESIDERAVI 10

THAY LỜI KẾT


I. TỪ TỰ SẮC TRADITIONIS CUSTODES

1. Một số nhóm hoặc cộng đoàn vẫn dùng Sách Lễ cũ theo tiếng Latinh 1962

Có thể nói cuốn Sách Lễ Roma đầu tiên thống nhất trong toàn thể Hội Thánh có từ thời Công đồng Trento năm 1570. Sách Lễ xuất bản với Tông sắc “Quo Primum” ban hành ngày 14/07/1570, của Đức Giáo Hoàng Piô V, nên còn gọi là Sách Lễ Đức Piô V[4]. Ấn bản sau cùng do Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố vào năm 1962 bằng tiếng Latinh[5]. Công đồng Vatican II, năm 1962 đã có những canh tân về phụng vụ, với Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Chúa Thánh Thần đã thổi luồng gió mới vào trong nền phụng vụ của Giáo hội. Đến năm 1970, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho công bố Sách Lễ Rôma theo nghi thức được canh tân, được dùng tiếng địa phương với Tông hiến “Missale Romanum”, ban hành ngày 03/04/1969 và Thánh Bộ Phụng Tự công bố ấn bản Sách Lễ Rôma mới vào ngày 26/03/1970. Đây là cuốn Sách Lễ Rôma thứ hai trong Hội Thánh đúng 400 năm sau kể từ cuốn thứ nhất 1570. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn một số nhóm hay cộng đoàn trong các quốc gia ở Âu Mỹ vẫn sử dụng Sách Lễ cũ (1962) với tiếng Latinh, nghĩa là trước cải tổ Phụng vụ của Công đồng Vatican II. Trong đó, đặc biệt là Huynh đoàn Thánh Piô X do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre thành lập[6].

Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ban hành Tự sắc “Summorum Pontificum” (Các vị Giáo Hoàng) cho phép cử hành Thánh lễ theo nghi thức tiền Công đồng, và coi đây là 2 hình thức cử hành: thông thường (Nghi thức mới) và ngoại thường (Nghi thức trước Công đồng) của cùng nghi lễ Roma để cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của các Giám mục trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định ban hành Tự sắc Traditionis Custodes (16/07/2021) để sửa đổi các quy tắc quy định việc sử dụng Sách Lễ Roma năm 1962, do vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ban hành trước đó 14 năm, như “Nghi thức ngoại thường của Sách lễ Roma”. Trong thư gửi kèm theo Tự sắc Traditionis Custodes, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng những nhượng bộ do các vị tiền nhiệm của ngài thiết lập để sử dụng sách lễ xưa chủ yếu được thúc đẩy “bởi mong muốn ủng hộ việc hàn gắn cuộc ly giáo với phong trào của Đức Tổng Giám mục Lefebvre”. Đức Thánh Cha nói rằng ngài “rất buồn vì sự lạm dụng trong các cử hành phụng vụ ở tất cả các bên”. Bên cạnh đó, ngài cũng nêu rõ thực tế là “việc sử dụng Sách Lễ Roma năm 1962, thường được đặc trưng bởi sự từ chối không chỉ cải cách phụng vụ, mà cả Công đồng Vatican II, với sự khẳng định vô căn cứ và không bền vững rằng Công đồng đã phản bội Truyền thống và “Giáo hội đích thực”. Ngài giải thích rằng khi hồ nghi Công đồng, có nghĩa là nghi ngờ chính ý định của các Giáo phụ, và cuối cùng hồ nghi chính Thánh Thần, Đấng đang hướng dẫn Giáo hội[7].

Chính vì thế, trong Tự sắc, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vai trò của Đức Giám mục là người điều hành đời sống phụng vụ của giáo phận. “Chỉ Giám mục giáo phận mới có thẩm quyền cho phép sử dụng Sách Lễ Roma năm 1962 trong giáo phận, theo hướng dẫn của Tòa Thánh”[8]. Giám mục sẽ phải biết chắc rằng các nhóm đã cử hành Sách Lễ xưa “không phủ nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cải cách phụng vụ, của Công đồng Vatican II và Huấn quyền của các Giáo hoàng”[9].

2. Ưu tư về sự hiệp nhất trong toàn thể Hội Thánh

Vì những nhóm sử dụng Sách Lễ 1962 có thể có sự bất tuân phục huấn quyền của Hội Thánh, hoặc không công nhận tính thành sự và hợp pháp của cải cách phụng vụ theo chỉ thị của Công đồng Vatican II; và như thế có nguy cơ làm rạn nứt sự hiệp nhất trong Hội Thánh, nên Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tự sắc: “Giờ đây, theo ước nguyện của hàng giám mục và sau khi lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo lý Đức tin, tôi công bố Tông thư này với ý muốn nhấn mạnh hơn bao giờ hết về thái độ không ngừng tìm kiếm sự hợp nhất trong Hội thánh”[10].

Đức Thánh Cha cho biết thêm lý do ngài quyết định sửa đổi những nhượng bộ trong quá khứ trong Thư gửi kèm Tự sắc Traditionis Custodes: “Ngày càng hiển nhiên, trong lời nói và thái độ của nhiều người theo truyền thống cũ, trong việc cử hành phụng vụ trái ngược với tình hiệp thông Giáo hội, nuôi dưỡng thúc đẩy chia rẽ... Chính vì để bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô mà tôi buộc lòng phải thu hồi năng quyền cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ mà các Vị Tiền nhiệm của tôi đã ban”[11].

II. TÔNG THƯ DESIDERIO DESIDERAVI

Từ những ưu tư trên, Đức Thánh Cha đã viết Tông thư Desiderio Desideravi về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa, như một lời mời gọi để giúp các thành phần Dân Chúa ý thức về việc cử hành phụng vụ: Làm thế nào để phục hồi khả năng sống trọn vẹn các cử hành phụng vụ?[12] Làm thế nào để ta cảm nhận được sự khao khát của Chúa dành cho chúng ta (DD, số 6): “Ta ước ao ăn lễ Vượt Qua này với các con”? (DD, số 20). Làm thế nào để người Kitô hữu cảm nhận sâu xa phụng vụ không phải là tham dự những nghi thức khô khan không hồn mà là một cuộc gặp gỡ thật sự với Đức Kitô hằng sống? (DD, số 10) Là hiện diện với Người để nghe Lời Người, để ăn Mình và uống Máu Người? (DD, số 11) Làm thế nào để khơi dậy trong lòng người tín hữu sự ngỡ ngàng thán phục trước một sự kiện đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu? (x. Ep 1, 3-14) (DD, số 25) Làm thế nào để chúng ta tiếp tục ngỡ ngàng thán phục trước những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta trong các cử hành phụng vụ? (DD, số 31). Làm thế nào để vị tư tế và cộng đoàn phụng vụ nhận thức được rằng, khi cử hành Thánh Lễ mình không phải là trung tâm, mà chính Chúa Kitô mới là Chủ tế, là của lễ và là Bàn Thờ (DD, số 57). Như thế Đức Thánh Cha mời gọi Dân Chúa tái khám phá và sống những ý nghĩa xác thực cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo. Ngài dạy: “Với lá thư này, tôi chỉ muốn mời gọi toàn thể Hội Thánh khám phá lại, bảo toàn và sống những ý nghĩa xác thực cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp và những hiệu năng cần thiết của việc cử hành Kitô giáo trong đời sống của Hội Thánh không bị biến dạng bởi một sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị, hoặc thậm chí tệ hơn, bởi việc biến Phụng vụ thành công cụ phục vụ một quan điểm ý thức hệ, dù quan điểm ấy có như thế nào đi nữa. Lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly “để tất cả nên một” (Ga 17,21), đang phán xét những chia rẽ của chúng ta chung quanh tấm Bánh được bẻ ra, bí tích của lòng đạo đức, bí tích của sự hợp nhất, mối liên kết của tình bác ái[13].

III. TÌM VỀ BẢN CHẤT CỦA PHỤNG VỤ

Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng vụ[14]. Qua phụng vụ Chúa Cha chúc phúc lành cho các thụ tạo qua Đức Kitô.

“Chúc lành” hay “Chúc phúc”, có gốc tiếng Hy Lạp là eulogia - được dịch sang tiếng Latinh là benedictio, có nghĩa cầu mong điều tốt cho người khác[15]. Chúc lành chỉ việc Thiên Chúa ban ơn phúc cho các thụ tạo, qua trung gian Chúa Kitô[16] (x. Ep 1, 3-6); là hành động thần linh ban sự sống, và nguồn gốc của hành động này là Chúa Cha. Việc chúc lành của Ngài vừa là một lời nói vừa là một hồng ân. Khi áp dụng cho con người, từ này có nghĩa “chúc tụng”, tôn thờ và tạ ơn Đấng Tạo Hóa của mình[17]. Từ lúc khởi đầu cho đến lúc cùng tận thời gian, toàn bộ công trình của Thiên Chúa đều là chúc lành. Thiên Chúa chúc lành cho các sinh vật, chúc lành cho người nam người nữ, chúc lành cho Ông Noe cho tất cả mọi loài sinh vật. Nhưng khởi từ tổ phụ Abraham, lời chúc lành của Thiên Chúa mới đi sâu vào lịch sử loài người, cho một lịch sử đang hướng về cõi chết, được tiến về cõi sống. Và nhờ Abraham đón nhận lời chúc lành mà lịch sử cứu độ được bắt đầu[18].

+ Trong Cựu Ước, Lề Luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh, dệt nên phụng vụ của dân Chúa chọn, vừa nhắc nhớ những lời chúc lành của Thiên Chúa, vừa đáp lại những lời chúc lành đó bằng những câu ca ngợi và chúc tụng tạ ơn[19].

+ Trong phụng vụ của Hội Thánh, Chúa Cha được nhận biết và được tôn thờ với tư cách là nguồn gốc và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ; trong Ngôi Lời của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Ngài, và nhờ Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là Chúa Thánh Thần[20].

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi (1Tm 2,4)

Phụng vụ chính là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô. Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo hội, nhất là qua Hiến Lễ Tạ Ơn và các Bí tích.

Để thực hiện công trình cứu độ, Thiên Chúa đã nhiều lần dùng miệng các tiên tri mà tiên báo với các tổ phụ, nhưng đến thời sau hết, Chúa Cha đã sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người, trở nên nguồn ơn cửa rỗi cho nhân loại. Cho nên, nhờ Chúa Kitô “Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hòa với Ngài, và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách hoàn bị”[21].

Công cuộc cứu rỗi được tiếp tục qua Phụng vụ của Giáo hội

Công đồng dạy: Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó “Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống”[22]. Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo hội[23]. Chính Chúa Giêsu phục sinh đã ban tràn trào ơn Thánh Thần cho Giáo hội. Và trao cho Giáo hội quyền gìn giữ kho tàng ân sủng và phân phát ân sủng qua các bí tích. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. (Ga 20, 23). Hay chính trong đêm Tiệc Ly Chúa truyền cho các Tông đồ cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,10) Như vậy mỗi khi Giáo hội cử hành Phụng vụ là mỗi lần ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.

Chúa Kitô hiện diện trong Phụng vụ

Mầu nhiệm Chúa Kitô Tử Nạn và Phục Sinh là tột đỉnh của mầu nhiệm cứu độ, và là trung tâm của mọi cử hành phụng vụ Kitô giáo. “Trong Phụng vụ, điều chính yếu Hội Thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta. Trong Phụng vụ, Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, để các tín hữu làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới” (GLHTCG 1067).

Chính Chúa Kitô, Đấng hiện diện trong Giáo hội, dùng các dấu chỉ bí tích khả giác dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc. Do đó, những động tác Phụng vụ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo hội. Hiến chế Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium) dạy rằng: “Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội Thánh Người, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện trong Hy tế Thánh lễ cũng như trong con người thừa tác viên, “Đấng xưa đã tự hiến trên thánh giá, thì nay chính Người dâng hiến qua thừa tác vụ của các tư tế”, và nhất là Người hiện diện dưới hình bánh hình rượu Thánh Thể. Người hiện diện bằng quyền năng của Người trong các bí tích, đến nỗi khi một ai đó làm Phép Rửa, thì đó là chính Đức Kitô làm Phép Rửa. Người hiện diện trong Lời của Người, vì chính là Người đang nói, khi Kinh Thánh được đọc lên trong Hội Thánh. Cuối cùng, Người hiện diện khi Hội Thánh cầu nguyện và hát Thánh vịnh, như chính Người đã hứa: ‘Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18,20)”[24]. Tông thư Desiderio Desideravi số 33: “Chỉ có cộng đoàn của ngày lễ Ngũ Tuần mới có thể cử hành lễ bẻ Bánh với niềm xác tín rằng Chúa đang sống, Đấng đã sống lại từ cõi chết, đang hiện diện bằng lời của Người, bằng cử chỉ của Người, bằng việc dâng Mình và Máu Người. Kể từ đó, cử hành phụng vụ trở thành một nơi đặc biệt - mặc dù không phải là nơi duy nhất - của cuộc gặp gỡ với Chúa.”

Phụng vụ trần gian hướng về Phụng vụ trên trời

Công đồng dạy rằng, khi chúng ta tham dự Phụng vụ trần gian là nơi cảm nếm trước Phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem mới, là nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực. Vì thế, Phụng vụ dưới thế hôm nay là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những lữ hành[25].

Phụng vụ là tột đỉnh và nguồn mạch đời sống Giáo hội

Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội... Chính Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo hội đều quy hướng về như là cứu cánh[26].

IV. BỮA TIỆC VƯỢT QUA CỦA CHÚA GIÊSU VỚI CÁC TÔNG ĐỒ

(Mt 26, 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 14-20, 1Cr 11, 23-27)

Trung tâm của Phụng vụ Kitô giáo là Mầu nhiệm Vượt Qua, là Hiến tế cứu độ của Chúa Giêsu. Bữa tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu với các Tông đồ được ghi lại trong ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 26, 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 14-20) và trong Thư thứ nhất thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô (1Cr 11, 23-27)

Tông thư Desiderio Desideravi: Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15) “Et ait illis: Desiderio desideravi hoc pascha manducare vobiscum, antequam patiar”[27].

“Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên Vượt Qua. Chúa Giêsu sai ông Phêrô với ông Gioan đi và dặn: ‘Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua’ ... Các ông ra đi... và dọn tiệc Vượt Qua. Khi giờ đã đến, Chúa Giêsu vào bàn cùng với các Tông đồ. Người nói với các ông: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa’. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy’. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em’” (Lc 22, 7-20)[28].

Và từ bữa tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Hội Thánh sơ khai bắt đầu với các Tông đồ, sau khi Chúa phục sinh đã cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua: “Theo truyền thống Tông đồ bắt nguồn từ chính ngày Đức Kitô sống lại, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật xứng đáng được gọi là ngày của Chúa hoặc Chúa nhật”[29]. Ngày phục sinh của Đức Kitô vừa là “ngày thứ nhất trong tuần” gợi lại ngày đầu tiên của công trình tạo dựng, vừa là “ngày thứ tám”, trong ngày đó Đức Kitô, sau khi “an nghỉ” trong ngày sa-bát vĩ đại của Người, đã khởi đầu ngày “Chúa đã làm ra” (Tv 118,24), “ngày không có chiều tà.” “Bữa tiệc của Chúa” là trung tâm của ngày này, bởi vì trong đó, toàn thể cộng đoàn các tín hữu được gặp Chúa phục sinh, Đấng mời họ vào bàn tiệc của Người[30].

Vì thế, Chúa nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành khác, nếu không thật sự rất quan trọng thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa nhật, vì đây là nền tảng và trung tâm của cả Năm phụng vụ[31].

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1341-1344)

Khi cử hành bữa Tiệc Ly với các Tông đồ của Người trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã ban cho lễ Vượt Qua của người Do-thái một ý nghĩa dứt khoát. Quả thật, cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu để về cùng Cha Người, qua cái chết và sự sống lại, thật sự là cuộc Vượt Qua mới, được tham dự trước trong bữa Tiệc Ly và được cử hành trong bí tích Thánh Thể, cuộc Vượt Qua đó hoàn thành lễ Vượt Qua của người Do Thái và tham dự trước vào lễ Vượt Qua chung cuộc của Hội Thánh trong vinh quang Nước Thiên Chúa[32].

Đây là mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền phải lặp lại những cử chỉ và lời nói của Người “cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11,26). Mệnh lệnh không chỉ đòi hỏi phải nhớ đến Chúa Giêsu và những gì Người đã làm. Mệnh lệnh này còn nhắm đến việc cử hành phụng vụ, do các Tông đồ và những người kế nhiệm các ngài, và những linh mục thừa tác được giám mục đặt tay, để tưởng niệm Đức Kitô, tưởng niệm cuộc đời của Người, cái chết và sự sống lại của Người, và việc chuyển cầu của Người bên Chúa Cha[33].

Chúa Giêsu với hai môn đệ đi làng Emmaus (Lc 24, 13-35)

Suy tư thêm, chúng ta có thể thấy được cơ cấu của một Thánh Lễ khi đọc đoạn Tin Mừng thánh Luca (Lc 24, 13-35) thuật lại câu chuyện của hai môn đệ đi làng Emmaus, lúc Chúa Giêsu hiện ra đàm đạo với họ. Có hai phần rõ rệt: Phần đầu hai môn đệ thuật lại câu chuyện của ông Giêsu người Nazareth. Chúa Giêsu giảng giải Kinh Thánh cho hai ông. Phần hai, khi vào trong quán trọ, hai ông mời Chúa Giêsu ở lại dùng bữa “tối” với họ, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Thánh Luca thuật lại: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (Lc 24, 31). Chúa Giêsu đã làm cử chỉ bao gồm: cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ... y hệt như cử chỉ Người đã làm trong bữa tiệc ly với các môn đệ. Hoặc họ đã chứng kiến việc Chúa Giêsu làm tương tự trong phép lạ hóa bánh ra nhiều. Vì vậy mà các ông nhận ra Người khi Người bẻ bánh.

V. CỬ HÀNH LỄ BẺ BÁNH TỪ THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Sau khi Chúa về Trời, các Tông đồ đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,10).

Trong thư gửi giáo đoàn Côrintô (1Cr 11, 17-34), thánh Phaolô đã truyền lại cử hành của Chúa Giêsu trong bữa ăn tối với các môn đệ: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”

Hội Thánh tại Giêrusalem có bài tường thuật như sau:

“Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 42.46).

VI. CHỨNG TỪ CỦA THÁNH GIUSTINÔ TỬ ĐẠO VỀ THÁNH LỄ TỪ THẾ KỶ THỨ II

Từ thế kỷ II, chúng ta có chứng từ của thánh Giustinô tử đạo về việc cử hành thánh lễ. Những nét chính đó vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay, trong tất cả các truyền thống phụng vụ lớn. Để giải thích cho hoàng đế ngoại giáo Antôniô Piô (138-161) những gì các Kitô hữu đã làm, thánh Giustinô viết vào khoảng năm 155 như sau:

“Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.

Và người ta đọc ký sự của các Tông đồ hoặc sách của các Tiên tri, tùy thời gian cho phép.

Khi người đọc kết thúc, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người bắt chước những điều tốt lành đó.

Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy và dâng lời cầu nguyện cho chính chúng tôi… và cho mọi người khác ở khắp nơi,... để chúng tôi sống ngay chính trong các việc làm và trong việc tuân giữ các giới răn, hầu chúng tôi đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Khi kết thúc việc cầu nguyện, chúng tôi trao hôn bình an cho nhau.

Tiếp đến, người ta mang đến cho vị chủ sự bánh và một chén rượu có pha nước.

Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, dâng lời tán tụng và tôn vinh Cha của vũ trụ, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đọc một kinh tạ ơn dài (tiếng Hy Lạp: eucharistia) về việc chúng tôi được coi là xứng đáng với các hồng ân này.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và việc tạ ơn, mọi người hiện diện đồng thanh đáp: A-men.

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân đã đáp lại, thì các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước ‘đã được thánh thể hoá’ (‘eucharistizata’) cho mỗi người hiện diện tham dự và đem đến cho những người vắng mặt”[34].

VII. SỐNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ THEO TINH THẦN CỦA DESIDERIO DESIDERAVI

Chúng ta thực hiện sống các cử hành phụng vụ dưới ánh sáng của Tông thư mà Đức thánh cha gợi ý.

1. Tất cả mọi người đều được tham dự vào bữa Tiệc Vượt Qua

Trước hết là vai trò của vị chủ tế là những vị được tuyển chọn giữa Dân Thiên Chúa, do ân sủng của chức thánh, các vị được đại diện Chúa Kitô cử hành các mầu nhiệm thánh, các vị có bổn phận chuẩn bị bữa Tiệc Vượt Qua cho Dân Chúa.

Phêrô và Gioan được Chúa sai đi chuẩn bị những gì cần thiết cho bữa Tiệc Vượt Qua. Tuy nhiên tất cả mọi người đều tham dự vào cuộc chuẩn bị. Cả chủ tế cả cộng đoàn tham dự. (3)

2. Khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua tránh đề cao “cái tôi”

Khi cử hành Thánh lễ, vị tư tế cần tâm niệm mình bất xứng trước mầu nhiệm thánh. Phải luôn nhớ Mầu nhiệm Thánh Thể là món quà vô giá to lớn, còn người nhận thì nhỏ nhoi. Nên sự bất xứng là vô hạn. Vì vậy khi cử hành Thánh lễ cần khép mình lại. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi” và những hạn chế đối với tính cách “chúng tôi” này luôn luôn là do ma quỷ[35].

Điều này được thực hiện ngay từ đầu mỗi Thánh lễ, phần nghi thức sám hối. Cả tư tế và cộng đoàn đều đấm ngực sám hối vì bất xứng để cử hành mầu nhiệm thánh.

3. Những tín hữu đã được rửa tội, tất cả đều được mời gọi, tất cả đều bị cuốn hút vào nỗi khao khát của Chúa muốn ăn Lễ Vượt Qua với họ (DD, số 4).

“Người biết mình là Con Chiên Vượt Qua, và là chính Lễ Vượt Qua. Chính tính cách mới mẻ tuyệt đối của bữa ăn, điều mới mẻ thực sự duy nhất trong lịch sử, đã làm cho bữa tiệc này trở nên độc đáo và mang tính tối hậu, một lần duy nhất: “Bữa tối cuối cùng”. Tuy nhiên, khát vọng vô hạn của Người muốn tái lập mối hiệp thông với chúng ta, đã và vẫn là dự định từ đầu của Người, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người, thuộc mọi chi họ, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia (Kh 5,9) được ăn Thịt và uống Máu của Người: đó là lý do tại sao chính bữa tiệc này phải được hiện tại hóa trong việc cử hành Thánh Thể, cho đến khi Người trở lại.” (4)

4. Đức Thánh Cha nói đến điều kiện để được vào dự lễ đó là: “Để được vào dự lễ, chỉ cần mặc áo cưới là đức tin, có được nhờ đã nghe Lời Người (x. Rm 10,17): Hội Thánh may áo này vừa vặn với mỗi người, bằng tấm vải trắng được giặt trong Máu Chiên Con (x. Kh 7,14)”[36]. Đức Thánh Cha nói đến những người không được hiệp thông với Mình Máu Chúa Giêsu: “Không phải tất cả mọi người đã nhận được lời mời tham dự bữa ăn này, hoặc có những người đã lãng quên hoặc lạc bước trong những lối quanh co của cuộc đời.” (số 5). Nhưng ước ao vẫn là tất cả mọi người đều được mòi dự tiệc cưới Chiên Con. “Đó là điều tôi đã từng nói tới: “Tôi ước mơ một chọn lựa truyền giáo có thể làm thay đổi mọi sự, để các thói quen, phong cách hành động, giờ giấc chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh” (Evangelii gaudium, số 27): để tất cả mọi người có thể ngồi ăn bữa tiệc hy tế của Chiên Con và được sống nhờ Người.

5. Linh mục thông phần cách đặc biệt vào việc cử hành phụng vụ nhờ ân sủng của Bí tích truyền chức, và điều này thể hiện rõ trong vai trò chủ sự. Đây không phải là một bổn phận do cộng đoàn giao cho linh mục, nhưng là hệ quả của việc tuôn đổ Thánh Thần trên linh mục trong lễ truyền chức, để trao tác vụ này cho ngài (56)... cho nên linh mục phải ý thức sâu sắc về sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô Phục sinh khi cử hành. Chính bản thân thừa tác viên đã lãnh chức thánh là một trong những cách thức hiện diện của Chúa, điều này làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở nên độc đáo, khác với bất kỳ cộng đoàn nào khác. (x. 56). Do vậy, vị linh mục chủ tế phải liệu thế nào để qua những cử chỉ và lời nói của chủ sự, cộng đoàn có thể cảm nhận được điều Chúa khát mong, hôm nay cũng như trong Bữa Tiệc Ly, là được ăn lễ Vượt Qua với chúng ta. Như thế, Chúa Phục sinh là nhân vật chính, chứ không phải bản thân non nớt của chúng ta đang đảm nhận những phận vụ và hành động rõ ràng là vượt quá khả năng của con người. Linh mục nên để mình được đong đầy nỗi khao khát hiệp thông mà Chúa dành cho mỗi người. Hãy làm như mình đang đứng giữa trái tim Chúa Giêsu đang bừng cháy lửa yêu thương và trái tim của mỗi tín hữu, đối tượng của tình yêu Chúa (57).

6. Giữ giây phút thinh lặng thánh trong Thánh lễ

Giây phút thinh lặng thánh là thành phần của cử hành phụng vụ. Thinh lặng còn giúp cho Thừa tác viên cử hành và giáo dân luôn quay trở về ý thức mầu nhiệm thánh đang cử hành; đồng thời giúp mọi người hiệp thông với Chúa Giêsu trong từng thời khắc của Phụng vụ. Thinh lặng trong phụng vụ là biểu tượng của sự hiện diện và hành động Chúa Thánh Thần. Giây phút thinh lặng thánh trong Thánh lễ được nói đến trong Sách Lễ Roma phần Nghi Thức Thánh Lễ Có Giáo Dân Tham Dự các số 4, 9 và 138 luật chữ đỏ. Vì vậy, giây phút thinh lặng thánh chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối (DD số 52). Điều này, thường bị bỏ qua khi Linh mục cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Chính vì thế Đức thánh cha đã nhắc lại:

“Trong số các động tác nghi lễ dành cho toàn thể cộng đoàn, thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Động tác này được quy định rõ trong luật chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong thinh lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của nghi lễ đang diễn ra. Thật vậy, mọi người thinh lặng trong nghi thức sám hối, sau lời mời gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện”, trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong Kinh nguyện Thánh Thể, sau khi hiệp lễ”. (DD, số 52). Vì thế linh mục không thể cử hành Thánh lễ cách nhanh vội được. Đức Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn có ra thông báo cho các giáo xứ và cộng đoàn về vệc giữ thinh lặng thánh trong thánh lễ vào mùa vọng 2022[37].

Thinh lặng còn mang tính biểu tượng, Đức thánh cha nói: “Chúng ta thinh lặng để tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nơi mỗi người, khi kết hiệp mật thiết với Chúa, thinh lặng gợi lên điều Thánh Thần muốn tác động trong cuộc sống để làm cho chúng ta trở nên tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta được kêu gọi thực hiện thật sốt sắng phút thinh lặng như một động tác mang tính biểu tượng, để qua đó chúng ta được Chúa Thánh Thần uốn nắn”. (DD, số 52)

7. Học tập lòng khiêm nhường thẳm sâu của Chúa Kitô khi cử hành Thánh lễ

Khi chủ tọa cộng đoàn, dầu là có ghế chủ tọa, nhưng vị tư tế không ngồi trên một ngai tòa. Linh mục cần có thái độ khiêm nhường của Chúa Kitô. Đức thánh cha nói trong số 60: Linh mục không ngồi trên một ngai tòa[38]. “Khi dâng của lễ nơi bàn thờ, linh mục được dạy về đức khiêm nhường và thống hối qua lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương nhận chúng con đang thành tâm khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa”[39]. Linh mục không được cậy dựa vào bản thân về tác vụ đã được trao phó, vì Phụng vụ mời gọi linh mục cầu nguyện để được thanh tẩy qua dấu chỉ nước: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy[40].

8. Cử hành Thánh lễ là hiệp thông với Chúa Kitô dâng hiến chính mình

Linh mục cử hành Thánh lễ là một lần dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô, và hiệp thông với Chúa Kitô trên Bàn thờ thập giá: “Trong Kinh Nguyện Thánh Thể - đang khi tất cả những người đã được rửa tội cũng được tham dự bằng cách lắng nghe với thái độ tôn kính và thinh lặng, đan xen với những lời tung hô[41], thì chỉ một mình chủ tế mới có quyền nhân danh toàn thể dân thánh để xin Chúa Cha nhớ đến hiến lễ của Chúa Con trong Bữa Tiệc ly, để món quà cao cả đó lại được hiện tại hóa trên bàn thờ. Linh mục thông phần vào hiến lễ đó bằng cách dâng hiến chính mình. (DD, số 60)

9. Cử hành Thánh lễ, linh mục trao ban sự sống của mình cho đoàn chiên

Như chính Chúa Giêsu là của lễ và bàn thờ, linh mục dâng chính bản thân mình sự sống cho đoàn chiên được trao phó cho mình: Linh mục không thể thuật lại Bữa Tiệc Ly cho Chúa Cha mà không làm cho mình trở thành một người thông phần vào đó. Linh mục không thể nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”, mà không sống theo ước nguyện muốn dâng chính bản thân và sự sống cho những người đã được giao phó cho mình. Đây chính là những điều đang xảy ra khi linh mục thi hành tác vụ.” (số 60)

Và như thế, các linh mục phải để cho mình được Chúa Thánh Thần tác động, để Người hoàn tất việc Người đã khởi sự nơi họ trong ngày họ được truyền chức. Tác động của Thánh Thần giúp cho các linh mục có thể thi hành phận vụ chủ sự cộng đoàn Thánh Thể với tâm tình kính sợ như Phêrô, ý thức mình là người tội lỗi (Lc 5,1-11), với lòng khiêm nhường thẳm sâu của người tôi tớ đau khổ (x. Is 42tt), và với mong muốn “được ăn” bởi những người được giao phó cho mình khi thi hành tác vụ hằng ngày. (x. 59)

10. Các tín hữu sống các cử hành phụng vụ do ảnh hưởng của cung cách linh mục (số 54)

Đức thánh cha nói đến ảnh hưởng của vị chủ tế cộng đoàn đến cách sống các cử hành phụng vụ của giáo dân. Một thực tế cho thấy khi cử hành Thánh lễ, các linh mục rơi vào một trong những cách biểu hiện mà Đức Thánh Cha gọi là có nhiều “mô hình” chủ sự khác nhau, cụ thể là:

Có vị khắc khổ cứng nhắc trong cung cách cử hành hoặc ngược lại là sáng tạo quá đáng, ví dụ như thêm vào trong một vài phần thánh lễ “vài lời vàng ngọc”; hoặc sáng tạo thêm không hợp với phụng vụ thánh mà Đức Thánh Cha gọi là “quá đáng”. Có vị dâng Thánh lễ cốt yếu sao cho nhanh chóng vội vàng chạy theo thị hiếu của giáo dân; hay quá dài làm người ta chán ngán. Có vị cẩu thả, cũng có vị quá tỉ mỉ cực đoan. Có vị thì thân thiện quá mức cũng có vị vô cảm lạnh lùng khiến giáo dân xa cách.

“Khi đến thăm các cộng đoàn Kitô hữu, tôi nhận thấy cách họ sống các cử hành phụng vụ - dù tốt hơn hay đáng tiếc là tệ hơn - đều tùy vào cung cách chủ sự của linh mục trong cộng đoàn. Có thể nói là có nhiều “mô hình” chủ sự khác nhau. Dưới đây là danh sách những phương pháp dễ nhận ra, mặc dù trái ngược nhau, nhưng tiêu biểu cho cách chủ sự chắc chắn là không phù hợp: khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng.

11. Các linh mục khi dâng Thánh lễ không đề cao cá nhân (số 54)

Mặc dù nhiều ví dụ như thế, tôi nghĩ rằng sự bất cập của các mô hình chủ sự này có gốc rễ chung: thái độ đề cao bản thân trong phong cách cử hành, đôi khi thể hiện cách lộ liễu thói tật muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Điều này thường được thấy rõ hơn trong các cử hành được phát thanh, truyền hình hay trực tuyến trên mạng internet, có điều gì đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp và vì thế cần phải nghiên cứu thêm. Xin anh chị em hiểu rõ điều tôi nói: những cách cử hành này không phải là phổ biến nhất, nhưng cho đến bây giờ, nhiều cộng đoàn vẫn còn phải khốn khổ vì những lạm dụng như thế”.

THAY LỜI KẾT

Cử hành Phụng vụ đặc biệt là mầu nhiệm Vượt Qua, đòi Linh mục ý thức về sự linh thánh, về sự hiện diện của Chúa Kitô, có nghệ thuật, nhưng “Người nghệ sĩ chân chính không sở hữu một nghệ thuật, nhưng đúng hơn người ấy được nghệ thuật chiếm hữu” (DD, số 50). Vì vậy, mỗi khi cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, phải tâm niệm và ý thức Chúa Giêsu hiện diện thật sự và Bản Thể.

Thánh Lêô Cả viết: “Việc thông dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không hướng đến điều nào khác hơn là làm cho chúng ta trở thành Đấng chúng ta ăn” (Lêô Cả, Sermo LXIII: De Passione Domini III, 7)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)





[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 1.

[2] DD, số 34. Ghi chú số 9: R. Guardini Der Kultakt und die gegenwărtige Aufgabe der Liturgischen Bildung (1964) in Liturgie und liturgische Bildung (Mainz 1992) trg 14.

[3] X. ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 34.

[4] X. ĐGH Phaolô VI, Tông hiến “Missale Romanum”, ngày 03/04/1969, x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, Ấn bản mẫu thứ ba 2002, bản dịch của UBPT - HĐGMVN 2009 (QCTQ), số 6., x. Cập Nhật Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, giaolyductin.org 03/12/2014.

[5] Từ Công đồng Trentô cho tới nay, Giáo hội đã có hai cuốn Sách Lễ Rôma chính thức: đó là Sách Lễ Rôma của Đức Piô V năm 1570, và Sách Lễ Rôma của Đức Phaolô VI được xuất bản năm 1970, là ấn bản mẫu thứ I. Sau ấn bản mẫu thứ I này, Tòa Thánh đã có thêm lần lượt ấn bản mẫu thứ II (năm 1975) và ấn bản thứ III (năm 2002). Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Giáo hội Việt Nam chúng ta vẫn sử dụng Sách Lễ Rôma ấn bản mẫu thứ II, phiên bản tiếng Việt 1992, bản dịch của UBPT trực thuộc HĐGMVN, kèm theo phần Nghi thức Thánh Lễ, trích dịch từ ấn bản mẫu thứ III Sách Lễ Roma, năm 2002 của Tòa Thánh, bản dịch của UBPT - HĐGMVN, được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 10/05/2005, đánh số trang từ 11 - 204 và 10 trang cuối phần CÁC LỄ MỚI. Hiện nay UBPT trực thuộc HĐGMVN đang nỗ lực để hoàn thành bản dịch theo ấn bản mẫu thứ III, phiên bản tiếng Việt; chúng ta vui lòng chờ đợi trong một thời gian nữa. X. SÁCH LỄ ROMA, Ấn bản mẫu thứ II, Bản dịch của UBPT trực thuộc HĐGMVN 1992., x. Lm. Phạm Đình Ái, Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Ban Hành Tông Hiến Sách Lễ Rôma.

[6] Lm. Trần Đức Anh, Vài dư âm Tự sắc mới của ĐTC Phanxicô hạn chế Thánh Lễ theo nghi thức tiền Công đồng, x. vaticannews.va 25/07/2021 : “Tự Sắc mới của Đức thánh cha đặc biệt có liên hệ tới Huynh đoàn Thánh Phêrô là một Tu đoàn được thành lập năm 1988, ban đầu quy tụ 12 linh mục rời bỏ Huynh đoàn thánh Piô 10, sau khi Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebve tự ý truyền chức 4 Giám mục không có phép của Tòa Thánh hồi cuối tháng 6/1988. Tính đến tháng 11/2020, Huynh đoàn có 330 linh mục, trong đó có 310 được nhập tịch vào Huynh đoàn và 174 chủng sinh. Tại Mỹ Huynh đoàn hoạt động tại 39 giáo phận và có 54 địa điểm tông đồ, với 112 linh mục. Huynh đoàn có 7 cộng đoàn tại Canada. Tất cả đều cử hành Thánh lễ tiếng Latinh theo sách lễ của Thánh Gioan 23. Ngoài ra Huynh đoàn có một Hiệp hội giáo dân gồm 7.390 người, trong đó 1.036 nói tiếng Pháp, 974 tiếng Đức và 5.380 nói tiếng Anh.”

[7] Ngọc Yến, “ĐTC ban hành Tự sắc “Traditionis Custodes” về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng”, vaticannews.va 18/07/2021, x. https:// www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-07/quy-dinh-cu-hanh-thanh- le-tien-cong-dong-tu-sac.html

[8] ĐGH Phanxicô, Tự sắc Traditionis Custodes, Điều 2.

[9] ĐGH Phanxicô, Tự sắc Traditionis Custodes, Điều 3, triệt 1.

[10] ĐGH Phanxicô, Tự sắc Traditionis Custodes.

[11] Lm. Trần Đức Anh, “Vài dư âm Tự Sắc mới của ĐTC Phanxicô hạn chế Thánh Lễ theo nghi thức tiền Công Đồng”, vaticannews.va 25/07/2021, x. https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-07/tu-sac-traditionis-custodes-thanh-le-nghi-thuc-tien-cong-dong.html

[12] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 27.

[13] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 16.

[14] GLHTCG 1077 - 1083.

[15] TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO - Ban Từ vựng Công Giáo - UBGLĐT-HĐGMVN, “Chúc lành, sự”, Nhà Xuất bản Tôn Giáo 2019, 151.

[16] “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Ngài đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1, 3-6).

[17] GLHTCG 1078.

[18] X. GLHTCG 1079, 1980, 1981.

[19] X. GLHTCG 1081.

[20] X. GLHTCG 1082.

[21] Sacramentarium Veronense (Leonianum): xb. C. Mohlberg, Rôma, 1956, số 1265, tr. 162, x. CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 5.

[22] Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh.

[23] CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 6, x. T. AUGUSTINÔ, Enarr. in Ps CXXXVIII, 2: Corpus Christianorum, XL, Turnholti, 1956, tr. 1991 và lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách lễ Rôma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.

[24] CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 7., x. GLHTCG số 1088.

[25] X. CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 8.

[26] CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 10.

[27] X. Mt 26, 17-29; Mc 14, 12-25; 1Cr 11, 23-25.

[28] X. Mt 26, 17-29; Mc 14, 12-25; 1Cr 11, 23-25

[29] CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 106.

[30] GLHTCG 1166.

[31] CĐ Vatican II, Hiến chế Sacrosantum Concilium, số 106.

[32] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN 2011 (GLHTCG), số 1340.

[33] GLHTCG 1341.

[34] Thánh Justinô, Apologia, 1,65: CA 1, 67: CA 1, 184-186 (PG 6, 429)

[35] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 19.

[36] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 5.

[37] Trong huấn từ vào dịp tĩnh tâm của linh mục đoàn Tổng Giáo phận Sái Gòn năm 2022, Đức Tổng Giám mục Giuse đã lưu ý về việc giữ thinh lặng thánh như Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma hướng dẫn và được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại trong Tông thư Desiderio Desideravi. Đức Tổng đã ấn định: “Các giáo xứ và cộng đoàn thực hiện trong tất cả các thánh lễ từ đầu mùa Vọng này.”

Xin quý cha giúp cộng đoàn của mình xác tín để cùng thực hiện thật sốt sắng việc thinh lặng vào những thời điểm sau của thánh lễ:

Trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện đầu lễ để hồi tâm;

Sau bài giảng hoặc bài Tin mừng để Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn;

Sau khi rước lễ để tạ ơn và kết hợp với Chúa trong tâm tình cầu nguyện.

[38] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 310.

[39] Lời nguyện cung hiến nhà thờ và bàn thờ.

[40] Sách Lễ Rôma, Nghi thức Thánh lễ; ĐTC Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 60.

[41] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 78-79.