WHĐ (21.08.2023) – Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức Hội nghị thường niên của
các Đại Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày
07-10/8/2023, với chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa ngoài trong việc đào tạo
linh mục tại Việt Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số bài viết cho Hội nghị của
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô
Xaviê.
Bài 1:
HƯỚNG TỚI MỘT CHỦNG VIỆN HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA
VÀ SỨ VỤ
Lm. Phêrô Nguyễn
Văn Hương
Mục lục I. CHỦNG VIỆN LÀ HỘI THÁNH HIỆP HÀNH 4. Chủng viện là Hội Thánh sứ vụ 9. Cuối cùng, lối tiếp cận, thái độ và tinh thần huấn
luyện |
DẪN NHẬP
Thượng Hội đồng Giám mục thế giới XVI được tổ
chức với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh
hiệp hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ.” Quả thế, con đường hiệp hành là
dấu chỉ thời đại như Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết rằng: “Con đường hiệp
hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh trong thiên niên kỷ
thứ ba.”[1]
Mọi tổ chức và mọi thành viên của Hội Thánh được mời gọi tham gia, canh tân và
lên đường theo con đường hiệp hành ấy để thi hành tốt sứ vụ truyền giáo. Đặc biệt,
con đường hiệp hành phải là con đường mà mỗi Chủng viện được mời gọi bước đi và
hướng tới. Vì thế, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa chủ đề này liên quan đến đời sống,
cách tổ chức và việc huấn luyện của Chủng viện theo hướng hiệp hành.
I. CHỦNG VIỆN LÀ HỘI THÁNH HIỆP HÀNH
1. Hội Thánh hiệp hành là gì?
“Hiệp hành” là một khái niệm còn mới mẻ đối với
phần lớn tín hữu Công Giáo Việt Nam. Vì thế, hiểu đúng về khái niệm hiệp hành
là điều cần thiết.
Trước hết, xét theo từ nguyên, trong tiếng Hy
Lạp, hạn từ σύνοδος (synodus), được
cấu tạo bởi giới từ συν (với) và danh
từ όδός (con đường), diễn tả ý nghĩa:
cùng đi trên một con đường. Nên từ “hiệp hành” diễn tả ý nghĩa ấy: hiệp là cùng
và hành là con đường.
Theo ý nghĩa Giáo Hội học, hiệp hành diễn tả
mô hình Hội Thánh là Dân Thiên Chúa cùng nhau tiến bước trên một con đường, hiệp
thông, đồng trách nhiệm để cùng nhau thi hành sứ vụ, một Hội Thánh hoàn toàn
khác biệt với mô hình Hội Thánh kim tự tháp hoặc cơ chế “giáo phẩm luận” như một
thời từng quan niệm. Đây là một Hội Thánh do Chúa Ba Ngôi triệu tập, được kêu gọi
và được gọi là Dân Thiên Chúa để lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Theo ý nghĩa thần học, σύνοδος – hiệp hành còn
diễn tả về Chúa Giêsu, Đấng tự giới thiệu mình là “con đường, là sự thật và là
sự sống” (Ga 14,6), Đấng dẫn đến Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 16,13)
và thực tế, các Kitô hữu, môn đệ của Người, ban đầu được gọi là “những người đi
theo Đường” (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22).[2]
Nên tính hiệp hành là phương thức sống và hành động (modus vivendi et operandi) của Hội
Thánh. Như vậy, Hội Thánh hiệp hành có nghĩa là cùng nhau tiến bước để truyền
giáo, một Hội Thánh lữ hành, luôn ở “trên đường” để truyền giáo.
Cộng đoàn Chủng viện cũng là một cộng đoàn Dân
Chúa thu nhỏ, cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường, chung một tầm nhìn,
hướng tới một ơn gọi, một lý tưởng, một sứ vụ: Linh Mục.
Trở thành linh mục là một hành trình dài thăm
thẳm và tiện tiến. Chương trình đào tạo linh mục là một chương trình đào tạo suốt
đời, bao gồm ba giai đoạn: trước, tại và sau chủng viện.
Một cách cụ thể, trước Chủng viện gồm thời
gian của những năm dự bị, dự tu và những năm Tiền Chủng viện; Tại Chủng viện có
2 (hay 3) năm Triết, 1 năm Thử và 4 năm Thần học; Sau Chủng viện với một năm Mục
vụ, 5 năm đầu đời linh mục và những năm mục vụ tiếp theo, về hưu dưỡng…
Hành trình này cũng tương tự như hành trình mà
Chúa Giêsu đã thực hiện với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Theo đó, Chúa
Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những
chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi
sau đó, cùng với họ, Người “bẻ bánh”, mắt họ liền sáng ra, lòng họ bừng cháy, họ
liên quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (x.
Lc 24,13-35).
Trong hành trình này, nhà đào tạo và người thụ
huấn là bạn đường của nhau, để đồng hành và chia sẻ với nhau những “kinh nghiệm
đức tin”, kinh nghiệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng, về việc tìm kiếm giá trị
thiêng liêng, và cả tình yêu dành cho Thiên Chúa trong quá trình theo đuổi ơn gọi
và sứ vụ linh mục.
2. Chủng viện là Hội Thánh hiệp thông
Hiệp thông là một trong những yếu tố cần thiết
quyết định cho sự sống còn của Hội Thánh. Bởi lẽ, hiệp thông là yếu tố làm cho
mọi thành phần Dân Chúa hiệp nhất nên một với nhau trong đời sống và sứ vụ để trở
nên Nhiệm Thể duy nhất của Chúa Kitô. Sự hiệp thông Hội Thánh bắt nguồn từ
chính Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là từ sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi là nguồn gốc, nền tảng và khuôn mẫu của Hội Thánh hiệp
thông.
Hội Thánh hiệp hành là Hội Thánh hiệp thông. Để
cùng đi với nhau trên một con đường, trước hết, mọi thành phần trong Hội Thánh
được mời gọi hiệp nhất nên một với nhau. Thiên Chúa quy tụ chúng ta lại với
nhau trong Hội Thánh như một Dân mới với những khác biệt nhưng cùng một đức
tin.[3]
Hiệp thông phải trở thành nền linh đạo để huấn
luyện mọi thành phần Dân Chúa vượt qua những xung khắc và chia rẽ, để nhường chỗ
cho nhau và mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gl 6,2), nhằm chống lại những cám dỗ
ích kỷ thường bao vây chúng ta cũng như vượt thắng sự ganh đua, tham vọng, ngờ
vực và ghen tương trong Hội Thánh.
Chủng viện trước hết là “kinh nghiệm nguyên
tuyền về Hội Thánh hiệp thông” (PDV 60) và là “ngôi nhà hiệp thông.” Việc đào tạo
linh mục chính yếu là đào tạo trở thành “con người hiệp thông.” Bởi lẽ, thiên
chức linh mục từ tình yêu và sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần, qua bí tích Truyền Chức, linh mục được hội nhập vào sự hiệp thông với
giám mục và với các linh mục khác, để phục vụ Dân Chúa là Hội Thánh và để hướng
dẫn mọi người đến với Chúa Kitô.
Trên bình diện nhân bản, Chủng viện phải nỗ lực
trở thành một cộng đoàn trong đó các thành phần liên kết với nhau bằng tình phụ
tử, tình huynh đệ và một đức ái sâu xa, tạo thành một gia đình thực sự với bầu
khí vui tươi và huynh đệ. Trên bình diện đức tin, Chủng viện phải tạo thành một
“cộng đoàn Hội Thánh”, một cộng đoàn môn đệ Chúa được quy tụ để cùng cử hành
Thánh Thể, cầu nguyện, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, nhờ đó, được hiệp nhất với
nhau; cộng đoàn ấy hiệp nhất với nhau nhờ sống đức ái huynh đệ và tinh thần
công bằng.[4]
Việc huấn luyện linh mục là sự kiện thuộc Hội
Thánh mà Chủng viện là nôi để sống và thể hiện mô hình Hội Thánh hiệp thông
theo hình tròn: Nghĩa là làm sao tạo được tinh thần và phương pháp làm việc
nhóm với nhau nơi Ban Đào tạo và các chủng sinh theo các nguyên tắc: hiệp thông
với Thiên Chúa để với nhau, lắng nghe Chúa để lắng nghe nhau, lắng nghe nhau để
lắng nghe tiếng Chúa, sống tinh thần huynh đệ bí tích là nền tảng cho đời sống
cộng đoàn.
Sứ vụ đào tạo là công trình chung, nên nếu tạo
được bầu khí hiệp thông này ở Chủng viện, thì sẽ tránh được lối đào tạo “mỗi
người một kiểu,” thiếu tính thống nhất và phối hợp, thiếu lắng nghe và đối thoại.
Chương trình huấn luyện không phải là sáng kiến cá nhân, nhưng phải
theo đường hướng của Tin Mừng, giáo huấn của Hội Thánh. Quan điểm đào tạo
của mỗi nhà đào tạo dựa trên nền tảng này. Đây là nền tảng bảo đảm cho
tính hiệp nhất và chính thống của chương trình đào tạo linh mục.
Theo đường hướng ấy, việc đào tạo sẽ mang lại
nhiều hiệu quả thiết thực hơn. Mọi thành viên trong Chủng viện sống “linh đạo
hiệp thông” này để xây dựng cộng đoàn hiệp nhất và hướng tới những thiện ích
chung.
3. Chủng viện là Hội Thánh tham gia
Hội Thánh hiệp hành là Hội Thánh tham gia,
nghĩa là tất cả những ai thuộc về Dân Chúa – giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ - đều
được mời gọi dấn thân vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Nền tảng thực sự của
việc tham gia này là: mọi người được rửa tội đều bình đẳng với nhau, đều có quyền
lợi và bổn phận trong Hội Thánh (x. LG 32).
Trong Hội Thánh hiệp hành, với các thành viên
hết sức đa dạng, toàn thể cộng đồng Dân Chúa được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện,
lắng nghe, phân tích, đối thoại, phân định và góp ý cho việc đưa ra các quyết định
mục vụ phù hợp hết sức có thể với ý muốn của Thiên Chúa.
Khi nói về sự tham gia ở Chủng viện, Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Trong Chủng viện, giám mục hiện diện qua thừa
tác thừa tác vụ mà vị giám đốc thi hành cùng với các nhà đào tạo khác trong
tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông dưới sự hướng dẫn và vận dụng của vị
giám đốc, nhắm đến sự tăng triển mục vụ và tông đồ của các ứng sinh. Các thành
phần khác biệt trong cộng đoàn Chủng viện liên kết với nhau nhờ Chúa Thánh Thần
bằng một tinh thần huynh đệ duy nhất, hợp tác với nhau, mỗi người tùy theo khả
năng của mình, để làm cho mọi người được tăng trưởng trong đức tin và đức ái…”
(PDV 60).
Là môi trường đào tạo linh mục, Chủng viện được
mời gọi trở thành một cộng đoàn tích cực tham gia vào sứ vụ đào tạo. Mỗi người
biết đối thoại, cộng tác, đồng hành, thấu cảm và tin tưởng lẫn nhau, để cùng
phân định và quyết định theo sự khôn ngoan của Thánh Thần.
Bởi lẽ, Chúa Thánh Thần chính là nhà đào tạo
chính trong tiến trình đào tạo, để biến đổi các ứng sinh nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, với cao điểm là sự biến đổi trong bí tích
Truyền Chức. Đặc biệt, các chủng sinh được mời gọi cộng tác tích cực và chủ động
vào chương trình huấn luyện và tự huấn luyện mình. Cụ thể, hằng nằm, Đại Chủng
viện Thánh Phanxicô tạo cơ hội và tổ chức cho các chủng sinh tham gia vào việc
tổ chức đời sống, sinh hoạt, lao động, giải trí, dã ngoại, hoạt động mục vụ qua
hệ thống tổ chức: Ban đại diện, các ban chuyên môn và các tổ chia sẻ Lời Chúa…
Tùy theo khả năng riêng, mỗi chủng sinh đều được mời gọi tham gia và xây dựng đời
sống chung của Chủng viện. Đó là hình ảnh của một Hội Thánh thu nhỏ đồng tham
gia.
4. Chủng viện là Hội Thánh sứ vụ
Hội Thánh được Chúa thiết lập không phải cho
chính mình, nhưng được sai đi để loan báo Tin Mừng. Do đó, nhiệt tâm truyền giáo
và thực thi sứ vụ truyền giáo là thuộc bản chất của toàn thể Dân Chúa, một Dân
phải không ngừng “đi ra”, bởi vì “niềm vui Tin Mừng đang chiếm đầy đời sống cộng
đoàn các môn đệ là niềm vui mang tính truyền giáo.”[5]
Sứ mạng của Hội Thánh là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa toàn thể
gia đình nhân loại. Vì thế, loan báo Tin Mừng là sự sống còn của Hội Thánh, đồng
thời cũng là thước đo cho một đời sống đức tin sống động của mỗi người và mỗi cộng
đoàn đến mức nào. Sứ vụ ấy gắn chặt với những người lữ hành trên dương thế, những
người đang tiến bước trong một Hội Thánh hiệp hành.
Áp dụng vào việc đào tạo linh mục ở Chủng viện,
Ratio của Bộ Giáo Sĩ kêu gọi: “Ý tưởng căn bản là làm sao các chủng viện có thể
đào tạo được những người môn đệ truyền giáo “say mê” đối với Thầy, những mục tử
mang “mùi chiên”, những người sống giữa đoàn chiên để phục vụ và mang đến cho
đàn chiên lòng thương xót Thiên Chúa.”[6]
Người môn đệ truyền giáo là người được Chúa gọi để ở với Người (Mc 3,14), đi
theo Người là trở thành người truyền giảng Tin Mừng. Các linh mục hiện hữu và
hoạt động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và xây dựng Hội Thánh nhân danh
Chúa Kitô, trong tư cách Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử với ba chức năng: rao giảng,
thánh hoá, lãnh đạo cộng đoàn” (x. PDV 15; 2;12; PO 2). Như vậy, cả ba chức
năng mục vụ của linh mục đều hướng về mục đích “loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội
Thánh.” Và mục đích đào tạo ở Chủng viện là đào tạo “những người loan báo Tin Mừng
cách mới mẻ trong tư cách là mục tử” (PDV 2). Truyền giáo cũng là chân trời của
toàn bộ công cuộc đào tạo linh mục, để nối kết, linh hoạt và tạo sức sống cho
các chiều kích khác. Truyền giáo giúp cho người linh mục đã được đào tạo tốt
trên bình diện nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ, sống tốt thừa tác vụ của
mình cách viên mãn.[7]
II. CHỦNG VIỆN CÙNG MỘT TẦM NHÌN, MỘT
MỤC TIÊU HUẤN LUYỆN
Như đã nói, Chủng viện hiệp hành là cùng nhau
tiến bước trên một con đường sứ vụ. Ban huấn luyện và cả người thụ huấn đều phải
có chung một tầm nhìn và hướng tới một mục tiêu huấn luyện. Hơn nữa, việc huấn
luyện linh mục là một nghệ thuật của các nghệ thuật. Để có kết quả tốt đẹp, cần
có sự hiểu biết chuyên môn về huấn luyện, biết phương pháp huấn luyện và có chiến
lược huấn luyện. Theo đường hướng huấn luyện hiện nay của Hội Thánh, mỗi Chủng
viện cố gắng thực hiện chương trình đào tạo linh mục theo 9 nguyên tắc sau:
1. Huấn luyện mang tính toàn vẹn
Trở thành linh mục là một sự dấn thân toàn bộ
con người cho một ơn gọi, một cuộc sống và một sứ vụ cao cả. Đào tạo linh mục
là đào tạo các ứng sinh biến đổi và trưởng thành toàn vẹn về các phương diện nhân
bản, tu đức, tri thức, mục vụ. Mỗi phương diện đều quan trọng trong suốt
hành trình huấn luyện, kể cả khi đã là linh mục. Nên không được xem nhẹ
một phương diện nào và tránh nguy cơ quá nhấn mạnh một phương diện, để không
rơi vào lối đào tạo “duy tu đức”, “duy tri thức” hay “duy hoạt động”... Đặc biệt
ngày nay, cần tránh lối huấn luyện linh mục trở thành “những công chức tôn
giáo”, nhưng huấn luyện ứng sinh trở thành “mục tử” của Dân Chúa.
2. Huấn luyện tiệm tiến theo từng
giai đoạn
Công cuộc đào tạo linh mục là một tiến
trình dài với các giai đoạn trước,
trong và sau Chủng viện. Mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng. Cần
tránh sự lẫn lộn, chồng chéo, hay đốt giai đoạn. Ví dụ, việc huấn luyện giai đoạn
ở Tiền Chủng viện sẽ khác với giai đoạn ở Đại Chủng viện. Ratio của Bộ Giáo sĩ
(2016) hướng dẫn việc huấn luyện theo từng giai đoạn: Giai đoạn Triết học là
giai đoạn đào tạo “người môn đệ Chúa
Kitô”, bước theo Người (sequela Christi); Giai đoạn Thần học: đào tạo “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” là
Tôi Tớ và là Mục Tử; Giai đoạn Tập vụ (hay tổng hợp ơn gọi) là giai đoạn học hỏi
mục vụ, thực tập sứ vụ phó tế và linh mục. Vì thế, mỗi năm, mỗi giai đoạn, chương
trình đào tạo của Đại Chủng viện Thánh Phanxicô có những mục tiêu, những chủ đề
riêng cho việc huấn luyện theo tiến trình này.
3. Huấn luyện trở nên “người của
Thiên Chúa”
Huấn luyện là hướng người thụ huấn tới sự siêu
việt và tuyệt đối. Đây là năng động kép: Một đàng, Thiên Chúa đến với ta và tự
thông ban chính mình cho ta. Đàng khác, mỗi người được phú bẩm khả năng tự siêu
việt để hướng về Người. Nói theo ngôn ngữ của Rahner, đó là sự hiện sinh siêu
nhiên (supernatural existential). Theo đó, huấn luyện là hướng các ứng sinh tới
Thiên Chúa. Huấn luyện là giúp ứng sinh trở thành “người của Thiên Chúa.” Ratio
của HĐGMVN nói đến việc đào tạo ứng sinh trở thành “con người của mầu nhiệm.”
Việc nghiên cứu Triết – Thần dẫn người thụ huấn tới Thiên Chúa để sống chiều
kích dọc của mình một cách ý nghĩa nhất. Nghĩa là người có kinh nghiệm sống động
và hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa, biết yêu mến Người trên hết mọi sự và hiến
thân cho Người.
4. Huấn luyện trở nên “người của Hội
Thánh”
Huấn luyện cũng là giúp người thụ huấn biết yêu mến Hội Thánh và phục vụ người khác.
Ơn gọi linh mục ở trong Hội Thánh và cho người khác, chứ không phải cho mình.
Nên việc huấn luyện đích thực là giúp ứng sinh biết yêu mến Hội Thánh và có khả
năng phục vụ tha nhân, trở thành “người của Hội Thánh.” Nghĩa là trở thành một
linh mục tử tế, gần gũi, thân thiện, biết tôn trọng kẻ khác, biết đối thoại, biết
cộng tác, biết làm việc nhóm và có tâm hồn Tông Đồ... cũng như nắm vững giáo huấn
của Hội Thánh để thi hành tốt sứ vụ mình theo cảm thức và tinh thần Hội Thánh (Sentire cum Ecclesia).
5. Huấn luyện là hướng tới giá trị
Huấn luyện là hướng người thụ huấn tới giá trị hơn là cấm đoán. Mục tiêu huấn
luyện là giúp ứng sinh biến đổi. Nếu không biến đổi là không có kết quả trong
đào tạo. Mà con người chỉ thực sự biến đổi nhờ nội tâm hoá và sống các giá trị.
Đó là lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên rằng: “Đừng huấn luyện theo
kiểu cảnh sát!” Các chủng sinh chỉ có thể trở nên những mục tử khi sống các giá
trị Tin Mừng. Nếu không sống các giá trị sẽ không có giá trị bản thân.
6. Huấn luyện bao gồm mọi phạm vi
Huấn luyện bao gồm mọi phạm vi, không chỉ ở
phạm vi chính thức (formal) mà cả phạm vi không chính thức (informal). Nghĩa là
không chỉ huấn luyện trong môi trường nghiêm túc, như ở lớp học, nhà thờ, nhưng
ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực, như thể thao, âm nhạc, hoạt động văn hóa, lao
động chân tay, nơi sân cỏ, tại bàn ăn, ngoài đường, khi giao tiếp, đi dã ngoại,
khi nghỉ hè… tất cả đều được nhìn như là phương tiện và cơ hội để đào tạo.
7. Huấn luyện theo nguyên tắc bao gồm
Huấn luyện phải theo nguyên tắc bao gồm (inclusive) và loại bỏ não trạng loại trừ
(exclusive). Đây là lối tiếp cận huấn luyện một con người bao gồm cả quá khứ,
hiện tại và tương lai; bao gồm những khả năng, tiềm năng và cả những yếu đuối,
giới hạn cũng như những tổn thương của người thụ huấn. Nguyên tắc này có thể áp
dụng cho nhiều lãnh vực như nghiên cứu, mục vụ, tổ chức và lượng giá... Nó mở
ra cho ta nhiều cơ hội mới. Còn lối tiếp cận loại trừ thì ngày nay đã lỗi thời
và không nên áp dụng trong môi trường đào tạo.
8. Huấn luyện là can đảm đi xa hơn
Huấn luyện là giúp người thụ huấn dám can đảm đi từ vùng an toàn tới vùng rủi ro, cần
mạo hiểm để đi sâu hơn, đi xa hơn tới vùng mới lạ trong con người và cả chân trời
tri thức. Nghĩa là không chỉ dừng lại ở khu vực an toàn, nhưng phải thám hiểm
vào vùng rủi ro. Đức Giáo hoàng Phanxicô có trực giác rất hay: “Người ta không
thể giáo dục ở vùng an toàn. Không! Điều này ngăn chặn nhân cách phát triển. Cần
phải đi vào vùng rủi ro. Hãy giữ sự quân bình giữa các bước đó thật tốt.”[8]
Hầu hết người ta chỉ thích dừng lại ở vùng an toàn, thoả mãn với những gì đã có
và bề ngoài, nên ít biến đổi và tiến bộ thực sự. Huấn luyện là dám mạo hiểm đặt
chân đến những vùng ẩn khuất, tới tận tiềm thức, nơi chứa đựng những bất nhất
và những vấn đề ‘dấu mặt’ để được uốn nắn, biến đổi từ bên trong cốt tuỷ.
9. Cuối cùng, lối tiếp cận, thái độ và
tinh thần huấn luyện
Bối cảnh thế giới hôm nay đòi hỏi những người
môn đệ của Đức Giêsu biết đa diện trong cách nhìn, gia tăng đối thoại và mềm dẻo
trong cách hành xử. Các ứng sinh linh mục phải được đào tạo toàn vẹn về mọi lĩnh vực liên quan đến đời
sống và sứ vụ linh mục, nên lối tiếp cận đào tạo phải mang tính liên ngành (interdisciplinary) và đa diện trong cách nhìn
(plural approach), thì mới phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Các chủng sinh
được mời gọi theo sát chương trình đào tạo, học tốt tất cả các môn, không coi
nhẹ một phương diện hay một môn học nào.
Ban Đào tạo mời gọi các chủng sinh luôn biết
vượt thắng tâm thức đào tạo cho qua chuyện, đối phó, hay “nín thở qua
sông”, nhưng luyện tập ý chí không ngừng học hỏi, với tư duy logic, độc đáo
và sáng tạo, phát huy tối đa tinh thần tự đào tạo, biết quản trị thời gian,
sử dụng nhiều hơn thư viện, tạo nên sự mới mẻ và độc đáo cho từng công việc
của mình. Trong thời đại hôm nay, chúng
ta đừng để mình bị lạc hậu về tư duy và tầm nhìn! Do đó, các chủng sinh mặc
lấy nếp sống thinh lặng, khiêm tốn, lắng nghe và suy tư, tận dụng tốt nhất
điều kiện Chúa ban ở Chủng viện để thủ đắc cho mình hành trang đủ đầy cho sứ vụ
mai ngày.
KẾT LUẬN
Trước khi kết thúc, thiết tưởng cần nhắc lại lời
quả quyết đầy xác tín của Công Đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh Optatam Totius:
“Việc đào tạo linh mục là vô cùng quan trọng…
Vì tính cách duy nhất của chức linh mục Công Giáo, nên việc đào tạo linh mục là
cần thiết cho tất cả các linh mục dòng cũng như triều, thuộc bất cứ lễ chế nào”
(OT 1).
Chính vì thế, công cuộc đào tạo linh mục là mối quan tâm hàng đầu của toàn thể Hội Thánh. Vì tương lai của Hội Thánh tuỳ thuộc rất nhiều vào công cuộc đào tạo linh mục nơi các Chủng viện. Hơn nữa, sứ vụ đào tạo linh mục là sứ vụ chung của toàn thể Dân Chúa. Vì thế, kính mong mọi người đồng hành, cộng tác và cùng nhau xây dựng Chủng viện trở nên một Chủng viện hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Tất cả tâm nguyện là thế đó!
Đọc thêm các bài trong loạt bài "Đồng hành ơn gọi linh mục: sứ vụ và nghệ thuật” của tác giả Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương:
[1] ĐGH. Phanxicô, Nghi
lễ kỷ niệm 50 năm thành lập định chế Thượng Hội đồng Giám mục
(17/10/2015), AAS 107 (2015), 1139.
[2] X. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế (Lm. Phêrô Nguyễn
Văn Hương dịch), Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, Nxb. Đồng
Nai, 10-11.
[8] ĐGH. Phanxicô, Discorso agli studenti delle
scuole Gesuiti in Italia e Albania, 7 tháng 6 năm 2013.