WHĐ (12.12.2023) – Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh
tổ chức Hội nghị thường niên của các Đại Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày 07-10/8/2023, với chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa
ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số
bài viết cho Hội nghị của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng
viện Thánh Phanxicô Xaviê.
Bài
3:
ĐÀO TẠO LINH MỤC: ĐÀO TẠO TOÀN VẸN CHIỀU SÂU
Lm. Phêrô Nguyễn
Văn Hương
Có nhiều nhà giáo dục nhìn nhận rằng công cuộc đào tạo con
người hôm nay có nguy cơ tập trung vào sự huấn luyện “các kỹ năng,” cung cấp kiến
thức, chú trọng phần bên ngoài con người (external of person). Chẳng hạn, như
giáo dục về cử chỉ, ăn mặc, phép lịch sự bên ngoài v.v... nhưng lại ít chú trọng
đến việc huấn luyện bên trong con người ứng sinh (interior of person) như về
con tim, tâm tư, tình cảm, động lực thúc đẩy, về chọn lựa, nhu cầu và giá trị.
Giáo dục phải đụng chạm toàn bộ con người. Đào tạo linh mục
phải là việc đào tạo toàn vẹn về mọi phương diện, từ cung cách hành xử, đến ý hướng.[1]
Từ cách hành xử, thái độ, tình cảm, động lực thúc đẩy, ký ức và cả sự sâu thẳm
lòng họ v.v... Đây là sự đào tạo toàn bộ con người mới qua hai giai đoạn:
Educere: giai đoạn
đào tạo, có nghĩa là dẫn ra, đưa ra ánh sáng, khám phá lại quá khứ để tìm ra gốc
rễ của những thái độ, tật xấu, phản ứng bên ngoài; là khả năng “lôi kéo” sự thật
của mình.
Formare: giai đoạn
huấn luyện. Huấn luyện là dẫn tới hoán cải và biến đổi, đi vào một cuộc sống mới,
hình thành nhân cách mới.
Theo cha Cencini, đây là hai gian đoạn phải có trong quá
trình đào tạo linh mục và ơn gọi thánh hiến.
I. GIAI ĐOẠN I
Giai đoạn này là khám phá con người thật của mình từ hành
vi, thái độ, tình cảm, động lực thúc đẩy và sự sâu thẳm của lòng mình.
1. Hành vi
Chú ý đến hành vi,
cử chỉ và cách làm quen thuộc mà ta thường lặp đi lặp lại: Giữa lời nói hay đòi
hỏi và hành động có thống nhất không? Xem những phản ứng theo bản năng hay những
thói quen, tật xấu nhằm thỏa mãn một nhu cầu tâm lý.
2. Thái độ
Thái độ là những thiên hướng đưa tới hành động. Nó là thành
phần của cái tôi, là điều chúng ta tỏ ra: ví dụ, khi ta bị ruồng rẫy, có thể ta
có thể phản ứng: im lặng và tìm cách bù trừ nơi chính mình (như thủ dâm), hay đổ
lỗi cho người khác, hay chối bỏ kẻ khác, hay lôi cuốn sự chú ý của kẻ khác để
mình cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, ta không dễ nhận ra mục đích đích thật những
hành động như thế nếu ta không khám phá những mâu thuẫn nơi mình. Trong khi đó,
những thái độ đó tiếp tục được cũng cố, bởi vì ta đã không khám phá được gốc rễ
của chúng. Ta thường gắn bó rất chặt chẽ với thái độ và nếu chúng ta không bao
giờ chú tâm phê phán thái độ của mình, thì thái độ ấy rất khó thay đổi.
3. Tình cảm
Là những gì ta cảm nhận trong lòng hay đã cảm nhận trong những
hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, một chủng sinh cảm thấy đau khổ khi bị bỏ rơi. Anh cần
được giúp đỡ để hiểu rằng cảm xúc ấy bắt nguồn từ một nhu cầu hết sức mâu thuẫn,
đó là nhu cầu được biết đến như là trung tâm. Như vậy, tình cảm tiết lộ cho ta
biết được lòng ích kỷ của mình và giúp ta biết được bản chất mâu thuẫn. Trong mọi
trường hợp, tình cảm là yếu tố giúp ta hiểu và khảo sát chiều sâu của lương
tâm. Nên ta không thể làm ngơ trước tình cảm của mình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục.
Phải nhận diện chúng một cách chính xác để có thể hiểu những điều mà tình cảm
muốn biểu thị và che đậy.
Tình cảm tự nó không phải là tội. Chúng là dấu hiệu báo cho
biết một nhược điểm hay tình trạng thiếu tự do nội tâm, đó là điều quan trọng cần
phải nhận ra. Có nhiều loại tình cảm: yêu thương, ghen ghét, vui vẻ, buồn, hy vọng,
thất vọng, hạnh phúc, phấn khích, mãn nguyện, trống vắng v.v... Thông thường ta
hay chối bỏ tình cảm mình. Nếu không biết con tim của mình, thì thử hỏi làm sao
có thể biết được con tim của kẻ khác? Vì thế cần quan tâm tới cảm xúc và loại cảm
xúc mà ta trải nghiệm.
4. Động lực
Chúng ta đi từ tình cảm đến động lực, hay cố gắng nhận biết
những nguyên nhân đích thật thúc đẩy ta hành động; tức là những nhu cầu đang hiện
diện nơi ta, cho dù chỉ hiện diện trong vô thức. Động lực kích hoạt và điều khiển
hành vi con người hướng tới một mục đích cụ thể. Tôi hành động nhằm đáp ứng các
nhu cầu ích kỷ hay vì những lý do cao thượng, những giá trị? Tại sao tôi đi tu?
Tại sao tôi giúp người nghèo? Đó là những câu hỏi giúp ta khám phá động lực bên
trong thúc đẩy.
5. Sự mơ hồ trong chọn lựa cơ bản
Đây phải là đích điểm. Tất cả giai đoạn trước là giúp ứng
sinh nhận diện sự mơ hồ cơ bản, hay những cấu tố thiếu trưởng thành và ấu trĩ
trong dự phóng đời mình. Ban đầu ứng sinh bị thúc đẩy bởi những động lực và ước
muốn chưa thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Ví dụ: theo Chúa là để làm lớn; đi tu
là để khẳng định chính mình v.v... Nếu không khám phá sự mơ hồ này thì có nguy
cơ làm cho hành trình huấn luyện và dâng hiến thiếu rõ ràng và dứt khoát. Người
ứng sinh phải dần dần khám phá tôi đi tu vì một lý tưởng, vì những giá trị cao
cả, là để tìm kiếm Thiên Chúa hay là để tìm kiếm điều gì khác?
II. GIAI ĐOẠN II
1. Chọn lựa căn bản
Đức tin là trung tâm và căn nguyên của đời sống. Xét như là
một chọn lựa căn bản, đức tin thanh luyện và thay đổi sự mơ hồ cơ bản, động lực,
tình cảm, cách sống và hành động của ta. Đức tin là bước theo và gắn bó với một
Con Người, là Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu là mẫu gương đức tin mà mọi tín hữu
phải noi theo, hay lý tưởng định chế mà mọi tu sĩ được mời gọi phải noi gương
và bắt chước.
Vì thế, việc huấn luyện linh mục nhắm tới sự “nên đồng hình
đồng dạng với Chúa Giêsu” nơi ứng sinh linh mục. Do đó, ứng sinh cần có mối
tương quan mật thiết Chúa Giêsu, ở lại với Người, để cho tình yêu vô biên Người
đụng tới. “Kẻ nào để cho mình được Chúa Kitô chiếm đoạt thì không thể không từ
bỏ mọi sự mà đi theo Người (như Phaolô: chấp nhận thiệt thòi vì mối lợi được biết
Chúa Kitô) và không ngần ngại coi mọi thứ là rác rưởi để chiếm lấy Chúa Kitô.
Người khao khát được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, bằng cách nhận lấy
tâm tình và lối sống của Chúa làm của mình. Mọi tình yêu khác nhỏ bé so với
tình yêu Thiên Chúa như Dostoevsky đã viết cho Sonia, cháu gái ông. Khi đức tin
là một chọn lựa rất cụ thể, cá vị, rất mãnh liệt vì được thôi thúc bởi tình yêu
và vẻ đẹp, bấy giờ họ bắt đầu hành trình tái khám phá bản thân, và tiếp tục
hành trình xây dựng những tâm tư của Chúa Con.
2. Động lực thúc đẩy
Nếu Chúa Kitô là cội nguồn và trung tâm của đời sống, thì ta
còn phải biết lấy đức tin mà linh hoạt mọi cử chỉ và chọn lựa của mình. Nếu động
lực thúc đẩy con người hành động và nếu người ứng sinh chọn Chúa Kitô và tâm
tình của Người làm động lực hướng dẫn đời mình, bấy giờ nền móng cuộc sống họ bị
lay động giống như trong trận động đất lớn. Họ phải biết rằng: huấn luyện phải
đưa tới thay đổi, tương tự như một cuộc tái sinh. Đây là bí quyết của việc biến
đổi và biến hình: đặt Chúa Kitô làm khởi nguyên và cùng đích của mọi sự, tìm kiếm
Người mọi nơi và bằng mọi cách. Đây là động lực đặc trưng Kitô giáo, nó giúp ta
tránh được nguy cơ phung phí năng lực và những sự ngủ mê và yêu thích mọi thứ của
cuộc sống. Đây là ơn gọi của người thánh hiến: tìm kiếm và nhìn thấy Thiên Chúa
trong mọi sự, để nhìn ngắm mọi sự với cái nhìn của Thiên Chúa.
3. Tình cảm
Chúng ta có thể nhận biết và giáo dục tình cảm của mình.
Nghĩa là giúp ta biết cảm nhận, lắng nghe, rung động, yêu thương, đau khổ và
hân hoan… Trước mặt ta là một chân trời không thể tin nổi: Trái Tim của Chúa
Kitô. Nơi đây, ta kiên nhẫn tập luyện để mặc lấy những tâm tình của Chúa Con.
Trở thành những con người từ bên trong toát ra sự dịu hiền, tinh tuyền, quý chuộng
hòa bình, trong sạch, tha thứ, nhân ái… của Chúa Giêsu. Để có được Con Tim của
Chúa, chúng ta cần phải cầu nguyện để Chúa Cha sinh ra trong lòng ta tâm tình của
Chúa Con.
4. Thái độ
Nếu con tim bắt đầu đập theo một nhịp điệu mới, bấy giờ đời
sống chắc chắn thay đổi. Nếu ta cương quyết hoán cải, bấy giờ ta cần rèn luyện
những thói quen mới. Cách cụ thể là ta bắt đầu thực hiện những động thái và nếp
sống mới, một cách kiên trì như kẻ tìm kho báu.
Mục tiêu giai đoạn này chưa phải là thay đổi hành vi bên
ngoài. Nhưng là thay đổi những nhân tố đi trước hành vi: đó là huấn luyện lương
tâm, sự nhạy cảm và tinh tế, tự do và lòng khát khao nồng cháy, thưởng thức các
giá trị, lấy trực giác mà nhận biết Chân
– Thiện – Mỹ. Ví dụ: Mẹ Têrêxa cảm thấy bị thôi thúc bởi lòng nhân ái khi gặp
một người nghèo. Sự thôi thúc ấy là hoa quả tiệm tiến của một thói quen và thói
quen ấy đã trở thành một lối sống và thái độ của mẹ trong Đức Tin. Bằng cách đó
mà thái độ được sinh ra và được biến đổi, bởi vì không có gì xảy ra cách ngẫu
nhiên, do thiên nhiên hay do Thiên Chúa ban tặng.
5. Hành vi
Giai đoạn cuối cùng là hành vi. Biến đổi bên trong dẫn đưa
ta tới thực hiện các hành vi bên ngoài. Các giai đoạn phải thống nhất với nhau:
từ chọn lựa căn bản quyết tâm theo Chúa; từ lòng can đảm đối phó những nghịch cảnh
với tâm tình của Chúa Con, tới việc kiên nhẫn tập luyện những thói quen mới, bằng
mọi cách chọn lựa những hành vi mới với tinh thần trách nhiệm. Chính nơi đây mà
một con người mới được tái sinh. Với cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là mốc
điểm, tiến trình đào tạo toàn vẹn về chiều sâu được phân ra làm hai giai đoạn:
tiến trình đi xuống, chết đi cho con người cũ; tiến trình đi lên, phục sinh, sống
lại trong đời sống mới.[3]
Kết luận
Chúng ta có thể kết luận tiến trình đào tạo bằng câu ngạn ngữ
đầy ý nghĩa sau: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen;
gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận.”