WHĐ (04.01.2024) –
Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức Hội nghị thường niên của các Đại
Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày 07-10/8/2023, với
chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt
Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số bài viết cho Hội nghị của Linh mục Phêrô
Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.
Bài cuối:
NGHỆ THUẬT GIÚP ĐỠ THEO ROBERT CARKHUFF
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
3.
Áp dụng cho việc linh hướng và đồng hành thiêng liêng |
DẪN NHẬP
Với Rogers, phương pháp “trọng tâm nhân vị” đòi hỏi người đồng
hành có thái độ phù hợp khi tiếp cận với người được đồng hành. Để thực hiện
phương pháp “không chỉ thị - non directive)” khi tư vấn, ba thái độ căn bản của
nhà đồng hành cần có là: sự chân thực hay
tính chân thực, đón nhận vô điều kiện hay đánh giá tích cực về nhân vị, và sự
thấu cảm.
Robert Carkhuff là một học trò của Rogers, đã vượt qua vị thầy
của mình nhờ sự khác biệt về tư tưởng, khi ông vừa áp dụng phương pháp của
Rogers vừa tìm kiếm những sáng tạo mới nhằm giúp cho tiến trình tư vấn tâm lý
có hiệu quả hơn. Từ bối cảnh đó làm nảy sinh phương pháp của Carkhuff. Mục đích
của ông là làm tốt hơn tiến trình trị liệu tâm lý. Theo ông, cần phải làm tốt
hơn tiến trình thuộc tương quan liên vị.
Chính nhà tư vấn phải đảm nhận vai trò của mình với tư cách là một bậc thầy.
Còn người xin tư vấn phải có khả năng tạo ra một môi trường tin tưởng và cởi mở.
Vì thế, phương pháp của ông là sự kết hợp giữa chỉ thị và không chỉ thị
(directive e non-directive).
I. PHƯƠNG PHÁP CỦA CARKHUFF
Carkhuff quan tâm trước tiên đến những năng động “face to
face - diện đối diện” trong tương quan đồng hành; đồng thời ông cũng muốn làm
sáng tỏ sự cần thiết của sự cởi mở như là yếu tố nền tảng trong việc trị liệu
tâm lý. Nó không được hiểu như là trách nhiệm đơn thuần của nhà chuyên môn mà cả
của người được giúp đỡ.
Carkhuff sử dụng một cách thông minh những hạn từ rất trừu
tượng để chỉ ra những nhân tố trong tương quan giúp đỡ này. Chính ông cũng cho
thấy cả người giúp và người được giúp đều đón nhận sự giúp đỡ lẫn nhau. Phương
pháp của ông có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. “Người giúp” (helper)
có thể là một người hoạt động xã hội, một nhà tâm lý, hoặc là một cha xứ, một
thầy giáo, cha mẹ, một người bạn v.v… Hạn từ “người được giúp” (helpee) có thể
là bất cứ người nào ý thức rằng mình cần sự giúp đỡ đến từ người khác. Carkhuff
đã khởi đi với việc làm nổi bật những thái độ sẵn sàng như Rogers đã đề cập đến
và ông cũng xác tín về sự cần thiết của những thái độ này, vì chúng giúp cho
người giúp hành xử đúng với tư cách của mình. Nhưng theo ông, cần phải đi xa
hơn để đào sâu kết quả và bản chất của những thái độ này, ngõ hầu chúng mang lại
tính nhất quán và lập tức hiện lộ ra ngoài những thái độ nội tâm. Carkhuff chủ
trương một “action-oriented approach –
lối tiếp cận được hướng dẫn hành động,” một lối tiếp cận tiên phong của tư vấn
giúp phản chiếu thái độ và hành động của người tư vấn.
1. Một kiểu mẫu cho tư vấn
Phương pháp của Carkhuff không có sự khác biệt chung cuộc giữa
tư vấn và tâm lý trị liệu. Nhưng phương pháp này liên hệ đặc biệt với tư vấn
hơn là tâm lý trị liệu. Đây là hình thức giúp có được một sự tư vấn thấu đáo.
Vậy tư vấn có nghĩa là gì? Không dễ dàng giải thích nó trong
một ít từ ngữ. Counseling được dịch
sang tiếng Việt là tư vấn. Trong từ điển tiếng Anh xuất hiện ý nghĩa của hạn từ
này là “cho những lời khuyên hay sự trợ giúp thuộc chuyên môn.”
Chính vì thế, trước hết chúng ta cần xác định ý nghĩa của từ
này và phân biệt tư vấn tâm lý với các trường hợp sau:
* Tư vấn không phải là
cho lời khuyên – nghĩa là một người cho người khác lời khuyên về điều mà
theo thiển ý mình đó là cách thức tốt nhất để hành động.
* Tư vấn không phải là
cho thông tin: nghĩa một người cung cấp cho những người khác những thông
tin cần thiết trong một hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ: ở đâu và làm sao?
* Tư vấn không phải là
hành động ngay lập tức: nghĩa là một người làm điều gì đó vì lợi ích của
người khác hoặc hành động để thỏa mãn những nhu cầu tức thì của mình (ví dụ:
cho một món ăn, cho mượn tiền, can thiệp vào tình huống khủng hoảng).
* Tư vấn không phải là
dạy dỗ: Là giúp đỡ ai thủ đắc những hiểu biết và khả năng, củng cố thái độ
và khả năng mà người giúp có thể làm tốt hơn để thay đổi tình trạng của ai đó.
* Tư vấn không phải là
linh hướng: vì người linh hướng quan tâm chủ yếu đến cách mà người thụ huấn
sống như thế nào tương quan với Thiên Chúa và với người khác, còn các bác sĩ
tâm thần và các chuyên viên tâm lý thì làm việc với những người bị suy nhược
tâm thần hay tâm cảm, bằng cách sử dụng dược liệu và những biện pháp tâm lý để
xoa dịu các triệu chứng thể lý và tâm lý, nhằm đem lại một sự thay đổi trong cơ
cấu nhân cách và mang lại sự trưởng thành tâm lý.
Như thế, tư vấn tâm lý là một tiến trình, một chiến lược
giúp đỡ đòi hỏi nhiều yếu tố hiểu biết, phương pháp, kỹ thuật và thái độ đúng đắn
hơn so với những điều trên, với sự giúp đỡ của nhà tư vấn, nhờ đó người được
giúp có thể hiểu tình huống, hướng tới nhận thức vấn đề để đảm nhận nó, và hoàn
toàn chịu trách nhiệm về những chọn lựa và hành vi của mình. Tư vấn cố gắng
mang lại những giải pháp tốt nhất có thể khi nhà tư vấn đặt mình trong vị trí
và hệ quy chiếu của người được tư vấn.
2. Những thái độ cần có của người giúp
Như chúng ta đã thấy, Rogers đề cập đến bộ ba thái độ cần
thiết nơi người giúp, được Carkhuff đón nhận và tiếp tục đề xướng như là những
điều kiện cần thiết. Bởi vì tiến trình tư vấn đi vào tương quan liên vị được biểu
lộ nhằm kiến tạo tương quan giúp đỡ. Người ta nói đến sự sẵn sàng nền tảng và
hình thức can thiệp mà nhà tư vấn phải vun trồng và thực hành trong cung cách đối
xử của mình. Ba thái độ cần có mà nhà tư vấn cần nuôi dưỡng khi hướng về người
được tư vấn: tính chân thực, tôn trọng và
thấu hiểu. Carkhuff còn thêm một số phẩm chất nữa đó là: tính cụ thể hay tính chính xác, biết quy chiếu,
tính tức thời, khả năng tự bày tỏ, sự
ảnh hưởng về nhân cách và khả năng tự thực
hiện.
a. Tính chân thực hay
tính hồn nhiên: Bao gồm sự phù hợp giữa các mức độ tâm lý, giữa điều ta cảm
nhận và điều ta nghĩ, điều ‘ta là’ và điều ‘ta làm’ là một. Người giúp là một người cởi mở và minh bạch, không
đeo mặt nạ xã giao hay mặt nạ nghề nghiệp.
b. Đón nhận vô điều kiện
hoặc đánh giá tích cực: Người giúp phải thông truyền cho người được giúp của
mình sự quan tâm sâu sắc và chân thành của mình đối với họ như một nhân vị, mà
không đưa ra những xét đoán tiêu cực, đánh giá luân lý, cũng không tán thành hoặc
lên án, phê phán hoặc chỉ trích.
c. Thấu cảm: Người
giúp cần có khả năng đặt mình ở vị trí của người khác để thấu hiểu thế giới nội
tâm của họ như họ nhìn thấy và cảm nhận.
d. Tính cụ thể:
Người giúp can thiệp để xác định chính xác những khía cạnh riêng biệt bằng câu
hỏi: ai, khi nào, ở đâu, tại sao và cái gì?
e. Đối chiếu: Ở
đây đề cập đến việc người giúp đặt đương sự đối diện với chính mình và với người
khác, khi thấy có điều gì đó không phù hợp. Từ đó, người giúp đưa ra một sự
khích lệ có ý nghĩa để bắt đầu một sự thay đổi nền tảng và trường kỳ.
f. Tính tức thời:
Người giúp đưa ra một sự giải thích hai chiều theo mức độ mà ông nhận thức rằng
người được giúp không biết diễn tả điều mình cảm nhận, (ví dụ: Người này muốn
nói điều gì đó mà không biết nói hoặc không thể diễn tả).
h. Tự bày tỏ mình:
người giúp cảm thấy tự do để chia sẻ với người được giúp những tình cảm của
mình, thói quen, ý tưởng và kinh nghiệm cá nhân.
i. Ảnh hưởng về nhân vị:
Nó phát xuất từ những phẩm chất tự nhiên và tác động lên người được giúp nhờ một
sự cuốn hút nhân bản và thiêng liêng, từ đó họ được thúc đẩy để gẫn gũi với
nhau hơn và cởi mở với nhau.
g. Khả năng tự thực hiện: Đó là sự thủ đắc
cá nhân, là kết quả của một hành trình rèn luyện và làm giàu bản thân về nhân bản
và thiêng liêng của người giúp.
3. Áp dụng cho việc linh hướng và đồng hành thiêng
liêng
Phương pháp của Carkhuff có thể áp dụng cho việc linh hướng
và đồng hành thiêng liêng. Đây là một phương pháp được thực hiện theo từng bước
và qua nhiều dạng thức can thiệp khác nhau. Nhân tố quan trọng để giúp đỡ người
khác hệ tại ở phẩm chất nhân bản và tu đức cũng như khả năng chuyên môn của người
giúp mà phương pháp này đòi hỏi.
Khi đề cao những phẩm chất nhân bản, tu đức và khả năng nền
tảng mà nhà linh hướng phải kiến tạo cho mình, phương pháp này là một phương thế
giúp thiết lập chia sẻ hiệu quả để giúp cho người thụ huấn thực sự có một sự lớn
lên hay trưởng thành nhân bản và thiêng liêng. Phương pháp Carkhuff được trình
bày như một “hệ thống mở,” nhờ những can thiệp của nhà đồng hành, người thụ huấn
được khích lệ để dùng lương tâm mình và trở về với chính mình, trong chiều sâu
nội tâm mà nhận biết mình, từ đó giúp họ dấn thân dựa trên nền tảng từ một quyết
định chín chắn, phát xuất từ những động lực chính đáng đã được thanh lọc kỹ
càng.
II. THỰC HIỆN TIẾN TRÌNH GIÚP ĐỠ
1. Vai trò của người được giúp
Người được giúp mang trong mình lịch sử đời mình về kinh
nghiệm đã sống và nền giáo dục mà họ đã được hấp thụ. Trong tiến trình giúp đỡ,
chính họ đóng góp phần mình, cả trên phương diện nhận thức và tình cảm. Đồng thời,
người được giúp và người giúp phải có hòa hợp với nhau. Đây là bản chất của
tương quan giúp đỡ. Mục đích của tiến trình này là giúp người được giúp thành
công tìm hiểu những thông tin mà tự thân mình không có khả năng khai triển.
a. Sự cộng tác hay để
tâm: với sự chú ý của người giúp, người được giúp đáp trả bằng sự cộng tác
hoặc để tâm của mình cho tiến trình thiêng liêng. Người được giúp phải sẵn sàng
để thông truyền kinh nghiệm cá nhân của mình một cách chính xác, chân thật và
chân thành. Không cần phải tự vệ, người được giúp tập trung chú ý của mình về
những dữ kiện đã sống: một kinh nghiệm, một tình cảm, một phản ứng v.v… Nghĩa
là tập trung về một dữ kiện đặc biệt của đời sống mình để suy nghĩ và phản tỉnh
về chúng và nhận biết chúng.
b. Bày tỏ mình: với
khả năng trả lời của người giúp, người được giúp đáp trả bằng sự bày tỏ hay cởi
mở chính mình, nghĩa là nhìn vào bên trong mình để nhận diện và lộ hiện tình trạng
mình đang sống. Hơn nữa, đây là một sự quan sát chính thực tại để soi sáng tình
trạng và thế giới nội tâm mà mình phải nhận biết lúc này.
c. Thấu hiểu: nhờ
khả năng cá vị hóa của người giúp, người được giúp đáp trả bằng sự thấu hiểu điều
mình tìm kiếm, cố gắng biết mình và khám phá những khía cạnh khác nhau về cách
sống, cách cư xử và hoàn cảnh đã trải qua. Từ đó thân chủ muốn tìm giải pháp để
thay đổi tình trạng sống của mình.
d. Hành động: nhờ
những gợi ý khởi xướng của người giúp, cuối cùng người được giúp đỡ đi đến quyết
định hành động. Nghĩa là thân chủ quyết tâm theo đuổi một chương trình để đạt tới
một mục tiêu rõ ràng. Giờ đây chính thân chủ phải có khả năng đưa ra chương
trình hành động và thực hiện nó với sự trợ giúp của người giúp. Trong giai đoạn
này, cần xác định rõ những mục tiêu cụ thể, chương trình hành động và thực hành
nó.
Kết thúc là quá trình trong đó được thúc đẩy bởi những phản
hồi được nói ra, người được giúp áp dụng những gì được xác tín và quyết định
trong tiến trình tư vấn vào đời sống.
2. Vai trò của người giúp
Nguyên lý nền tảng quan trọng nhất từ phía người giúp là khả
năng nhìn thấy thế giới của người được giúp với cặp mắt của họ, nghĩa là khả
năng tương quan liên vị. Khả năng này tạo thuận lợi cho tiến trình liên vị từ
phía người được giúp và mang lại hiệu quả cho những tiến trình giúp đỡ. Để thực
thi vai trò của mình, người giúp cần rèn luyện cho mình có những khả năng sau
đây: thu hút sự chú ý, trả lời, cá vị hóa, khởi xướng, sẵn sàng lắng nghe phản
hồi:
a. Tập trung chú ý:
Khả năng của người giúp đỡ phải có sự tập trung chú ý thể lý để quan sát và lắng
nghe. Nghĩa là người giúp phải có khả năng tập trung sự chú ý cả về thể lý lẫn
tư tưởng dành cho người đang đối diện mình với ý thức rằng người đó là quan trọng,
là duy nhất. Về thể lý, người giúp ngồi cùng một cấp độ ngang hàng với người được
giúp, không ngồi ghế cao hơn, bệ vệ hơn, nhưng nên cùng một loại ghế giống
nhau. Người giúp hướng về người được giúp với một tư thế phù hợp, có thể ngồi
diện đối diện, hay ngồi lệch một góc gần 90 độ (hoặc ngồi bên cạnh) và có sự tiếp
xúc bằng ánh mắt để quan sát thái độ của người được giúp. Người giúp lắng nghe
người được giúp nói và để ý đến sắc thái âm thánh, giọng nói và tinh thần mà
người được giúp diễn tả qua những cử chỉ không lời.
b. Trả lời: người
giúp cần có khả năng tạo thuận lợi hay khích lệ để người được giúp có thể cởi mở
tâm hồn mình một cách chân thành và sâu xa hơn. Người giúp trả lời với nội
dung, tình cảm và những mục tiêu bằng một câu trả lời phản ánh đầy đủ ý nghĩa
cho những kinh nghiệm của người được giúp. Người giúp suy tư một cách rõ ràng
điều mà người được giúp đang nói và những phương diện tình cảm, tâm lý, như người
được giúp cảm nhận đối với hoàn cảnh.
c. Cá vị hóa: hạn
từ này tương tự với hạn từ nội tâm hóa.
Người giúp cố gắng tạo thuận lợi để người được giúp đảm nhận trách nhiệm của
mình liên quan đến những kinh nghiệm đang xảy ra trong họ. Điều này đặt người
được giúp vào điều kiện phải biến những vấn đề thành những mục tiêu có ích.
Trong tiến trình này, người giúp cá vị hóa ý nghĩa của những kinh nghiệm, lập tức
áp dụng những kinh nghiệm đó. Những vấn đề được cá vị hóa để có thể giúp người
được giúp nội tâm hóa trách nhiệm của mình, người giúp có thái độ nhân từ đối với
chính những vấn đề và cá vị hóa những mục tiêu. Đến lượt mình, người được giúp
nội tâm hóa trách nhiệm của họ để đạt tới những mục tiêu đề ra.
d. Khởi xướng:
Trong giai đoạn đỉnh cao của tiến trình giúp đỡ, người giúp phải bắt đầu nghiên
cứu cùng với người được giúp, những dự định hành động dựa trên đó mà người được
giúp có thể thực hiện. Từ phía người giúp, tiến trình khởi xướng là xác định
cùng với người được giúp những mục tiêu mà họ sẽ dấn thân. Điều này giúp thấy
trước những mục tiêu mới và những bổn phận, những giai đoạn cần thiết phải thực
hiện, để đạt tới những mục tiêu này. Giai đoạn tiếp theo là xác định thời gian,
thời hạn, và thiết lập những nỗ lực mới với sự kiên trì để thực hiện cách hiệu
quả từng bước một. Vì thế, người giúp phải
chuẩn bị cho người được giúp biết ‘thực hành” những chương trình và cung cấp
cho họ một sự phản hồi, nhận định qua những giai đoạn đã được xác định.
e. Khích lệ sự phản hồi:
Người giúp tạo thuận lợi cho người được giúp đi vào thông tin “hai chiều” về kết
quả của tiến trình, kết quả hành động và nhấn mạnh đến hiệu quả của những hành
vi được thực hiện từ người được giúp. Người giúp phải nhạy bén với những dấu hiệu
của kết quả đạt được, vì thế, người giúp thông truyền những kết quả này cho người
được giúp với mục tiêu làm cho họ ý thức về những gì họ đã thực hiện và hành động
như thế nào.
KẾT LUẬN
Như vậy, việc tư vấn được xây dựng dựa trên cơ sở rằng một
bên là người giúp đỡ, còn bên kia là người tìm sự giúp đỡ. Tư vấn là một tiến
trình cuộc đối thoại trong đó nhà tư vấn thiết lập một mối tương quan có tính
nâng đỡ và thể hiện những cố gắng để giúp cho người được tư vấn đi vào những
thay đổi trong cách sống, trong cách giải quyết vấn đề của đương sự hay chỉ đơn
giản là giúp đương sự cảm thấy mình được nâng đỡ bởi người tư vấn. Nhà tư vấn
có thể đóng vai trò như một chuyên viên, một người giúp đỡ đầy cảm thông và là
một người giúp tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình giải quyết vấn đề. Quá trình
tư vấn có thể chỉ cần áp dụng cả ba hay chỉ một trong ba chức năng ấy. Việc đưa
ra quá nhiều lời khuyên là một sai lầm nơi các nhà tư vấn. Đành rằng có nhiều
lúc là cần đưa ra lời khuyên, nhưng lời khuyên thường chẳng mấy tác dụng. Nó
thường làm cho người được tư vấn phụ thuộc vào nhà tư vấn, và có thể làm ách tắc
sự trưởng thành của người được tư vấn.
THƯ MỤC THAM KHẢO CỦA SÁCH
- Di Fabio A., Counseling.
Dalla teoria all’applicazione, Giunti, Firenze 1999.
- Giordani B. –Mercatali A., La direzione spirituale come incontro di aiuto, Antonianum, Roma
1984.
- Giordani B., Il colloquio psicologico nella direzione
spirituale, Brescia, Roma 1992.
- Rogers C. R. –Russell D. E., Carl Rogers: un rivoluzionario silenzioso. Lo psicoterapeuta centrato
sulla persona che rivoluzionò la psicologia, Edizioni la Meridiana,
Molfetta 2002.
- Rogers C. R., La
terapia centrata sul cliente, Martinelli, Firenze 1970.
- Rogers C. R., On becoming a person: a therapist's view of
psychotherapy, Houghton Mifflin, Boston 1961.
- Rogers C. R., Client-centered therapy: its current
practice, implications, and theory, Houghton Mifflin, Boston 1951.
- Rogers C. R., -
Marian Kinget G., Psychothérapie et
relations humaines: théorie et pratique de la thérapie non-directive, Publications
Universitaires, Louvain 1962-1965.
- Robert R. Carkhuff, Helping
and Human Relations, Tome I: Selection
and Training, New York, Holt, Rinehart & Winston, 1969.
- Robert R. Carkhuff, The
Art of Helping, ed. 9th, Amherst, MA 2008.
- Robert R. Carkhuff and B. G. Berenson, Beyond Counseling and Psychotherapy, ed.
2th, New York, Holt, Rinehart & Winston, 1977.
- Cencini A., I
Sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vocazione presbiterale e
consolata, EDH, Bologna 2005.
- Rulla L. M., Depth
Psychology and Vocation. A Psycho-Social Perspective, Rome 1971.
- Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục - Hồng Ân Ơn Gọi Linh Mục, NXB. Tôn Giáo, 2016.