Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)
Văn phòng Truyền thông Xã hội


HỘI NGHỊ BISHOPS’ MEET THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ 28

tại Don Bosco Home, Bangkok, Thái Lan
từ ngày 20 đến 24-11-2023


TUYÊN NGÔN CUỐI CÙNG


Chúng tôi, 30 tham dự viên, gồm các giám mục, linh mục và giáo dân, đã gặp nhau tại Don Bosco Home, Bangkok, từ ngày 20 đến ngày 24-11-2023, để tham dự Hội nghị Bishops’ Meet thường niên lần thứ 28 do Văn phòng Truyền thông FABC tổ chức.

Chúng tôi đại diện cho các Ủy ban Giám mục về Truyền thông xã hội của các Hội đồng Giám mục thành viên và các thành viên liên kết của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), cụ thể là: Brunei - Malaysia - Singapore, Campuchia - Lào, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar, Pakistan, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Timor - Leste, Việt Nam và Hồng Kông.

Cuộc thảo luận của chúng tôi đã được phong phú hóa nhờ sự hiện diện của Tiến sĩ Paolo Ruffini - Bộ trưởng Bộ Truyền thông Vatican, và Tiến sĩ Natasa Govekar - người đứng đầu Ban Thần học - Mục vụ của Bộ.

Chúng tôi ghi nhận sự tham gia và thăm viếng của Chủ tịch FABC - Đức Hồng y Charles Bo, và của Phó Tổng Thư ký, cũng như của Đức Hồng y Francis Xavier Kriengsak của Tổng Giáo phận Bangkok. Chúng tôi coi đây là một biểu hiện tuyệt vời cho sự hiệp thông của chúng tôi với Đức Thánh Cha và Giáo hội hoàn vũ, khi có sự hiện diện của Tòa thánh, FABC và Mục tử của giáo hội địa phương trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi.

Chủ đề của Hội nghị Bishops’ Meet 2023 - “Truyền thông trong Giáo hội ở Châu Á ngày nay” - đã giúp chúng tôi suy ngẫm về những thách thức trong mục vụ.

Bây giờ chúng tôi đệ trình lên các Hội đồng Giám mục thành viên FABC và các thành viên liên kết Bản “Tuyên ngôn cuối cùng” này - là kết quả của bốn ngày suy ngẫm cầu nguyện của chúng tôi để được hướng dẫn, chỉ đạo và hành động.

1. Mỗi Kitô hữu đều là nhà truyền thông, bởi vì Thiên Chúa là nhà truyền thông đầu tiên và “quả thực, Ngài là Nhà Truyền Thông tuyệt vời, Nhà Truyền Thông hoàn hảo” (Huấn thị Communio et Progressio, 11).

2. Các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại là những quà tặng của Thiên Chúa nhằm phục vụ nhân loại, đặc biệt là phục vụ cho sự hiệp nhất và thăng tiến. (Inter Mirifica, 1; Communio et Progressio, 1).

3. Chúng tôi nhận thấy rằng, cần phải hiểu biết các kỹ thuật mới nổi - như trí tuệ nhân tạo (AI) - và áp dụng chúng với sự phân định, vì chúng có thể đóng góp và tạo cơ hội cho sinh hoạt mục vụ truyền thông và sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội.

4. Khi các kỹ thuật truyền thông đang tiếp tục tiến triển và phát triển, chúng tôi nhận thấy vai trò quan trọng của con người trong việc thúc đẩy truyền thông theo nghĩa chân thực nhất, cũng như trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông này cách hiệu quả (BISCOM II, Định hướng 5).

5. Khả năng yêu thương, đồng cảm, nhân ái, công bằng và tử tế của con người không bao giờ có thể bị thay thế bởi kỹ thuật truyền thông. Ngược lại, con người sẽ tiếp tục khao khát những giá trị này để phát triển ơn gọi của mình.

6. Đối mặt với những thách thức và cơ hội do các kỹ thuật mới nổi mang lại, các nhà truyền thông Kitô giáo phải tiếp tục là những chứng nhân của Chúa Kitô, chứ không phải chỉ là những người chia sẻ hay truyền tải thông tin. Người ta lắng nghe các chứng nhân nhiều hơn là nghe các thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy thì đó là vì các thầy dạy này cũng chính là các chứng nhân (Evangelii Nuntiandi, 41).

7. Khi làm chứng, các nhà truyền thông Kitô giáo được kêu gọi duy trì tình liên đới với người nghèo và người thiệt thòi, mang lại “tiếng nói cho những người không có tiếng nói” và mang lại “sự sống cho những người không có sự sống”. Các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô đã sống chứng tá đích thực như vậy ở khắp mọi nơi, đó là sự khích lệ cho tất cả chúng ta. Chúng ta được truyền cảm hứng từ những tấm gương, ví dụ như của các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa - những người đã từ chối rời khỏi vùng chiến sự Israel-Gaza và chọn liều mạng để tiếp tục ở lại phục vụ trẻ em và người già nghèo nàn được giao phó cho họ.

8. Chúng tôi tin chắc rằng sự truyền thông mang tính cá nhân bền vững có thể dẫn đến sự hiệp thông đích thực, được đánh dấu bằng việc “hiến thân trong tình yêu” (Communio et Progressio, 11). Những nhà truyền thông Kitô giáo được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với toàn thể dân Chúa.

9. Truyền thông Kitô giáo bắt nguồn từ Thiên Chúa và biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phản ánh sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi (BM 1996). Chúng tôi tin rằng sự hiệp thông như vậy là phản đề của một sự truyền thông bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, sự giả dối và những động cơ sai lầm nhằm trục lợi và bóc lột con người.

10. Giáo hội Châu Á được kêu gọi đáp lại một cách hiệu quả lời kêu gọi thực hiện sự hiệp hành nhờ xây dựng các mối quan hệ nhân bản đích thực nhằm nuôi dưỡng nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và thân hữu (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2009). Sống giữa những người khác đức tin, các nhà truyền thông Công giáo được mời gọi kể câu chuyện về Chúa Giêsu theo cung cách nhìn nhận và tôn trọng những truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng của Châu Á (x. FABC 50).

11. Loan báo Tin Mừng là thông truyền sự sống. Đó là chia sẻ vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Do đó, truyền thông Kitô giáo chỉ có thể liên quan đến sự sống bằng cách “hiện diện tròn đầy” với con người trong thế giới kỹ thuật số. (Bộ Truyền thông, Hướng tới sự hiện diện tròn đầy, 2023)

KHUYẾN NGHỊ

Việc cổ võ mọi người tham gia mục vụ truyền thông ở các cấp độ khác nhau - để trở thành “những môn đệ truyền giáo” theo “đường lối hiệp hành” - mời gọi chúng ta cùng đi với nhau trong tình thân hữu, hiệp thông và tham gia sứ vụ:Cùng tổ chức cử hành Ngày Thế giới

1. Truyền thông như một cơ hội nuôi dưỡng tâm linh, đào tạo truyền thông, chia sẻ các nguồn lực, kết nối và hỗ trợ công việc của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

2. Khuyến khích các vị giám mục, và những người chịu trách nhiệm truyền thông trong các Hội đồng giám mục thành viên của FABC, tham gia hội nghị Bishops’ Meet hằng năm như một phương thế quan trọng để thúc đẩy tính hợp đoàn giám mục, và cổ võ các vị giám mục nhiệt thành nhờ các chương trình và sự kiện do Văn phòng truyền thông của FABC thực hiện, chẳng hạn như hội nghị BISCOM, vì lợi ích của thừa tác vụ giám mục được giao phó cho họ.

3. Phát huy sự hiểu biết sâu sắc hơn về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác, cũng như những tác động của chúng đối với mục vụ truyền thông của Giáo hội tại Châu Á. Điều này có thể được thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia, thông qua sự suy ngẫm và phân định mục vụ hiệu quả, để làm cho sinh hoạt mục vụ của chúng ta trở thành sự phục vụ có hiệu quả cho các giáo hội địa phương mà chúng ta đại diện và phục vụ.

​4. Thúc đẩy và sử dụng các chương trình đào tạo hiện có, như chương trình do Bộ Truyền thông khởi xướng (sáng kiến “Hiện diện tròn đầy”) và các khóa học VAISCOM của FABC-OSC.

5. Tạo cơ hội thực hiện những cuộc gặp gỡ thực sự ngoài đời, thông qua phụng vụ, diễn đàn và các cuộc cử hành khác nữa, khi nhận thức rằng truyền thông Kitô giáo đích thực bắt nguồn từ các giá trị Tin Mừng về việc trông thấy, lắng nghe, nói bằng trái tim và gặp gỡ giữa người với người (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông năm 2021, 2022, 2023).

6. Khai thác sự phong phú của các ngôn ngữ và văn hóa truyền thống trong mọi nỗ lực truyền giáo của chúng ta, bằng cách nhìn nhận vai trò của truyền thông bắt nguồn từ các truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng của Châu Á, như sử dụng cách kể chuyện, hình thành đức tin qua tiếng mẹ đẻ, qua các biểu tượng trực quan và hình ảnh.

7. Cung cấp các câu chuyện đức tin bằng ngôn ngữ bản địa, chẳng hạn như câu chuyện về Chúa Giêsu, và bảo đảm rằng các tài liệu và thông điệp quan trọng của Giáo hội sẽ được dịch và xuất bản bằng ngôn ngữ của các giáo hội địa phương để giúp mục vụ truyền thông của chúng ta mang lại lợi ích cho toàn thể dân Chúa. (xem FABC 50)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01 & 02 năm 2024)