SỐNG MẦU NHIỆM GIA ĐÌNH GIÁO HỘI HIỆP THÔNG
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R
WHĐ (08.02.2024) - Trong bầu khí hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về hiệp hành, theo định hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 2023 là năm chúng ta “củng cố sự hiệp thông”, với những thực hành cụ thể nơi các gia đình và giáo xứ: đọc Kinh Thánh, tham dự bí tích Thánh Thể, sống tương thân tương ái, truyền thông sự thật với đức ái.
Một thoáng nhìn về Giáo hội như là mầu nhiệm hiệp
thông
Nói đến hiệp thông, trong tiếng Hy Lạp, ngay nghĩa văn tự của
từ koinonia đã gợi nhắc về điều gì đó
mà chúng ta được chung chia, được tham gia, được thông phần. Hoặc trong tiếng
Latin, communio có nghĩa là cùng hợp
nhất, cùng nên một.
Trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy
khái niệm koinonia được sử dụng hơn
100 lần. Một trong những nội dung
chính yếu của ý niệm hiệp thông được phản ánh trong các văn kiện của Công đồng,
đó là:
“Communio là sự kết
hợp nội tâm, vô hình, bí tích và siêu nhiên liên kết tất cả các Kitô hữu với Đức
Kitô và với nhau trong Người. Nói chung
toàn thể nhân loại được mời gọi đến communio
với Thiên Chúa[1] Nói chính xác hơn, nhân loại
được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh[2]. Bí tích Thánh Thể đưa chúng
ta đến hiệp thông với Đức Kitô và với nhau[3].
Đây là sự hiệp thông giữa những người có đức tin[4],
hoặc cộng đoàn huynh đệ mới[5] mà nguồn mạch và trung tâm
là Đức Kitô[6]. Được thiết lập như là sự hiệp
thông của sức sống, tình yêu và chân lý[7],
cộng đoàn này có Thánh Linh làm nguyên ủy hợp nhất[8].
Sự hiệp thông nội tại, siêu nhiên được biểu lộ ra bên ngoài, do đó trở thành cộng
đoàn đức tin, hy vọng và yêu mến[9]. Lumen Gentium khẳng định rằng trong Giáo hội có một sự hiệp thông
sâu xa giữa tất cả mọi người đã được rửa tội: tất cả đều có chung một Đức Chúa
và một Thánh Linh, họp thành một thân thể duy nhất; tất cả chia sẻ cùng một đức
tin và cùng một phép Rửa, cùng một ân huệ và ơn gọi, và cùng trách nhiệm và
công tác[10]. Sự hiệp thông này không chỉ
giới hạn vào những người trên trần thế mà còn mở rộng đến những người đã đi vào
vinh quang thiên quốc”[11].
Về sau, để minh định những gì đã được đề cập trong Công đồng,
Bộ Giáo lý Đức tin tái khẳng định: “Khái niệm hiệp thông (koinonia) là một khái niệm đặc biệt thích hợp để diễn tả sự thâm
sâu của Mầu nhiệm Giáo hội”[12]. Hơn nữa, Bộ Giáo lý Đức
tin gợi nhắc rằng dưới ánh sáng của giáo huấn Kinh Thánh và truyền thống Giáo
phụ, hiệp thông được nói đến ở đây luôn bao hàm một chiều kích song đối: chiều
kích hướng dọc – đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa và chiều kích hướng ngang –
đó là sự hiệp thông giữa loài người. Đặc biệt, xác định nội dung căn bản của
khái niệm hiệp thông, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh:
“Để có được một nhãn quan Kitô về hiệp thông, điều thiết yếu là phải biết nhìn nhận hiệp thông trước tiên như là ân lộc của
Thiên Chúa, như là hoa trái của sáng kiến thần linh được thực hiện ở nơi mầu
nhiệm Vượt qua. Được thiết lập trong Chúa Kitô và được thông ban qua các bí
tích, mối liên hệ mới giữa con người với Thiên Chúa cũng được nối dài thêm bằng
một mối liên hệ mới giữa con người với con người. Bởi thế, khái niệm hiệp thông tất phải có khả năng để diễn
đạt, một mặt là bản chất bí tích của Giáo hội trong khi “chúng ta còn sống lưu
đày xa Chúa”, và mặt khác là mối hiệp nhất đặc thù có sức làm cho các tín hữu
trở thành những chi thể của cùng một Thân Thể: tức là của Nhiệm Thể Chúa Kitô,
trở thành cộng đoàn có cơ cấu tổ chức, cũng như trở thành “dân tộc được quy tụ
lại trong niềm hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần”, và ngoài ra, còn được
cung ứng những phương thế cần thiết nhằm thể hiện mối liên kết của mình cả về
phương diện hữu hình và xã hội nữa”[13].
Dưới đây, thay vì bàn giải sâu rộng về một nền thần học Giáo
hội hiệp thông, chúng ta tìm hiểu chiều kích hiệp thông hướng dọc và hướng
ngang, hiệp thông vô hình và hữu hình của Dân Chúa dưới ánh sáng Mạc khải Cựu Ước
và Tân Ước, theo đó chúng ta được soi sáng sống và củng cố sự hiệp thông nơi mỗi
gia đình và giáo xứ trong thời đại hôm nay.
Gia đình nhân loại đầu tiên sống tình hiệp thông với
Thiên Chúa
Ngay ở những trang đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta có thể bắt
gặp những hình ảnh về một cộng đoàn nhân loại được mời gọi sống tình hiệp thông
hạnh phúc với Thiên Chúa và với nhau. Đó là tình hiệp thông giữa con người với
Thiên Chúa qua bầu khí thân tình giữa Ađam và Giavê (St 2, 8-23; 3,8). Trong mối
tương quan hiệp thông này, con người tìm thấy niềm an vui, hạnh phúc của đời sống
mình khi được tâm giao, chuyện trò với Thiên Chúa vào mỗi buổi chiều gió hiu
hiu thổi.
Về sau này, để diễn tả niềm hạnh phúc của con người khi được
đi vào mối tình hiệp thông với Thiên Chúa, Dân Chúa thường cử hành hy lễ kỳ an
hay hy lễ hiệp thông (Lv 3, 1-17). Hy lễ này được cử hành mỗi khi người ta muốn
dâng lên Chúa tâm tư, ước nguyện nào đó, hoặc khi người ta muốn tạ ơn Chúa về
những ơn lành nhận được; hay mỗi khi trong lòng nảy sinh tâm tình đạo đức nào
đó, thì người ta cũng cử hành hy lễ hiệp thông. Tính chất hiệp thông được thể
hiện ở việc phân chia lễ vật: một phần lễ vật được thiêu đốt để dâng cho Chúa,
một phần dành cho vị tư tế (ức và đùi phải của hiến vật) và một phần người dâng
lễ mang về nhà ăn. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa và mọi thành phần trong Dân
Chúa được hiệp thông đồng bàn với nhau qua hy lễ hiệp thông.
Trở lại chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta không chỉ bắt
gặp hình ảnh về một cộng đoàn hiệp thông hướng thượng với Thiên Chúa, mà chúng
ta còn thấy được tính chất hiệp thông chiều ngang của cộng đoàn ấy. Nói chính
xác hơn, một khi con người giữ được mối tình hiệp thông chiều dọc với Thiên
Chúa, thì khi đó họ cũng có được sự hiệp thông chiều ngang với nhau. Đó là sự
hiệp thông giữa con người với thiên nhiên vạn vật qua việc Ađam đặt tên cho các
loài sinh vật (St 1, 28-30). Đó cũng là sự hiệp thông với chính mình và với đồng
loại qua việc Ađam và Eva sống hài hòa, hạnh phúc bên nhau (St 2,25; 3, 10-11).
Giáo hội trong Tân Ước sống tình hiệp thông với
Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô
Hình ảnh về một cộng đoàn nhân loại hiệp thông được phản ánh
trong các sách Cựu Ước, cách riêng trong Sách Sáng Thế, vừa phản ánh vũ trụ
quan nguyên thủy của Kinh Thánh, vừa phản ánh nhân sinh quan lý tưởng như Thiên
Chúa muốn. Nhưng dù sao đây mới chỉ là bước khởi đầu; sự thành toàn của cộng
đoàn hiệp thông này được nhắc đến trong Tân Ước và được thánh Gioan mô tả trong
sách Khải Huyền như là một “cuộc tạo dựng
mới,” (Kh 21 – 22), và đó cũng là sự thành toàn đích thực của mầu nhiệm Gia
đình Giáo hội hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kitô.
Thật vậy, nếu ngày xưa, cứ mỗi buổi chiều tà, trong cơn gió
hiu hiu thổi, Thiên Chúa đến với con người và con người lại được dạo bộ với
Thiên Chúa trong vườn địa đàng và được sống tình hiệp thông với Ngài, thì đến
thời viên mãn, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga
1,14) và như thế Thiên Chúa ở với con người và con người được ở với Thiên Chúa
mãi mãi. Nói như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi
viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn
làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của
Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4, 4-6). Nhờ
cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, con người không chỉ được ở gần Thiên Chúa mà
còn được trở nên con cái trong gia đình của Ngài.
Tuy nhiên, mối tình hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người
cũng mới chỉ được khai mào nơi mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa. Mối hiệp
thông ấy sẽ đạt tới sự viên mãn trong mầu nhiệm Vượt Qua: Chết - Phục Sinh của
Chúa Kitô. Thật vậy, nếu trong Cựu Ước mầu nhiệm hiệp thông của dân Chúa được
diễn tả qua hy lễ kỳ an chiên bò, thì sự hiệp thông của Gia đình Giáo hội trong
Tân Ước được diễn tả cách đầy đủ và trọn vẹn nhất qua chính hy lễ hiệp thông của
Chúa Kitô. Nói chính xác hơn, với tình hiệp thông trong Thánh Thần (2Cr 13,14),
cộng đoàn những người tin, tức là Giáo hội, đi vào mối tình hiệp thông với
Thiên Chúa và với nhau trong chính hy lễ hiệp thông của Chúa Kitô (2Cr 13,14;
1Ga 1, 3.6).
Hơn nữa, nhờ bởi lễ tế Vượt Qua của Chúa Kitô, “Thiên Chúa
đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử
chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,13);
và “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng
ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Chúa Kitô.
Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại
và cùng ngự trị với Chúa Kitô Giêsu trên cõi trời ” (Ep 2, 4-6). Cũng nhờ bởi mầu
nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô đã trở nên thần khí tác sinh (1Cr 15,45), và Giáo hội
được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô (Ga 19,34); đồng thời “Thiên Chúa đã đặt
Người đứng trên vạn vật, làm Đầu Giáo hội đích thực là thân mình Người” (Ep
1,22).
Tóm lại, nếu ngày xưa gia đình nhân loại đầu tiên được cảm nếm
sự dịu ngọt trong mối tình hiệp thông với Thiên Chúa qua những lần Thiên Chúa đến
viếng thăm họ và bách bộ với họ trong vườn Êđen, thì đến thời viên mãn, Ngôi Lời
Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta và làm cho chúng ta được ở gần Thiên Chúa. Đặc
biệt, nhờ bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, từ nay chúng ta “không còn phải
là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và
là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19-20). Và như thế, mối tình hiệp thông
Thiên Chúa thực hiện cho Gia đình Giáo hội thời Tân Ước được nên trọn vẹn.
Dân Chúa trong Cựu Ước gìn giữ mối tình hiệp thông
giao ước với Thiên Chúa
Sự hài hòa và hiệp thông của gia đình nhân loại tiên khởi đã
bị phá hủy bởi nguyên tội. Tội lỗi xâm nhập trần gian kéo theo sự đổ vỡ toàn diện:
với Thiên Chúa, con người tìm cách chạy trốn nhan thánh Ngài và ẩn mình nơi bụi
cây (St 3,8); với chính mình, con người đánh mất sự đơn sơ cởi mở của mình và
trở nên cay đắng với chính mình (St 3,11); với đồng loại, con người từ khước lẫn
nhau và đổ tội cho nhau (St 2,18; 3,16; 4,8), với thiên nhiên vạn vật: các con
vật trở nên hung dữ chống lại con người và đất đai sinh gai góc khiến con người
phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tìm được miếng ăn (St 3,18).
Tuy nhiên, từ sự đổ vỡ do tội gây ra, Thiên Chúa đã xây dựng
lại ý định của Ngài. Ngài đã có sáng kiến xác lập một dân của giao ước. Tác giả
Sách Sáng Thế (St 12-17) kể lại rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn Abram và đặt cho
ông một tên mới là Abraham, nghĩa là “Cha
của nhiều dân tộc” (St 17,5). Ngài đã ký kết với ông một giao ước (St 15,
17-21). Điều duy nhất Thiên Chúa đòi hỏi nơi Abraham đó là niềm tin tuyệt đối
vào Ngài. Vì thế, dân của giao ước khởi đi từ Abraham cũng chính là dân bao gồm
những kẻ tin vào Thiên Chúa.
Tuy nhiên, giao ước của Thiên Chúa với Abraham mới chỉ định
hình trong một lời hứa. Tới giao ước Sinai, chính Thiên Chúa bắt đầu thực hiện
lời hứa ấy. Trước cảnh nô lệ khổ ải của con cái Israel bên Ai Cập, Thiên Chúa
đã giải phóng họ và cho họ thành một dân tự do qua việc Ngài ký kết với họ một
giao ước trên núi Sinai. Qua giao ước này, Thiên Chúa chính thức nhận Israel
làm dân riêng của Ngài, còn Israel nhận Đấng đã giải thoát mình khỏi cảnh nô lệ
bên Ai Cập là Thiên Chúa độc nhất, chỉ tôn thờ và tùng phục một mình Ngài mà
thôi (Xh 19, 3-8).
Để giúp cho Israel sống trọn vẹn giao ước đã ký kết, Thiên
Chúa ban cho họ Thập Điều, trong đó xác định bổn phận của dân Israel đối với
Thiên Chúa và với tha nhân (Xh 20, 1-17). Về phía Thiên Chúa, để đảm bảo giá trị
của giao ước, Thiên Chúa truyền cho Môsê sát tế một con bò đực tơ; lấy máu bò
đã được sát tế: một nửa đổ trên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa và 12 trụ đá
trước bàn thờ tượng trưng cho 12 chi tộc Israel; một nửa máu còn lại rẩy trên
dân chúng (Xh 24, 6-8). Cử chỉ giao ước này gợi nhắc rằng Thiên Chúa và dân của
Người không còn xa lạ với nhau nữa, nhưng thuộc về nhau và có chung một huyết
thống ngang qua hình ảnh máu bò tơ được sát tế.
Dù đã được Thiên Chúa đích thân đến ký kết giao ước và cho
dân làm dân riêng của Ngài, nhưng nhiều lần Israel lãng quên điều đó. Do vậy,
Thiên Chúa đã tuyển chọn các ngôn sứ như những người thân thiết của Chúa để
truyền lại lời Ngài cho dân riêng: khi dân đi sai đường lối Chúa, các ngôn sứ
nhắc nhở, khuyến cáo họ trở về cùng Chúa; khi dân cố chấp trong đường lối sai lầm,
các ngôn sứ đe loi, tiên báo các tai họa sẽ ập đến; trong thời lưu đày, khi dân
thất vọng buông xuôi, ngôn sứ kêu gọi họ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã
cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập xưa cũng như đoái thương giải thoát họ...;
khi dân mệt mỏi vì mong chờ Đấng Cứu Thế mà chẳng thấy, ngôn sứ loan báo ngày Đấng
Thiên Sai sẽ đến thực hiện ơn cứu độ.
Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng trong sứ điệp
của các ngôn sứ đó là các ngài nhắc nhở cho dân nhớ, cảnh tỉnh dân và đòi buộc
dân phải trở về tuân giữ giao ước nếu họ còn muốn tiếp tục là dân của giao ước
(Gr 31, 31-34; Ed 16, 8-14; Hs 2, 16-25).
Giáo hội trong Tân Ước sống tình hiệp thông giao ước
vĩnh cửu được thiết lập bởi máu của Chúa Kitô
Gia đình Giáo hội thời Tân Ước hoàn tất những niềm mong chờ
trong Cựu Ước về Israel – dân của giao ước, dân của lời hứa của Thiên Chúa. Qua
Giáo hội - Israel mới, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa với tổ phụ Abraham xưa kia.
Giáo hội chính là dân của giao ước mới, giao ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa ký kết
với toàn thể nhân loại trong Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Nếu lời hứa, niềm tin và dòng dõi Abraham là những yếu tố
căn bản làm nên giao ước xưa kia, thì đến thời Tân Ước, những yếu tố đó được cụ
thể hoá cách đầy đủ nơi Gia đình Giáo hội của Chúa Kitô. Quả vậy, dòng dõi đích
thực của Abraham như thánh Phaolô khẳng định, là những kẻ trong niềm tin kết hợp
nên một với Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Giáo hội. Gia đình Giáo hội trong Tân Ước
hiện thực hóa “trong Chúa Kitô” lời hứa ngày xưa Thiên Chúa đã ký kết với
Abraham (Gl 3, 16-18 và 28-29; 2Cr 1,20). Và điều đặc biệt là Giáo hội – Dân của
Giao Ước mới – bao gồm mọi dân tộc mà không còn có sự phân biệt màu da, ngôn ngữ,
văn hóa, sắc tộc nữa (Mt 18,19; Kh 5, 9-10). Nói như thánh Phaolô: “Không còn
chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng
tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì
anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3,
18-19).
Đặc biệt, nếu biến cố Xuất Hành và giao ước Sinai đã làm nên
dân riêng của Thiên Chúa trong Cựu Ước, thì đến thời Tân Ước, Giáo hội – Dân mới của Thiên Chúa – được thiết lập bằng hiến tế giao ước của Chúa
Kitô trên thập giá. Thật vậy, trước khi bước vào cuộc thương khó, chính Chúa
Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể như là giao ước mới, giao ước vĩnh cửu để Giáo hội
được thực sự trở thành Dân mới của Thiên Chúa: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ
ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh
em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người
cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ
ra vì anh em’” (Lc 22,20). Gia đình Giáo hội kể từ đó hằng cử hành mầu nhiệm
Giao Ước Mới, Giao Ước vĩnh cửu do chính Chúa Kitô thiết lập cho đến ngày Ngài
lại đến trong vinh quang.
Đặc biệt hơn nữa, nếu ngày xưa sau khi ra khỏi Ai Cập, dân
Chúa cắm trại dưới chân núi Sinai và trong sấm chớp, mây mù che phủ đỉnh núi,
Thiên Chúa xuống ký kết giao ước với dân (Xh 19, 1-25), đến thời Tân Ước, khi
Chúa Kitô chịu hiến tế trên thập giá, thì cũng xảy ra cuộc thần hiện tương tự của
chính Thiên Chúa. Quả vậy, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi nhận cuộc thần hiện
này khi mô tả rằng: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp
mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong
Đền thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lạy Cha, con xin phó
thác hồn con trong tay Cha’. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23, 44-46; cũng x. Mt
27, 45-51; Mc 15, 33-38).
Riêng Tin Mừng Gioan thì ghi nhận điều quan trọng này: “Một
người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”
(Ga 19,34). Như vậy, trong giờ phút Chúa Kitô hiến tế chính mình trên thập giá,
chính Thiên Chúa đã thần hiện và Giao Ước mới được thiết lập. Máu giao ước
không còn là máu chiên bò, nhưng là máu của Con Thiên Chúa. Nhờ máu giao ước mới
này, Thiên Chúa và con người thật sự có chung một huyết thống; Thiên Chúa thật
sự thuộc về gia đình nhân loại và gia đình nhân loại thật sự thuộc về gia đình
Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa và những người tin vào Chúa Kitô từ nay
trở thành một gia đình, có cùng một huyết thống.
Vì Giao Ước mới được thiết lập bằng chính máu của Chúa Kitô,
nên những người tin trong Giáo hội của Chúa Kitô luôn được mời gọi phải ghi khắc
điều đó trong tâm khảm chứ không phải ghi khắc nơi bia đá (Dt 8, 6-13). Đặc biệt,
thánh Phaolô lấy lại những lời của ngôn sứ Hôsê mà căn dặn cộng đoàn những kẻ
tin vào Chúa Kitô rằng họ chính là Israel mới, dân của Giao Ước mới; xưa họ
chưa phải là dân của Chúa, nay họ được kêu gọi trở thành con cái của Thiên Chúa
hằng sống (Rm 9, 25-26).
Mối tình hiệp thông giữa Thiên Chúa với Dân Người không chỉ
được thực hiện bằng việc ký kết giao ước, mà nó còn được diễn tả qua đời sống
phụng thờ của Dân Chúa nơi Đền thờ.
Dân Chúa trong Cựu Ước sống tình hiệp thông với
Thiên Chúa nơi Đền thờ
Sau thời kỳ thanh luyện 40 năm trong sa mạc, Israel được
trao ban miền đất hứa (St 12,7). Ở nơi ấy họ bắt đầu xây dựng vương quốc của
mình với thủ đô là Giêrusalem.
Giêrusalem không đơn thuần là một thủ đô chính trị, mà nó
còn là thành thánh của Israel (2Sm 5,9) nơi Thiên Chúa ngự trị; và nhất là Đền
thờ Giêrusalem nơi cất giữ hòm bia Giao Ước, là biểu tượng tuyệt hảo cho sự hiện
diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài (1V 7, 16-21), nên sinh hoạt tôn giáo của
dân được diễn ra tại đó, và dân cũng hành hương về đó để tìm Thiên Chúa và để “xem thấy mặt Ngài” (Tv 27, 4-8). Hơn nữa,
không chỉ những thành phần thuộc các chi tộc Israel mới tìm về với Thiên Chúa
nơi Đền thờ, mà còn có muôn dân muôn nước khác cũng đến đó “để chiêm ngắm tôn
nhan Thiên Chúa” (Tv 42,3).
Dĩ nhiên, dân Chúa hiểu rằng ngôi nhà đích thực của Thiên
Chúa thì “ở trên trời” (Tv 2,4; 103,19; 115,3 …); nhưng Đền thờ chứa đựng hòm
bia giao ước thì giống phiên bản cung điện sáng ngời (Xh 25,40) mà Thiên Chúa
đã chọn để hiện diện trên trần gian này, giữa dân của Người. Như thế, việc thờ
phượng chính thức của dân Chúa đối với Thiên Chúa được diễn ra ở Đền thờ. Và
cũng ở nơi Đền thờ, Thiên Chúa gặp gỡ dân Người.
Giáo hội sống tình hiệp thông với Thiên Chúa nơi Đền
thờ mới - Đức Kitô chết và phục sinh
Sang thời Tân Ước, Đền thờ mới sẽ là thân mình Chúa Kitô (Ga
2,19) nơi Thiên Chúa hiện diện (Cl 2,9). Thật vậy, khi thanh tẩy Đền thờ
Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái rằng: “Các ông cứ phá huỷ Đền
thờ này đi; nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, và thánh sử Gioan giải
thích: “Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người” (Ga 2,
19-21). Khi chú giải những lời này của Chúa Giêsu, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh
rằng: “Thời gian của Đền thờ cũ đã qua rồi. Một phượng tự mới sẽ đến trong một
Đền thờ không do tay người phàm xây dựng. Đền thờ này chính là thân thể Người -
Đấng Phục Sinh, Đấng quy tụ muôn dân và kết hợp tất cả vào Bí tích Mình và Máu
thánh Người”.
Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng có cùng một lối nhìn với Tin Mừng
Gioan, nghĩa là Đền thờ của giao ước cũ được thay thế bởi Đền thờ của Giao ước
mới là thân xác của Đấng chịu treo thập giá. Thật vậy, các Tin Mừng Nhất Lãm đều
ghi nhận rằng vào lúc Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng, bức màn trướng trong Đền
thờ bị xé ngay chính giữa (Mt 27,51; Mc 15, 37-38; Lc 23, 45-46). Điều này có
nghĩa là đặc tính thánh thiêng của Đền thờ cũ không còn nữa, thay vào đó là Đền
thờ mới – thân xác của Đức Kitô, đầy tràn sự hiện diện thánh thiêng của Thiên
Chúa. Nói cách khác, Đền thờ vật chất ở Giêrusalem đã hoàn thành việc thực hiện
nhiệm vụ là trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Bây giờ, Giáo hội –
Dân mới của Thiên Chúa – có Đền thờ mới là thân thể của Đức Kitô.
Dĩ nhiên, để trở thành Đền thờ mới, Đức Giêsu không chỉ chết,
mà Ngài còn phải sống lại. “Đền thờ thân thể Ngài sẽ bị tiêu huỷ và được xây lại,
đó là ý Cha Ngài (Ga 10,17; 17,4). Sau khi phục sinh, thân thể này – sự hiện diện
của Thiên Chúa ở trần gian – sẽ biết đến một trạng thái mới được biến hình, nhờ
đó mà hiện diện khắp nơi qua mọi thời đại trong việc cử hành thánh lễ”[14].
Thật vậy, kể từ khi Chúa Kitô trỗi dậy từ cõi chết, các Tông
đồ đã ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh khắp nơi, nhờ đó các cộng đoàn tin vào
Chúa Kitô bắt đầu được hình thành. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi này được
Sách Công vụ Tông đồ mô tả: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện
không ngừng…. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.
Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo như cầu” (Cv
2, 42-45).
Với những gì Sách Công vụ Tông đồ mô tả về cộng đoàn tín hữu
tiên khởi, chúng ta nhận ra rằng Gia đình Giáo hội sơ khai không chỉ có sự hiệp
thông chiều dọc và vô hình với Thiên Chúa qua việc cử hành Thánh Thể (lễ bẻ
bánh), mà Gia đình này còn có sự hiệp thông chiều ngang, hữu hình với nhau bằng
một tình huynh đệ gắn bó, lo cho nhau từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần.
Và Chúa Kitô Phục Sinh chính là tâm điểm đưa đến những chiều kích hiệp thông
đó.
Tóm lại, nhìn lại các giai đoạn mạc khải của Thiên Chúa từ Cựu
Ước đến Tân Ước như được trình bày ở trên, chúng ta nhận ra rằng tiến trình lịch
sử cứu độ là tiến trình Thiên Chúa dẫn đưa gia đình nhân loại đi vào mối tình
hiệp thông thần linh với Ngài. Quả vậy, ngay khi tạo dựng gia đình nhân loại,
Thiên Chúa đã mời gọi họ sống tình hiệp thông với Ngài. Khi gia đình nhân loại
sa ngã phạm tội, cắt đứt mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, thì chính Thiên
Chúa lại chủ động và có sáng kiến nối lại tình hiệp thông với gia đình nhân loại
bằng việc Ngài thiết lập giao ước với họ và bằng việc chính Ngài đến và hiện diện
giữa họ nơi Đền thờ.
Tất cả ý định và chương trình hiệp thông của Thiên Chúa được
thực hiện và hoàn tất trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa
nhập thể, chết và phục sinh. Giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết bởi chính máu
của Chúa Kitô đổ ra trên thập giá; Đền thờ mới – nơi Thiên Chúa hiện diện – là
chính thân xác phục sinh của Chúa Kitô. Giao ước mới và Đền thờ mới này được
dành cho Gia đình Giáo hội là cộng đoàn do chính Chúa Kitô thiết lập. Nơi Gia
đình này, mầu nhiệm hiệp thông thần linh được diễn ra cho từng người tin với
Thiên Chúa Cha, qua Chúa Kitô, và trong hoạt động của Thánh Thần. Nói cách
khác, nơi Gia đình Giáo hội của Chúa Kitô, các Kitô hữu được thông phần bản
tính Thiên Chúa (2Pr 1,4) trong Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Thánh Thần; và họ
trở thành những chi thể của cùng một Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, nghĩa
là hiệp thông với Chúa Kitô, họ trở thành anh em của nhau và trở thành những
người con trong Người Con duy nhất của Cha trên trời (1Cr 1,9; 10,16; Gl 4, 6-7). Tắt một lời, Gia
đình Giáo hội, Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, là mầu nhiệm hiệp thông giữa
Thiên Chúa và con người.
Sự cần thiết của việc củng cố sự hiệp thông nơi các
gia đình và giáo xứ trong thời đại hôm nay
Nói về thời đại hôm nay, ngay trong Tông huấn đầu tay của
mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định rằng: “Mối nguy lớn trên thế giới
hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô
đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy
theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ… Tiếng nói của Thiên
Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không
còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ”[15].
Sau này, Đức Giáo Hoàng cũng thường nhắc mối nguy do hai kẻ thù tinh vi đang
chi phối thời đại chúng ta ngày nay, đó là Ngộ đạo thuyết mới và lạc thuyết
Pêlagiô mới. Cả hai kẻ thù này đang tìm cách cản trở chúng ta nên thánh, cản trở
chúng ta sống hiệp thông với Thiên Chúa trong Chúa Kitô.
Nguy hiểm của Ngộ đạo thuyết mới, theo Đức Giáo Hoàng nhận định,
đó là nó cổ suý “một đức tin thuần túy chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm
cụ thể nào đó hoặc một loạt các ý tưởng và một ít kiến thức có ý để an ủi và
soi sáng, nhưng vẫn giam kín một người trong những tư tưởng hay cảm xúc riêng của
họ”[16]. Đức Giáo Hoàng cũng thêm rằng
đây là một loại “học thuyết không có mầu nhiệm”[17].
Về lạc thuyết Pêlagiô mới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra rằng
cái tinh vi và nguy hiểm của nó nằm ở chỗ nó làm cho người ta “chỉ tin tưởng
vào sức mạnh của mình… và mọi sự đều có thể nhờ ý chí con người, cơ hồ như ý
chí con người là tinh tuyền, hoàn hảo, toàn năng, mà ân sủng chỉ là cái được bổ
sung vào”[18].
Chung quy, cả Ngộ đạo thuyết mới và Pêlagiô mới đều có
khuynh hướng làm cho người ta tin vào chính mình và “tự cứu độ” mình mà không cần
đến Đức Kitô và Giáo hội của Ngài. Nói cách khác, Ngộ đạo thuyết mới và Pêlagiô
mới làm cho người ta thấy không cần thiết ở trong Giáo hội để cử hành mầu nhiệm
hiệp thông thần linh với Thiên Chúa qua Chúa Kitô, và nhờ hoạt động của Thánh
Thần.
Trước thách đố của con người thời đại bị chi phối bởi những
nguy hại nêu trên, Bộ Giáo lý Đức tin nhận mạnh rằng: “Chúng ta cần nhận biết
cách thức nhờ đó Chúa Giêsu trở thành Ðấng Cứu Ðộ… Chúa Kitô là Ðấng Cứu Ðộ vì
Người đã mặc lấy toàn vẹn nhân tính của chúng ta và đã sống một cuộc sống nhân
loại trọn vẹn trong sự hiệp thông với Cha của Người và với tha nhân. Vì thế, ơn
cứu độ hệ tại việc tháp nhập chúng ta vào trong sự sống của Người, nhờ lãnh nhận
Thần Khí của Người (x. 1Ga 4,13). Người đã trở thành, theo cách thế đặc biệt,
nguồn cội của mọi ân sủng theo nhân tính của Người. Người vừa là Ðấng Cứu Ðộ vừa
là Ơn Cứu Ðộ”[19].
Đối diện với những thách đố chung của thời đại và sống trong
bầu khí Giáo hội Hiệp Hành, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã định hướng mục vụ cho
các gia đình và giáo xứ trong năm 2023 là “củng
cố sự hiệp thông”. Việc làm cụ thể để củng cố sự hiệp thông, đó là: đọc
Kinh Thánh, tham dự bí tích Thánh Thể, sống tương thân tương ái, truyền thông sự
thật với đức ái.
Thánh Giêrônimô từng bảo rằng ai không biết đến Kinh Thánh
là không biết Chúa Kitô. Vì vậy, thiết nghĩ, việc các gia đình và giáo xứ đọc
Kinh Thánh mỗi ngày không nhằm mục đích nào cho bằng đi vào cuộc tâm giao, gặp
gỡ và gắn kết với Chúa Kitô, Đấng là trung tâm của sự hiệp thông giữa Thiên
Chúa với nhân loại.
Tham dự bí tích Thánh Thể là đón nhận đích xác mầu nhiệm hiệp
thông sự sống thần linh của Thiên Chúa; chiều kích hiệp thông chiều dọc - hiệp
thông với Thiên Chúa, được biểu lộ cách cụ thể và viên mãn trong chính việc cử
hành này.
Việc sống tương thân tương ái và truyền thông sự thật với đức
ái là sự biểu lộ rõ nét và chân thực nhất chiều kích hiệp thông chiều ngang giữa
những người là con cái Thiên Chúa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)
[11] Phan Tấn Thành, “Giáo Hội Hiệp Thông”, https://catechesis.net/giao-hoihiep-thong/
(truy cập ngày 30/7/2023).
[12] Bộ Giáo lý Đức tin, “Letter to the Bishops of the
Catholic Church on some Aspects of the Church Understood as Communion,” https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_28051992_communionis-notio_en.html
(truy cập ngày 30/7/2023).
[13] Bộ Giáo lý Đức tin, “Letter to the Bishops of the
Catholic Church on some Aspects of the Church Understood as Communion,” số 3.
[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium -
Niềm Vui của Tin Mừng, số 2, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656
[19] Bộ Giáo lý Đức tin, Placuit Deo, số 11, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ban-dich-placiut-deo-cua-bo-giao-ly-duc-tin-32680