CÁC BÍ QUYẾT CỦA MỘT HÔN NHÂN HẠNH PHÚC
08 – BÍ
QUYẾT NGHĨA TÌNH BẰNG HỮU
Tác giả: Dr. Allen Hunt
Chuyển ngữ: Louis Tuấn
Trích từ: “The
21 Undeniable Secrets of Marriage”
WHĐ (14.7.2021) - Đừng lấy người mà bạn có thể sống
chung; hãy lấy người mà bạn không thể sống được nếu thiếu người ấy.
Khi kết
hôn chúng ta được khuyên nên làm gì là khôn ngoan nhất? Bà ngoại tôi hay thẳng
thắn nói thế này khi có người nào hỏi bà về chuyện kết hôn: “Đừng lấy người mà
cháu có thể sống chung; hãy lấy người mà cháu không thể sống được nếu thiếu người
ấy”. Đó là bí quyết về người bạn thân tốt nhất. Nghĩa bằng hữu phu thê.
Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là cuộc hôn
nhân của anh/chị sẽ đạt kết quả tốt nhất nếu anh/chị kết hôn với người bạn tốt
nhất của anh/chị. Trong một nghiên cứu của Robert và Jeanette Lauer về 351 cặp vợ
chồng thành công trong cuộc sống hôn nhân tốt đẹp trên mười lăm năm, các cặp
này đều có một tuyên bố chóp đỉnh giống nhau, đó là: “Chồng (vợ) tôi là người bạn
tốt nhất của tôi”.
Chúng ta đã thấy sự lãng mạn là trung tâm của một
cuộc hôn nhân triển nở. Nhưng điều đó không có nghĩa là suốt cuộc đời bạn và
người bạn đời của bạn luôn say mê nhau trong tình yêu đắm đuối của thuở thanh
xuân khi mới quen nhau. Nó có nghĩa là có một sự hấp dẫn thực sự bên dưới mọi sự
khác trong khi sống mối quan hệ phu thê.
Thực tế, hầu hết các mối quan hệ trong hai năm đầu
có thể rất nồng nàn. Đó là thời gian anh/chị không thể nghĩ đến cái gì khác
ngoài người bạn đời của anh/chị. Luôn nhớ tới cái hôn đầu tiên chiều hôm ấy.
Hôn là cách Thiên Chúa làm cho hai người thân thiết với nhau đến độ họ không thể
nhìn thấy được có cái gì sai trái đối với mình. Chỉ cảm thấy say đắm, tương tư.
Suốt thời gian hai năm đó, hễ mỗi lần chỉ mới thoáng thấy người bạn tình là tim
bạn đã đập liên hồi và bạn không mơ mộng cái chi khác. F. Scott Fitzgerald xem
cảm xúc này “giống như cơn say thần linh” nồng cháy.
Nhưng những ai đã trưởng thành chín chắn đều biết
rằng sau một thời gian, yêu thương say đắm sẽ lắng dịu, và bạn sẽ quen dần với
cái đều đặn của thực tế đời sống hằng ngày. C. S. Lewis viết: «Nếu câu chuyện cổ
tích thường kết thúc nói rằng ‘từ đó họ luôn sống hạnh phúc’, điều đó hàm nghĩa
là ‘họ sẽ cảm thấy trong năm mươi năm tới giống y như khi họ cảm thấy những
tháng ngày trước khi cưới’, thì nó muốn nói rằng chuyện đó có lẽ không hề có thực
hoặc không bao giờ có thể trở thành hiện thực, và giả như nó có thực đi nữa thì
cũng không đáng cho ta ao ước. Ai có thể sống phấn khích được trong thời gian
năm năm như thế? Công việc của bạn rồi sẽ ra sao? Cũng như những thú vui, bè bạn,
việc ngủ nghê của bạn sẽ thế nào? Nhưng dĩ nhiên, ngừng cảm giác ‘yêu say đắm’
không nhất thiết là ‘hết yêu’».
Với thời gian trôi, cuộc sống đi vào nền nếp là
lúc tình yêu chân thực được bén rễ sâu hơn hoặc chết rữa dần. Lúc ấy, khi sự nồng
nàn say mê đã lắng xuống, mọi cặp vợ chồng sẽ quyết định đầu tư hay gạt bỏ. Mỗi
người phối ngẫu sẽ chọn: Tôi sẽ học yêu thương con người này cách sâu sắc hơn
là yêu theo cảm xúc tình cảm, theo nhịp đập của con tim, mơ mộng; hoặc tôi đi
tìm một tình yêu say đắm trong hai năm với một người nào khác? Nếu bạn chọn giải
đáp là một tình yêu sâu sắc, hôn nhân và quan hệ sẽ triển nở đến một mức độ mới
mẻ và càng có nhiều cơ hội cho hạnh phúc lớn hơn. Nếu bạn chọn câu trả lời từ
chối, quan hệ hôn nhân sẽ chết chóng vánh hoặc có khi chết dần dà trong đau đớn.
Một hoặc cả hai người không còn cảm xúc nữa và sẽ bắt đầu đi tìm một kinh nghiệm
yêu đương say mê với một đối tượng khác. Họ sẽ mắc sai lầm vì đã lẫn lộn khoái
lạc với tình yêu.
S. và D. kết hôn với nhau đã hơn năm mươi năm. Cả
hai người đều có cá tính rất mạnh mẽ. Mọi ý kiến đều bị bỏ qua. Họ hay cãi vã rất
sôi nổi. Nhưng tình yêu cũng tiến triển trong khi hai vợ chồng lo nuôi dạy bốn
đứa con, hai người được chẩn đoán có bệnh nguy nan và hứng chịu sự tàn tạ của
tuổi già. Tôi sẽ nhớ mãi cuộc gặp gỡ với bà D. vào một ngày những năm tháng cuối
cuộc đời bà. Câu chuyện trao đổi lần hồi chuyển đến đề tài về sex vốn đang là nỗi
ám ảnh của văn hóa xã hội ngày nay, và cám dỗ của thời đại xem tất cả hôn nhân
chỉ xoay quanh vấn đề tình dục, như thể nó đủ để xây dựng nên một cuộc đời. Bà
D. có ý muốn chia sẻ với vợ chồng tôi, nói
“Sex rất tuyệt, nhưng nó thực sự chẳng có liên quan gì với cuộc hôn nhân
của chúng tôi lúc này. Chúng tôi đã chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Chúng tôi đã
và đang cùng chịu khổ với nhau. Giờ đây chúng tôi cùng nhau đi đến cuối cuộc đời.
Tại sao tôi muốn làm điều ấy với một ai khác cơ chứ? Hôn nhân rộng lớn hơn sex
vô cùng”.
Bà D. khi ấy có lẽ không biết bà đang nói về bí
quyết làm người bạn tốt nhất của nhau: nghĩa bằng hữu phu thê. Một thời gian
lâu sau khi yêu đương say đắm đã lắng dịu, quan hệ có thể chuyển biến qua một
tình bạn đích thật, chân thành, như người ta gọi là sống cái nghĩa vợ chồng bè
bạn. Như thế đôi bạn có thể xây dựng một cuộc sống cùng nhau.
Bạn hãy nghĩ đến những người bạn thân nhất trong
cuộc đời và những điểm chung bạn và người ấy cùng chia sẻ.
1)
Những giá
trị chung: những điều các bạn cùng quí trọng
2)
Những quan
tâm chung: những loại hoạt động các bạn cùng thích làm
3)
Tin tưởng
mọi sự: bạn có thể đặt tin cậy ở người bạn thân ấy
4)
Vui thích
bên nhau: cùng vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ với nhau
5)
Những cơ hội
bên nhau tâm sự: nơi bạn có thể trút những tình cảm và bí mật sâu xa nhất của bạn.
Nếu hôn nhân của bạn có những đặc điểm như thế,
hãy đợi nó trổ sinh hoa trái tốt lành. Vì đó là những nét đặc trưng của bí quyết
nghĩa tình bằng hữu, làm người bạn tốt nhất của nhau.
Hôn nhân là một quan hệ giữa các đối tác phối ngẫu
(partnership) và bằng hữu (friendship) hơn bất kì một quan hệ nào khác. Vì vợ
chồng xây dựng những gì họ cùng mong đợi cho cuộc sống chung năm mươi năm sắp tới
hay hơn nữa, nên hai người đều có ảnh hưởng lẫn nhau trong mọi cách thức.
Nhớ lại chuyện của hai ông bà C. và M. Khi bạn
bè đến thăm và chia sẻ nỗi buồn với ông
C. sau khi bà M. qua đời, đề tài ông C. thích chia sẻ nhiều nhất là về
người vợ quá cố của mình. Hai người vốn không chỉ là bạn tình của nhau. Họ còn
là bạn tâm giao, tri kỉ, bạn thân suốt cuộc đời. Nói cách khác, hai người hiểu
biết những bí mật trong ngóc ngách tâm hồn của nhau.
Cũng giống như thế, A. có ảnh hưởng kì diệu trên
cuộc sống của tôi. Chính A. là người đã đưa tôi trở về với Chúa đang khi tôi
còn lang thang trên những nẻo đường xa đức tin. Cô ta đã để lại một ấn tượng
tuyệt vời trên mọi công việc phục vụ chúng tôi làm chung, và có ảnh hưởng trên
công việc lãnh đạo của tôi nhờ sự chín chắn tâm linh của nàng. Tôi ít có kinh
nghiệm về trẻ con khi chúng tôi mới kết hôn. Nhờ những tài khéo làm mẹ của A.
mà tôi đã học được cách thức làm một ông bố tốt. Cô ta ảnh hưởng đến tầm nhìn mở
rộng ra của tôi trong hàng tá đề tài cuộc sống vì tôi tôn trọng sự khôn ngoan của
nàng, quí trọng ý kiến của nàng, và trân quí tình bạn của nàng. A. là người bạn
tốt nhất của tôi. Đó là điều giúp hôn nhân chúng tôi không những tồn tại mà còn
triển nở tốt đẹp với bao kinh nghiệm chúng tôi chia sẻ với các anh chị đây. Tôi
đã đón nhận và biết ơn A. vì ảnh hưởng ấy. Đó là điều những người bạn thân tốt
nhất làm với nhau và cho nhau.
Quả thật, công trình nghiên cứu của John Gottman
cho thấy rằng 81 phần trăm các cuộc hôn nhân trong đó người đàn ông đề kháng lại
những chỉ dẫn của vợ mình sẽ kết thúc bằng li dị. Một số người sẽ phản đối, nói
điều đó thật phi lí. Vì người đàn ông cần phải là người cầm cương, có ý chí
kiên định, đứng vững, hiên ngang, quyết định mọi sự và người đàn bà chỉ cần biết
phục tùng thôi. Ngược lại, có những người khác nghe bài nghiên cứu này và nghĩ
rằng nó gợi ý đàn ông nên mềm mỏng, chịu đựng như “tấm thảm” chùi chân, nhu nhược
như con “sứa biển”, và chấp nhận tiêu cực mọi tiếng phàn nàn rầy rà của vợ: “chỉ
cần chiều theo ý cô ấy”.
Tuy nhiên, viễn tượng cơ bản nghiên cứu của
Gottman áp dụng không chỉ cho hôn nhân nhưng còn cho mọi quan hệ lành mạnh
khác, với bạn bè, nhân viên đồng nghiệp, hay anh chị em trong gia đình. Cố chấp
và cứng cỏi không phải là tiêu chuẩn thẩm định một con người lành mạnh, cũng
không phải là phẩm chất tiêu biểu của một mối quan hệ bền vững. Người khôn
ngoan tìm kiếm sự đóng góp của người khác, biết lắng nghe họ, và đem áp dụng những
gì hữu ích. Đón nhận những lời tư vấn và sự động viên từ những người quan tâm đến
bạn sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, chứ không yếu kém đi.
Bí quyết sống nghĩa tình bằng hữu sẽ đưa cuộc
hôn nhân của bạn đi xuyên qua tình cảnh tốt đẹp cũng như tệ hại nhất. Và thực
ra, bạn bè tốt nhất ảnh hưởng nhau rất nhiều. Đó chính là cung cách sống của những
người bạn tốt đối với nhau. Một người đàn ông biết để cho vợ nói ra sự thật về
đời sống mình, người ấy sẽ có một hôn nhân triển nở. Sau cùng, ai lại không ước
muốn có một người bạn đời luôn tìm những ích lợi tốt đẹp nhất cho mình, một người
phối ngẫu luôn tìm giúp để chúng ta trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của chính
mình?
Hãy chỉ cho tôi một người đàn ông cố chấp luôn bỏ
ngoài tai lời vợ khuyên mình và tôi sẽ chỉ cho bạn một cuộc hôn nhân đang tìm đến
với luật sư chuẩn bị cho tòa án. Đó là một sự khác biệt kì diệu khi bạn sống bí
quyết nghĩa tình bằng hữu trong hôn nhân.
Thực hành: Bạn hãy viết một bức thư cho chồng (vợ) mình, tâm sự điều gì trong con người của anh (chị) mà bạn yêu, ngưỡng mộ, tôn trọng nhất. Nêu vài ví dụ cụ thể những lúc nào anh (chị) đã giúp bạn được thêm năng lượng, thêm sức sống, đứng bên bạn như một người bạn tri kỉ, tâm giao, đã hiểu và giúp bạn thấy rõ sự thật. Viết thư sẽ giúp bạn có thời gian thực sự suy nghĩ về điều bạn muốn nói, đây chỉ là cách thức nói điều bạn muốn nói. Hãy dành thời gian cho nó. Nhắc nhở người bạn đời và chính mình rằng tình bạn sâu sắc sẽ kết nối hai người lại với nhau. Nói với anh (chị) “Anh (Em) là người bạn tốt nhất của em (anh)”. Hãy sống bí quyết tình bạn này.
Xem thêm những bài trước:
6. Bí quyết ngân hàng tình yêu 5. Bí quyết gần gũi qua những việc nhỏ |