Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (12/12/2021) - Tôi phải làm gì?
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, trình bày nhiều nhóm người khác nhau như đám đông, người thu thuế và binh lính. Họ bị đánh động bởi lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả và rồi hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng tôi phải làm gì? Đây là câu hỏi mà họ đặt ra. Hãy dừng lại một chút ở câu hỏi này.
Nó không bắt đầu từ ý thức về bổn phận. Đúng hơn, chính tấm lòng được Chúa đánh động, chính lòng hăng hái chờ ngày Người đến đã khiến chúng ta phải nói: chúng tôi phải làm gì? Sau đó, ông Gioan nói: “Đức Chúa đang đến. Chúng ta phải làm gì?” Hãy lấy một ví dụ: chúng ta nghĩ về một người thân yêu đang đến thăm chúng ta. Chúng ta chờ đợi họ với niềm vui và thực sự nóng lòng. Để tiếp đón họ, chúng ta sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn tốt nhất có thể, hay có thể là một món quà nữa… Tóm lại, chúng ta sẽ rất bận rộn. Vì vậy, đối với Chúa, niềm vui khi Ngài đến khiến chúng ta phải thốt lên: chúng ta phải làm gì? Nhưng Chúa đặt câu hỏi này lên mức cao nhất: Tôi phải làm gì với cuộc đời tôi? Tôi được mời gọi làm gì? Tôi phải thực hiện điều gì?
Khi gợi ý cho chúng ta câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống giao cho mỗi chúng ta một bổn phận. Cuộc sống này không phải là vô nghĩa, cũng không phải là ngẫu nhiên. Không! Đó là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta khi nói với chúng ta: hãy tìm hiểu bạn là ai, và phải làm gì để hiện thực hoá ước mơ là cuộc sống của bạn! Xin đừng quên điều này - mỗi chúng ta có một sứ mạng cần phải hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng ngại hỏi Chúa: con phải làm gì? Hãy thường xuyên hỏi Người về câu hỏi này. Câu hỏi này cũng xuất hiện trong Kinh thánh - sách Công vụ Tông đồ. Một số người khi nghe thánh Phêrô loan báo về sự phục sinh của Chúa Giêsu thì “họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: ‘Vậy chúng tôi phải làm gì?’” (Cv 2,37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: Tôi phải làm gì tốt cho tôi và cho anh chị em? Làm thế nào tôi có thể đóng góp cho điều này? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào thiện ích của Giáo hội, của xã hội? Mùa Vọng là mùa dành cho điều này: hãy dừng lại và tự hỏi mình làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta đang bận rộn với rất nhiều sự chuẩn bị, cho những món quà và những thứ chóng qua, nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình phải làm gì cho Chúa Giêsu và cho những người khác! Chúng ta phải làm gì?
Trong Tin Mừng, khi người ta hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?” thì ông đưa ra những câu trả lời khác nhau đối với mỗi nhóm. Thực tế, ông Gioan khuyến khích những người có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, ông nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3,13); và đối với binh lính: “Đừng hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người ta” (Lc 3,14). Đối với mỗi nhóm người, ông đưa ra một lời cụ thể, vốn gắn với thực tế cuộc sống của người ấy. Điều này mang đến cho chúng ta một lời dạy giá trị: đức tin được thể hiện trong cuộc sống cụ thể. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết khái quát! Không! Đức tin đụng chạm đến da đến thịt và biến đổi cuộc sống của mỗi người. Chúng ta hãy nghĩ đến một điều cụ thể nơi đức tin của chúng ta. Tôi, đức tin của tôi: nó trừu tượng hay cụ thể? Tôi có dùng nó để phục vụ và giúp đỡ người khác không?
Cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có thể làm gì một cách cụ thể? Trong những ngày mà chúng ta đang đến gần ngày lễ Giáng Sinh. Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Chúng ta hãy đưa ra một cam kết cụ thể, dù chỉ là một cam kết nhỏ, nhưng nó phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, và hãy thực hiện nó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi điện cho ai đó cô đơn, thăm người già hoặc người bệnh nào đó, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, có lẽ chính tôi cũng cần cầu xin một sự tha thứ, cũng cần cho đi một sự thứ tha, cũng cần một lời giải thích cho vấn đề nào đó, một món nợ phải trả. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và lúc này, sau một thời gian dài, tôi đến với với sự tha thứ của Chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tìm một điều gì đó cụ thể và thực hiện nó! Xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Thiên Chúa làm người, giúp chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (16/12/2018) - Niềm vui sẽ tràn đầy nếu tâm hồn chúng ta ở trong Chúa
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui mừng Hãy lắng nghe cho rõ: Hãy vui lên. Với những lời này, Tiên tri Xôphônia hướng đến phần bé nhỏ dân Israel: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn" (Xp 3,14). Cư dân của thành thánh được kêu mời hãy vui mừng vì Chúa đã rút lại lời kết án dân (c.15). Chúa đã tha thứ, Ngài không muốn trừng phạt! Do đó, dân thành không còn có lý do phải buồn rầu và nản chí, nhưng tất cả mang lại một lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa, Đấng luôn muốn chuộc lại và cứu độ dân mà Ngài yêu thương. Và tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Ngài không ngừng, tình yêu này có thể so sánh với sự dịu dàng của người cha dành cho con cái, của chàng rể dành cho cô dâu, như Xôphônia nói: "Vì ngươi, Người hân hoan vui sướng. Với ngươi, Người làm mới lại Tình Yêu của Người. Vì ngươi, Người nhảy mừng trong tiếng reo vui"(c.17). Như vậy Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật của niềm vui, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, trước lễ Giáng Sinh.
Lời kêu gọi của vị ngôn sứ thích hợp đặc biệt trong thời gian chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, bởi vì nó áp dụng cho Chúa Giêsu, Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta: sự hiện diện của Người là nguồn vui. Thực vậy, Xôphônia công bố: "Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi”; và rồi ngôn sứ nhắc lại: "Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi" (c. 5,17). Thông điệp này tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của nó trong thời điểm Truyền tin cho Đức Maria, được thánh sử Luca thuật lại. Những lời mà thiên thần Gabriel chào Đức Trinh nữ như tiếng vang của những lời tiên tri: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng trinh nữ " (Lc 1, 28). Trong một ngôi làng hẻo lánh ở Galilê, nơi trái tim của một thiểu nữ chưa được mọi người biết đến, Thiên Chúa đã thắp lên tia sáng hạnh phúc cho cả thế giới. Và hôm nay, lời loan báo tương tự được gửi đến Giáo hội, Giáo hội được kêu gọi đón nhận Tin Mừng để Tin Mừng trở nên xác thịt, cuộc sống cụ thể: "Hãy vui mừng, hỡi cộng đoàn Kitô nhỏ bé, nghèo nàn và khiêm nhường nhưng xinh đẹp trong mắt Ta bởi vì các con ước muốn mãnh liệt Vương quốc Ta, các con khao khát công lý, kiên nhẫn dệt hòa bình, không theo kẻ quyền thế nhưng trung thành ở bên cạnh người nghèo. Và vì vậy các con không sợ bất cứ điều gì ngoài một tâm hồn luôn hân hoan". Nếu chúng ta bước đi như thế trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ luôn vui tươi. Niềm vui dâng cao, khi niềm vui tràn đầy sự khiêm tốn mỗi ngày, đó là hòa bình. Hòa bình là niềm vui bé nhỏ, nhưng đó là niềm vui đích thực.
Thánh Phaolô hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng lo lắng về bất cứ điều gì, nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy trình bày những ước vọng, những nhu cầu, lo lắng lên cùng Chúa, “bằng kinh nguyện và cầu xin" (Phil 4,6).
Ý thức rằng trong những khó khăn, chúng ta luôn có thể hướng về Chúa, và Ngài không bao giờ từ chối những lời khẩn cầu của chúng ta, đây là một lý do tuyệt vời cho niềm vui. Không có sự lo lắng, sự sợ hãi nào sẽ có thể lấy khỏi chúng ta sự thanh thản đến từ việc nhận biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Ngay cả giữa những khó khăn và đau khổ, sự chắc chắn này nuôi dưỡng hy vọng và sự can đảm.
Nhưng để đón nhận lời mời của Chúa đến niềm vui, chúng ta cần phải là những người sẵn sàng đặt câu hỏi cho chính mình. Cũng giống như những người sau khi nghe lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả, đã hỏi thánh nhân: "Chúng tôi phải làm gì?" (Lc 3,10). Câu hỏi này là bước đầu tiên trong hành trình hoán cải mà chúng ta được mời gọi thực hiện trong Mùa Vọng này. Mỗi người hãy tự hỏi: Tôi phải làm gì? Nhỏ bé thôi nhưng “Tôi phải làm gì?”
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta mở rộng lòng mình với Thiên Chúa, Đấng đang đến, để Ngài làm tràn ngập cả cuộc đời chúng ta với niềm vui.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (13/12/2015) - Niềm vui vì được thương xót
Lời mời gọi của ngôn sứ dành cho thành phố Giêrusalem xưa kia cũng được gửi đến toàn thể Giáo hội và từng người trong chúng ta hôm nay: “Hãy vui mừng... hãy hân hoan!” (Xôphônia 3:14). Lý do để vui mừng được diễn đạt bằng những lời mang lại hy vọng và có thể nhìn về tương lai với sự bình an. Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi sự kết án và quyết định ở giữa chúng ta.
Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng này hướng tầm nhìn của chúng ta về lễ Giáng sinh, hiện đang đến gần. Chúng ta không thể để mình bị cuốn vào sự mệt mỏi; nỗi buồn dưới bất kỳ hình thức nào đều không được phép, ngay cả khi chúng ta có lý do, với nhiều lo lắng và nhiều hình thức bạo lực đang làm tổn thương nhân loại của chúng ta. Tuy nhiên, việc Thiên Chúa đến phải làm đầy trái tim chúng ta bằng niềm vui. Ngôn sứ, trong chính cái tên của mình - Xôphônia - đã ghi lại nội dung của sứ điệp này, mở lòng chúng ta ra để tin tưởng: “Thiên Chúa bảo vệ” dân của Ngài. Trong bối cảnh lịch sử của sự bạo ngược và bạo lực trầm trọng, đặc biệt bởi những người có quyền lực, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ cai trị dân Ngài, rằng Ngài sẽ không còn để họ chịu đựng sự kiêu ngạo của các nhà lãnh đạo, và rằng Ngài sẽ giải thoát họ khỏi mọi nỗi khổ. Hôm nay, chúng ta được mời gọi “đừng để tay chúng ta kinh hãi rụng rời” (x. Xôphônia 3:16) vì sự nghi ngờ, sự thiếu kiên nhẫn hoặc vì đau khổ.
Thánh Tông đồ Phaolô tiếp tục nhấn mạnh giáo huấn của ngôn sứ Xôphônia và khẳng định: “Chúa đang đến gần” (Philiphê 4:5). Vì lý do này, chúng ta hãy vui luôn, và với mọi người hãy ân cần làm chứng về sự gần gũi và sự chăm sóc mà Thiên Chúa dành cho từng người.
Chúng ta đã mở Cửa Thánh, ở đây và tại tất cả các Nhà thờ Chính tòa trên thế giới. Ngay cả dấu hiệu đơn giản này cũng là một lời mời gọi đến niềm vui. Thời gian của sự tha thứ lớn lao bắt đầu. Đó là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đây là thời điểm để tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và tình thương của Ngài như một người Cha. Thiên Chúa không yêu thích sự cứng nhắc. Ngài là Cha; Ngài là tình thương. Ngài làm mọi thứ với sự dịu dàng của người Cha. Chúng ta cũng giống như đám đông đã hỏi Gioan, “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Luca 3:10). Phản ứng của Gioan là ngay lập tức. Ngài mời gọi chúng ta thực hiện sự công bằng và chăm sóc nhu cầu của những người đang túng thiếu. Tuy nhiên, những gì Gioan yêu cầu từ những người đối thoại với Ngài là những gì được phản ánh trong Sách luật. Chúng ta, tuy nhiên, được yêu cầu một sự dấn thân sâu sắc hơn. Trước Cửa Thánh mà chúng ta được mời gọi đi qua, chúng ta được mời gọi trở thành những công cụ của lòng thương xót, và chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử về hành động của chúng ta. Những ai đã chịu phép rửa biết rằng họ có một nhiệm vụ lớn lao hơn. Đức tin vào Đức Kitô dẫn đến một hành trình suốt đời: trở nên nhân từ như Chúa Cha. Niềm vui khi đi qua Cửa Lòng Thương Xót đi kèm với một cam kết chào đón và làm chứng cho một tình yêu vượt qua công lý, một tình yêu không có biên giới. Chính vì tình yêu vô hạn này mà chúng ta có trách nhiệm, bất chấp những mâu thuẫn của mình.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính mình và cho tất cả những ai đi qua Cửa Lòng Thương Xót, để tất cả chúng ta đều có thể hiểu và chào đón tình yêu vô hạn của Chúa Cha trên trời, Đấng tái tạo, biến đổi và canh tân cuộc sống.
Nguồn: WHĐ (13/12/2015)
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (13/12/2015) - Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai khỏi cơ hội được cứu rỗi
Anh chị em thân mến, Chào buổi sáng!
Trong Tin Mừng hôm nay, có một câu hỏi được đặt ra ba lần: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3:10, 12, 14). Câu hỏi này được ba nhóm người nêu ra với Gioan Tẩy Giả: Nhóm thứ nhất, đám đông nói chung; Nhóm thứ hai, những người thu thuế; và nhóm thứ ba, một số người lính. Mỗi nhóm này đều hỏi vị tiên tri về những gì cần phải làm để thực hiện cuộc hoán cải mà ông đang rao giảng. Câu trả lời của Gioan cho câu hỏi của đám đông là chia sẻ những hàng hóa thiết yếu. Ông nói với nhóm đầu tiên, đám đông, hãy chia sẻ những nhu cầu cơ bản, và do đó nói: “Ai có hai áo, hãy chia cho người không có; và ai có thức ăn, hãy làm như vậy” (câu 11). Với những kẻ thu thế, ông dạy họ đừng đòi quá mức ấn định cho họ. Có nghĩa là đừng đòi tiền hối lộ! Rõ ràng là thế. Với các binh sĩ, vị ngôn sứ yêu cầu họ đừng bóc lột của ai điều gì nhưng hãy hài lòng với đồng lương của mình (c.14). Có ba câu trả lời cho ba câu hỏi của các nhóm này. Ba câu trả lời cho một con đường ăn năn giống hệt nhau, được thể hiện trong những cam kết cụ thể về công lý và tình liên đới. Đó là con đường mà Chúa Giêsu chỉ ra trong mọi lời rao giảng của Người: con đường của tình yêu thương tha nhân.
Từ những lời loan báo của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta hiểu đâu là xu hướng chung của những người nắm quyền thời ấy, dưới những hình thức khác nhau. Những sự kiện ấy không thay đổi bao nhiêu trong thời nay. Tuy nhiên, không có hạng người nào bị loại khỏi con đường sám hối để đạt được sự cứu rỗi, ngay cả những người thu thuế, những người được coi là tội nhân theo định nghĩa: ngay cả họ cũng không bị loại khỏi sự cứu rỗi. Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai khỏi cơ hội được cứu rỗi. Ngài quan tâm dùng lòng thương xót đối với tất cả mọi người và đón nhận mỗi người trong vòng tay dịu dàng hòa giải và tha thứ của Ngài.
Chúng ta cảm thấy rằng câu hỏi - “Chúng tôi phải làm gì?” - cũng là của chúng ta. Phụng vụ ngày hôm nay lập lại với chúng ta, qua những lời của thánh Gioan, rằng cần phải hoán cải, cần đổi hướng đi và đi vào con đường công bằng, liên đới, tiết độ: đó là những giá trị không thể tách rời khỏi một cuộc sống hoàn toàn là nhân bản và Kitô chân chính”. Hãy ăn năn! Nó tóm tắt sứ điệp của Gioan Tẩy Giả.
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 3 mùa vọng này giúp chúng ta tái khám phá một chiều kích đặc thù của sự hoán cải, đó là sự vui mừng.
Bất cứ ai hoán cải và đến gần Chúa, đều cảm thấy vui mừng. Tiên tri Xophônia nói với Giêrêsalem cũng như với chúng ta ngày hôm nay: “Hãy hát lên, hỡi thiếu nữ Zion!” (Xp 3:14); và thánh Tông đồ Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu ở Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4:4). Ngày nay, cần có can đảm để nói về niềm vui, nhất là cần đức tin! Thế giới bị vây bủa vì bao nhiêu vấn đề, tương lai đầy bấp bênh và sợ hãi. Nhưng Kitô hữu là người vui tươi, và niềm vui của họ không phải là một cái gì hời hợt chóng qua, trái lại nó sâu xa và vững bền, vì đó là một hồng ân của Thiên Chúa làm đầy cuộc sống. Niềm vui của chúng ta xuất phát từ xác tín ”Chúa ở gần” (Phi 4,5),
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta củng cố đức tin để chúng ta biết tiếp đón Thiên Chúa của niềm vui, Đấng luôn muốn ở giữa các con cái của Ngài. Và xin Mẹ dạy chúng ta chia sẻ nước mắt với những người khóc, để cũng có thể chia sẻ nụ cười.
Kêu gọi
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến Hội nghị về sự thay đổi khí hậu mới kết thúc ở Paris với việc thông qua một hiệp định mà nhiều người coi là có tính chất lịch sử. Ngài nói:
Việc thực thi hiệp định này đòi phải có sự dấn thân chung và lòng tận tụy quảng đại từ phía mỗi người. Tôi cầu mong có một sự quan tâm đặc biệt được dành cho những dân tộc dễ bị tổn thương nhất, và tôi khuyên toàn thể cộng đồng quốc tế tiếp tục mau mắn theo đuổi con đường đã đề ra trong dấu chỉ một tinh thần liên đới ngày càng trở thành thực tại.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến hội nghị cấp bộ trưởng từ ngày 15-12 tơi đây của tổ chức mậu dịch quốc tế tại Nairobi. Ngài nói:
Tôi ngỏ lời với các nước tham dự hội nghị này để các quyết định được đề ra trong đó để ý tới những nhu cầu của người nghèo và những người dễ bị tổn thương, cũng như để ý tới các khát vọng hợp pháp của các nước kém phát triển và công ích của toàn thể gia đình nhân loại.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (16/12/2012) – Vui vì Chúa ở cùng chúng ta
(Đức Thánh Cha viếng thăng giáo xứ San Patrizio)
Kính thưa anh chị em giáo xứ San Patrizio,
Tôi rất vui mừng khi được đến thăm anh chị em và cử hành Bí tích Thánh Thể với anh chị em và vì anh chị em. Trước hết, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư dựa trên Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Vào Chúa Nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, gọi là Chúa Nhật "Gaudete – Vui mừng", Phụng vụ mời gọi chúng ta vui mừng. Mùa Vọng là thời gian của sự dấn thân và hoán cải, để chuẩn bị cho việc Chúa đến, nhưng hôm nay Giáo Hội cho chúng ta nếm thử trước niềm vui của lễ Giáng Sinh đang đến gần. Thực tế, Mùa Vọng cũng là một thời gian của niềm vui, vì trong mùa này, việc mong đợi Chúa đến được khơi dậy trong lòng những người tín hữu; mong chờ một người đang đến luôn là lý do để vui mừng. Chiều kích vui tươi này có mặt trong Bài Đọc I của Chúa Nhật hôm nay. Trong khi đó, Tin Mừng lại phù hợp với một chiều kích khác của Mùa Vọng: đó là sự hoán cải, để chuẩn bị cho sự hiển linh của Chúa, được loan báo bởi Gioan Tẩy Giả.
Bài Đọc I mà chúng ta vừa nghe là lời mời gọi mạnh mẽ vui mừng. Đoạn văn bắt đầu bằng những lời: "Hãy reo mừng, hỡi thiếu nữ Sion… Hãy vui mừng hớn hở với tất cả lòng mình, hỡi con gái Giêrusalem" (Xph 3,14); lời này tương tự như lời của Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria: "Kính chào bà, đầy ơn phúc" (Lc 1,28). Lý do cốt yếu mà thiếu nữ Sion có thể vui mừng được diễn tả trong câu vừa rồi: "Chúa ở giữa ngươi" (Xph 3,15, 17); điều này có nghĩa là "ở trong cung lòng ngươi", với một sự ám chỉ rõ ràng đến nơi ngự trị của Thiên Chúa trong Hòm Bia Giao Ước, luôn được đặt giữa Dân Israel. Ngôn sứ muốn nói với chúng ta rằng không còn lý do gì để thiếu niềm tin, để nản lòng hay buồn sầu, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, bởi vì chúng ta đã chắc chắn về sự hiện diện của Thiên Chúa, điều này duy nhất có thể làm trái tim dịu lại và hân hoan.
Ngoài ra, Ngôn sứ Xôphônia cũng cho chúng ta biết niềm vui này là tương quan hai chiều: chúng ta được mời gọi vui mừng, nhưng Chúa cũng vui mừng trong mối tương quan với chúng ta; thực sự, ngôn sứ viết: "Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng" (c. 17). Niềm vui được hứa hẹn trong đoạn văn trên sẽ được thực hiện trong Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong cung lòng Đức Maria, "Thiếu nữ Sion", và cũng như đã ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Thực vậy, khi đến trong thế gian, Ngài ban cho chúng ta niềm vui của Ngài, như chính Ngài đã chia sẻ với các môn đệ: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn" (Ga 15,11). Chúa Giêsu mang đến cho con người ơn cứu độ, một mối tương quan mới với Thiên Chúa giúp vượt qua ác thần và sự chết, và mang lại niềm vui đích thực trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đến để soi sáng những con đường thường xuyên chìm trong bóng tối và ích kỷ.
Chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta có thực sự ý thức về thực tế rằng: Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta, rằng Ngài không phải là một Thiên Chúa xa vời mà là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Ngài ở trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở với chúng ta trong Giáo Hội sống động, và chúng ta phải là những người loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa vui mừng trong chúng ta và chúng ta có thể đạt được niềm vui: Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa tốt lành và Thiên Chúa gần gũi.
Trong Bài Đọc II mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê vui mừng trong Chúa. Liệu chúng ta có thể vui mừng không? Và tại sao chúng ta phải vui mừng? Thánh Phaolô trả lời: vì "Chúa đã gần đến" (Pl 4,5). Chỉ vài ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành lễ Giáng Sinh, Lễ Mừng việc Chúa đến, Ngài là Đấng đã tự hạ mình làm người và là anh em của chúng ta để ở cùng chúng ta và chia sẻ với chúng ta trong tình trạng con người. Chúng ta phải vui mừng trong sự gần gũi của Ngài, trong sự hiện diện của Ngài, và phải cố gắng hiểu rõ hơn rằng Ngài thực sự gần gũi, và từ đó chúng ta sẽ được thấm nhuần thực tế về sự tốt lành của Thiên Chúa, niềm vui khi có Chúa Kitô ở với chúng ta.
Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ trong một lá thư khác của ngài rằng không gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đã được thể hiện nơi Chúa Kitô. Chỉ có tội lỗi mới có thể làm chúng ta xa cách Ngài, nhưng đó là yếu tố phân cách mà chính chúng ta tạo ra trong mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta tự xa lìa, Ngài không ngừng yêu thương chúng ta và vẫn gần gũi với chúng ta qua lòng thương xót, sự sẵn sàng tha thứ và ôm ấp chúng ta trong tình yêu của Ngài. Do đó, Thánh Phaolô tiếp tục nhấn mạnh, chúng ta đừng bao giờ phải lo âu, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cứ đem lời cầu khẩn, van xin mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều chúng ta thỉnh nguyện (x. Pl 4,6). Đây là một lý do lớn để vui mừng: biết rằng luôn có thể cầu nguyện với Chúa và rằng Chúa luôn lắng nghe chúng ta, rằng Thiên Chúa không phải là một Đấng xa vời, nhưng thực sự Ngài lắng nghe, Ngài biết chúng ta; và biết rằng Ngài không bao giờ từ chối lời cầu nguyện của chúng ta, dù Ngài không luôn trả lời theo cách chúng ta muốn, nhưng Ngài luôn đáp lại. Và Thánh Phaolô thêm vào: cầu nguyện “với lòng biết ơn” (x. Pl 4,6).
Niềm vui mà Chúa thông ban cho chúng ta phải gặp gỡ tình yêu biết ơn trong lòng chúng ta. Thật vậy, niềm vui của chúng ta được trọn vẹn khi chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài, khi chúng ta trở nên nhạy bén với những dấu hiệu của sự tốt lành của Ngài, nếu chúng ta thực sự cảm nhận được rằng sự tốt lành của Thiên Chúa ở với chúng ta và cảm tạ Ngài vì tất cả những gì chúng ta nhận được từ Ngài mỗi ngày. Những ai ích kỷ đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa sẽ không tìm thấy được niềm vui thật sự; nhưng trái tim của những người biến các ân huệ của Thiên Chúa thành cơ hội để yêu mến Ngài với lòng biết ơn chân thành và để truyền đạt tình yêu của Ngài cho người khác, sẽ thật sự đầy tràn niềm vui. Chúng ta hãy nhớ điều này!
Sau hai Bài Đọc, chúng ta đến với Tin Mừng. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng để đón nhận Chúa đến, chúng ta phải chuẩn bị mình bằng cách nhìn thấy rõ hành vi của mình trong cuộc sống. Thánh Gioan Tẩy Giả trả lời những người khác nhau hỏi ông họ phải làm gì để chuẩn bị cho việc Đấng Mêsia đến (x. Lc 3,10, 12, 14), rằng Thiên Chúa không yêu cầu điều gì phi thường, mà chỉ yêu cầu mỗi người phải sống theo tiêu chuẩn của sự liên đới và công bằng; không có những điều này, chúng ta không thể chuẩn bị đúng đắn cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Vì vậy, chúng ta cũng hãy hỏi Chúa: Ngài mong đợi gì nơi chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì, và bắt đầu hiểu rằng Ngài không yêu cầu điều gì phi thường mà chỉ mong chúng ta sống cuộc sống bình thường của mình với sự ngay thẳng và tốt lành.
Cuối cùng, Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ ra rằng chúng ta phải theo Chúa với lòng trung tín và can đảm. Trước hết, ông phủ nhận rằng chính ông là Đấng Mêsia và tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (c. 16). Ở đây, chúng ta nhận thấy sự khiêm nhường sâu sắc của Gioan khi nhận ra sứ mệnh của ông là dọn đường cho Chúa Giêsu. Câu nói: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước” không thể không làm rõ rằng hành động của ông chỉ mang tính biểu tượng. Thực tế, ông không thể xóa bỏ và tha tội: rửa bằng nước chỉ có thể cho thấy rằng cần phải thay đổi cuộc sống. Đồng thời, Gioan loan báo việc đến của Đấng “mạnh hơn ông” - Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (ibid.). Và như chúng ta đã nghe, vị ngôn sứ vĩ đại này sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ để mời gọi người dân ăn năn; tuy nhiên điều này không phải để gieo rắc nỗi sợ hãi mà để khuyến khích họ đón nhận tình yêu của Thiên Chúa theo cách tốt nhất, vì chỉ có tình yêu ấy mới có thể thực sự thanh tẩy cuộc sống. Thiên Chúa làm người như chúng ta để trao cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc: nếu chúng ta theo Ngài, nếu chúng ta sống đúng đắn trong đời sống Kitô hữu, Ngài sẽ kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vào sự hiệp thông với Ngài; và trong trái tim chúng ta sẽ có niềm vui đích thực và bình an thật sự, ngay cả trong khó khăn, ngay cả trong những lúc yếu đuối.
Tiếp theo Đức Thánh Cha có lời những lời chúc tốt đẹp đến Giáo xứ San Patrizio. Để tóm kết, Đức Thánh Cha mời gọi:
Anh chị em thân mến, như chúng ta đã nói vào đầu lễ kỷ niệm này, phụng vụ hôm nay kêu gọi chúng ta đến với niềm vui và sự hoán cải. Chúng ta hãy mở lòng mình ra với lời mời gọi này; và chúng ta hãy nhanh chóng gặp Chúa đang đến, cầu khẩn và noi gương Thánh Patrick, một nhà truyền giáo vĩ đại, và Đức Trinh Nữ Maria, người đã chờ đợi và chuẩn bị trong thinh lặng và cầu nguyện cho sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc. Amen!
Nguồn: WHĐ (16/12/2012)
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C (16/12/2012) - Tính thời sự trong câu trả lời của Thánh Gioan Tẩy giả
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng cho Chúa Nhật này của Mùa Vọng một lần nữa trình bày hình ảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin mừng mô tả cuộc trò chuyện của Ngài với những người đến với Ngài bên dòng sông Jordan để chịu phép rửa. Vì Gioan, với những lời sắc bén, kêu gọi tất cả họ chuẩn bị cho việc Đấng Mêsia đến, một số người hỏi Ngài: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3:10, 12, 14). Các cuộc đối thoại này thật ý nghĩa và rất thời sự.
Câu trả lời thứ nhất của thánh nhân hướng về tập thể dân chúng. Thánh Gioan Tẩy Giả nói: ”Ai có hai áo chùng, thì hãy cho người không có một áo, và ai có lương thực để ăn thì cũng hãy làm như vậy” (v.11). Ở đây chúng ta có thể thấy một tiêu chuẩn công lý, được đức bác ái linh hoạt. Công lý đòi phải vượt thắng sự chênh lệch giữa người có dư thừa và người thiếu những điều tối cần thiết; bác ái thúc đẩy quan tâm đến người khác và đáp ứng nhu cầu của họ, thay vì tìm kiếm những lý lẽ biện minh để bảo vệ tư lợi. Công lý và bác ái không đối nghịch nhau, nhưng cả hai đều cần thiết và bổ túc cho nhau. “Tình thương luôn luôn là điều cần thiết, cả trong một xã hội công bằng nhất”, vì “luôn luôn có những tình trạng thiếu thốn về vật chất trong đó sự trợ giúp là điều tối cần thiết trong sự yêu thương cụ thể đối với tha nhân” (Deus caritas est, 28)
Câu trả lời thứ hai của thánh Gioan dành cho một số người thu thuế cho người Roma. Những người này bị khinh rẻ vì họ thường lợi dụng địa vị để ăn cắp. Thánh Gioan không bảo họ phải đổi nghề, nhưng đừng đòi thêm điều gì khác ngoài mức đã được ấn định (Xc v.13). Nhân danh Thiên Chúa, vị Ngôn Sứ không đòi phải có những cử chỉ ngoại thường, nhưng trước tiên hãy chu toàn nghĩa vụ của mình một cách lương thiện. Bước đầu tiên tiến về cuộc sống đời đời luôn luôn là tuân giữ các giới răn; trong trường hợp này đó là giới răn thứ bảy: “chớ trộm cắp” (Xc Xh 20,15).
Câu trả lời thứ ba liên quan đến các binh sĩ, một loại người có một quyền bính nào đó, và vì thế dễ bị cám dỗ lạm quyền. Với các binh sĩ, thánh Gioan nói: “Đừng ngược đãi và đừng bóc lột ai; hãy hài lòng với đồng lương của các anh” (v.14). Cả trong trường hợp này, sự hoán cải bắt đầu bằng sự lương thiện và tôn trọng tha nhân: chỉ dẫn này có giá trị đối với mọi người, nhất là những người có trách nhiệm lớn hơn.
Khi xem xét toàn bộ cuộc đối thoại này, điều gây ấn tượng mạnh nhất là tính chất rất cụ thể trong những lời của thánh Gioan: Vì Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về những gì chúng ta làm, nên trong cách cư xử cần chứng tỏ chúng ta tuân theo ý Chúa. Và chính vì thế, những chỉ dẫn của thánh Gioan Tẩy Giả vẫn luôn thời sự: cả trong thế giới phức tạp của chúng ta ngày nay, tình thế sẽ khá hơn nếu mỗi người tuân giữ các qui luật hành xử này. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, giúp chúng ta chuẩn bị Lễ Giáng sinh với nhiều thành quả tốt đẹp của sự hoán cải (x. Lc 3:8).
Nguồn: archivioradiovaticana.va