CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN AJACCIO
NHÂN DỊP ĐẠI HỘI LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN CỦA KHU VỰC ĐỊA TRUNG HẢI
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C
Place d'Austerlitz - Ajaccio
Chúa nhật, 15/12/2024
Dân chúng hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Câu hỏi này đáng được lắng nghe cách cẩn thận, vì nó thể hiện khát vọng muốn canh tân đời sống, cải thiện để tốt hơn. Gioan loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu: những người lắng nghe lời rao giảng của ông mong muốn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ với Đấng Mêsia, với Chúa Giêsu.
Tin Mừng Luca thuật lại rằng chính những người bị xem là xa cách nhất lại bày tỏ ý muốn hoán cải: không phải những người có vẻ gần gũi nhất về mặt xã hội, như các luật sĩ hay kinh sư, mà là những người thu thuế bị coi là tội nhân, thậm chí cả những người lính, họ hỏi: “Thưa ngài, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,12). Đây là một câu hỏi rất hay mà mỗi người chúng ta cũng có thể thưa với Chúa trước khi đi ngủ: “Lạy Chúa, con phải làm gì để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh?” Những ai tự cho mình là công chính thì chẳng muốn đổi gì. Ngược lại, những ai bị coi là tội nhân công khai lại muốn thay đổi từ lối sống bất lương và bạo lực sang một đời sống mới. Và những người xa cách trở nên gần gũi khi Đức Kitô đến gần họ. Gioan đã trả lời những người thu thuế và những người lính rằng: hãy sống công bằng; hãy ngay thẳng và trung thực (x. Lc 3,13-14).
Sứ điệp của Chúa khơi dậy lương tâm, đặc biệt là nơi những người nhỏ bé và bị loại trừ, vì Người đến để cứu, chứ không phải để luận phạt những ai lạc mất (x. Lc 15,4-32). Điều tốt nhất chúng ta có thể làm để được Chúa Giêsu cứu là nhìn nhận sự thật về chính mình: “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi”. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, không ai ngoại lệ. Và chính sự thật này sẽ giúp chúng ta đến gần Chúa hơn, không phải với chiếc mặt nạ của sự công chính giả tạo. Ngài đến để cứu những kẻ tội lỗi!
Vì thế, hôm nay, chúng ta cũng hỏi chính câu hỏi mà dân chúng đã đặt ra cho Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?” Trong thời gian Mùa Vọng này, hãy can đảm đặt câu hỏi đó với lòng chân thành, để chuẩn bị một tâm hồn khiêm nhường và tin tưởng để đón Chúa sắp đến.
Hai cách chờ đợi Đấng Mêsia
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hai cách để chờ đợi Đấng Mêsia: một là sự chờ đợi đầy nghi ngờ, và hai là sự chờ đợi vui tươi. Chúng ta có thể chờ đợi ơn cứu độ bằng hai thái độ này.
Thái độ thứ nhất, sự chờ đợi nghi ngờ, đầy lo âu và ngờ vực. Người ta khi để tâm trí bị cuốn vào những suy nghĩ ích kỷ thì sẽ mất đi niềm vui nội tâm. Thay vì tỉnh thức với hy vọng, họ lại nghi ngờ tương lai. Vì quá chú trọng đến những dự án trần thế, họ không còn biết mong chờ sự can thiệp của Chúa Quan Phòng. Họ không biết chờ đợi với niềm hy vọng mà Chúa Thánh Thần ban cho. Trong trạng thái đó, lời của Thánh Phaolô thật hữu ích khi đánh thức họ khỏi sự uể oải này: “Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl 4,6). Sự lo lắng khiến chúng ta suy sụp. Đau khổ về thể xác hay tinh thần là điều tự nhiên, nhưng lo âu lại là điều không cần thiết. Kitô hữu không được sống trong lo âu triền miên, không được để mình chìm trong thất vọng hay buồn bã.
Ngày nay, những căn bệnh tinh thần này rất phổ biến, đặc biệt trong xã hội bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu thụ. Tôi đã thấy ở Roma, trong những ngày gần đây, rất nhiều người tất bật mua sắm, bị cuốn vào sự hối hả của tiêu thụ. Thế nhưng, sau đó, tất cả chỉ để lại sự trống rỗng. Một xã hội sống dựa trên tiêu thụ sẽ già cỗi trong bất mãn, vì nó không biết sẻ chia. Ai chỉ sống cho mình sẽ không bao giờ hạnh phúc. Để trở nên hạnh phúc, chúng ta phải mở lòng, phải biết cho đi, giúp đỡ và chia sẻ. Đây là điều mà mỗi người trong chúng ta, từ giáo dân đến linh mục, giám mục, thậm chí cả Giáo Hoàng, cần phải suy xét.
Tuy nhiên, Thánh Phaolô cho chúng ta một phương thuốc hiệu quả khi viết: “Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6). Đức tin nơi Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng! Tại đại hội vừa diễn ra tại Ajaccio, người ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vun đắp đức tin, đặc biệt qua lòng đạo đức bình dân. Hãy nghĩ đến kinh Mân Côi: khi được khám phá lại và thực hành đúng, kinh Mân Côi sẽ giúp chúng ta giữ tâm hồn tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, với ánh nhìn chiêm niệm của Đức Maria. Hãy nghĩ đến các hội đoàn giáo dân: họ có thể đào luyện tinh thần phục vụ vô vị lợi cho tha nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Các hội đoàn này, với bề dày lịch sử, tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ và cầu nguyện của Giáo Hội, làm phong phú thêm qua các bài ca và hình thức đạo đức bình dân. Tôi khuyến khích các hội viên hãy sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, để đức tin của chúng ta trở nên sống động trong tình yêu thương.
Chờ đợi trong niềm vui
Giờ đây, chúng ta đến với thái độ thứ hai: sự chờ đợi trong niềm vui. Trái ngược với sự nghi ngờ, thái độ này được đánh dấu bằng lòng tin tưởng và niềm vui nội tâm. Niềm vui Kitô giáo không phải là sự vô tư, hời hợt, hay niềm vui tạm bợ. Đây là niềm vui sâu lắng, xuất phát từ một nền tảng chắc chắn mà ngôn sứ Xôphônia đã diễn tả: “Hãy vui lên vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi. Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng” (Xp 3,17). Thiên Chúa luôn ở giữa chúng ta, trong những công việc tốt lành, khi chúng ta giáo dục con cái, chăm sóc người già. Nhưng Người không hiện diện khi chúng ta nói xấu nhau, bởi nơi đó chỉ có cái tôi của chúng ta mà thôi.
Niềm vui này không phải là một sự lãng quên những nỗi buồn đời thường, mà là hoa trái của Chúa Thánh Thần, dựa trên đức tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Người đến gõ cửa tâm hồn, giải thoát chúng ta khỏi nỗi u sầu và nhàm chán, biến Mùa Vọng thành một lễ hội đầy hy vọng cho mọi dân tộc. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy niềm vui đích thực trong việc sống và trao ban những dấu chỉ hy vọng mà thế giới đang mong đợi.
Hòa bình: dấu chỉ đầu tiên của hy vọng
Dấu chỉ đầu tiên của hy vọng chính là hòa bình. Đấng đến là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mang hòa bình đến cho nhân loại (x. Lc 2,14). Trong khi chuẩn bị đón Người, chúng ta hãy cùng làm cho các cộng đoàn lớn lên trong khả năng đồng hành với mọi người, nhất là người trẻ đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và các Bí tích khác, cũng như chăm sóc những người già, là kho tàng khôn ngoan của dân tộc.
Tầm quan trọng của người già và niềm vui của con trẻ
Người già là kho tàng khôn ngoan của dân tộc. Đừng bao giờ quên điều này. Mỗi người hãy tự hỏi: “Tôi cư xử thế nào với những người già trong gia đình hoặc cộng đoàn của mình? Tôi có tìm đến họ, dành thời gian cho họ, lắng nghe họ, hay chỉ coi họ là gánh nặng, thường xuyên than phiền về những câu chuyện lặp đi lặp lại của họ?” Biết bao người con đã bỏ rơi cha mẹ mình trong các viện dưỡng lão, thậm chí chỉ gửi lời chúc mừng qua điện thoại vào dịp lễ.
Tôi nhớ có lần, khi đến thăm một viện dưỡng lão ở giáo phận cũ, tôi hỏi một cụ bà: “Các con của bà thế nào?” Bà đáp: “Chúng đều khỏe, tôi có nhiều cháu”. Tôi hỏi tiếp: “Chúng có hay đến thăm bà không?” Và bà trả lời: “Có, chúng đến thường xuyên”. Nhưng khi tôi ra ngoài, y tá nói nhỏ với tôi: “Con của bà chỉ đến mỗi năm một lần”. Bà cụ đã che đi khuyết điểm của các con mình. Thật đáng buồn khi người già bị lãng quên, bị bỏ rơi. Chúng ta hãy chăm sóc họ, vì họ chính là di sản và sự khôn ngoan của chúng ta.
Hãy nghĩ đến những người trẻ đang chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và các Bí tích khác. Ở Corsica, thật tuyệt vời khi thấy có rất nhiều trẻ em! Đây là một hồng ân lớn lao của Thiên Chúa. Tôi khuyến khích anh chị em hãy sinh con cái, vì con cái sẽ là niềm an ủi và hạnh phúc của chúng ta trong tương lai. Đây là niềm vui và vinh quang của anh chị em.
Đau khổ và sứ điệp hy vọng
Mặt khác, chúng ta cũng nhận thức rõ rằng thế giới không thiếu những nỗi đau: sự nghèo khổ, chiến tranh, tham nhũng, và bạo lực. Tôi muốn chia sẻ một điều rất đau lòng: trong các buổi tiếp kiến, tôi thường gặp những em bé người Ucraina bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Những đứa trẻ này không cười. Chúng đã quên mất nụ cười là gì. Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em ở các vùng chiến sự, những nỗi đau mà chúng phải chịu đựng. Xin đừng quên cầu nguyện và hành động cho hòa bình, vì đó là dấu chỉ đầu tiên của hy vọng.
Tuy nhiên, Lời Chúa luôn khích lệ chúng ta. Trước những tàn phá đang đè nặng lên các dân tộc, Giáo Hội vẫn loan báo một niềm hy vọng chắc chắn, không làm thất vọng, vì Chúa đến để ở giữa chúng ta. Niềm hy vọng này khơi nguồn sức mạnh vô tận cho sứ mạng của chúng ta trong việc xây dựng hòa bình và công lý.
Niềm vui Kitô giáo và sứ mạng làm chứng
Anh chị em thân mến, trong mọi hoàn cảnh và thử thách, Đức Kitô vẫn hiện diện. Người là nguồn mạch niềm vui của chúng ta. Người đồng hành với chúng ta, nâng đỡ chúng ta, ban cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Hãy luôn khắc ghi trong tim niềm vui này, cùng với sự xác tín rằng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta và bước đi cùng chúng ta. Khi sống trong niềm vui và sự chắc chắn này, chúng ta sẽ hạnh phúc và lan tỏa hạnh phúc đó cho người khác. Đó chính là chứng tá mà chúng ta được mời gọi sống và trao ban.
Làm những việc cụ thể trong Mùa Vọng
Anh chị em thân mến, trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy đặt câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì?” Và hãy can đảm thực hiện những bước cụ thể để chuẩn bị tâm hồn cho Chúa đến. Trong sự chờ đợi vui tươi và đầy hy vọng, hãy sống một đời sống đức tin, yêu thương và phục vụ, để chính cuộc sống của chúng ta trở thành dấu chỉ sống động của Tin Mừng cho thế giới.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và gia đình. Amen.
Nguồn: vaticannews.va/vi