ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

KINH TRUYỀN TIN

Quảng trường thánh Phêrô

Chúa nhật, ngày 13/12/2015

[hình và video]

Anh chị em thân mến, Chào buổi sáng!

Trong Tin Mừng hôm nay, có một câu hỏi được đặt ra ba lần: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3:10, 12, 14). Câu hỏi này được ba nhóm người nêu ra với Gioan Tẩy Giả: Nhóm thứ nhất, đám đông nói chung; Nhóm thứ hai, những người thu thuế; và nhóm thứ ba, một số người lính. Mỗi nhóm này đều hỏi vị tiên tri về những gì cần phải làm để thực hiện cuộc hoán cải mà ông đang rao giảng. Câu trả lời của Gioan cho câu hỏi của đám đông là chia sẻ những hàng hóa thiết yếu. Ông nói với nhóm đầu tiên, đám đông, hãy chia sẻ những nhu cầu cơ bản, và do đó nói: “Ai có hai áo, hãy chia cho người không có; và ai có thức ăn, hãy làm như vậy” (câu 11). Với những kẻ thu thế, ông dạy họ đừng đòi quá mức ấn định cho họ. Có nghĩa là đừng đòi tiền hối lộ! Rõ ràng là thế. Với các binh sĩ, vị ngôn sứ yêu cầu họ đừng bóc lột của ai điều gì nhưng hãy hài lòng với đồng lương của mình (c.14). Có ba câu trả lời cho ba câu hỏi của các nhóm này. Ba câu trả lời cho một con đường ăn năn giống hệt nhau, được thể hiện trong những cam kết cụ thể về công lý và tình liên đới. Đó là con đường mà Chúa Giêsu chỉ ra trong mọi lời rao giảng của Người: con đường của tình yêu thương tha nhân.

Từ những lời loan báo của thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta hiểu đâu là xu hướng chung của những người nắm quyền thời ấy, dưới những hình thức khác nhau. Những sự kiện ấy không thay đổi bao nhiêu trong thời nay. Tuy nhiên, không có hạng người nào bị loại khỏi con đường sám hối để đạt được sự cứu rỗi, ngay cả những người thu thuế, những người được coi là tội nhân theo định nghĩa: ngay cả họ cũng không bị loại khỏi sự cứu rỗi. Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai khỏi cơ hội được cứu rỗi. Ngài quan tâm dùng lòng thương xót đối với tất cả mọi người và đón nhận mỗi người trong vòng tay dịu dàng hòa giải và tha thứ của Ngài.

Chúng ta cảm thấy rằng câu hỏi - “Chúng tôi phải làm gì?” - cũng là của chúng ta. Phụng vụ ngày hôm nay lập lại với chúng ta, qua những lời của thánh Gioan, rằng cần phải hoán cải, cần đổi hướng đi và đi vào con đường công bằng, liên đới, tiết độ: đó là những giá trị không thể tách rời khỏi một cuộc sống hoàn toàn là nhân bản và Kitô chân chính”. Hãy ăn năn! Nó tóm tắt sứ điệp của Gioan Tẩy Giả.

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 3 mùa vọng này giúp chúng ta tái khám phá một chiều kích đặc thù của sự hoán cải, đó là sự vui mừng.

Bất cứ ai hoán cải và đến gần Chúa, đều cảm thấy vui mừng. Tiên tri Xophônia nói với Giêrêsalem cũng như với chúng ta ngày hôm nay: “Hãy hát lên, hỡi thiếu nữ Zion!” (Xp 3:14); và thánh Tông đồ Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu ở Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4:4). Ngày nay, cần có can đảm để nói về niềm vui, nhất là cần đức tin! Thế giới bị vây bủa vì bao nhiêu vấn đề, tương lai đầy bấp bênh và sợ hãi. Nhưng Kitô hữu là người vui tươi, và niềm vui của họ không phải là một cái gì hời hợt chóng qua, trái lại nó sâu xa và vững bền, vì đó là một hồng ân của Thiên Chúa làm đầy cuộc sống. Niềm vui của chúng ta xuất phát từ xác tín ”Chúa ở gần” (Phi 4,5),

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta củng cố đức tin để chúng ta biết tiếp đón Thiên Chúa của niềm vui, Đấng luôn muốn ở giữa các con cái của Ngài. Và xin Mẹ dạy chúng ta chia sẻ nước mắt với những người khóc, để cũng có thể chia sẻ nụ cười.

Kêu gọi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nhắc đến Hội nghị về sự thay đổi khí hậu mới kết thúc ở Paris với việc thông qua một hiệp định mà nhiều người coi là có tính chất lịch sử. Ngài nói:

Việc thực thi hiệp định này đòi phải có sự dấn thân chung và lòng tận tụy quảng đại từ phía mỗi người. Tôi cầu mong có một sự quan tâm đặc biệt được dành cho những dân tộc dễ bị tổn thương nhất, và tôi khuyên toàn thể cộng đồng quốc tế tiếp tục mau mắn theo đuổi con đường đã đề ra trong dấu chỉ một tinh thần liên đới ngày càng trở thành thực tại.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến hội nghị cấp bộ trưởng từ ngày 15-12 tơi đây của tổ chức mậu dịch quốc tế tại Nairobi. Ngài nói:

Tôi ngỏ lời với các nước tham dự hội nghị này để các quyết định được đề ra trong đó để ý tới những nhu cầu của người nghèo và những người dễ bị tổn thương, cũng như để ý tới các khát vọng hợp pháp của các nước kém phát triển và công ích của toàn thể gia đình nhân loại.

Nguồn: archivioradiovaticana.va