THÔNG ĐIỆP

DEUS CARITAS EST

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ BÁC ÁI KITÔ GIÁO

NHẬP ĐỀ

PHẦN MỘT: MỘT TÌNH YÊU DUY NHẤT TRONG TẠO DỰNG VÀ TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Vấn đề ngôn ngữ

“EROS” và “AGAPÈ”– khác biệt và hợp nhất

Cái mới của đức tin theo Kinh Thánh

Đức Giêsu Kitô – tình yêu Thiên Chúa nhập thể

Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân

PHẦN HAI: CARITAS – BÁC ÁI NHƯ MỘT “CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU” HỘI THÁNH THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG

Hoạt động bác ái của Hội thánh như biểu hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi

Bác ái như trách vụ của Hội thánh

Công bằng và Bác ái

Các cơ cấu đa dạng của việc phục vụ bác ái trong bối cảnh xã hội hôm nay

Nét độc đáo trong hoạt động bác ái của Hội thánh

Những người có trách nhiệm đối với hoạt động bác ái của Hội thánh

KẾT LUẬN


NHẬP ĐỀ

1. “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16)

Những lời trên, trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan, mô tả cách rõ ràng nhất tâm điểm của niềm tin Kitô giáo hệ tại ở điều gì: đó là hình ảnh Thiên Chúa, để rồi từ đó, suy ra hình ảnh con người và số phận của họ. Cũng trong câu nói đó, Gioan đã đưa ra một tóm tắt về đời sống Kitô hữu, đó là “Chúng ta nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.

“Chúng tôi đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa”, Kitô hữu dùng những lời này để diễn tả chọn lựa cơ bản của đời mình. Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của chọn lựa đạo đức hay một lý tưởng cao đẹp, nhưng là trải qua một biến cố, gặp gỡ một nhân vật có khả năng mở đời mình ra cho một chân trời mới và một hướng sống rõ rệt. Phúc âm thánh Gioan đã dùng những lời sau đây để mô tả sự kiện này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài… thì được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua việc nhìn nhận tình yêu là tâm điểm của niềm tin, Kitô hữu nắm bắt được điều cốt lõi của niềm tin mà dân Israel xưa đã có, đồng thời cũng mang lại cho nó một chiều kích sâu rộng hoàn toàn mới. Người Do Thái đạo đức đọc hàng ngày lời kinh rút ra từ sách Đệ Nhị Luật, qua đó họ xác định trọng tâm cuộc sống mình: “Nghe đây hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Đức Giêsu đã kết nối giới răn yêu mến Thiên Chúa với giới luật thương yêu đồng loại được ghi trong sách Lêvi “Người phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Lv 19,18) thành một mệnh lệnh duy nhất (x. Mc 12,29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu ta trước (x. 1 Ga 4,10) nên tình yêu lúc này không còn phải là giới răn nữa, mà là một đáp trả cho hồng ân ‘tình yêu’, qua đó chính Thiên Chúa đang xích lại gần ta hơn.

Sứ điệp này chắc hẳn rất hợp thời và có ý nghĩa rất cụ thể trong một thế giới mà Danh Thiên Chúa đôi khi bị gắn liền với sự báo oán, hay với nghĩa vụ phải thù ghét và bạo lực. Chính vì thế mà ngay trong Thông điệp đầu tiên của tôi đây, tôi muốn đề cập tới thứ tình yêu mà Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta; và về phần mình, ta cũng phải san sẻ tình yêu đó cho kẻ khác. Đó chính là nội dung của hai phần trong Thông điệp liên kết với nhau rất chặt chẽ. Phần thứ nhất nặng về suy luận hơn, vì trong đó, ngay từ khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình, tôi muốn xác định đôi điều căn bản liên quan tới tình yêu Thiên Chúa trao ban cách nhiệm mầu và hoàn toàn nhưng không cho con người, đồng thời cũng vạch ra sự kết nối bên trong giữa Tình Yêu Thiên Chúa với thực tế của tình yêu nhân loại. Phần thứ hai, cụ thể hơn, vì bàn tới việc thi hành giới luật yêu tha nhân trong Hội thánh. Đề tài này có một ứng dụng rất lớn, tuy nhiên bàn sâu rộng là vượt quá mục đích của Thông điệp này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài yếu tố căn bản, hầu khơi dậy trong thế giới một nguồn năng lực mới, và thôi thúc con người dấn thân đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.


PHẦN MỘT: MỘT TÌNH YÊU DUY NHẤT TRONG TẠO DỰNG VÀ TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Vấn đề ngôn ngữ

2. "Thiên Chúa yêu ta" là điều căn bản cho đời sống, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra một số vấn nạn cấp thiết: Thiên Chúa là ai, và chúng ta là ai? Khi suy nghĩ về điều này, lập tức ta vấp phải một vấn đề ngôn ngữ. Ngày nay thuật ngữ ‘tình yêu’ được sử dụng rất phổ biến, nhưng đồng thời cũng rất dễ bị lạm dụng, vì nó gắn liền với bao nhiêu là ý nghĩa rất khác nhau. Cho dẫu Thông điệp này tập trung chủ yếu vào việc hiểu biết và thực hành ‘tình yêu’ theo nội dung Thánh Kinh và Truyền Thống của Giáo hội, chúng ta không thể chỉ phớt lờ ý nghĩa mà từ này hàm chứa trong các nền văn hóa khác nhau, và trong cách nói hiện thời được.

Trước hết chúng ta cần ghi nhận ngữ nghĩa rất đa dạng của thuật ngữ ‘tình yêu’: chúng ta nói tới tình yêu quê hương, yêu nghề nghiệp, yêu bạn bè, yêu công việc, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình yêu đối với thân bằng quyến thuộc, tình yêu tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong các ý nghĩa khác nhau của từ này, vẫn nổi bật một thứ tình yêu rất đặc biệt, đó là tình yêu nam nữ. Trong tình yêu này, xác - hồn được kết hợp bền chặt với nhau tới độ, hầu như không thể chia lìa; và trong đó, con người thoáng nhận ra một hứa hẹn hạnh phúc không cưỡng lại được. Tình yêu ấy như là mẫu mực điển hình của mọi thứ tình yêu khác, để rồi mọi thứ tình yêu sánh với nó, sẽ trở nên mờ nhạt. Từ đó chúng ta thấy xuất hiện một vấn đề: phải chăng tất cả mọi hình thái tình yêu cuối cùng thì cũng chỉ là một một tình yêu duy nhất, với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng tựu trung chúng cũng chỉ là một? Hay ta đang sử dụng một từ ngữ, nhưng lại dùng để ám chỉ nhiều thực tại hoàn toàn khác nhau?

EROS” và “AGAPÈ”– khác biệt và hợp nhất

3. Tình yêu giữa người nam và người nữ không phải là sản phẩm của suy tư hay ý chí, nhưng được áp đặt cách nào đó lên con người; tình yêu này được người Hy-lạp cổ đại gọi là “eros”. Ta cũng nên nhớ rằng, thuật ngữ ‘eros’ chỉ được bản Cựu Ước tiếng Hy-lạp sử dụng có hai lần, trong khi Tân Ước không hề dùng tới nó. Trong ba thuật ngữ Hy-lạp dùng để diễn tả tình yêu, đó là ‘eros’, ‘phylia’ (tình bằng hữu), và ‘agapè’, các tác giả Tân Ước lại chỉ dùng từ cuối cùng này mà thôi, trong khi trong ngôn ngữ Hy-lạp từ này rất ít khi được sử dụng trong đời thường. Từ ‘phylia’ (tình bằng hữu) được Tin Mừng Thánh Gioan sử dụng với một chiều sâu mới, hầu làm nổi bật mối liên hệ giữa Đức Giêsu và các môn đệ Người. Khuynh hướng tránh sử dụng từ ‘eros’, đồng thời với một nhãn quan mới về tình yêu, được diễn tả qua việc sử dụng từ ‘agapè’ cho ta thấy rằng: có một điều gì rất mới và rất cốt yếu được các Kitô hữu hiểu về tình yêu. Trong chiến dịch phê phán Kitô giáo bắt đầu vào kỷ nguyên Ánh sáng, và ngày càng trở nên khốc liệt, yếu tố mới này đã bị đánh giá hoàn toàn tiêu cực. Theo triết gia Friedrich Nietzsche, Kitô giáo đã đầu độc eros, và nếu nó không hoàn toàn bị tiêu diệt, thì ít ra, nó cũng đã bị biến dạng thành một tật xấu[1]. Triết gia người Đức này đã không úp mở về một nhận thức vốn đã rất phổ biến: phải chăng Hội thánh, với biết bao giới luật và cấm kị, đã biến điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống thành nỗi cay đắng? Hội thánh đã chẳng tuýt còi đúng lúc ta đang được tận hưởng niềm vui hưởng mà Đấng Tạo Hóa ban tặng hầu đạt tới hạnh phúc, điều mà tự nó rõ ràng là nếm trước được mùi vị linh thánh đó sao?

4. Có thật thế không? Có đúng là Kitô giáo hủy diệt eros? Ta hãy nhìn vào cái thế giới tiền Kitô giáo. Cũng không khác gì nhiều nền văn hóa đi trước, Người Hy-lạp đã nhìn eros như một thứ độc dược, làm mê mẩn lý trí bởi một ‘cơn điên dại’ thần linh áp đảo, bứt con người ra khỏi cuộc sống hạn hẹp của mình để, dưới tác động thống trị của một thần lực nào đó, đạt tới hạnh phúc tột độ. Như thế mọi quyền năng trên trời dưới đất đều là thứ yếu: “Omnia vincit amor” (tình yêu chiến thắng tất cả), như thi hào Virgil đã viết trong tác phẩm Bucolica; và ông còn thêm “Et nos cedamus amori” (và chúng ta đầu hàng tình yêu)[2]. Trong nhiều tôn giáo, thái độ này được biểu lộ trong các nghi lễ phồn thực, phải được coi là một thứ mại dâm ‘linh thánh’, đã rất phổ biến trong các đền thờ ngoại giáo. Như thế, Eros được cử hành như một sức mạnh linh thánh, hiệp thông với thần thánh.

Cựu Ước cương quyết chống lại hình thức tôn giáo này, vì coi nó như một thứ cám dỗ mạnh mẽ đi ngược lại niềm tin độc thần, đồng thời cũng chống lại nó như một thứ tôn giáo sai lạc. Tuy nhiên, Cựu Ước không hề gạt bỏ eros đúng nghĩa, mà chỉ tuyên chiến chống lại hình thức méo mó và hủy diệt của nó mà thôi, bởi vì, thần thánh hóa eros cách sai lạc như thế thực tế là tước đi phẩm giá của nó và làm nó mất đi tính người. Sự thực là các cô gái điếm trong đền thờ, những người có nhiệm vụ đem lại cho người ta sự ngây ngất linh thánh, đã không hề được đối xử như những con người, mà chỉ như phương tiện để kích thích sự “điên dại thần thánh”: thực ra họ không là những nữ thần, nhưng chỉ là những người phàm bị lạm dụng. Do đó, một eros đầu độc và vô luân không thể nào là “xuất thần” lên tới thần thánh, nhưng là sự sụp đổ, làm thoái hóa con người. Rõ ràng là eros cần phải được kiểm soát, được thanh luyện để cống hiến một khoái cảm nhất thời, nhưng cũng đã cho nếm trước cực điểm của hiện hữu ta, hạnh phúc mà toàn thể con người ta đang mong đợi.

5. Khi lướt qua khái niệm eros trong lịch sử cũng như vào thời hiện đại, ta thấy xuất hiện hai điều. Trước hết, có một liên hệ nào đó giữa tình yêu và Thiên Chúa: tình yêu hứa hẹn sự vô hạn, vô tận, và vĩnh cửu– một thực tế vượt xa và hoàn toàn khác với hiện hữu giới hạn thường ngày. Hơn nữa ta cũng nhận ra rằng, nếu muốn đạt được mục tiêu này, con đường không thể đơn giản chỉ là chiều theo bản năng, mà đòi phải thanh luyện và tiến tới trưởng thành, vốn đòi phải kinh qua con đường từ bỏ. Ngược hẳn với chối bỏ hay «đầu độc» eros, ở đây ta nói tới chữa lành và hướng tới sự cao đẹp vốn có của eros.

Điều này, trước hết dựa trên thực tại là, con người được cấu tạo gồm cả hồn lẫn xác. Con người chỉ thật sự là mình khi xác - hồn kết hiệp thâm sâu với nhau. Ta cũng có thể nói: chỉ khi nào thật sự đạt được hợp nhất thâm sâu, ta mới vượt thắng được thách đố của eros. Nếu con người chỉ nhắm tới tinh thần mà chối bỏ thể xác, coi đó như chỉ là một di sản thuộc loài động vật, cả hồn lẫn xác đều sẽ mất đi phẩm giá của nó. Đàng khác, nếu nó chối bỏ tinh thần và coi vật chất– thể xác như thực tại duy nhất, thì cũng sẽ đánh mất luôn sự cao cả của mình. Triết gia Gassendi thuộc trường phái hưởng thụ nhạo cười Descartes bằng câu chào: “hỡi linh hồn”, thì Descartes trả lời ngay: “hỡi thể xác”[3]. Đúng vậy, ta không yêu chỉ với tinh thần hoặc với vật chất mà thôi, nhưng là yêu với toàn diện con người– một nhân vị– một thụ tạo thống nhất với tâm hồn và thể xác hòa hợp. Chỉ khi nào hai chiều kích này thực sự hợp nhất, con người mới trở nên thực sự chính mình. Chỉ khi đó tình yêu– eros mới có thể trưởng thành và đạt tới sự vĩ đại đích thực của nó.

Hiện nay người ta thường chỉ trích Kitô giáo của quá khứ là chống lại thân xác, và cách suy nghĩ này vẫn tiếp tục tồn tại. Thế nhưng cái cách mà ngày nay người ta tung hô thân xác cũng là một sai lầm lớn. Eros– tình yêu hạ cấp chỉ còn như sex– tình dục”, một thứ “đồ vật” có thể mua bán, hay đúng hơn, chính con người trở thành một thứ hàng hóa. Đó không thể là một lời khẳng định cao quý của con người đối với thân xác. Ngược lại, con người xem thân xác và tính dục là phần bản thân thuần túy vật chất, có thể đem ra sử dụng, hoặc khai thác tùy thích. Ngoài ra, họ không coi tình yêu như một lĩnh vực của tự do, mà chỉ đơn giản là một thứ đồ vật, mà họ cố ý làm cho nhau vui thú và vô hại. Thực ra, chúng ta đang hạ giá thân xác con người, không còn cho nó hội nhập vào toàn thể tự do của cuộc sống chúng ta, không còn coi nó như biểu hiện sống động của toàn thể con người ta, mà chỉ giam nó vào lãnh vực thuần sinh học. Bên ngoài có vẻ là tôn vinh thân xác, nhưng kỳ thực người ta mau chóng thấy ghét bỏ thân xác. Ngược lại, niềm tin Kitô giáo vẫn luôn xem con người như một sự hòa hợp giữa hai phần (nhất thể lưỡng cực), một thực tại trong đó tinh thần và vật chất hòa hợp, trong đó mỗi yếu tố đều được đưa lên đỉnh cao mới. Đúng là eros có chiều hướng vươn tới “xuất thần”, tiến tới thần thánh, và đưa ta vượt xa hơn cả chính mình; tuy nhiên cũng chính vì lý do đó mà, nó phải đi qua con đường từ bỏ, thanh luyện và chữa lành.

6. Nhưng rồi thì con đường vươn cao và thanh luyện đó sẽ dẫn tới đâu? Ta phải yêu như thế nào để tình yêu thực hiện được đầy đủ lời hứa, vừa rất nhân bản lại vừa rất thánh thiêng? Trước hết ở đây ta tìm thấy hướng dẫn quan trọng trong sách Diễm Ca, một cuốn sách Cựu Ước rất quen thuộc đối với các nhà thần nghiệm. Theo cách giải thích mà ngày nay được hầu như mọi người chấp nhận thì: lúc đầu, cuốn sách này là một tập thi ca có lẽ được hát lên trong các dịp cưới hỏi của người Do Thái, hầu ca ngợi tình yêu hôn nhân. Trong nội dung đó, chúng ta nên lưu ý một điều là, trong sách có hai từ ngữ Híp-ri khác nhau để chỉ tình yêu. Trước hết là từ «dodim», một từ số nhiều thường được dùng để diễn tả một thứ tình yêu chưa an toàn, chưa rõ ràng, và chưa xác định. Từ này dần dần được thay thế bằng từ «ahaba», mà các bản dịch Cựu Ước tiếng Hy-lạp đã sử dụng từ đồng âm agapè, và như ta thấy, đã trở thành lối diễn tả rất đặc thù về quan niệm tình yêu theo Kinh Thánh. Ngược hẳn với thứ tình yêu bất định– đang trong giai đoạn tìm kiếm, agapè diễn tả cảm nghiệm về một thứ tình yêu mang nội dung thật sự khám phá kẻ khác, và vượt xa tính ích kỷ trước đó luôn thống trị. Tình yêu bây giờ trở thành sự quan tâm và chăm sóc người khác, không còn tìm mình, để rồi chết chìm trong một thứ khoái lạc độc hại, nhưng thay vào đó, là kiếm tìm điều lành điều thiện cho người mình yêu: tình yêu trở thành từ bỏ, và sẵn sàng- hơn nữa còn như mong muốn- được hy sinh.

Tình yêu triển nở muốn vươn lên những tầm cao mới, thanh luyện cõi lòng đến lúc muốn dứt khoát, theo hai nghĩa: vừa biệt loại “chỉ người này mà thôi”, vừa “vĩnh cửu”. Tình yêu gói trọn cả cuộc sống trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian, không thể nào khác được, vì tình yêu là một lời đoan hứa hướng tới một sự dứt khoát, tức nó nhắm tới vĩnh cửu. Vâng, tình yêu là “xuất thần”, không theo nghĩa nó là một giây phút ngất ngây, nhưng là một hành trình, một cuộc xuất hành thường xuyên ra khỏi bản ngã khép kín, để tiến tới cuộc giải phóng qua sự tự hiến, và như thế hướng tới khám phá lại chính mình, rồi từ đó, khám phá ra Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17,33), như nhiều lần Đức Giêsu đã công bố trong các sách Tin Mừng (xem Mt 10,39; 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24; Ga 12,25). Khi dùng các lời này, Đức Giêsu muốn phác họa con đường của Người, con đường dẫn qua Thập Giá để tiến tới Phục Sinh: con đường của hạt lúa rơi vào lòng đất và thối đi, nhờ đó mang lại nhiều bông hạt. Đức Giêsu còn dùng các lời này để diễn tả yếu tính của tình yêu, và của đời sống con người nói chung, bắt đầu từ trung tâm của hiến tế bản thân, và tình yêu của Người, tình yêu nên trọn bởi hiến tế đó.

7. Từ các suy tư mở đầu về bản chất tình yêu- có tính triết lý, giờ đây ta được dẫn tới ngưỡng cửa của niềm tin theo Kinh Thánh. Trước hết ta tự hỏi: phải chăng các ý nghĩa của từ “tình yêu”– tự nó rất khác nhau, thâm chí đối nghịch nhau– ngầm cho thấy một nhất quán cơ bản sâu xa nào đó, hay ngược lại chúng chỉ được để song hành và rời rạc. Thế nhưng, còn quan trọng hơn nữa câu hỏi sau đây: sứ điệp tình yêu được Thánh Kinh và Truyền Thống Giáo hội loan truyền có liên hệ gì với kinh nghiệm tình yêu thông thường của con người không, hay chỉ là chống lại kinh nghiệm đó? Điều này mời gọi ta coi lại hai thuật ngữ căn bản: eros– từ dùng để nói về tình yêu “phàm trần”, và agapè– chỉ tình yêu do đức tin gầy dựng và vun đắp. Hai khái niệm này thường được coi là đối chọi nhau như một tình yêu “hướng lên” và một tình yêu “hướng xuống”. Cũng có cách phân loại khác như, phân biệt giữa tình yêu chiếm đoạt và tình yêu dâng hiến (amor concupiscentiae amor benevolentiae), đôi khi còn mang thêm nội dung về một tình yêu vụ lợi.

Trong tranh luận triết và thần học, các phân biệt trên thường bị đẩy tới quá khích, tới độ trở thành đối chọi nhau: tình yêu dâng hiến, nhìn xuống– agapè– là tiêu biểu cho Kitô giáo, còn tình yêu hướng lên, chiếm đoạt và ham muốn– eros– là tiêu biểu cho văn hóa phi Kitô giáo, nhất là trong nền văn hóa Hy-lạp. Nếu đẩy đối chọi này đến cực đoan, bản chất Kitô giáo sẽ hoàn toàn bị tách khỏi tương quan sinh động căn bản của hiện hữu con người, và trở thành một thế giới riêng– tuy đáng khâm phục- nhưng lại cố tình tách ra khỏi những gì đan dệt nên cuộc nhân sinh? Thật ra, eros  agapè– tình yêu hướng lên và tình yêu nhìn xuống– không bao giờ hoàn toàn tách biệt nhau. Nếu cả hai, trong các chiều kích khác nhau này, càng tìm ra mối hiệp nhất thích đáng trong một thực tại tình yêu duy nhất bao nhiêu, thì lại càng thực hiện được bản chất đích thực của tình yêu bấy nhiêu. Ngay cả eros, lúc đầu chủ yếu là ham muốn, là thăng hoa, là đê mê hứa hẹn hạnh phúc khi tới gần kẻ khác, sẽ trở nên ngày càng ít quan tâm tới mình hơn, ngày càng đi tìm hạnh phúc cho người khác hơn, càng quan tâm hơn tới người mình yêu, càng trao ban và càng muốn “sống vì” tha nhân. Như thế yếu tố agapè đang thâm nhập dần vào tình yêu này, bởi nếu không, chính eros sẽ dần suy thoái, thậm chí mất đi cả bản chất của mình. Đàng khác, con người cũng không thể chỉ sống bằng tình yêu tự hiến, tình yêu nhìn xuống mà thôi. Con người không thể luôn chỉ biết cho mà còn phải nhận nữa. Bất cứ ai muốn ban phát tình yêu thì cũng phải đón nhận quà tặng tình yêu. Thật rõ ràng, như Chúa đã từng khẳng định: con người có thể trở thành nguồn mạch từ đó suối nước hằng sống tuôn trào (x. Ga 7,37-38). Thế nhưng, để có thể trở nên mạch nước, họ cũng phải liên tục kín lấy từ nguồn nước đệ nhất nguyên thủy là Đức Kitô Giêsu, vì từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người tình yêu Thiên Chúa luôn tuôn trào (x. Ga 19,34).

Trong trình thuật về chiếc thang Giacop, cách nào đó các Giáo phụ đã nhận ra đây là biểu tượng sự liên kết keo sơn giữa tình yêu hướng lên và tình yêu nhìn xuống, giữa eros kiếm tìm Thiên Chúa, và agapè thông ban hồng ân nhận được. Ta đọc được trong câu chuyện Kinh Thánh: Tổ phụ Giacop mơ thấy, ngay bên trên hòn đá ngài đang gối đầu, là một chiếc thang bắc lên tới trời, trên thang đó các thiên thần Chúa lên lên xuống xuống (x. St 28,12; Ga 1,51). Đức Grêgôriô Cả trong cuốn Qui tắc Mục vụ đã giải thích thị kiến này cách rất độc đáo như sau: người mục tử tốt lành phải bén rễ trong chiêm niệm. Vì chỉ như thế họ mới có thể đón nhận nhu cầu của kẻ khác và biến nó thành của mình: “per pietatis viscera in se infirmitatem coeterorum transferat[4]. Ngài nói tới Phaolô như một người được nâng lên tới những mầu nhiệm cao cả nhất về Thiên Chúa, để rồi một khi đi xuống, ngài có thể trở nên mọi sự cho hết mọi người (x. 2Cr 12,2-4; 1Cr 9,22). Ngài cũng nêu tấm gương của Môsê, người thường bước vào Lều Thánh để trò chuyện với Thiên Chúa, để rồi một khi ra khỏi lều, ông có thể hết mình phục vụ đoàn dân. “Trong ngôi lều tạm người đã được chiêm niệm nâng cao, thì khi ra ngoài, cũng hoàn toàn hiến mình giúp đỡ những ai khổ đau: intus in contemplationem rapitur, foris infirmantium negotiis urgetur.”[5]

8. Như thế chúng ta đã có được câu trả lời đầu tiên, cho dẫu còn khái quát cho hai vấn đề nêu trên. Về căn bản, “tình yêu” là một thực tại duy nhất nhưng có nhiều chiều kích khác nhau; tùy từng lúc, chiều kích này hay chiều kích kia có thể nổi trội hơn. Tuy nhiên, khi hai chiều kích hoàn toàn tách rời khỏi nhau thì hậu quả chỉ là một bức biếm họa nực cười, hay dù sao cũng là một hình thái tình yêu nghèo nàn. Ta cũng đã thấy, cách tổng lược, niềm tin của Thánh Kinh không tạo ra một thế giới song hành, hoặc đối nghịch với hiện tượng nguyên thủy của con người là tình yêu, nhưng đúng hơn, nó chấp nhận con người trong tổng thể. Niềm tin này can thiệp vào việc kiếm tìm tình yêu, nhờ thanh luyện mà phát hiện ra các chiều kích mới. Cái mới của đức tin theo Kinh Thánh bộc lộ trước hết nơi hai yếu tố cần phải được nhấn mạnh, đó là: hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh con người.

Cái mới của đức tin theo Kinh Thánh

9. Trước hết, giữa các nền văn hóa bao quanh, nơi mà hình ảnh của Thiên Chúa và các thần xét cho cùng rất mờ ảo và đối chọi nhau, thế giới của Thánh Kinh trình bày cho ta một hình ảnh Thiên Chúa rất mới. Trong hành trình đức tin theo Kinh Thánh, nội dung của lời cầu nguyện cơ bản của Israel– kinh Shema ngày càng trở nên rõ ràng và khúc chiết hơn: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Ngài là Đấng tạo thành đất trời, và là Chúa Tể vạn vật. Trong câu khẳng định này, ta tìm thấy hai nội dung rất có ý nghĩa, đó là: mọi thần khác đều không phải là Thiên Chúa, và toàn thể vũ trụ trong đó chúng ta sinh sống đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa, và được Ngài tạo dựng nên. Đương nhiên, ý niệm về tạo dựng có thể được tìm thấy ở đây ở kia, nhưng ở đây nó trở thành tuyệt đối rõ ràng: tạo dựng không phải là công trình của một vị thần bất kỳ, nhưng là do một Thiên Chúa chân thật duy nhất. Ngài là cội nguồn mọi sự. Toàn thể thực tại có được là nhờ quyền năng sáng tạo của Lời. Điều đó có nghĩa là Ngài quí chuộng tạo vật, vì Ngài muốn có chúng, và vì chúng đã được Ngài “làm ra”. Và như thế, ta tới yếu tố thứ hai quan trọng là: Thiên Chúa đó yêu mến con người. Trong đỉnh cao của nền triết học Hy-lạp, nhờ suy tư, triết gia Aristôt đã tìm cách thấu hiểu: quyền năng thần linh chính là điều mà mọi tạo vật đều khao khát và yêu mến– và trong tư cách là đối tượng được yêu mến, mà thần linh vận hành vũ trụ[6]. Tuy nhiên tự bản chất, thần linh này không thiếu thốn điều gì, ngài cũng chẳng cần yêu thương ai, đơn thuần ngài chỉ là đối tượng được yêu mến mà thôi. Ngược lại, Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng lại yêu với tình yêu của riêng Ngài. Tuy nhiên, tình yêu của Ngài là một tình yêu tuyển chọn: trong số các dân tộc, Ngài chọn Israel để yêu mến, và Ngài làm thế với mục đích rõ ràng, là để chữa trị toàn thể nhân loại. Thiên Chúa yêu, và tình yêu đó ta có thể định tính nó là eros, nhưng cũng hoàn toàn là agapè[7].

Các tiên tri, đặc biệt Hôsê và Êdêkiel, đã dùng các hình ảnh gợi tình táo bạo để diễn tả nỗi đam mê này, Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Tương quan của Thiên Chúa với Israel được mô tả bằng các hình ảnh ẩn dụ về đính hôn và kết hôn; do đó thờ ngẫu tượng bị coi như là ngoại tình và làm đĩ điếm. Nơi đây, như ta thấy, rõ ràng đang đề cập tới các thứ phụng tự phồn thực và cách chúng lạm dụng eros, nhưng đồng thời cũng diễn tả tương quan trung thành giữa dân Israel và Thiên Chúa của họ. Câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và dân Israel được diễn tả tới mức thâm sâu nhất qua việc Ngài ban cho dân sách luật Torah, qua đó Israel được mở mắt, hầu nhận ra bản chất đích thực của con người, và vạch cho thấy con đường dẫn tới nền nhân bản đích thực. Con đường đó hệ tại ở việc, nhờ một đời sống trung thành với Thiên Chúa duy nhất, con người cảm nghiệm ra rằng: mình được Thiên Chúa yêu thương, và qua đó khám phá ra niềm vui trong sự thật và sự công chính– niềm vui trong Chúa là hạnh phúc cốt yếu của họ: “Con còn ai chốn trời xanh? Bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham… Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa.” (Tv 73 [72],25.28)

10. Như ta đã nói, eros mà Thiên Chúa dành cho con người cũng đồng thời trọn vẹn là agapè. Điều này không chỉ vì nó được ban cho con người cách hoàn toàn vô cầu, không dựa vào bất kỳ công trạng nào trước đó, nhưng còn vì, đó là một tình yêu tha thứ. Ngôn sứ Hôsê trước hết chỉ cho ta thấy rằng, chiều kích agapè này mà Thiên Chúa có đối với con người còn vượt xa hơn cả cái khía cạnh vô cầu. Israel đã “ngoại tình” và xé bỏ giao ước; lẽ ra Thiên Chúa phải xét xử và khai trừ họ. Thế nhưng, chính ở điểm này mà Thiên Chúa cho thấy: Ngài là Thiên Chúa chứ không phải người phàm: “Hỡi Êphraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành. Trái tim ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Êphraim nữa. Vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Hs 11,8-9). Tình yêu đam mê mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài– và cho nhân loại– cũng đồng thời là tình yêu tha thứ. Nó to lớn tới độ làm cho Thiên Chúa hầu như quay ra chống lại chính mình, tình yêu của Ngài chống lại nền công lý của Ngài. Kitô hữu chúng ta nhận ra điều này được diễn tả qua hình ảnh của mầu nhiệm Thập Giá: tình yêu Thiên Chúa dành cho con người lớn tới mức, khi trở thành người, Ngài đã theo họ thậm chí tới cái chết, và nhờ thế giao hòa công lý với tình yêu.

Dưới nhãn quan này của Thánh Kinh, ta cần nhận ra bình diện triết học cũng như tầm quan trọng của nó dưới góc độ lịch sử tôn giáo; điều này hệ tại ở, một mặt ta có trước mắt hình ảnh một Thiên Chúa rất siêu hình: Thiên Chúa là nguồn gốc tuyệt đối và tối hậu của vạn vật; thế nhưng, khởi nguyên tạo dựng mọi sự này– Logos ‘Lời’ lý trí đệ nhất thì đồng thời cũng là một người tình, với tất cả nỗi đam mê của một tình yêu chân thực. Eros nhờ đó thăng hoa tối đa, nhưng đồng thời cũng được thanh tẩy để trở nên một với agapè. Điều này giải thích được vì sao sách Diễm Ca được đưa vào qui điển của Thánh Kinh, một khi ta hiểu ra rằng: các bản tình ca đó trong sâu xa diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với con người, và tương quan con người với Thiên Chúa. Trong văn chương Kitô giáo cũng như Do Thái giáo, Diễm Ca trở nên một nguồn suối cho các nhận thức và cảm nghiệm thần bí; nó diễn tả yếu tính của đức tin theo Thánh Kinh, đó là: con người thật sự có thể kết hợp với Thiên Chúa, vì đó là giấc mơ nguyên thủy của họ. Tuy nhiên, sự kết hợp này không phải là một hỗn hợp, nhấn chìm ta trong đại dương vô danh của thần linh, nhưng là một sự hiệp nhất tạo nên tình yêu, một hiệp nhất trong đó cả Thiên Chúa lẫn con người đều vẫn là mình, nhưng đồng thời hoàn toàn nên một; như lời Thánh Phaolô: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1 Cr 6,17).

11. Như ta thấy, điều mới mẻ thứ nhất trong đức tin theo Kinh Thánh hệ tại ở hình ảnh Thiên Chúa, thì điều mới thứ hai, liên quan chặt chẽ với điều trước, tìm thấy nơi hình ảnh con người. Trình thuật Kinh Thánh về tạo dựng nói tới nỗi đơn độc của con người đầu tiên là Ađam, và Thiên Chúa đã quyết định ban cho ông một người trợ tá. Giữa các tạo vật, không gì có thể làm kẻ trợ tá mà ông cần, cho dầu ông đã đặt tên cho muôn loài- dã thú cũng như chim trời, để chúng có thể hòa nhập vào cuộc sống ông. Và thế là, Thiên Chúa đã tạo nên một người nữ từ xương sườn người nam. Bấy giờ Ađam mới tìm được người trợ tá mà ông thực sự cần: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2,23) Ở đây từ nền hậu cảnh của trình thuật tư tưởng ta thấy thấp thoáng có ý tưởng mà người ta có thể tìm thấy chẳng hạn trong câu chuyện thần thoại mà Platôn nói đến; theo thần thoại này thì, từ thời nguyên thủy con người là một nhất thể toàn vẹn, vì tự mình đã đầy đủ và hoàn hảo. Thế nhưng vì kiêu ngạo con người bị thần Zeus phạt tách làm đôi; từ đó con người luôn mong tìm lại cái nửa kia của mình, luôn đi tìm nó hầu đoạt lại được sự toàn vẹn[8]. Trình thuật Kinh Thánh không nói gì tới hình phạt, nhưng rõ ràng luôn có một ý tưởng là: con người cách nào đó chưa toàn vẹn, tự bản tính, con người luôn đi tìm tha nhân, thành phần cấu thành nên mình để được nên trọn vẹn. Đó là ý tưởng cho rằng: chỉ trong sự hiệp thông với người phái kia, con người mới được “đầy đủ”. Câu chuyện Thánh Kinh kết thúc với lời tiên tri về Ađam: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Cả hai khía cạnh trên đều quan trọng: trước hết eros hầu như đã cắm rễ sâu trong bản tính con người. Ađam là con người đi tìm, ông ‘lìa bỏ cha mẹ’ để đi tìm người nữ; vì chỉ khi đã có nhau và với nhau, cả hai mới là một nhân loại đầy đủ, và trở nên “một xương một thịt”. Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là: nếu nhìn từ góc độ tạo dựng, eros hướng con người tới hôn nhân, tới một ràng buộc độc hữu và dứt khoát; chỉ như thế con người mới hoàn thành được mục tiêu sâu xa nhất của mình. Hôn nhân một vợ một chồng xứng hợp với hình ảnh một Thiên Chúa độc thần; hôn nhân đặt nền tảng trên một tình yêu đơn nhất và mãi mãi trở thành biểu tượng của tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành thước đo tình yêu con người. Ta không thể tìm đâu trong nền văn chương ngoài Thánh Kinh một mối liên kết bền chặt giữa eros và hôn nhân như thế.

Đức Giêsu Kitô – tình yêu Thiên Chúa nhập thể

12. Cho dù tới lúc này ta mới chủ yếu nói về Cựu Ước, tuy nhiên rõ ràng là hai Giao Ước đan quyện vào nhau để trở thành một cuốn Sách Thánh duy nhất của đức tin Kitô giáo. Sự mới lạ đích thực của Tân Ước không hệ tại ở các tư tưởng mới mẻ, cho bằng nơi con người Đức Kitô, Đấng đã đắp cho khái niệm này một hiện thực vô tiền khoáng hậu, đó là Máu Thịt Người. Trong Cựu Ước, cái mới của Kinh Thánh không chỉ hệ tại ở những khái niệm trừu tượng, cho bằng nơi các hành động đột xuất và chưa từng có của Thiên Chúa. Hành động của Thiên Chúa giờ đây lại mang một hình thái lịch sử của nó, khi chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô lên đường tìm kiếm các ‘chiên lạc’– tức một nhân loại khổ đau trên đường diệt vong. Khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn về người mục tử chạy đi tìm chiên lạc, người đàn bà tìm kiếm đồng bạc đánh mất, người cha chạy lại ôm chầm lấy đứa con đi hoang trở về, đó không phải là những lời lẽ suông, chúng giải thích chính bản chất và hoạt động của Thiên Chúa. Cái chết của Người trên Thập Giá là biểu hiện tột đỉnh của Thiên Chúa chống lại chính mình, qua việc Ngài tự hiến để nâng con người lên và cứu vớt họ. Đó chính là tình yêu bày tỏ trong hình thái triệt để nhất. Chính qua việc chiêm ngắm cạnh sườn Đức Kitô bị đâm thâu (x. Ga 19,37), mà ta hiểu được điểm xuất phát của Thông điệp này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Nơi đó ta chiêm ngắm được sự thật này, và cũng chính từ đó mà ta bắt đầu định nghĩa được tình yêu. Trong chiêm ngắm như thế, người Kitô hữu khám phá ra con đường mà đời sống và tình yêu của mình phải lần theo.

13. Đức Giêsu đã làm cho hành động tự hiến này của Người được tồn tại mãi qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly biệt. Người tiên báo cái chết và phục sinh của mình qua việc trao ban cho các môn đệ chính mình, cả máu lẫn thịt dưới hình bánh và rượu, mà đối với các môn đệ, đó là như một thứ manna mới (x. Ga 6,31-33). Thế giới thời cổ xưa đã lờ mờ nhận ra rằng, lương thực thật sự của con người– điều nuôi sống họ trong tư cách một con người– xét cho cùng phải là Logos– Lời khôn ngoan và vĩnh cửu, giờ đây cũng chính Logos này trở thành lương thực cho ta như là tình yêu. Thánh Thể đưa ta vào trong sự tự hiến của Đức Giêsu. Chúng ta không chỉ thụ động tiếp nhận Logos nhập thể, mà thực sự được tham gia vào sự năng động tự hiến của Người. Hình ảnh hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Israel xưa, lúc này được thực hiện theo một cách thức chưa từng ai nghĩ tới: nếu trước đây nó chỉ có nghĩa là: đứng trước tôn nhan Chúa, thì giờ đây, nó trở thành kết hiệp với Ngài qua tham dự vào hiến lễ của Đức Giêsu, thông phần vào Mình Máu Người. Tính “thần nghiệm” của Bí tích, dựa trên sự kiện Thiên Chúa hạ mình đến với ta, tác động ở một cấp độ hoàn toàn khác, nó nâng ta lên tầm cao mới, hơn bất cứ thăng hoa thần nghiệm nào khác mà con người có thể đạt được.

14. Giờ đây ta cần lưu ý tới một khía cạnh khác nữa: đó là tính “thần nghiệm” của Bí tích này mang đặc tính xã hội, bởi vì trong hiệp thông bí tích, tôi được nên một với Chúa như mọi người khác cũng hiệp lễ. Thánh Phaolô từng nói: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Kết hiệp với Đức Kitô cũng đồng thời là kết hiệp với những ai Người trao hiến mình cho. Tôi không thể chiếm hữu Đức Kitô cho riêng mình; tôi chỉ thuộc về Người trong mức độ kết hiệp với toàn thể những ai đã và sẽ thuộc về Người. Hiệp Lễ lôi cuốn tôi ra khỏi mình đi tới kết hiệp với Người, và như thế cũng tới thông hiệp với mọi Kitô hữu khác. Chúng ta trở nên “một thân thể” trọn vẹn nối kết với nhau trong một hiện hữu duy nhất. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân lúc này thật sự kết hợp: Thiên Chúa nhập thể lôi kéo mọi người chúng ta tới với Người. Như thế ta có thể hiểu, tại sao agapè cũng là tên gọi của Lễ Tạ Ơn: vì ở nơi đó, agapè của Chúa đến với ta trong một hình hài, để Ngài có thể tiếp tục làm việc trong ta và qua ta. Chỉ khởi đi từ nền tảng Kitô và bí tích học này, ta mới hiểu đúng được giáo huấn về tình yêu của Đức Giêsu. Việc Người chuyển từ Lề Luật và các Tiên Tri qua giới răn kép là mến Chúa yêu người, và việc Người xác định trọn đời sống đức tin phải đặt trọng tâm trên mệnh lệnh này, không chỉ đơn giản là một vấn đề luân lý – là điều có thể tách rời và tồn tại song hành với đức tin vào Đức Kitô và cách thể hiện bí tích của nó. Đức tin, phượng tự và ethos (sống luân thường đạo lý) đan dệt với nhau để trở thành một hiện thực trong việc gặp gỡ với agapè của Thiên Chúa. Nơi đây, sẽ không còn đối kháng giữa phụng tự và đạo đức. Trong “Phụng tự”– hiệp thông Thánh Thể, gồm thâu cả được yêu thương lẫn yêu thương tha nhân. Thánh Thể mà không biến thành thực hành tình yêu cách cụ thể sẽ vỡ tan. Ngược lại, như ta sẽ đào sâu cách chi tiết hơn ở phần sau, “giới răn” yêu thương chỉ có thể được ban ra, vì nó còn hơn cả một đòi hỏi: Yêu chỉ có thể trở thành một “giới răn” (lệnh truyền), vì trước hết nó đã hiến ban.

15. Nguyên tắc này là khởi điểm để ta hiểu được các dụ ngôn lớn của Đức Giêsu. Ông phú hộ, từ chốn khổ đau của mình, cầu xin để anh em ông được báo cho biết hậu quả sẽ xảy đến với những ai vô tâm đối với người anh em túng quẫn (x. Lc 16,19-31). Đức Giêsu dùng lời kêu cứu này để cảnh báo ta hãy trở lại con đường ngay chính. Dụ ngôn về người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25-37) cống hiến cho ta hai giải thích có tầm quan trọng đặc biệt. Cho tới lúc đó, quan niệm về ‘cận nhân’ chỉ được hiểu, chủ yếu liên quan tới người đồng hương và ngoại kiều định cư trên đất Israel, nghĩa là chỉ nơi cộng đoàn được liên kết với nhau trong một đất nước hay dân tộc. Bây giờ thì giới hạn đó đã bị phá bỏ. Bất cứ ai cần tới tôi, và tôi có thể giúp đỡ đều là cận nhân của tôi. Ý niệm ‘cận nhân’ đã được phổ quát hóa nhưng vẫn còn rất cụ thể. Cho dầu ý niệm được mở rộng đến toàn nhân loại, nhưng nó không hề mang ý nghĩa chung chung, trừu tượng thiếu biểu hiện tình yêu; mà ngược lại, nó đòi ta phải dấn thân cách cụ thể, tại đây và lúc này. Hội thánh luôn có bổn phận giải thích đi giải thích lại mối tương quan giữa gần với xa liên quan tới đời sống thường ngày của các thành viên mình. Sau hết ta cũng nên đặc biệt nhắc tới dụ ngôn vĩ đại về cuộc phán xét sau cùng (x. Mt 25,31-46), khi mà tình yêu trở thành chuẩn mực để có phán quyết tối hậu về một đời người có giá trị hay không. Đức Giêsu đồng hóa mình với người túng quẫn, với kẻ đói, người khát, với khách lạ, người trần truồng, kẻ ốm đau và những ai bị tù đày. “Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40). Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân trở nên một: trong người anh em bé nhỏ nhất, ta gặp được chính là Đức Giêsu, và nơi Đức Giêsu ta gặp được chính Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân

16. Sau khi đã suy luận về yếu tính của tình yêu và ý nghĩa của nó trong đức tin theo Kinh Thánh, ta còn phải giáp mặt với hai câu hỏi liên quan tới thái độ của ta đứng trước giới luật kép liên quan tới tình yêu, đó là: làm sao tôi có thể yêu một Thiên Chúa khi mà không nhìn thấy được Ngài? Có thể nào đòi buộc tình yêu được chăng? Không ai đã nhìn thấy Thiên Chúa thì làm sao yêu Ngài được? Hơn nữa không ai sai khiến được tình yêu, vì đó là một tình cảm, có thể có hoặc không có, và không thể dùng ý chí tạo ra được. Kinh Thánh có vẻ hỗ trợ cho phản đề thứ nhất khi xác quyết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Dầu vậy, bản văn này không hề loại tình yêu Thiên Chúa ra, như một điều bất khả thi. Ngược lại là đàng khác, nội dung bản văn được trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan cho thấy, tình yêu như thế rõ ràng là một đòi buộc. Nó nhấn mạnh rằng: có một ràng buộc chặt chẽ giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Điều này liên kết bền chặt với điều kia tới độ, ta có thể quả quyết rằng: tình yêu Chúa sẽ trở thành dối trá nếu ta khép kín trước tha nhân hay thù ghét họ. Ta giải thích những lời của thánh Gioan theo nghĩa sau đây: tình yêu tha nhân là con đường dẫn ta tới gặp Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc, nhắm mắt lại trước cận nhân của mình thì cũng là mù lòa đối với chính Chúa vậy.

17. Đúng là chưa ai đã thực sự được nhìn thấy Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với ta Thiên Chúa không hoàn toàn là vô hình, và Ngài cũng không hoàn toàn không đến gần được. Trước hết Thiên Chúa yêu thương ta, như lời trích dẫn trên đây trong thư Gioan (x. 4,10), và tình yêu này của Thiên Chúa đã xuất hiện giữa chúng ta. Ngài trở nên hữu hình tới mức, “đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống.” (1 Ga 4,9). Thiên Chúa đã làm cho mình trở nên hữu hình, vì trong Đức Giêsu, ta có thể thấy được Chúa Cha (x. Ga 14,9). Thiên Chúa hữu hình qua nhiều cách. Nhờ câu chuyện tình được Thánh Kinh thuật lại ta biết, Ngài đến gặp ta để tìm cách chiếm đoạt con tim ta, qua một loạt các biến cố: bữa tiệc ly, Trái Tim bị đâm thâu trên Thập Giá, những lần hiện ra sau khi sống lại, các công việc vĩ đại được thực hiện qua hoạt động của các Tông Đồ hầu hướng dẫn Hội thánh mới hình thành. Chúa cũng không hề vắng bóng trong suốt lịch sử Giáo hội: Ngài còn tiếp tục gặp gỡ ta qua các con người nam nữ phản chiếu khuôn mặt Ngài, Ngài gặp gỡ qua Lời Ngài, trong các Bí tích, nhất là Thánh Thể. Trong Phụng Vụ, trong cầu nguyện của Hội thánh cũng như trong cộng đoàn sinh động các tín hữu. Ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài, ta học nhận ra Ngài hiện diện trong đời thường của ta. Ngài yêu ta trước, và tiếp tục yêu như thế; để rồi ta cũng đáp lại bằng mến thương. Thiên Chúa không đòi nơi ta một tình cảm mà ta không có khả năng có. Ngài yêu thương ta, Ngài làm cho ta thấy và cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, và vì Ngài đã ‘yêu ta trước’, nên tình yêu đáp trả cũng có thể nở rộ trong ta.

Trong tiến trình gặp gỡ này ta thấy rõ ràng là, tình yêu không chỉ là một cảm xúc nhất thời. Cảm xúc đến rồi lại đi. Cảm xúc có thể là tia chớp kỳ diệu, nhưng không phải là tình yêu sung mãn. Trước đây chúng ta đã nói tới tiến trình thanh luyện và trưởng thành nhờ đó eros trọn vẹn trở nên chính mình, trở thành tình yêu theo nghĩa sung mãn nhất của nó. Tình yêu trưởng thành có đặc điểm là đòi con người phải vận dụng hết mọi năng lực mình. Ta có thể nói: nó đòi sự tham gia của toàn thể con người. Và một khi chạm tới được các biểu hiện minh nhiên của tình yêu Thiên Chúa, ta sẽ thấy rộn ràng nơi mình một niềm vui sướng vì biết rằng: tôi được yêu. Nhưng cuộc gặp gỡ này cũng đòi cả trí khôn và ý chí cùng tham gia. Một khi nhìn nhận rằng, Thiên Chúa hằng sống là con đường dẫn tới tình yêu, thì tiếng ‘xin vâng’ của ý chí ta đáp lại ý muốn của Ngài, sẽ liên kết trí khôn, ý chí và tình cảm ta lại trong một hành động yêu mến gồm tóm tất cả. Nhưng tiến trình này luôn mở rộng: tình yêu không bao giờ ‘kết thúc’ hay hoàn tất. Trong suốt cuộc sống, nó biến đổi và trưởng thành nhưng vẫn luôn luôn là chính mình. Idem velle atque idem nolle– muốn cùng một điều, đồng thời bỏ cũng cùng một điều[9] đã được người xưa coi như nội dung chân thực của tình yêu; người này trở nên giống người kia dẫn tới hiệp thông trong tư tưởng và ước vọng. Câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và con người hệ tại ở việc, sự hiệp thông của ý chí gia tăng tới độ trở thành thông hiệp trong tư tưởng và tình cảm, và như thế, ý ta và Thánh Ý Chúa sẽ ngày càng gặp gỡ nhau. Ý Chúa đối với ta sẽ không còn là một ý muốn xa lạ- một luật lệ áp đặt từ bên ngoài- nhưng từ nay sẽ trở thành ý muốn của ta, dựa trên kinh nghiệm: Chúa hiện diện nơi tôi sâu thẳm còn hơn cả tôi đối với chính mình[10]; từ đó niềm phó thác của ta gia tăng, và Thiên Chúa trở thành niềm vui của ta vậy (x. Tv 73[72], 23-28).

18. Do đó, Đức Giêsu đã công bố tình yêu cận nhân, theo nghĩa của Kinh Thánh, là khả thi. Tình yêu đó hệ tại chính ở điều này: trong Chúa và với Chúa, tôi yêu cả những người tôi không ưa, thậm chí chưa hề quen biết. Điều này chỉ có thể có được dựa trên việc ta gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, gặp gỡ trở thành hiệp thông các ước muốn, thậm chí làm rung động cả tình cảm. Lúc đó ta học biết nhìn kẻ khác, không còn chỉ với con mắt và tình cảm của riêng mình, nhưng bằng con mắt của Đức Giêsu Kitô. Bạn hữu Người phải là bạn hữu của tôi. Vượt lên trên bộ điệu bên ngoài, ta nhận ra nơi kẻ khác ước muốn thầm kín: muốn nhận được một biểu lộ yêu thương và quan tâm. Ta có thể cống hiến cho họ điều này không chỉ qua các tổ chức được thành lập vì mục đích đó, vì một giúp đỡ như thế có thể chỉ là một yêu cầu mang tính chính trị. Bằng cặp mắt của Đức Kitô, ta có thể cống hiến cho kẻ khác nhiều hơn các nhu cầu bên ngoài họ cần: ta sẽ có thể trao cho họ ánh mắt yêu thương mà họ hằng mong đợi. Ở đây, ta nhận ra nhu cầu tương tác giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân, điều mà Thư thứ nhất của thánh Gioan đã hết sức nhấn mạnh. Nếu trong đời ta không có bất cứ tiếp xúc nào với Thiên Chúa, ta cũng không thể nhìn thấy điều gì nơi kẻ khác hơn là một kẻ xa lạ; và không thể nhìn thấy nơi họ hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng nếu trong đời ta chưa một lần trọn vẹn quan tâm tới tha nhân, ngoài ước muốn trở nên người ‘đạo hạnh’– chu toàn các ‘bổn phận đạo đức’, thì tương quan với Chúa của ta cũng sẽ khô cằn. Việc này có thể là ‘nghiêm túc’ nhưng không phải tình yêu. Chính qua thái độ sẵn sàng gặp gỡ cận nhân, và tỏ cho họ biết rằng: họ được thương mến, mà ta trở nên nhạy bén đối với Chúa. Chỉ một khi phục vụ tha nhân, đôi mắt ta mới mở ra để thấy được những gì Chúa làm cho ta, và nhận ra Ngài yêu thương ta biết là dường nào. Các thánh– lấy điển hình là thánh Têrêxa Calcutta– đã liên tục canh tân khả năng yêu tha nhân qua các cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, và đổi lại, các tiếp xúc này trở nên hiện thực và sâu sắc hơn nhờ phục vụ tha nhân. Như thế tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là bất khả phân ly, chúng làm nên một giới răn duy nhất. Tuy nhiên cả hai đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thương yêu ta trước. Lúc đó sẽ không còn vấn đề của một ‘giới răn’ áp đặt từ bên ngoài, bất khả thi, nhưng đúng hơn, từ một cảm nghiệm bên trong về một tình yêu được ban tặng, một tình yêu mà tự bản chất, phải được sẻ chia sau đó cho người khác. Tình yêu sẽ lớn mạnh nhờ tình yêu. Tình yêu là ‘linh thánh’ vì nó xuất phát từ Thiên Chúa và kết hiệp ta với Ngài. Qua tiến trình kết hợp này, nó làm ta trở thành một ‘chúng ta’, vượt lên trên mọi chia rẽ, và làm ta trở nên một, để rồi cuối cùng Thiên Chúa trở nên “mọi sự cho mọi người” (1 Cr 15,28).


PHẦN HAI: CARITAS – BÁC ÁI NHƯ MỘT “CỘNG ĐOÀN TÌNH YÊU” HỘI THÁNH THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG

Hoạt động bác ái của Hội thánh như biểu hiện tình yêu của Chúa Ba Ngôi

19. “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn thấy Chúa Ba Ngôi” Thánh Augustinô đã viết như thế[11]. Trong phần suy tư trên, chúng ta đã lưu tâm tới Đấng bị đâm thâu (x. Ga 19,37; Dcr 12,10), và nhận ra kế hoạch của Chúa Cha- được tình yêu thúc đẩy (x. Ga 3,26) Ngài đã sai người Con Một đi vào trần gian để cứu chuộc con người. Qua cái chết trên Thập Giá– như Thánh Gioan kể lại cho chúng ta– Đức Giêsu đã “trao Thần Khí” (x. Ga 19,30) như báo trước hồng ân Thánh Thần mà Người sẽ ban sau khi sống lại (x. Ga 20,22). Đó là để thể hiện lời hứa “những dòng nước hằng sống” từ tâm hồn các tín hữu sẽ tuôn chảy, nhờ vào việc tuôn đổ Thánh Thần (x. Ga 7,38-39). Thánh Thần chính là sức mạnh bên trong hòa con tim người tín hữu với nhịp đập của con tim Đức Kitô, và làm cho họ yêu mến người anh em như Đức Kitô yêu, khi người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-13), và nhất là khi Người hiến mạng sống mình cho ta (x. Ga”13,1; 15,13)

Thánh Thần cũng là nguồn sức mạnh biến đổi tâm hồn của Cộng đoàn Hội thánh, để trước mặt thế giới Hội thánh trở nên chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha- Đấng đã muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Người Con của Ngài. Mọi hoạt động của Hội thánh đều phải biểu lộ tình yêu tìm kiếm sự thiện toàn vẹn cho con người: tìm cách Phúc-Âm-hóa con người qua Lời Chúa và các Bí tích; một nhiệm vụ đã được lịch sử cho thấy là rất anh hùng; và tìm cách thăng tiến con người trong các lãnh vực khác nhau của cuộc sống và của sinh hoạt nhân loại. Tình yêu do đó chính là phục vụ mà Hội thánh chu toàn hầu như không ngơi nghỉ, để đáp ứng những nỗi khổ đau và nhu cầu của con người, kể cả các nhu cầu vật chất. Và cũng chính dưới khía cạnh việc phục vụ bác ái này, mà tôi muốn làm nổi bật trong phần hai của Thông điệp.

Bác ái như trách vụ của Hội thánh

20. Yêu tha nhân, dựa trên nền móng tình yêu Thiên Chúa, là bổn phận trước hết và trên hết của mọi thành phần tín hữu, nhưng đồng thời cũng là trách vụ của toàn thể cộng đoàn Hội thánh ở mọi cấp: từ cộng đoàn nhỏ đến Giáo hội địa phương cho tới cấp Giáo hội hoàn vũ. Trong tư cách cộng đoàn, Hội thánh phải thực thi bác ái. Và nếu tình yêu muốn cống hiến một phục vụ thích đáng, thì cần phải được tổ chức chu đáo. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, ý thức bổn phận này đã mang lấy một hình thái có tổ chức: ''Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu'' (Cv 2,44-45). Qua các lời trên, Thánh Luca đưa ra một định nghĩa về Hội thánh gồm các yếu tố cấu thành, trong đó có trung thành với “giáo huấn các Tông đồ”, có «hiệp thông» (koinonia), có «bẻ bánh», và có «cầu nguyện» (x. Cv 2,42). Yếu tố «hiệp thông» (koinonia) lúc đầu không được định nghĩa, nhưng chỉ thể hiện cách cụ thể qua các câu trích dẫn trên: thực ra nó hệ tại ở việc các tín hữu coi mọi sự như của chung, và giữa họ không còn phân biệt giàu nghèo (cũng xem Cv 4,32-37). Một khi Hội thánh phát triển, hình thức hiệp thông của cải triệt để như thế không thể tiếp tục tồn tại, nhưng cái cốt lõi vẫn còn đó: trong nội bộ cộng đoàn tín hữu sẽ không có chỗ cho nghèo đói, sẽ không ai phải thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu cho một đời sống xứng với nhân phẩm mình.

21. Bước ngoặt quyết định trong công việc khó khăn này- tìm ra phương thế áp dụng vào thực tế nguyên tắc căn bản này của Giáo hội- được diễn đạt qua việc tuyển chọn bảy người, đánh dấu sự khởi đầu của tác vụ phó tế (x. Cv 6,5-6). Đúng vậy, liên quan tới việc phân phát nhu yếu phẩm cho các bà góa trong Hội thánh sơ khai đã sớm xuất hiện sự bất bình đẳng giữa các tín hữu nói tiếng Hípri và những người nói tiếng Hy-lạp. Các Tông Đồ, vì có bổn phận ưu tiên là “cầu nguyện” (tức là cử hành Lễ Tạ Ơn và phụng vụ) và “phục vụ Lời Chúa”, đã thấy việc “phục vụ bàn ăn” là quá tải, và vì thế họ quyết định dành cho mình nhiệm vụ chính, và tuyển ra nhóm bảy người để chu toàn các phận vụ khác cũng rất thiết yếu đối với Hội thánh. Nhóm bảy vị này cũng không chỉ chu toàn công việc kỹ thuật là phân phối nhu yếu phẩm, nhưng họ còn phải là những con người “đầy Thần Khí và khôn ngoan” (x. Cv 6,1-6). Nói cách khác, việc phục vụ xã hội mà họ phải chu toàn là rất cụ thể, nhưng đồng thời cũng rất thiêng liêng. Thật vậy, chúng là nhiệm vụ thiêng liêng, vì thi hành một trong các bổn phận thiết yếu của Hội thánh, đó là yêu thương tha nhân cách có tổ chức. Với việc thành lập nhóm bảy người này, “diaconia”– phục vụ bác ái, được thực hiện trong tình hiệp thông cộng đoàn và có tổ chức, từ đây trở thành một phần chủ chốt trong cơ cấu của Giáo hội.

22. Năm tháng trôi qua, Hội thánh ngày càng lan rộng, việc thực thi bác ái được khẳng định như một trong các hoạt động cơ bản, cùng với việc trao ban Bí tích và công bố Lời Chúa. Yêu mến các cô nhi quả phụ, những kẻ tù đày, các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, cũng thiết yếu không kém tác vụ ban Bí tích và công bố Tin Mừng. Hội thánh không thể chểnh mảng trong phục vụ bác ái cũng như không thể chểnh mảng trong Bí tích và Lời Chúa. Chỉ xin trích ra đây một vài dẫn chứng. Thánh Giustinô tử đạo (+155), khi đề cập tới các việc Kitô hữu cử hành ngày Chúa Nhật, cũng nhắc tới hoạt động bác ái, liên kết với việc cử hành Thánh Thể. Những người khá giả dâng cúng tùy khả năng, bao nhiêu tùy ý; và Giám mục sử dụng các của dâng cúng đó để nâng đỡ cô nhi quả phụ, kẻ ốm đau, và bất cứ ai vì một lý do nào đó có nhu cầu, chẳng hạn như các tù nhân, các khách ngoại kiều[12]. Văn hào Kitô hữu Tertullianô (+ sau 220) kể lại rằng: các kẻ ngoại đã rất kinh ngạc khi nhìn thấy các Kitô hữu quan tâm tới mọi hạng người túng quẫn[13]. Và thánh Inhaxiô thành Antiokia (+ 117) đã mô tả Hội thánh Rôma như “dẫn đầu trong bác ái (agapè)”[14]. Chúng ta có thể hiểu, với định nghĩa đó ngài đang nói tới các hoạt động bác ái cụ thể của Giáo hội.

23. Cũng có thể sẽ rất hữu ích nếu ở đây, ta đề cập tới các cơ cấu pháp lý liên quan tới việc phục vụ bác ái của Hội thánh thời sơ khai. Vào khoảng giữa thế kỷ IV, ta đã thấy bên Ai Cập phát triển trong các đan viện tổ chức “diaconia”, trách nhiệm về công tác bác ái cứu trợ. Qua thế kỷ VI, cơ chế này đã phát triển thành một ‘tổ hợp’ có tư cách pháp lý hẳn hoi tới độ chính quyền ủy thác cho họ công việc phân phối một phần lúa thóc công. Rồi cũng tại Ai Cập, không chỉ trong các đan viện, mà mỗi Giáo phận dần dà cũng có tổ chức “diaconia” để sau đó phát triển rộng rãi sang cả đông lẫn tây. Đức Grêgôriô Cả (+604) đã đề cập tới diaconia tại Napôli. Trong khi tại Rôma tài liệu về các diaconia xuất hiện vào thế kỷ VII và VIII. Đương nhiên, hoạt động cứu trợ đối với người nghèo và người đau khổ đã là một phần thiết yếu của Giáo hội Rôma ngay từ buổi đầu rồi, dựa trên các nguyên lý của đời sống Kitô hữu được Sách Công vụ các Tông đồ đề ra. Hình ảnh sống động của thầy Phó tế Lôrenxô (+258) là trường hợp điển hình. Bài tường thuật bi tráng về cuộc tử đạo của Lôrenxô, được thánh Ambrôsiô (+397) biết đến, cống hiến một chân dung khá xác thực về vị thánh này. Trong tư cách trách nhiệm việc chăm sóc các người nghèo tại Rôma, Lôrenxô- sau khi Giáo hoàng và các bạn phó tế khác đã bị bắt– được gia hạn thêm một thời gian để thu gom tài sản của Giáo hội và giao nộp cho chính quyền. Ông đã phân phối cho người nghèo các tài sản có được, và giới thiệu họ cho chính quyền: như là tài sản đích thực của Hội thánh[15]. Cho dầu các chi tiết trên có mang tính lịch sử thế nào đi nữa, thì Lôrenxô vẫn luôn nằm trong tâm thức của Hội thánh như nhân vật diễn giải vĩ đại về bác ái của Giáo hội.

24. Khi đề cập tới nhân vật hoàng đế Giulianô - kẻ bội giáo (+363), ta cũng thấy được: vào những thế kỉ đầu, Giáo hội đã coi việc tổ chức thực thi bác ái là thiết yếu như thế nào. Lúc mới lên sáu, Giulianô đã chứng kiến việc cha mình, anh em và cả dòng họ bị lính ngự lâm giết chết; dù đúng hay sai, ông cũng đã gán hành động tàn bạo này cho hoàng đế Constantinô, người tự xưng mình là Kitô hữu kiệt xuất. Chính vì lẽ đó mà trong mắt ông, niềm tin Kitô giáo là điều cần phải dứt khoát loại bỏ. Một khi trở thành hoàng đế, Giulianô quyết định tái lập tôn giáo của người Rôma ngoại đạo trước đó. Đồng thời ông cải cách, mong biến ngoại giáo thành một động lực cho toàn đế quốc ông. Trong kế hoạch đó, phần lớn ông đã lấy cảm hứng từ nguồn Kitô giáo. Ông thiết lập các cơ chế giám mục và linh mục giáo phận để phát triển sự tôn kính đối với các thần, và yêu mến đối với tha nhân. Trong một lá thư[16] ông viết rằng: khía cạnh duy nhất của Kitô giáo gây ấn tượng trên ông chính là hoạt động bác ái của Giáo hội. Và như thế ông coi các hoạt động tương tự, song song với hệ thống bác ái của Giáo hội, cũng phải được thiết lập trong tôn giáo mới của ông. Theo ông, đây chính là lý do tại sao những ‘người theo tên Galilê’ có sức thu phục quần chúng đến như thế: “ta phải làm được như họ, và còn qua mặt cả họ nữa”. Và như thế, hoàng đế đã thừa nhận rằng, bác ái chính là nét đặc trưng của cộng đoàn các Kitô hữu, của Hội thánh.

25. Tới lúc này, ta thấy xuất hiện hai yếu tố nổi bật qua các suy tư:

a. Bản chất sâu xa nhất của Hội thánh được diễn tả qua ba trách vụ: công bố Lời Chúa (kerygma-martyria), cử hành Bí tích (leiturgia), và thi hành bác ái (diakonia). Cả ba trách vụ này đòi phải có nhau, và không thể bị chia cắt. Đối với Hội thánh, bác ái không phải là một thứ hoạt động cứu tế xã hội có thể khoán cho người khác làm, nhưng là một phần của bản chất, một diễn tả không thể thiếu được chính yếu tính của Hội thánh[17].

b. Hội thánh là gia đình của Thiên Chúa trong lòng thế giới. Trong gia đình này không được để một ai phải thiếu thốn những gì cần thiết cho cuộc sống. Nhưng đồng thời, caritas– agapè cũng phải vượt ra khỏi biên giới của Hội thánh. Dụ ngôn Người Samari Nhân hậu là chuẩn mực đòi một tình yêu đại đồng hướng tới những người túng thiếu mà chúng ta «tình cờ» gặp (x. Lc 10,31), cho dù họ có là ai đi nữa. Tuy không lãng quên tính phổ quát của giới luật tình yêu, Hội thánh cũng có bổn phận rõ ràng, đó là: trong nội bộ gia đình, làm sao không để một phần tử nào phải túng quẫn. Lời dạy của Thư gửi Tín hữu Galata nhấn mạnh: “Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong đại gia đình đức tin” (Gl 6,10)

Công bằng và Bác ái

26. Kể từ thế kỷ XIX, hoạt động xã hội của Giáo hội đã bị phản đối, đặc biệt mạnh mẽ trong hệ tư tưởng Mácxit. Họ tuyên bố rằng: người nghèo không cần tới bác ái, họ cần công bằng hơn. Công việc bác ái– đặc biệt là bố thí– thực tế là làm cho người giàu trốn tránh trách nhiệm xây dựng công lý, và là phương tiện ru ngủ lương tâm họ. Trong khi vẫn duy trì được địa vị của mình, người giàu cướp đi quyền lợi khỏi tay người nghèo. Vì thế, thay vì đóng góp qua các hoạt động bác ái cá nhân để duy trì nguyên trạng xã hội, ta cần xây dựng một trật tự xã hội mới, trong đó mọi người đều được chia phần trên của cải toàn thế giới, và không ai còn cần các việc bác ái nữa. Phải công nhận: lý luận này có phần nào đúng, nhưng cũng có sai lầm. Đúng là, việc theo đuổi công bằng phải là một nguyên tắc nền tảng của chính quyền, và rằng, mục đích của một trật tự xã hội đúng đắn phải bảo đảm cho mỗi người, dựa vào nguyên tắc bổ trợ, được có phần trong của cải chung của cộng đoàn. Điều này đã được Hội thánh không ngừng nhấn mạnh trong học thuyết Kitô giáo về nhà nước, và học thuyết xã hội của Giáo hội. Xét về mặt lịch sử thì đề tài ‘làm sao tổ chức một xã hội cho đúng’ đã có một hoàn cảnh mới trong xã hội công nghiệp hóa vào thế kỷ XIX. Sự xuất hiện của nền công nghiệp hiện đại đã làm cho các cấu trúc xã hội cũ sụp đổ; sự việc ngày một gia tăng giới lao động dựa vào đồng lương đã làm cho cơ cấu xã hội thay đổi từ cơ bản. Tương quan giữa tư bản và lao động trở thành đề tài then chốt trước đây chưa ai từng biết tới. Tư bản và phương tiện sản xuất giờ đây trở thành một nguồn quyền lực mới đang được tập trung vào tay một số ít người, dẫn tới việc xóa bỏ quyền lợi của giai cấp lao động; và họ nổi loạn chống lại tình trạng này.

27. Cũng phải công nhận rằng, lãnh đạo Giáo hội đã quá chậm trong việc nhận ra rằng: vấn đề cơ cấu của một xã hội công bằng cần phải được tiếp cận theo cách thức mới. Có một vài người tiền phong như Giám mục Ketteler của Giáo phận Mainz (+1877). Đáp ứng các nhu cầu cụ thể đã xuất hiện rất nhiều nhóm, nhiều hiệp hội, liên minh và huynh đoàn quan tâm, đặc biệt nhiều dòng tu mới được thành lập trong thế kỷ XIX để chống lại nghèo đói, bệnh tật và đáp ứng nhu cầu giáo dục. Tới năm 1891, Huấn quyền giáo hoàng mới can thiệp, trước hết với Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII, tiếp theo là Thông điệp Quadragesimo Anno mà Đức Piô XI ban hành năm 1931. Năm 1961, Chân phước (hiện nay đã là thánh-ND) Gioan XXIII ấn hành Thông điệp Mater et Magistra, trong khi Đức Phaolô VI liên tục ban hành Thông điệp Populorum Progressio (1967) và Tông thư Octogesima Adveniens (1971) bàn tới vấn đề xã hội, điều mà lúc đó đã trở nên hết sức cấp bách vì tình hình xã hội tại Nam Mỹ. Đấng tiền nhiệm vĩ đại của tôi– Đức Gioan Phaolô II cũng đã để lại ba bức Thông điệp xã hội: Laborem Exercens (1981), Sollicitudo Rei Socialis (1987) và sau hết là Centesimus Annus (1991). Đối mặt với nhiều vấn đề và nhân tố mới, học thuyết xã hội Công Giáo dần dà được phát triển, và hiện nay được trình bày cách tổng hợp trong cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Hội thánh (Compendium) được Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình cho ấn hành năm 2004. Thuyết Mácxit đã chứng kiến cuộc cách mạng thế giới, và đã tiên báo: đó chính là phương thuốc hiệu nghiệm để sửa sai mọi vấn đề xã hội. Thuyết này tuyên bố: cách mạng, và cùng với nó là tập thể hóa các phương tiện sản xuất, sẽ lập tức làm cho mọi sự nên tốt hơn. Tuy nhiên, giấc mộng này đã sớm tan biến. Trong tình hình phức tạp hiện nay, nhất là vì sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu hóa, học thuyết xã hội của Giáo hội trở thành một tổng hợp chỉ đạo cơ bản có giá trị vượt ra ngoài ranh giới của Hội thánh; tuy nhiên, vì phải đối mặt liên tục với sự phát triển còn đang diễn tiến, nên các định hướng này cần phải được đưa ra trong bầu khí đối thoại với tất cả những ai quan tâm tới con người, và tới thế giới trong đó chúng ta đang sống.

28. Để xác định cách chính xác hơn tương quan giữa dấn thân cho công bằng và phục vụ bác ái, ta cần xét tới hai tình huống cơ bản:

a. Tạo nên một trật tự đúng đắn giữa xã hội và nhà nước là nhiệm vụ chính của chính trị. Như thánh Augustinô đã từng nói: một nhà nước không cai trị theo công bằng thì chỉ là một phường trộm cướp: “Remota itaque iustitia quid sunt regna nisi magna latrocinia[18]. Điều cơ bản của Kitô giáo chính là phân biệt giữa điều thuộc về Xêsar với điều thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,21); nói cách khác, phân biệt giữa Giáo hội và nhà nước– hay như Công đồng Vatican II trình bày– sự độc lập của các thực tại trần thế[19]. Nhà Nước không áp đặt tôn giáo, nhưng bảo đảm tự do tôn giáo và thúc đẩy hài hòa giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Về phần mình, Hội thánh– như một biểu hiện về xã hội của niềm tin Kitô giáo– phải giữ cho mình được độc lập, được cơ cấu hóa như một cộng đoàn trên căn bản đức tin của mình, và được nhà nước tôn trọng. Hai lãnh vực đạo đời tuy tách biệt, nhưng luôn quan hệ mật thiết với nhau.

Công bằng vừa là mục đích vừa là tiêu chuẩn nội tại của mọi thể chế chính trị. Chính trị không đơn thuần là một bộ máy xác định các qui luật của đời sống công cộng: nguồn gốc cũng như cùng đích của nó phải được tìm thấy chính tại nơi công lý, mà công lý có bản chất đạo đức. Như thế, nhà nước luôn phải đối diện với vấn đề: làm thế nào để thực thi công lý tại đây và lúc này. Câu hỏi này giả thiết một câu khác còn căn bản hơn: công bằng là gì? Đây là vấn đề thuộc lý trí thực tiễn: để có thể hành động đúng, lý trí cần phải liên tục thanh luyện; bởi vì, lẽ phải sẽ không bao giờ hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ mù lòa về đạo đức, do ánh sáng chói chang của quyền lực và lợi ích riêng gây nên.

Đây là điểm mà chính trị và đức tin gặp gỡ nhau. Tự bản chất đức tin là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, cuộc gặp gỡ mở ra những chân trời mới vượt quá bình diện lý trí. Nhưng đồng thời cũng là năng lực thanh luyện lý trí. Từ góc độ Thiên Chúa, đức tin giải phóng lý trí khỏi ‘bị mù lòa’, và như thế giúp lý trí trở nên càng trọn hảo hơn. Đức tin làm cho lý trí nên hữu hiệu hơn, nhìn rõ ràng hơn những gì thuộc về mình. Và đây chính là vị trí của giáo huấn xã hội của Giáo hội: giáo huấn này không có tham vọng tạo cho Giáo hội một uy lực trên nhà nước. Càng không phải nó cố áp đặt trên những ai không cùng chia sẻ một niềm tin lối suy nghĩ và cách hành xử của đức tin. Nó chỉ muốn giúp thanh luyện lý trí, đóng góp vào việc nhận ra và đạt được điều đúng đắn nhất, chính lúc này và tại đây.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội biện luận dựa trên cơ sở lý trí và luật tự nhiên, có nghĩa là trên cơ sở phù hợp với bản chất của con người. Giáo huấn nhìn nhận rằng: việc làm sao cho giáo huấn này chiếm ưu thế trong đời sống chính trị không phải là trách nhiệm của Hội thánh; đúng hơn, Hội thánh giúp đào tạo lương tâm trong đời sống chính trị, và cổ vũ một hiểu biết thấu đáo về các đòi hỏi chân chính của công lý, cũng như sẵn sàng hành động đúng đắn cả khi điều này tạo nên xung đột với hoàn cảnh và lợi ích cá nhân. Xây dựng một trật tự xã hội và dân sự công bằng trong đó mỗi người nhận được những gì thuộc về mình, là một nhiệm vụ cơ bản mà mọi thế hệ đều phải bắt tay vào. Vì là một công tác chính trị, Hội thánh không nhận lãnh trách nhiệm trực tiếp. Tuy nhiên, vì đó cũng là một trách vụ nhân bản quan trọng, Hội thánh cũng buộc phải cống hiến, qua thanh luyện lý trí và huấn luyện đạo đức, đóng góp của riêng mình cho việc thấu hiểu các đòi hỏi của công lý và thực thi được về mặt chính trị.

Hội thánh không thể, và cũng không được phép, tham gia vào tranh chấp chính trị để thực hiện xã hội công bằng hơn. Hội thánh không thể và không được phép thay thế nhà nước. Thế nhưng, đồng thời Hội thánh cũng không thể, và không được, đứng ngoài cuộc chiến dành công lý. Hội thánh phải can dự vào cuộc đấu tranh này bằng lý luận dựa trên lý trí, và phải khơi dậy sức mạnh tinh thần, mà nếu không có, thì công lý, vốn luôn đòi phải hy sinh, sẽ không thể chiến thắng và phát huy được. Chính trị chứ không phải Hội thánh phải thực hiện được một xã hội công bằng. Tuy nhiên, thăng tiến công lý qua các nỗ lực mở rộng trí tuệ và ý chí để đón nhận công ích là điều Hội thánh cần quan tâm tới cách sâu xa nhất.

b. Tình yêu – caritas vẫn luôn chứng tỏ là cần thiết, ngay cả trong một xã hội công bằng nhất. Không một trật tự xã hội nào của Nhà nước, cho dầu công bằng tới đâu cũng không thể gạt bỏ được nhu cầu phục vụ bác ái. Bất cứ ai muốn loại bỏ tình yêu cũng sẽ loại bỏ chính con người. Sẽ luôn có đau khổ cần đến an ủi và giúp đỡ. Sẽ luôn có cô đơn. Sẽ luôn có những hoàn cảnh thiếu thốn vật chất cần được trợ giúp với tất cả tình thương mến[20]. Một Nhà nước muốn cung cấp mọi thứ, dành mọi việc cho mình, rốt cuộc chỉ có thể trở thành một bộ máy quan liêu không bảo đảm được điều mà người đau khổ - mọi người - cần, đó là được ân cần quan tâm yêu mến. Chúng ta không cần tới một Nhà nước điều phối và kiểm soát mọi sự, nhưng một Nhà nước hành xử theo nguyên tắc bổ trợ, quảng đại nhìn nhận và nâng đỡ các sáng kiến tới từ các lực lượng xã hội khác nhau, và rồi điều hợp những nỗ lực tự phát và gần gũi để trợ giúp những người túng quẫn. Hội thánh là một trong những lực lượng sống động này, sức sống trào dâng trong đó là nhờ tình yêu được Thần Khí Đức Kitô thắp lên. Tình yêu này không chỉ đơn giản là trợ giúp vật chất, nhưng còn làm hồi phục và chăm sóc linh hồn, điều mà đôi khi còn cần thiết hơn cả giúp đỡ vật chất. Sau cùng nếu cho rằng: cơ chế xã hội công bằng sẽ làm cho công tác bác ái trở nên thừa thãi, thì thực ra đó chính là biểu hiện của một quan niệm duy vật về con người, với định kiến sai lầm cho rằng con người “chỉ sống nhờ cơm bánh” (Mt 4,4; Đnl 8,3) – quan niệm như thế là hạ thấp con người, và không hề biết đến chính điều gì là đặc biệt nhân văn nhất nơi con người.

29. Trong đời sống Hội thánh, giờ đây, chúng ta có thể xác định rõ hơn nữa về tương quan giữa, một mặt, tham gia vào trật tự công bằng xã hội và Nhà nước, mặt khác, về tổ chức hoạt động bác ái. Như ta đã biết, việc thành lập các cơ cấu công lý không phải là bổn phận trực tiếp của Hội thánh, nhưng thuộc về lãnh vực của chính trị, lãnh vực tự quản của lý trí. Ở đây Hội thánh chỉ có bổn phận gián tiếp, là giúp thanh luyện lý trí và đánh thức các tiềm lực luân lý, mà nếu thiếu vắng, ngay cả các cơ cấu công bằng nhất cũng sẽ không hiệu quả về lâu dài.

Đàng khác, bổn phận trực tiếp kiến tạo trật tự công bằng xã hội được dành cho các giáo dân. Trong tư cách công dân của một đất nước, và trong tư cách cá nhân, họ được mời tham gia vào đời sống cộng đồng. Vì thế mà họ không được né tránh tham gia vào “các lãnh vực kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh và văn hóa khác nhau, là các cơ cấu nhằm thăng tiến cách có tổ chức và thể chế hóa công ích”[21]. Do đó sứ mạng của người giáo dân phải là định hình đời sống xã hội cách nghiêm túc, tôn trọng tính độc lập hợp pháp của nó, và tùy theo khả năng mình, cộng tác với các công dân khác trong trách nhiệm của mình[22]. Cho dẫu thi hành bác ái riêng của Giáo hội không thể bị lẫn lộn với hoạt động của Nhà nước, nhưng quả thật, bác ái vẫn luôn phải làm sinh động toàn bộ đời sống người giáo dân, ngay cả các hoạt động chính trị của họ, vốn cũng là “bác ái trên bình diện xã hội”[23].

Trong khi đó, các tổ chức bác ái của Hội thánh vẫn là một opus proprium – công trình riêng, công tác thích hợp với bản tính mình. Hội thánh không hành xử như một người cộng sự bên lề, nhưng như một chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, thi hành điều thích hợp với bản tính của mình. Hội thánh cũng không bao giờ được châm chước cho mình khỏi thực thi bác ái có tổ chức, đàng khác, cũng không bao giờ có thể có hoàn cảnh mà ở đó không cần tới bác ái của từng cá nhân Kitô hữu, bởi vì ngoài công bằng, con người cần và sẽ luôn cần tới tình yêu.

Các cơ cấu đa dạng của việc phục vụ bác ái trong bối cảnh xã hội hôm nay

30. Trước khi thử xác định diện mạo chuyên biệt của các hoạt động mà Giáo hội thi hành nhằm phục vụ con người, tôi muốn xem xét bối cảnh tổng thể của cuộc dấn thân cho công lý và bác ái trong thế giới hôm nay.

a. Ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm cho hành tinh của chúng ta trở nên bé nhỏ hơn, khoảng cách giữa các dân tộc và văn hóa cũng được rút ngắn lại. Bối cảnh “gần gũi nhau” này đôi khi lại tạo ra hiểu lầm và căng thẳng; đàng khác khả năng biết tức thời các nhu cầu của người khác cũng thách đố ta chia sẻ hoàn cảnh và khó khăn của họ. Cho dầu có những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, mỗi ngày chúng ta vẫn chứng kiến bao nhiêu đau khổ đang xảy ra trên thế giới, do bao hoàn cảnh khốn cùng cả về vật chất lẫn tinh thần gây nên. Thời đại này đòi ta phải luôn sẵn sàng đáp ứng các túng thiếu của người thân cận. Công Đồng Vatican II đã đề cập tới điều này cách rõ ràng như sau: “Ngày nay, nhờ các phương tiện truyền thông hoàn thiện hơn, những khoảng cách giữa con người có thể nói là đã vượt qua, hoạt động bác ái có thể và phải bao trùm tất cả mọi người và tất cả mọi nhu cầu[24].

Đàng khác, nơi đây chúng ta nhận ra một thách đố, đúng hơn, mặt tích cực của tiến trình toàn cầu hóa: chúng ta đang có trong tay rất nhiều phương tiện để cống hiến trợ giúp nhân đạo cho các anh chị em túng quẫn, trong số đó phải kể tới hệ thống hiện đại phân phối thực phẩm áo quần, cũng như cung cấp nhà ở và chăm sóc y tế. Sự quan tâm tới người thân cận đã vượt qua biên giới quốc gia, và mở rộng chân trời ra cho toàn thế giới. Công Đồng Vatican II đã nhận xét như sau: “Trong các dấu chỉ của thời đại chúng ta, phải đặc biệt chú ý tới ý thức ngày càng gia tăng và không thể tránh được về tình hình liên đới giữa các dân tộc[25]. Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức nhân đạo tích cực nâng đỡ các sáng kiến hướng về mục đích này, trợ cấp hay giảm thuế về phía Nhà nước, trong khi các tổ chức khác ra công khai thác các nguồn lực đáng kể trong tầm tay; như thế ta thấy: sự liên đới của xã hội dân sự đã vượt xa liên đới của từng cá thể.

b. Tình trạng này cũng đã làm nảy sinh và phát triển nhiều hình thức liên kết giữa các tổ chức Nhà nước và Giáo hội mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan Giáo hội, nhờ hoạt động trong sáng, và trung thành với nhiệm vụ làm chứng cho tình yêu, đã có thể mang lại cho các cơ quan dân sự một sức sống Kitô giáo, góp phần làm cho phục vụ bác ái trở nên hữu hiệu hơn[26]. Nhiều tổ chức bác ái hay từ thiện cũng được hình thành trong bối cảnh đó, đang tận tụy kiếm tìm các giải pháp nhân đạo thích hợp, hầu giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị cấp thời. Thật có ý nghĩa, khi mà hiện nay đang xuất hiện và phát triển nhiều hoạt động thiện nguyện các loại, đảm nhận nhiều công tác phục vụ khác nhau[27]. Tôi muốn nói một lời cám ơn và ca ngợi đặc biệt ở đây gửi tới tất cả những ai, cách này hay cách khác, đang tham gia vào các hoạt động này. Đối với người trẻ, việc tham gia rộng rãi này là ngôi trường giáo dục tình liên đới và tinh thần sẵn sàng cống hiến, không chỉ giúp đỡ vật chất mà cống hiến cả con người mình nữa. Đây là một liều thuốc chống lại nền văn hóa sự chết, biểu lộ qua ma túy chẳng hạn, đó là liều thuốc của tình yêu vô vị lợi khai mở cho nền văn hóa sự sống: sẵn sàng “đánh mất mình đi” sống cho tha nhân (x. Lc 17,33 tt).

Trong Hội thánh Công giáo, và trong nhiều Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội khác đã xuất hiện nhiều thể loại hoạt động bác ái mới, trong khi các hình thức cũ cũng đang lấy lại sức sống và sinh khí mới. Các thể loại này đang tạo nên một nối kết rất hiệu quả giữa Phúc-Âm-hóa và hoạt động bác ái. Ở đây tôi muốn xác quyết lại cách rõ ràng điều đã được vị tiền nhiệm vĩ đại là Đức Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis[28], nói rằng: Hội thánh Công giáo sẵn sàng cộng tác với các tổ chức bác ái của các Giáo hội và các Cộng đoàn khác, bởi vì chúng ta có chung một động lực cơ bản và cùng nhìn về một mục tiêu chung, đó là: nền nhân văn đích thực nhìn nhận con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và mong muốn giúp con người sống phù hợp với phẩm giá mình hơn. Thông điệp Ut Unum Sint của ngài nhấn mạnh: để xây dựng được một thế giới tốt đẹp hơn, rất cần các Kitô hữu phải có tiếng nói chung trong công việc, để vun trồng “lòng tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của mọi người, nhất là của các người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng và yếu đuối”[29]. Đây, tôi muốn bày tỏ niềm vui, vì trên khắp thế giới, lời kêu gọi đó đã được đáp ứng cách rộng rãi bằng nhiều sáng kiến khác nhau.

Nét độc đáo trong hoạt động bác ái của Hội thánh

31. Các tổ chức mang mục đích đáp ứng các nhu cầu đa diện của con người không ngừng gia tăng, tất cả xét cho cùng đều bắt nguồn từ lệnh truyền yêu thương tha nhân mà Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi vào trong bản tính con người. Đó cũng là hiệu quả của sự hiện diện của Kitô giáo trong thế giới, bởi vì Kitô giáo không ngừng làm thức tỉnh và thực thi lệnh truyền này, một đòi hỏi mà trong dòng lịch sử vẫn thường bị che khuất. Cuộc cải cách ngoại giáo mà hoàng đế Giulianô– Kẻ Bội Giáo đã thử làm, là một điển hình sơ khởi của hiệu quả này. Theo nghĩa này, ta nhận ra sức mạnh của Kitô giáo vượt cả ra ngoài biên cương của đức tin Kitô hữu. Do đó, hoạt động bác ái của Hội thánh cần phải được duy trì trong tất cả vẻ huy hoàng của nó, để không bị biến thành một tổ chức trợ cấp xã hội dân sự. Vậy thì, đâu là các yếu tố cơ bản làm nên yếu tính của bác ái Kitô giáo của Hội thánh?

a. Theo mẫu mực mà dụ ngôn người Samari nhân hậu đề ra, bác ái Kitô giáo trước hết đơn thuần là một giải đáp trước một nhu cầu cấp thời trong một hoàn cảnh nhất định: cho kẻ đói ăn, cho người trần truồng mặc, chăm sóc người đau yếu, thăm viếng kẻ tù đày v.v… Các tổ chức bác ái của Giáo hội, dẫn đầu là Caritas (cấp giáo phận, quốc gia và quốc tế) cần phải làm mọi cách trong khả năng mình để cung cấp nguồn tài lực, và nhất là nhân lực cần thiết cho công việc này. Các cá nhân chăm sóc kẻ thiếu thốn, trước hết, phải có khả năng chuyên môn: họ phải được huấn luyện nghiêm túc để biết, phải làm gì và làm cách nào trong cuộc dấn thân lâu dài. Tuy nhiên, khả năng chuyên môn là nhu cầu cơ bản đầu tiên, nhưng vẫn chưa đủ. Ta đang đứng trước những con người, mà con người thì cần cái gì đó hơn nữa chứ không chỉ là kỹ thuật chăm sóc tốt. Họ cần tới tình người, họ cần được quan tâm chân thành. Những ai hoạt động trong các tổ chức bác ái của Hội thánh cần được nhận biết, họ không chỉ phục vụ tốt nhu cầu trước mắt, nhưng còn dấn thân phục vụ tha nhân với cả tâm hồn, làm sao cho mọi người nhận ra tình người phong phú nơi họ. Do đó, ngoài đào tạo chuyên môn cần thiết, các nhân viên bác ái này còn cần được «đào tạo con tim»; họ cần được dẫn tới gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu nơi họ và mở rộng tâm trí họ cho tha nhân. Thế nên, đối với họ, ta có thể nói rằng: tình yêu tha nhân không còn phải là một luật lệ áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một hiệu quả từ đức tin của họ, một đức tin trở nên linh hoạt vì yêu thương (x. Gl 5,6).

b. Hoạt động bác ái Kitô giáo phải độc lập đối với đảng phái và ý thức hệ. Nó không phải là phương tiện để thay đổi thế giới theo một ý thức hệ nào đó, cũng không phải là phục vụ cho một chiến lược trần thế, nhưng là một cách để làm tình yêu được hiện diện ngay lúc này và tại đây, điều mà con người luôn luôn cần. Thời hiện đại, đặc biệt vào thế kỷ XIX đã bị nhiều thể loại triết học tiến bộ– mà hình thái triệt để nhất là thuyết Mácxit - thống trị. Một phần của chiến lược Mácxit là học thuyết bần cùng hóa, thuyết này cho rằng: trong hoàn cảnh của một quyền lực bất công thì bất cứ có sáng kiến giúp đỡ con người qua hoạt động bác ái, trên thực tế, là phục vụ hệ thống bất công đó, vì làm cho nó xem ra chịu đựng được. Làm như thế là hãm đà tiềm năng cách mạng, là ngăn cản cuộc đấu tranh để có một thế giới tốt đẹp hơn. Dước góc nhìn này, bác ái quả đáng bị gạt bỏ và bị công kích như một hệ thống duy trì tình trạng bất di bất dịch (status quo). Thực ra, đây quả là một nền triết học phi nhân. Nhân loại hiện tại đang bị tế cho thần Moloch của tương lai– một tương lai mà thành quả còn quá mù mờ. Không ai có thể làm cho thế giới này ra nhân bản hơn, nếu ngay bây giờ và vào lúc này, lại từ chối hành xử cách nhân đạo. Ta chỉ góp phần xây dựng một thế giới tốt hơn, một khi cá nhân mình ngay lúc này đây làm điều thiện, và trọn vẹn dấn thân bất cứ khi nào có dịp, độc lập với chiến lược hay chương trình của đảng phái. Chương trình của một Kitô hữu– chương trình của người Samari nhân hậu, chương trình của Đức Giêsu chính là «một con tim biết nhìn thấy». Con tim này biết nhận ra nơi đâu cần tình yêu, và sẽ hành xử cách thích hợp. Dĩ nhiên là, khi Hội thánh thi hành hoạt động bác ái với tư cách như là sáng kiến của cộng đoàn, tính tự phát của các cá nhân còn phải được kết nối vào kế hoạch, viễn ảnh và hợp tác với các tổ chức tương tự khác.

c. Hơn nữa, ta không được phép sử dụng công cuộc bác ái như phương tiện để làm điều mà ngày nay quen gọi là ‘chiêu mộ tín đồ’ (proselytism). Tình yêu phải là cho không, và không được sử dụng nó như phương tiện để đạt được một chủ đích nào đó[30]. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoạt động bác ái phải gạt Thiên Chúa và Đức Kitô qua một bên. Bởi vì tình yêu liên quan tới toàn thể con người. Thường khi, nguyên nhân sâu xa nhất của đau khổ lại chính là vắng bóng Thiên Chúa. Những ai thực thi bác ái nhân danh Hội thánh sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt niềm tin của mình trên kẻ khác. Họ phải hiểu rằng một tình yêu trong sáng và quảng đại là chứng từ hoàn hảo nhất về Thiên Chúa mà chúng ta tin, và được thôi thúc bởi tình yêu của Người. Một Kitô hữu phải biết khi nào nên nói về Chúa, và khi nào tốt hơn không nên nói gì, và để cho tình yêu lên tiếng mà thôi. Họ biết rằng: Thiên Chúa là tình yêu (x. Ga 4,8), và Thiên Chúa hiện diện mỗi khi điều duy nhất ta làm là yêu thương. Trở lại vấn nạn được nêu lên ở trên, họ hiểu rằng: khinh miệt tình yêu cũng đồng nghĩa với khinh miệt chính Thiên Chúa, đồng thời khinh chê cả con người, là tìm cách loại bỏ Thiên Chúa. Do đó, cách bảo vệ Thiên Chúa và con người tốt nhất chính là yêu thương. Nhiệm vụ của các tổ chức bác ái của Giáo hội là củng cố ý thức này nơi các hội viên mình, sao cho, qua hành động cũng như lời nói, qua thinh lặng và gương sáng, họ có thể trở nên chứng từ khả tín của Đức Kitô.

Những người có trách nhiệm đối với hoạt động bác ái của Hội thánh

32. Sau hết, một lần nữa chúng ta trở lại mối quan tâm tới những ai chu toàn hoạt động bác ái của Hội thánh. Qua các suy tư vừa rồi ta thấy rõ: chủ thể thật sự của các tổ chức Công giáo khác nhau thi hành tác vụ bác ái chính là Hội thánh ở mọi cấp trật– giáo xứ, giáo phận, Giáo hội hoàn vũ. Vì lẽ đó, thật là thích hợp việc Đấng Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Phaolô VI đã thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum, một tổ chức của Tòa Thánh có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp các tổ chức và hoạt động bác ái do Giáo hội Công giáo khởi xướng. Theo cơ chế giám mục của Giáo hội, các Giám mục, trong tư cách nối nghiệp các Tông Đồ, lãnh trách vụ hàng đầu thực thi trong các Giáo hội địa phương chương trình đã được đề ra trong Công Vụ Các Tông Đồ (x. 2,42-44), đó là, hôm nay cũng như trong quá khứ, Hội thánh– gia đình của Chúa– phải là một nơi thực thi sự trợ giúp trao ban và lãnh nhận, đồng thời cũng là nơi người ta sẵn sàng phục vụ cả những người ngoài, cần tới sự giúp đỡ. Trong nghi thức tấn phong giám mục, trước nghi lễ thánh hiến, ứng viên phải trả lời một số câu hỏi miêu tả các yêu tố cơ bản của tác vụ giám mục, và nhắc nhở các bổn phận ngài phải chu toàn trong tương lai. Lúc đó, ngài đoan hứa rõ ràng rằng: nhân danh Chúa, tôi sẽ tiếp đón và tỏ lòng nhân hậu với người nghèo và đối với tất cả những ai cần nâng đỡ và ủi an[31]. Bộ Giáo Luật phần bàn về sứ vụ Giám mục đã không minh nhiên nói tới bác ái như lãnh vực chuyên biệt của công tác giám mục, nhưng nói cách chung chung tới bổn phận của Giám Mục là phối hợp các công tác tông đồ, trong khi vẫn tôn trọng đặc tính riêng của chúng[32]. Tuy nhiên, gần đây hơn, cuốn Chỉ nam Công tác Mục vụ của Giám mục đã triển khai sâu và cụ thể hơn, bổn phận bác ái như một trách vụ nội tại trong toàn Giáo hội và của từng Giám mục trong Giáo phận của ngài[33]. Cuốn Chỉ nam nhấn mạnh: thực thi bác ái tự nó là hành động của Hội thánh, và như tác vụ Lời Chúa và Bí tích, ngay từ thời đầu, đã là một phần cốt yếu của sứ vụ của Hội thánh[34].

33. Liên quan tới nhân sự cụ thể thi hành hoạt động bác ái của Hội thánh thì điều chính yếu đã được tôi đề cập rồi, đó là: họ không được để cho ý thức hệ cải tạo thế giới thúc đẩy, nhưng phải do đức tin được tình yêu hướng dẫn (x. Gl 5,6). Bởi đó, hơn bất cứ điều gì khác, họ phải là những con người được tình yêu Đức Kitô thôi thúc, những người có con tim được tình yêu của Đức Kitô chiếm hữu, và khơi lên tình yêu mở rộng cho tha nhân. Tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động của họ phải là lời xác quyết mà thánh Phaolô trong Thư thứ hai gửi Tín hữu Côrintô đã thốt lên: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (5,14). Ý thức rằng: trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã phó nộp mình cho chúng ta tới độ sẵn lòng chịu chết, sẽ thôi thúc ta không còn sống cho mình nữa, nhưng cho Ngài, và cùng với Ngài cho tha nhân. Ai yêu mến Đức Kitô thì cũng yêu mến Hội thánh, và ước mong Hội thánh ngày càng trở nên hình ảnh và khí cụ từ đó tình yêu từ Đức Kitô tuôn chảy dạt dào. Nhân sự của các tổ chức bác ái Công giáo mong muốn được cộng tác với Giáo hội, do đó với Giám mục, để sao cho tình yêu Đức Kitô được lan rộng khắp thế giới. Nhờ tham gia vào việc thực hành tình yêu của Hội thánh, họ muốn trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô, và vì thế họ muốn làm việc thiện cho mọi người, một cách vô cầu.

34. Tuy rộng mở đối với chiều kích Công giáo nội bộ của Hội thánh, điều này không ngăn cản các cộng tác viên làm việc hòa hợp với các tổ chức khác trong việc phục vụ người nghèo thuộc mọi dạng thức khác nhau; nhưng vẫn phải luôn tôn trọng nét đặc thù của hình thức phục vụ mà Đức Kitô đòi hỏi các môn đệ Người phải có. Trong bài ca đức ái (x. 1 Cr 13) Thánh Phaolô đã dạy chúng ta rằng, bác ái không chỉ là việc làm mà luôn còn phải đi xa hơn: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (câu 3). Bài ca này phải là Hiến Chương (Magna Carta) của mọi phục vụ trong Hội thánh. Nó tóm kết mọi suy tư về tình yêu mà tôi trình bày trong Thông điệp này.

Hoạt động cụ thể sẽ không bao giờ là đủ, trừ khi nó diễn đạt được tình yêu tha nhân, một tình yêu được nuôi dưỡng nhờ gặp gỡ Đức Kitô. Sự chia sẻ cá nhân thâm sâu của tôi vào nhu cầu và đau khổ của tha nhân như thế sẽ trở thành một chia sẻ chính con người tôi với họ: để tặng phẩm không làm cho họ cảm thấy nhục nhã, tôi phải hiến tặng cho tha nhân không chỉ vài điều tôi có, mà phải hiến ban chính con người tôi: đích thân tôi phải hiện diện trong tặng phẩm tôi trao.

35. Phục vụ tha nhân cách đúng đắn như thế cũng sẽ khiến người làm trở nên khiêm tốn. Người phục vụ không coi mình cao hơn tha nhân, dầu cho người đó đang trong tình trạng khốn nạn tới mấy đi nữa. Đức Kitô đã nhận lấy chỗ rốt hết, tức là Thập Giá, và qua việc tự hạ thẳm sâu này mà Người cứu chuộc chúng ta, và không ngừng trợ giúp ta. Những ai trong tư thế giúp đỡ kẻ khác cần ý thức rằng: làm như thế là chính họ đang được giúp đỡ; vì được giúp kẻ khác đâu phải do công phúc hay thành tựu gì của mình. Phận vụ này là một hồng ân. Càng giúp đỡ kẻ khác, ta lại càng thấu hiểu và dễ chấp nhận hơn lời Đức Kitô: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Ta nhìn nhận rằng, mình không hành xử dựa trên sự ưu việt gì hay thành quả nào của cá nhân mình, nhưng vì Chúa đã khấng cho phép ta làm điều đó. Đôi khi vì những nhu cầu quá lớn hay các giới hạn của mình đè nặng mà ta bị cám dỗ nản chí. Chính những lúc đó, ta sẽ được nâng đỡ nếu hiểu ra rằng: xét cho cùng, mình cũng chỉ là một dụng cụ trong tay Chúa mà thôi. Và hiểu biết như thế sẽ giải thoát ta khỏi tự phụ, khi tưởng rằng: chỉ cá nhân tôi có trách nhiệm làm cho thế giới này nên tốt hơn. Trong khiêm tốn, ta sẽ làm những gì mình làm được, và cũng trong khiêm cung, ta phó thác phần còn lại cho Chúa. Chính Chúa mới là Đấng điều khiển thế giới chứ không phải ta. Ta dâng hiến cho Ngài việc phục vụ trong mức độ có thể làm, bao lâu Ngài còn ban cho ta đủ sức phục vụ với khả năng và với sức lực ta có, đây là điều thôi thúc người tôi tớ tốt lành của Đức Giêsu Kitô hành động không ngừng: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14).

36. Khi nghĩ tới nhu cầu bao la của thế giới, ta có thể, một đàng bị rơi vào một ý thức hệ– mong làm được điều gì đó mà xem ra Thiên Chúa không cai quản nổi– đó là giải quyết tận căn vấn đề. Đàng khác, ta cũng có thể bị rơi vào thế bị động, vì nghĩ rằng: hầu như trong bất kỳ tình huống nào, tôi cũng chẳng làm được gì. Trong hoàn cảnh đó, mối tương quan sinh động với Đức Kitô là quyết định hầu giúp ta đi đúng hướng, không rơi vào thái độ ngạo mạn khinh bỉ đối với con người– là điều không những không xây dựng mà còn hủy diệt, hoặc không đầu hàng trong thái độ cam chịu– là điều ngăn cản ta để được tình yêu hướng dẫn trong việc phục vụ tha nhân. Khi đó, cầu nguyện– như phương thế kín múc từ Đức Kitô nguồn sức lực mới– là điều thực tế và cấp thiết hơn cả. Ai cầu nguyện, người đó không phí phạm thời giờ, cho dầu hoàn cảnh có cấp bách tới mấy, có đòi phải hành động ngay lập tức đi nữa. Đạo đức không làm suy yếu đấu tranh chống lại nghèo đói hay chống lại sự khốn cùng của tha nhân. Gương của Mẹ Têrêxa Calcutta là một điển hình: thời gian dành cho Chúa trong cầu nguyện không làm Mẹ xao lãng việc phục vụ hữu hiệu và yêu thương đối với tha nhân, trái lại trên thực tế còn là nguồn sức mạnh không hề vơi cạn của việc phục vụ này. Trong lá thư viết dịp Mùa Chay năm 1996, Mẹ Têrêxa nói cho các giáo dân cộng sự: “Chúng ta cần liên kết sâu xa với Chúa trong đời sống thường ngày, nhưng làm thế nào để đạt được điều đó? Thưa qua cầu nguyện!

37. Đây là lúc để tôi khẳng định tầm quan trọng của cầu nguyện trước thuyết duy hoạt động và thế tục hóa, mà nhiều Kitô hữu dấn mình vào các công tác từ thiện gặp phải. Đương nhiên, dầu có cầu nguyện, Kitô hữu vẫn không thể thay đổi được kế hoạch của Chúa hay sửa chữa những gì Người đã tiên liệu. Đúng hơn là họ tìm một cuộc gặp gỡ với Cha của Đức Giêsu Kitô, để cầu xin Người hiện diện với họ, với công việc họ thi hành, nhờ ơn an ủi của Thánh Thần. Và một khi đã đi vào trong tương quan nhân vị với Chúa và phó thác cho Thánh Ý Ngài, ta sẽ tránh khỏi mặc cảm coi thường mình, và khỏi rơi vào các học thuyết cuồng tín và khủng bố. Một thái độ tôn giáo chân chính sẽ ngăn cản con người dám phán xét Thiên Chúa, tố cáo Ngài cho phép nghèo đói hoành hành và không đoái hoài tới vạn vật. Mà một khi con người đã tự cho mình có quyền xét xử Thiên Chúa hòng bảo vệ loài người, thì họ sẽ dựa vào ai đây, khi mà hoạt động của con người tỏ ra hoàn toàn bất lực?

38. Riêng trường hợp ông Gióp, đương nhiên là đứng trước nhan Chúa, ông đã phàn nàn vì chứng kiến biết bao khổ đau bất công hầu không thể hiểu nổi đang xảy ra trên thế giới. Trong đau đớn cùng cực, ông phải kêu lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để tìm Người và làm sao đến được nơi Người ngự? Tôi sẽ biết những điều Người trả lời cho tôi, và hiểu được những gì Người nói. Với tôi, Người có phải đem hết sức ra tranh luận…? Vì thế đứng trước nhan Người tôi đâm sợ hãi, chỉ nghĩ đến Người là tôi đã khiếp kinh. Thiên Chúa làm cho tôi nhát đảm, Đấng Toàn Năng khiến tôi phải kinh hoàng” (23,3.5-6.15-16). Thường thì chúng ta không thể hiểu nổi: vì sao Thiên Chúa lại không can thiệp? Người không cấm ta thốt lên như Đức Giêsu trên Thập Giá: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Ta có thể tiếp tục đặt vấn đề đó trong cầu nguyện đối thoại trước nhan Chúa: “Lạy Chúa, hỡi Đấng Thánh và là Đấng Chân Thật, Ngài còn trì hoãn đến bao giờ?” (Kh 6,10). Và trong đức tin, Thánh Augustinô sẽ cho ta lời giải đáp cho các vấn nạn đau khổ đó: “Si comprehendis, non est Deus– nếu bạn hiểu, Ngài đâu còn là Thiên Chúa”[35]. Phản kháng này không có nghĩa là thách thức Chúa, hay nghĩ rằng, cả nơi Ngài cũng có những biểu hiện của sai lầm, yếu đuối hoặc vô tâm. Đối với tín hữu, không nghĩ rằng Thiên Chúa bất lực hay “có thể Ngài đang ngủ chăng” (x. 1 V 18,27). Trái lại, lời kêu than của ta, như Đức Giêsu trên Thập Giá, là cách sâu xa và triệt để nhất để quả quyết rằng, ta tin vào quyền năng tối thượng của Ngài. Ngay cả khi hoang mang và thất bại trong việc hiểu biết thế giới quanh mình, Kitô hữu tiếp tục tin vào “Lòng nhân hậu và sự yêu thương của Thiên Chúa đối với con người” (Tt 3,4). Như mọi người, khi bị nhấn chìm trong các biến cố phức tạp bi đát của lịch sử, họ vẫn vững tin rằng: Thiên Chúa là Cha, và Người yêu thương tôi cả khi sự câm nín của Người làm tôi không sao hiểu nổi.

39. Tin, cậy và mến luôn đi với nhau. Cậy trông được thực thi nhờ đức kiên nhẫn, cho khả năng tiếp tục làm điều thiện cả khi đối mặt với những gì xem ra thất bại, trong khiêm nhu chấp nhận sự nhiệm mầu của Thiên Chúa, và ngay trong tăm tối vẫn tin tưởng nơi Ngài. Đức tin cho ta biết Chúa đã ban cho ta Con của Ngài, và làm ta tin tưởng cách vững chắc rằng: Thiên Chúa thật sự là tình yêu! Như thế sự mất kiên nhẫn và nghi ngờ của ta sẽ biến thành hy vọng vững chắc rằng: Thiên Chúa nắm trong tay thế giới và mặc cho bóng tối, cuối cùng Ngài vẫn chiến thắng trong vinh quang, như Sách Khải Huyền phần cuối đã dùng các hình tượng bi tráng để chỉ ra. Đức tin cho thấy tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua con tim Đức Giêsu bị đâm thâu trên Thập Giá, sẽ vực tình yêu của ta dậy. Tình yêu là ánh sáng– và nói cho cùng là ánh sáng duy nhất – có khả năng soi sáng một thế giới tối mù, và ban cho ta đức can đảm cần thiết để tiếp tục sống và làm việc. Tình yêu là khả thi, và ta có khả năng thực hiện, vì ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua Thông điệp này, tôi muốn mời gọi mọi người hãy mở rộng yêu thương, nhờ đó ánh sáng của Chúa được chiếu rọi vào thế giới.


KẾT LUẬN

40. Sau hết chúng ta hãy ngắm nhìn gương các vị thánh, những người đã thực thi bác ái cách mẫu mực nhất. Trước hết chúng ta nhớ tới thánh Martinô thành Tours (+397), một quân nhân trở thành đan sĩ rồi giám mục; ngài đã hầu như trở thành biểu tượng cho thấy được giá trị không gì có thể thay thế được của chứng tá cá nhân về bác ái. Tại cổng thành Amiens, Martinô đã chia phân nửa áo choàng của mình cho một người nghèo: và chính Đức Giêsu, trong giấc mộng tối hôm đó, đã hiện ra với ông mình mặc nửa tấm áo choàng; và xác nhận giá trị trường tồn của lời Phúc Âm: “Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,36.40)[36]. Ta cũng có thể trích dẫn từ lịch sử Giáo hội rất nhiều các chứng từ bác ái khác nữa, đặc biệt nhất là phục vụ bác ái đối với tha nhân được ứng dụng cách rộng rãi trong suốt phong trào đan tu, kể từ Thánh Antôn Viện Phụ (+356) vào thời đầu. Trong cuộc giáp mặt với Thiên Chúa là tình yêu, vị tu sĩ này cảm thấy bị thôi thúc bởi nhu cầu biến đổi đời sống mình - ngoài việc phụng sự Chúa, còn phải chân thành phục vụ tha nhân. Điều này cắt nghĩa lý do tại sao nơi các đan viện, người ta thường quan tâm tới việc tiếp đón khách lạ, những kẻ lỡ đường, chăm sóc bệnh nhân... Điều này cũng giải thích tại sao, suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, nhiều công cuộc từ thiện và giáo dục rộng lớn nhằm phục vụ đặc biệt các đối tượng nghèo nhất đã mọc lên, trước là nơi các dòng đan tu và khất sĩ, sau đó là nhiều hội dòng nam nữ tu sĩ khác nữa. Một số các khuôn mặt như Phanxicô Assisi, Inhaxiô Loyola, Camillo Lellis, Vinh Sơn Phaolô, Luy Marillac, Giuse Cottlolengo, Gioan Bosco, Luy Orione, Têrêxa Calcutta… là những gương mẫu trường tồn nổi bật về bác ái xã hội cho mọi người thiện tâm noi theo. Các thánh đích thực là những con người mang ánh sáng vào lịch sử, bởi vì họ là những con người của niềm tin, của hy vọng và của yêu thương.

41. Nổi bật giữa hàng ngũ các thánh là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, tấm gương phản chiếu sự thánh thiện. Trong Tin Mừng theo Luca, ta thấy Mẹ dấn thân vào phục vụ bác ái đối với bà chị họ Êlisabet, và lưu lại với bà chị “độ ba tháng” (1,56) để phụ giúp bà chị trong giai đoạn chót của thời kỳ thai nghén. “Magnificat anima mea Dominum” là lời Mẹ cất lên trong dịp thăm viếng đó, “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46). Qua những lời này Mẹ nói lên toàn bộ chương trình sống của mình: tôi không đặt mình làm trung tâm, nhưng dành chỗ cho Thiên Chúa, và gặp gỡ Ngài trong cầu nguyện và trong phục vụ tha nhân, và chỉ như thế tôi mới mang được điều thiện tới cho trần gian. Sự cao cả của Maria chính là ở chỗ, Mẹ muốn đề cao Thiên Chúa chứ không phải mình. Mẹ thấp hèn, điều duy nhất Mẹ muốn là được làm nữ tỳ của Thiên Chúa (x. Lc 1,38.48). Mẹ thừa hiểu rằng: chỉ khi nào hoàn toàn sẵn sàng thi hành kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải thực hiện kế hoạch của mình, Mẹ mới đóng góp được cho phần rỗi thế gian. Maria là người nữ của hy vọng: chỉ vì Mẹ tin tưởng vào lời hứa của Chúa, và chờ đợi sự cứu độ Israel, nhờ thế thiên sứ mới có dịp viếng thăm và mời gọi Mẹ góp phần quyết định vào việc thực hiện lời hứa này. Maria là người nữ của đức tin: “Phúc cho em vì đã tin”, Êlisabet nói cho Mẹ như thế (x. Lc 1,45). Ta có thể nói, lời kinh Ngợi Khen– Magnificat, là bức tranh tâm hồn Mẹ - được thêu dệt toàn bằng các sợi chỉ của Thánh Kinh, sợi chỉ của Lời Chúa. Ở đây ta chứng kiến một Maria đã thoải mái với Lời Chúa như thế nào, Mẹ ra vào Lời Chúa tùy thích. Mẹ nói và nghĩ với Lời Chúa; Lời Chúa trở thành lời của Mẹ, và lời Mẹ thốt ra Lời của Chúa. Ta cũng đồng thời nhận ra: tư tưởng Mẹ phù hợp với tư tưởng của Chúa như thế nào, và ý muốn của Mẹ nên một với Ý Chúa ra sao. Và bởi vì Maria đã hoàn toàn thấm nhuần Lời Chúa, Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể. Sau hết, Maria là người nữ của tình yêu. Làm sao có thể khác đi được? Vì trong tư cách tín hữu, Mẹ tin điều Chúa nghĩ và muốn điều Chúa muốn, Mẹ không thể không là người nữ yêu thương. Ta nghiệm ra điều này trong cử điệu thanh thản của Mẹ được Phúc Âm thuật lại trong trình thuật thời thơ ấu. Ta nhận ra điều này qua thái độ tế nhị Mẹ nhìn ra nhu cầu của đôi tân hôn tại Cana, và nhắc khéo Đức Giêsu. Ta cũng nhìn thấy Mẹ khiêm tốn rút vào hậu trường khi Đức Giêsu sống đời công khai, vì biết rằng, Con mình phải thiết lập một gia đình mới, và thời điểm của Người Mẹ chỉ tới với Thập Giá, cũng là giờ thật của Đức Giêsu (x. Ga 2,4; 13,1). Và khi các môn đệ trốn chạy, Maria đã trụ lại dưới chân Thập Giá (x. Ga 19,25-27); để rồi trong giờ Hiện Xuống, các ông lại tụ họp quanh Mẹ hầu chờ đợi Thánh Thần (x. Cv 1,14).

42. Đời sống các thánh không chỉ giới hạn vào tiểu sử trần thế của các ngài, nhưng còn gồm cả việc họ hiện diện và cộng tác với Chúa một khi đã khuất bóng. Nơi các ngài, ta hiểu ra một điều: rằng ai càng gần Chúa bao nhiêu, người đó sẽ không thể xa cách người trần bấy nhiêu, nhưng thật sự gần gũi họ. Điều này càng lộ rõ hơn nơi Maria. Những lời Thiên Chúa đang chịu đóng đinh nói cho người môn đệ Gioan, và cùng với Gioan cho tất cả các môn đệ khác nữa của Đức Giêsu: “Đây là Mẹ anh!” (Ga 19,27)– sẽ được thể hiện qua mọi thời đại; Maria thực sự trở thành Mẹ của mọi tín hữu. Các người nam nữ mọi nơi và mọi lúc, trong cơn túng thiếu và khát vọng, khi mừng vui cũng như lúc tủi buồn, trong cô đơn cũng như trong các dấn thân tập thể, đều chạy tới lòng khoan nhân từ mẫu và sự thanh khiết và vẻ đẹp trinh trắng của Mẹ. Và họ luôn cảm nhận được từ nơi Mẹ hồng ân từ mẫu, và từ cõi lòng thẳm sâu của Mẹ, đang chan hoà đổ xuống trên họ một tình yêu sâu xa. Chứng cứ của lòng biết ơn từ khắp các lục địa và văn hóa hằng dâng lên Mẹ là lời xác nhận: đã từng có một tình yêu tinh ròng, một tình yêu không hề tìm mình nhưng hoàn toàn rộng lượng. Đồng thời lòng sùng kính mà các tín hữu biểu lộ cho ta thấy một trực giác vững chắc rằng: tình yêu như thế là có thực! Nó là kết quả của sự kết hợp thân mật với Chúa, để tâm hồn được Ngài hoàn toàn tràn ngập, điều kiện để bất cứ ai uống nước nơi nguồn suối Tình Yêu Thiên Chúa cũng, tới phiên mình, trở thành mạch suối “từ đó tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38). Maria nữ trinh và hiền mẫu cho ta biết thế nào là yêu, biết tình yêu bắt nguồn từ đâu, và làm thế nào để sức mạnh của nó luôn được tái tạo. Chúng ta xin phó thác Hội thánh và sứ mạng phục vụ trong yêu thương cho Mẹ:

Lạy Mẹ Rất Thánh – Mẹ Thiên Chúa,
Mẹ đã ban cho trần gian ánh sáng thật
Là Đức Giêsu, Con của Mẹ
cũng là Con Thiên Chúa.

Mẹ đã hoàn toàn phó mình
cho Lời Chúa mời gọi,
Nhờ đó Mẹ trở thành mạch suối
Của mọi điều tốt lành
từ Thiên Chúa xuất phát ra.

Xin chỉ cho chúng con Đức Giêsu,
Xin dẫn chúng con tới với Người,
Xin dạy chúng con nhận biết
và yêu mến Người.

Để cả chúng con nữa,
cũng thể hiện được tình yêu chân chính,
Và trở nên mạch nước hằng sống
Cho thế giới đang khát bỏng hôm nay.

Ban hành tại Rôma, ở đền thờ Thánh Phêrô

Ngày 25 tháng 12 năm 2005

Lễ Trọng kính Sinh Nhật của Chúa

Năm đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của tôi.

Bênêđictô XVI - Giáo hoàng

_______


[1] Cf. Jenseits von Gut und Böse, IV, 168.

[2] X.69

[3] Cf. R. Descartes, Œuvres, ed. V. Cousin, vol. 12, Paris 1824, tr. 95ss.

[4] II, 5: SCh 381, 196.

[5] Ibid., 198.

[6] Cf. Metafisica, XII, 7.

[7] Cf. Pseudo.-Dionysius Areopagite, trong tác phẩm Sui nomi divini, IV, 12-14: PG3, tr.709-713, ông đã gọi Thiên Chúa vừa là eros vừa là agapè.

[8] Cf. Plato, Il Convito, XIV-XV, 189c-192d.

[9] Sallustio, De coniuratione Catilinae, XX, 4.

[10] Cf. Agostino, Confessiones, III, 6, 11: CCL 27, 32.

[11] De Trinitate, VIII, 8, 12: CCL 50, 287.

[12] Cf. I Apologia, 67: PG 6, 429.

[13] Cf. Apologeticum, 39, 7: PL 1, 468.

[14] Ep. ad Rom., Inscr: PG 5, 801.

[15] Cf. Ambrogio, De officiis ministrorum, II, 28, 140: PL 16, 141.

[16] Cf. Ep. 83: J. Bidez, L'Empereur Julien. Œuvres complètes, Paris 19602, v. I, 2a, p. 145.

[17] Cf. Bộ các Giám mục, Hướng dẫn Thừa tác vụ Mục vụ của các Giám mục Apostolorum Successores (22.2.2004),194,Città del Vaticano 2004, 2a 205-206.

[18] De Civitate Dei, IV, 4: CCL 47, 102.

[19] Cf. Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes về Hội thánh trong Thế giới ngày nay, 36.

[20] Cf. Bộ các Giám mục, Hướng dẫn Thừa tác vụ Mục vụ của các Giám mục Apostolorum Successores (22.2.2004),194, Città del Vaticano 2004, 2a, 209.

[21] Gioan Phao-lô ll, Tông Huấn hậuThượng Hội đồng Christi Fideles Laici (30.12.1988), 42 : AAS 81 (1989), 472.

[22] Cf. Bộ Giáo lý Đức tin, Nota dottrinale circa alcune questioni riguardanti l’impegno e il comportamento dei cattolici nella vita politica (24.11.2002), 1: L’Osservatore Romano, 17.01.2003, p.6.

[23] Giáo lý Hội thánh Công Giáo 1939.

[24] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem về Tông đồ Giáo dân, 8

[25] Ibid. 14.

[26] Cf.. Bộ các Giám mục, Hướng dẫn Thừa tác vụ Mục vụ của các Giám mục Apostolorum Successores (22.2.2004),194, , Città del Vaticano 2004, 2a, 206-208.

[27] Gioan Phao-lô II, Tông Huấn hậuThượng Hội đồng Christi Fideles Laici (30.12.1988), 42 : AAS 81 (1989), 470-472.

[28] Cf. N. 32: AAS 80 (1988), 556.

[29] N. 43: AAS 87 (1995), 946.

[30] Cf. Bộ các Giám mục, Hướng dẫn Thừa tác vụ Mục vụ của các Giám mục Apostolorum Successores (22.2.2004),194, , Città del Vaticano 2004, 2a, 208

[31] Cf. Pontificale Romanum, Nghi thức Phong chức Giám mục 43.

[32] Cf. Giáo Luật, điều 394 ; Giáo Luật của các Giáo hội Đông phương, điều 203.

[33] Cf. nn. 193-198, 212-219.

[34] Cf. Ibid., 194, 213-214.

[35] Sermo 52, 16: PL 38, 360.

[36] X. Sulpicius Severus, Vita Sancti Martini, 3, 1-3: SCh 133, 256-258.