ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
VIẾNG THĂM GIÁO XỨ "SAN PATRIZIO AL COLLE PRENESTINO"

BÀI GIẢNG

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – "Gaudete", 16 tháng 12 năm 2012

Kính thưa anh chị em giáo xứ San Patrizio,

Tôi rất vui mừng khi được đến thăm anh chị em và cử hành Bí tích Thánh Thể với anh chị em và vì anh chị em. Trước hết, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư dựa trên Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Vào Chúa Nhật 3 Mùa Vọng hôm nay, gọi là Chúa Nhật "Gaudete – Vui mừng", Phụng vụ mời gọi chúng ta vui mừng. Mùa Vọng là thời gian của sự dấn thân và hoán cải, để chuẩn bị cho việc Chúa đến, nhưng hôm nay Giáo Hội cho chúng ta nếm thử trước niềm vui của lễ Giáng Sinh đang đến gần. Thực tế, Mùa Vọng cũng là một thời gian của niềm vui, vì trong mùa này, việc mong đợi Chúa đến được khơi dậy trong lòng những người tín hữu; mong chờ một người đang đến luôn là lý do để vui mừng. Chiều kích vui tươi này có mặt trong Bài Đọc I của Chúa Nhật hôm nay. Trong khi đó, Tin Mừng lại phù hợp với một chiều kích khác của Mùa Vọng: đó là sự hoán cải, để chuẩn bị cho sự hiển linh của Chúa, được loan báo bởi Gioan Tẩy Giả.

Bài Đọc I mà chúng ta vừa nghe là lời mời gọi mạnh mẽ vui mừng. Đoạn văn bắt đầu bằng những lời: "Hãy reo mừng, hỡi thiếu nữ Sion… Hãy vui mừng hớn hở với tất cả lòng mình, hỡi con gái Giêrusalem" (Xph 3,14); lời này tương tự như lời của Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria: "Kính chào bà, đầy ơn phúc" (Lc 1,28). Lý do cốt yếu mà thiếu nữ Sion có thể vui mừng được diễn tả trong câu vừa rồi: "Chúa ở giữa ngươi" (Xph 3,15, 17); điều này có nghĩa là "ở trong cung lòng ngươi", với một sự ám chỉ rõ ràng đến nơi ngự trị của Thiên Chúa trong Hòm Bia Giao Ước, luôn được đặt giữa Dân Israel. Ngôn sứ muốn nói với chúng ta rằng không còn lý do gì để thiếu niềm tin, để nản lòng hay buồn sầu, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, bởi vì chúng ta đã chắc chắn về sự hiện diện của Thiên Chúa, điều này duy nhất có thể làm trái tim dịu lại và hân hoan.

Ngoài ra, Ngôn sứ Xôphônia cũng cho chúng ta biết niềm vui này là tương quan hai chiều: chúng ta được mời gọi vui mừng, nhưng Chúa cũng vui mừng trong mối tương quan với chúng ta; thực sự, ngôn sứ viết: "Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng" (c. 17). Niềm vui được hứa hẹn trong đoạn văn trên sẽ được thực hiện trong Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong cung lòng Đức Maria, "Thiếu nữ Sion", và cũng như đã ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Thực vậy, khi đến trong thế gian, Ngài ban cho chúng ta niềm vui của Ngài, như chính Ngài đã chia sẻ với các môn đệ: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn" (Ga 15,11). Chúa Giêsu mang đến cho con người ơn cứu độ, một mối tương quan mới với Thiên Chúa giúp vượt qua ác thần và sự chết, và mang lại niềm vui đích thực trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đến để soi sáng những con đường thường xuyên chìm trong bóng tối và ích kỷ.

Chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta có thực sự ý thức về thực tế rằng: Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta, rằng Ngài không phải là một Thiên Chúa xa vời mà là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Ngài ở trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở với chúng ta trong Giáo Hội sống động, và chúng ta phải là những người loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa vui mừng trong chúng ta và chúng ta có thể đạt được niềm vui: Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa tốt lành và Thiên Chúa gần gũi.

Trong Bài Đọc II mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê vui mừng trong Chúa. Liệu chúng ta có thể vui mừng không? Và tại sao chúng ta phải vui mừng? Thánh Phaolô trả lời: vì "Chúa đã gần đến" (Pl 4,5). Chỉ vài ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành lễ Giáng Sinh, Lễ Mừng việc Chúa đến, Ngài là Đấng đã tự hạ mình làm người và là anh em của chúng ta để ở cùng chúng ta và chia sẻ với chúng ta trong tình trạng con người. Chúng ta phải vui mừng trong sự gần gũi của Ngài, trong sự hiện diện của Ngài, và phải cố gắng hiểu rõ hơn rằng Ngài thực sự gần gũi, và từ đó chúng ta sẽ được thấm nhuần thực tế về sự tốt lành của Thiên Chúa, niềm vui khi có Chúa Kitô ở với chúng ta.

Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ trong một lá thư khác của ngài rằng không gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu đã được thể hiện nơi Chúa Kitô. Chỉ có tội lỗi mới có thể làm chúng ta xa cách Ngài, nhưng đó là yếu tố phân cách mà chính chúng ta tạo ra trong mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta tự xa lìa, Ngài không ngừng yêu thương chúng ta và vẫn gần gũi với chúng ta qua lòng thương xót, sự sẵn sàng tha thứ và ôm ấp chúng ta trong tình yêu của Ngài. Do đó, Thánh Phaolô tiếp tục nhấn mạnh, chúng ta đừng bao giờ phải lo âu, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cứ đem lời cầu khẩn, van xin mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều chúng ta thỉnh nguyện (x. Pl 4,6). Đây là một lý do lớn để vui mừng: biết rằng luôn có thể cầu nguyện với Chúa và rằng Chúa luôn lắng nghe chúng ta, rằng Thiên Chúa không phải là một Đấng xa vời, nhưng thực sự Ngài lắng nghe, Ngài biết chúng ta; và biết rằng Ngài không bao giờ từ chối lời cầu nguyện của chúng ta, dù Ngài không luôn trả lời theo cách chúng ta muốn, nhưng Ngài luôn đáp lại. Và Thánh Phaolô thêm vào: cầu nguyện “với lòng biết ơn” (x. Pl 4,6).

Niềm vui mà Chúa thông ban cho chúng ta phải gặp gỡ tình yêu biết ơn trong lòng chúng ta. Thật vậy, niềm vui của chúng ta được trọn vẹn khi chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài, khi chúng ta trở nên nhạy bén với những dấu hiệu của sự tốt lành của Ngài, nếu chúng ta thực sự cảm nhận được rằng sự tốt lành của Thiên Chúa ở với chúng ta và cảm tạ Ngài vì tất cả những gì chúng ta nhận được từ Ngài mỗi ngày. Những ai ích kỷ đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa sẽ không tìm thấy được niềm vui thật sự; nhưng trái tim của những người biến các ân huệ của Thiên Chúa thành cơ hội để yêu mến Ngài với lòng biết ơn chân thành và để truyền đạt tình yêu của Ngài cho người khác, sẽ thật sự đầy tràn niềm vui. Chúng ta hãy nhớ điều này!

Sau hai Bài Đọc, chúng ta đến với Tin Mừng. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng để đón nhận Chúa đến, chúng ta phải chuẩn bị mình bằng cách nhìn thấy rõ hành vi của mình trong cuộc sống. Thánh Gioan Tẩy Giả trả lời những người khác nhau hỏi ông họ phải làm gì để chuẩn bị cho việc Đấng Mêsia đến (x. Lc 3,10, 12, 14), rằng Thiên Chúa không yêu cầu điều gì phi thường, mà chỉ yêu cầu mỗi người phải sống theo tiêu chuẩn của sự liên đới và công bằng; không có những điều này, chúng ta không thể chuẩn bị đúng đắn cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Vì vậy, chúng ta cũng hãy hỏi Chúa: Ngài mong đợi gì nơi chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì, và bắt đầu hiểu rằng Ngài không yêu cầu điều gì phi thường mà chỉ mong chúng ta sống cuộc sống bình thường của mình với sự ngay thẳng và tốt lành.

Cuối cùng, Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ ra rằng chúng ta phải theo Chúa với lòng trung tín và can đảm. Trước hết, ông phủ nhận rằng chính ông là Đấng Mêsia và tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (c. 16). Ở đây, chúng ta nhận thấy sự khiêm nhường sâu sắc của Gioan khi nhận ra sứ mệnh của ông là dọn đường cho Chúa Giêsu. Câu nói: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước” không thể không làm rõ rằng hành động của ông chỉ mang tính biểu tượng. Thực tế, ông không thể xóa bỏ và tha tội: rửa bằng nước chỉ có thể cho thấy rằng cần phải thay đổi cuộc sống. Đồng thời, Gioan loan báo việc đến của Đấng “mạnh hơn ông” - Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (ibid.). Và như chúng ta đã nghe, vị ngôn sứ vĩ đại này sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ để mời gọi người dân ăn năn; tuy nhiên điều này không phải để gieo rắc nỗi sợ hãi mà để khuyến khích họ đón nhận tình yêu của Thiên Chúa theo cách tốt nhất, vì chỉ có tình yêu ấy mới có thể thực sự thanh tẩy cuộc sống. Thiên Chúa làm người như chúng ta để trao cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc: nếu chúng ta theo Ngài, nếu chúng ta sống đúng đắn trong đời sống Kitô hữu, Ngài sẽ kéo chúng ta đến gần Ngài, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta vào sự hiệp thông với Ngài; và trong trái tim chúng ta sẽ có niềm vui đích thực và bình an thật sự, ngay cả trong khó khăn, ngay cả trong những lúc yếu đuối.

Tiếp theo Đức Thánh Cha có lời những lời chúc tốt đẹp đến Giáo xứ San Patrizio. Để tóm kết, Đức Thánh Cha mời gọi:

Anh chị em thân mến, như chúng ta đã nói vào đầu lễ kỷ niệm này, phụng vụ hôm nay kêu gọi chúng ta đến với niềm vui và sự hoán cải. Chúng ta hãy mở lòng mình ra với lời mời gọi này; và chúng ta hãy nhanh chóng gặp Chúa đang đến, cầu khẩn và noi gương Thánh Patrick, một nhà truyền giáo vĩ đại, và Đức Trinh Nữ Maria, người đã chờ đợi và chuẩn bị trong thinh lặng và cầu nguyện cho sự ra đời của Đấng Cứu Chuộc. Amen!

Nguồn: WHĐ (16/12/2012)