ỦY BAN THÁNH
NHẠC:
HƯỚNG DẪN MỤC VỤ
THÁNH NHẠC
(Bản cập nhật tháng 12-2022)
WHĐ (23.04.2023) – Tài liệu “Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc” do Ủy ban Thánh nhạc soạn thảo đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận cho áp dụng chính thức ngõ hầu “thống nhất mục vụ Thánh nhạc theo giáo huấn của Giáo hội”. Quyết định của Hội đồng Giám mục do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, ký ngày 28.04.2017 tại Nha Trang. Tài liệu này đã được đăng trên WHĐ ngày 19.04.2018. Nay WHĐ đăng tải bản cập nhật mới nhất (tháng 12.2022) tài liệu này của Ủy ban Thánh Nhạc.
* * *
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Ủy ban Thánh nhạc
HƯỚNG DẪN
MỤC VỤ THÁNH
NHẠC
Tháng 12 năm 2022
(Bản cập nhật)
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CVL: Tài liệu hướng dẫn Thừa tác viên giáo
dân trong Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB, Co-Workers
in the Vineyard of the Lord: A Resource for Guiding the Development of Lay
Ecclesial Ministry - 2005)
GLCG: Giáo
lý Hội thánh Công giáo (1992) – Bản
dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam (2009)
HCMK: Công đồng
Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mạc khải – Dei Verbum (1965)
HCMV: Công đồng
Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội – Gaudium et Spes (1965)
HCPV: Công đồng
Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh – Sacrosanctum Concilium (1963)
HTÂN: Bộ Lễ
nghi, Huấn thị về Thánh nhạc và phụng vụ – De Musica Sacra et Sacra Liturgia (1967)
KLTN: ĐGH Piô
XII, Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc – Musicae Sacrae Disciplina
(1955)
PVGK: Bộ Phụng
tự, Quy chế tổng quát Các giờ kinh phụng vụ (1970)
QCTQ: Bộ Phụng
tự, Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma
(2000)
SBĐ: Sách
Bài đọc trong Thánh lễ - 1973
SLTG: Công đồng
Vaticanô II, Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo – Ad Gentes (1965)
Kinh Thánh: Bản
dịch của Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ (2011)
Công Đồng: Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin - Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012)
LỜI MỞ ĐẦU
Trong những năm qua,
Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận
được nhiều thắc mắc và thao thức (từ
các Đức giám mục, các linh mục tu sĩ, các nhạc sĩ sáng tác, các ca
trưởng và các ca đoàn) liên quan
đến lĩnh vực Thánh Nhạc trong Phụng Vụ. Ủy ban Thánh nhạc (UBTN)
đã lắng nghe và ghi nhận. Hầu hết những thao thức và thắc mắc đều
mong muốn UBTN sớm soạn thảo một tập hướng dẫn cụ thể như một kim
chỉ nam mục vụ thánh nhạc, để giúp cho những ai có trách nhiệm trong
lĩnh vực này “luôn hát đúng phụng
vụ theo hướng dẫn của Hội Thánh, ngõ hầu tôn vinh Thiên Chúa và
thánh hóa các tín hữu”; đồng
thời tạo được sự hiệp thông và hiệp nhất trong việc sử dụng thánh
nhạc trong phụng vụ. Để giúp
các ban thánh nhạc giáo phận, các đại chủng viện, các dòng tu, các
giáo xứ, các nhạc sĩ cũng như các anh chị em ca trưởng đạt được mục
đích này trong các cử hành phụng vụ, nay UBTN trân trọng giới thiệu
tập Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc.
Tập “Hướng dẫn mục
vụ thánh nhạc” này được soạn thảo dựa trên các văn kiện của Hội
thánh, của các Đức thánh cha, đặc biệt Huấn thị “Thánh nhạc và phụng vụ” (Instructio
de Musica Sacra et Sacra Liturgia do Thánh bộ Lễ nghi ban hành ngày
5-3-1967); cùng với các ý kiến từ
khắp nơi, trong đó phần lớn dựa vào văn kiện mới nhất về thánh nhạc
của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Văn kiện này đã
được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ thông qua ngày 4-11-2007. Văn kiện này
mang tính mục vụ rất cao, với tựa đề: “HÃY HÁT MỪNG CHÚA: Âm nhạc trong phụng vụ – SING TO THE LORD:
Music in Divine Worship”.
DẪN NHẬP: VÌ SAO CHÚNG TA HÁT MỪNG CHÚA
1. Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài hồng ân ca hát. Thiên
Chúa ở trong mỗi một con người, và Ngài hiện diện ở cội nguồn âm
nhạc. Thật vậy, Thiên Chúa, Đấng ban tiếng hát cho con người luôn hiện
diện bất cứ khi nào dân Chúa lên tiếng ca tụng Ngài.
2. Như tiếng kêu từ cõi sâu thẳm của con người chúng
ta, âm nhạc là con đường để Thiên Chúa dẫn chúng ta hướng tới nơi cao
vời hơn. Như thánh Augustinô đã nói: “Người
nào yêu thì hát.”[1] Vì thế âm nhạc là dấu
chỉ Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta yêu mến Ngài. Theo nghĩa
này thì âm nhạc mang tính chất riêng tư. Nhưng nếu âm nhạc không vang
lên, thì đó không còn phải là âm nhạc nữa, và bất cứ khi nào âm
nhạc được vang lên, nó mới đến được với người khác. Tự bản chất, âm
nhạc vừa có chiều kích cá nhân, vừa có chiều kích cộng đồng. Vì
vậy, có thể nói rằng việc cùng nhau ca hát trong thánh đường diễn
tả một cách tốt đẹp sự hiện diện cách bí tích của Thiên Chúa giữa
dân Ngài.
3. Tổ tiên chúng ta đã ngất ngây vui sướng vì hồng ân
ca hát này, đôi khi có được nhờ sự thúc đẩy của Thiên Chúa. Thiên
Chúa đã phán cùng Môsê: “Bây giờ
các ngươi hãy viết cho mình bài ca này, (các) ngươi hãy dạy cho con cái
Israel, hãy đặt vào miệng chúng, để Ta lấy bài ca ấy làm chứng cáo tội
con cái Israel.”[2] Dân riêng của Thiên Chúa,
sau khi vượt qua Biển Đỏ đã đồng thanh hát mừng Chúa.[3] Đêbora, thẩm phán Israel,
cùng với Barắc đã hát mừng Chúa sau khi được Chúa cho khải hoàn.[4] Vua Đavít và toàn thể
nhà Israel “vui đùa trước nhan CHÚA,
với mọi thứ nhạc cụ bằng gỗ trắc bá, với đàn cầm đàn sắt, trống con, chũm chọe,
thanh la.”[5]
4. Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh trong bữa
Tiệc ly trước khi ra núi Ôliu.[6] Thánh Phaolô dạy tín hữu
Êphêsô “hãy cùng nhau đối đáp những
bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm
hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.”[7] Ở trong tù Ngài đã cùng
hát với Silas.[8] Thánh Giacôbê viết thư
khuyên nhủ: “Ai trong anh em đau khổ ư?
Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca.”[9]
5. Vâng lệnh Đức Kitô và Hội Thánh, tuần này sang
tuần khác, chúng ta quy tụ trong cộng đoàn phụng vụ. Như tiền nhân,
chúng ta “hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng
Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.”[10] Việc cùng nhau diễn tả
đức tin bằng lời ca tiếng hát trong các cử hành phụng vụ làm kiên
vững đức tin khi đức tin suy yếu, đồng thời đưa chúng ta hòa nhập với
tiếng nói được linh hứng của Hội Thánh cầu nguyện. Khi được diễn tả
cách tốt đẹp bằng phụng vụ, đức tin sẽ thăng tiến. Những cuộc cử
hành phụng vụ chu đáo có thể cổ vũ và nuôi dưỡng đức tin. Những
cuộc cử hành cẩu thả có thể làm cho đức tin suy yếu. Thánh nhạc “làm cho lời kinh phụng vụ của cộng
đoàn Kitô hữu thêm linh động, nhiệt thành, ngõ hầu mọi người có thể
ca tụng và cầu khẩn Thiên Chúa Ba Ngôi cách mạnh mẽ và hiệu nghiệm
hơn.”[11]
6. “Trong đời sống
con người, các dấu chỉ và các biểu tượng chiếm một vị trí quan
trọng. Con người, một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần, diễn tả
và cảm nhận các thực tại tinh thần nhờ các dấu chỉ và các biểu
tượng vật chất… Vì được Thiên Chúa tạo dựng, những thực tại khả
giác này có thể trở thành phương tiện diễn tả hành động của Thiên Chúa,
Đấng thánh hóa loài người, và diễn tả hành động của con người,
những kẻ phụng thờ Thiên Chúa.”[12]
Nguyên lý có tính bí tích này là niềm tin kiên định của Hội Thánh
trong suốt dòng lịch sử. Trong phụng vụ, chúng ta sử dụng lời nói,
cử chỉ, dấu hiệu và biểu tượng để loan báo sự hiện diện của Đức
Kitô và lấy hành vi thờ phượng ngợi khen mà đáp lại sự hiện diện ấy.
7. Bài ca nguyên thủy của phụng vụ là bài ca vinh
thắng trên tội lỗi và cái chết. Đó là bài ca của các thánh nhân
đang đứng trên “biển trong vắt… họ
cầm những cây đàn của Thiên Chúa và hát bài ca của ông Môsê, tôi tớ
Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên.”[13]
“Ca hát mang tính phụng vụ đã ra
đời giữa sự căng thẳng của lịch sử cao cả này. Đối với dân Israel,
biến cố cứu độ tại Biển Đỏ luôn luôn là lý do chính để ca ngợi
Thiên Chúa, là đề tài nền tảng của các bài ca mà Israel hát lên
trước Nhan Thiên Chúa. Đối với các Kitô hữu, Phục Sinh của Đức Kitô
là một cuộc Xuất Hành đích thực… Bài ca mới cuối cùng được ngâm
nga...”[14]
8. Dĩ nhiên, bài thánh ca Vượt Qua không ngừng nghỉ
khi cử hành phụng vụ chấm dứt. Đức Kitô mà chúng ta ca ngợi vẫn ở
lại với chúng ta và hướng dẫn chúng ta bước qua những cánh cửa
thánh đường để đến với toàn thể thế giới, với những vui mừng và hy
vọng, ưu sầu và lo lắng của thế giới ấy.[15]
Khi bắt đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã chọn đọc những lời
trong sách tiên tri Isaia, những lời này đã trở nên bài ca của Thân
Thể Đức Kitô. “Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho
người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố
một năm hồng ân của Chúa.”[16]
9. Vì vậy, bác ái, công bình và Tin Mừng được loan
báo là hệ quả thông thường của cử hành phụng vụ. Được linh ứng đặc biệt
bằng việc cùng nhau ca hát, Nhiệm thể của Ngôi Lời Nhập Thể lên đường gieo rắc
Tin Mừng với sinh lực tràn trề và niềm yêu mến thiết tha. Bằng cách này Hội
Thánh dẫn đưa mọi người “đến với
đức tin, tự do và bình an của Chúa Kitô nhờ gương mẫu đời sống, lời
giảng dạy, các Bí Tích và những phương tiện ban ân sủng khác. Nhờ
đó họ thấy con đường tự do và vững chắc để tham dự trọn vẹn vào
mầu nhiệm Chúa Kitô.”[17]
I. HỘI THÁNH THAM GIA
10. Mẹ Hiền Hội Thánh đã khẳng định rõ vai trò của
toàn thể cộng đoàn phụng vụ (giám mục, linh mục, phó tế, người giúp
lễ, người đọc sách thánh, ca trưởng, ca đoàn, người xướng Thánh vịnh, các thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, và cộng đoàn) trong việc
thờ phượng Thiên Chúa. Nhờ ơn thánh, cộng đoàn phụng vụ được tham dự
vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Ba Ngôi cũng là sự hiệp thông
yêu thương. Bằng một cách thế hoàn hảo, dù chia sẻ cho nhau trọn vẹn hiện
hữu của mình, nhưng từng Ngôi của Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hiện hữu nguyên
vẹn. Phần chúng ta, “tuy nhiều nhưng
chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác
như những bộ phận của một thân thể.”[18]
Hội Thánh khuyến khích mọi thành phần trong cộng đoàn phụng vụ đón
nhận hồng ân linh thiêng này và tham dự một cách trọn vẹn “tùy vào phẩm trật, phận vụ, và công tác
khi tham dự.”[19]
11. Trong cộng đoàn được quy tụ, vai trò của cộng
đồng các tín hữu đặc biệt quan trọng. “Cần phải hết sức quan tâm đến việc tham dự trọn vẹn và tích cực
của toàn thể dân Chúa: bởi Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết
yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực.”[20]
12. “Các tín hữu
chu toàn nhiệm vụ phụng vụ của mình bằng việc tham gia tích cực.
Trước hết phải tham gia từ nội tâm nghĩa là các tín hữu phải kết
hợp lòng trí mình với điều họ đọc hay nghe, và cộng tác với ơn trên
ban xuống.”[21] Ngay cả khi lắng nghe
những bài đọc và những kinh nguyện, hoặc nghe ca đoàn hát, cộng đoàn
vẫn tiếp tục tham dự một cách tích cực khi họ “biết kết hợp lòng trí họ với những gì thừa tác viên hay ca
đoàn hát, để khi nghe, họ nâng tâm hồn lên cùng Chúa.”[22] Ở những nơi mà nền văn hóa
không có thói quen suy niệm trong thinh lặng thì con người rất khó lĩnh hội nghệ
thuật lắng nghe bằng nội tâm. Như thế, ta thấy được rằng phụng vụ tuy phải luôn
hội nhập văn hóa cách thích đáng, nhưng cũng phải biết giúp văn hóa thấm nhuần
Kitô giáo.[23]
13. Để phát huy việc tham gia tích cực, phải khuyến khích
dân chúng tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài
Thánh vịnh và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài. Cũng cần phải có
những phút thinh lặng thánh.[24] Sự tham dự vào việc tôn
vinh ấy, để đạt tới mức tốt đẹp, hệ tại ở tâm hồn chúng ta muốn cùng hát lên biểu
lộ lòng yêu mến Chúa hơn là ở khả năng diễn xướng. Việc tham dự phụng vụ
thánh vừa diễn tả vừa tăng cường đức tin trong chúng ta.
14. Riêng tại Việt Nam, nhờ
ngôn ngữ có dấu giọng[25], từ lúc đầu khi mới được
loan báo Tin Mừng, các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã đọc kinh lễ, đọc sách đạo
theo những cung nhạc khác nhau, dần dà lan tỏa và biến hóa từ địa phận này sang
địa phận khác, tạo thành một kho tàng giàu có về các cung kinh, cung sách.[26] Đây là một lợi thế lớn giúp
chúng ta có thể chọn lọc để dùng trong các cung chủ tế cũng như trong các lời đối
đáp, tung hô như chúng ta đã thường dùng. Ngoài ra, còn có thể nghiên cứu các
cung kinh, cung sách, và cả các bài ca vãn, để sáng tạo ra các cung điệu khác
cho việc ngâm tụng các Thánh vịnh trong Các giờ kinh phụng vụ, hoặc các câu xướng
trong các Thánh vịnh Đáp ca.
15. Việc tham dự vào phụng vụ đòi hỏi nhiều cố gắng. Đôi
khi giọng hát không tương ứng với những xác tín trong lòng. Lại có lúc
chúng ta chia trí hoặc bận tâm vì những lo toan trần thế. Thế nhưng, Chúa
Kitô vẫn luôn mời gọi chúng ta hòa nhập vào lời ca tiếng hát, vượt lên
trên những mối bận tâm, và hiến dâng trọn vẹn con người chúng ta cho
bài thánh ca Hiến Tế Vượt Qua của Người để tôn vinh Thiên Chúa Ba
Ngôi.
II. HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN
16. Hội Thánh luôn cầu nguyện qua các tác viên và
cộng đoàn, và có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau trong đời sống
của Hội Thánh. Thánh nhạc đích thực nâng đỡ lời cầu nguyện của Hội
Thánh bằng cách làm phong phú thêm những yếu tố của lời cầu nguyện
ấy. Phần dưới đây nói đến thành phần nhân sự chủ yếu và những yếu tố
chính hướng dẫn sự phát triển cũng như việc sử dụng thánh nhạc trong
phụng vụ.
A. Giám mục
17. Với tư cách là “người
phân phát chính các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong Hội Thánh địa
phương được trao phó cho mình,”[27]
giám mục giáo phận đặc biệt lưu
tâm cổ vũ vẻ cao quý của các cử hành phụng vụ, “vẻ mỹ quan của các nơi thánh, của âm nhạc và của nghệ thuật.”[28] Để thi hành chức vụ
này, ngài nêu gương sáng khi cử hành phụng vụ, khuyến khích tham gia ca
hát, quan tâm đến âm nhạc phụng vụ trong các giáo xứ và trong các
cộng đoàn thuộc về giáo phận của ngài, nhất là nơi nhà thờ chính
tòa, không ngừng cổ vũ việc dạy dỗ và huấn luyện âm nhạc phụng vụ cho các
giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh và các nhạc sĩ.
18. Trong vai trò này, giám mục được đội ngũ trong
ban phụng tự hoặc ban thánh nhạc của giáo phận trợ giúp. Các ban này
là “nguồn đóng góp rất có giá
trị, để làm cho nền thánh nhạc trong giáo phận tiến triển hòa nhịp
với nền mục vụ về phụng vụ.”[29]
B. Linh mục
19. Linh mục có trách nhiệm cổ vũ âm nhạc phụng vụ trong các
cộng đoàn được giao phó cho mình. Vị linh mục chủ sự có ảnh hưởng nhiều
nhất đến cộng đoàn phụng vụ, ngài “cầu
nguyện nhân danh Hội Thánh và cộng đoàn được quy tụ.” [30] “Khi cử hành Thánh lễ, … ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo
dân cách trang nghiêm và khiêm tốn, trong cách cử hành và đọc lời
Chúa, ngài còn phải lo cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động
của Đức Kitô.”[31]
20. Không bao giờ quá lời khi nhấn mạnh tầm quan trọng của
việc linh mục tham gia tích cực vào phụng vụ, nhất là bằng lời ca tiếng
hát. Linh mục hát những lời nguyện dành cho chủ sự và những phần
đối đáp (giữa linh mục và cộng đoàn) trong phụng vụ tùy theo khả năng
của ngài.[32] Khi hát chung với cộng
đoàn, linh mục nêu gương khuyến khích cộng đoàn đem lời ca tiếng hát tham gia
vào phụng vụ. “Nhưng…, nếu linh mục hay
thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không
hát những bài phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn
tiếng và rõ ràng. Tuy nhiên, linh mục hay thừa tác viên không được đọc
thay vì hát chỉ vì muốn tiện cho mình.” [33]
21. Các cơ sở đào tạo linh mục, như đại chủng viện,
nên huấn luyện cho các linh mục tương lai hát được đến mức tự tin và
biết hát những phần dành riêng cho linh mục trong Thánh lễ.
22. Linh mục hát với cộng đoàn những phần chung cho cả
cộng đoàn (câu tung hô, đối ca, Thánh vịnh và những bài ca phụng vụ). Tuy
nhiên, linh mục không hát chung với cộng đoàn câu Tung hô tưởng niệm (sau khi truyền phép) hay lời đáp AMEN
long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc
Kinh nguyện Thánh Thể). Ngài nên lưu tâm đến ca xướng viên và người
hát Thánh vịnh khi họ hướng dẫn cộng đoàn ca hát. Để khuyến khích
cộng đoàn hát chung, linh mục và ca xướng viên không nên để tiếng của
mình lấn át tiếng cộng đoàn, cũng không nên hát câu thưa của cộng
đoàn trong phần đối đáp.[34]
C. Phó tế
23. Sau linh mục, thầy phó tế chiếm địa vị cao nhất
trong số những người giúp vào việc cử hành Thánh lễ, thầy nên nêu
gương bằng cách tích cực tham gia vào việc ca hát của cộng đoàn.[35]
24. Tùy theo khả năng, các phó tế cần được huấn luyện
để biết hát những phần dành cho các thầy trong phụng vụ. Các phó tế
phải được tập luyện những câu đối đáp giữa phó tế và cộng đoàn, như
những câu đối đáp khi công bố Tin Mừng và khi giải tán cộng đoàn. Các
thầy cũng nên tập cho biết hát những lời mời gọi khác nhau trong các
nghi thức, bài Exsultet, mẫu
Thống hối thứ ba,[36] Lời nguyện tín hữu
(Lời nguyện chung). Đối với các phó tế có khả năng, nên huấn luyện cho
họ biết hát công bố Tin Mừng trong các dịp lễ trọng. Chương trình đào tạo
phải có những môn học quan trọng và bắt buộc về thánh nhạc trong phụng vụ.
D. Cộng đoàn phụng vụ
25. “Trong khi cử hành Thánh lễ, các tín hữu hợp thành dân thánh,
dân thuộc về Thiên Chúa, dân hoàng tộc chuyên lo tế tự để tạ ơn Thiên
Chúa, dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền không những nhờ tay vị tư tế,
nhưng còn cùng với ngài, và để học cho biết dâng chính mình nữa.”[37] Đây là nền tảng để các
tín hữu “tham dự trọn vẹn, tích cực và có ý thức”. Chính tính chất căn bản
của phụng vụ đòi hỏi sự tham dự như thế.[38]
26. Bởi vì cộng đoàn phụng vụ khi được quy tụ sẽ
làm thành một thân thể, nên mỗi một thành viên phải tránh “mọi hình thức sống cá nhân và riêng
rẽ, họ phải nhớ rằng họ chỉ có một Cha trên trời và như vậy mọi
người đều là anh chị em với nhau.”[39]
27. Ca hát là một trong những cách thế hàng đầu giúp
cộng đoàn tín hữu tham gia cách tích cực vào phụng vụ. Là mục tử, các
vị đứng đầu cộng đoàn, nhất là cha chính xứ, có nhiệm vụ khuyến khích giáo
dân “tham gia vào những lời tung hô,
những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, tiền xướng và thánh ca…”[40] Huấn luyện việc ca hát cho
cộng đoàn phải là mối quan tâm liên tục để giúp mọi người tham dự
cách trọn vẹn, tích cực và có ý thức.
28. Để toàn thể dân thánh đều lên tiếng hát, âm nhạc
phải hợp với khả năng của họ. Một số cộng đoàn lĩnh hội rất nhanh và
muốn thay đổi nhiều thể loại để hát. Một số cộng đoàn khác cảm thấy thoải
mái hơn với một số bài hát cố định, để khi hát thì hát dễ dàng. Một
tuyển tập những bài ca phụng vụ quen thuộc với nội dung thần học phong phú
có thể giúp cộng đoàn đào sâu đức tin nhờ hát đi hát lại đến thuộc
lòng. Phải biết thẩm định về mục vụ để thích ứng với mọi trường hợp.
E. Tác viên thánh nhạc
Ca đoàn
29. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng phải luôn cổ vũ
các ca đoàn, đồng thời bảo đảm sao cho “tất
cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tích cực tham dự với những phần dành
riêng cho họ…”[41] Ca đoàn không được phép
giảm thiểu việc tham gia ca hát của cộng đoàn tín hữu. Thông thường,
cộng đoàn hát những giai điệu chỉ có một bè vốn dĩ thích hợp với việc
hát cộng đồng không cần phải tập dượt. Hát cộng đồng là ưu tiên trong
phụng vụ. Trái lại, ca đoàn bao gồm những người được chọn ra từ cộng
đoàn, vừa có khả năng âm nhạc cần thiết vừa biết hy sinh tập dượt theo thời
khóa biểu cố định và sẵn sàng có mặt trong những cử hành phụng vụ. Vì
vậy, họ có thể làm cho việc cử hành phụng vụ thêm phong phú bằng
cách đóng góp những yếu tố âm nhạc mà khả năng của cộng đoàn chưa vươn
tới được.
30. Ca đoàn phục vụ bằng nhiều cách khác nhau. Việc phục
vụ quan trọng của ca đoàn trong Thánh lễ là chia hai bè hát đối đáp
với nhau hoặc với cộng đoàn. Nhiều phần trong Thánh lễ có tính đối đáp,
như Kinh Thương xót và Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Rõ ràng Hội Thánh muốn những phần này được hát
theo cung cách đối đáp. Những phần khác của Thánh lễ cũng có thể
được hát bằng cách ca đoàn tự đối đáp hoặc ca đoàn đối đáp với cộng đoàn,
nhất là Kinh Vinh danh, Kinh Tin kính, và ba bài ca: Ca nhập
lễ, Ca tiến lễ và Ca hiệp lễ. Cách hát này thường như sau: cộng đoàn
hát điệp khúc, ca đoàn hát câu riêng (phiên khúc). Ca đoàn cũng có
thể hát thêm bè hòa âm để làm phong phú tiếng hát của cộng đoàn.
31. Có khi ca đoàn hát riêng một mình. Trong kho tàng
thánh nhạc, ca đoàn có thể chọn ra những tác phẩm do các nhạc sĩ thuộc
nhiều thời kỳ khác nhau sáng tác theo nhiều phong cách âm nhạc khác
nhau. Cũng có thể chọn những bài diễn tả đức tin của nhiều nền văn hóa
khác nhau vốn là nét đa dạng phong phú của Hội Thánh. Những lúc thích hợp
cho ca đoàn hát riêng là: bài ca trước Ca Nhập lễ, Ca Hiệp lễ[42]. Phần hát riêng của ca đoàn
phải luôn hợp với phụng vụ; hoặc hát bản văn phụng vụ của đúng ngày lễ, hoặc
hát bài có chủ đề sát với phụng vụ của ngày hôm ấy.
32. Khi không hát riêng, ca đoàn cùng hát với cộng
đoàn. Trong trường hợp này vai trò của ca đoàn không phải là hướng
dẫn cộng đoàn hát, nhưng là cùng hát với cộng đoàn đang tự hát hoặc
đang hát nương theo tiếng đàn.
33. Như mọi người khác đang góp phần việc của mình vào
phụng vụ, các thành viên ca đoàn hãy phục vụ với đức tin sáng ngời, và
hãy tham dự trọn vẹn cử hành phụng vụ, nhìn nhận mình là đội ngũ giúp việc
trong phụng vụ và là thành viên của cộng đoàn được Chúa Kitô quy tụ.
34. Các thành viên ca đoàn hoặc ban hát có thể mặc đồng
phục riêng, nhưng đồng phục phải luôn sạch sẽ, nghiêm chỉnh và nhã nhặn đúng mực.
Có thể dùng áo Al-ba. Áo súp-li (áo xếp
nếp) mặc bên ngoài áo su-tan (áo
dòng) là của giáo sĩ, không nên dùng làm đồng phục ca đoàn.
Ca trưởng thánh nhạc
35. Ở Việt Nam,
ca trưởng có một vai trò rất đặc biệt không chỉ với ca đoàn mà cả cộng đoàn phụng
vụ. Ca trưởng là người điều khiển việc thể hiện âm nhạc trong phụng vụ nên có
trách nhiệm lớn hơn, từ phần huấn luyện chuyên môn cho ca viên, đến phần chọn
bài cho phù hợp với tiêu chuẩn của thánh nhạc, dọn bài để tập hát cho ca đoàn
và cộng đoàn, cuối cùng là điều khiển cộng đoàn hoặc ca đoàn trong cử hành phụng
vụ (ví dụ: Thánh lễ). Ngoài ra còn phải phối hợp chặt chẽ với các người lo các
phần việc khác, như QCTQ số 111 đòi hỏi: “Tất
cả những người có nhiệm vụ, hoặc về
nghi thức, hoặc về mục vụ và âm nhạc, phải đồng tâm nhất trí với nhau để chuẩn bị cách thiết thực cho cuộc cử hành
phụng vụ, dưới sự điều khiển của vị quản thủ thánh đường. Cũng phải nghe ý kiến
các tín hữu trong những gì trực tiếp liên quan đến họ.”
36. Để được gọi là CA TRƯỞNG THÁNH NHẠC, ca trưởng cần học
biết về phụng vụ; hiểu biết cặn kẽ và áp dụng cách sáng tạo những hướng dẫn (Hiến
chế về phụng vụ thánh, các Thông điệp, các Huấn thị, v.v...) của Giáo Hội về âm
nhạc phụng vụ, thông thạo khả năng chuyên môn như nhạc lý, ký xướng âm, hòa âm,
điều khiển hợp xướng, đệm đàn cơ bản (organ hoặc piano).
Người xướng thánh vịnh
37. Người xướng
thánh vịnh là người đọc hoặc hát câu
xướng Đáp ca sau Bài đọc I và giúp cộng đoàn hát hoặc đọc câu đáp. Khi
cần thiết, người xướng thánh vịnh cũng có thể xướng Tung hô Tin Mừng
cho cộng đoàn hát theo hoặc đọc hay hát câu Tung hô trước Tin Mừng. Mặc dầu
phận vụ đọc hay hát câu Tung hô này phân biệt với vai trò của người hát
thánh vịnh, nhưng đôi khi cả hai nhiệm vụ này đều được ủy thác cho
cùng một người.
38. Những ai được giao cho nhiệm vụ xướng (hoặc hát)
thánh vịnh cần phải “biết ca hát,
có khả năng phát âm và đọc cho đúng.” [43]
Là người công bố Lời Chúa, người xướng Thánh vịnh cần có khả năng xướng
(hát hoặc đọc) thánh vịnh một
cách rõ ràng, tự tin, và có được sự cảm nhận tinh tế về phần lời, phần nhạc
và về những người đang lắng nghe.
39. Người xướng thánh vịnh hát những câu xướng của
Thánh vịnh Đáp ca tại giảng đài.[44]
Người xướng thánh vịnh cũng nên mặc áo Al-ba hoặc áo đồng phục ca
đoàn, nhưng phải luôn sạch sẽ, chỉnh tề và bằng thứ vải nhã nhặn.
Ca xướng viên
40. Ca xướng viên vừa là người hát vừa là người
hướng dẫn cộng đoàn hát. Nhất là khi không có ca đoàn, ca xướng viên
có thể hát đối đáp với cộng đoàn. Thí dụ, ca xướng viên có thể bắt
hát Kinh Xin Chúa Thương Xót, Lời mời gọi theo mẫu thứ ba của nghi thức
thống hối, Kinh Vinh Danh và Alleluia, xướng câu tung hô ngắn (“Đó là Lời Chúa”) khi kết thúc các
bài đọc, hát câu Tung hô trước Tin Mừng,
hát Ý nguyện trong Lời nguyện chung, hát Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Ca xướng
viên cũng có thể hát những câu xướng trong Thánh vịnh Đáp ca, Ca Nhập
lễ, khi Chuẩn bị Lễ phẩm, và khi Rước lễ.
41. Là người hướng dẫn cộng đoàn hát, ca xướng viên
nên tham gia ca hát với toàn thể cộng đoàn. Để điều khiển việc ca
hát của cộng đoàn phụng vụ, ca xướng viên không được để giọng hát
của mình lấn át cộng đoàn. Lúc chuyển nhạc hay chuyển đoạn bài
hát, ca xướng viên có thể hát lớn hơn để khơi dậy và dẫn dắt cộng
đoàn ca hát khi tiếng hát của họ yếu ớt. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đã
cất cao tiếng hát, thì ca xướng viên phải biết cách giảm bớt âm lượng
giọng hát của mình cho phù hợp. Nhiều lúc, có thể sử dụng một cử
chỉ nhã nhặn mời gọi cộng đoàn tham gia ca hát và ra hiệu khởi tấu
thật rõ ràng cho cộng đoàn bắt đầu, nhưng chỉ sử dụng cử chỉ cách
dè dặt và khi thật cần thiết.
42. Khi hướng dẫn cộng đoàn, ca xướng viên nên đứng ở
vị trí để mọi người nhìn thấy, nhưng không làm cho họ mất tập trung
vào các hành vi phụng vụ đang diễn ra. Tuy nhiên, khi cộng đoàn đang
hát những câu đối đáp hay những câu tung hô hoặc những bài ca quá quen
thuộc rồi mà trong đó không có những câu hát dành riêng cho ca xướng viên,
thì ca xướng viên nên lánh mặt đi.
43. Ca xướng viên thi hành tác vụ của mình tại một
vị trí thuận tiện nhưng không phải ở tại giảng đài. Ca xướng viên
cũng nên mặc áo Al-ba hoặc áo đồng phục ca đoàn, nhưng phải luôn sạch
sẽ, chỉnh tề và bằng thứ vải nhã nhặn.
Nhạc công
44. Nhạc công đại phong cầm, nhạc công các nhạc cụ khác và
nhạc công của ban nhạc có nhiệm vụ trước tiên là dẫn và nâng đỡ tiếng
hát của cộng đoàn, ca đoàn và người xướng thánh vịnh. Vì thế, không
được để tiếng nhạc lấn át tiếng hát, không đệm đàn khi chủ tế đang đọc hay
hát.
45. Do có nhiều âm sắc khác nhau và có nhiều khả năng biểu đạt,
đại phong cầm và ban nhạc làm cho tiếng hát của cộng đoàn thêm phần phong phú
và hoa mỹ hơn, nhất là khi có sự góp mặt của kỹ thuật hòa âm.
46. Nếu có được các nhạc công tài giỏi và được đào tạo đầy đủ,
nên khuyến khích họ tiếp tục truyền thống ứng tấu trong phụng vụ. Có những giây
phút cần đến tiếng nhạc ứng tấu, ví dụ khi cộng đoàn đã hát xong mà nghi tiết
phụng vụ chưa hoàn tất. Nghệ thuật ứng tấu đòi hỏi nhạc công phải có khả năng đặc
biệt và được huấn luyện ở trường lớp. Tiếng nhạc ứng tấu không phải chỉ nhằm mục
đích lấp đầy khoảng trống chờ đợi. Nếu không thể ứng tấu cho xứng hợp, nhạc
công nên diễn tấu những bản đàn in sẵn, từ dễ đến khó, trong các tập nhạc có
giá trị.
47. Có những thời điểm đại phong cầm hoặc các nhạc cụ khác
được phép diễn tấu riêng, như dạo nhạc mở đầu trước khi Nhập lễ, đệm nhạc cho
toàn bộ phần Chuẩn bị Lễ phẩm, tấu nhạc khi Kết lễ thay thế bài hát Kết lễ, hoặc
diễn nhạc kết sau khi bài hát đã được hát xong, trong những mùa phụng vụ và những
ngày lễ cho phép dạo đàn.[45]
Người phụ trách chung về âm nhạc
48. Ngày nay mỗi giáo phận, giáo xứ nên có người phụ
trách chung về thánh nhạc. Vị này sẽ cộng tác với giám mục hoặc cha xứ
để kiểm tra chương trình hát, phối hợp và đôn đốc các anh chị em thực
hiện chương trình đã đề ra về thánh nhạc trong giáo phận, giáo xứ.
Vị phụ trách chung về thánh nhạc thúc đẩy cộng đoàn phụng vụ tham
gia tích cực và linh động trong việc ca hát; đồng hành với các anh chị em
có nhiệm vụ chuẩn bị những bài thánh ca sẽ được hát trong các cử
hành phụng vụ; giúp cộng đoàn luôn đi đúng với truyền thống đức tin
của Hội Thánh, diễn tả được truyền thống đức tin ấy một cách hiệu
quả với sự nhạy cảm mục vụ.
49. Vì mỗi tác vụ đều bắt nguồn từ các bí tích
khai tâm, là những bí tích làm cho Dân Thiên Chúa trở nên “cộng đoàn các môn đệ được thiết lập
do sứ vụ của Đức Kitô và vì sứ vụ ấy,” nên người phụ trách
chung về thánh nhạc có vai trò “tìm ra chỗ đứng của mình trong sự
hiệp thông của Hội Thánh và phục vụ sứ mệnh của Đức Kitô trong Chúa
Thánh Thần.” [46]
50. Những người đặc trách thánh nhạc giáo phận,
giáo xứ cũng như các tác viên giáo dân khác trong Hội Thánh đều thi
hành vai trò của mình trong mối tương quan với các vị giáo sĩ và
cộng đoàn tín hữu. Người đặc trách thánh nhạc giáo phận, giáo xứ
là những cộng tác viên của các giám mục, linh mục. Các ngài thi
hành tác vụ mục vụ của mình do bí tích Truyền chức thánh, là bí
tích làm cho các ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu của
Nhiệm Thể, và thánh hiến các ngài trong một vai trò đặc biệt và cần
thiết cho sự hiệp thông của Hội Thánh.[47]
Các tác viên giáo dân trong Hội Thánh đều là những thành phần tín
hữu giáo dân “chia sẻ vào chức tư
tế chung của mọi người đã chịu phép Rửa” và “được kêu gọi nên môn đệ Chúa.” [48]
F. Lãnh đạo và đào tạo
51. Trong cộng đoàn tín hữu, có những người được Chúa
ban cho những khả năng đặc biệt về âm nhạc, họ cần được Hội Thánh quan
tâm để giúp họ tích cực phát triển tài năng phục vụ thánh nhạc.
52. Người hoạt động thánh nhạc trước hết là các môn đệ của
Chúa, sau đó mới là người thi hành sứ vụ âm nhạc. Được liên kết với Đức
Kitô nhờ các bí tích khai tâm, những người hoạt động thánh nhạc thuộc về
cộng đoàn những tín hữu đã được rửa tội; vì thế tiên vàn họ là những
người thờ phượng. Cũng như các thành viên khác đã được rửa tội trong
cộng đoàn, những người hoạt động thánh nhạc cần phải lắng nghe Tin
Mừng, cảm nghiệm sự hoán cải, tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, và
dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì vậy, những người hoạt động thánh nhạc
phục vụ Hội Thánh cầu nguyện không hẳn là những người làm thuê hay
những tình nguyện viên. Họ là những người thi hành sứ vụ chia sẻ đức
tin, phục vụ cộng đoàn và diễn tả tâm tình mến Chúa yêu người bằng âm
nhạc.
53. Những người phụ trách âm nhạc – chuyên nghiệp hay
tình nguyện, toàn thời gian hay bán thời gian, ca trưởng hay những
người thuộc ca đoàn, ca xướng viên hay những người đệm đàn và trình tấu
các nhạc cụ – đều thi hành tác vụ đích thực trong phụng vụ.[49]
Người nhạc sĩ làm mục vụ cần phải được đào tạo thích hợp dựa
trên ơn gọi của họ qua bí tích Rửa tội để trở thành người môn đệ Chúa. Chương
trình huấn luyện sẽ giúp họ yêu mến và hiểu biết Thánh Kinh, giáo huấn của Hội
Thánh, phụng vụ và âm nhạc. Đồng thời, họ cũng được trang bị những kỹ năng
chuyên môn về âm nhạc, phụng vụ, và mục vụ để tận tình phục vụ Hội Thánh khi cử
hành phụng vụ.
54. Việc chuẩn bị cho sứ vụ phụ trách thánh nhạc
bao gồm đào luyện về nhân bản, tinh thần, tri thức và mục vụ cách
xứng hợp. Các giám mục, các cha xứ nên tạo điều kiện thuận lợi cho
những ai phụ trách thánh nhạc tham dự các khóa đào tạo dành riêng
cho tác vụ của họ. Những khóa này vẫn thường hay được mở ở các
giáo phận, ở các trung tâm mục vụ giáo phận do các ban thánh nhạc
hay các trường nhạc đảm nhận. Giáo xứ và giáo phận cần phải lo
liệu trợ giúp họ về tài chính cần thiết để đảm bảo khi được học đến
nơi đến chốn họ sẽ là những người lãnh đạo thành thạo trong lĩnh vực
thánh nhạc.
55. Mọi người cần phải nhận biết công việc của những
người phụ trách mục vụ thánh nhạc là công việc quý giá và không thể
thiếu được trong toàn bộ các việc mục vụ của giáo xứ và giáo
phận. Vì thế, Đức giám mục, cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ nên lưu tâm chăm
sóc và bồi dưỡng họ đúng mực, bằng những cách thức đãi ngộ khác nhau để
nói lên rằng công việc họ làm thật cao quý.
56. Các tác viên thánh nhạc cần được hưởng nhận những
nguồn tài chính xứng hợp để thi hành chức năng phục vụ thánh nhạc của
mình một cách chuyên nghiệp.
G. Tiếng La-tinh trong phụng vụ
57. Hội Thánh (từ sau Công đồng Vaticanô II) cho phép
sử dụng tiếng bản xứ trong các cử hành phụng vụ, nhờ vậy giáo dân
tham dự “am hiểu đầy đủ hơn mầu
nhiệm được cử hành.”[50] Tuy nhiên, phải quan tâm
cổ vũ vai trò của tiếng La-tinh trong phụng vụ, nhất là trong việc ca
hát. Các linh mục chính xứ phải dự liệu sao “để các Kitô hữu cũng có thể đọc chung hoặc cùng hát chung
ngay cả bằng tiếng La-tinh, các phần thường lễ dành cho họ.”[51] Các tín hữu cần phải hát
được những phần trong Nghi thức Thánh lễ dành cho họ, tối thiểu là phải
hát được những giai điệu đơn sơ.
58. Trong các cuộc quy tụ mang tính quốc tế và đa văn
hóa gồm nhiều nhóm người khác nhau về ngôn ngữ, thật thích hợp để
cử hành phụng vụ bằng tiếng La-tinh, ngoại trừ các bài đọc, bài
giảng và lời nguyện chung. Thêm vào đó, nên tuyển chọn những bài
bình ca để hát trong những cuộc quy tụ như thế bất cứ khi nào có
thể.
59. Để dễ dàng hát những bản văn bằng tiếng La-tinh,
các ca viên hoặc người hát nên được huấn luyện phát âm đúng và hiểu
biết ý nghĩa bản văn. Nên cố gắng ở mức tối đa và thích hợp để khuyến
khích người hát và người phụ trách ca đoàn học hỏi thêm về tiếng
La-tinh.
60. Bất cứ khi nào ngôn ngữ La-tinh gây ra những trở
ngại cho những người hát, ngay cả khi họ đã được huấn luyện – thí
dụ, trong việc phát âm, trong việc hiểu biết bản văn, trong việc thể
hiện cách tự tin một bài hát – thì khôn ngoan hơn cả hãy sử dụng ngôn
ngữ bản địa trong phụng vụ.
61. Các chủng sinh phải “được lãnh nhận sự chuẩn bị cần thiết để hiểu và để cử
hành Thánh lễ bằng La ngữ, và cũng biết sử dụng các bản văn La ngữ
và các bài bình ca.” [52]
62. Trong khi cổ vũ việc sử dụng tiếng La-tinh trong
phụng vụ, các cha xứ phải luôn luôn “dùng
hình thức tham dự nào thích hợp hơn cả với khả năng của mỗi cộng
đoàn.” [53]
III. ÂM NHẠC TRONG VIỆC THỜ PHƯỢNG CHÚA
A. Các loại âm nhạc khác nhau trong phụng vụ
Âm nhạc dành cho phụng vụ thánh
63. “Thánh nhạc sẽ
mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng
vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ vũ
sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ.”[54] Sự thánh thiện này liên
quan đến chiều kích nghi thức và chiều kích thiêng liêng, cả hai chiều kích này phải được xem
xét trong bối cảnh văn hóa.
64. Chiều kích nghi
thức của thánh nhạc liên quan đến những cách thức mà thánh nhạc
“liên kết với hoạt động phụng vụ” để thánh nhạc hài hòa với cấu
trúc phụng vụ và diễn tả được hình ảnh nghi thức. Thánh nhạc phải
làm cho nghi thức được tỏ lộ cùng với sự tham dự đích thực của cộng
đoàn và các tác viên cộng đoàn, mà không làm lu mờ ngôn từ và hành
vi phụng vụ.
65. Chiều kích
thiêng liêng của thánh nhạc liên quan đến những phẩm chất nội tại
của thánh nhạc khả dĩ làm cho việc cầu nguyện được sốt sắng hơn, cộng
đoàn được hiệp nhất hơn, và nghi thức được trang trọng hơn. Thánh nhạc là
thánh khi chuyển thông được sự thánh thiện của Thiên Chúa và giúp Dân
thánh hiệp thông trọn vẹn hơn với Thiên Chúa và với nhau trong Đức Kitô.
66. Bối cảnh văn
hóa là khung cảnh mà chiều kích nghi thức và chiều kích thiêng
liêng được thể hiện. Nên xem xét những nhân tố như tuổi tác, di sản
tinh thần, nền tảng văn hóa và sắc tộc của một cộng đoàn phụng vụ
nhất định. Khi chọn lựa các bài hát để cộng đoàn có thể tham gia ca hát, cần
phải tìm hiểu xem những cách thức nào cộng đoàn thấy là thích hợp nhất để họ hợp
lòng hợp ý với hành động phụng vụ.
67. Với lòng biết ơn Đấng Tạo Thành đã ban cho loài
người các thể loại âm nhạc đa dạng phong phú, Hội Thánh chỉ sử dụng thể
loại âm nhạc nào có thể đáp ứng những đòi hỏi về phương diện nghi
thức cũng như phương diện thiêng liêng của phụng vụ. Để phân định được
phẩm chất thánh thiện của âm nhạc phụng vụ, các nhạc sĩ hoạt động
trong lĩnh vực phụng vụ có được sự hướng dẫn từ kho tàng thánh nhạc
của Hội Thánh, một thứ nhạc có giá trị rất đáng quý trọng mà các
thế hệ đi trước đã thấy là thích hợp cho việc thờ phượng.[55] Các nghệ sĩ cũng nên
nỗ lực cổ vũ đối thoại hiệu quả giữa Hội Thánh và thế giới ngày
nay.[56]
Nhạc bình ca (Ca điệu Grêgoriô)
68. “Giáo Hội nhìn
nhận bình ca là gia sản riêng của phụng vụ Rôma: vì thế, trong các
hoạt động phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những
loại hình thánh ca khác.” [57] Bình ca là loại nhạc
riêng của Hội Thánh. Bình ca là sự nối kết sống động với tổ tiên
chúng ta trong đức tin, là âm nhạc truyền thống trong nghi lễ Rôma, là
dấu chỉ hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ, là sự liên kết hiệp nhất
các nền văn hóa, là phương thế cho các cộng đoàn khác biệt cùng nhau
tham gia ca hát, và là lời mời gọi cùng tham gia suy niệm trong phụng
vụ.
69. Địa vị chính
yếu là danh hiệu đã được Công đồng Vaticanô II dành cho ca điệu
Grêgoriô giữa “những loại ca khác.” Mỗi giám mục, linh mục, nhạc sĩ
phụng vụ hãy quan tâm đặc biệt tới “những loại ca khác này”. Trong
khi xem xét việc sử dụng kho tàng thánh ca, các vị mục tử và các
nhạc sĩ, ca trưởng phải dự liệu rằng cộng đoàn có thể cùng ca hát khi
cử hành phụng vụ. Cần phải nhạy bén với môi trường văn hóa và tinh
thần của cộng đoàn, ngõ hầu xây dựng Hội Thánh hiệp nhất và bình
an.
70. Công đồng Vaticanô II đã hướng dẫn rằng các tín
hữu có thể cùng nhau hát những phần thường lễ bằng tiếng La-tinh.[58] Trong nhiều cộng đoàn
phụng vụ ở Việt Nam hiện nay, các cha xứ và những vị phụ trách
thánh nhạc bắt đầu thực hiện hướng dẫn này bằng cách giới thiệu
dần những bài hát La-tinh cho cộng đồng và ngay cả cho những người
trước đây chưa từng hát bình ca La-tinh. Với sự khôn ngoan, nhạy bén
mục vụ và thời gian hợp lý cho tiến trình làm quen với hát bình ca,
thì mọi nỗ lực về hát bình ca thật đáng hoan nghênh và hết sức cổ
vũ.
71. Mỗi cộng đoàn phụng vụ, bao gồm mọi lứa tuổi
và mọi sắc tộc, ít nhất phải biết hát Kinh Kyrie, Gloria, Sanctus và Agnus
Dei. Cũng nên hát Kinh Credo và
Kinh Pater Noster với những cung điệu dễ hát.[59]
72. “Cộng đoàn tín
hữu nên hết sức tham gia hát phần riêng trong Thánh lễ (tức những phần được
thay đổi theo từng ngày lễ như Ca Nhập lễ, Đáp ca, Alleluia...), nhất là khi
có những điệp khúc dễ hát, và những hình thức âm nhạc thích hợp.”
[60] Khi cộng đoàn không hát
được đối ca hoặc thánh thi, thì phần riêng trong Thánh lễ lấy từ sách Graduale Romanum có thể do ca đoàn
hát. Khi ca đoàn hát tiếng La-tinh, nên cung cấp cho cộng đoàn bản dịch
bằng tiếng bản xứ để tín hữu hiểu lời ca, hợp lòng hợp ý với những
gì tác viên hay ca đoàn hát và dễ dàng nâng tâm hồn lên cùng Chúa.[61]
73. Có thể tìm thấy Ca Nhập lễ và Ca Hiệp lễ trong
Sách lễ Rôma. Nếu muốn dệt nhạc bằng bản dịch Việt ngữ những đối ca
và các Thánh vịnh đã được chỉ định này, các nhạc sĩ sáng tác có thể
rút từ sách Graduale Romanun, hoặc
dùng trọn vẹn bản văn hoặc dùng những điệp khúc đã được rút ngắn dành cho
cộng đoàn và ca đoàn.
74. Bình ca có được
sức sống nhờ những bản văn thánh mà loại nhạc này diễn tả. Những
ấn bản bình ca chính thức mới đây dùng cách ghi nốt nhạc đã được
sửa lại nhắm đến tiết tấu tự nhiên của giọng nói, hơn là những
nguyên tắc giai điệu phức tạp trước kia. Hội Thánh khuyến khích những
người hát nên diễn tấu theo bản văn La-tinh.
75. Các Sách lễ Rôma dù bằng ngôn ngữ nào đi nữa, cũng
có những bài ca bằng tiếng bản xứ cảm hứng từ thánh ca La-tinh, và
những làn điệu khác nữa, dùng để hát đối đáp giữa tác viên và cộng
đoàn. Vì sự hiệp nhất trong Hội Thánh, các nhạc sĩ sáng tác không
nên tự ý chỉnh sửa những làn điệu này theo địa phương mình.
Nhạc sĩ sáng tác và âm nhạc ngày nay
76. Hội Thánh cần đến các nhạc sĩ, và các nhạc sĩ
cần đến Hội Thánh. Trong mọi thời đại, Hội Thánh đều kêu gọi các nhạc
sĩ sáng tác đưa ra những cách diễn đạt mới để làm phong phú kho tàng
thánh nhạc. Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thổi Thần Khí sáng tạo
của Người để đưa giá trị cao quý vào các tác phẩm từ bàn tay và tâm
trí của các nhạc sĩ. Theo dòng thời gian, các hình thức diễn đạt nhiều lên
dần và rất đa dạng.
77. Hội Thánh đã giữ gìn và biểu dương những cách
diễn đạt này trong nhiều thế kỷ. Trong thời chúng ta, Hội Thánh vẫn
mong muốn mang đến những cái mới bên cạnh những cái cũ.[62] Hội Thánh vui mừng thúc
giục các nhạc sĩ và những người chuyên biên soạn lời ca sử dụng tài năng
đặc biệt của mình hầu kho tàng nghệ thuật thánh nhạc của Hội Thánh
có thể tiếp tục gia tăng.
78. Hội Thánh không ngừng tìm kiếm những cách thức
mới để hát lên tâm tình yêu mến Thiên Chúa. Các hành động phụng vụ và kinh
nguyện phụng vụ cho thấy được những hình thức diễn đạt nào sẽ tiếp tục phát triển
bằng các sáng tác mới. Các nhạc sĩ nên tìm cảm hứng nơi Thánh Kinh, nhất
là nơi các bản văn phụng vụ, để những tác phẩm của họ tuôn tràn từ
chính phụng vụ. Ngoài ra, để hợp với phụng vụ, ca từ của bài hát không những
phải đúng giáo lý, mà còn phải nói lên được đức tin Công giáo. Vì thế, những
bài hát trong phụng vụ không bao giờ được phép có những phát biểu sai
lạc về đức tin. Nhạc sĩ sáng tác nào biết đặt mình vào trong bầu khí Kinh
Thánh, phụng vụ và đức tin, thì đó là nhạc sĩ ý thức được hành trình
lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử loài người, biết đắm mình
trong cảm thức của Hội Thánh (sensus
Ecclesiae), có khả năng nhận biết chân lý và dùng âm điệu diễn tả được
chân lý của mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Thể loại âm nhạc
không quan trọng, nhưng chính vẻ đẹp phụng vụ phát xuất trực tiếp từ
chính mầu nhiệm và thông qua tài năng của người sáng tác được nổi
bật lên khi Dân Chúa quy tụ ca hát.
79. Nhiều năm qua, ngay sau khi Công đồng Vaticanô II cải
cách phụng vụ, đặc biệt cho phép sử dụng ngôn ngữ bản xứ, các nhạc
sĩ và các nhà xuất bản đã hoạt động để cung cấp danh mục những
bài thánh ca mới cho nền thánh nhạc Việt Nam. Trong những thập niên
qua, nỗ lực này đã lớn mạnh và định hình một nền thánh nhạc tiếng
Việt có giá trị tiếp tục phát triển, cho dù có nhiều bài thánh ca
Việt Nam tiên khởi đã rơi vào quên lãng. Ngày nay, các nhạc sĩ sáng
tác vẫn tiếp tục phục vụ Hội Thánh và được khích lệ tập trung đem
hết khả năng và tài nghệ để sáng tác những tác phẩm thánh nhạc
hoàn hảo bằng mọi thể loại âm nhạc, nhất là đem những đặc tính
nhạc cổ truyền và dân tộc vào trong các sáng tác mới, hầu hình thành
dần nền thánh nhạc đậm nét dân tộc Việt Nam.
80. Hội Thánh ước mong nền thánh ca ngày càng được phong
phú hơn để phục vụ cộng đoàn được quy tụ. “Đức tin của vô số các tín hữu đã được những giai điệu nuôi dưỡng,
những giai điệu tuôn tràn từ trái tim của các tín hữu khác, và cũng được
đưa vào phụng vụ hoặc được sử dụng như là một trợ giúp cho việc thờ phượng
trang nghiêm. Trong ca hát, đức tin được cảm nghiệm như một niềm vui sống động,
một tình yêu thương, và lòng mong đợi phó thác vào sự can thiệp cứu độ
của Thiên Chúa.” [63]
B. Các nhạc cụ
Giọng hát của con người
81. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên
Chúa, nên trong các âm thanh mà con người có khả năng lãnh hội, thì
giọng người là căn bản và ưu tiên nhất. Các nhạc cụ khác dùng trong
phụng vụ chỉ bổ túc và hỗ trợ cho giọng
hát của con người.
Các nhạc cụ
82. Trong tất cả nhạc cụ khác thích hợp cho việc thờ
phượng thánh thì đại quản cầm (cũng gọi là đàn ống)[64] là “nhạc cụ chính yếu xứng
hợp,”[65] vì nhạc cụ này có khả
năng nâng đỡ cộng đoàn đông đảo. Với tầm vóc to lớn, quản cầm đủ sức “làm vang lên trọn vẹn cảm xúc của con
người, từ niềm vui cho đến nỗi buồn, từ lời ca ngợi cho đến lời than
van.” Cũng thế, “một cách nào
đó, khả năng nhiều mặt của đại quản cầm nhắc chúng ta nhớ đến vẻ uy
hùng và tráng lệ của Thiên Chúa.” [66]
83. Thêm vào khả năng lôi kéo và nâng đỡ cộng đoàn ca
hát, âm thanh của tiếng đại quản cầm rất thích hợp để độc tấu
thánh nhạc trong phụng vụ vào những thời điểm thuận tiện. Đại quản
cầm cũng đóng một vai trò quan trọng xét về mặt loan báo Tin Mừng
khi giúp Hội Thánh vươn tới cộng đoàn rộng lớn hơn ở những buổi hòa
nhạc thánh, những sự kiện âm nhạc, những chương trình âm nhạc và văn
hóa khác. Vì tất cả những lý do này, cũng như hướng đến tương lai
phát triển, việc sắp đặt vị trí của đại quản cầm phải được tính
đến ngay khi dự định xây dựng hoặc sửa chữa nhà thờ.
84. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đi cùng với Hòm Bia
Giao Ước, người ta còn nhận thấy có não bạt, đàn hạc cầm, thập lục
huyền cầm và kèn đồng kèm theo. Qua các thời kỳ, Dân Thiên Chúa đã
sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau để ca hát ngợi khen Thiên Chúa.[67] Các nhạc cụ này đều
phát xuất từ truyền thống và văn hóa của một dân tộc nhất định, làm
phong phú các thể loại và hình thức âm nhạc với những sắc thái âm thanh
khác nhau. Qua đó, các tín hữu của Đức Kitô tiếp tục nối kết tiếng
hát của mình với bài ngợi ca hoàn hảo của Người trên Thập giá.
85. Nhiều loại nhạc cụ khác cũng làm phong phú việc
cử hành phụng vụ, như là khí nhạc (sáo trúc, kèn, ...), đàn dây,
các bộ gõ. Có thể dùng những nhạc cụ này “tùy theo sự xét định và phê chuẩn của thẩm quyền địa phương, …
miễn là đã thích nghi hoặc có thể thích nghi để sử dụng trong các việc
thánh thiêng, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thực sự
góp phần nâng cao tâm hồn các tín hữu.” [68]
Nhạc đơn tấu/hòa tấu
86. Mặc dầu các nhạc cụ được dùng trong phụng vụ
Kitô giáo trước tiên là để hướng dẫn và nâng đỡ tiếng hát của cộng
đoàn, ca đoàn, người xướng thánh vịnh, và ca xướng viên, nhưng khi thuận
tiện, người ta cũng có thể trình tấu chỉ bằng các nhạc cụ (nhạc đơn tấu/hòa tấu). Khi cộng đoàn
quy tụ lại, nhạc hòa tấu, bằng hình thức khai tấu (prélude), có thể giúp họ chuẩn bị cử hành phụng vụ. Nhạc
hòa tấu cũng giúp nâng cao cảm xúc trong tâm hồn con người qua những
đoạn nhạc được trình tấu trong phụng vụ và những khúc dạo cuối sau
khi cử hành phụng vụ. Các nhạc công phải luôn luôn nhớ rằng phụng vụ
còn dành ra những thời khắc thinh lặng để suy tưởng. Có những thời khắc
thinh lặng không cần có âm nhạc phủ lấp vào.
87. Các nhạc công được khuyến khích trình tấu những
bài nhạc trong kho tàng thánh nhạc do các nhạc sĩ thuộc nhiều nền
văn hóa và thời đại khác nhau sáng tác. Thêm vào đó, những ai có
tài năng thiên phú và được học hành thì nên sáng tác ứng tấu, như đã
được trình bày ở số 44-46.
Nhạc ghi âm
88. Nhạc ghi âm thiếu đi tính xác thực mà chỉ cộng
đoàn phụng vụ sống động quy tụ lại để cử hành phụng vụ thánh mới có
thể đem lại được. Nhạc ghi âm rất ích lợi khi được sử dụng ngoài phụng vụ
để giúp học hỏi những bản nhạc mới, còn theo nguyên tắc chung, không
được phép sử dụng nhạc ghi âm trong phụng vụ.
89. Cần ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ về
việc sử dụng nhạc ghi âm. Nhạc ghi âm có thể được phép sử dụng để đệm
theo tiếng hát của cộng đoàn khi đang đi rước ngoài Thánh lễ, và được
dùng một cách cẩn trọng khi cử hành Thánh lễ dành cho trẻ em. Đôi
lúc, được dùng để giúp cầu nguyện, thí dụ: trong thời gian thinh
lặng dài khi cử hành bí tích Hòa giải chung. Tuy nhiên, nhạc ghi âm
không khi nào được thay thế việc ca hát của cộng đoàn.
Các cung kinh, cung sách, cung ca, ngắm nguyện, ca vãn, dâng hoa
90. Soạn cung điệu phụng vụ Việt Nam là một việc làm không mấy
dễ dàng. Do đó, các cung SÁCH, cung KINH và cung CA sử dụng trong Thánh lễ sẽ
do các Ban thánh nhạc và các nhạc sĩ áp dụng tùy theo mỗi địa phương. Phụng vụ
Thánh lễ bao giờ cũng được cử hành một cách sống động, cụ thể, diễn tả qua động
tác và âm thanh. Về động tác lễ nghi thì đã được ghi theo chữ đỏ. Về âm thanh
thì có thể tóm lại trong ba từ: SÁCH,
KINH và CA.
91. Cung sách: gồm các Bài đọc 1, 2 và Bài Tin Mừng; cung
kinh gồm: Kinh Lạy Cha, các Kinh Nguyện, Lời nguyện tín hữu; các Kinh trong
sách Kinh Bổn; cung ca gồm thi ca, bình ca, thánh ca và giáo ca. Mỗi loại cung
có nét âm nhạc riêng đòi hỏi người soạn phải có kiến thức và có tài năng ngõ hầu
cung điệu phụng vụ Thánh lễ đạt được tâm tình tôn giáo (đạo đức sốt sắng, bộc
phát phấn khởi và đại chúng đơn sơ) và nghệ thuật (hình thức đẹp và nội dung tốt).
C. Vị trí nhạc công và các nhạc cụ
92. Các nhạc công và các nhạc cụ nên ở một vị trí
thuận lợi để có thể tiến hành nhịp nhàng với tác động phụng vụ,
với cộng đoàn và giữa các nhạc công với nhau. Lý tưởng là sắp xếp
thế nào để các nhạc công có thể tham dự trọn vẹn phụng vụ. Trong mọi
trường hợp, để đạt được hiệu quả tốt nhất, các nhạc công trình tấu
nên ở gần với nhau, thí dụ, đặt đại quản cầm hay organ điện tử gần
ca đoàn và chỗ đứng của ca xướng viên.
93. Cũng như các tác viên phụng vụ, khi không trực
tiếp thi hành vai trò riêng của mình, các tác viên âm nhạc luôn ở
trong tư thế chăm chú tham dự phụng vụ và không bao giờ gây chia trí
cho người khác.
94. Thông thường ca xướng viên nên đứng trước cộng đoàn
để hướng dẫn cộng đoàn ca hát, nhưng khi cộng đoàn có thể hát phần
riêng của mình, như khi họ xướng đáp với linh mục, hoặc với các thừa
tác viên, hoặc khi họ được nhạc cụ trợ giúp rồi, thì ca xướng viên không
cần phải xuất hiện để người ta trông thấy. Thánh vịnh Đáp ca thường
được hát hay đọc tại giảng đài hoặc một vị trí khác mà cộng đoàn
có thể trông thấy được. Vì thế, người hát hay đọc Thánh vịnh nên
ngồi ở vị trí dễ dàng di chuyển đến giảng đài.
95. Chỗ của ca đoàn phải nói lên được rằng ca đoàn hiện diện
như là một thành phần của cộng đoàn, nhưng thi hành một phận vụ riêng.
Các vị hữu trách nên quan tâm đến khía cạnh âm thanh học, vì yếu tố
âm thanh học sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định vị
trí tốt nhất cho ca đoàn.
96. Đàn organ điện tử và đại quản cầm, các loa dùng
riêng cho nhạc cụ, các nhạc cụ như dương cầm (piano) cần được đặt ở
những vị trí vừa hợp với thị giác, để không gây chia trí, vừa hợp
âm lượng, để âm thanh có thể nâng đỡ cộng đoàn và để cho nhạc công
có thể dễ dàng đệm nhạc cho ca xướng viên, người xướng thánh vịnh và ca
đoàn.
97. Nếu ca đoàn và các nhạc cụ chiếm lĩnh một không
gian mà cộng đoàn nhìn thấy, thì chỗ ấy phải toát lên được sự
thánh thiện của tác vụ âm nhạc (nghiêm
trang, trật tự, gọn gàng).
IV. CHUẨN BỊ BÀI HÁT CHO VIỆC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
A. Hát những phần nào?
Nguyên tắc hát các bậc lễ
98. Âm nhạc phải được xem là phần thông thường và
bình thường trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Tuy nhiên, việc ca
hát trong phụng vụ luôn được tuân theo nguyên tắc về bậc lễ.
99. Chúng ta có thể hiểu Bậc lễ như sau “có hình
thức phụng vụ hết sức long trọng trong đó tất cả những gì phải hát
đều được hát, lại có hình thức phụng vụ hết sức đơn giản không có ca
hát; giữa hai hình thức này có thể có nhiều bậc khác nhau, tùy theo mức
độ cần phải hát nhiều hay ít.” [69]
100. Bậc lễ không chỉ bao gồm tính chất và phong
cách âm nhạc, mà còn có nghĩa là phải hát bao nhiêu phần và những
phần nào của Thánh lễ. Thí dụ, trong những lễ trọng hàng đầu như Chúa
nhật Phục sinh hoặc Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống có thể hát bài
Tin Mừng, còn trong Mùa Thường niên, bài Tin Mừng chỉ cần đọc thì
thích hợp hơn. Việc chọn bài hát và nhạc cụ đệm theo tiếng hát phải
phù hợp với mùa phụng vụ hoặc Thánh lễ đang được cử hành.
101. Các lễ trọng và lễ kính được ca hát long trọng
hơn. Có những tác phẩm âm nhạc cao cấp hơn, diễn tả được sự long trọng
này, đồng thời làm cho những cử hành đặc biệt này được phong phú hơn.
Tuy vậy, không bao giờ được dựa vào lễ trọng mà làm cho nghi lễ chuyển
thành một thứ phô trương sáo rỗng bên ngoài. Âm nhạc long trọng nhất
vẫn phải duy trì trách nhiệm trước hết là thu hút tâm hồn con người
vào mầu nhiệm Đức Kitô đang được Hội Thánh cử hành.
102. Có những mùa phụng vụ đòi hỏi chúng ta phải biết
kiềm chế sử dụng âm nhạc. Thí dụ, trong Mùa Vọng, chỉ sử dụng nhạc
cụ cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi
trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh. Trong Mùa Chay các
nhạc cụ chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ Trọng và lễ Kính.[70]
Những phần được hát
103. Việc ca hát của cộng đoàn phụng vụ và của các
tác viên phải là điều quan trọng trong cử hành phụng vụ. Tuy nhiên
không nhất thiết phải hát tất cả; nhưng khi chọn lựa những phần để
hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn.[71]
a. Đối đáp và tung hô
Trong những phần để hát, hãy dành ưu tiên cho “những phần do vị tư tế, hoặc phó tế
hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả vị tư tế
và cộng đoàn cùng hát.”[72] Điều này bao gồm cả
những lời đối đáp như Lạy Chúa Trời,
xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ trong Các giờ kinh
phụng vụ, hoặc Chúa ở cùng anh chị
em, Và ở cùng cha trong Thánh lễ. Đối đáp trong phụng vụ có tầm quan
trọng vì “đó không phải chỉ là
những dấu bề ngoài của một việc cử hành chung, mà còn giúp và tạo
nên sự hiệp thông giữa vị tư tế và cộng đoàn.”[73]
Tự bản chất, những lời đối đáp này rất ngắn, không phức tạp và dễ
mời gọi toàn thể cộng đoàn tham gia. Vì thế, cần phải hết sức nỗ
lực khởi xướng hoặc củng cố việc tư tế, phó tế hoặc độc viên ca hát đối
đáp với cộng đoàn vì việc ca hát đối đáp này là nhiêm vụ bắt buộc. Ngay cả
những linh mục với khả năng ca hát rất hạn chế cũng có thể hát Chúa ở cùng anh chị em ở một cao
độ đơn giản. Những câu tung hô trong Thánh lễ và những nghi lễ khác
được toàn thể cộng đoàn vang lên như những lời tán thành việc làm
và lời của Thiên Chúa. Những câu tung hô trong Thánh lễ bao gồm Tung hô
Tin Mừng, Kinh Thánh Thánh Thánh, Tung
hô tưởng niệm và Tung hô Amen long
trọng. Những câu tung hô này thật
thích hợp khi được hát lên trong bất cứ Thánh lễ nào, cả trong lễ
ngày thường hoặc Thánh lễ dành cho những cộng đoàn nhỏ hơn. Thật lý tưởng khi cộng đoàn thuộc
lòng những câu tung hô này và sẵn sàng hát ngay cả khi không có nhạc
cụ đệm theo.
b. Thánh vịnh Đáp ca
Thánh vịnh là những vần thơ ca ngợi, nghĩa là phải
được hát lên bất cứ khi nào có thể.[74]
Tập Thánh vịnh là sách hát căn bản của phụng vụ. Giáo phụ
Tertullianô chứng thực điều này khi ngài nói rằng trong các cộng đoàn
phụng vụ Kitô giáo “Kinh Thánh phải
được đọc lên, Thánh vịnh phải được hát lên và bài giảng phải được
giảng lên.” Thánh vịnh có một vai trò nổi bật trong mọi giờ kinh
thuộc Các giờ kinh phụng vụ.[75]
Thánh vịnh Đáp ca trong phần Phụng vụ Lời Chúa của
Thánh lễ và trong các nghi thức khác có vai trò “rất quan trọng về phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm Lời
Chúa”.[76] Bài Ca Nhập lễ và Ca
Hiệp lễ với những câu Thánh vịnh kèm theo hai cuộc rước quan trọng nhất
của Thánh lễ: cuộc rước đầu lễ khi Thánh lễ khởi sự và cuộc rước
khi giáo dân tiến lên bàn thờ để rước Mình Máu Thánh Chúa. Cả hai
cuộc rước này đòi hỏi cộng đoàn tham gia ca hát, vì họ là Dân được
Thiên Chúa quy tụ lúc bắt đầu Thánh lễ và là những tín hữu tiến
lên bàn thánh rước Mình và Máu Chúa.
c. Điệp khúc và
những câu Đáp được lặp lại
Phụng vụ cũng có những bản văn mang tính chất kinh
cầu đối đáp có thể được hát khi thích hợp. Loại này bao gồm kinh Kyrie (Xin Chúa thương xót) và Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa trong Thánh lễ, câu thưa trong Lời nguyện Tín hữu hoặc Lời cầu trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, và Kinh Cầu các Thánh trong
các nghi lễ khác.
d. Thánh ca – thánh
thi
Thánh thi được hát trong mọi giờ kinh thuộc Các giờ kinh
phụng vụ, và đây là nguồn gốc dẫn đến việc hát thánh thi theo từng khổ thơ
trong phụng vụ. Trong Thánh lễ, ngoài thánh thi Gloria và một ít thánh thi theo khổ thơ được in trong Sách lễ Rôma và sách Graduale Romanum, được phép dùng thêm các bài thánh ca cộng đồng của địa
phương, miễn là có chuẩn nhận của thẩm quyền theo Quy chế tổng quát Sách
lễ Rôma các số 48, 74 và 87. Luật Hội Thánh hiện nay cho phép chọn
các bài thánh ca bằng tiếng bản xứ làm bài Ca Nhập lễ, Tiến lễ,
Hiệp lễ và Kết lễ. Vì những bài thánh ca cộng đồng này tuân theo vai
trò phụng vụ chính thức, nên cần phải phù hợp với tác động phụng
vụ. Theo truyền thống liên tục của năm thế kỷ gần đây, có thể sử dụng
một số bài thánh ca cộng đồng đến từ các truyền thống Kitô giáo
khác, miễn là có bản văn phù hợp với giáo huấn Công giáo và thích
hợp với phụng vụ Công giáo.
104. Trong Thánh lễ mỗi ngày, nên tuân theo thứ tự ưu
tiên bao nhiêu có thể: các câu đối đáp và tung hô (Tung hô Tin Mừng, Thánh, Tung hô Tưởng niệm, Amen); các kinh
mang tính đối đáp (Kyrie, Agnus Dei);
Thánh vịnh Đáp ca, phần nhạc nên ở mức đơn giản. Ngay cả khi không có người
đệm đàn, hãy cố gắng hát những câu đối đáp và tung hô.
105. Phải coi trọng và sử dụng những đối ca chính thức
trích từ các sách phụng vụ vì những đối ca này chính là lời Thiên
Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh. Ở đây, “Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ con cái mình và trò chuyện với
con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao
để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn
con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch
tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng.” [77]
Phải giúp người tín hữu biết đánh giá sâu sắc các Thánh vịnh là tiếng
nói của Đức Kitô và tiếng nói của Giáo Hội cầu nguyện.[78]
Thinh lặng thánh
106. Âm nhạc phát sinh từ thinh lặng và rồi trở về
thinh lặng. Thiên Chúa được biểu lộ vừa trong vẻ đẹp của âm nhạc vừa
trong sức mạnh của thinh lặng. Phụng vụ thánh là sự hòa điệu nhịp nhàng
giữa các bản văn, những hành động, những bài ca và thinh lặng. Thinh
lặng trong phụng vụ cho phép cộng đoàn suy tư về những gì họ được
nghe và cảm nghiệm, và mở lòng ra trước mầu nhiệm được cử hành.
Các tác viên và những người phụ trách âm nhạc nên chăm lo cho các nghi lễ
được tỏ hiện bằng cách để âm thanh và thinh lặng lên xuống đúng lúc.
Thinh lặng trong phụng vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Cũng cần thông
báo và giải thích cho cộng đoàn phụng vụ biết ý nghĩa và những
lúc thinh lặng thánh.
Những lúc thinh lặng thánh trong Thánh lễ: Trong nghi thức thống hối và sau lời mời
cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc, bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm
vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ, thì ca ngợi và cầu xin Thiên
Chúa trong lòng. Ngoài ra trước khi cử hành Thánh lễ, rất nên giữ thinh lặng
trong nhà thờ, trong phòng thánh, và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn
lòng cử hành Thánh lễ cho sốt sắng và đạo đức.[79]
B. Ai lo việc ca hát trong phụng vụ?
107. Việc chuẩn bị cử hành phụng vụ thánh, nói
riêng việc chọn những bài ca nào được hát trong phụng vụ là trách
nhiệm hàng đầu của vị mục tử và của linh mục sẽ cử hành Thánh
lễ.[80] Đồng thời, “trong khi tổ chức Thánh lễ, vị tư tế
phải lưu ý đến công ích thiêng liêng của Dân Chúa hơn là đến sáng
kiến cá nhân của mình.” [81]
108. Để có “sự
đồng tâm nhất trí với nhau hầu chuẩn bị cách thiết thực cho mỗi cử
hành phụng vụ phù hợp với sách lễ và các sách phụng vụ khác,”[82] vị mục tử có thể chỉ
định cho người chịu trách nhiệm về thánh nhạc hoặc ban phụng vụ hay
ban thánh nhạc gặp nhau đều đặn để chuẩn bị; chuẩn bị là việc cần
thiết vì thiện ích chung của cộng đoàn.
109. Một khi ban phụng vụ hoặc ban thánh nhạc được
chọn lựa với nhiệm vụ chuẩn bị phần thánh nhạc cho phụng vụ, thì ban đó
phải gồm những người có hiểu biết và kỹ năng nghệ thuật cần thiết
cho phụng vụ: những người nam và những người nữ đã được huấn luyện
về thần học Công giáo, phụng vụ, nhạc phụng vụ và am hiểu các nguồn
tư liệu hiện hành trong những lãnh vực này. Thật là tốt cho ban thánh
nhạc khi có một số thành viên trong cộng đoàn phụng tự làm cố vấn
để thể hiện cái nhìn toàn diện.
C. Cẩn trọng trong việc CHỌN bài hát
110. Âm nhạc dành cho phụng vụ phải được chuẩn bị
và chọn lựa một cách chu đáo. Việc chuẩn bị như thế sẽ cho thấy “sự
đồng tâm nhất trí và chuyên chăm… dưới sự điều khiển của vị quản thủ
thánh đường và sau khi nghe ý kiến các tín hữu trong những gì trực
tiếp liên quan đến họ.”[83] Việc chuẩn bị thiết
thực những bài hát phụng vụ sẽ thúc đẩy việc tham gia tối đa của
cộng đoàn, là cách thức hợp tác nhằm tôn trọng vai trò chính yếu
của nhiều người khác nhau với những khả năng hỗ trợ cho nhau.
111. Mỗi cử hành phụng vụ bao gồm nhiều yếu tố có
lời nói và không có lời nói khác nhau: những lời nguyện riêng cho từng
ngày lễ, các bài đọc Thánh Kinh, mùa phụng vụ, thời khắc trong ngày,
các thời điểm đi rước (Nhập lễ, Rước Sách Tin Mừng, Chuẩn bị Lễ phẩm, Rước lễ),
những tác động thánh và những vật dụng thánh, bối cảnh kinh tế xã
hội mà cộng đoàn đặc thù được thiết lập, hoặc ngay cả những biến
cố cụ thể tác động đến đời sống của các tín hữu. Phải hết sức cố gắng
làm cho những yếu tố khác nhau hợp nhất lại nhờ vào việc khéo léo
chuẩn bị bản văn, bài hát, bài giảng, cử chỉ, phẩm phục, màu sắc,
khung cảnh, vật dụng thánh và những tác động thánh. Nghệ thuật về
lễ nghi này đòi hỏi những ai chuẩn bị cử hành phụng vụ phải đạt
được bằng cái nhìn xa trông rộng về mục vụ và về sự nhạy bén về
nghệ thuật.
112. Âm nhạc làm những gì mà ngôn từ không thể tự
làm được. Âm nhạc có khả năng diễn đạt chiều kích ý nghĩa và cảm
xúc mà một mình ngôn từ không thể chuyển tải được. Đối với một tác
phẩm âm nhạc cá biệt nào đó, nhiều lúc khó mà đánh giá được chiều
kích nói trên đây, khi đó cần phải cẩn thận xem xét bản văn (tức lời
ca) để biết được hiệu quả của tác phẩm ấy.
113. Vai trò của âm nhạc là phục vụ những nhu cầu
của phụng vụ nên không phải là ông chủ của phụng vụ, không mưu cầu
giúp vui hay lôi kéo sự chú ý về âm nhạc, về nhạc sĩ hay nhạc công.
Tuy nhiên, có những trường hợp phải cần đến thánh nhạc long trọng để ca
ngợi và thờ phượng Thiên Chúa. Còn những lúc khác, đơn sơ giản dị
là cách đáp ứng thích hợp nhất. Vai trò trước tiên của âm nhạc trong
phụng vụ là trợ giúp các thành phần của cộng đoàn liên kết chính
mình với hành động của Đức Kitô và cất tiếng hát lên về hồng ân
đức tin.
D. Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (Imprimatur)
114. Để được chuẩn nhận dùng trong phụng vụ, một bài ca phải
có những đặc tính căn bản mà Đức Piô X đã đề ra trong tự sắc Tra le Sollecitudini số 2 và được khai
triển trong Hiến chế về phụng vụ thánh, số 112: Bài ca phải thánh và phải là
nghệ thuật đích thực. Bài ca phải thánh nghĩa là càng liên kết chặt chẽ với các
động tác phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh bấy nhiêu. Bài ca phải có nghệ thuật
đích thực nghĩa là có giá trị cả về nhạc lẫn lời ca [84].
115. Thẩm quyền chuẩn nhận:
- Cung dành cho chủ tế và thừa tác viên gồm: Lời chào của chủ tế và lời thưa của dân
chúng; các lời nguyện (nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ); cung hát các bài đọc và Tin
Mừng; các lời đối đáp và kinh Tiền tụng; Tung hô tưởng niệm, kết kinh Tạ Ơn,
kinh Lạy Cha cùng với lời mở đầu và lời tiếp diễn; lời chúc bình an; công thức
giải tán, phải được thẩm quyền địa phương chuẩn nhận. Thẩm quyền địa phương
ở đây là Hội đồng Giám mục. [85]
- Các bài ca khác phải được giám mục chuẩn nhận.
E. Tiêu chuẩn thẩm định bài hát
Ba thẩm định nhưng
chỉ một lượng giá
116. Khi thẩm định sự thích hợp của âm nhạc trong
phụng vụ, ta sẽ phải xét đến các đặc tính: phụng vụ, mục vụ và âm
nhạc. Nhưng cơ bản, ba thẩm định này chỉ là ba khía cạnh của một
lượng giá để có thể trả lời câu hỏi: “Tác phẩm âm nhạc này có thích hợp với cuộc cử hành phụng vụ cụ
thể này không?” Cả ba thẩm định này phải được xét cùng lúc với
nhau, không được áp dụng theo một thẩm định này mà loại bỏ hai thẩm
định kia. Việc lượng giá này đòi hỏi sự hợp tác, tham vấn và làm
việc chung với nhau và tôn trọng nhau giữa những người thành thạo về
một trong ba thẩm định, như các vị quản thủ thánh đường, các nhạc
sĩ, các nhà phụng vụ hay những người hoạch định lễ nghi.
Thẩm định về phương
diện phụng vụ
117. Người thẩm định có thể đặt ra câu hỏi để xác
định như sau: “Trong nghi thức cụ thể
này, bài hát này có đáp ứng được những đòi hỏi về bản văn và cấu
trúc mà sách phụng vụ đã xác lập không?”
118. Những cân nhắc về mặt cấu trúc dựa trên những
yêu cầu của chính nghi lễ sẽ hướng dẫn phải chọn để hát những phần
nào theo nguyên tắc về bậc lễ. Phải cố làm sao có được sự cân bằng
nhất định giữa những yếu tố khác nhau của phụng vụ, để những yếu
tố ít quan trọng không lấn át những yếu tố quan trọng hơn. Các yếu
tố về bản văn, gồm cả việc dệt nhạc để nâng đỡ bản văn phụng vụ
và chuyển tải ý nghĩa, phải thật trung thành với giáo huấn của Hội
Thánh.
119. Các khía cạnh của âm nhạc và những nghi thức
phụng vụ khác nhau sẽ được bàn đến cách ngắn gọn trong các số từ 128
sau đây. Các nhạc sĩ sáng tác thánh ca nên tìm hiểu những quy định của mỗi
nghi thức qua việc nghiên cứu chính các sách phụng vụ.
Thẩm định về phương
diện mục vụ
120. Thẩm định về phương diện mục vụ là xét đến
cộng đoàn nhất định quy tụ lại để cử hành phụng vụ ở một nơi nhất định
và vào một thời điểm nhất định. Bài hát này có góp phần tăng thêm sự
thánh hóa các thành phần trong cộng đoàn phụng vụ bằng cách lôi kéo
họ đến gần hơn với mầu nhiệm thánh đang được cử hành không? Tác phẩm
này có tăng cường việc giáo dục đức tin cho họ bằng cách mở lòng họ
trước mầu nhiệm được cử hành trong dịp lễ này hoặc trong mùa phụng
vụ này không? Bản thánh ca này có khả năng diễn tả đức tin mà Thiên
Chúa đã gieo vào lòng họ và kêu gọi họ đến cử hành không?
121. Những yếu tố khác – như tuổi tác, văn hóa, ngôn
ngữ và trình độ của một cộng đoàn phụng vụ nhất định – cũng phải
được xét đến. Khi chọn thể loại âm nhạc này, hay chọn bài hát nọ để cộng
đoàn có thể tham dự, thảy đều phải xét xem đâu là con đường mà cộng đoàn cụ thể
này thấy là dễ dàng nhất để nối kết tâm trí họ với hành vi phụng vụ.
Tương tự, cảm nghiệm âm nhạc của một cộng đoàn phụng vụ nhất định
phải được xét đến một cách cẩn thận, ít nhất là những hình thức
diễn tả âm nhạc xa lạ với cách phượng tự của họ phải được giới
thiệu một cách tiệm tiến. Mặt
khác, cần tin tưởng rằng người thuộc mọi lứa tuổi, văn hóa, ngôn ngữ,
và mọi trình độ giáo dục, đều có thể tiếp thu cái mới nếu được giới thiệu
cho họ một cách thích hợp và thấu đáo.
122. Cuối cùng, về phương diện mục vụ, vẫn là câu hỏi
xưa nay: Bài hát này có lôi kéo được
những con người này đến gần với mầu nhiệm Đức Kitô là trọng tâm của
cuộc cử hành phụng vụ này không?
Thẩm định về phương
diện Âm nhạc
123. Thẩm định về khía cạnh âm nhạc là đặt câu hỏi: bài hát (hoặc đoạn nhạc) này có
những đặc tính thẩm mỹ cần thiết hay không hầu có thể chuyển tải
được ý nghĩa phong phú của những mầu nhiệm được cử hành trong phụng
vụ. Một câu hỏi khác nữa là: bài
hát này có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và biểu cảm không?
124. Thẩm định này đòi hỏi khả năng về âm nhạc. Chỉ
có loại âm nhạc vang lên một cách nghệ thuật mới đem lại hiệu quả
và tồn tại qua thời gian. Đưa vào phụng vụ loại nhạc tầm thường, rẻ
tiền và khuôn sáo thường thấy trong các bài ca trần tục tức là hạ
giá phụng vụ, làm cho phụng vụ dễ bị chế giễu và chuốc lấy thất bại.
125. Tuy nhiên, để việc diễn tả nghệ thuật được đầy đủ
thì không nên sử dụng chỉ một kiểu âm nhạc, vì “Giáo Hội không chọn riêng
cho mình một quy cách nghệ thuật nào, nhưng chấp nhận các kiểu âm nhạc
của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các
dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các nghi chế khác nhau.”[86] Vì vậy, Giáo Hội trước
sau vẫn công nhận và vui mừng tiếp nhận việc sử dụng các kiểu âm
nhạc khác nhau làm trợ tá trong phụng vụ.
V. CẤU TRÚC CÁC BÀI HÁT TRONG PHỤNG VỤ
A. Âm nhạc và cấu trúc Thánh lễ
126. Những ai có trách nhiệm chuẩn bị âm nhạc cho
việc cử hành Thánh lễ hợp với ba thẩm định được nói trên đây còn
phải hiểu biết tường tận cấu trúc phụng vụ. Họ phải ý thức cái
gì là quan trọng nhất. Họ phải biết đặc tính của mỗi phần Thánh
lễ và mối tương quan của mỗi phần với nhịp điệu chung của tác động
phụng vụ.
127. Thánh lễ gồm có Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ
Thánh Thể. Tuy mỗi phần có đặc tính riêng biệt, nhưng cả hai phần
này được nối kết một cách chặt chẽ để làm nên một hành vi thờ
phượng. “Về mặt thiêng liêng Hội Thánh được nuôi dưỡng nhờ bàn tiệc
Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Nhờ bàn tiệc Lời Chúa, Hội Thánh
tăng trưởng về đức khôn ngoan. Nhờ bàn tiệc Thánh Thể, Hội Thánh tăng
trưởng về sự thánh thiện.”[87] Ngoài ra, Thánh lễ còn
có nghi thức Đầu lễ và Kết lễ.
Nghi thức Đầu lễ
128. Phần thứ nhất của Thánh lễ bao gồm các nghi
thức “có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị.”[88]
Phần này gồm Ca Nhập lễ, việc hôn kính bàn thờ, lời chào chúc, Hành
động Thống hối và Kinh Kyrie - Xin
Chúa thương xót chúng con (hoặc rảy nước thánh), Kinh Gloria - Vinh Danh, và lời Tổng
nguyện.
129. Những nghi thức này nhằm mục đích “giúp cho các
tín hữu đã quy tụ nhau nên một được hiệp thông với nhau, chuẩn bị tâm
hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành Thánh lễ cho
xứng đáng.”[89] Để các tín hữu có thể
đến với nhau nên một, cần để cho họ hát cộng đồng ít nhất một phần các
nghi thức đầu lễ – Ca Nhập lễ, Kinh Thương xót, hoặc Kinh Vinh Danh –
ngoài những câu đối đáp được hát trong phụng vụ.
130. Trong một số dịp lễ, như Chúa nhật Lễ Lá, hoặc khi
có cử hành những nghi thức hay bí tích khác trong Thánh lễ, như thứ
Tư Lễ Tro…, một số nghi thức đầu lễ nói trên được bỏ đi hay được cử
hành theo cách thức riêng, đòi hỏi có thay đổi trong cách chọn âm
nhạc. Những ai có trách nhiệm trong việc chuẩn bị âm nhạc phụng vụ
phải nhận thức được những thay đổi này trong khi thực hiện.
Ca Nhập lễ
131. Khi cộng đoàn đã tập họp, thì bắt đầu hát Ca
Nhập lễ đang khi vị linh mục, phó tế và những tác viên tiến vào
thánh đường. “Bài ca này có mục đích khai mạc cuộc cử hành Thánh lễ,
giúp cộng đoàn thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa
phụng vụ hay ngày lễ và làm nền long trọng cho cuộc rước nhập lễ của
vị tư tế và các thừa tác viên.”[90]
132. Phải hết sức cẩn trọng khi xử lý bản văn thánh
vịnh, thánh thi và thánh ca trong phụng vụ. Không được phép tùy tiện
lược bỏ những ca từ, những khổ thơ khiến cho có nguy cơ làm sai lạc
nội dung những bản văn ấy. Không phải tất cả các bài hát đều cần
phải hát hết mọi phiên khúc hay các khổ thơ, vì thế ta có thể bỏ đi một
số phiên khúc nếu bản văn được hát lên vẫn có sự mạch lạc.
133. Bản văn và phần nhạc để hát Ca Nhập lễ có thể
được lấy ra từ một số nguồn tài liệu:
a. Hát đối ca và thánh vịnh đang khi rước là một
truyền thống lâu đời trong phụng vụ Rôma. Các đối ca và thánh vịnh có
thể được lấy từ các sách phụng vụ chính thức – sách Graduale Romanum, hoặc sách Graduale Simplex – hoặc từ những
tuyển tập tiền xướng và thánh vịnh.
b. Các bài thánh thi hay thánh ca khác cũng có thể
được hát lúc Nhập lễ, nhưng phải đảm bảo duy trì được mục đích của
bài Ca Nhập lễ. Những bản văn đối ca, thánh vịnh, thánh ca dùng trong
phụng vụ phải được sự chuẩn nhận của Hội đồng Giám mục Việt Nam hoặc của
Giám mục giáo phận (Ca Nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn
và cộng đoàn, hoặc luân phiên giữa một ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng
đoàn hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng đối ca Graduale Simplex; hoặc dùng bản hát nào
khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa phụng vụ.
Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Nếu không hát Ca Nhập
lễ, thì giáo dân, hoặc một vài người giáo dân hoặc một độc viên, đọc bài Ca Nhập
lễ ghi trong sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, vị này cũng
có thể thích ứng đối ca ấy theo kiểu lời khuyên nhủ đầu lễ).[91]
Hành động Thống
hối
134. Sau lời chào chúc là Hành động Thống hối. Vị tư
tế mời mọi người thống hối. Tất cả cộng đoàn thú tội chung và vị
tư tế đọc lời xá giải để kết thúc, lời này không có hiệu quả như
trong Bí tích Thống hối.[92] Khi dùng công thức thống
hối thứ ba để hát “Chúa đã được
sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối: Xin Chúa thương xót
chúng con…” thì có thể chọn những lời khác để kêu cầu lòng
thương xót của Chúa Kitô nếu những lời này đã được Hội đồng Giám mục soạn thảo
và được Tòa Thánh chuẩn nhận.[93]
Kinh Thương Xót
(Kyrie Eleison)
135. Nghi thức thống hối bao giờ cũng có lời kinh cầu cổ
kính Kyrie: “Xin Chúa thương xót chúng con” [94]
trừ khi đã dùng kinh này trong công thức thống hối thứ ba. Vì là bài
hát cộng đồng dùng để tung hô Chúa và để kêu cầu lòng thương xót của
Ngài, bài này thường được toàn thể cộng đoàn hát đối đáp với ca đoàn hay ca xướng
viên.
Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì đặc tính của
các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể
hát nhiều lần. Kinh “Xin Chúa thương xót
chúng con” nếu không hát, thì đọc.
Làm phép và rảy
nước thánh
136. Ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục Sinh, thay
vì nghi thức thống hối thường lệ, đôi khi có thể làm phép và rảy
nước thánh để tưởng nhớ phép Rửa. Có thể hát lời làm phép nước.
Bài hát đi đôi với việc rảy nước thánh phải có được đặc tính thanh
tẩy một cách rõ ràng.
Kinh Vinh Danh
(Gloria)
137. “Kinh Vinh Danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội
Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh và cầu khẩn Chúa
Cha cùng Chiên Con. Bản văn thánh thi này không được thay thế bằng bản văn nào
khác… Kinh này được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa
Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp cử hành riêng có tính
cách long trọng.” [95]
138. Vị tư tế, hoặc tùy hoàn cảnh, một ca viên hay ca đoàn
xướng lên, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với
ca đoàn, hoặc ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc
chung, hoặc chia hai bè đối đáp.
139. Không được phép chuyển Kinh Vinh Danh sang phần khác với phần được Sách lễ Rôma ấn định.
Thí dụ, không được hát Kinh Vinh Danh thay thế Ca Nhập lễ, hoặc khi rảy
nước thánh.
Lời Tổng nguyện
140. Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện,
và sau khi thinh lặng trong giây lát, linh mục hát hoặc đọc Lời Tổng
nguyện.[96] Ngay cả khi không hát
Lời Tổng nguyện, thì vẫn có thể hát phần kết thúc lời nguyện để dân
chúng thưa bằng lời tung hô “AMEN”.
Phụng vụ Lời Chúa
141. Phụng vụ Lời Chúa gồm các Bài đọc và Đáp ca
lấy từ Kinh Thánh.[97] Bằng việc đón nhận Lời
Chúa với cả tâm trí và hát đáp lại Lời Chúa, “cộng đoàn làm cho Lời
Chúa thành của mình.” [98]
Các Bài đọc rút
từ Kinh Thánh
142.Thông thường, các Bài đọc được đọc lên cách rõ
ràng, dễ nghe và thông thạo, nhưng cũng có thể được hát
lên. “Tuy nhiên việc hát các Bài đọc phải làm nổi bật ý nghĩa của
lời chứ không làm lu mờ Lời Chúa.”[99]
143. Cho dù không hát chính Bài đọc, thì câu tung hô
kết thúc Đó là Lời Chúa nên
hát, do một người khác không phải là người vừa đọc sách thánh hát
cũng được, rồi cả cộng đoàn cùng đáp lại Tạ ơn Chúa để tôn vinh Lời Chúa mà họ đã đón nhận bằng
đức tin và lòng biết ơn.
Thánh vịnh Đáp ca
(hoặc Thánh vịnh thay thế)
144. Sau Bài đọc I là Thánh vịnh Đáp ca. Vì là
thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa và được rút từ Kinh
Thánh, nên bài Đáp ca rất quan trọng về phụng vụ và mục vụ.[100] Thánh vịnh Đáp ca tương
ứng với mỗi bài đọc nhằm giúp suy niệm Lời Chúa. Việc dệt nhạc
Thánh vịnh Đáp ca sẽ trợ giúp cho việc suy niệm này, nhưng cẩn thận
để đừng làm lu mờ những bài đọc khác.[101]
145. “Như một quy luật, nên hát Thánh vịnh Đáp ca.”[102] Tốt nhất nên hát Thánh vịnh
Đáp ca theo kiểu đối đáp. Ca xướng viên xướng các câu Thánh vịnh tại
giảng đài [103] đang khi toàn thể cộng
đoàn ngồi nghe và tham dự bằng những câu đáp. Cũng có thể hát liên tục trọn vẹn
Thánh vịnh mà không có phần đáp của cộng đoàn. Tuy nhiên, để cộng đoàn có thể
hát Thánh vịnh Đáp ca dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và Thánh vịnh đã được
chọn sẵn cho từng mùa trong năm hoặc cho từng loại lễ kính các thánh, để mỗi
khi hát Thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với
bài đọc. Nếu không thể hát Thánh vịnh, thì đọc cách nào cho phù hợp để giúp suy
niệm Lời Chúa.
Ngoài Thánh vịnh đã ghi trong Sách Bài Đọc, còn có thể hát
Ca tiến cấp lấy ở sách Graduale Romanum
hoặc Thánh vịnh Đáp ca, hoặc Thánh vịnh tung hô Alleluia lấy ở sách Graduale Simplex, như thấy có ghi trong
các sách đó.[104]
146. Chỉ được sử dụng các Thánh vịnh và các bài thánh ca Cựu
ước và Tân ước (vd: Magnificat,
Benedictus) đã được ghi trong Sách Bài Đọc.
147. Nếu không thể hát trọn vẹn Thánh vịnh, nên hát
riêng câu đáp, còn người đọc sách thánh sẽ đọc các câu xướng của Đáp
ca cách nào cho phù hợp để giúp suy niệm Lời Chúa.
Dệt nhạc Thánh vịnh
Đáp ca
148. Bản văn của các Thánh
vịnh Đáp ca bằng tiếng Việt, có những khó khăn trong việc soạn các âm điệu
vì tiếng Việt có tới sáu thanh điệu, bởi vậy việc hòa hợp các thanh điệu này với
các nốt nhạc không phải luôn dễ dàng. Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích Tòa Thánh
Rôma hiểu nỗi khó khăn này, nhưng đồng thời, Bộ cũng tin tưởng rằng Ủy ban
Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ tìm ra những giải đáp thỏa đáng để
có được những âm điệu hay và xứng hợp cho các bản văn này. Vì thế phải trung
thành tuyệt đối với bản dịch đã được chuẩn nhận.[105]
149. Nếu mỗi âm điệu đều đòi hỏi phải sửa đổi đôi chút bản
văn, cho dù là những lời rất đơn giản, thì tình trạng của các bản văn phụng vụ
chính thức này cuối cùng sẽ ra sao? Bản văn phụng vụ chắc chắn sẽ lộn xộn. Các
nhạc sĩ Công giáo Việt Nam khi được các Đức Giám mục yêu cầu sáng tác các âm điệu
cho các bản văn phụng vụ, thì cũng được yêu cầu chấp nhận hy sinh cần thiết
trong việc soạn các âm điệu theo các chuẩn mực của Giáo Hội liên quan đến vấn đề.
Tung hô Tin Mừng
150. Sau bài đọc trước bài Tin Mừng, hát Alleluia hay bài nào khác do chữ đỏ
quy định tùy mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi
thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào
Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát tuyên xưng niềm
tin của mình. Ca đoàn hoặc ca xướng viên có thể xướng trước Alleluia,
mọi người đứng lặp lại Alleluia. Rồi ca đoàn hoặc ca xướng viên hát câu Tung
Hô. Mọi người lặp lại Alleluia một lần nữa. Nếu nghi thức Rước Sách Tin Mừng
chưa kết thúc, mọi người có thể lặp lại Alleluia nhiều lần.[106]
151. Tung hô Tin Mừng (Alleluia) được phổ nhạc Bình ca
rất thích hợp để dùng trong những cộng đoàn có khả năng hát chung
(hát cộng đồng).[107]
152. Alleluia được
hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài Đọc, hoặc sách Graduale Romanum. Mùa Chay, thay vì
Alleluia thì hát câu tung hô trước Tin Mừng có trong Sách Bài Đọc. Cũng có thể
hát một Thánh vịnh khác hay Ca Liên xướng (tractus) Mùa Chay, như thấy trong
sách Graduale Romanum.
153. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:
a) Trong mùa phải hát Alleluia, có thể hát bài Thánh vịnh có
chữ Alleluia, hoặc Thánh vịnh và Alleluia với câu tung hô.
b) Trong mùa không phải đọc Alleluia, có thể hát hoặc đọc
Thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ Thánh vịnh thôi. Không hát
Alleluia, có thể bỏ hoặc có thể thay bằng những câu tung hô như sau: (hát trước
và sau câu Tung hô trước Tin Mừng) 1. Lạy
Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài. Hoặc: 2. Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng
và tôn vinh Ngài.[108]
c) Alleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể
bỏ.[109]
Ca Tiếp liên
154. Ca Tiếp liên là một thánh thi phụng vụ
được hát trước phần Tung hô Tin Mừng (Alleluia) vào những ngày đã định.
Vào Chúa nhật Phục Sinh (Victimae
paschali laudes) và lễ Hiện Xuống (Veni
Sancte Spiritus) buộc phải hát Ca Tiếp liên.[110]
Còn vào lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Lauda Sion Salvatorem) và Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (Stabat Mater) thì được tùy ý.
155. Ca Tiếp liên có thể được tất cả mọi người cùng
hát, hoặc hát luân phiên giữa cộng đoàn và ca đoàn và ca xướng viên,
hoặc ca đoàn hay một mình ca xướng viên. Bản văn Ca Tiếp liên được sử
dụng lấy từ Sách Bài Đọc trong Thánh lễ hoặc những bản văn đã được
chuẩn nhận.
Tin Mừng
156. “Trong tất cả các phần liên kết với Phụng vụ
Lời Chúa, sự kính trọng đối với bài đọc Tin Mừng phải được lưu tâm
đặc biệt.”[111]
157. Tin Mừng thường được công bố một cách rõ ràng,
dễ nghe và khéo léo,[112] nhưng cũng có thể được
hát. “Tuy vậy, việc ca hát này phải làm nổi bật ý nghĩa lời hát,
đừng làm lu mờ những lời ấy.”[113]
158. “Ngay cả khi không hát chính bài Tin Mừng, vẫn
thích hợp để hát lời chào Chúa ở
cùng anh chị em, và Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo thánh..., và câu kết thúc Đó là Lời Chúa, để cộng đoàn cũng có thể hát những câu
tung hô. Đây là cách vừa làm nổi bật tầm quan trọng của bài Tin Mừng
vừa khơi động đức tin của những người đang lắng nghe Tin Mừng.”[114]
Kinh Tin Kính
159. Kinh Tin Kính là lời tuyên xưng đức tin của toàn thể
dân Chúa được quy tụ.[115] Nên cẩn trọng để mọi
người hiện diện tham gia tích cực dù hát hay là đọc. Nếu hát, linh
mục hoặc ca xướng viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người
cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn. Nếu không hát, thì
mọi người cùng đọc hoặc chia hai bè đối đáp.[116]
Lời nguyện cho mọi
người
160. Lời nguyện cho mọi người hay Lời nguyện tín hữu
gồm những lời cầu khẩn, nhờ thế “một cách nào đó cộng đoàn đáp
lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin. Đồng thời, thực thi
chức vụ tư tế do Bí tích Thánh tẩy, họ dâng lên Thiên Chúa lời cầu
xin cho mọi người được cứu độ.”[117]
Vì lời nguyện tín hữu có cấu trúc của kinh cầu đối đáp, nên rất nên hát
nếu tiếng hát rõ ràng, dễ hiểu. Cũng có thể chỉ hát lời mời gọi và câu đáp mà
thôi.
Phụng vụ Thánh Thể
161. Phụng vụ Thánh Thể gồm 3 phần chính: Chuẩn bị
Lễ phẩm, Kinh nguyện Thánh Thể, và Hiệp lễ.[118]
Chuẩn bị Lễ phẩm
162. Sau khi sửa soạn bàn thờ xong, một vài người
trong cộng đoàn phụng vụ mang bánh và rượu đến trao cho vị linh mục
hoặc phó tế. Khi rước lễ phẩm lên thì hát Ca Tiến lễ và kéo dài
bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ.[119] Quy luật về cách hát
Ca Tiến lễ cũng giống như cách hát Ca Nhập lễ. Ca Tiến lễ được hát như
sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc luân phiên giữa một ca
viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hát, hay do một mình ca đoàn hát
mà thôi. Có thể dùng đối ca Graduale
Simplex; hoặc dùng bản hát khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất
của ngày lễ, hay mùa phụng vụ. Lời ca của bài hát không nhất thiết phải nói đến
bánh rượu hay lễ phẩm. Rất thích hợp là những lời ca diễn tả niềm vui, tâm tình
ngợi khen và tinh thần cộng đoàn. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục
chuẩn nhận. Có thể hát đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn theo bản văn của Sách lễ
Rôma.
163. Ngay cả khi không rước lễ phẩm, nghi thức tiến
lễ luôn có thể có bài hát kèm theo.[120]
Dạo đàn lúc này cũng thích hợp.
164. Đoạn linh mục đọc một Lời nguyện trên Lễ phẩm
(Lời nguyện Tiến lễ). Ngay cả khi không hát lời nguyện, thì cũng nên hát
câu kết thúc lời nguyện Chúng con
cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con cùng với lời đáp của cộng
đoàn.
Kinh nguyện Thánh
Thể
165. Kinh Nguyện Thánh Thể là điểm trung tâm và chóp đỉnh
của toàn bộ việc cử hành Thánh lễ. Liên kết cộng đoàn với mình và
nhân danh tất cả cộng đoàn, vị tư tế đọc lời Kinh nguyện Thánh Thể dâng lên
“Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.”[121]
Qua Kinh nguyện Thánh Thể toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với
Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy
lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi buộc mọi người lắng nghe với lòng
kính trọng trong thinh lặng, họ tham dự trọn vẹn khi lên tiếng liên
kết với vị chủ tế trong những lời tung hô.
166. Kinh nguyện Thánh Thể là một hành vi phụng vụ
riêng biệt gồm những yếu tố: lời đối đáp mở đầu, kinh Tiền tụng, kinh
tung hô Thánh, Thánh, Thánh, kinh
Cầu xin Chúa Thánh Thần, lời Tường thuật việc lập Bí tích Thánh
Thể, lời Tung hô tưởng niệm, kinh Kính nhớ, lời Chuyển cầu và Vinh tụng
ca kết thúc với lời Tung hô Amen.[122]
167. Để làm cho tính duy nhất của phần Kinh nguyện
Thánh Thể được nổi bật, đề nghị phải có tính duy nhất về thể loại
cho những yếu tố âm nhạc trong Kinh nguyện, nhất là kinh Thánh, Thánh, Thánh, Tung hô tưởng niệm và tiếng Amen trọng thể. Khi hát những phần
như lời đối đáp mở đầu kinh Tiền tụng và chính kinh Tiền tụng, nên cố gắng
chọn bậc giọng sao cho phù hợp với cung thể của những phần khác của Kinh nguyện
Thánh Thể.
168. Kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu bằng lời đối đáp
giữa linh mục và cộng đoàn. Lời đối đáp này diễn tả sự hiệp thông với
nhau khi dâng tiến hy lễ Thánh Thể. Các tín hữu “tạ ơn Thiên Chúa và
dâng lên Người lễ phẩm tinh tuyền, không những nhờ tay linh mục, nhưng
còn cùng với ngài.”[123] Lời đối đáp mở đầu
kinh Tiền tụng là một trong những lời đối đáp quan trọng nhất của
Thánh lễ, vì thế rất nên hát, nhất là vào ngày Chúa nhật và các dịp
long trọng khác.[124]
169. Cộng đoàn tham dự vào Kinh nguyện Thánh Thể bằng
cách chăm chú lắng nghe những lời được linh mục đọc lên hay hát lên và
liên kết tâm trí họ với những tác động trong phần Kinh nguyện. Mọi người
nên đồng thanh hát lên các câu tung hô trong Kinh nguyện Thánh Thể, gồm
có kinh Thánh, Thánh, Thánh là lời
tung hô ca ngợi của cả hoàn vũ; câu Tung hô Tưởng Niệm là lời của các
tín hữu dự phần vào việc kính nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Sau
Vinh tụng ca của linh mục, cộng đoàn thưa Amen để tỏ lòng đồng thuận với toàn bộ
Kinh nguyện Thánh Thể. Cộng đoàn nên hát những lời tung hô này, nhất là
trong các ngày Chúa nhật và lễ trọng.[125]
170. Kinh nguyện Thánh Thể là động tác trọng tâm của
toàn bộ cử hành, do đó nếu có thể, linh mục nên hát ít ra là những
phần mà sách lễ Rôma (bản La-tinh)
đã ghi nốt nhạc, vào ngày Chúa nhật và những dịp lễ trọng. Những
phần này bao gồm lời đối đáp mở đầu kinh Tiền tụng, lời mời gọi
Tung hô tưởng niệm, và Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện. Không được
phép đọc thầm Kinh nguyện Thánh Thể trước khi kinh Thánh, Thánh, Thánh chấm dứt
171. Cũng là việc linh mục nên làm là hát toàn bộ Kinh
nguyện Thánh Thể, nhất là trong các dịp lễ trọng. Các bản hát đã
được trù liệu trong Sách lễ và những cung điệu khác cũng được phép
sử dụng nếu đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Trong khi linh
mục đọc lớn tiếng Kinh nguyện Thánh Thể thì không được đọc lời
nguyện khác hay hát, không được sử dụng đại phong cầm và các nhạc cụ
khác trừ khi đệm đàn cho cộng đoàn tung hô.
172. “Thật đáng ca ngợi khi tất cả các vị đồng tế
cùng đồng thanh hát lên những phần có ghi nốt nhạc trong Sách lễ.”[126]
Nghi thức Hiệp lễ
173. Đỉnh cao của phần Hiệp lễ là việc rước lễ. Có một
số nghi thức chuẩn bị cho các tín hữu rước Mình Máu Thánh Chúa như
của ăn thiêng liêng.[127]
Kinh Lạy Cha
174. Các nghi
thức chuẩn bị cho phần Rước lễ được bắt đầu bằng Kinh Lạy Cha. Nếu
hát Kinh Lạy Cha thì mọi tín hữu cùng hát với linh mục; sau đó một mình
ngài đọc tiếp kinh khẩn xin, và giáo dân kết thúc bằng lời chúc vinh: “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là
của Chúa đến muôn đời”. Nếu có thể, linh mục cũng nên hát lời
mời gọi vào Kinh Lạy Cha và kinh khẩn xin sau Kinh Lạy Cha.
175. Tiếp theo sau Kinh Lạy Cha và việc Chúc bình an
là cử chỉ Bẻ Bánh, “cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành tên gọi cho cả
Thánh lễ vào thời các Tông đồ” và nghi thức này “nói lên rằng, các
tín hữu đông đảo làm nên một thân thể[128]
nhờ thông phần cùng một tấm bánh ban sự sống là Đức Kitô, Đấng đã
chết và sống lại để cứu độ thế gian.”[129]
Đang khi Bẻ Bánh thì hát “Lạy Chiên Thiên Chúa – Agnus Dei”, rồi linh mục mời gọi Đây Chiên Thiên Chúa… sau đó linh mục và các tín hữu rước
Mình Máu Chúa. Kết thúc phần Hiệp lễ bằng lời nguyện kết lễ.
Chúc bình an
176. Một thời gian ngắn rất cần thiết để chào chúc
bình an cho nhau nhưng không được hát bài nào nhằm kéo dài nghi thức này.
Bẻ Bánh và Kinh
Lạy Chiên Thiên Chúa
177. Lạy Chiên Thiên
Chúa là bài ca khẩn nài được hát khi Bẻ Bánh. Bài ca này “được
ca đoàn hay ca xướng viên hát hay ít là đọc lớn tiếng “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần
gian” và cộng đoàn đáp lại “Xin
thương xót chúng con”. Kinh này đi kèm với việc Bẻ Bánh, vì thế có
thể lặp đi lặp lại cho đến khi Bẻ Bánh xong. Lần cuối cùng được kết
thúc bằng câu “Xin ban bình an cho
chúng con.”[130]
Ca Hiệp lễ
178. “Đang khi vị linh mục rước lễ, thì hát Ca Hiệp
lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự hiệp nhất thiêng liêng ngay giữa những
người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong
lòng, và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách cộng đoàn
hơn.”[131] Ca Hiệp lễ kéo dài suốt thời
gian các tín hữu rước lễ.[132] Một mình ca đoàn hát, hoặc
ca đoàn hay ca xướng viên hát với cộng đoàn. Vì bài Ca Hiệp lễ diễn tả
sự hiệp nhất của những người tiến lên rước Mình Máu Chúa, nên cần
phải ưu tiên việc hát cộng đồng.
179. Về Ca Hiệp lễ, có thể dùng đối ca theo ngày lễ trong
sách Graduale Romanum, hoặc dùng đối
ca theo mùa phụng vụ trong sách Graduale
Simplex, hoặc bài hát nào khác thích hợp đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.[133]
180. Khi tuyển chọn bài Ca Hiệp lễ phù hợp cho bữa
tiệc Thánh Thể là nơi Thiên Chúa tuôn đổ dạt dào phúc lành của
Người, nên tìm những bản văn có chủ đề về niềm vui, niềm ngưỡng mộ,
sự hiệp nhất, lòng biết ơn và tán tụng. Theo truyền thống phụng vụ
Rôma xưa, Ca Hiệp lễ có thể nói lên những chủ đề của bài Tin Mừng
trong ngày lễ hay mùa phụng vụ. Trong khi cộng đoàn lên rước lễ, cũng rất
thích hợp là bài hát phản ánh động tác phụng vụ, thí dụ ăn và uống
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. [134]
Một số bài ca đã được sáng tác dành cho Chầu Thánh Thể – tức tập trung vào việc
tôn thờ Thánh Thể hơn là ý nghĩa của việc rước lễ – vì thế không nên chọn làm
bài Ca Hiệp lễ.
181. Là bài hát dùng cho phần Rước lễ, bài Ca Hiệp lễ
có những khó khăn riêng khi thể hiện. Ca Hiệp lễ giúp các tín hữu nắm bắt
được một cách sâu xa hơn tính cách cộng đoàn trong việc tiến lên rước
lễ. Để cổ vũ sự tham gia của tín hữu khi “họ đồng thanh ca hát,” nên
hát Thánh vịnh theo kiểu đáp ca hoặc dùng những bài ca có điệp khúc
dễ nhớ. Thông thường, các điệp khúc cần được giới hạn về số lượng
và thường được lặp đi lặp lại, nhất là ở câu mở đầu để những câu hát này trở nên quen
thuộc đối với tín hữu.
182. Khi việc rước lễ kéo dài, nên hát thêm bài hát
khác nữa. Trong trường hợp này, có thể nối kết bài hát dành cho cộng
đoàn và bài hát dành cho một mình ca đoàn. Ca đoàn nào có khả năng
thì có thể lấy Ca Hiệp lễ trong sách Graduale
Romanum và hát theo kiểu bình ca hay đa âm, hoặc sử dụng những bài hợp
xướng thích hợp. Cũng có thể sử dụng nhạc cụ đơn tấu hoặc hòa tấu
để thúc đẩy tinh thần hiệp nhất và vui mừng. Nếu sau khi Rước lễ còn
hát thêm bài nào nữa, thì phải kết thúc “vào đúng lúc.”[135] Sau khi Rước lễ, cũng
nên dành cho toàn thể cộng đoàn ít giây phút thinh lặng cầu nguyện.
183. Theo dòng các mùa phụng vụ trong năm, nên chọn
Thánh vịnh hoặc bài ca khi Rước lễ theo tinh thần của từng mùa. Vào
hầu hết các lễ Chúa nhật và những ngày khác, luôn luôn là thích hợp
khi chọn hát một trong những Thánh vịnh mà bao đời nay có nội dung gắn
kết với việc tham dự bữa tiệc Thánh Thể, như Thánh vịnh 23, 34 và
147. Ủy ban Thánh nhạc sẽ thực hiện một tuyển tập những bài ca phụng vụ có
ý diễn tả niềm vui và lòng say mến khi được chia sẻ bữa tiệc của
Chúa.
184. Hãy sắp đặt sao cho những người đảm trách việc ca hát
(các ca viên, người đệm đàn) “cũng rước lễ một cách thuận tiện.”[136] Bài Ca Hiệp lễ phải được
bắt đầu ngay khi linh mục rước lễ, vì thế ca đoàn có thể rước lễ khi kết
thúc hoặc sắp kết thúc việc rước lễ.
Bài ca sau khi Rước
lễ
185. “Sau khi Rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi cầu
nguyện một khoảng thời gian nào đó. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn có thể hát một
thánh thi, một Thánh vịnh, hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.”[137] Bài ca sau khi Rước lễ
nên giúp cộng đoàn tập trung vào mầu nhiệm Thánh Thể mà họ vừa tham
dự, và đừng bao giờ để cho bài ca ấy khiến cộng đoàn chú ý thái quá vào
ca đoàn hay những người phụ trách ca nhạc. Cộng đoàn có thể đứng trong
khi hát bài ca sau Rước lễ nếu bài ca ấy có vẻ cần đến tư thế cầu nguyện
này.
186. Linh mục có thể hát lời nguyện Hiệp lễ, hoặc
chỉ hát câu kết thúc (thí dụ: Chúng
con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa
chúng con). Khi kết thúc lời nguyện, toàn thể cộng đoàn hát lời
Amen để tỏ ý tán thành.
Nghi thức Kết lễ
187. Nhất là ngày Chúa nhật và dịp lễ trọng khác, linh
mục có thể hát lời ban phép lành và cộng đoàn hát lời thưa Amen,
phó tế hoặc linh mục hát câu giải tán cộng đoàn (Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an), và cộng đoàn hát lời Tạ ơn
Chúa.
188. Mặc dầu không cần thiết phải hát thánh ca ra
về, nhưng nếu có thói quen ấy, thì tất cả có thể hát chung một bài ca
sau lời giải tán. Khi hát bài ca này, đoàn rước các thừa tác viên rời
khỏi cung thánh khi sắp kết thúc bài hát. Ngoài ra, cộng đoàn có thể ra về trong
tiếng đàn dạo đơn tấu hay hòa tấu; riêng trong Mùa Chay thì nên thinh lặng
ra về (như không được chưng hoa trên bàn thờ, dùng nhạc cụ để đệm hát, nhằm
làm nổi bật ý nghĩa phụng vụ Mùa Chay).
Những bài ca không được phép đổi bản văn và những bài
ca được phép thích ứng
189. Các bản văn: Trước tiên, nên nhớ rằng: trong phụng vụ bản
văn chi phối âm nhạc, chứ không phải âm nhạc chi phối bản văn. Đó là luật
chung. Do đó khi sáng tác hoặc sử dụng bài hát trong Thánh lễ, cần phân biệt:
a) Bản văn cố định:
Không được thay đổi vì bất cứ lý do gì các bản văn thuộc nghi thức Thánh lễ
như: các lời cầu nguyện của chủ tế, bộ lễ, Thánh vịnh Đáp ca, các lời tung hô,
các lời đối đáp giữa linh mục hoặc phó tế với cộng đoàn, kinh Tiền tụng, Kinh
nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha... phải theo sát bản văn đã được HĐGM chuẩn nhận,
được Tòa Thánh châu phê và được in trong sách lễ Rôma.
b) Bản văn được thích ứng:
Những bản văn khác như: Ca Nhập lễ, Ca Dâng lễ, Ca Hiệp lễ “được thích ứng khi
phiên dịch sao cho hợp với tinh thần của ngôn ngữ và đòi hỏi của sáng tác”.[138]
Ngoài ra, còn được thay thế các bài hát này bằng các bài hát
khác đã được HĐGM chuẩn nhận vào việc này.
190. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma cũng cho phép: để dân
chúng có thể hát Thánh vịnh Đáp ca dễ dàng, một số bản văn Đáp ca và Thánh vịnh
đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm hoặc cho từng loại lễ, để mỗi khi hát
Đáp ca, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với bài đọc liên hệ.
Sách Lectionarium, cuốn 1, trang
861-874 có liệt kê các bản văn và các Thánh vịnh đó.[139]
B. Âm nhạc và các Bí tích khác
191. Các sách phụng vụ dành cho từng nghi thức đều có
những bản văn đề nghị để sử dụng cho nhiều hoàn cảnh, và kèm theo bài hát
gợi ý. Vì không buộc phải dùng, nên những bản văn được đề nghị này đem
lại cơ hội cho các nhạc sĩ sáng tác. Ít ra, các bản văn này cũng cho
thấy thế nào là bản văn thích hợp cho những thời điểm cụ thể của nghi
thức.
Các Bí tích Khai tâm
192. “Trong các Bí tích Khai tâm Kitô giáo, chúng ta
được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được liên kết với Đức
Kitô chịu chết, chịu mai táng và sống lại. Chúng ta lãnh nhận Thần Khí
để được tháp nhập làm nghĩa tử và dự phần với toàn thể Dân Thiên
Chúa khi cử hành tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa.”[140]
Nghi thức Gia nhập Kitô giáo dành cho Người Lớn
(Phần này ít thông
dụng ở Việt Nam)
193. Nghi thức Gia nhập Kitô giáo dành cho Người Lớn
gồm một số cử hành long trọng đòi hỏi sự hiện diện và tham dự của
cộng đoàn địa phương, vì “tiến trình gia nhập của người lớn là trách
nhiệm của tất cả mọi người đã được rửa tội.”[141]
Vì ca hát là một trong những hình thức tham gia tích cực quan trọng
nhất trong phụng vụ, nên việc quan trọng là phải chọn được những câu
đáp, những câu tung hô, đối ca, Thánh vịnh và những bài ca khác khả dĩ
giúp cho toàn thể cộng đoàn tham gia vào những lúc thích hợp.
194. Trong Nghi thức Tiếp nhận vào Hàng ngũ Dự Tòng,
thường được cử hành trong Thánh lễ Chúa nhật, cộng đoàn có thể tham
gia bằng việc đọc Thánh vịnh hoặc ca hát đang khi các ứng viên, những
người đỡ đầu, các tác viên và cộng đoàn tập họp ở bên ngoài thánh
đường. Theo quy định trong sách nghi thức, cần phải hát tung hô khi các ứng
viên được ghi dấu thánh giá, sau đó hát Thánh vịnh hoặc một bài ca khi
mọi người tiến vào thánh đường để cử hành Phụng vụ Lời Chúa.
195. Trong Nghi thức Tuyển chọn, thường được cử hành
vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, có thể hát Thánh vịnh thích hợp hoặc
bài ca thích hợp trong lúc xướng tên để các dự tòng ký tên vào Sổ
Tuyển chọn.
196. Nghi thức Thẩm vấn thường được cử hành trong
các Thánh lễ Chúa nhật III, IV và V Mùa Chay. Bản văn dành cho những
Thánh lễ này luôn lấy từ Sách Bài Đọc Năm A. Kết thúc nghi thức trừ
tà, mọi người có thể cùng hát một Thánh vịnh hay một bài ca thích
hợp.
197. Trong Đêm Canh Thức Phục Sinh, ba Bí tích Khai tâm
Kitô giáo – Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể – vẫn cử hành như thường
lệ. Cộng đoàn nên tham gia hát những câu đáp và câu tung hô trong Kinh Cầu
Các Thánh, những lời tung hô kết thúc lời nguyện làm phép nước rửa
tội, và những lời tung hô sau mỗi lần rửa tội. Có thể hát một bài
khi chuyển tiếp Bí tích Rửa Tội sang Bí tích Thêm Sức, nhất là khi
những người dự tòng cần thay đổi y phục hoặc khi có cuộc rước từ
giếng rửa tội tiến lên cung thánh. Khi cử hành Bí tích Thêm Sức, có thể
hát trong khi các tân tòng được xức dầu thánh, nhất là khi có số đông
tân tòng.
Rửa tội Trẻ em
198. Nên nhớ, việc rửa tội cho trẻ em được cử hành ở những
hoàn cảnh đặc thù khác nhau để dự liệu việc ca hát cho thích hợp. Khi cử hành
Bí tích Rửa tội cho trẻ em và một số bí tích khác, những người phụ trách thánh
ca cần có được kỹ năng dẫn dắt việc ca hát không có phần đệm đàn.
199. Bắt đầu nghi thức, “cộng đoàn có thể hát Thánh
vịnh hoặc thánh thi thích hợp với cuộc cử hành” trong khi linh mục hay
phó tế chủ sự cùng với các thừa tác viên “tới cửa nhà thờ hoặc
một nơi trong nhà thờ hay nơi cha mẹ và người đỡ đầu đang đứng đợi
với những người sắp được rửa tội.”[142]
Sau khi hỏi cha mẹ và người đỡ đầu và ghi dấu thánh giá trên trán
các em, vị chủ sự mời mọi người có mặt vào trong nhà thờ để cử hành
Phụng vụ Lời Chúa. Đoạn mọi người bước theo nhau đến nơi sẽ cử hành Phụng
vụ Lời Chúa, trong khi đó hát một bài thánh ca.
200. Sau bài giảng hoặc, nếu không giảng, thì sau kinh
cầu khẩn các Thánh chuyển cầu, “nên có giây phút thinh lặng để mọi
người cầu nguyện theo lời mời gọi của vị chủ sự”. Sau đó hát một bài
thích hợp nếu thấy thuận tiện. Sau lời nguyện trừ tà và xức dầu trước
khi rửa tội (dầu dự tòng), nếu giếng rửa tội đặt ở ngoài nhà thờ
hoặc không ở trong tầm nhìn của cộng đoàn, thì tất cả tiến bước về
nơi rửa tội, trong khi đó hát một bài thích hợp, thí dụ, Thánh vịnh
23. Nghi thức Rửa tội cũng cho phép hát một bài ca thích hợp sau khi
Tuyên xưng Đức Tin “nhờ đó cộng đoàn cùng đồng thanh diễn tả đức tin”.
Ngoài ra, sau mỗi lần đổ nước (rửa tội), sách Nghi thức chỉ định rằng
“cộng đoàn nên hát một câu tung hô ngắn”.
201. Sau khi cử hành Bí tích Rửa tội, những người vừa
được rửa tội sẽ mặc áo trắng và nhận một cây nến được thắp sáng
từ Nến Phục Sinh. Nếu số các em được rửa tội quá nhiều, cộng đoàn
có thể hát cho đến khi mỗi em đã có nến. Mọi người tiến bước lên
bàn thờ trong khi hát “một bài ca mang ý nghĩa thanh tẩy”. Sau Kinh Lạy
Cha, phép lành và công thức giải tán, “mọi người có thể hát một bài
thánh ca thích hợp để diễn tả tâm tình tạ ơn và niềm vui Phục Sinh,
hoặc có thể hát bài Magnificat
của Đức Trinh Nữ Maria (Nên soạn thêm một số câu tung hô và thánh ca
có thể dùng trong phụng vụ, dựa theo Chương VII sách Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em).
Cử hành Rửa tội Trẻ em trong Thánh lễ Chúa nhật
202. Được phép cử hành Bí tích Rửa tội trong Thánh
lễ ngày Chúa nhật, “để toàn thể cộng đoàn có thể hiện diện và mối
tương quan giữa Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể được nhận
biết một cách rõ ràng; nhưng không nên cử hành quá thường xuyên.”
203. Khi Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em được cử hành
trong Thánh lễ thì phải có những bài hát dành cho nghi thức này.
Những phần có thể hát là: Ca Nhập lễ, bài ca lúc rước đầu lễ trong
Nghi thức Nhập lễ, Lời nguyện tín hữu và Kinh cầu Các Thánh sau bài
giảng, câu tung hô sau khi tuyên xưng đức tin. Sau khi mỗi em được rửa
tội, cộng đoàn có thể hát một câu tung hô ngắn.
Bí tích Thêm sức
204. Tầm quan trọng của bí tích này đã được nêu rõ
trong giáo lý Hội Thánh, nên sách Nghi thức Bí tích Thêm sức kêu gọi
"phải lưu tâm đến tính chất long trọng và trang nghiêm của nghi thức thánh
này cũng như ý nghĩa của nghi thức đối với Giáo Hội địa phương". Vì thế,
theo luật định, phải cử hành Bí tích Thêm sức trong Thánh lễ, phần
ca hát trong Phụng vụ Bí tích Thêm sức phải theo hướng dẫn được ghi rõ
trong sách Nghi thức Bí tích Thêm sức.
205. Ngoài ra, sách Nghi thức Thêm sức đề nghị trong phần
Tuyên xưng Đức Tin có thể tuỳ nghi đọc một công thức khác thay thế
công thức: Đó là đức tin của chúng
ta, hoặc dùng một bài hát tương xứng để tất cả cộng đoàn có
thể đồng thanh tuyên xưng đức tin. Cũng thế, khi giám mục xức dầu cho
các thụ nhân được thêm sức, có thể hát một bài hoặc nhiều bài thánh ca,
ví dụ bài Veni Creator Spiritus.
206. Nếu cử hành Bí tích Thêm sức ngoài Thánh lễ,
thì ngoài những phần được nhắc trên đây, “mọi người có thể hát Thánh
vịnh hoặc một bài ca thích hợp” trong khi giám mục cùng các thừa
tác viên khác tiến lên cung thánh. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, theo
thứ tự truyền thống có thể sử dụng hai hoặc ba bài đọc (một bài
đọc Cựu ước hoặc Công vụ Tông Đồ [trong mùa Phục Sinh], Thánh thư trong
Tân ước, và bài Tin Mừng). Sau Bài đọc I và Bài đọc II có Thánh vịnh
hay một bài ca, hoặc có thể giữ một lúc thinh lặng.
Nghi thức Hôn phối
207. Giao ước hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập khi dựng
nên loài người có nam có nữ. Qua đó một người nam và một người nữ cùng
nhau thiết lập một cộng đồng sống chung trọn đời. Chính Chúa Giêsu
Kitô đã nâng giao ước này lên hàng các Bí tích của giao ước mới. Trên
tất cả, “Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá
Đức Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu.”[143]
208. “Theo truyền thống La-tinh, chính đôi hôn phối, với
tư cách là các tác viên của ân sủng của Đức Kitô, tự trao ban Bí tích
Hôn phối cho nhau, khi bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội
Thánh.”[144] Vì thế, mặc dù việc
cử hành Bí tích Hôn phối liên quan đến đôi tân hôn và gia đình, nhưng
nó không chỉ là chuyện riêng tư. Vì họ bày tỏ sự ưng thuận trước
mặt Hội Thánh, nên việc cử hành Hôn phối phải được các quy luật
phụng vụ thích hợp hướng dẫn. Hội Thánh ước mong ngày cưới của hai
người phải tràn ngập niềm vui và ân sủng. Khi chuẩn bị cử hành Lễ Cưới
cho họ, các cha xứ nên dành tất cả sự quan tâm của mình cho đôi tân hôn
với sự nhạy cảm mục tử và sự phán đoán cẩn trọng.
209. Việc chuẩn bị cử hành Bí tích Hôn phối không chỉ
liên quan đến những người trong cuộc mà còn liên quan đến những quy
luật của nghi lễ. Phụng vụ Hôn phối đưa ra những thách đố đặc thù
và những cơ hội để những người hoạch định chương trình hết sức quan tâm.
Cả những người phụ trách ca hát và các cha xứ nên hết sức nỗ lực
giúp đôi hôn phối hiểu và tham gia vào chương trình hôn lễ của họ. Nghi
thức Cử hành Hôn nhân số 30 nói rõ: “Các
bài hát phải thích hợp với diễn tiến của nghi lễ hôn nhân và phải
diễn tả niềm tin của Hội Thánh. Dĩ nhiên phải để ý đến tầm quan
trọng của Thánh vịnh Đáp ca trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Điều nói
về các bài hát, cũng cần áp dụng vào việc chọn lựa các bài nhạc
đệm.”[145]
210. Giáo phận hoặc giáo xứ nên đề ra được một chủ
trương dứt khoát nhưng uyển chuyển để cung cấp những chỉ dẫn rõ ràng,
đồng thời có được sự tế nhị về mục vụ liên quan đến phần âm nhạc trong lễ
cưới. Chủ trương này nên được thông báo sớm cho đôi hôn phối biết như là
một phần thông thường trong quá trình chuẩn bị để tránh hiểu lầm và
khủng hoảng vào phút cuối.
211. Để chọn và sắp xếp các bài hát trong lễ cưới,
phải dựa trên ba tiêu chuẩn thẩm định: về phụng vụ, mục vụ và âm
nhạc. Như đã nêu ở phần trước, phải xét đến cả ba thẩm định này vì đó
là ba mặt của một phán đoán duy nhất. Ngoài ra, thánh nhạc phải cho thấy rằng
mọi bí tích đều cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhạc đời, dù
có thể nhấn mạnh đến tình yêu đôi lứa dành cho nhau, nhưng không thích
hợp trong phụng vụ thánh. Những bài hát được chọn hát trong phụng
vụ phải thích hợp với diễn tiến
của nghi lễ hôn nhân và phải diễn tả niềm tin của Hội Thánh.
212. Nếu có hát solo (lĩnh xướng) trong lễ cưới,
những người lĩnh xướng phải được hướng dẫn về tính chất của phụng
vụ và được huấn luyện về những khía cạnh độc đáo của việc ca hát
trong bối cảnh phụng vụ. Cả người xướng Thánh vịnh, ca xướng viên, các ca
viên cũng phải được huấn luyện để thi hành tác vụ của mình trong vai
trò quan trọng này khi cử hành phụng vụ. Trong mọi trường hợp, những
người hát solo nên ý thức rằng
họ phải dâng hiến tài năng của mình để phục vụ phụng vụ. Những người
hát solo có thể hát một mình ở
phần Chuẩn bị Lễ phẩm hoặc sau khi Rước lễ miễn là bài hát và cách hát
không lôi kéo sự chú ý đến người hát, nhưng giúp cộng đoàn suy niệm những
mầu nhiệm thánh đang được cử hành. Những người hát solo không nên lấn át những phần đã
trù liệu trong Thánh lễ dành cho cộng đoàn tham gia ca hát.
213. Nếu cử hành Nghi thức Hôn phối trong Thánh lễ
thì việc ca hát trong Thánh lễ phải tuân theo những quy luật đã được
ghi trong sách Nghi thức Hôn phối. Đoàn người từ cửa nhà thờ sẽ rước tới
bàn thờ: các người giúp lễ đi trước, theo sau là linh mục rồi đến
những người sắp kết hôn; tuỳ theo phong tục địa phương, nên để ít là
những người họ hàng và hai người làm chứng tháp tùng họ cách long
trọng đến nơi dành sẵn. Đang khi ấy, hát Ca Nhập lễ.[146]
214. Vì lý do mục vụ, khi cử hành Bí tích Hôn phối
ngoài Thánh lễ, phụng vụ nên bắt đầu bằng một bài hát hoặc tiếng nhạc
cụ đơn tấu hay hòa tấu. Nếu hòa nhạc thì sau khi cộng đoàn đã vào nơi
của mình, họ có thể tham gia một bài hát. Cử hành Phụng vụ Lời
Chúa như thường lệ, có thể hát Thánh vịnh Đáp ca. Sau bài giảng sẽ
cử hành Bí tích với việc đôi hôn phối tỏ bày ưng thuận kết hôn và
đại diện Hội Thánh tiếp nhận sự ưng thuận. Sau khi chúc phúc và trao
nhẫn cưới, có thể hát một bài ca chúc tụng. Tùy phong tục địa
phương và văn hoá gia đình, sau khi trao nhẫn cưới chú rể mở tấm voan
che mặt của cô dâu, đang khi đó có thể hát một bài ca. Khi cử hành
Bí tích ngoài Thánh lễ có cho rước lễ, thì đang khi cho rước lễ có
thể hát, cũng như có khoảng thời gian để tạ ơn sau khi đã rước lễ
xong.
Nghi thức Truyền chức thánh
215. Trong Nghi thức Truyền chức Giám mục, Linh mục
hay Phó tế, các nghi thức đầu lễ và Phụng vụ Lời Chúa được thực
hiện như thường lệ cho đến hết Phúc Âm. Vì vậy bắt đầu cử hành
Thánh lễ sẽ hát Ca Nhập lễ với đối ca và Thánh vịnh đã được chỉ
định hoặc một bài ca phụng vụ khác. Sau khi giám mục đã nhận lời
hứa của các tiến chức, các tiến chức sẽ nằm phủ phục. Ca đoàn hát
Kinh cầu Các Thánh, mọi người đứng hay quỳ. Nếu là Chúa nhật và trong
Mùa Phục Sinh thì đứng, còn những ngày khác thì quỳ.
216. Khi tân chức mặc phẩm phục của chức thánh mới lãnh nhận,
hát đối ca “Chúa Kitô là thượng tế đời đời…”
với Thánh vịnh 109 (110) như đã được chỉ định trong sách nghi thức
hoặc hát “một bài ca phụng vụ khác tương
tự kèm theo đối ca thích hợp” nếu Thánh vịnh 109 (110) đã được hát trong phần
Phụng vụ Lời Chúa trước đó rồi. Sách Nghi thức Truyền chức cũng đề nghị
hát một đối ca và một Thánh vịnh thứ hai trong phần Chúc bình an. Ở
đây cũng có thể thay thế bằng một bài ca phụng vụ khác thích hợp.
Cuối cùng, sau khi Rước lễ có thể hát một bài ca phụng vụ với tâm
tình tạ ơn.
Bí tích Xức dầu Bệnh nhân
217. Khi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân trong
cộng đoàn đông người, “phải thúc đẩy việc tham dự trọn vẹn của
những người hiện diện bằng các phương thế, nhất là bằng việc sử
dụng những bài ca thích hợp, để việc cử hành tỏ hiện được niềm vui
Phục Sinh là niềm vui phù hợp với Bí tích này.”
218. Khi tình trạng sức khỏe của người bệnh cho phép,
và nhất là khi họ rước lễ được, nên cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh
nhân trong Thánh lễ. Nên chọn những bài hát theo những quy tắc đã đề
cập trên đây với sự tinh tế mục vụ và hợp với tính chất nơi cử
hành. Nên phát triển những bài hát có đặc tính kinh cầu. Ngoài ra,
nếu có nhiều bệnh nhân, có thể hòa nhạc khi linh mục xức dầu cho
từng bệnh nhân.
Bí tích Hòa giải
219. Sách Nghi thức
Hòa giải nhiều Hối nhân và Xưng tội,
Giải tội riêng từng người quy định phải có bài hát dẫn nhập, còn gọi là bài
hát quy tụ cộng đoàn, Thánh vịnh Đáp ca và Tung hô Tin Mừng trong phần
Phụng vụ Lời Chúa, một bài ca tùy ý sau bài giảng, và bài thánh ca
chúc tụng lòng thương xót của Chúa sau công thức xá giải. Có thể hát
đối đáp trong phần Thú Tội Chung (phó tế hoặc xướng ca viên hát đối đáp
với cộng đoàn) hay cũng có thể hát một bài khác thích hợp, hoặc hát
kinh Lạy Cha. Ca hát hay hòa tấu nhạc êm dịu cũng có thể được sử dụng
trong lúc các cá nhân xưng tội, nhất là khi có nhiều người tham dự.
C. Thánh nhạc trong Các giờ kinh phụng vụ
220. Cùng nhau cử hành chung Các giờ kinh phụng vụ,
nhất là Kinh Sáng và Kinh Chiều, là thánh hóa thời gian và dự phần
vào Kinh Nguyện của Đức Kitô và Hội Thánh Người. Trong những cử hành
như thế nên khuyến khích “sự tham dự
tích cực của tất cả mọi người tuỳ theo hoàn cảnh mỗi cá nhân qua
việc tung hô, đối đáp, luân phiên đọc Thánh vịnh và những việc khác
cùng một thể loại, và nên đưa vào những hình thức diễn tả khác nhau…”
Bằng cách này, ước muốn của vị Tông Đồ dân ngoại được nên trọn vẹn:
“Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh
em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả
sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng
Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.”[147]
221. Nên coi trọng việc cử hành chung Các giờ kinh
phụng vụ có ca hát hơn là đọc riêng tư.[148]
Những ai có bổn phận đọc Kinh Thần vụ luôn được nhắc nhở rằng chỉ
nên đọc riêng tư khi nào không thể cử hành chung được. Không được phép cử
hành trước, nhưng phải theo đúng các giờ quy định.[149]
222. Nên hát Thánh vịnh và thánh thi bất cứ khi nào
có thể hát. Quy chế Tổng quát Các giờ kinh phụng vụ liệt kê một vài
cách hát các Thánh vịnh: “có thể hát hay đọc Thánh vịnh một mạch
từ đầu đến cuối, hay luân phiên đối đáp từng câu hay từng triệt giữa
hai bè hay hai bên của cộng đoàn, hoặc theo kiểu xướng đáp, tùy cách
thức đã được truyền thống và kinh nghiệm chấp nhận.[150]
D. Các nghi thức phụng vụ khác
Nghi thức An táng
Tầm quan trọng của
ca hát trong Nghi thức An táng
223. Hội Thánh cử hành Nghi thức An táng để tạ ơn
Thiên Chúa vì hồng ân sự sống Chúa ban cho người quá cố, nay hồng ân ấy
đã trở về với Ngài. Theo phong tục xa xưa, Nghi thức An táng gồm ba
giai đoạn được nối kết với nhau bằng hai cuộc rước. Ở Rôma thuộc Kitô
giáo, “Các Kitô hữu luôn đồng hành
với người mới qua đời trong hành trình cuối cùng của họ. Cộng đoàn
Kitô hữu hát Thánh vịnh khi rước thi hài người quá cố từ nhà của
họ đến nhà thờ. Và khi các cử hành phụng vụ ở nhà thờ chấm dứt,
thì họ lại rước thi hài người quá cố ra phần mộ.”[151] Trong suốt thời gian cử
hành phụng vụ, các Kitô hữu ngày xưa đã hát Thánh vịnh và những đối
ca ca ngợi lòng thương xót của Chúa và phó dâng người quá cố cho các
thiên thần và các thánh.[152]
224. Thánh vịnh giữ một vị trí vinh dự trong Nghi
thức An táng vì các Thánh vịnh diễn tả mạnh mẽ nỗi đau đớn, niềm
hy vọng và tín thác của dân Chúa qua mọi thế hệ và mọi nền văn
hoá. Trên tất cả, các Thánh vịnh ca hát về niềm tin nơi Chúa, về sự
mặc khải và về ơn cứu chuộc. Việc huấn giáo hiệu quả sẽ giúp các
cộng đoàn hiểu được ý nghĩa của các Thánh vịnh dùng trong Nghi thức
An táng.
225. Thánh nhạc có một vai trò không thể thiếu trong
Nghi thức An táng, vì Thánh nhạc có thể an ủi và nâng dậy những
người đang than khóc, đồng thời, nối kết cộng đoàn trong đức tin và
đức mến. Các bài ca trong Nghi thức An táng cần phải diễn tả được Mầu
Nhiệm Vượt Qua và sự thông phần của Kitô hữu vào mầu nhiệm ấy. Vì âm
nhạc có thể gợi lên những cảm xúc mãnh liệt, nên phải chọn lựa cẩn
thận. Các bài ca phải an ủi được những người tham dự và “góp phần khiến họ trông cậy vào Đức Kitô
đã vinh thắng tử thần, và hy vọng rằng người Kitô hữu cũng được thông
phần vinh thắng với Đức Kitô.”[153]
Còn những bài nhạc đời, dù có thể nói lên được nhiều tâm tình khác
nhau về người quá cố hay tang gia thì vẫn không xứng hợp cho phụng vụ
thánh.
226. Phải có thánh ca trong giờ Canh thức cầu nguyện cho
người quá cố và Thánh lễ An táng. Bất cứ khi nào có thể được, nên
hát cùng với việc rước và khi cử hành nghi thức phó dâng. Trong các
cuộc rước thi hài người quá cố nên ưu tiên chọn những bài Thánh vịnh
và những bài ca mang tính đối đáp hoặc theo kiểu hát kinh cầu, nhờ vậy
cứ sau mỗi phiên khúc hay mỗi triệt (mỗi khổ thơ) của Thánh vịnh thì
giáo dân có thể đáp lại bằng điệp khúc không thay đổi.
227. Không bao giờ sử dụng âm nhạc để tưởng nhớ người
quá cố, nhưng để ca ngợi Chúa, Đấng đã giải thoát ta khỏi ách tử
thần nhờ Hy Lễ Vượt Qua của Ngài.
Canh thức khi chưa cử hành Thánh lễ An táng ngay
228. Nếu linh cữu được tiếp nhận vào nhà thờ để cử hành
Canh thức cầu nguyện cho người quá cố, thì sẽ dùng một nghi thức
riêng. Thừa tác viên cùng những người giúp lễ đón linh cữu tại cửa
nhà thờ, rảy nước thánh trên quan tài và khăn phủ quan tài, rước vào
nhà thờ và đi đến nơi đặt quan tài. Đang khi đó hát Thánh vịnh,
thánh ca hay đối ca. Đoạn Canh thức cầu nguyện như thường lệ và có
thể kết thúc bằng cách giữ thinh lặng hoặc hát một bài thánh ca.
229. Sau khi thừa tác viên chào những người hiện
diện, Canh thức cầu nguyện cho Người Quá Cố bắt đầu bằng một bài
hát. Sau đó là Lời Nguyện và Phụng vụ Lời Chúa. Ở phần Thánh vịnh Đáp
ca, thì đọc hay hát thánh vịnh 27 hoặc dùng một thánh vịnh nào khác hay
một bài hát thích hợp. Kết thúc giờ Canh thức bằng cách giữ thinh lặng
hay hát một bài thánh ca.
230. Trước khi di quan vào nhà thờ hay đến nơi chôn
cất, có thể hát một bài thích hợp để diễn tả niềm tin vào Chúa
Kitô phục sinh, sau đó vị chủ sự mời gọi cầu nguyện, đọc một đoạn
ngắn Kinh Thánh, đọc lời nguyện đối đáp, đọc kinh Lạy Cha và lời nguyện
kết thúc. Sau lời nguyện kết thúc, vị chủ sự mời mọi người đang có
mặt tham dự cuộc rước linh cữu đến nhà thờ hoặc đến nơi chôn cất
(hay nơi hoả táng).
Tại Nghĩa trang
231. Sau khi cử hành các nghi thức như sách Nghi thức
An táng hướng dẫn (1-Mời cộng đoàn
cầu nguyện; 2- Làm phép huyệt; 3-
Lời chủ sự nhắn gửi cộng đoàn; 4-
Lời cầu; 5- Kinh Lạy Cha; 6- Lời
nguyện kết thúc), tùy theo tập tục địa phương, có thể hát một bài. Chẳng hạn: Hát các Thánh vịnh được đề nghị
trong Sách Nghi thức An táng, như: Tv 22 (Chúa
chăn nuôi tôi); Tv 115 (Biết lấy chi
đền đáp); Tv 117 (Hãy tạ ơn Chúa vì
Chúa nhân từ); v…v... hoặc những bài thánh ca có ý tưởng tương tự.
VI. KẾT LUẬN
232. Hát Mừng Thiên Chúa hay “Bài ca chúc tụng Thiên Chúa hằng vang dội muôn đời trên
thiên quốc, đã được Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế của chúng ta đưa
vào trần thế. Bài ca này Hội Thánh không ngừng tiếp tục hát lên, qua
những hình thức vô cùng phong phú với một tấm lòng bền vững trung
kiên.”[154]
Vì thế, trên hành trình canh tân phụng vụ và tăng
triển thiêng liêng, chúng ta tiếp tục hát vang Bài Ca Chúc Tụng Thiên
Chúa bằng tất cả tâm trí, khả năng và con người chúng ta. Hy vọng
tập Hướng dẫn mục vụ thánh nhạc
này sẽ khích lệ chúng ta tiến bước trên con đường ấy như thánh
Augustinô nhắc nhở: “Bạn hãy ca lên như những lữ khách ca hát – hãy
hát lên mà vẫn tiếp tục hành trình. Đừng mỏi mệt nhưng hát lên với
niềm vui.”[155]
MỘT SỐ THUẬT NGỮ CHUYÊN MÔN
(đối chiếu Việt -
Anh)
Á bí tích:
Sacramental
Bài ca sau Rước lễ:
Song after Communion
Bài đọc: Reading
Bài giảng lễ:
Homily
Bài hát: Chant
Bài tụng ca: Hymn
Ban nhạc: Instrumentalists,
instrumental ensemble
Bản văn phụng vụ:
Liturgical text
Bẻ Bánh: Breaking
of the Bread
Bí tích: Sacrament
Ca điệu Grêgoriô:
Gregorian chant
Ca đoàn: Choir
Ca Hiệp lễ:
Communion antiphon/chant/song
Ca Nhập lễ:
Entrance antiphon/chant/song
Ca Tiếp liên:
Sequence
Ca xướng viên:
Cantor
Các Bí tích Khai tâm:
Sacraments of Initiation
Cải cách phụng vụ:
Liturgical reform
Chiên Thiên Chúa: Lamb
of God
Cộng đoàn phụng vụ:
Assembly/Congregation/People
Đối ca: Antiphon
Giải tán: Dismissal
Kinh Lạy Cha:
Lord’s Prayer
Kiểu: Style
Lời nguyện chủ tế:
Presidential prayers
Lời nguyện tín hữu:
General Intercessions
Luật chữ đỏ:
Rubrics
Năm phụng vụ:
Liturgical year
Người đọc sách thánh:
Lector
Người sáng tác:
Composer
Người xướng Thánh vịnh: Psalmist
Nhạc cụ:
Instrument
Nhạc ghi âm:
Recorded music
Nhạc đơn tấu/hòa tấu:
Instrumental music
Phụng vụ Các Giờ Kinh:
Liturgy of the Hours
Phụng vụ Lời Chúa:
Liturgy of the Word
Sách phụng vụ:
Liturgical book
Tác viên – Thừa tác
viên: Minister
Thánh thi: Hymn
Thẩm định về phụng vụ:
Liturgical judgment
Thẩm định về âm nhạc:
Musical judgment
Thẩm định về mục vụ:
Pastoral judgment
Thánh vịnh: Psalm
Thánh vịnh Đáp ca:
Responsorial Psalm
Tung hô:
Acclamation
Tung hô Tin Mừng:
Gospel Acclamation
Tung hô tưởng niệm:
Memorial Acclamation
Vai trò lãnh đạo: Leadership
[14] Joseph Ratzinger, Tinh
Thần Phụng Vụ, bản dịch của Lm Nguyễn Luật Khoa, OFM và Nữ tu
Phạm Thị Huy, OP, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, trang 150-151.
[23] ĐGH Gioan Phaolô II, Huấn từ cho các giám mục liên
giáo tỉnh Tây Bắc thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 10 năm 1998.
[25] Người ngoại quốc nghe người Việt Nam nói đã như hát rồi,
huống hồ khi đọc Kinh, đọc Sách thì lại càng du dương trôi chảy như các loại
ngâm tụng (cantillation) dùng trong Bình ca La-tinh trước đây.
[26] x. Lm Gioan Nguyễn Văn Minh, “Thử tìm một hướng đi
cho cung điệu phụng vụ Việt Nam,” Phụng Vụ
số 01, tháng 12-1970, tr. 152; x. Ca Kinh Sách trong Hương Trầm năm 1998; x. Lm Xuân Thảo, “Xử lý thanh điệu như thế nào
trong ngâm tụng, ca hát?” trong Hát Lên Mừng
Chúa, số 48-54.
[34] Trong khi cộng đoàn hát, linh mục nên đứng xa
microphone, hoặc, nếu sử dụng microphone không dây (wireless microphone),
ngài nên tắt đi.
[56] Hội Thánh cũng phải công nhận những hình thức
nghệ thuật mới, thích hợp với thời đại chúng ta, tùy theo bản chất
của từng dân tộc, từng địa phương. Cũng nên đem vào nơi phụng tự
những hình thức mới này, một khi với lối diễn tả thích nghi và phù
hợp với phụng vụ, chúng giúp con người nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.
(HCMV, số 62).
[64] Nên phân biệt organ
(pipe organ - đại phong cầm) với electronic
organ, các organ điện tử hay đàn điện tử
[66] ĐTC Bênêđíctô XVI, Diễn văn chào mừng dịp làm
phép đại phong cầm mới tại Regensburg’s Alte Kapelle, Regensburg, Germany
(13-9-2006)
[78] “Nhất là các
Thánh vịnh, một lối cầu nguyện vừa theo sát vừa rao giảng những kỳ
công Chúa làm trong lịch sử cứu độ, thì dân Chúa lại càng đem lòng
mộ mến một cách đặc biệt hơn. Điều này sẽ càng được dễ dàng thực
hiện nếu chúng ta quan tâm lo cho hàng giáo sĩ am hiểu các Thánh vịnh
một cách sâu sắc hơn, theo đúng ý nghĩa dùng trong phụng vụ, và nếu
mọi tín hữu cũng được huấn luyện thích đáng về vấn đề này”
(Đức Phaolô VI, Tông hiến Laudis
Canticum, số 8).
[85] x. HTÂN, số 57, tham chiếu Huấn thị Inter Oecumenici số 42, nguyệt san phụng
vụ Notitiae số 339 ra tháng 02 năm
1966 - Các bài hát khác như Ca Nhập lễ, Ca Dâng lễ, Ca Hiệp lễ, Thánh vịnh Đáp
ca kể cả Bộ Lễ chỉ cần được giám mục giáo phận chuẩn nhận. x.Thông cáo số 3/94,
ngày 30.8.1994 của UBTN.
[105] x. Huấn dụ De Liturgia Romana et Inculturatione (Về Phụng vụ Rôma và việc Hội nhập văn hóa, 25.01.2004,
số 40).
[134] Luôn luôn có thể hát Thánh vịnh 33 với điệp khúc Hãy nếm thử thay thế ca Hiệp lễ (x.
Thông cáo số 3/94, ngày 30.8.1994, của UBTN-HĐGMVN)
[138] Thư trả lời của TGM Gérard M. Agnelo, thư ký Thánh Bộ
Phượng Tự gửi ĐC Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, phụ trách Thánh Nhạc
HĐGMVN, ngày 08.02.1994.
[154] Đức Phaolô VI, Tông hiến Laudis Canticum công bố
Sách Nguyện Mới, đoạn mở đầu, (x. Sách CGKPV, Nxb TPHCM 1999, tr. 13)
[155] Thánh Augustinô, Bài
giảng 256, 1.2.3