TỪ TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS ĐẾN BA YẾU
TỐ THEN CHỐT CỦA LINH ĐẠO TỬ ĐẠO CHO ĐỜI SỐNG LINH MỤC HÔM NAY
Lm. Tôma Aquinô Nguyễn Đức Khôi
WHĐ (8.11.2020) –
Nếu cá nhân được đề nghị chọn một mẫu gương cho đời sống linh mục của thế kỷ
XXI thì tôi sẽ chọn thánh Gioan Maria Vianney (1786 – 1859)[1], cha sở họ
Ars. Có ba lý do cho việc chọn lựa này: Thứ
nhất, ngài là mục tử nên giống Chúa Kitô Mục Tử nhân lành[2]; Thứ hai, ngài đã hòa hợp cuộc sống thừa
tác viên của chính mình với sự thánh thiện của thừa tác vụ mà ngài đã lãnh nhận[3]; Thứ ba, con đường nên thánh của ngài là
thi hành mục vụ tại họ Ars với tấm lòng tận tụy hy sinh của người mục tử[4]. Nói
theo Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI trong Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục thì việc chọn thánh Gioan Maria
Vianney là gương mẫu cho hàng linh mục là dịp: “[…] Để mọi linh mục dấn thân
canh tân chiều sâu nội tâm để trở thành chứng từ mạnh mẽ và sắc bén hơn cho Tin
Mừng trong lòng thế giới hôm nay...”[5]
Thật vậy, tuy thời
gian gần đây một số linh mục để lại nhiều vụ tai tiếng[6] làm cho Hội
Thánh phải chịu đau khổ và thế giới lên án[7], nhưng đó
không phải là dấu hiệu của sự phân rã mà là lời kêu gọi canh tân và trở về với
những gốc rễ đích thực của sứ vụ linh mục[8]. Vì thế, để
có được những suy tư liên quan đến lời mời gọi canh tân và trở về của hàng linh
mục, thiết nghĩ chúng ta cùng tái khám phá một trong những ý nghĩa của đời sống
linh mục đó là sự hy sinh và sự chết đi (Linh
đạo Tử Đạo) qua gợi ý của Tông huấn Pastores
Dabo Vobis[9].
Trong phạm vi bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu từ PDV đến ba yếu tố then chốt của linh đạo tử đạo cho đời sống linh mục
hôm nay: (I) Nền tảng Thánh Kinh; (II) Con đường mục vụ dẫn đến sự hy sinh và
chết đi; (III) Sự hoà hợp từ sứ vụ của Chúa Kitô đến sứ vụ của linh mục: một đề nghị thiết thực cho cuộc tử đạo mỗi
ngày của người linh mục.
Con đường nên
thánh của linh mục gắn liền với những tác vụ mà linh mục đã lãnh nhận, nghĩa là
khi người linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa nhờ việc lãnh nhận Bí tích
Truyền Chức Thánh thì linh mục không chỉ được mời gọi hướng đến sự hoàn thiện[10] mà
còn trở nên khí cụ của Chúa Kitô trong việc phục vụ toàn thể Dân Chúa[11]. Do
đó, nếu đời sống thiêng liêng của linh mục được xét như là nguồn mạch và cùng
đích của việc thực thi các tác vụ thì việc canh tân đời sống của linh mục cũng
gắn liền với canh tân chính những tác vụ mà linh mục đã lãnh nhận. Hơn nữa, việc
canh tân này chỉ thiết thực khi chúng ta xác định lại yếu tố nền tảng cho đời sống
linh mục dựa trên Thánh Kinh. Vậy PDV đã
trình bày thế nào về nền tảng Thánh Kinh cho đời sống linh mục?
I. Nền tảng Thánh Kinh
Tựa đề của văn kiện
PDV được rút từ sách ngôn sứ
Giêrêmia: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta”[12]. Qua lời
tựa này, PDV đã xác định thuật ngữ “mục
tử” là sợi chỉ xuyên suốt dùng để nói về các linh mục. Vì thế, hình ảnh người mục
tử là bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa hứa ban để coi sóc Dân Chúa.
Hơn nữa, về điểm
này được PDV[13]
làm sáng tỏ qua hai bản văn của Tân Ước: với Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói về
chính Ngài là “Mục Tử nhân lành”[14]; với
thư Hípri nói về Đức Giêsu là “Mục Tử cao cả của đoàn chiên”[15].
Như vậy, từ nền tảng Thánh Kinh PDV muốn
trình bày cho việc đào tạo linh mục và đời sống linh mục nhận biết rằng sứ vụ
mà linh mục lãnh nhận là sẽ trở nên mục tử chăm lo mục vụ cho “đoàn chiên” của
Chúa như lòng Chúa mong ước. Đồng thời, đời sống linh mục được mời gọi trở nên
giống Chúa Kitô Mục Tử nhân lành[16]. Vì
Chúa Kitô là cội nguồn duy nhất và bất khả thay thế[17], nhờ đó
chúng ta mới thấu hiểu thực tại đời sống linh mục trong ý nghĩa sự hy sinh và
chết đi mỗi ngày.
II. Con đường mục vụ dẫn đến sự hy sinh
và chết đi
Trong nguyên ngữ
Hy Lạp từ “martyr” có nghĩa là người làm chứng. Các Kitô hữu khi đối diện những
cuộc bách hại đức tin thì với cái chết của họ, chúng ta có thể thấy đó không phải
là cái chết làm chứng cho sự anh hùng cá nhân hay cho một lý thuyết nào đó,
nhưng họ làm chứng vì niềm tin vào Chúa Kitô. Có thể nói, họ dùng cái chết để
diễn tả tương quan mật thiết với Chúa Kitô, một cuộc tử đạo quy hướng về Chúa
Kitô và để nên giống Người[18].
Đối với đời sống
linh mục hôm nay cũng vậy, tài liệu PDV nhấn
mạnh qua Bí tích Truyền Chức Thánh thì người linh mục trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử[19].
Khi dùng thuật ngữ “đầu” và “mục tử” dường như PDV muốn gắn kết ý nghĩa của hai từ này với nhau, nghĩa là PDV vừa làm nổi bật vai trò thủ lãnh Dân
Chúa của Chúa Kitô Đầu – Mục Tử, vừa nói về linh mục là hình ảnh của Chúa Kitô[20].
Ngoài ra, PDV còn dùng thuật ngữ “hôn
phu” đi kèm với từ “đầu” hoặc với “mục tử” hoặc cả ba thuật ngữ đi với nhau[21].
Tuy có chung ý nghĩa, nhưng từ “hôn phu” còn diễn tả sự trao hiến chính mình,
yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc Hội Thánh, cụ thể PDV trình bày như sau:
“Sự trao hiến mà
Đức Kitô tự mình dành cho Giáo Hội, hoa trái của tình yêu Ngài, mang ý nghĩa độc
đáo của sự trao hiến giữa vợ và chồng… Đức
Giêsu là Phu Quân đích thực trao tặng rượu cứu độ cho Giáo Hội (x. Ga
2,11)…”[22]
Như thế, người
linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, nghĩa
là linh mục hành động nhân danh và trong ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô[23] qua
con đường mục vụ mà linh mục đã lãnh nhận. Vậy đâu là ý nghĩa của sự hy sinh và
sự chết đi của con đường mục vụ này? Thiết nghĩ đó là sự thống nhất nội tại của
chính hữu thể con người linh mục và hoạt động mục vụ nơi người linh mục.
Thật vậy, PDV đưa ra gợi ý thiết thực cho đời sống
của linh mục là cắm rễ sâu đời mình vào Chúa Kitô, nghĩa là giữa Chúa Giêsu
Kitô và linh mục là mối liên kết hữu thể[24] qua việc
linh mục được thánh hiến mang tính bí tích bởi Chúa Thánh Thần, để nhờ đó linh
mục nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô[25]. Trong
đó, linh mục mang tâm tư và hành động như Chúa Kitô, Đấng là Mục Tử đã hiến mạng
sống mình cho đoàn chiên[26]. Vì
thế, linh mục được mời gọi mặc lấy đức ái mục tử của Chúa Kitô bằng việc trao
hiến hoàn toàn chính mình cho Hội Thánh, nó biểu lộ tình yêu của Chúa Kitô dành
cho chiên của Người[27].
III. Sự hòa hợp từ sứ vụ của Đức Kitô đến
sứ vụ của linh mục: một đề nghị thiết thực cho cuộc tử đạo mỗi ngày của người
linh mục
Trong truyền thống
Hội Thánh[28],
khi nói về Chúa Kitô Thượng tế duy nhất thì vẫn dùng cách nói về sứ vụ của Người
bao gồm ba chức năng: tư tế, ngôn sứ, vương đế. Đây là hình ảnh bắt nguồn từ giới
lãnh đạo trong Cựu Ước, họ được Thiên Chúa chọn để dẫn dắt Israel qua việc phụng
tự (tư tế), qua Lời Thiên Chúa (ngôn sứ), qua việc cai quản (vua). Vì thế, Hội
Thánh cũng sớm dùng những hình ảnh này để nói về sứ vụ của Chúa Kitô Mục Tử
nhân lành và sứ vụ chức thánh của mình.
Cũng vậy, PDV đã sử dụng mẫu thức truyền thống này
để nói về sứ vụ của linh mục. Theo đó, PDV
trình bày sứ vụ mục tử bao gồm[29]: (i) Thừa
tác vụ Lời Chúa; (ii) Thừa tác vụ Bí tích; (iii) Lãnh đạo cộng đoàn. Vậy các sứ
vụ này đã hoà hợp với sứ vụ của Chúa Kitô như thế nào?
(i) Thừa tác vụ Lời
Chúa:
PDV số 26 trình bày sứ vụ thứ nhất của linh mục như sau:
“Trước hết linh mục
là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục
được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.”
Với tác vụ Lời
Chúa, linh mục được mời gọi thống nhất trong sứ vụ này: một đàng là người mang
sứ điệp đến cho người khác, đàng khác chính linh mục cũng phải đón nhận sứ điệp
ấy. Bởi PDV nhắc linh mục nhớ rằng, bản
thân linh mục không phải là “chủ nhân” của Lời nhưng là “thừa tác viên”. Do đó,
linh mục khi thi hành tác vụ Lời Chúa thì không rao giảng Lời của mình nhưng là
tôi tớ nói Lời của Chúa Kitô và của Hội Thánh[30]. Nói cách
khác, để là người phục vụ Lời thì đời sống linh mục phải trở nên thân thuộc với
Lời[31], trở
nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô qua việc “đến” và “ở lại” trong Lời Chúa[32].
(ii) Thừa tác vụ
Bí tích:
Khi linh mục thi
hành thừa tác vụ Bí tích là lúc linh mục nên giống Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt là
cử hành Bí tích Thánh Thể. Bởi PDV xác
định một khi linh mục tiến dâng hy lễ cứu độ duy nhất nơi bàn tiệc vượt qua thì
linh mục được thúc đẩy dấn thân phục vụ Dân Chúa để nuôi dưỡng họ bằng Lời và
các Bí tích, đồng thời sẽ là chứng nhân đích thực cho đức tin và đức ái, sẵn
sàng hiến dâng mạng sống như Chúa Kitô đã hiến mạng sống cho đoàn chiên và cho
Thiên Chúa[33].
Trong PDV số 23 đã khẳng định:
“Chính từ Bí tích
Thánh Thể mà linh mục nhận được ơn và trách nhiệm mặc cho toàn thể cuộc sống
mình một ý nghĩa ‘hy tế’.”
Như thế, thừa tác
vụ Bí tích một mặt được Hội Thánh đồng hóa với chức năng tư tế của Chúa Kitô, mặt
khác đó cũng là phương thế để linh mục mỗi khi cử hành Bí tích thì nên giống
Chúa Kitô nhập thể[34], dấn
thân phục vụ và hy sinh tính mạng để cứu độ đoàn chiên[35].
(iii) Lãnh đạo cộng
đoàn:
PDV trình bày sứ vụ thứ ba của linh mục liên quan đến vai trò lãnh đạo cộng
đoàn. Tuy tài liệu dùng thuật ngữ truyền thống “munus regendi” (quyền cai quản)[36], nhưng
vai trò này được PDV định hướng và mô
tả là “đức ái mục tử”[37]. Vậy
sứ vụ này được linh mục thi hành thế nào trong cộng đoàn?
Trước hết, qua Bí
tích Truyền Chức Thánh, linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là
Đầu và là Mục Tử, nhờ đó linh mục được thông dự vào “quyền năng thiêng liêng”
mà Chúa Kitô dùng để dẫn dắt Hội Thánh[38]. Vì thế,
linh mục là mục tử trong tư cách thủ lãnh không phải để thống trị nhưng là tôi
tớ cúi mình phục vụ đoàn chiên, là dám trao hiến trọn vẹn đời mình cho đoàn chiên,
kể cả mạng sống của chính mình để đoàn chiên được sống[39]. Ngoài
ra, linh mục còn là mục tử có trái tim và lòng dạ của người mẹ[40]. Bởi
vì, linh mục không chỉ ở trong và thuộc về cộng đoàn mà linh mục còn phải đối
diện với cộng đoàn[41], nhờ
thế linh mục sẽ có khả năng yêu thương, khả năng chịu đựng những “đau đớn do việc
sinh con” cho đến khi “Đức Kitô được thành hình” trong các tín hữu[42].
Tiếp đến, PDV số 26 đưa ra gợi ý để linh mục sống
đức ái mục tử:
“Đây là một thừa
tác vụ đòi linh mục phải có một đời sống thiêng liêng sâu đậm, giàu những phẩm
cách và nhân đức dành riêng cho người ‘chủ tọa’ và ‘chỉ đạo’ một cộng đoàn… Đó
là lòng trung thành, tính nhất quán, sự khôn ngoan, khả năng tiếp nhận mọi người,
thái độ hoà nhã… lòng vô vị lợi tự bản thân, tính kiên nhẫn…”
Do đó, linh mục
nên giống Chúa Kitô trong sứ vụ lãnh đạo cộng đoàn là phải mang tâm tư và trái
tim mục tử như Chúa Kitô[43], một
thái độ đượm đức ái mục tử[44].
KẾT LUẬN
Có thể nói, văn
kiện PDV là một khảo luận về mầu nhiệm
căn tính linh mục, đồng thời PDV vẫn
tiếp tục soi sáng cho đời sống linh mục hôm nay trong việc canh tân và trở về với
cội nguồn đích thực của người linh mục là trở nên giống Chúa Kitô Mục Tử Nhân
Lành[45].
Nói cho cùng, linh mục được chọn và gọi là để bước đi theo Chúa Kitô, vì Người
là dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Đó chính là mầu nhiệm đức tin
Kitô giáo mà chúng ta được mời gọi mỗi ngày phải tuyên xưng[46].
Thật vậy, hình ảnh
Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành và giàu lòng thương xót có thể được tóm gọn và trở
nên khuôn đúc cho cuộc đời người linh mục hôm nay như sau: Chúa Giêsu Kitô là
Con Một Thiên Chúa, Người đã nhập thể trong thân phận phàm nhân, Người sống như
chúng ta, Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây
thập giá vì chúng ta[47]. Cả
cuộc đời của Người là bài ca tình yêu của Mục Tử đã hiến mạng sống vì đoàn
chiên[48].
Hơn nữa, Người đã yêu mến tất cả đoàn chiên bằng một trái tim nhân loại đến nỗi
trái tim cực thánh của Người đã bị đâm thâu vì tội lỗi và để cứu độ đoàn chiên[49].
Nói như CĐ Vaticanô II: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã nên một
với mọi người”[50], để
rồi Người làm mọi sự là cho chúng ta, Người không sống cho bản thân nhưng là
cho chúng ta[51].
Như vậy, người
linh mục hôm nay được mời gọi đi vào sự hiệp thông các mầu nhiệm của Chúa Giêsu
Kitô[52], đó
là một dấu chỉ tình yêu ở mãi nơi cuộc đời linh mục và cũng là để uốn lòng người
linh mục nên giống trái tim mục tử của Chúa Kitô[53]. Có thế,
người linh mục sẽ được nâng đỡ trên đường lữ hành của hôm nay và ngày mai[54], đồng
thời linh mục được tình yêu Chúa Kitô thúc bách mang yêu thương và sống chứng
nhân giữa đời[55].
Thiết nghĩ, đó chính là ý nghĩa của linh đạo tử đạo mỗi ngày trong đời sống
linh mục.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 109 (Tháng 11 & 12 năm 2018)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I/ THÁNH KINH
Kinh Thánh (Ấn bản 2011), Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
(CGKPV), nxb. Tôn Giáo, 2011.
II/ HUẤN QUYỀN
CĐ VATICANÔ II, Bản
dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn
Giáo, 2012.
Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (07.12.1965).
Sắc lệnh về tác vụ
và đời sống linh mục Presbyterorum
Ordinis (07.12.1965).
BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm linh mục (16.06.2009), Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tuyen-bo-cu-hanh-nam-danh-cho-cac-linh-muc-17934
FRANCIS, Bull Of
Indiction Of The Extraordinary Jubilee Of Mercy “Misericordiae Vultus” (11.04.2015).
GIOAN PHAOLÔ II,
Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25.03.1992),
Bản dịch của Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng, nxb. Hồng Đức, 2015.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (11.10.1992), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2010.
III/ CÁC TÀI LIỆU
NGHIÊN CỨU
Kinh Sách các bài đọc, Tập 4, Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ
Kinh Phụng Vụ, nxb. Tp.HCM, 1999.
NGUYỄN NGỌC VINH,
SDB, Người chạnh lòng thương, nxb.
Tôn Giáo, 2016.
NGUYỄN TRỌNG SƠN,
Lịch sử linh đạo, Đại Chủng Viện
Thánh Giuse Sài Gòn, 2009.
NGUYỄN TRỌNG SƠN,
Linh mục giáo phận nên giống Chúa Giêsu
Kitô mục tử, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, 2013.
RONALD D.
WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fire – A
New Pentecost for the Catholic Priesthood (Vàng được thử lửa – Một lễ Hiện Xuống
mới cho hàng Linh mục Công giáo), Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS và Nhóm Anh Việt
2014 Đại Chủng Viện Huế dịch, nxb. Tôn Giáo, 2015.
[2] x.
BÊNÊĐICTÔ XVI, Thư tuyên bố cử hành Năm
linh mục (16.06.2009), Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tuyen-bo-cu-hanh-nam-danh-cho-cac-linh-muc-17934
[3] ĐTC
Bênêđictô XVI đã có sáng kiến công bố Năm linh mục 2009 – 2010 nhân dịp kỷ niệm
150 năm qua đời của thánh Gioan Maria Vianney, ngài không chỉ là bổn mạng các
cha sở mà còn là bổn mạng của các linh mục. x. Như vẫn trích (nvt.).
[4] x. Kinh Sách các bài đọc, Tập 4, Bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, phần Lời nguyện ngày lễ thánh Gioan
Maria Vianney, nxb. Tp.HCM, 1999, tr.514.
[6] x. RONALD
D. WITHERUP, PSS, Gold Tested in Fire – A
New Pentecost for the Catholic Priesthood (Vàng được thử lửa – Một lễ Hiện Xuống
mới cho hàng Linh mục Công giáo), Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS và Nhóm Anh Việt
2014 Đại Chủng Viện Huế dịch, nxb. Tôn Giáo, 2015, tr.5.
[9] GIOAN
PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25.03.1992),
Bản dịch của Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng, nxb. Hồng Đức, 2015. Viết tắt: PDV.
[10] Đức Giêsu
mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng
hoàn thiện.” (Mt 5,48 CGKPV). Để thuận tiện việc theo dõi, các
trích đoạn Kinh Thánh (bản dịch tiếng Việt) trong bài viết được người viết
trích từ: Kinh Thánh (Ấn bản 2011), Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh
Phụng Vụ (CGKPV), nxb. Tôn Giáo, 2011.
[11] x. Công Đồng
(CĐ) VATICANÔ II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis (07.12.1965), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức
Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2012, số 12. Viết tắt:
PO.
[16] Dung mạo
đích thực của Linh mục được PDV khẳng
định: “Chắc hẳn luôn luôn có ‘một diện mạo cốt yếu, không thay đổi, của người
linh mục: thực vậy, không kém gì linh mục hôm nay, linh mục ngày mai sẽ phải
nên giống Chúa Kitô’” (PDV 5).
[20] x. NGUYỄN
TRỌNG SƠN, Linh mục giáo phận nên giống
Chúa Giêsu Kitô mục tử, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, 2013, tr.36.
[39] x. PDV 21 – 23. Riêng ở số 23, PDV nhấn mạnh: “Cốt lõi của đức ái mục tử
là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo Hội, theo hình ảnh sự
trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Ngài.”
[46] x.
FRANCIS, Bull Of Indiction Of The Extraordinary Jubilee Of Mercy “Misericordiae Vultus” (11.04.2015).
“Jesus Christ is the face of the Father’s mercy. These words might well sum up
the mystery of the Christian faith.” (no. 1).
[49] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (11.10.1992),
Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb.
Tôn Giáo, 2010, số 478. Viết tắt: GLCG.
[50] CĐ
VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ Gaudium et
Spes (07.12.1965), Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn Giáo, 2012, số 22.
[55] x. 2Cr
5,14.