Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
tuyên bố cử hành Năm dành cho các linh mục
nhân dịp kỷ niệm 150 năm “Sinh nhật” cha sở họ Ars

Anh em linh mục thân mến,

Ngày lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu sắp tới, thứ sáu 19-06-2009, là ngày theo truyền thống dành để cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục, tôi quyết định khai mạc một “Năm dành cho linh mục” nhân dịp kỷ niệm 150 năm “Sinh nhật” cha Gioan Maria Vianney, vị thánh bổn mạng của tất cả các cha sở trên thế giới [1]. Năm này nhằm để mọi linh mục dấn thân canh tân chiều sâu nội tâm để trở thành chứng từ mạnh mẽ và sắc bén hơn cho Tin mừng trong lòng thế giới hôm nay, và sẽ kết thúc vào cùng dịp lễ trọng này năm 2010. Cha sở họ Ars vẫn thường nói rằng “linh mục chính là tình thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu” [2]. Câu nói cảm động ấy khiến chúng ta nghĩ đến, trước hết với một tâm tình biết ơn chân thành, linh mục như là một tặng phẩm lớn lao không những dành cho Giáo hội mà còn cho chính nhân loại nữa. Tôi nghĩ đến tất cả những linh mục đã âm thầm trao gởi hàng ngày cho các tín hữu và toàn thế giới những lời nói và hành động của Đức Kitô qua nỗ lực kết hợp với Chúa trong những suy nghĩ và ý muốn, tâm tình và chính toàn thể lối sống của họ. Làm sao ta có thể bỏ qua những lao nhọc vất vả trong việc tông đồ của các ngài, những phục vụ âm thầm và không biết mệt mỏi của các ngài, tình bác ái của các ngài đối với mọi người được? Làm sao ta không thể ca ngợi sự trung thành can đảm của bao linh mục dẫu sống giữa nhiều khó khăn và hiểu lầm mà vẫn trung tín với ơn gọi của mình như “những bạn hữu của Đức Kitô”, Đấng đã kêu gọi họ đích danh, tuyển chọn và sai họ đi?

Tôi vẫn ghi nhớ trong lòng như một bảo vật ký ức về cha sở đầu tiên mà tôi, khi ấy là một linh mục trẻ, được hân hạnh cộng tác trong mục vụ: ngài đã để lại cho tôi một mẫu gương mục tử tận tâm luôn sẵn sàng phục vụ, đến nỗi phải chết trong khi mang “lương thực đi đường” (viaticum) cho một bệnh nhân nguy tử. Tôi vẫn nhớ đến bao nhiêu người anh em mà tôi đã gặp và vẫn tiếp tục gặp cả trong những chuyến viếng thăm mục vụ của tôi trong những đất nước khác nhau, họ đã quảng đại dấn thân trong nhiệm vụ hàng ngày của thừa tác vụ linh mục của họ. Nhưng câu nói của thánh Gioan Maria còn nhắc ta nghĩ đến Trái Tim Chúa Kitô bị đâm thâu với triều thiên vòng gai bọc quanh. Bởi thế tôi còn được nhắc nhớ đến vô số những đau khổ mà nhiều linh mục phải chịu, hoặc bởi vì chính họ chia sẻ những kinh nghiệm đau khổ của con người dưới muôn hình thức khác nhau, hoặc bởi vì các ngài bị hiểu lầm bởi chính những người các ngài phục vụ. Làm sao mà ta lại có thể quên được các linh mục bị xúc phạm đến phẩm giá, hoặc bị cản trở thi hành sứ vụ của mình, hoặc bị bách hại thậm chí phải làm chứng bằng chính máu mình đổ ra?

Cũng thật đáng buồn và xót xa khôn nguôi vì còn có những nơi Giáo hội phải chịu đau khổ do sự bất trung của một số các thừa tác viên của mình. Từ đó có lý do để thế giới gièm pha và chối từ. Trong những trường hợp đó điều hữu ích nhất không phải chỉ là nhìn nhận thẳng thắn hoàn toàn những yếu đuối của các linh mục của mình, nhưng còn là canh tân để có một ý thức mới vui tươi về ân huệ lớn lao của Thiên Chúa, thể hiện qua gương mẫu sáng ngời của các Mục tử quảng đại, của các Tu sĩ cháy bỏng ngọn lửa tình yêu đối với Chúa và các linh hồn, của những Người Hướng dẫn tâm linh sáng chói và nhẫn nại. Về điều này, giáo huấn và gương sáng của thánh Gioan Maria Vianney là một điểm tham chiếu có ý nghĩa cho tất cả chúng ta. Cha sở họ Ars rất khiêm hạ, nhưng ý thức mình trong tư cách là linh mục là một ân huệ lớn lao cho dân ngài: “một mục tử nhân lành, một mục tử như lòng Chúa mong ước, là kho báu lớn nhất mà Thiên Chúa nhân lành có thể ban cho một xứ đạo và là một trong những tặng phẩm quí giá nhất của lòng Chúa Thương xót”. [3] Thánh nhân đã nói về chức linh mục như ân huệ và nhiệm vụ thật lớn lao không thể dò thấu được mà Thiên Chúa đã ủy thác cho con người thọ tạo: “... Ôi linh mục thật cao cả ! Nếu như ngài hiểu mình là ai, có lẽ ngài sẽ chết mất ... Thiên Chúa vâng lời ngài: ngài thốt lên vài lời và Chúa từ Trời ngự xuống theo tiếng ngài và ngụ trong một tấm bánh bé nhỏ ...” [4]  Và trong khi giải thích cho các tín hữu sự quan trọng của các bí tích, ngài đã nói: “Không có bí tích Truyền Chức Thánh thì chúng ta sẽ không có Chúa. Ai đã đặt Người ở đó trong Nhà Tạm kia? Linh mục. Ai đã tiếp đón linh hồn bạn những ngày bạn mới chào đời? Linh mục. Ai cho linh hồn bạn được ăn và tiếp sức cho cuộc hành trình cuộc đời của nó? Linh mục. Ai sẽ chuẩn bị cho linh hồn bạn ra trước mặt Chúa và tắm rửa nó lần cuối cùng trong máu của Chúa Giêsu Kitô? Linh mục và luôn là linh mục. Và nếu linh hồn này phải chết (vì phạm tội) ai sẽ giúp nó trỗi dậy và tìm lại được an bình? Vẫn là linh mục ... Sau Thiên Chúa linh mục là tất cả!... Chỉ ở trên Trời ngài mới hoàn toàn hiểu mình là ai”. [5] Những lời bộc phát từ trái tim linh mục của vị thánh mục tử này có vẻ hơi quá. Nhưng chúng biểu lộ một sự quí trọng của ngài đối với bí tích chức thánh linh mục. Dường như một cảm thức vô hạn về trách nhiệm chiếm lấy con người ngài: “Nếu chúng ta hiểu hoàn toàn linh mục là gì khi còn ở dưới thế này chúng ta sẽ chết mất: không phải chết vì sợ mà chết vì yêu ... Không có linh mục thì cái chết và cuộc khổ nạn của Chúa chẳng ích lợi gì cho chúng ta. Chính linh mục tiếp tục công trình cứu chuộc trên thế gian này ... Một ngôi nhà đầy ắp vàng có ích gì nếu không có ai để mở cửa cho chúng ta? Linh mục có chiếc chìa khóa của các kho báu trên Trời. Ngài là người quản lí của Thiên Chúa nhân lành; là người nắm giữ của cải thiêng liêng của Chúa ... Thử bỏ một xứ đạo trong hai mươi năm không có linh mục, kết cuộc họ sẽ đi thờ các thứ thú vật ... Linh mục không là linh mục cho mình mà là linh mục cho anh chị em. [6]

Khi đến Ars, một ngôi làng 230 cư dân, ngài được vị Giám mục của mình báo trước đó là một nơi tình trạng thực hành đạo tồi tệ: “Ở xứ đạo đó tình yêu dành cho Chúa thật ít ỏi; cha là người phải đem điều ấy đến cho họ”. Bởi thế ngài rất ý thức mình phải đến đó để cho Chúa Kitô hiện diện giữa họ bằng cách làm chứng về lòng từ ái cứu độ của Người: “[Lạy Chúa của con], xin cho xứ đạo con được ơn hoán cải; con sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ Chúa muốn cho đến suốt đời con!”, với lời cầu nguyện này ngài khởi sự sứ mạng của mình. [7] Cha sở họ Ars hiến thân hoàn toàn cho công cuộc hoán cải của họ đạo ngài, ngài đặt việc giáo dục đức tin Kitô giáo cho người dân lên hàng đầu trong chăm sóc mục vụ. Anh em linh mục thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban ơn cho chúng ta cũng biết học điều gì đó cho mình về phương pháp mục vụ của thánh Gioan Maria Vianney! Điều đầu tiên chúng ta cần học là biết đồng hóa hoàn toàn con người và sứ vụ của mình là một. Trong Đức Giêsu, bản thân con người và sứ vụ hướng tới sự hòa hợp làm một: toàn thể hoạt động cứu độ của Người đã và đang là diễn tả “lòng hiếu thảo” (ý thức làm Con) của Người trong vĩnh cửu đứng đối diện với Chúa Cha với một thái độ vâng phục yêu thương. Với sự khiêm nhu nhưng chân thực, mỗi linh mục cũng cần phải hướng tới một sự đồng hóa tương tự như thế. Hẳn là ta không quên tính hiệu quả khách quan của thừa tác vụ vẫn độc lập với sự thánh thiện của thừa tác viên; nhưng cũng không nên coi nhẹ sự phong phú lạ thường phát sinh từ sự gặp gỡ giữa sự thánh thiện khách quan của thừa tác vụ và sự thánh thiện chủ quan của người thừa tác viên. Cha sở họ Ars đã bắt đầu ngay công việc khiêm tốn và bền bỉ này, đó là hòa hợp cuộc sống thừa tác viên của mình với sự thánh thiện của thừa tác vụ mà ngài đã lãnh nhận, thể hiện qua quyết định “sống” thực sự tại nhà thờ giáo xứ của mình. Như tác giả đầu tiên viết tiểu sử của ngài cho biết: “Ngay khi đến xứ đạo, ngài đã chọn nhà thờ làm nhà của mình ... Ngài vào nhà thờ trước khi bình minh ló dạng và chỉ rời đó sau kinh Truyền tin ban chiều. Người ta phải tìm cha ở đó, khi người ta cần đến ngài”. [8]

Lòng đạo đức kính mến hơi quá đối với ngài của tác giả viết tiểu sử không làm ta bỏ quên sự kiện cha sở họ Ars cũng biết “sống” tích cực trong cả địa sở vùng họ đạo của ngài. Ngài năng thăm viếng những người bệnh và các gia đình; tổ chức những sứ vụ bình dân và các lễ thánh quan thầy; quyên góp và gây quĩ cho các công trình bác ái và truyền giáo; tô điểm và trang hoàng nhà thờ giáo xứ; chăm sóc các trẻ em gái mồ côi trong nhà “Chúa Quan Phòng” (La Providence) (một viện do ngài sáng lập) cũng như những người bảo mẫu của chúng; quan tâm đến giáo dục trẻ nhỏ; sáng lập các hội đoàn và mời gọi giáo dân tham gia cộng tác.

Mẫu gương của ngài còn dẫn tôi đến chỗ khám phá ra những lãnh vực cần được mở ra đầy đủ hơn cho giáo dân cùng hợp tác. Linh mục và giáo dân cùng tạo nên một dân tư tế duy nhất [9] và nhờ chức tư tế thừa tác các linh mục sống giữa các giáo dân, “để dẫn đưa mọi người đến chỗ hiệp nhất trong đức ái, ‘yêu thương nhau với tình bác ái huynh đệ, thi đua kính trọng nhau’ (Rm 12,10)”. [10] Ở đây chúng ta nên nhắc lại lời động viên chân thành Công đồng Vatican II ngỏ với các linh mục: “Các ngài phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của giáo dân trong sứ mạng Giáo hội. ... Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, lưu ý đến các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động con người, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại”. [11]

Thánh Gioan Maria Vianney dạy dỗ giáo dân họ đạo mình trước hết bằng chứng từ gương sáng đời sống của ngài. Nhờ gương của ngài các tín hữu học biết cầu nguyện, năng dừng lại trước Nhà Tạm viếng Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. [12] “Để cầu nguyện sốt sắng không cần phải nói nhiều” – cha sở họ Ars giải thích cho họ như vậy – “Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu ở đó, trong Nhà Tạm. Ta hãy mở lòng mình ra với Người, ta hãy mừng vui lên trước sự hiện diện cực thánh của Người. Đó là cách cầu nguyện hay nhất”. [13] Ngài thúc đẩy họ: “Anh chị em thân mến, hãy đến với Thánh Thể, hãy đến với Chúa Giêsu. Hãy đến mà sống nhờ Người để sống với Người ... [14] “Dĩ nhiên anh chị em không xứng đáng với Người nhưng anh chị em cần Người!” [15] Cách ngài dạy dỗ các tín hữu năng đến hiện diện với Thánh Thể và rước lễ chứng tỏ hiệu quả nhất khi họ nhìn thấy ngài dâng Thánh Lễ. Những người tham dự nói rằng “không thể tìm thấy đâu một gương mẫu thờ phượng đẹp hơn ... Ngài chăm chú nhìn Mình Thánh Chúa với tâm tình rất yêu mến”. [16] Ngài nói “tất cả mọi công trình tốt đẹp kết hợp lại cũng không sánh bằng Thánh Lễ, bởi lẽ kia là công trình của con người trong khi Thánh Lễ là công trình của Thiên Chúa”. [17] Ngài xác tín rằng tất cả nhiệt huyết của đời sống một linh mục phụ thuộc hoàn toàn vào Thánh Lễ. Nguyên nhân sự bê tha của linh mục đó là do ngài không chú tâm vào Thánh Lễ! Ôi, Chúa ơi, thật đáng tiếc một linh mục mà cử hành Thánh Lễ như thể làm một công việc gì thông thường. [18] Và ngài cũng quen luôn luôn dâng cả hy lễ cuộc sống mình khi cử hành Thánh Lễ: “Thật là một điều tốt đẹp linh mục mỗi sáng dâng lễ tế chính mình cho Thiên Chúa”.[19]

Đồng hóa sâu thẳm bản thân mình với Hy lễ Thánh giá, ngài bước từ bàn thờ (bằng một hành vi nội tâm) tới tòa giải tội. Các linh mục không bao giờ được bỏ tòa giải tội của họ trống không và cho là các tín hữu dửng dưng với bí tích này. Ớ Pháp, vào thời của cha sở Ars việc xưng tội không dễ dàng hơn mà cũng không thực hành thường xuyên hơn thời của chúng ta ngày nay, bởi vì cuộc biến động cách mạng từ lâu đã ngăn cấm thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, ngài tìm mọi cách, bằng lời rao giảng cũng như bằng lời lẽ khuyên nhủ thuyết phục, giúp người giáo dân khám phá lại ý nghĩa và vẻ đẹp của Bí tích Thống hối, cho thấy đó là một yêu cầu nội tại gắn kết với sự Hiện diện Thánh thể. Bởi thế ngài sáng lập nên một câu lạc bộ “nhân đức”. Bằng cách ở lâu giờ trong nhà thờ trước Nhà Tạm, ngài khơi dậy nơi người tín hữu niềm hứng khởi bắt chước ngài đến viếng Chúa trong khi họ biết chắc rằng cha xứ của họ luôn ở đó, sẵn sàng lắng nghe họ và ban ơn tha thứ. Thời gian sau, con số những hối nhân đến xin giải tội từ khắp nước Pháp ngày càng đông, nên ngài phải ngồi lại tòa giải tội mười sáu tiếng một ngày. Người ta nói rằng bấy giờ Ars đã trở thành “một bệnh viện lớn cho các linh hồn”. [20] Người viết tiểu sử đầu tiên của ngài kể rằng: “Ơn ngài nhận được (làm cho các tội nhân hoán cải) mạnh mẽ đến nỗi nó đeo đuổi tội nhân không để cho họ được một phút an bình!” [21] Vị cha thánh không nghĩ khác hơn khi ngài nói: “Không phải tội nhân chạy đến với Chúa xin tha thứ tội lỗi mình, nhưng là chính Thiên Chúa chạy theo tội nhân và làm cho họ quay về với Ngài”. [22] “Đấng Cứu Độ này đầy ắp tình yêu đến mức Ngài đi tìm chúng ta khắp nơi”. [23]

Các linh mục chúng ta nên coi những lời lẽ sau đây, được ngài đặt trên môi miệng của Đức Kitô, nói với đích thân mỗi người chúng ta: “Ta sẽ trao cho các thừa tác viên của ta nhiệm vụ loan báo cho các tội nhân rằng Ta luôn sẵn sàng đón tiếp họ và lòng xót thương của Ta vô hạn”. [24] Từ thánh Gioan Maria Vianney các linh mục chúng ta có thể học không chỉ một niềm tin cậy không dứt vào Bí tích Thống Hối, thôi thúc chúng ta đặt bí tích ấy trở lại vào tâm điểm của các mối bận tâm mục vụ của chúng ta, nhưng còn học được phương pháp “đối thoại ơn cứu độ” do bí tích ấy mang lại. Cha sở họ Ars tiếp xúc với mỗi hối nhân theo mỗi cách riêng khác nhau. Người nào đến xưng tội do được thúc đẩy bởi một khao khát sâu thẳm và khiêm tốn ơn tha thứ của Chúa đều tìm thấy nơi ngài sự khích lệ lao mình vào “dòng thác của Lòng thương xót của Chúa” quét sạch đi mọi sự bởi sức mãnh liệt của nó. Nếu có ai lo lắng bởi ý nghĩ về sự mỏng manh yếu đuối thiếu kiên vững của mình, sợ mình có thể tái phạm trong tương lai, cha sở Ars sẽ bộc lộ mầu nhiệm của Tình yêu Chúa bằng những lời lẽ rất hay và cảm động sau đây: “Thiên Chúa nhân lành biết mọi sự. Ngay cả trước khi con xưng tội, Ngài đã biết rằng con sẽ phạm tội trở lại, nhưng Ngài vẫn tha thứ cho con. Tình yêu của Chúa thật vĩ đại biết bao: thậm chí Ngài tự buộc mình phải quên đi cả tương lai, để Ngài có thể tha thứ cho ta!”. [25] Ngược lại, đối với những người xưng tội với thái độ vô cảm và gần như lãnh đạm ngài thực sự bộc lộ nỗi đau đớn qua chính những giọt nước mắt của mình vì thái độ đáng ghê tởm đó: “Tôi khóc vì anh đã không khóc”, [26] ngài đã nói như vậy. “Giả như Chúa đã không nhân lành. Thế nhưng, Thiên Chúa tốt lành như thế đó! Đối xử kiểu đó trước mặt một người Cha nhân lành như thế thì chỉ có những kẻ thô bỉ man rợ mới làm!”. [27] Ngài đã đánh thức lòng thống hối trong tâm hồn những người nguội lạnh, bằng cách bắt họ nhìn xem tận mắt nỗi đau đớn của Thiên Chúa vì tội của họ phản chiếu trên khuôn mặt của người linh mục đang giải tội cho họ. Đàng khác, đối với những ai đã có lòng khao khát và xứng hợp cho một đời tâm linh sâu sắc hơn, mà đến với ngài thì ngài mở toang vực thẳm của Tình yêu Chúa, giải thích vẻ đẹp khôn tả của sự kết hợp với Thiên Chúa và sống sự hiện diện của Ngài: “Mọi sự đều trong tầm mắt của Chúa, mọi sự với Chúa, mọi sự để làm vui lòng Chúa ... Thật đẹp thay!”. [28] Và ngài dạy họ cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa của con, xin ban cho con ơn được yêu mến Chúa bằng hết sức của con”. [29]

Sinh thời cha sở họ Ars có thể làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của rất nhiều người vì ngài có thể giúp họ trải nghiệm Tình yêu xót thương của Chúa. Thời của chúng ta cần khẩn cấp một lời loan báo và chứng từ tương tự về sự thật của Tình Yêu: Deus caritas est (1 Ga 4,8). Nhờ Lời và các Bí tích của Đức Giêsu, Gioan Maria Vianney đã xây dựng đoàn chiên của mình cho dẫu ngài thường run sợ vì tin bản thân mình không xứng hợp, đến nỗi nhiều lần ngài đã muốn rút lui khỏi các trách nhiệm của mục tử xứ đạo mà ngài thấy mình bất xứng. Tuy nhiên, với một sự vâng phục gương mẫu, ngài vẫn luôn trụ lại trong nhiệm vụ của mình, bởi vì niềm say mê tông đồ muốn cứu các linh hồn đã chiếm lấy con người của ngài. Ngài cố gắng luôn trung thành hết sức với ơn gọi và sứ mạng của mình nhờ một thực hành tu đức khổ hạnh: “Tai họa lớn nhất đối với chúng ta các cha xứ - ngài ta thán – đó là linh hồn của chúng ta trở nên nhạt nhẽo” [30]; với điều ấy ngài muốn nói đến mối nguy hiểm một mục tử có thể trở nên quen với tình trạng tội lỗi hoặc dửng dưng mà rất nhiều người trong đoàn chiên của mình đang sống. Ngài tự kiềm chế chặt chẽ thân xác mình, bằng sự thức tỉnh và chay tịnh, để không cho thân xác ấy nổi loạn chống lại linh hồn người linh mục mình. Ngài cũng không né tránh việc đánh tội vì lợi ích của các linh hồn đã được ủy thác cho ngài và để góp phần vào việc đền thay bao tội lỗi ngài đã nghe xưng thú. Ngài giải thích với một anh em linh mục: “Tôi nói cho cha nghe toa thuốc của tôi: tôi trao cho các tội nhân việc đền tội ít thôi, phần còn lại tôi làm thay cho họ”. [31] Ngoài những việc đền tội cụ thể mà cha sở họ Ars thực hiện, cốt lõi của giáo huấn của ngài vẫn còn có giá trị cho tất cả chúng ta: các linh hồn đã được chuộc bằng giá máu của Chúa Gêsu và một linh mục không thể hiến mình cho sự cứu độ của các linh hồn nếu như bản thân ngài từ chối thông dự vào “giá châu báu” của ơn cứu chuộc.

Trong thế giới hôm nay, như thời đại khó khăn của cha sở họ Ars, đời sống và hoạt động của các linh mục cần được nhận ra như một chứng từ Phúc âm đầy sức thuyết phục. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ghi nhận rất đúng: “Con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn các thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy bởi vì đó cũng là những chứng nhân”. [32] Để ta không cảm thấy cuộc sống mình rỗng không và những hiệu quả do tác vụ ta làm không bị tổn hại, chúng ta cần phải tự vấn lại mình luôn luôn: “Chúng ta có thực sự được thấm nhập bởi Lời Chúa không? Có thực sự Lời Chúa là lương thực nuôi sống ta, hơn cả những thứ bánh ăn hay lương thực của thế gian này không? Chúng ta thực sự biết Lời ấy không? Chúng ta có yêu mến Lời Chúa không? Chúng ta có để Lời Chúa chiếm lấy con người của mình tới mức thực sự để lại dấu ấn trên cuộc sống của ta và hình thành nên tư tưởng của ta không?” [33] Cũng như Đức Giêsu đã kêu gọi Nhóm Mười Hai đến để ở với Người (Mc 3,14), rồi chỉ sau đó mới sai họ đi rao giảng, cũng thế, trong thời đại chúng ta các linh mục được mời gọi đồng hóa với “phong cách sống mới ấy”, vốn đã được Chúa Giêsu khai mở và các Tông đồ lãnh nhận lấy. [34]

Chính sự gắn kết hoàn toàn với “phong cách sống mới” này đã ghi dấu đời dấn thân mục vụ của cha sở họ Ars.Trong Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia (Những ngày tháng đầu đời linh mục chúng tôi) của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII công bố năm 1959 nhân dịp bách chu niên thứ nhất ngày thánh Gioan Maria Vianney qua đời, ngài đã giới thiệu đời sống tu đức của thánh nhân với sự qui chiếu đặc biệt đến “ba lời khuyên Phúc âm”, điều mà Đức Giáo hoàng cũng cho là cần thiết cho các linh mục: “Dẫu cho linh mục không bị ràng buộc bởi ba lời khuyên Phúc âm do bậc giáo sĩ, nhưng những lời khuyên Phúc âm này cũng đem đến cho họ, cũng như cho mọi môn đệ Chúa, phương thế chính qui để đi tới mục tiêu đáng khát mong là sự hoàn thiện Kitô giáo”. [35] Cha sở họ Ars đã sống “các lời khuyên Phúc âm” này một cách phù hợp với bậc sống linh mục của mình. Lối sống nghèo khó của ngài không phải là sự nghèo khó của một tu sĩ hay đan sĩ, nhưng là sự nghèo khó riêng của một linh mục: trong khi giữ nhiều tiền của (vì những khách hành hương giàu có hơn thường quan tâm đến các công trình bác ái của ngài), ngài nhận biết rằng mọi sự đã được dâng cho nhà thờ của ngài, cho những người dân nghèo của ngài, cho những trẻ em mồ côi của ngài, cho những em bé gái nhà “Chúa Quan Phòng” của ngài, [36] cho những gia đình túng thiếu nhất trong xứ của ngài. Do đó, “đối với người khác ngài quảng đại cho đi, nhưng sống rất nghèo khó đối với chính bản thân mình”. [37] Ngài giải thích: “Bí quyết của tôi rất đơn giản: cho đi tất cả không mà không giữ lại cho mình điều gì”. [38] Khi ngài thiếu tiền bạc, người nghèo nào đến gõ cửa ngài nói với họ cách trìu mến: “Hôm nay tôi cũng nghèo như anh vậy, tôi chẳng khác gì anh em cả”. [39] Vào cuối đời, ngài có thể nói một cách hết sức thanh thản: “Tôi không còn gì cả. Chúa nhân lành có thể gọi tôi bất cứ lúc nào Ngài muốn”. [40] Đức khiết tịnh ngài đã sống, cũng thế, là sự khiết tịnh độc thân yêu cầu đối với linh mục thừa tác. Người ta có thể nói rằng đó là đức khiết tịnh dành cho người phải chạm hằng ngày tới Thánh Thể, cho những ai thường chiêm ngắm Thánh Thể trong niềm hoan lạc trong tâm hồn và chia sẻ niềm hạnh phúc ấy cho đoàn chiên mình. Người ta nói về ngài: “Khuôn mặt ngài chiếu tỏa sự khiết tịnh”; các tín hữu nhận ra điều đó khi ngài hướng ánh mắt về phía Nhà Tạm với ánh nhìn tràn ngập yêu thương”. [41] Và cả đức vâng phục của thánh Gioan Maria Vianney cũng nhập thể hoàn toàn trong những yêu sách của nhiệm vụ hằng ngày ngài phải thực thi. Chúng ta biết ngài đã bị dằn vặt như thế nào với suy nghĩ mình không phù hợp với chức trách linh mục xứ đạo, và với nỗi khao khát trốn thoát “vào nơi cô tịch để khóc than cho đời sống nghèo nàn của mình”. [42] Chỉ có đức vâng phục và niềm say mê các linh hồn mới có thể giữ ngài ở tại vị. Ngài giải thích cho chính mình và cho các tín hữu: “Không hề có hai cách phụng sự Chúa khác nhau, nhưng chỉ có một mà thôi: phục vụ Người như Người muốn được phục vụ”. [43] Dường như đối với ngài luật vàng cho một cuộc sống vâng phục là như sau: “Bạn hãy làm chỉ những gì có thể được dâng tiến cho Thiên Chúa nhân lành mà thôi”. [44]

Trong bối cảnh của nền linh đạo được nuôi dưỡng bởi sự thực hành các lời khuyên Phúc âm, tôi tha thiết muốn gởi một lời mời gọi đặc biệt đến tất cả các linh mục, trong Năm này được dành cho họ, hãy đón lấy mùa một mùa Xuân mới mà Thánh Thần đang mang lại hôm nay trong Giáo hội, ít là được thấy qua các phong trào Hội Thánh và các cộng đoàn mới. “Thánh Thần thì muôn mặt qua các ân huệ của Ngài ... Ngài thổi ở đâu Ngài muốn. Ngài làm điều đó một cách bất ngờ, ở những nơi không ai ngờ và trong những hình thức chưa ai hình dung trước ... nhưng Ngài cũng cho chúng ta thấy rằng Ngài hành động nhằm xây một Thân Mình duy nhất và nhằm đến sự hiệp nhất của Thân Mình duy nhất ấy”. [45] Về vấn đề này những chỉ dẫn của sắc lệnh Presbyterorum Ordinis vẫn còn tính thời sự: “Trong khi phân định các loại thần khí để xem chúng có phải thuộc về Thiên Chúa hay không, các linh mục cần khám phá trong đức tin các đặc sủng, dù khiêm tốn hay lớn lao, đã được ban cho các giáo dân dưới muôn hình vạn trạng, các ngài cần phải đón nhận chúng với niềm sướng vui và ân cần nuôi dưỡng chúng”. [46] Các ân huệ này, thường khơi lên nơi nhiều người ước muốn một đời sống thiêng liêng cao sâu hơn, có thể sinh ích lợi không những cho giáo dân mà còn cho các giáo sĩ nữa. Sự hiệp thông giữa những thừa tác viên có chức thánh và những người có đặc sủng có thể đem lại “một lực đẩy cho Giáo Hội dấn thân cách mới mẻ hơn loan báo và làm chứng cho Tin mừng của hy vọng và tình yêu ở khắp mọi nơi trên thế giới”. [47] Hơn nữa, tôi cũng muốn nói thêm một điều này nữa, vọng lại từ Tông huấn Pastores Dabo Vobis của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đó là chức linh mục có một “hình thức cộng đoàn” rất căn bản và nó chỉ có thể được thể hiện trong mối hiệp thông giữa các linh mục với giám mục của họ. [48] Sự hiệp thông giữa các linh mục với giám mục của họ đó, vốn dựa trên cơ sở Bí tích Truyền Chức Thánh và thể hiện qua việc cùng cử hành Thánh Thể, cần phải được thể hiện ra nơi những hình thức cụ thể khác nhau trong cộng đoàn linh mục huynh đệ thực sự và tình nghĩa. [49] Chỉ như thế các linh mục mới có thể sống tràn trề ơn độc thân và xây dựng một cộng đoàn Kitô hữu đầy hoa trái với những dấu lạ kèm theo lời rao giảng Tin mừng tiên khởi được lặp lại.

Năm thánh Phaolô giờ đây sắp kết thúc, chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào con người của vị Tông đồ Dân ngoại, một mẫu gương sáng ngời như một linh mục hoàn toàn dâng hiến cho sứ vụ của mình. Vị Tông đồ viết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi, vì chúng tôi xác tín rằng một người đã chết cho mọi người; do đó mọi người đã chết” (2 Cr 5,14). Và ngài viết thêm: “Ngài đã chết cho mọi người, để những ai sống thì không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5,15). Có thể đề nghị một chương trình sống nào hay hơn cho một linh mục dấn thân trên con đường hoàn thiện Kitô giáo không?

Anh em linh mục thân mến,

Mừng kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của thánh Gioan Maria Vianney (1859) đi theo sau việc mừng kỷ niệm 150 năm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức (1858). Năm 1959 Đức Giáo hoàng Chân phước Gioan XXIII đã ghi nhận rằng: “Một ít lâu trước khi cha sở họ Ars kết thúc cuộc đời dài và đáng ngưỡng mộ của ngài, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã hiện ra với một bé gái đơn sơ và hèn mọn ở một nơi khác trong đất Pháp, và ủy thác cho em một sứ điệp khuyên mọi người hãy cầu nguyện và ăn năn sám hối, sứ điệp vẫn còn tiếp tục phát sinh, cả đến một thế kỷ sau, những hoa trái thiêng liêng lớn lao. Quả thật, cuộc đời của vị thánh linh mục này, vị thánh chúng ta đang mừng lễ kỉ niệm bách chu niên, là một lời tiên báo sống động những chân lý siêu nhiên lớn lao được truyền dạy cho nhà thấu thị Massabielle. Bản thân ngài rất sùng mộ Đức Trinh Nữ Rất Thánh Vô Nhiễm Nguyên Tội, năm 1836 ngài đã cung hiến xứ đạo của ngài cho Đức Maria thụ thai vô nhiễm nguyên tội và ngài chào đón sự kiện Hội Thánh định tín chân lý này năm 1854 với một lòng tin sâu xa và niềm vui khôn tả.” [50] Vị thánh cha sở luôn luôn nhắc nhở các bổn đạo mình nhớ rằng “Chúa Giêsu Kitô sau khi đã ban cho chúng ta tất cả những gì Người có thể ban cho, Người còn muốn chúng ta thừa hưởng điều trân quí nhất của Người, tức là người Mẹ Thánh của Người”. [51]

Tôi phó dâng Năm dành cho các linh mục này cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Tôi kêu cầu Mẹ khơi dậy trong tâm hồn mỗi linh mục một khao khát dấn thân quảng đại và tươi mới cho lí tưởng tận hiến mình hoàn toàn cho Chúa Kitô và Hội Thánh, điều đã được linh hứng nơi tư tưởng và hành động cho vị thánh cha sở họ Ars. Chính đời sống cầu nguyện nhiệt thành và tình yêu say mê Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh của ngài đã làm cho Gioan Maria Vianney từng ngày tiến triển trên con đường tận hiến hoàn toàn cho Chúa và cho Hội thánh. Ước gì gương mẫu của ngài dẫn đưa các linh mục đến chỗ trở nên chứng từ của sự hiệp nhất với giám mục của mình, của sự hiệp nhất các anh em linh mục với nhau, và hiệp nhất với các tín hữu giáo dân, đó là điều ngày nay hơn bao giờ hết rất cần thiết. Mặc dù sự ác sự xấu xa vẫn có mặt trong thế giới hôm nay, Lời của Đức Kitô nói với các Tông đồ trong Nhà Tiệc Ly vẫn còn luôn vang lên: “Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Niềm tin vào Vị Tôn Sư Thần Linh của chúng ta sẽ tăng sức cho chúng ta để nhìn vào tương lai với niềm tin tưởng. Các linh mục thân mến, Đức Kitô trông mong vào anh em. Theo bước chân của cha sở họ Ars, anh em hãy để ngài chinh phục và cả anh em nữa, anh em cũng se là những sứ giả của niềm hy vọng, của hòa giải và bình an!

Gởi đến anh em lời chúc lành của tôi.

Từ Vatican, ngày 16-06-2009

Bênêđictô XVI, Giáo hoàng

---------------------------------

[1] Đức Giáo hoàng Piô XI đã công bố điều đó năm 1929.

[2] “Le Sacerdoce, c’est l’amour du cœur de Jésus” (trong tác phẩm Le curé d’Ars. Sa pensée – Son cœur. Cha Bernard Nodet giới thiệu, Nhà Xuất Bản Xavier Mappus, Foi Vivante, 1966, tr. 98). Từ đây về sau tác phẩm được nhắc đến cách vắn tắt là Nodet. Câu nói ấy cũng được trích dẫn bởi Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1589).

[3] Nodet, tr.101.

[4] Ibid., tr. 97.

[5] Ibid., tr. 98-99.

[6] Ibid., tr. 98-100.

[7] Ibid., 183.

[8] Monnin A., Il Curato d’Ars. Vita di Gian-Battista-Maria Vianney, vol. I, ed. Marietti, Torino 1870, tr. 122.

[9] X. Lumen Gentium, 10.

[10] Presbyterorum Ordinis, 9.

[11] Ibid.

[12] “Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giêsu. Một người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gioan Vianney, cha sở của ông, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm: ‘Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi’” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2715).

[13] Nodet, tr.85.

[14] Ibid., 114.

[15] Ibid., 119

[16] Monnin A., op.cit., II, tt. 430ss.

[17] Nodet, tr.105.

[18] Ibid.

[19] Ibid., tr.104.

[20] Monnin, A., op. cit., II, tr. 293.

[21] Ibid., II, tr.10.

[22] Nodet, tr.128.

[23] Ibid., tr.50.

[24] Ibid., tr.131.

[25] Ibid., tr.130.

[26] Ibid., tr.27.

[27] Ibid., tr.139.

[28] Ibid., tr.28.

[29] Ibid., tr.77.

[30] Ibid., tr.102.

[31] Ibid., tr.189.

[32] Evangelii nuntiandi, 41.

[33] Bênêđictô XVI, Omelia nella Messa del S. Crisma (Bài giảng trong Thánh lễ làm phép dầu), ngày 9/4/2009.

[34] X. Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại hội toàn thể của Bộ Giáo sĩ, ngày16/3/2009.

[35] P. I.

[36] Là tên của ngôi nhà nơi hơn 60 em bé gái mồ côi hay bị bỏ rơi được cha đem về nuôi nấng và dạy dỗ. Để duy trì hoạt động cho công trình này ngài sẵn sàng làm tất cả. Ngài nói đùa: “J’ai fait tous les commerces imaginables”(NODET, tr. 214).

[37] Nodet, tr. 216.

[38] Ibid., tr.215.

[39] Ibid., tr.216.

[40] Ibid., tr. 214.

[41] X. Ibid., tr. 112.

[42] X. Ibid., tt. 82-84; 102-103.

[43] Ibid., t. 75.

[44] Ibid., t. 76.

[45] Bênêđictô XVI, Omelia nella Veglia di Pentecoste (Bài giảng Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), 3.6.2006.

[46] S. 9.

[47] Bênêđictô XVI, Diễn từ nói với các đức giám mục thân hữu của Phong trào Focolare và Cộng đoàn thánh Egiđiô, ngày 8/2/2007.

[48] X. s.17.

[49] Gioan-Phaolô II, T.h. Pastores dabo vobis, 74.

[50] Thông điệp Sacerdotii nostri primordia, P. III.

[51] Nodet, tr. 244.