THƯỢNG HỘI ĐỒNG:
NHỮNG
TỪ ĐƯỢC LẶP LẠI NHIỀU NHẤT
TRONG TÀI LIỆU LÀM VIỆC
Isabella H. de Carvalho
WHĐ (23.06.2023) – Hôm 20.06.2023, Thượng Hội đồng
Giám mục đã công bố Instrumentum Labouris (Tài liệu làm việc - TLLV) như là
cơ sở hướng dẫn các cuộc thảo luận trong Khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng dự kiến vào tháng 10.2023.
Nhằm
giúp 370 thành viên của phiên họp suy tư về tương lai của Giáo hội, TLLV dùng nhiều lần một số từ như “Giáo hội”, “Thượng hội đồng” và “Làm thế nào”. Trang mạng công giáo Aleteia liệt kê một số từ được lặp lại
nhiều nhất trong TLLV phiên bản tiếng Anh như sau:
1. Giáo
hội (Church, Ecclesial): lặp lại 484 lần
Trong buổi họp báo giới thiệu TLLV, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cho biết: “Mục đích của tiến trình Thượng hội đồng lần
này là giúp Giáo hội hiểu về mình
rõ hơn”. Trong Thượng Hội đồng “về tương lai của
Giáo hội”, Giáo hội vừa là chủ thể vừa là khách thể, vì Giáo hội được tạo
thành từ “Dân Chúa”, được hiệp nhất bởi cùng một phép Rửa, và có khả năng cùng nhau bước đi. Cũng thế,
Đức Hồng Y nhấn mạnh, TLLV “không phải
là tài liệu của Tòa thánh, mà là của toàn thể Giáo hội”.
2. Thượng
Hội đồng, Hiệp hành, Tính hiệp hành (Synod, Synodal,
Synodality): lặp lại 342 lần
Tính
hiệp hành rất khó định nghĩa nhưng
đó là một cách hoạt động hoặc cách sống của Giáo hội. Tính hiệp hành, “cùng
nhau bước đi”, là một thực tại được truyền cảm hứng từ những ngày đầu của Kitô giáo và
được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hồi sinh sau Công đồng Vatican II. Thượng Hội đồng
(Synod) đề cập đến một tổ chức, đó là Thượng Hội đồng Giám mục. Thượng Hội đồng
Giám mục là một hội đồng do Đức Giáo hoàng thiết lập ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ
để nghiên cứu một chủ đề cụ thể và đệ trình các đề xuất lên cho ngài. Các Thượng
Hội đồng cũng có thể diễn ra ở cấp quốc gia hoặc cấp giáo phận. Điểm mới lạ của
“Thượng hội đồng về Hiệp hành” lần này nằm ở chỗ Đức Phanxicô đòi buộc Giáo hội phải đặt vấn đề về hoạt động
và cơ cấu của chính mình.
3. Làm thế
nào (How): lặp
lại 196 lần
Một trong những điểm nổi
bật của TLLV là số lượng lớn các câu hỏi trong đó mời gọi Giáo hội tự vấn, để tìm ra giải pháp
và suy tư về một số vấn đề. Tài liệu dài 50 trang được điểm xuyết bằng 274 câu
hỏi liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau được các tín hữu Công giáo từ khắp thế giới gợi lên. Một điểm quan trọng khác của TLLV là chiều kích
phương pháp luận của nó, chiều kích này nhằm giải thích “làm thế nào” để phân định
và hành động hầu đạt được tính hiệp hành cao hơn.
4. Sứ mạng (Mission, missionary): lặp
lại 142 lần
“Sứ mạng” là 1 trong 3 khái niệm chính đi kèm với suy tư về việc trở
thành một Giáo hội hiệp hành. Trong TLLV, thuật ngữ sứ mạng
được đặt một
cách có chủ đích tại trung tâm của 2 khái niệm kia, đó là hiệp thông (communion) được lặp lại 48 lần và tham gia (participation) được lặp lại 50 lần. Theo Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng, điều này là do thực tại truyền giáo của Giáo hội là “một
khía cạnh quan trọng ngày càng hiện diện nhiều trong sự hiệp thông và tham gia” và vì thế được cho là để liên kết hai chiều kích này. Giáo hội cần theo đuổi sứ mạng của mình một
cách hiệu quả hơn, và do đó phải trở nên “truyền giáo” hơn, nghĩa là mỏ
ra hơn với thế giới để loan báo Tin mừng.
5. Thiên
Chúa (God, Lord): lặp lại 124 lần
Giáo hội tiến bước trong
Thượng Hội đồng với tư cách là Dân Chúa, một cộng đoàn đặt nền tảng cho cách tiếp
cận của mình dựa trên mối tương quan cùng là con Thiên
Chúa nhờ phép Rửa của mỗi thành viên. Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động
ở đây và phải được kêu cầu bởi
tất cả mọi người tham gia. Thuật ngữ “Thiên Chúa” được sử dụng thường xuyên hơn
so với tên “Chúa Giêsu” xuất hiện 14 lần và “Đức Kitô” được sử dụng
35 lần.
6. Đại
hội (Assembly): lặp lại 114 lần
Tần suất của từ Đại hội cho thấy hoạt động của toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng. TLLV nhằm hướng dẫn những suy tư của
những người sẽ tham gia Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10. 2023 tại Rôma. Khoá họp này đánh dấu “giai đoạn phổ quát”
của tiến trình Hiệp hành, vốn đã được bắt đầu bằng giai đoạn giáo phận và châu lục.
Sau giai đoạn địa phương, các quốc gia quy tụ lại theo khu vực trong Đại hội Châu lục, sau
đó báo cáo lại cho Rôma.
Tài liệu nêu rõ rằng: Đại hội toàn thể vào tháng 10 “không thể được hiểu là đại diện và lập pháp, giống như cấu
trúc nghị viện trong xã hội dân sự với động lực là thiết lập sự đa số”. Đúng hơn, đó là nơi “Đức Kitô hiện diện
và hoạt động” và “ban Thần Khí để hướng dẫn Giáo hội tìm ra sự đồng tâm nhất trí để cùng nhau bước đi tiến
về Nước Trời và giúp toàn thể nhân loại tiến tới sự hiệp nhất bao quát hơn”.
7. Thánh Thần, Linh đạo, Tâm linh (Spirit, Spirituality, Spiritual): lặp lại 111 lần
Như Đức Thánh Cha
Phanxicô vẫn nhắc đi nhắc lại rằng:
Chúa Thánh Thần là “nhân vật chính” của mọi tiến trình Thượng Hội đồng.
Điều này hết sức đúng đối với Thượng Hội đồng lần này, vốn đặt vấn đề về chức năng hiệp hành của chính Thượng Hội đồng, được thực hiện trong
một tiến trình mà ưu tiên trước hết và trên hết là mang tính tâm linh, trước
khi mang tính cơ cấu. Để đạt được mục đích này, TLLV vạch ra một phương pháp cầu
nguyện – đối thoại, “Đối thoại trong Thánh Thần”, để dạy Dân Chúa trở về với ngôi Ba trong Chúa
Ba Ngôi một cách xác tín hơn. Từ “Thánh” (holy) xuất hiện 22 lần.
8. Đời
Sống, Sống (Life, Live) lặp lại
110 lần
Tính
hiệp hành là một “modus vivendi
et operandi” nghĩa là một phương pháp nhưng cũng là một cách sống của Giáo
Hội. Hiệp hành không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của mỗi tín hữu khi mời gọi chúng ta suy
tư về mối tương quan của mình với
người khác, với thế giới xung quanh, và với chính Giáo hội, mà còn ảnh hưởng đến
cách sống và hoạt động của toàn thể Giáo hội.
9. Dân (People): lặp
lại 110 lần
TLLV nêu rõ: “Tiến trình Hiệp hành mang đến cơ hội
gặp gỡ trong đức tin vốn tạo nên mối liên kết với Chúa, tình huynh đệ giữa mọi
người với nhau, và tình yêu dành
cho Giáo hội”. Các giai đoạn địa phương và châu lục đã mang đến
cho Giáo hội cơ hội lắng nghe “Dân Chúa” và tạo điều
kiện để họ chia sẻ những trải
nghiệm thực tế và cụ thể của mình. Giờ
đây, tiến trình hiệp hành sẽ tiếp tục khuyến khích tín hữu
Công giáo tiếp tục trên lộ trình “cùng
nhau bước đi” như là một Dân Chúa duy nhất.
Bản
văn giải
thích: “Giáo hội không sợ sự đa dạng mà mình có được, nhưng luôn coi trọng và không thúc ép mình phải trở nên đồng nhất”.
10. Sự phân
định, phân định (Discernment, Discern): lặp lại
106 lần
Bắt nguồn sâu xa từ
linh đạo của Dòng Tên, Thượng Hội
đồng hiện nay khuyến khích Giáo hội và mỗi thành viên phân định và đánh giá một
cách sáng tạo các giải pháp khả thi đối với những thách đố mà Giáo hội phải đương đầu. Để giúp cho trải
nghiệm này trở nên sống động, TLLV mời mỗi
độc giả đối diện với một số “câu hỏi để phân định”, được tập hợp lại trong phần thứ hai của tài liệu.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một số bài giáo lý về chủ đề phân định
trong các buổi tiếp kiến chung của ngài.
Những thuật ngữ khác:
Ngoài ra, một số thuật ngữ khác
cũng xuất hiện thường xuyên trong của tài liệu
làm việc chẳng hạn như: “cộng đoàn” (community) lặp lại 96 lần; “khác” (other, another) lặp lại 95 lần; “tiến trình” (process) lặp lại 87 lần; “địa phương” (local) lặp lại 73 lần; và
“cùng nhau” (together) lặp lại 70 lần.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (22.06.2023)