WHĐ (20.10.2023) – Sáng thứ Tư ngày 18.10, Đại
hội Thượng Hội đồng bước vào phiên
họp khoáng đại thứ
XII, bắt đầu thảo luận Phần B3 của Tài
liệu Làm việc. Cha
Timothy Radcliffe, OP, chia sẻ
bài suy niệm về: Công đồng Giêrusalem.
BÀI SUY NIỆM CỦA
CHA TIMOTHY RADCLIFFE, OP
TẠI PHIÊN HỌP KHOÁNG ĐẠI THỨ XII
CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM
“Tham
gia, quản trị, và quyền bính: Những tiến trình, cấu trúc
và cơ chế nào được cần đến trong một Giáo hội hiệp hành mang tính sứ mạng?”
Luca, vị Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay, kể cho chúng
ta trong sách Công vụ chương 15 về cái gọi là Công đồng Giêrusalem được
triệu tập để đương đầu với cuộc khủng hoảng lớn đầu
tiên của Giáo hội sau Lễ Ngũ Tuần. Giáo Hội bị rạn nứt sâu sắc. Trước hết, giữa Hội thánh Giêrusalem và Phaolô với Phúc âm miễn khỏi lề luật của ngài; Trong Giáo hội
Giêrusalem, những người thuộc phái
Pharisêu trở thành tín hữu chia rẽ với
những tín hữu gốc dân ngoại,
và các tông đồ do Phêrô lãnh
đạo có lẽ chia rẽ với “các
kỳ mục” là những người đã hướng về
Giacôbê, người anh em của Chúa. Vì vậy, Giáo hội phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về căn tính vượt xa những gì hiện
nay chúng ta có thể hình dung.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói tại Lisbon mùa hè này, “một cuộc sống không có khủng hoảng
là một cuộc sống cằn cỗi...
một cuộc sống không có khủng hoảng giống như nước ao tù, nó chẳng được việc gì, và nó cũng chẳng có mùi vị gì cả”[1].
Chúng ta trưởng thành qua các cuộc khủng hoảng, từ cuộc khủng hoảng khi chúng
ta chào đời cho đến cuộc khủng hoảng khi chúng ta đối diện với cái chết. Nếu biết đón nhận khủng hoảng với niềm hy vọng, chúng ta sẽ phát triển, còn nếu cố tránh né, chúng ta không thể lớn lên. Mấy anh em người Mỹ trong Dòng đã tặng tôi một chiếc áo
phông có dòng chữ: “Chúc một
cuộc khủng hoảng tốt đẹp!”
Chúng ta đọc thấy rằng:
“Các Tông Ðồ và các kỳ mục
bèn họp nhau để xem xét vụ này” (Cv
15, 6) Giáo hội luôn được quy tụ, như chúng ta hiện được quy tụ trong Thượng Hội đồng.
Trong Kinh nguyện Thánh Thể III, chúng ta cất lên rằng: “Chúa không
ngừng qui tụ một dân riêng, để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ
tinh tuyền”. Trong tiếng Hy
Lạp, từ chỉ Giáo hội là ekklesia, nó có nghĩa là “quy tụ”. Liệu chúng ta
có sẵn sàng quy tụ lại với nhau không
chỉ về mặt thể lý mà còn cả con tim
và khối óc của mình không? Trước
khi chịu nạn chịu chết, nhìn vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu thổn thức: “Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại,
như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13, 34). Liệu chúng
ta có sẵn sàng vượt lên trên sự
hiểu lầm và ngờ vực lẫn nhau không?
Hay chúng ta sẽ giống như người anh cả trong
dụ ngôn đứa con hoang đàng đứng ở
ngoài rìa, không chịu cùng quy tụ để ăn mừng em mình trở về?
Các môn đệ quy tụ
tại Giêrusalem để được sai đi Antioch và toàn thế giới. Chúng ta quy tụ
trong Thánh Thể để cũng được sai đi như thế. Đây là hơi thở của Chúa
Thánh Thần trong phổi chúng ta, tập
hợp chúng ta lại và rồi sai
chúng ta đi, cung cấp oxy cho dòng máu sự sống của Giáo hội. Chúng ta được quy tụ để khám phá hòa bình giữa
chúng ta và được sai đi để loan báo
bình an cho thế giới nghèo khổ,
nơi bị đóng đinh bởi bạo lực ngày càng gia tăng, như ở Ukraine, Thánh Địa, Myanmar, Sudan, và rất nhiều nơi khác nữa. Làm sao chúng ta có thể là dấu chỉ của hòa bình nếu chúng ta chia rẽ nhau?
Công đồng Giêrusalem quy tụ “nhân danh Chúa Giêsu”, chúng ta cũng vậy. Trong Thượng
Hội đồng, chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: ‘Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan
Chúa, khi cùng nhau tụ họp
nhân danh Chúa”. Được quy tụ nhân danh Chúa có nghĩa là tin tưởng chắc chắn rằng ân sủng của
Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta. Thánh Phêrô nói với người què
ở cổng Đền Thờ: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho
anh đây: nhân danh Ðức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!" (Cv
3, 6). Người ta thường nói với
tôi rằng: “Thượng Hội đồng này sẽ chẳng thay đổi bất
cứ điều gì”. Một số thì hy vọng và một số khác thì sợ hãi. Đó là thiếu niềm tin
vào danh Chúa, “danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9). Bài Thánh thi cổ bắt đầu như thế này, “Hôm nay tôi tự mình ràng buộc với danh hùng mạnh của Ba Ngôi”. Nếu chúng ta quy tụ dưới danh hùng mạnh của Ba Ngôi, Giáo
hội sẽ được đổi mới, dù có thể theo những cách không rõ ràng ngay lập tức. Đây
không phải là sự lạc quan nhưng là đức
tin Tông truyền của chúng ta.
Người thầy tuyệt vời đầu tiên của tôi là Cornelius Ernst, một
tu sĩ Đa Minh người Sri Lanka. Ngài viết về quyền năng của ân sủng Thiên Chúa làm nên điều mới mẻ. Tôi trích dẫn: “Chính bình minh, sự khám phá, mùa xuân, sự tái sinh, việc đến với ánh sáng, sự nhận thức, siêu việt, giải thoát, xuất thần, sự ưng thuận của hôn lễ, quà tặng, sự tha thứ, hòa giải, cách mạng,
niềm tin, hy vọng, tình yêu… là sức mạnh biến đổi và đổi mới mọi sự: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’ (Kh 21, 5)”[2]. Giáo hội luôn luôn mới mẻ, giống như Thiên Chúa, Đấng vừa Cổ kính vừa là Hài nhi mới sinh.
Các môn đệ quy tụ
lại vì họ thấy Thiên Chúa đã đang thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Thiên
Chúa đã đi trước họ. Họ phải bắt kịp Chúa Thánh Thần. Phêrô công bố rằng: “Thiên Chúa là Ðấng thấu suốt mọi tâm
can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban
cho chúng ta. Người không phân
biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (Cv 15, 8-9).
Đây chắc chắn là điều khó chấp nhận nhất đối với Thánh
Giacôbê, người anh em của Chúa. Căn tính
của ngài được hình thành từ mối tương quan huyết
thống với Chúa. Thật kỳ diệu khi chính Giacôbê là người công bố căn tính mới này: “Thánh Thần và chúng tôi”. Phải có lòng can đảm và đức tin
biết bao để nói “chúng tôi”, một căn tính bao hàm tất cả trong một Giáo hội đang bị
chia rẽ. Lúc này, vẫn gọi
Phêrô bằng tên cũ là “Simon”, Giacôbê mới đang dần dần nhận thức
về căn tính mới này, một Giáo hội của người Do Thái và Dân Ngoại. Điều này cần phải có thời gian, và đối với chúng ta cũng vậy.
Trong cuộc nội chiến ở Burundi, tôi đã đi khắp đất nước cùng
với hai người anh em trong Dòng, một
người Hutu và một người Tutsi. Buổi tối, ba chúng tôi cùng nhau cử hành Thánh Thể. Một người Anh và hai người
châu Phi, một người Hutu và một người Tutsi: Đây thực sự là một cảm thức mới về “chúng tôi”.
Chúng tôi nhận thức được điều này
trong Thánh Thể trước khi chúng tôi nắm bắt được nó trong tâm trí và
trái tim mình.
Ngày nay Thiên Chúa của chúng ta đã đang khai sinh một
Giáo hội không còn chủ yếu là phương Tây nữa: một Giáo hội Công giáo Đông
phương, Á châu, Phi châu và Mỹ Latinh. Đó là một Giáo hội mà trong đó phụ nữ đang đảm nhận trách nhiệm, đổi mới thần học, và linh đạo của chúng ta. Những người trẻ
trên khắp thế giới, như chúng ta đã thấy ở Lisbon, đang đưa chúng ta theo những
hướng đi mới trên Lục địa Kỹ
thuật số. Trong Kinh Tiền Tụng lễ Các thánh nam nữ, chúng ta tạ ơn Thiên
Chúa vì “Chúa dùng đời sống
đức tin kỳ diệu của các thánh như một năng lực luôn luôn mới mà làm cho Hội
thánh nên phong phú”. Các thánh ấy đã ở trong số chúng ta rồi. Chúng ta đúng khi hỏi rằng: Chúng ta sẽ làm gì?
Nhưng một câu hỏi thậm chí
còn cơ bản hơn, đó là: Thiên
Chúa đang làm gì? Chúng ta có chấp nhận
sự mới mẻ đầy ân sủng của Thiên Chúa không? Không biết anh chị em có tin không, ngay cả một số tu sĩ Đa Minh vẫn còn chống đối Thánh Ignatius Loyola! Lỗi tại chúng tôi mọi đàng (Nostra culpa)!.
Điều thú vị là, Giacôbê chỉ có thể hiểu cái mới là tái thiết cái cũ. Ngài trích dẫn ngôn
sứ Amos: “Sau đó, Ta sẽ trở
lại, và sẽ xây dựng lại lều
Ðavít đã sụp đổ; đống hoang
tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và
Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy
các người còn lại và tất cả
các dân ngoại được mang danh Ta sẽ
tìm kiếm Chúa”. Cái mới
luôn là sự đổi mới bất ngờ của cái cũ. Đây là lý do tại sao bất kỳ sự đối lập
nào giữa truyền thống và tiến bộ đều hoàn toàn xa lạ với Công giáo.
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét cần có những quy trình, thể chế, và cơ cấu mới nào. Đây sẽ không
phải là giải pháp cho các vấn đề quản lý mà là sự thể hiện trọn vẹn hơn về chúng ta là ai. Lịch sử của Giáo hội là một sự sáng
tạo vô tận mang tính thể chế.
Sau khi Kitô giáo trở thành một tôn giáo được Đế quốc Roma công nhận, những
hình thức mới của đời sống Kitô hữu đã
xuất hiện nơi các giáo phụ và giáo mẫu
trong sa mạc, để đối trọng với
những mối nguy hiểm mới về sự giàu có. Vào thế kỷ XIII, các trường Đại học mới
xuất hiện để duy trì một tầm nhìn mới về con người là gì. Trong cuộc Cách mạng
Công nghiệp, hàng trăm hình thức đời sống tu dòng mới ra đời nhằm thể hiện chúng ta là ai với tư cách là anh
chị em của những người nghèo đô thị mới.
Chúng ta cần những thể chế nào để thể hiện chúng ta là ai với
tư cách là những người nam, nữ
của hòa bình trong thời đại bạo lực,
và những cư dân của Lục địa Kỹ thuật
số? Mỗi người đã lãnh phép Rửa đều là một ngôn sứ. Chúng ta nhận ra và đón nhận vai trò của sứ ngôn trong Giáo hội ngày nay như thế nào[3]?
Còn tiếng nói ngôn sứ của phụ nữ, vốn
vẫn thường bị coi là “khách trong chính ngôi nhà của mình”[4]
thì sao?
Cuối cùng, Công đồng Giêrusalem đã dỡ bỏ những gánh nặng
không cần thiết đối với dân ngoại. “Thánh
Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác
ngoài những điều cần thiết này” (15, 28). Họ được giải thoát khỏi căn tính do Lề luật cũ mang lại.
Bằng cách nào chúng
ta có thể trút bỏ gánh nặng khỏi đôi vai mỏi mệt của anh chị em chúng ta
ngày nay, những người thường cảm thấy bất an trong Giáo hội? Việc đó sẽ không xảy ra qua bất cứ điều gì kịch tính giống như việc
bãi bỏ Lề Luật, cũng không qua một sự thay đổi căn bản trong căn tính của
chúng ta giống như việc tiếp nhận Dân
Ngoại.
Nhưng chúng ta được kêu gọi để có một cảm thức sâu sắc hơn về việc chúng ta là những
người bạn của Chúa cách bất ngờ, tình bằng hữu của Chúa với những người bị tai tiếng vượt qua mọi ranh giới. Nhiều
người trong chúng ta đã khóc khi nghe tin về cô gái trẻ tự tử vì cô là người lưỡng tính và cảm thấy không được
chào đón. Tôi hy vọng điều này đã
thay đổi chúng ta. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đều được chào đón: tất cả, tất cả, tất cả.
Một người đàn ông bị lạc ở Ireland. Anh ta hỏi một người
nông dân, “Làm cách nào để
đến Dublin?” Người nông
dân trả lời, “Nếu tôi muốn
đến Dublin, tôi sẽ không bắt đầu từ đây”. Nhưng dù người ta ở đâu thì đó cũng là nơi để bắt đầu cuộc hành trình về nhà, ngôi nhà Giáo hội và quê hương Nước Trời.
Nt. Anna Ngọc Diệp,
OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (18. 10. 2023)