Hình minh họa
THẦN HỌC MỤC VỤ CHO DI DÂN: THÁCH ĐỐ VÀ CƠ HỘI
Trần Quốc Anh, SJ
Học Viện Dòng Tên – ĐH Santa Clara, Hoa Kỳ
Mục lục
1.
Tình Trạng của Người Di Dân
4.
Chăm Sóc Mục Vụ Cho Người Di Dân
b.
Hoạt Động Văn Hoá, Giải Trí Lành Mạnh
c.
Tư Vấn, Giáo Dục và Chăm Sóc Sức
Dẫn nhập
Có thể nói hiện tượng di dân không phải là
điều mới lạ. Hơn 200000 năm trước loài người hiện đại (homo sapiens sapiens) từ lục địa Phi sang Cận Đông, rồi từ đó phân
bố trên toàn thế giới. Trước khi biết chăn nuôi và trồng trọt, con người sống
nhờ vào thiên nhiên qua việc săn bắn hái lượm, nên cuộc sống du mục di chuyển
thường xuyên là điều tất yếu. Ngay cả sau khi đã hình thành nền các nền văn
minh nông nghiệp bằng cuộc sống định canh định cư, không ít các nhóm người vẫn
di chuyển chỗ ở từ vùng này sang vùng khác, để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp
hơn.
Nhưng trong thế kỷ 20 và 21 con số di dân
càng ngày càng tăng vọt vì nhiều nguyên do: chiến tranh, tị nạn, đói kém, công
ăn việc làm, tác động của thiên tai lũ lụt, ô nhiễm môi trường sống, v.v. Không giống những đợt di dân của các thế kỷ
trước, các phương tiện giao thông hiện đại, như tàu thuỷ, xe khách, xe lửa, máy
bay, đã rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho việc di chuyển từ vùng này sang
vùng khác được dễ dàng hơn. Ngoài ra các phương tiện truyền thông hiện đại: điện
thoại, radio, TV, internet, cũng ít nhiều tác động trên tâm lý của người di
dân, tạo nên các làn sóng di dân hiện nay. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế
đặc trách di dân, người lao động và tị nạn, hiện nay có hơn 232 triệu di dân quốc
tế (UN-DESA, 2013) và 740 triệu di dân nội địa (UNDP, 2009).[1]
Ở nước ta, dân tộc Kinh đã trải qua khá nhiều
cuộc di cư. Từ thời Lý-Trần-Lê (thế kỷ 11-15), dân cư từ các vùng Thanh Hoá –
Nghệ An vào lập nghiệp trên phần đất cũ của Chiêm Thành. Đặc biệt từ thế kỷ 17
về sau, có nhiều đợt di cư lập nghiệp từ miền Trung vào đến Biên Hoà/Gia Định.
Càng về phương Nam, dân tộc Kinh càng phải thích nghi với những vùng đất mới và
sống chung với các sắc dân khác – người Chăm, Khmer, Minh Hương (Hoa kiều).
Trong những thế kỷ 17-19, do tác động của chiến tranh và các cuộc bắt đạo, người
Việt còn di cư sang Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao và Trung Quốc.
Nội trong nửa sau của thế kỷ 20, miền Nam
đã đón nhận hơn 2 triệu người Bắc di cư. Và từ 1975 đến nay, hàng triệu người
Việt còn di cư ra nước ngoài dưới diện tị nạn hoặc đoàn tụ gia đình. Ngoài ra,
tình hình kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn sau 1975 dẫn đến việc xuất khẩu
lao động trong thập niên 1980-1990 sang Liên Xô và Đông Âu (CHDC Đức, Tiệp, và
Bungari), và từ năm 1995 đến nay, sang các quốc gia trong khu vực châu Á.
Tính cho đến năm 2012 đã có hơn 4 triệu người
định cư và lao động nhập cư ở nước ngoài.[2]
Ngoài những di dân vĩnh viễn, nhiều nhất là ở Bắc Mỹ, Úc, và Tây Âu, phần lớn
đã nhập tịch vào nước sở tại, có khoảng 500.000 người lao động nhập cư, 1/3
trong số đó là phụ nữ, đang làm việc Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mã Lai, v.v.
Đó là chưa kể hàng triệu người từ các tỉnh
phía Bắc vào miền Nam làm việc ở các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai do
chính sách kinh tế thị trường sau thời kỳ Đổi Mới 1986.[3] Sự tăng vọt theo cấp số nhân của di dân trong
vòng 30 năm qua ở trong và ngoài nước mang lại nhiều thách đố trong việc phát
triển kinh tế xã hội – trong đó có đời sống tâm linh, tôn giáo của những người
nhập cư và tạm cư này.
Bài viết này phác hoạ một số thách đố và cơ
hội cho công việc mục vụ cho người di dân Việt Nam từ một góc nhìn thần học. Có
chăng một thần học cho người di dân? Và nếu có, thì những suy tư thần học này
đóng góp gì cho công việc mục vụ di dân?
1. Tình Trạng của Người Di Dân
Mặc dù di dân bao gồm những người, vì nhiều
lý do khác nhau, phải thay đổi nơi cư trú, tạm thời hay vĩnh viễn, bài viết này
không nhắm đến những người tị nạn (refugees, assylum seekers), là những người bị buộc rời bỏ quê hương vì chiến tranh,
chính sách trù dập, phân biệt kỳ thị về chủng tộc, tôn giáo, chính kiến,
v.v. Bài viết này tập trung suy tư thần
học về thân phận của những người di cư tự
nguyện vì lý do kinh tế (economic migrants).
Khi nói đến di dân kinh tế, thường phân biệt
giữa người tạm cư và người định cư vĩnh viễn. Hai nhóm người này có những nhu cầu
xã hội và tâm linh khác nhau.
Những người tạm cư phần lớn là thanh niên, thanh nữ, gồm cả trẻ em vị thành
niên. Họ tập trung ở các đô thị như TP Hồ
Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và các khu công nghiệp trong nước cũng như
ở các nước trong khu vực châu Á/Thái Bình Dương. Họ là những người di cư ngắn hạn
hoặc di cư thời vụ (những người kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập ngoài mùa
gieo trồng, hái gặt). Phần lớn người tạm cư không di chuyển cùng gia
đình, lý do có thể là họ chưa lập gia đình hoặc gia đình họ vẫn
đang cư trú tại địa bàn nơi họ ra đi. Họ có thể là sinh viên, công nhân
sản xuất hay xây dựng, người giúp việc nhà, bán hàng rong, v.v. Họ thường chỉ
có hộ khẩu tạm, hoặc tạm trú tạm vắng, và ít gắn bó với cộng đồng địa phương. Mỗi
mùa lễ, Tết, họ thường trở về nguyên quán nếu có điều kiện.
Những người định cư phần lớn là di dân tự do hoặc theo chính sách định canh định
cư, giãn dân số của nhà nước. Họ đi theo gia đình và làng xóm, và thường có nhiều
quan hệ cộng đồng. Những người Bắc di cư năm 1954 và những làng di cư vào các
khu Kinh Tế Mới ở miền Nam hoặc Tây Nguyên giai đoạn 1975-1990 thuộc dạng này.
Gần đây biến đổi khí hậu và tác động môi trường đã được Liên Hợp Quốc khuyến
cáo chính phủ Việt Nam có những chính sách tái định cư.[4]
So với người sở tại và định cư lâu dài, cuộc
sống của những người tạm cư gặp nhiều khó khăn và thách đố. Ngoài những sinh
viên tạm xa gia đình để học tập, đa số các người tạm cư lên thành phố hoặc vào
những khu công nghiệp tìm việc làm để nâng cao thu nhập. Họ thường phải ở trong
môi trường sống chật hẹp, nhà kém chất lượng không an toàn hoặc mất vệ sinh,
không có không gian riêng tư. Họ làm việc nhiều giờ, ít có thời gian thư giãn,
hoặc học thêm, ít được hưởng các dịch vụ y tế, xã hội, ít có cơ hội gặp gỡ và
giao tiếp. Họ thường tập trung làm việc trong một số ngành nghề nhất định, công
việc không ổn định, hay bị thiệt thòi về lương bổng, bị chèn ép, thậm chí bị kỳ
thị.
Vì đa số phải để dành tiền để gửi về cho
gia đình hoặc trả nợ, họ thường không chăm sóc bản thân cho chu đáo, ăn uống thất
thường, có bệnh cũng không dám đi bác sĩ hoặc xin nghỉ làm. Đời sống tinh thần
và tâm linh của những người tạm cư thường lỏng lẻo vì đa số họ phải sống xa gia
đình và bạn bè. Thiếu những giải trí lành mạnh, cộng thêm sự cô đơn buồn chán dẫn
đến một số tiêu cực và tệ nạn như mê game, bài bạc, rượu chè, quan hệ nam nữ bừa
bãi. Đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em thường bị thiệt thòi, thiếu vắng các dịch
vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý dành riêng cho họ, chưa kể là họ còn có thể
là nạn nhân của bạo hành, lạm dụng tình dục và buôn người.
Việc xây dựng một môi trường sống lành mạnh,
vệ sinh, an toàn, xóa bỏ đi sự kỳ thị và hỗ trợ người dân di cư
tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, tôn giáo, tạo cơ hội thăng tiến
cho các di dân là một điều thiết yếu để nâng cao phẩm giá của những người này.
2. Giáo Hội và Di Dân
Vấn đề di dân được Giáo hội quan tâm cách
riêng trong thế kỷ 20.Năm 1912, ĐGH Piô X đặt một văn phòng đặc trách di dân.
Năm 1952, ĐGH Piô XII trong thông điệp Exsul
familia nazarethana, văn kiện đầu tiên về di dân, đã kêu gọi các giáo hội địa
phương chăm sóc cho những người tha hương qua các linh mục nói cùng ngôn ngữ và
văn hoá với họ, giúp họ hoà nhập vào giáo hội địa phương. Các mục tử phải đối xử
công bằng, không được phân biệt giữa người mới đến và người địa phương.
Trong thập niên 1960, đối diện với làn sóng
người di dân, tha hương, và tị nạn tăng vọt từ các quốc gia đang phát triển,
Giáo hội hậu Công đồng Vatican II quan tâm nhiều hơn tới việc chăm sóc mục vụ.
Trong Tự sắc Pastoralis migratorum cura
(Chăm sóc Mục vụ Di dân) ban hành năm 1969, ĐGH Phaolô VI kêu gọi các hội đồng
giám mục – một cơ chế mới thành lập sau Công đồng – lên kế hoạch và chương
trình để chăm sóc mục vụ cho người nhập cư.
Di dân phải được khuyến khích và giúp bảo tồn các cách sống đạo theo văn
hoá, ngôn ngữ và tập quán của họ.
Năm 1970, ĐGH Phaolô VI thành lập một hội đồng
Toà thánh cho việc chăm sóc mục vụ cho người di dân và khách du lịch. Đến năm
1989, hội đồng này đổi tên thành Hội đồng Toà thánh về Mục vụ cho người Di dân
và Lưu động (PCMI: Pastoral Care of Migrants and Itinerant People). Năm 2004, Hội
đồng PCMI ban hành văn kiện Erga
migrantes caritas Christi (Tình yêu Chúa Kitô hướng về di dân) về chăm sóc
mục vụ cho di dân.[5] Văn kiện này tổng hợp các
quy chế về mục vụ di dân, không chỉ dành cho các tín hữu Công giáo Roma mà cả
các anh chị em Công giáo Đông phương, Chính thống, Tin lành và Hồi giáo. Việc
chăm sóc mục vụ cho người di dân và tị nạn được xem như là phần cốt yếu của sứ
mạng Tân Phúc âm hoá của Giáo hội trong hoàn cảnh hiện nay. Thêm vào đó, Hội đồng
PCMI cũng thường xuyên tổ chức các đại hội Mục vụ Di dân Thế giới để các giáo hội
địa phương chia sẻ và đúc kết kinh nghiệm mục vụ. Đại hội mới nhất diễn ra vào
17-21/11/2014 với chủ đề “Hợp Tác và Phát Triển”.[6]
Tại Á Châu, một số Hội đồng Giám mục cũng
quan tâm đến tình trạng di dân. Chủ đề được bàn thảo trong phiên họp khoáng đại
lần thứ 5 của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC V) tại Bandung, Indonesia
(1990). Các giám mục đã kêu gọi mọi người tỏ tình liên đới với và quan tâm đến
anh chị em di dân, lao động nhập cư, tị nạn; lên án các hành vi kỳ thị, bóc lột,
chà đạp nhân phẩm, không tôn trọng quyền con người, đối xử bất công với họ. Chủ
đề di dân cũng được nhắc đến trong các kỳ họp khoáng đại của FABC những năm sau
đó: FABC VI “Môn đệ Chúa Kitô tại Á châu Ngày nay” (Manila, 1995), FABC VII
“Canh tân Giáo hội tại Á châu trong Sứ mạng Yêu thương và Phục vụ” (Samphran,
Thái Lan, 2000), và FABC VIII “Gia đình Á châu hướng tới một nền Văn hoá của Cuộc
sống Tích hợp” (Daejeon, Hàn Quốc, 2004).
Năm 1993, văn phòng Phát triển Con người
(Office of Human Development) của FABC đã tổ chức một cuộc hội thảo liên vùng tại
Hongkong để bàn về tình trạng người lao động xuất khẩu Philippin ở Á Châu – một
vấn đề nổi cộm trong thời đại toàn cầu hoá. Năm 1997 trong dịp hội thảo về “Hội
thánh Á châu trong Thế kỷ 21” (tại Pattaya, Thái Lan), văn phòng cũng đưa ra một
số gợi ý cụ thể cho việc mục vụ di dân, bao gồm các cuộc họp song phương của uỷ
ban di dân của hội đồng giám mục; triển khai các chương trình huấn luyện những
tác viên mục vụ di dân ở cấp quốc gia và cấp địa phương; đưa việc mục vụ di dân
vào các chương trình mục vụ chung trong giáo phận, đặc biệt tăng cường việc đối
thoại và hợp tác giữa giáo phận gốc và giáo phận nơi di dân đang cư trú; nối kết
các vấn đề của di dân với các vấn đề và chính sách lao động để tìm ra giải pháp
đồng bộ.
Nhìn chung, các văn kiện và chính sách của
Toà thánh cũng như các của các giáo hội địa phương có những đóng góp cụ thể vào
việc chăm sóc mục vụ. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam, mãi đến lần đại hội
X (2007-2010)Hội đồng Giám mục Việt Nam mới thành lập thành lập Uỷ ban Mục Vụ
Di dân để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho người di dân trong và ngoài nước với ĐHY
Phạm Minh Mẫn làm chủ tịch tiên khởi. Hiện nay, ĐC Đỗ Mạnh Hùng phụ trách uỷ
ban này (từ tháng 10/2016).[7]
3. Thần Học Về Di Dân
Thần học về di dân cũng là thần học về con
người, đặc biệt trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tự bản chất,
thần học về di dân là thần học mục vụ. Đối tượng của những suy tư thần học về
người di dân đặt nền tảng trên ba khái niệm, hay ba chiều kích, mà tôi sẽ trình
vầy vắn gọn dưới đây: imago Dei (hình
ảnh Thiên Chúa), visio Dei (tầm nhìn
Thiên Chúa) và missio Dei (sứ mạng
Thiên Chúa). Ba khái niệm thần học này diễn tả cách thức mà Thiên Chúa muốn hiện
diện và chia sẻ vào đời sống con người.
a. Imago Dei
Yếu tố đầu tiên, và cũng là một khái niệm
cơ bản, không những trong tôn giáo và còn là giá trị chung của thế giới văn
minh là nhân vị và nhân phẩm. Mỗi con người có một địa vị, có một phẩm giá
riêng biệt mà không ai có thể lấy đi được. Những luật lệ, quy ước quốc tế về
nhân quyền đặt nền tảng trên khái niệm cơ bản này. Niềm tin Kitô giáo đã chỉ rõ
ra là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei, St 1:26-28). Họ sinh ra trong
tự do và bình đẳng làm con cái Chúa, và được quyền mưu cầu hạnh phúc. Khi nhân
phẩm bị chà đạp, khi nhân vị không được tôn trọng, khi nhân quyền bị xoá bỏ thì
imago Dei bị lu mờ.
Một trong những khó khăn nhất mà người di
dân phải gánh chịu là thái độ kỳ thị, khinh rẻ – là kinh nghiệm không được đối
xử như là con người (dehumanization).Không
ít những di dân phải đối mặt với sự thù hằn, quy chụp, ganh ghét, thậm chí mạng
sống bị coi rẻ chỉ vì họ là người nhập cư. Khi có những cuộc tranh chấp, xung đột
quyền lợi với dân địa phương, người di dân luôn luôn bị thiệt thòi. Họ bị quy
chụp bằng những từ ngữ xấu xa nhất, như là súc vật, cặn bã, hay ký sinh trùng của
xã hội. Họ có thể bị chửi bới, đánh đập, hoặc giết chết mà chẳng ai quan tâm.
Hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, imago Dei, giúp chúng ta nhìn nhận giá
trị chân thực nơi những con người mà xã hội thường bỏ qua. Nếu những người di
dân chỉ được nhìn như những kẻ nhập cư lậu, những người tha phương cầu thực, những
gánh nặng xã hội, hay những cỗ máy lao động sản xuất thì chúng ta sẽ dễ dàng
làm ngơ, vô cảm trước những nỗi khó khăn, thống khổ của họ. Không nhận ra imago Dei, chúng ta có thể không cần
nhìn, không cần biết, không cần quan tâm đến những người này cho đến khi họ hiện
diện trong đời sống của chúng ta.
Khởi đi từ khái niệm imago Dei, Giáo huấn xã hội học Công giáo luôn quan tâm đến con người
như một chủ thể chứ không phải một đối tượng hay công cụ kinh tế. Trong những
cuộc tranh luận về chính sách phát triển kinh tế và xã hội, quyền lợi của những
di dân thường bị bỏ qua. Di dân cũng là con người và có quyền như bao nhiêu người
khác để được hưởng những gì cần thiết “để
thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa
bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo
tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền
hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống
tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo nữa cần thiết cho cuộc sống.”
(Gaudium et Spes 26).
Tôn trọng nhân vị của người di dân là phải
tạo điều kiện cho họ để được sống đúng với phẩm giá con người. Quan tâm đến
nhân phẩm là xem xét đánh giá và lên tiếng cảnh báo về những chính sách hoặc
quy định bất công, ngõ hầu những chính sách, quy định này có thể được chỉnh sửa
để tránh nạn phân biệt đối xử, kỳ thị nhắm vào người di dân.
b. Visio Dei
Khái niệm nền tảng thứ hai của thần học di
dân là nhìn những con người này trong viễn tượng của Thiên Chúa.Trong lịch sử mặc
khải, Thiên Chúa đã tỏ mình ra trước hết cho các di dân (Abraham, Isaac,
Giacóp) và người tị nạn (Môsê). Lịch sử của dân tuyển chọn cũng là lịch sử di
dân: Abraham từ miền Ur xa xôi đi về Ai Cập rồi định cư ở Canaan. Trong thời
Giôsep, con cháu ông Israen/Giacóp rời Canaan sang định cư ở Ai Cập, để rồi 400
năm sau đó, dưới sự hướng dẫn của Môsê, họ đã vượt Biển Đỏ trở về nguyên quán.
Trải qua nhiều năm tháng gian khổ lưu lạc trong sa mạc, cuối cùng 12 chi tộc
người Israen mới vào định cư ở đất hứa. Có thể nói kinh nghiệm lưu đày, xa xứ,
di cư là phần thiết yếu của lịch sử cứu độ. Ngay cả biến cố Nhập thể cũng có thể
xem là một cuộc di cư của Con Thiên Chúa từ trời xuống thế, chịu khổ nạn, phục
sinh rồi trở về trời (Phlp 2, 1-11). Ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với tất
cả các di dân của mọi thế hệ.
Thiên Chúa đã tỏ mình ra trước hết là Đấng
Tạo Hoá, người Cha chung của muôn loài muôn vật. Mặc dù tội lỗi đã làm thế giới
này trở nên hỗn loạn và con người xa cách nhau, Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm đến
thế giới của chúng ta, đặc biệt là những con người thấp cổ bé miệng, bên lề xã
hội, mà thành phần di dân, người tha hương là chủ yếu. Ngài luôn thúc bách con người qua tiếng nói của
lương tâm và lòng trắc ẩn để con người xích lại gần nhau, quan tâm đến nhau, và
tìm cách xây dựng một thế giới công bình và tốt đẹp hơn.
Trong biến cố Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã
đi vào thế giới của nhân loại để hàn gắn những vết thương, xoá bỏ những bất
công, nối lại tình người với người. Trong kinh nghiệm làm người, Đức Giêsu cũng
đã trải qua thời thơ ấu như một người tị nạn ở Ai Cập (Mt 2, 13-17). Con Thiên
Chúa đã mặc lấy thân phận loài người của những người kém may mắn nhất, chịu đói
chịu khát, không nhà không cửa, bị đồng hương thân thuộc hiểu lầm, từ chối (Mt
13, 54-57; Mc 3, 20-21; 6, 1-4, Lc 4, 13-20), bị đối xử bất công, kỳ thị vùng
miền (Ga 7, 41-43.52), bị các môn đệ bán đứng, bỏ rơi, chối bỏ (Mc 14, 13-46;
50; 66-72), bị lên án như kẻ gây rối (Lc 23, 1-5), bị đóng đinh như một tội phạm
(Lc 23, 32-43), và chết tha hương (Mt 27, 57-60). Qua cuộc sống, sự chết và phục
sinh của Ngài, Đức Giêsu Kitô đem lại cho những anh chị em di dân niềm an ủi
sâu xa là Ngài hiểu họ và trở nên một với họ. Câu chuyện của Đức Giêsu Kitô đem
lại cho người di dân niềm hy vọng vào một Thiên Chúa ở cùng với họ trong mọi
hoàn cảnh, rằng kể cả trong những tình huống tuyệt vọng và chán chường nhất niềm
tin vào Chúa Kitô Phục Sinh có thể đem lại cho họ ánh sáng và bình an.
c. Missio Dei
Cả cuộc đời Đức Giêsu thành Nazaret, có thể
nói cả sứ mạng của Ngài, là rao giảng về Nước Thiên Chúa (regnum Dei) – một thực tại tối hậu mà trong đó không còn một sự
chia rẽ hay phân ly nào. Ngay từ đầu trong công cuộc rao giảng, Đức Giêsu đã mượn
lời của ngôn sứ Isaia để nói về sứ mạng của mình như sau: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao
giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền
sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho
những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4,
18-19; Is 61, 1-2).
Nước Thiên Chúa là phần thiết yếu trong viễn
tượng của Thiên Chúa (visio Dei) mà Đức
Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta qua những lời rao giảng, cuộc sống và cách ứng xử
của Ngài, đặc biệt là với ngoại kiều, phụ nữ và trẻ em, là những đối tượng bên
lề trong xã hội Do Thái thời xưa. Qua những cuộc tiếp xúc với phụ nữ người
Samari (Ga 4, 4-42), người phụ nữ Syrô-Phênixia (Mt 15, 24-28), viên quản đốc
Roma (Mt 8, 5-13), người thu thuế Zakêu (Lc 19:1-10),hay đồng bàn với người tội
lỗi (Mt 9, 9-13), Đức Giêsu đã phá bỏ hàng rào ngăn cách phân biệt chủng tộc,
giai cấp và định kiến xã hội giữa người và người. Đức Giêsu không chỉ quan tâm
đến họ, Ngài còn giúp cho họ được hội nhập trở lại trong cộng đồng qua việc chữa
lành người phong hủi (Mc 1, 40-45), đàn bà bị ô uế vì băng huyết (Mc 5, 25-34).
Quan tâm, nâng đỡ, ủi an, và giúp cho họ hội nhập vào cộng đoàn, là cách mà Đức
Giêsu thể hiện tình liên đới giữa người và người trong sứ mạng rao giảng về Nước
Thiên Chúa.
Trong lời giảng và cách sống của Ngài, Đức
Giêsu hướng con người đến viễn tượng của Thiên Chúa là tạo lập lên những tương
quan mới trong cộng đồng nhân loại, vượt lên những ranh giới, định kiến xã hội
– những tương quan không dựa trên vùng miền, giai cấp, chủng tộc, tiếng nói, địa
vị, hay khả năng, nhưng dựa trên tương quan Cha-con với Thiên Chúa và anh chị
em đồng loại với nhau.
Đức Giêsu đã thách đố những con người ở thời
đại của Ngài có cái nhìn rộng mở hơn với kẻ khác, dựa trên lòng thương xót của
Thiên Chúa chứ không phải những quan niệm xã hội và luật lệ của con người. Đức
Giêsu không đến để phá bỏ luật lệ, trật tự, kỷ cương, vốn là điều cần thiết cho
mọi xã hội. Tuy nhiên Ngài kêu gọi mọi người đi đến với một luật cao hơn đó là
luật bác ái vị tha, lấy con người làm gốc: “Ngày
Sabát được lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc
2, 27).
Sứ mạng của Giáo hội là tham dự vào sứ mạng
của Chúa Kitô (missio Dei), Đấng được
Chúa Cha sai đến vì loài người chúng ta. Ngày nay, Giáo hội tiếp tục sứ mạng của
Ngài để xây dựng Nước Thiên Chúa (regnum
Dei), rao giảng về tình thương của Thiên Chúa, hoà giải và chữa lành những
đổ vỡ giữa con người, và xây dựng một nền văn minh tình thương và sự thật, tôn
trọng phẩm giá con người. Người tín hữu dấn thân không chỉ việc bác ái, nhưng
hơn thế nữa, xem việc dấn thân cho các đối tượng bên lề xã hội, những con chiên
“lạc”, những đồng bạc bị “mất”, trong đó người di dân là ưu tiên mục vụ hàng đầu
để xây dựng mỗi xã hội công bình và nhân ái hơn.
4. Chăm Sóc Mục Vụ Cho Người Di Dân
Từ những suy tư thần học, sau đây là một
vài gợi ý trong việc chăm sóc mục vụ cho người di dân.
a. Thánh Lễ và Các Bí Tích
Các thánh lễ cho người di dân nên được khuyến
khích mở rộng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của các người tạm cư, xa xứ. Mọi
thành phần dân Chúa trong cộng đoàn địa phương cố gắng giúp anh chị em di dân
chóng hội nhập và có cuộc sống tâm linh. Làm sao để những người di dân mau
chóng gia nhập các giáo xứ, cộng đoàn địa phương, để họ có thể lãnh nhận các bí
tích thường xuyên.
b. Hoạt Động Văn Hoá, Giải Trí Lành Mạnh
Nhà thờ cũng còn là nơi các di dân gặp gỡ,
sinh hoạt để cùng nâng đỡ và tương trợ trong đời sống tâm linh và xã hội. Các
khoá tĩnh tâm, các buổi học hỏi /chia sẻ lời Chúa, họp nhóm, sinh hoạt ca đoàn
cũng là những dịp để người di dân cùng nhau thăng tiến trong đời sống đạo. Cần
có một không gian sinh hoạt để các người tạm cư, nhất là công nhân lao động xa
nhà đến với nhau để thư giãn, kết bạn, và vui chơi lành mạnh qua các hoạt động
thể thao, văn nghệ, picnic, dã ngoại, v.v.
c. Tư Vấn, Giáo Dục và Chăm Sóc Sức
Người tạm cư cũng có nhu cầu được tư vấn về
những luật lệ và quyền lợi lao động, trau dồi thêm tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức
để họ nhanh chóng hoà nhập vào xã hội và môi trường chung quanh. Có thể lập ra
những chương trình dạy nghề, dạy kỹ năng sống, ngoại ngữ, giới thiệu việc làm để
giúp những người di dân, đặc biệt những người lao động trẻ thăng tiến bản thân
và đóng góp tốt hơn cho xã hội.
Ngoài ra, người di dân cũng cần được tư vấn
về đời sống tinh thần giúp họ vượt qua những nỗi cô đơn, khủng hoảng trong cuộc
sống. Cần đặc biệt chú ý đến khía cạnh gia đình của những người di dân. Tình trạng
chia cắt xa nhà của di dân dễ làm quan hệ gia đình của họ lỏng lẻo, dễ tổn
thương. Đặc biệt các chị em phụ nữ xa chồng, con, cần phải được giúp đỡ để
tránh tình trạng đổ vỡ gia đình khi gặp quá nhiều áp lực trong cuộc sống.
Nên liên kết những trạm y tế, phòng khám miễn
phí để giúp các di dân nghèo được tiếp cận với những dịch vụ y tế, khám bệnh, lấy
thuốc, được tư vấn về dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh, phòng bệnh.
d. Bảo Vệ trước Pháp Luật
Trong một số trường hợp, các di dân bị lạm
dụng tình dục, bạo hành, là nạn nhân của việc lừa đảo, bắt cóc, buôn người. Điều
này thường xảy ra ở những người đi làm việc ngoài nước, đặc biệt là phụ nữ và
trẻ em. Đây cũng là một mối quan tâm chung của xã hội, và đòi hỏi nhiều công sức
cũng như hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền ở các nước sở tại hầu giải cứu
và đưa họ về nước.
Việc nhập cư trái phép còn dẫn đến tình trạng
lạm dụng và bạo hành người lao động di dân. Các tín hữu cùng chung tay vận động
để chính quyền có những chính sách lao động đúng đắn để người di dân có những
cơ hội tìm việc làm và những điều kiện sống tốt hơn, cũng như để giảm thiểu
tình trạng buôn bán và bóc lột người lao động nhập cư.
Cần cộng tác với các tổ chức thiện nguyện địa
phương tìm cách chăm sóc cho những anh chị em này. Việc lập các mạng lưới xã hội, kênh thông tin
để thông báo rộng rãi tình trạng của những anh chị em này cho những cơ quan hữu
trách và những cá nhân quan tâm, cũng là một phương tiện hữu hiệu để giảm thiểu
những nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh.
Trên đây chỉ là một vài gợi ý cho mục vụ
chăm sóc tinh thần và quan tâm cho những anh chị em di dân tạm thời. Đối với những
di dân vĩnh viễn, cần có những chương trình, kế hoạch chung nhằm giúp họ mau
chóng hoà nhập vào giáo hội địa phương.
Tạm Kết
Một nền thần học về di dân cố gắng diễn đạt
một cái nhìn về con người trong hình ảnh Thiên Chúa (imago Dei). Đây là một nỗ lực suy tư về đức tin để làm sao hoá giải
những xung khắc, căng thẳng giữa những định chế của nhân loại và tầm nhìn của
Thiên Chúa (visio Dei) được hoàn
thành nơi triều đại/vương quốc của Ngài (regnum
Dei). Sứ mạng của Giáo hội là tham
gia vào sứ mạng của Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Kitô (missio Dei) – sứ mạng cứu độ con người.
Việc quan tâm, chăm sóc cho người di dân về
đời sống tinh thần và vật chất là cách người Công giáo sống Tin Mừng cứu độ. Việc thể hiện đức ái với những anh chị em này
là cách chúng ta gặp gỡ chính Đức Kitô, Đấng hiện diện trong những người bé mọn,
nghèo hèn, bị bỏ rơi của xã hội. Đằng sau những con người di dân, bơ vơ, những
người bị chà đạp, bóc lột, thấp cổ bé miệng, chính là Chúa Kitô, Đấng mà chúng
ta sẽ gặp khi tính sổ cuộc đời trong ngày sau hết. “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là
khách lạ, các ngươi tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù các ngươi đã đến thăm…” (Mt 25, 34-36).
WHĐ (22.04.2021)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 97 (Tháng 11
& 12 năm 2016)
[1] Theo World Migrant Report 2015 (http://publications.iom.int/system/files/wmr2015_en.pdf). Ngoài ra có thể tham khảo các nguồn sau đây về số liệu di dân trên thế giới: International Organization of Migration (IOM, http://www.iom.int/jahia/jsp/index.jsp), International Labor Organization (ILO, http://www.iol.org/global/lang-en/index.htm), United Nations High Commissioner for Refugees (UNHCR, http://www.unhcr.org), United Nations Department of Economic and Social Affairs (UNDESA, http://un.org/development/desa).
[2] Theo số liệu của Học Viện Ngoại giao năm 2012, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có trên 4 triệu người và phân bố không đồng đều tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, và Úc. Xem: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KieuBao/2012/8/AC00DE8998409F1F/
[3]Theo một phúc trình của Liên Hợp Quốc năm 2010 về tình trạng
di dân trong nước, năm 2004-2009 có 6,6 triệu người di dân trong và ngoài tỉnh ở
VN đa phần về lý do kinh tế. Xem “Di cư trong nước: Cơ hội và thách
thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”: https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/Migration%20Main%20Paper_VIE_FINAL_0.pdf
[4]Xem phúc trình “Di cư, tái định cư và biến đổi
khí hậu tại Việt Nam” (2014). http://www.vn.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Migration%20and%20climate%20change_BW_VN.pdf.
[5]Xem bản tiếng Anh của văn kiện này tại: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/migrants/documents/rc_pc_migrants_doc_20040514_erga-migrantes-caritas-christi_en.html
[6] Xem văn kiện đúc kết tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/van-kien-ket-thuc-dai-hoi-muc-vu-di-dan-the-gioi-lan-vii-nam-2014-17890
[7] Xem trang web của Uỷ ban Mục Vụ Di dân: https://hdgmvietnam.com/tin-tuc/di-dan