Văn kiện kết thúc Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII (năm 2014)
WHĐ (26.03.2015) – Từ ngày 17 đến 21 tháng Mười Một 2014, tại Vatican đã diễn ra Đại
hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII với chủ đề “Hợp tác và phát triển”, do Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động (PCMI) tổ
chức, có sự tham dự của đại diện Uỷ ban Mục vụ Di
dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ngày 12-02-2015, Đức Hồng y Antonio
Maria Vegliò, Chủ tịch PCMI, đã gửi đến các tham dự viên Đại hội Văn kiện kết
thúc.
Đức Hồng y Vegliò giới thiệu tóm tắt: “Văn kiện được chia làm ba phần.
Phần thứ nhất, tóm tắt những sự kiện diễn ra trong Đại hội, tiếp đến, phần thứ
hai nêu lên 16 đúc kết. Phần cuối của Văn kiện, từ những điều đã đúc kết, đưa
ra những khuyến nghị đã được gần 300 vị tham dự nêu lên, thể hiện mong muốn dấn
thân thực thi sứ vụ của mình trong những năm sắp tới”.
Và ngài bày tỏ “tha thiết đề nghị tất cả quý vị đã tham gia Đại hội,
đặc biệt quý Đức cha Đặc trách Di dân, quý Giám đốc Văn phòng Di dân Toàn quốc,
chia sẻ Văn kiện này đến những vị được trao nhiệm vụ phụ trách mục vụ di dân
trong nước mình, tại các giáo phận, các cộng đoàn địa phương và các giáo xứ của
mình. Nhờ đó, tôi hy vọng mọi nỗ lực và sự tận tụy trong Đại hội Thế giới sẽ
mang lại hoa trái dồi dào và phục vụ đắc lực cho sứ vụ đưa Chúa Kitô đến hiện
diện nơi các bạn di dân, là anh em, chị em của chúng ta”.
Uỷ ban Mục vụ Di
dân của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chuyển dịch sang Việt ngữ Văn kiện này và gửi đến trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam để phổ biến.
Sau đây là bản
dịch Văn kiện nói trên.
***
Hội
đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động
Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII
Roma, từ ngày 17 đến 21 tháng Mười Một 2014
Chủ đề: “Mục vụ Di dân: Hợp tác và Phát
triển”
VĂN KIỆN KẾT THÚC
I. SỰ KIỆN
1.
Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII đã diễn ra từ thứ Hai 17 tháng Mười Một
đến thứ Sáu 21 tháng Mười Một, năm 2014, tại Đại Thính Đường (Aula Magna) của Đại học Giáo hoàng
Urbaniana, Vatican (số 16, đường Urbano VIII, thành Vatican), với chủ đề “Mục vụ Di dân: Hợp tác và Phát triển”.
2.
Đại hội đã quy tụ 284 vị tham dự, đến từ năm châu lục, thuộc hơn 90 quốc gia
khắp thế giới. Trong số các đại biểu, có các Hồng y và Thượng phụ giáo chủ
Antiôkia của Giáo hội nghi lễ Marônít, các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ,
hội viên các Tu hội đời, các giáo dân đảm trách mục vụ di dân, cũng như nhiều
đại biểu thuộc các Giáo hội Công giáo, các phong trào giáo dân hoặc hiệp hội.
Tham dự Đại hội còn có các Đoàn Đại biểu anh em thuộc Toà Thượng phụ Đại kết, Toà
Thượng phụ Chính thống giáo Rumani, Giáo hội Chính thống Hy Lạp, Giáo hội Hiệp
thông Anh giáo, Liên đoàn Luther Thế giới và Hội đồng Đại kết các Giáo hội.
3.
Đức hồng y Antonio Maria
Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di
dân và lưu động đã long trọng khai mạc Đại hội, với sự tham dự của Ngài Angelino Alfano, Bộ trưởng Nội vụ của
chính phủ Italia, nhiều vị đại sứ và các vị đại diện các phái bộ ngoại giao tại
Toà Thánh, Bà Tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Đại diện Phủ Quốc vụ khanh Toà
Thánh – Chi II, phụ trách Liên lạc với các Quốc gia (tức Bộ Ngoại giao) tham dự và phát biểu, các
thành viên của các Tổ chức quốc tế phi chính phủ, đặc biệt sự tham dự Đại hội
của Ngài Đại sứ William Lacy Swing, Tổng giám đốc Tổ chức
Quốc tế về Di dân, các chuyên viên và các vị đại diện các tổ chức trực tiếp
hoặc gián tiếp tham gia đóng góp phúc lợi vật chất và tinh thần của người di
dân.
4.
Đại hội đã dành mỗi ngày cho một khía cạnh của chủ đề Đại hội. Nhằm đạt hiệu
quả cao nhất, mỗi ngày Đại hội đều dùng phương pháp là sau các buổi hội nghị,
đều có thảo luận (bàn tròn) về các vấn đề trọng tâm, các cá nhân phát biểu và
trình bày những ý tưởng và suy tư tại các buổi làm việc nhóm vào buổi chiều.
5.
Ngày thứ nhất của Đại hội, thứ Ba 18 tháng Mười Một 2014, Thánh lễ khai mạc Đại
hội được cử hành tại Bàn thờ Ngai toà trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô,
dưới sự chủ toạ của Đức hồng y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà
Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động. Đề tài của ngày thứ nhất là tình
trạng diaspora (tha hương), cụ thể
là những người lao động tha hương tìm việc làm –một hiện tượng đang diễn ra tại
rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại buổi hội nghị chính trong ngày, Đức hồng
y Luis Antonio Tagle, Tổng
giám mục Manila (Philippines), thành viên Hội đồng Toà Thánh về Di dân, trình
bày đề tài: “Tha
hương và Hợp tác: Hướng đến sự phát triển của Thế giới và của Giáo hội”.
Trong khung cảnh của cuộc hội nghị về tha hương, đã phát sinh một đề tài quan
trọng, có liên quan đến tình trạng tha hương tìm việc làm của người lao động,
đó là vấn đề gia đình, đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý tại hội thảo Bàn
tròn thứ nhất của Đại hội, với đề tài “Gia
đình người Di dân trong bối cảnh sống tha hương”. Thảo luận và chia sẻ quan
điểm về vấn đề này, là ba vị khách mời thuộc ba nền văn hoá khác nhau: Đức cha
John Charles Weste, giáo phận Salt Lake City (Hoa Kỳ), Đức cha Lucio Andrice
Muandula, giáo phận Xai-Xai (Mozambique), và Đức cha Mario Toso, Thư ký Hội
đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình (Toà Thánh). Điều phối viên của hội thảo
Bàn tròn là Đức ông Domenico Pompili, Phó thư ký Hội đồng giám mục Italia
(Italia).
6.
Tiếp tục suy tư về hợp tác và phát triển trong hoạt động mục vụ di dân, ngày
thứ hai của Đại hội (thứ Tư 19 tháng Mười Một 2014) bàn về đề tài được cô đọng
trong từ đối tác. Buổi hội nghị
chính trong ngày mang tên “Các Di dân là
những đối tác trong việc phát triển các quốc gia xuất thân, chuyển tiếp và đến
làm việc”, với bài thuyết trình của Tiến sĩ Johan Ketelers, Tổng thư ký Ủy ban Di dân Công
giáo Quốc tế (Thụy Sỹ) và Cố vấn của Hội đồng Toà Thánh về Di dân. Khái niệm “đối tác” được bàn luận sâu rộng tại hội thảo Bàn tròn thứ hai của Đại
hội, cuộc hội thảo này nhằm xem xét vai trò của người phụ nữ di dân, mang tên “Vai trò của người phụ nữ di dân trong vấn đề
hợp tác và phát triển”. Ba diễn giả được mời trình bày tại cuộc hội thảo
là: Nữ tu Patricia Ebegbulem, đến từ Lagos (Nigeria), Điều phối viên của Mạng
lưới Phi châu chống nạn buôn người, Nữ Tiến sĩ Martina Liebsch, Giám đốc vận
động chính sách của Caritas
Internationalis (Toà Thánh), và nữ tu Rosita Milesi đến từ Brasília
(Brazil), Giám đốc Viện nghiên cứu Di dân và Quyền con người (Instituto Migrações e Direitos Humanos).
Điều phối và hướng dẫn thảo luận là Nữ Tiến sĩ Angela Ambrogetti, nhà báo kiêm
giám đốc trang web www.korazym.org
(Italia).
7.
Ngày thứ ba của Đại hội, thứ Năm 20 tháng Mười Một 2014, được dành cho đề tài phẩm giá của di dân. Tại buổi hội nghị
chính, Đức Tổng giám mục Silvano
M. Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hợp Quốc (Thụy Sỹ)
đã trình bày về “Phẩm
giá của di dân, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và giống Chúa, cưu mang
hình ảnh của Đức Kitô, một người Di dân”. Hội thảo Bàn tròn thứ ba tập
trung vào đề tài người trẻ và vai trò của họ trong xã hội và Giáo hội. Ba diễn
giả được mời đến trình bày và tham gia thảo luận về đề tài “Những di dân trẻ: Tiềm năng trong việc xây dựng những nhịp cầu của sự
hợp tác giữa các xã hội hướng đến phát triển”, gồm: Đức Tổng giám mục José
Domingo Ulloa Mendieta, Tổng giáo phận Panama City (Panama) kiêm Chủ tịch Ban
Thư ký Hội đồng giám mục Trung Mỹ (SEDAC); Đức cha Barthélemey Adoukonou, Thư
ký Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá (Toà Thánh); và cha Maurizio Pettenà, Giám đốc Văn phòng Toàn quốc
về Di dân và Tị nạn Australia tại Canberra (Australia) kiêm Cố vấn Hội đồng Toà
Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động.
8.
Qua Đại hội, các đại biểu tham dự có cơ hội được nghe những bài thuyết trình
súc tích của mười một Hội đồng giám mục trên thế giới, nghe chứng từ của nữ Tiến sĩ Maria De
Lourdes Jesus, phóng viên ở Roma, chia sẻ câu chuyện của bản thân và kinh
nghiệm di cư từ Cộng hoà Cabo Verde rồi hội nhập vào xã hội Ý. Thời gian diễn
ra Đại hội là cơ hội cảm nghiệm và làm chứng, ít nhất trong một mức độ nhất
định, sự phong phú và đa dạng về mục vụ di dân của Giáo hội.
9.
Đại hội đã kết thúc vào thứ Sáu 21 tháng Mười Một, 2014, với cuộc yết kiến Đức
Thánh Cha Phanxicô. Sau khi trình bày bản Thông cáo báo chí cuối cùng và Diễn
văn bế mạc của Đức hồng y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về
Mục vụ cho người di dân và lưu động, tại Đại thính đường của Đại học Giáo hoàng Urbaniana,
các đại biểu đã tề tựu tại Điện Tông đồ và được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp
kiến vào lúc 12g trưa. Ngỏ lời với các đại biểu tham dự Đại hội, Đức Thánh Cha
Phanxicô nêu rõ di dân là những người hy vọng gia đình mình sẽ có một tương lai
tốt đẹp hơn, dù có thể sẽ gặp thất vọng và thất bại. Các di dân có thể thực
hiện được niềm khao khát một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình
mình, tuy nhiên, cùng với những điều tốt đẹp này cũng có những vấn đề đang tồn
tại. Giáo hội phải duy trì nguồn hy vọng cho người di dân, những người đã không
ít lần sống trong thất vọng, nản lòng và cô độc. Đức Thánh Cha đã nài xin Thánh
Gia, vốn từng trải qua cuộc lưu vong sang Ai Cập, chuyển cầu, và ngài đã ban
phép lành cho mọi người hiện diện.
II. ĐÚC KẾT
Mục
tiêu của Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII là xem xét hiện tượng di dân,
đặc biệt di dân về kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự cũng lại mong muốn
nhìn nhận trào lưu di dân đang diễn ra phức hợp, gồm những người tị nạn, di dân
nội địa, di dân do biến đổi khí hậu, v.v…, cũng như có những khó khăn khi phải
phân định những khác biệt giữa các trào lưu này.
Tuy
vậy, đối với mục tiêu đã được Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII đề ra, các
đại biểu tham dự khẳng định rằng:
1.
Việc di dân tiếp tục là dấu chỉ của thời đại, trong đó càng phải lưu tâm coi
trọng hơn nữa nhân vị và nhân phẩm con người.
2.
Phát triển là một quá trình động, bao gồm tăng trưởng, thăng tiến và tiến bộ,
với mục tiêu cuối cùng là làm tăng thêm những khả năng của con người, mở rộng
phạm vi lựa chọn cho con người và tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh để
mọi người trong đất nước có thể sống, làm việc và thực hành tín ngưỡng của mình
với phẩm giá và sự bình đẳng trong đạo cũng như ngoài đời.
3.
Phẩm giá làm người của tất cả cũng như của từng người di dân là tối quan trọng. Những biến
đổi tôn giáo, sắc tộc, xã hội hoặc văn hoá, có hay không có quốc tịch, không hề
làm thay đổi chút nào nơi mỗi cá nhân về giá trị vốn có và không thể đo được,
cũng như về phẩm giá mà mỗi người đều có và đều phải được coi là thánh thiêng.
4.
Những lợi ích do di dân mang lại rất lớn lao, không chỉ về phương diện kinh tế,
cũng không chỉ cho những quốc gia họ đến làm việc mà còn cho quốc gia gốc của
mình, và trong một số trường hợp, còn cho cả quốc gia trung chuyển nữa.
5.
Quốc gia trung chuyển cũng có một tầm quan trọng riêng. Không chỉ là điểm liên
lạc giữa nơi xuất phát và nơi đến của các di dân, mà cũng còn là nơi các di dân
gặp phải nhiều khó khăn.
6.
Hiện có một khuynh hướng đáng tiếc là các cộng đoàn và tổ chức Giáo hội làm
việc biệt lập với nhau, như vậy sẽ tạo ra khoảng trống có thể khiến các quyền
lợi của di dân dễ bị xâm hại và phát sinh những khó khăn trong việc sáng tạo
các chương trình mục vụ thích hợp tại Giáo hội nơi đến (gồm có việc loan báo
Tin Mừng, huấn luyện việc lãnh nhận các bí tích, Phúc âm hoá và nội tâm hoá các
giá trị và khái niệm Kitô giáo).
7.
Đức tin cá nhân và lòng đạo đức bình dân của người di dân là một cách diễn tả
kinh nghiệm cá nhân sống đức tin Kitô giáo và là điểm nối kết giữa Giáo hội gốc
và Giáo hội nơi đến. Hội nhập không phải là chia lìa cũng không đồng hoá một
cách giả tạo, nhưng chính là cơ hội xác định căn tính di sản văn hoá của người
nhập cư, đồng thời nhìn nhận những đóng góp và khả năng của họ đối với lợi ích
chung của toàn thể cộng đoàn Giáo hội.
8.
Các chính sách hiện nay đối với di dân có khuynh hướng nhấn mạnh đến chiều kích
cá nhân của người di dân khi họ quyết định sống tha hương, tập trung vào khía
cạnh việc làm hơn là chú ý đến gia đình của những người di dân. Quả thật, chính
sách quốc gia về người di dân thường là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn
đến tình cảnh gia đình phân ly, đồng thời có thể dẫn đến sự đổ vỡ các mối quan
hệ trong gia đình.
9.
Gia đình di dân thường lâm vào tình cảnh: một đàng thì mất gốc, đàng khác lại
không hội nhập được vào xã hội mới, tạo nên sự căng thẳng tác động tiêu cực đến
từng cá nhân và toàn thể gia đình.
10.
Vấn đề gia đình bị phân ly, do hệ thống chính sách về người di dân không hoàn
hảo, là vấn đề đáng quan tâm nhất/quan trọng nhất của mục vụ di dân, đặc biệt
đối với các quốc gia có đông đảo người tha hương (diaspora).
11.
Mục vụ di dân cần chú ý xem xét sự khác biệt giữa các thế hệ thứ nhất, thứ hai
và thứ ba, mỗi thế hệ đều có đặc điểm và những khó khăn riêng.
12.
Các phụ nữ di dân ngày nay cần phải được nhìn nhận không phải là những người
phụ thuộc, hoặc như một phần của tiến trình đoàn tụ gia đình, mà là những nhân
tố độc lập đang nâng đỡ và/hoặc đề ra kế hoạch lâu dài cho gia đình. Vấn đề di
dân có thể trở thành một công cụ/cơ hội quan trọng làm tăng thêm quyền của
người phụ nữ.
13.
Những người trẻ di dân đang đòi hỏi một môi trường xã hội tạo điều kiện và
khuyến khích họ phát triển thể xác, tinh thần, văn hoá và đạo đức.
14.
Có ba lĩnh vực những người trẻ di dân có thể xây dựng một cách năng động nhất
những nhịp cầu nối kết các xã hội lại với nhau, khi họ dấn thân bên những người
cùng sống và làm việc với mình: qua các mối tương giao, qua việc học hành và
qua cuộc sống lao động.
15.
Các giáo phái tiếp tục phát triển là một thách đố đối với mục vụ di dân, đặc biệt
các thế hệ di dân trẻ.
16.
Đặt trong khung cảnh rộng lớn hơn về vấn đề di dân, trong đó phần đông di dân
không phải là người Công giáo hoặc Kitô giáo, thì việc hợp tác đại kết và đối
thoại liên tôn có một tầm quan trọng rất lớn.
III. KHUYẾN NGHỊ
Căn
cứ những đúc kết của Đại hội Mục vụ Di dân Thế giới lần VII, các đại biểu tham
dự mong được nói lên quyết tâm của mình nhằm thực hiện những khuyến nghị sau
đây:
1.
Các Giáo hội địa phương sẽ cùng nhau tạo nên cách tiếp cận chung, mang tính
nhân văn đối với những vấn đề và các khó khăn của vấn đề di dân (trong đó có
thể là làm việc với các Hội đồng Giám mục, các tổ chức phi chính phủ, các tổ
chức tôn giáo) nhằm bảo vệ quyền lợi của các di dân và ngăn ngừa nạn buôn
người, tình trạng bóc lột và những tội ác tương tự. Chú trọng làm việc trên các
mạng xã hội (bắt đầu bằng cách đơn giản trao đổi các chi tiết liên lạc, chẳng
hạn địa chỉ email, số điện thoại, các chi tiết Skype và địa chỉ những vị phụ
trách mục vụ di dân) nhằm mở rộng tầm phục vụ của mục vụ di dân.
2.
Những ai được trao sứ mạng giảng dạy trong Giáo hội sẽ cố gắng mở rộng kiến
thức và hiểu biết về Huấn quyền của Hội Thánh về di dân, tiếp đến, có thể đưa
lý thuyết vào thực hành tại địa phương.
3.
Các vị mục tử trong Giáo hội cần có tiếng nói thống nhất về vấn đề di dân. Giáo
hội là tiếng nói ngôn sứ về việc hội nhập thích đáng của các di dân vào những
cộng đoàn tiếp nhận họ, phải nhớ rằng cộng đoàn Giáo hội Công giáo có tính phổ
quát, nên việc tiếp cận mục vụ đòi phải toàn diện hơn, không chỉ chú ý đến khía
cạnh bác ái mà thôi.
4.
Giáo hội cần sử dụng tốt hơn nữa các phương tiện truyền thông nhằm thúc đẩy
quyền lợi của người di dân. Việc nâng cao nhận thức tại giáo xứ, khuyến khích
đứng về phía công lý và bình đẳng, mở các trung tâm nghiên cứu và xuất bản đều
mang lại khả năng thay đổi thông tin về vấn đề di dân. Công luận cần được thông
tin đúng đắn về thực trạng của di dân không những tại quốc gia đón nhận mà còn
tại quốc gia gốc của họ.
5.
Về hiện tượng nhập cư trái phép là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóc lột người
lao động di dân và gia đình của họ, các tín hữu phải vận động để chính quyền có
những chính sách đúng đắn và toàn diện hơn, giúp cho người di dân có được những
cơ hội tìm việc làm và có được những điều kiện sống tốt hơn, bảo đảm cho vai trò
của gia đình và của người phụ nữ, đồng thời ngăn ngừa tình trạng bóc lột
và/hoặc buôn bán người lao động nhập cư và những hình thức lạm dụng khác.
6.
Giáo hội ở mọi cấp đều là cộng đoàn của niềm hy vọng và của hành động, được thể
hiện qua sự liên đới với những người di dân, qua việc lên tiếng nói thay cho họ
(đặc biệt trẻ em và các thiếu niên không có ai đi cùng), qua sự nâng cao nhận
thức cho các tín hữu hướng đến thực hiện việc dấn thân, qua nỗ lực làm giảm bớt
nguyên nhân dẫn đến tình trạng buộc phải ra đi, và qua sự trợ giúp thực phẩm,
nơi ở, chăm sóc y tế và trợ giúp pháp luật đối với những người di dân bất kể
tình trạng của họ như thế nào.
7.
Giáo hội nơi gốc, Giáo hội nơi trung chuyển, và Giáo hội tại nơi tiếp nhận di
dân phải tăng cường thông tin và sự hiệp thông, đồng thời cộng tác với nhau để
có được những chương trình phòng ngừa do các Hội đồng giám mục tại những quốc
gia này tổ chức.
8.
Cần tăng cường sự hợp tác giữa Giáo hội nơi gốc và Giáo hội tại nơi tiếp nhận
di dân, đặc biệt đối với hai thế hệ di dân đầu. Qua sự chuẩn bị những người
hoạt động mục vụ và các cán sự xã hội về khả năng phục vụ, làm nhịp cầu nối kết
hai thực tại, sự hợp tác này đòi phải có sự đối thoại giữa hai nền văn hoá và
phải tính đến những vấn đề cụ thể của mỗi thế hệ.
9.
Những vị đảm trách mục vụ di dân phải bảo đảm tiếng nói của di dân được lắng
nghe, nhờ đó mới có thể lên tiếng bênh vực họ. Giáo hội phải bảo đảm rằng câu
chuyện cuộc đời của các di dân được nhìn nhận và tôn trọng.
10.
Các chương trình mục vụ của giáo phận và những sáng kiến liên quan đến những
người trẻ di dân cần được tập trung vào việc huấn luyện hội nhập, trong đó có
việc huấn luyện trở thành những cộng sự viên tích cực nối kết nền văn hoá gốc
của mình với nền văn hoá của nơi mình đang sống. Cần nhấn mạnh thái độ tôn
trọng văn hoá của người khác là điều cần thiết giúp hiểu biết nhau hơn.
11.
Các chương trình mục vụ của giáo phận phải nhắm đến các trường dạy nghề tại địa
phương, đề nghị mở các lớp có cấp chứng chỉ để có thể công nhận và cấp giấy
chứng nhận cần thiết cho những người trẻ di dân, để sự đóng góp của họ về khả
năng và tài nghệ trở thành một cơ hội góp phần vào sự phát triển của đất nước
của mình khi trở về.
12.
Cần xem xét các chiều kích thần học và mục vụ về di dân trong chương trình đào
tạo linh mục, tu sĩ và chuyên trách mục vụ. Vì vậy, việc đào tạo giáo sĩ cũng
như giáo dân đòi hỏi phải huấn luyện về liên văn hoá, có kiến thức và luyện tập
hướng đến đối thoại và trân trọng tiềm năng của các di dân, trong đó có vai trò
của họ trong việc Tân Phúc âm hoá. Ở cấp địa phương, điều này được thể hiện qua
việc cần thiết phải đào tạo nhân sự làm cầu nối văn hoá, biết sử dụng ngôn ngữ
và hiểu được văn hoá của những người di dân, cũng như hiểu được cách diễn tả
đức tin được họ mang đến.
13.
Sự hiện diện và vai trò của các Phong trào và Hiệp hội giáo dân trong Giáo hội,
với cơ chế của mình, đã điều hành theo một cách khác (đồng thời cũng mềm dẻo
hơn) mang lại nhiều lợi ích hơn cơ cấu chính thức của Giáo hội trong hoạt động
mục vụ di dân, nên cần được củng cố và tăng cường.
14.
Mỗi Hội đồng Giám mục, hoặc Cơ cấu phẩm trật tương đương trong các Giáo hội
Đông phương, đảm nhận việc thành lập một cơ quan chuyên biệt (văn phòng, ủy
ban, tiểu ban) để chuyên lo về mục vụ di dân, có thể sẽ là một bước trong việc
xây dựng một mạng lưới hiệu quả hơn giữa các Giáo hội. Về phần mình, Hội đồng
Toà Thánh về Mục vụ cho người di dân và lưu động có thể sẽ trở thành điểm liên
hệ chung hoặc là nơi phối hợp của mục vụ chuyên biệt này.■