TẠI SAO CÓ NHIỀU DÒNG MẾN
THÁNH GIÁ?
Nt. Marie Fiat Tuyết Mai,
MTG
DẪN NHẬP
Trong dịp liên
tam niên (2020-2022) mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong 1671
và Thái Lan 1672, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến lịch sử cũng
như quy chế Dòng Mến Thánh Giá. Đặc biệt câu hỏi “tại sao có nhiều Dòng Mến
Thánh Giá?” đã, đang và tiếp tục được đặt ra.
Quy chế Dòng Mến
Thánh Giá khá đặc biệt, thật không dễ để giải thích cho một người nước ngoài.
Chính lịch sử 350 năm Giáo hội Việt Nam đã hình thành nên nhiều Dòng Mến Thánh
Giá mang đặc tính Giáo phận; mỗi Giáo phận có một Dòng Mến Thánh Giá hoàn toàn
độc lập, càng khó hiểu hơn khi một Giáo phận có đến hai, thậm chí bảy Dòng Mến
Thánh Giá tự trị, dưới quyền chỉ đạo của cùng một Giám mục.
Song hành với
Giáo hội Việt Nam ngay buổi đầu thành lập, Dòng Mến Thánh Giá chia sẻ mọi bước
thăng trầm của Giáo hội. Nhờ cơ cấu uyển chuyển, các chị đã thích nghi và vượt
qua mọi khó khăn để có thể tồn tại và phát triển; hoàn cảnh lịch sử Giáo hội,
xã hội đã dẫn đưa các chị dần dần đến việc thiết lập những Dòng Giáo phận. Đó
là quy luật tất yếu, dù muốn hay không, các chị phải trải qua cuộc cải tổ này.
Nhân dịp Lễ Thánh
Giuse, Bổn mạng Dòng (19/3) trong liên tam niên mừng 350 năm Dòng Mến Thánh
Giá, xin được gửi đến quý độc giả một vài khám phá, suy tư và gợi mở về một
Dòng Nữ đầu tiên của Giáo hội Việt Nam.
I. ĐỨC
CHA LAMBERT LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Ngay những năm khởi đầu sứ vụ tại Châu Á, Đức cha
Pierre Lambert de la Motte, Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong, đã viết cho
Đức cha François Pallu, Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài, ước muốn đưa hai
hoặc ba nữ tu đạo đức từ Pháp sang thiết lập đời sống tu trì cho các thiếu nữ tại
miền truyền giáo[1],
nhưng cuối cùng các ngài thấy không khả thi trong hoàn cảnh mà chính các thừa
sai cũng không có sự an toàn[2].
Đức cha Lambert chờ đợi… ngài linh cảm, thấy trước trong dự kiến, xác nhận và
hành động trong thực tại khi Chúa Quan Phòng cho thấy những dấu chỉ cụ thể.
Trước khi Đức cha
Lambert đến Việt Nam, đã có những cộng đoàn do các thừa sai quy tụ. Tại Đàng
Trong, một số thiếu nữ đã xin Cha Antoine Hainques viết cho Đức cha Lambert, bởi
“các chị cảm nhận được ước muốn hiến thân cho Chúa cách hoàn hảo nhất”[3] ;
tại Đàng Ngoài, Cha François Deydier đã viết cho Giám mục của mình là Đức cha
François Pallu, ý định soạn luật cho hai nhà của các thiếu nữ và một số góa phụ
muốn sống chung với nhau (khoảng 30 người), nhưng không có một quyển sách nào
giúp ngài thực hiện[4].
Mọi sự như đã sẵn
sàng, vì Đức cha Pallu không thể đặt chân đến Đàng Ngoài, Đức cha Lambert thay
thế bạn mình thi hành trách nhiệm. Ngài đến Đàng Ngoài ngày 30 tháng 8 năm 1669
và đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá qua việc nhận lời khấn của hai chị đầu tiên
Anê và Paula, một cách âm thầm, có thể trên một chiếc thuyền[5],
vào ngày 19 tháng 2 năm 1670, nhằm ngày 30 tháng Giêng trong tiết xuân Canh Tuất,
đời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ VIII, và vào năm thứ 14 đời Chúa
Tây Đô Vương Trịnh Tạc cai trị Đàng Ngoài. Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, số chị
em Mến Thánh Giá Đàng Ngoài lên đến 100 người, rải rác trong rất nhiều cộng
đoàn[6],
vì Đức cha Lambert giới hạn mỗi cộng đoàn 10 người[7].
Tiếp đến, Đức cha
Lambert thành lập một cộng đoàn ở Đàng Trong năm 1671[8],
rồi Thái Lan năm 1672[9].
Ngày 13 tháng 12 năm 1675, lần đầu tiên, Đức cha Lambert đã nhận lời khấn của 4
trinh nữ Đàng Trong một cách công khai, « có sự quy tụ các tín hữu trong
Thánh lễ với Giám mục »[10].
Sau khi ngài qua đời (năm 1679), Dòng được lan truyền đến Campuchia năm 1772,
Nhật Bản năm 1878 và Lào năm 1887[11].
Đức cha Lambert
trao cho họ một quy chế đặc biệt để Tu hội có thể được Tòa thánh chấp thuận,
tương tự như các chị Nữ Tử Bác Ái của thánh Vincent de Paul, thành lập năm
1633, sau kinh nghiệm thất bại của thánh François de Sales đối với khuôn mẫu đầu
tiên của Dòng Thăm Viếng.
Ngày 12 tháng 10
năm 1670, Đức cha Lambert xin Toà thánh phê chuẩn Tu hội Nữ Mến Thánh Giá và Hội Tín hữu Mến Thánh Giá, ngài gửi thư
cho Đức Thánh cha đính kèm hai Bản luật riêng biệt[12].
Theo ý của Đức cha Lambert, quy chế Mến Thánh Giá cần được phê chuẩn như một Tu
hội với lời khấn đơn, sống cộng đoàn dưới quyền một Bề trên và tuân giữ một Bản
luật.
Đức cha Pallu viết
về Paris và sau này chính thức đệ trình lên Rôma, xin phê chuẩn Tu hội Nữ Mến Thánh Giá do Đức cha
Lambert thành lập, như một Hiệp hội[13].
Ngày 02 tháng Giêng năm 1679, Đức Giáo hoàng Innocent XI ban Đoản sắc xác nhận
các Hiệp hội Mến Thánh Giá và đồng
ý ban ân xá theo đề nghị ngày 28 tháng 8 năm 1678 của Thánh bộ Truyền bá Đức
tin[14].
Trong thực tế, theo quy định của Rôma thời bấy giờ, nội vi và lời khấn trọng
là điều kiện bắt buộc đối với nữ tu. Nếu các chị Mến Thánh Giá chỉ tuyên lời khấn đơn, sống cộng đoàn, không nội
vi, các chị chưa thể là tu sĩ. Dù chỉ được phê chuẩn như là Hiệp hội, nhưng quy
chế của các chị được trình bày trong Luật Tiên Khởi vượt xa cấp độ một Hiệp hội.
Đức cha Lambert
thành lập một ‘Dòng’ Mến Thánh Giá duy nhất, với sự thống nhất cơ cấu: một Đấng
Sáng lập, một Tu hội, một Bản luật, một tinh thần, một sứ mạng, nhưng được thiết
lập thành nhiều nhà (maison) trong các địa phận tông tòa; vì thực tế truyền
giáo và hoàn cảnh bách hại đạo, mỗi nhà chỉ có tối đa 10 chị[15].
Đức cha dùng từ ‘cộng đoàn’ (communauté) để chỉ các nhà này[16].
Dù ở Đàng Ngoài, Đàng Trong hay Xiêm La, các nhà ấy chỉ mang một danh hiệu duy
nhất ‘Chị Em Mến Thánh Giá’. Ngài là Bề trên của tất cả các nhà trong ba Miền
truyền giáo, đặt dưới sự chăm sóc trực tiếp của các cha thừa sai đang phục vụ tại
chỗ. Nét đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán, kể cả khí hậu địa phương nối kết
chặt chẽ hơn các nhà trong cùng một miền, hỗ trợ thêm cho sự thống nhất này.
II. MỘT
QUÁ TRÌNH UYỂN CHUYỂN VÀ THÍCH ỨNG TUYỆT VỜI
1. Hai
quy chế Âu-Á song hành suốt hai thế kỷ
Trong bối cảnh xã
hội, tôn giáo và lịch sử của Việt Nam thế kỷ XVII, người ta không thể nào mở những
Đan viện nữ với nếp sống nội vi như ở Phương Tây, mặc dù vẫn có đời sống tu trì
của những Sư cô. Mặt khác, Đức cha Lambert muốn đưa các chị Mến Thánh Giá ra
ngoài những bức tường, không chỉ của tu viện mà cả của gia đình. Giáo hội và xã
hội Việt Nam bấy giờ cần những phụ nữ dấn thân phục vụ giới nữ. Lần đầu tiên
trong lịch sử Việt Nam, người phụ nữ được giải phóng, được thăng tiến, được tìm
thấy giá trị của mình trong lòng xã hội. Những Giám mục kế vị Đức cha Lambert
đã nêu rõ sự nhìn nhận của Tòa thánh đối với chị em Mến Thánh Giá, ở Đàng Ngoài
cũng như Đàng Trong[17].
Tuy nhiên, sự nhìn nhận này không vượt xa hơn mức độ một tu hội đời, vì các chị
chỉ có thể tuyên lời khấn đơn.
Từ khi xuất hiện
đời tu cho đến lúc đó và kể từ thế kỷ XVI, lời
khấn đơn chỉ được xem là lời khấn tu
sĩ đối với Dòng Tên[18].
Mãi đến ngày 08 tháng 12 năm 1900, Đức Thánh Cha Léo XIII mới nhìn nhận là tu
sĩ chính thức đối với những người chỉ tuyên lời
khấn đơn và không sống trong nội vi[19].
Thời gian dài không là ‘tu sĩ’ chính thức này tương ứng với hai thế kỷ bách hại
đạo mà các chị Mến Thánh Giá đã trải qua.
Chính tình trạng
uyển chuyển của Dòng Mến Thánh Giá cho phép các chị vượt qua những cuộc bách hại
kinh khủng nhất; biến mất ở nơi này, các chị phát triển ở nơi khác một cách
nhanh chóng trong những cộng đồng Kitô hữu còn có thể hoạt động. Chính vì thế,
sau hơn 200 năm bách hại, các chị vẫn luôn kiên trung. Năm 1884, có đến 2000 chị
Mến Thánh Giá ở Đàng Ngoài và 1200 chị tại Đàng Trong[20].
Vấn đề lời khấn cũng phải được giải quyết trong chính bối cảnh này, vì chưa là
lời khấn tu sĩ, mọi sự đều có thể chuẩn chước. Vào thế kỷ XVIII, chúng ta có thể
hiểu cách dễ dàng vì sao Đức cha Reydellet chỉ cho các chị Mến Thánh Giá khấn
sau 40 hay 50 tuổi; chính do nguyên nhân bắt đạo, trong lúc đó, “các chị trẻ nhất
được gửi về gia đình, các chị lớn tuổi thì ẩn trốn trong nhà của các tín hữu”[21],
và những người trẻ có nguy cơ phải lập gia đình trong hoàn cảnh mới.
Sự quan tâm của Đức
cha Lambert trong việc giới hạn mỗi cộng đoàn 10 người cho phép gia tăng sự hiện
diện ở nhiều nơi, và mỗi cộng đoàn phục vụ các nơi phượng tự kín đáo. Trong thực
tế, đối diện với việc bắt đạo, người ta không thể xây dựng nhà thờ quá tỏ tường.
Vì thế, các thừa sai khi rảo khắp các xóm làng Kitô hữu, sẽ tìm thấy nơi nhà
các chị Mến Thánh Giá tất cả những đồ dùng cần thiết để cử hành Thánh lễ.
Trong lúc các
linh mục, thầy giảng lưu động để thi hành thừa tác vụ của họ, chị em Mến Thánh
Giá đảm bảo sự tiếp đón thường xuyên cộng đoàn tín hữu, chính nơi nhà các chị
người ta có thể tìm đến để trao đổi các thông tin, nhất là trong thời bắt đạo.
Cũng có đôi khi các chị Mến Thánh Giá rảo quanh khắp xóm làng của mình và ngủ lại
nhà các tín hữu để thi hành sứ mạng của họ[22].
Khi các thừa sai không còn đủ số thầy giảng để sai đi, từng nhóm hai chị Mến
Thánh Giá được gửi đến các chợ và những làng ngoại giáo[23].
Dù chưa được Giáo hội nhìn nhận chính thức, nhưng một cách nào đó, các chị Mến
Thánh Giá quả thật là những ‘nữ tu’ của thời đại!
Dấu ấn đặc biệt
này được nhấn mạnh nơi bảng thống kê của các thừa sai gửi về Rôma và Paris, các
ngài luôn ghi rõ tổng số cho ba cột, chẳng hạn một báo cáo ở Đàng Trong vào năm
1900, có 29 linh mục bản xứ, 70 thầy giảng và 250 chị Mến Thánh Giá, điều đó
làm nổi bật sự sáp nhập nữ tu Mến Thánh Giá vào trong cơ cấu Giáo hội địa
phương, như một trong ba cột trụ của Giáo hội Việt Nam thời bấy giờ[24].
Người ta không
bao giờ diễn đạt hết ý nghĩa, vị trí của một nhà Mến Thánh Giá trong ngôi làng
Việt Nam. Vào thời bắt đạo, các chị Mến Thánh Giá đảm nhận việc chuyển thư, tiếp
đón trong nhà của họ các linh mục và những tín hữu chạy trốn, thăm viếng những
người trong tù, đem Mình Thánh Chúa và lương thực cho họ[25].
Lúc đầu, những nhà cầm quyền không chú ý đến các chị, vì họ cho rằng đây chỉ là
những phụ nữ, vả lại « có án phạt tử hình đối với những ai dám lục soát dưới
áo phụ nữ »[26].
Nhưng chẳng bao lâu, họ ghi nhận được hiệu quả đáng chú ý nơi các chị, và từ đó
các chị trở thành mục tiêu hàng đầu trong các dịp bắt đạo. Vua Tự Đức xem các
chị như những "phụ nữ xấu xa". Năm 1860, ông ký một Sắc chỉ đặc biệt
chống lại các chị : « Những Kitô hữu nhờ những phụ nữ mà họ gọi là trinh
nữ để giấu những đồ thờ kính và để liên lạc thông tin lẫn nhau … Nếu người ta bắt
giữ được những phụ nữ xấu xa này, cần phải tuân theo những bản án chống lại họ,
trong tỉnh Hà Nội và Phú Yên, để trừng phạt hầu họ sửa đổi »[27].
Các chị thật xứng
đáng với những lời ca tụng của các thừa sai: « các chị quả thật là những tấm
gương đạo đức ở những nơi mà các chị hiện diện », « Những thiếu nữ
nghèo và thánh thiện, các chị thật xứng đáng với tên gọi này (Mến Thánh Giá),
các chị đã chịu đựng tất cả những gì biểu hiện sự đau đớn, nỗi lo âu, nỗi cay đắng
nhân loại, nhưng đồng thời các chị cũng tận hưởng tất cả những điều tiên tri về
niềm vui thiên đường và tình yêu thiêng liêng. Các chị đã đi theo một nếp sống
nghèo khó, lao động, khổ nhục, rảo khắp các nẻo đường của Annam, thăm viếng các
làng xã, để tái sinh các trẻ em trong nước Thánh tẩy; dù nguy cơ cho tính mạng
của mình, các chị đã cất giấu các linh mục trong thời gian bắt đạo, đem bánh Hằng
Sống vào tận trong tù cho các vị tử đạo; và để tô điểm bao đức hạnh cũng như sự
dũng cảm, các chị đã tuyên xưng Danh Thánh Giêsu-Kitô trong tra tấn cũng như
trong cái chết… Chị em Mến Thánh Giá đã chứng tỏ cho miền Viễn Đông thấy rõ
tính cao cả của sự khiêm hạ, vinh quang của đức vâng phục, vẻ lộng lẫy của đức
khiết trinh !»[28]. Nhân dịp mừng Tam bách Chu niên thành
lập Dòng Mến Thánh Giá (1670-1970), Tập san Liên Tu sĩ Việt Nam ở Rôma đã ghi
nhận: « họ là những nụ hồng thắm trên vòng triều thiên vinh quang của Giáo
hội Việt Nam … được tình yêu siêu nhiên biến thành ‘liệt nữ của Phúc
Âm’ ». Đức cha Angelo Palmas, nguyên Khâm sứ Tòa thánh tại Việt Nam khẳng
định: « Không thể viết Giáo sử Việt Nam, nếu không viết lịch sử Dòng Chị
Em Mến Thánh Giá »[29].
Khai sinh hầu như
cùng thời với Giáo hội Việt Nam, Dòng Mến Thánh Giá cũng đồng hành và thích ứng
với cơ cấu của Giáo hội Việt Nam qua từng giai đoạn. Thể chế một ‘Dòng’ Mến
Thánh Giá chỉ ổn định trong thời bình sinh của Đấng Sáng lập. Sau khi Đức cha
Lambert qua đời, quy chế chưa là ‘tu sĩ’, quy chế ‘Hiệp hội’ Mến Thánh Giá, dù
được Giáo hội nhìn nhận chính thức, vẫn không đủ để duy trì sự thống nhất cơ cấu
của tất cả các nhà Mến Thánh Giá rải rác khắp nơi, mặc dù Đức cha đã tiên liệu
cho các thừa sai ở khắp các miền truyền giáo trợ giúp, hướng dẫn họ hiệp thông,
liên kết với nhau.
Vì thế, khi nhiều
Địa phận Tông tòa mới được thiết lập, các nhà Mến Thánh Giá định vị trong mỗi Địa
phận mới trực thuộc quyền của vị Đại diện Tông tòa vừa được bổ nhiệm, thuộc
tính ‘giáo phận’ xuất hiện nơi các nhà Mến Thánh Giá[30].
Đã có vị Đại diện Tông tòa, Dòng Đaminh, buộc các chị Mến Thánh Giá trong địa
phận mình phải chuyển sang Dòng Ba Đaminh, vấn đề gây sốc lớn đến mức Tòa thánh
phải can thiệp. Tuy vậy, vẫn có một số nhà Mến Thánh Giá phải giải thể sau biến
cố này[31].
Trong suốt gần
200 năm sau khi Đức cha Lambert qua đời, bản Luật Tiên Khởi do Đức cha Lambert
biên soạn vẫn đồng hành như kim chỉ nam với các chị trên mọi nẻo đường. Tuy
nhiên, có những vị Đại diện Tông tòa đã cập nhật và sửa đổi quy luật của chị em
Mến Thánh Giá, chẳng hạn Đức cha Jean Labartette đã làm ra một Bản luật mới cho
Đàng Trong, bỏ tất cả các điều khoản liên quan đến việc hãm mình như ăn chay,
đánh tội, với lý do chúng không thích hợp với hoàn cảnh và tính khí người Đàng
Trong[32],
hoặc Bản luật Đàng Ngoài được thêm nhiều điều khoản chi tiết hơn đáp ứng những
đòi hỏi mới trong đời sống tu trì[33].
Từ đó, nảy sinh sự khác biệt giữa các nhà Mến Thánh Giá trong các Miền khác
nhau.
Cần phải đợi đến
Công đồng Vatican II các Dòng Mến Thánh Giá mới có Bề trên nữ; cho đến lúc đó,
ngoài những chị có trách nhiệm trong nhà, chính các thừa sai, đặc biệt Đức Giám
mục Đại diện Tông tòa sở tại, là Bề trên và ghi khắc dấu ấn của họ trên những cộng
đoàn Mến Thánh Giá khác nhau, phân bổ trong rất nhiều Địa phận ở Việt Nam. Vì
thế, đời tu của các chị Mến Thánh Giá được các thừa sai sánh ví với nhiều nguồn
khác nhau, có vị nhận định các chị như nữ tu dòng Thăm viếng, các đan sĩ
Chartreuses (Dòng Thánh Bruno) hay như những người sống trong thinh lặng và ẩn
cư[34],
lại có những người coi các chị như những đan sĩ Carmel mà luật được giảm nhẹ và
thích ứng theo thời gian, người khác đề cao nơi các chị mẫu gương cho tín hữu
nhờ sự vâng phục và khiêm tốn[35],
người khác lại nhấn mạnh hơn đến sự nghèo nàn và vất vả trong công việc cũng
như sự thánh thiện của các chị[36]…
Chỉ đến năm 1867, tại Đàng Trong, Cha Charles Gernot giúp họ có một tu phục
riêng[37].
2. Hai
quy chế cùng thay đổi, hướng đến cải cách
Năm 1900, Đức
Giáo hoàng Léo XIII ra Tông hiến Conditae
a Christo nhìn nhận là tu sĩ đối với những ai chỉ tuyên lời khấn đơn, các chị Mến Thánh Giá được
trở thành tu sĩ chính thức. Một sự trùng hợp tuyệt vời, các cuộc bắt đạo hoàn
toàn chấm dứt. Từ nay, các chị có thể an cư, ở lại trong Tu viện nhiều hơn và
chú tâm vào việc đào tạo chính mình, vừa chuẩn bị cho việc hệ trọng trong đời
thánh hiến, vừa để đáp ứng những nhu cầu phục vụ mới.
Tuy nhiên, phải đợi
đến thế kỷ XX với Bộ Giáo luật 1917, các chị Mến Thánh Giá mới được mời gọi
thích ứng và cải cách đời tu theo sự đánh dấu của từng giai đoạn: thanh tuyển,
tập sinh, khấn sinh … để chuẩn bị một cách chu đáo việc tuyên khấn đơn, trước tạm
thời, sau vĩnh viễn[38].
Chính các vị Đại diện Tông tòa trong từng Địa phận đã góp phần rất lớn trong việc
cải cách này. Các ngài được thôi thúc thực hiện bổn phận đối với một ‘Dòng’ mà
hoàn cảnh lịch sử đã trao vào tay các ngài như một Dòng ‘Giáo phận’.
Đặc biệt, từ năm
1924, Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin không còn dùng cách phân biệt Vùng, Miền,
nhưng các Địa phận Tông tòa mang tên Thành phố mỗi nơi. Điều này góp phần xác
nhận thêm thuộc tính ‘giáo phận’ cho các Dòng Mến Thánh Giá được cải tổ[39].
Năm 1925, các Nhà Mụ Mến Thánh Giá trong Địa phận Phát Diệm được tập hợp thành
một Dòng ‘Giáo phận’ mang tên Mến Thánh Giá Phát Diệm ; tương tự như vậy đối với
Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, năm 1932[40].
Nghị quyết Công đồng
Đông Dương năm 1934, điều 106, khuyến khích các Đấng Bản quyền khác cũng cải tổ,
quy tụ các nhà Mến Thánh Giá trong Địa phận thành một Dòng Giáo phận ... Tuy
nhiên, tại điều 108, Công đồng lưu ý các Đấng Bản quyền phải liên hệ với Tòa
thánh để trình bày rõ ràng những điều định làm và tuân theo các quy tắc do Tòa
thánh ban hành. Hưởng ứng lời mời gọi trên, một vài Địa phận Tông tòa thực hiện
cả hai cuộc cải tổ, vừa quy tụ các nhà Mến Thánh Giá trong cùng Địa phận thành
một Dòng ‘Giáo phận’, vừa tổ chức các giai đoạn huấn luyện, khởi đầu từ Nhà Tập,
để các chị trở thành những nữ tu thực thụ qua việc tuyên khấn theo quy định của
Giáo luật, trước tạm thời, sau vĩnh viễn. Tuy nhiên, có nơi chỉ thực hiện cuộc
cải tổ thứ hai cho Dòng Mến Thánh Giá, chăm lo cho chị em được tuyên khấn công
khai ; còn việc quy tụ thành một Dòng duy nhất, có thể không khả thi, vì vấn đề
không còn là các nhà nhỏ mà là các Dòng Mến Thánh Giá lớn, vị Đại diện Tông tòa
vẫn chấp nhận trong Địa phận mình nhiều Dòng Mến Thánh Giá độc lập[41].
Đặc biệt, qua biến
cố di cư vĩ đại chia đôi đất nước năm 1954, nhiều Dòng Mến Thánh Giá từ miền Bắc
chuyển vào miền Nam và lập nên một số Dòng mới. Đức Cha Giám quản Nicolas Huỳnh
Văn Nghi thực hiện hồ sơ hợp thức hóa cho năm Dòng gốc Bắc di cư vào Nam được
chính thức gia nhập Giáo phận Sài Gòn với các tên gọi theo địa danh : Mến Thánh
Giá Gò Vấp, Mến Thánh Giá Thủ Đức, Mến Thánh Giá Tân Lập, Mến Thánh Giá Tân Việt,
Mến Thánh Giá Khiết Tâm. Nghị định chấp thuận của Bộ Đời sống Thánh hiến được Đức
Hồng y Martinez ký ngày 29 tháng 6 năm 1995. Điều này làm rõ nét đặc tính giáo
phận của Dòng Mến Thánh Giá[42].
3. Sự hiện
diện của 30 Dòng Mến Thánh Giá hoàn toàn độc lập
Sau kết quả của
các cuộc cải tổ, canh tân, di dân, tại Việt Nam hiện có 24 Dòng Mến Thánh Giá,
mỗi Dòng hoàn toàn độc lập, thuộc quyền Đức Giám mục Giáo phận.
Tại Thái Lan,
Dòng Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert thành lập vào năm 1672 bị phá hủy hoàn
toàn sau cuộc chiến tranh lần thứ hai vào năm 1767 giữa Thái Lan và Miến Điện.
Năm 1803 được Đức cha Garnauld tái lập Dòng tại Chanthaburi ; năm 1889, cha
Prodhomme lập Dòng Mến Thánh Giá Ubonratchathani ; năm 1900 Đức cha
Marie-Joseph Cuaz lập Dòng Mến Thánh Giá tại Nongsaeng - Lào, năm 1919 chuyển đến
Xieng Wang ; năm 1922 cha Joseph Combourieu lập Dòng Mến Thánh Giá Tharae[43].
Không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Thái Lan, Lào, Campuchia, tất cả Dòng Mến Thánh
Giá đều là Dòng ‘Giáo phận’.
Tại Los Angeles -
Hoa Kỳ, Dòng Mến Thánh Giá thành lập năm 1992 cũng là một Dòng thuộc quyền Giáo
phận[44].
Theo thống kê năm
2021, số nữ tu Mến Thánh Giá trong 30 Dòng đạt đến 9298 khấn sinh, 618 tập
sinh, 365 tiền tập sinh, 938 thanh tuyển[45].
Mỗi một Hội dòng có nhiều cộng đoàn hiện diện trong những Giáo phận khác nhau,
tại Việt Nam cũng như ở Hải ngoại. Tất cả các Hội dòng cùng sống một linh đạo Mến
Thánh Giá, nhưng mỗi Hội dòng độc lập với một Bề trên riêng, giữ những truyền
thống, phong tục địa phương và thuộc quyền Đức Giám mục Giáo phận nơi có Nhà Mẹ.
III. MỘT
VIỄN TƯỢNG TƯƠNG LAI ĐÃ VÀ ĐANG HÉ MỞ
1. Thống
nhất Hiến Chương
Đức cố Tổng Giám
mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn - TP. HCM hằng thao
thức cho các Dòng Mến Thánh Giá miền Nam của ngài được canh tân theo hướng đề
xuất của Công đồng Vatican II. Thao thức ấy lại gặp được một tấm lòng nhiệt
thành yêu mến Giáo hội, trong nguyện ước canh tân Dòng Mến Thánh Giá của Cha
Phi Khanh Vương Đình Khởi, OFM. Hai tư tưởng lớn gặp nhau và mối lương duyên được
hình thành. Ngày 25 tháng 8 năm 1985, buổi họp đầu tiên được tổ chức tại Tòa Tổng
Giám mục Sài Gòn với sự hiện diện của Đức Tổng Phaolô, Cha Phi Khanh và một số
Chị hữu trách Dòng Mến Thánh Giá. Đức Tổng hân hoan cảm tạ Chúa đã gửi cho ngài
Cha Phi Khanh, người mà bấy lâu ngài đang tìm kiếm. Ngài đặt Cha làm Cố vấn cho
bảy Dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn; trao phó cho Cha
trách nhiệm hướng dẫn công cuộc canh tân, trở về nguồn; đồng thời thành lập
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, lúc đó bao gồm các chị Bề trên và Thư
ký của mỗi Dòng.
Năm 1987, từ những
di sản tinh thần của Đấng Sáng Lập, cộng với hai nguồn Kinh Thánh và Giáo huấn
của Giáo hội, đặc biệt Bộ Giáo Luật 1983, Nhóm bắt đầu soạn Dự thảo Hiến
Chương. Lúc này có thêm các thành viên thuộc Dòng Mến Thánh Giá Huế, Phan Thiết,
Nha Trang, Cái Nhum ... Được sự hỗ trợ của nhiều chuyên viên, quý Đức Cha, quý
Bề trên, Linh mục, Tu sĩ và giáo dân, Bản Dự thảo được hoàn thành. Ngày 27
tháng 02 năm 1990 áp Lễ Tro, kỷ niệm 320 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt
Nam, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình long trọng phê chuẩn Hiến
Chương chung cho bảy Hội dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Giáo phận Sài Gòn -
TP. HCM, để thử nghiệm trong bốn năm. Với biến cố này, từ ‘Hội dòng’ được sử dụng
để chỉ từng đơn vị Mến Thánh Giá riêng biệt ; từ ‘Dòng’ dành cho Đại Gia đình nữ
tu Mến Thánh Giá.
Năm 1995, Đức Cha
Giám quản Nicolas Huỳnh Văn Nghi cho phép bảy Hội dòng Mến Thánh Giá thuộc Tổng
Giáo phận Sài Gòn - TP. HCM tiếp tục gia hạn việc thử nghiệm Hiến Chương 1990
cho tới năm 2000.
Sau 10 năm thử
nghiệm, tiếp nhận ý kiến từ nhiều nguồn chuyên viên trong và ngoài nước, Nhóm
hoàn tất Bản Hiến Chương cuối cùng. Ngày 02 tháng 02 năm 2000, lễ Thánh hiến tu
sĩ, kỷ niệm 330 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức Tổng Giám mục Gioan
Baotixita Phạm Minh Mẫn long trọng phê chuẩn Hiến Chương chính thức chung cho bảy
Hội dòng Mến Thánh Giá có Nhà Mẹ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP. HCM.
Nhận thấy các nữ
tu Mến Thánh Giá có cùng một Đấng Sáng Lập, một tinh thần, chung sứ vụ, các Đức
Giám mục Giáo phận khác đã ban phép cho các Hội dòng Mến Thánh Giá thuộc quyền
được nhận quyển Hiến Chương nầy như Luật riêng, sau khi sửa chữa ít điều cho
phù hợp. Hiện nay, không chỉ 24 Hội dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, nhưng cả Hội
dòng Mến Thánh Giá Los Angeles - Hoa Kỳ,
ba Hội dòng Mến Thánh Giá Thái Lan, Mến Thánh Giá Xieng Wang - Lào và Mến Thánh
Giá Kompon Cham - Campuchia đều dùng Hiến Chương này làm Luật sống[46].
Tạ ơn Chúa một Hiến Chương thống nhất cho cả 30 Hội dòng Mến Thánh Giá!
2. Liên
Hiệp Mến Thánh Giá Thái Lan - Lào - Campuchia
Với sự đồng ý của
bốn Đức Giám mục Giáo phận nơi có Nhà Mẹ của bốn Hội dòng Mến Thánh Giá
Chanthaburi, Ubonratchathani, Tharae ở Thái Lan và Xieng Wang - Lào, Bản Quy Chế
xin thiết lập Liên Hiệp Mến Thánh Giá Thái Lan - Lào được đệ trình lên Tòa
thánh vào tháng 12 năm 2001, sau một thời gian dài nghiên cứu chuẩn bị với sự
hướng dẫn của quý cha, quý nữ tu chuyên viên và được Ban Điều hành của bốn Hội
dòng thông qua. Mục đích của Liên Hiệp giúp các Hội dòng Mến Thánh Giá tìm về
nguồn, sống đặc sủng, linh đạo, sứ mạng của Dòng Mến Thánh Giá trong sự thống
nhất, liên đới và hỗ tương của những người con cùng một Cha Sáng lập.
Ngày 18 tháng 9
năm 2003, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc đã
phê chuẩn việc thành lập Liên Hiệp Mến Thánh Giá Thái Lan - Lào. Quý chị bầu
Ban Điều hành và lên chương trình thực hiện cụ thể Quy chế của Liên Hiệp. Năm
2010, Hội dòng Mến Thánh Giá Campuchia cũng xin gia nhập vào Liên Hiệp. Từ đó,
các chị thống nhất chương trình đào tạo trong các Hội dòng, thường xuyên tổ chức
những sinh hoạt huấn luyện hoặc các hoạt động khác giúp phát triển tình huynh đệ
và liên đới trong Liên Hiệp[47].
3. Liên Hội
dòng Mến Thánh Giá Việt Nam:
Từ năm 1990, với
sự khích lệ của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và gợi ý của cha Phi
Khanh, hằng năm Nhóm Nghiên cứu tổ chức một hoặc hai Khóa Bồi dưỡng từ sáu đến
mười ngày cho Ban Điều hành và Ban Huấn luyện của tất cả các Hội dòng Mến Thánh
Giá từ Bắc chí Nam, để chia sẻ các tài liệu chung của Đại Gia đình Mến Thánh
Giá và tạo sự liên kết hiệp thông giữa các Hội dòng.
Ngày 11 tháng 3
năm 2010, tại Tòa Giám mục Bùi Chu, với sự hiện diện của đại diện 20/24 Hội
dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, Ban Điều hành Liên Hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam
được hình thành. Quý chị tiếp tục duy trì và tổ chức những sinh hoạt chung cho
Dòng Nữ Mến Thánh Giá Việt Nam.
Tuy nhiên, Ban Điều
hành này chỉ có tính cách nội bộ, chưa được chính thức mang tính pháp lý như
Liên Hiệp của Mến Thánh Giá Thái Lan - Lào - Campuchia.
4.
Trở về nguồn: Một Dòng Mến Thánh Giá hay Liên Hiệp Mến Thánh Giá?
Trong ước nguyện Trở về nguồn của những người con tinh thần
cùng Cha Sáng lập, có nhiều gợi ý theo hai hướng sau:
- Nếu theo mô
hình các Dòng Tu trong Giáo hội toàn cầu: chỉ Một Dòng Mến Thánh Giá, mỗi đơn vị
Hội dòng được xem là một Tỉnh Dòng, nhiều đơn vị hợp thành Miền Dòng ... Kết quả
này sẽ làm cho Dòng Mến Thánh Giá không còn đặc tính giáo phận.
- Nếu lập Liên Hiệp
Mến Thánh Giá Việt Nam theo mô hình mà Bộ Tu sĩ chấp nhận cho Liên Hiệp Mến
Thánh Giá Thái Lan-Lào-Campuchia, kết quả vẫn duy trì đặc tính giáo phận của mỗi
Hội dòng.
- Nếu lập Liên Hiệp
rộng hơn gồm tất cả các Hội dòng Mến Thánh Giá Việt, Thái, Lào, Los, Campuchia,
kết quả cũng vẫn duy trì được đặc tính giáo phận của mỗi Hội dòng.
Tuy nhiên điều
này tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của quý Đức Giám mục Giáo phận của tất cả
các Hội dòng Mến Thánh Giá Việt Nam, vì hiện tại, Dòng Mến Thánh Giá đang là
Dòng Giáo phận.
KẾT LUẬN
Tất cả là hồng ân
!
Ngay thời bình
sinh, Đức cha Lambert đã xác tín chương trình của Thiên Chúa nơi Dòng nữ này
cho Á Châu. Ngài là người đầu tiên đã mở đường cho phụ nữ Việt Nam ra khỏi
khuôn khổ của gia đình, góp phần thăng tiến phụ nữ. Họ thấy được chân giá trị
đích thực của bản thân, can đảm dấn thân cho một lý tưởng. Trong nhật ký, ngài
thường viết về các chị : « Chúng tôi đã đọc lá thư mà các chị Mến
Thánh Giá Con Thiên Chúa viết cho Giám mục, với con số 82 chị, tràn đầy sự an ủi,
khích lệ »[48],
« các chị theo đuổi một đời sống hết mực gương mẫu »[49],
« chúng ta có đề tài để tạ ơn Thiên Chúa về điều mà các chị sống hết sức tốt
lành »[50].
« Đó là những tâm hồn ưu tú »[51],
« lòng sốt sắng của họ cần được hạn chế bớt »[52].
Vì thế, dù đang sống
trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, chị em Mến Thánh Giá hôm nay vẫn không
ngừng tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân được thừa hưởng di sản thiêng liêng và mẫu
gương thánh thiện của quý chị tiên khởi, được song hành với Giáo hội Việt Nam
qua các chặng đường hình thành, bách hại, ổn định và phát triển. Đặc biệt Đức
cha Lambert đã khai sinh Dòng Mến Thánh Giá, các Giám mục Đại diện Tông tòa và
quý cha của Hội Thừa sai đã luôn hiện diện, dẫn dắt và can thiệp kịp thời khi
chị em cần được trợ giúp trong mỗi biến cố trên đường đời: từ việc cầu nguyện,
tổ chức đời sống cộng đoàn, quy cách phục vụ đến việc thiết lập những cộng đoàn
mới; từ cuộc giải tán, phân ly và quy tụ lại sau mỗi đợt bị bách hại; từ việc
không dám cho khấn đến sáng kiến ấn định số tuổi cố định để khấn đơn; từ việc
chọn tu phục đến việc huấn luyện để chuyển từ tình trạng không là ‘tu sĩ’ sang
tư cách thánh hiến chính thức được nhìn nhận theo Giáo luật; từ sự thích ứng
quy luật sống theo văn hóa địa phương đến việc cập nhật thêm những khoản luật
cho phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh mới; từ việc phân tán thành nhiều nhà nhỏ rải
rác khắp nơi trong thời cấm cách đến việc quy tụ lại thành một Dòng Giáo phận
...
Những bước đường
đã qua, đầy chông gai nhưng kiên vững trong bàn tay yêu thương, quan phòng của
Chúa. Vẫn còn đó những đòi hỏi mới trong hành trình canh tân trở về nguồn, liên
kết chị em Mến Thánh Giá trên toàn thế giới, để Linh đạo Mến Thánh Giá được phổ
biến khắp nơi, sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu tiếp tục được thực hiện trong
không gian và thời gian cho đến tận thế[53].
Ước mong Dòng Mến Thánh Giá ngày càng phát triển, đạt đến vị thế thích đáng
trong vườn hoa muôn sắc của Giáo hội, hiệp nhất trong đa dạng và liên đới với
nhau chặt chẽ hơn, để xứng đáng với niềm tự hào của Giáo hội Việt Nam, xứng với
lời nhận định của Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc : “Trong bối cảnh Á Châu hiện
nay, nhìn lại, tìm lại cái đặc thù của Giáo hội Việt Nam, thật khó ! Tìm đi tìm
lại chỉ thấy có Dòng Mến Thánh Giá”[54].
Mặc dù bị giới hạn trong mọi lãnh vực (khả năng, vật chất …) các chị đã dấn
thân hết mình trong việc dâng hiến năm chiếc bánh và hai con cá như trong phép
lạ hóa bánh ra nhiều, Thiên Chúa sẽ làm gia tăng gấp bội để tình yêu và ơn cứu
độ đến với Dân Chúa nhờ linh đạo Mến Thánh Giá mà Ngài đã trao phó cho Đức cha
Lambert de la Motte.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Annales de la Propagation de la Foi, T. 8, 34, Lyon, 1835, 1862.
Annales de la Société des Missions Étrangères, années 1905, 1908.
Kỷ yếu Tam Bách Chu niên từ khi lập Dòng Mến Thánh
Giá (1670-1970).
Nouvelles Lettres Édifiantes des Missions de la
Chine et des Indes Orientales, t. VI, Paris, 1821.
Quá trình hình thành và phát triển Hội dòng Mến
Thánh Giá Thủ Thiêm, TP.
HCM, Lưu hành nội bộ, 2007
Relation des missions et des voyages des évesques, 1676 et 1677, Paris, Charles Angot, 1680
ĐINH Thực
Joachim, Les sœurs Amantes de la Croix au
Vietnam, thèse de doctorat en droit canonique, Université Pontificale
Grégorienne, Rome, 1960.
ĐỖ Quang Chính,
S.J., Dòng Mến Thánh Giá, những năm đầu,
Antôn và Đuốc Sáng, 2007.
DUFOURCQ
Elisabeth, Les congrégations religieuses
féminines hors d’Europe de Richelieu à nos jours histoire naturelle d’une diaspora,
t. I, Paris, Librairie de l’Inde, 1993.
Lambert de la
Motte, Giản yếu ký sự, Archives des
Missions Étrangères de Paris (AMEP), T. 650, T. 677, T. 876, các Thư, T. 857, T. 876; Journal (Nhật ký), T. 877.
LAUNAY Adrien, Histoire de la mission de Cochinchine
1658-1823, Documents historiques, t. 1: 1658-1728, Paris, MEP-Les Indes
savantes, 2000.
LAUNAY Adrien, Histoire de la mission de Cochinchine
1658-1823, Documents historiques, t. III: 1771-1823, Paris, MEP-Les Indes
savantes, 2000.
LAUNAY Adrien, Histoire de la mission de Siam,
Documents historiques, t. I, 1ère éd. Paris, Téqui, 1920; 2e
éd. Paris, Missions Étrangères de Paris, Les Indes savantes, 2000.
LAUNAY Adrien, Histoire de la mission du Tonkin,
Documents historiques, (1658-1717), Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000.
LAUNAY Adrien, Histoire générale de la Société des Missions
Étrangères de Paris I, Paris, Téqui, 1894.
LEFÈBRE Mgr.
Dominique, Báo cáo năm 1858
LOUVET Louis, La Cochinchine religieuse, t. II, Paris,
1885.
NÉEZ Mgr, Documents
sur le clergé tonkinois aux XVIIe et XVIIIe siècles,
Paris, 1925
NHÓM Nghiên Cứu
Linh Đạo Mến Thánh Giá, Hành hương Xuyên
Việt 2, 2001
NHÓM Nghiên Cứu
Linh Đạo Mến Thánh Giá, Lịch Sử Dòng Mến
Thánh Giá, 2018
NHÓM Nghiên Cứu
Linh Đạo Mến Thánh Giá, Thống kê Dòng Mến
Thánh Giá, năm 2021.
Pallu François, Lettres de Monseigneur Pallu, écrites
de 1654 à 1684, établi par Adrien Launay,
Les Indes savantes, 2008
TRẦN Thị Tuyết Mai, Marie Fiat, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Cerf Patrimoine, 2016
[1] Archives des
Missions Étrangères de Paris (AMEP), Thư Đức cha Lambert gửi Đức cha Pallu,
ngày 19-10-1667, T. 857, tr. 224; ngày 31-01-1668, T. 876, tr. 572-573.
[2] Adrien
LAUNAY, Histoire de la mission de Siam,
Documents historiques, t. I, 1ère éd. Paris, Téqui, 1920; 2e
éd. Paris, Missions Étrangères de Paris, Les Indes savantes, 2000, tr. 24.
[3] Nt., Histoire de la mission
de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. 1: 1658-1728, Paris,
MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 95.
[4] Nt., Histoire
de la mission du Tonkin, Documents historiques, (1658-1717), Paris, MEP-Les
Indes savantes, 2000, tr. 75.
[6] Relation des missions et des voyages des
évesques, 1676 et 1677, Paris, Charles Angot, 1680, tr. 115.
[11] Joachim ĐINH Thực, Les sœurs Amantes de la Croix au Vietnam, thèse de doctorat en
droit canonique, Université Pontificale Grégorienne, Rome, 1960, tr. 45-46.
[13] F. Pallu, Lettres de Monseigneur Pallu, écrites
de 1654 à 1684, établi par Adrien Launay, Les Indes savantes, 2008, tr. 162
(Instructions pour les Procureurs des affaires de la Mission de la Chine, Cochinchine,
Tunquin, tant en France qu’à Rome).
[14] A. LAUNAY, Histoire
de la Mission du Tonkin, tr. 108-109 (Decretum-Sắc lệnh, ngày 28-8-1678, n° 8, AMEP, T. 204, tr. 461; T.
276, tr. 97).
[16] P. Lambert
de la Motte, Giản yếu ký sự,
AMEP, T. 677, tr. 209-212; T. 876, tr. 718, 728; Nhật ký, AMEP, T. 877, tr. 581, ngày 26-02-1676; tr. 602, ngày
18-7-1677.
[17] Adrien LAUNAY, Histoire de la
mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. III: 1771-1823,
Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 418-419; AMEP, T. 690, tr. 464.
[21] Nouvelles Lettres Édifiantes des
Missions de la Chine et des Indes Orientales, t. VI, Paris, 1821, tr. 134.
273.
[24] Cité par Elisabeth DUFOURCQ, Les congrégations religieuses féminines hors d’Europe de Richelieu à
nos jours histoire naturelle d’une diaspora, t. I, Paris, Librairie de
l’Inde, 1993, tr. 332 (Annuaire
Missionnes Catholicae 1901, Vicairies Apostoliques de Chine et Territoires
Adjacents).
[25] Adrien LAUNAY, Histoire
générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, Paris, Téqui,
1894, t. I, tr. 144.
[28] Adrien LAUNAY, Histoire
générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, t. I, sđd, tr.
144.
[31] Adrien LAUNAY, Histoire
de la mission du Tonkin, sđd, tr. 462-463; Joachim ĐINH Thực, sđd, tr. 180-187.
[38] Compte - rendu MEP, 1925, tr. 105; Quá trình hình thành và phát triển Hội dòng
Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, TP. HCM, Lưu hành nội bộ, 2007, tr. 91-92.
[40] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
(NNC), Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018,
tr. 466-469; Đinh Thực, sđd, tr.
211-214, 237-239.
[53] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr
Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Cerf
Patrimoine, 2016.
[54] NNC, Hành
hương Xuyên Việt 2, 2001, tr. 20.