SỰ PHÂN ĐỊNH CỘNG ĐOÀN
(hay chiều kích cộng đoàn của sự phân định)

Lm. Giu-se Đỗ Mạnh Thịnh
Đại chủng viện Thánh Giu-se Xuân Lộc
Ngày 3 tháng 7 năm 2022

WHĐ (04.7.2022) - Trong truyền thống linh đạo Ki-tô giáo, sự phân định là một trong những thực hành quan trọng. Việc hiểu về sự phân định thường được gắn liền với những chọn lựa cụ thể trong đời sống hàng ngày của người môn đệ Đức Ki-tô. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà sự phân định thường bị giới hạn trong chiều kích cá nhân, trong khi người ta dễ dàng bỏ qua chiều kích cộng đoàn của nó. Thực sự, sự phân định luôn được nhìn nhận trong hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn (sự phân định cá nhân và sự phân định cộng đoàn).

Chúng ta đã có dịp chia sẻ về sự phân định cá nhân[1]. Bài viết này nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn của sự phân địnhhay sự phân định cộng đoàn, gồm các yếu tố được xem là quan trọng: (1) Cộng đoàn quy tụ trong Chúa Ki-tô, (2) Cộng đoàn lắng nghe và (3) Cộng đoàn tiến bước như Dân Thiên Chúa.

1. Cộng đoàn quy tụ quanh Chúa Ki-tô – hay xác tín sự hiện diện của Chúa

Yếu tố đầu tiên và vô cùng quan trọng trong sự phân định cộng đoàn, đó là cộng đoàn luôn xác tín rằng mình được quy tụ trong Chúa Ki-tô: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Đây không phải là một lý thuyết có tính giáo điều, nhưng là một xác tín, một sự tuyên xưng và thực hành trong Giáo hội trải dài suốt dòng lịch sử của mình. Niềm xác tín này được nhìn nhận như là thuộc về cảm thức Đức tin của Giáo hội (sensus fidei fidelium) [2].

Để hiểu rõ hơn về niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn, thiết tưởng chúng ta cần trở về với cuộc Xuất hành của đoàn Dân thánh trong thời Cựu ước. Ở đó, nhiều lần Mô-sê đã cố gắng thuyết phục dân rằng chính Đức Chúa ở giữa họ, chính Người đồng hành (x. Xh 33,12-17), lãnh đạo (x. Đnl 8,1-4) và chiến đấu giúp họ (x. Đnl 1,29-33) chứ không phải bản thân ông (Mô-sê). Đối với đoàn Dân thánh trong cuộc Xuất hành mới, niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Ki-tô như là Đầu đã được hình thành từ thời các Tông đồ, nhất là trong những thời khắc có tính quyết định liên quan đến việc chọn người thay thế Giu-đa (x. Cv 1,23-26), hoặc khi phải đương đầu với các vấn đề nóng bỏng liên quan đến đức tin và luân lý (x. Cv 15).

Niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Ki-tô như là Đầu của cộng đoàn không có nghĩa là ‘cào bằng’ yếu tố phẩm trật trong cộng đoàn hoặc làm lu mờ hay phủ nhận vai trò của Phê-rô như nguyên lý hiệp nhất, cũng không phải là xem thường những tiếng nói ‘nhỏ bé, kém cỏi’ trong cộng đoàn. Trái lại, việc nhìn nhận Đức Ki-tô hiện diện như là Đầu của Thân mình Mầu nhiệm sẽ đặt mỗi chi thể, trước lương tâm của mình, trên hết phải tìm về trách nhiệm và vai trò của mình trong việc kiến tạo sự liên đới, hài hòa và quy phục trong toàn Thân thể Mầu nhiệm (x. 1Cr 12,12-30). Như vậy, theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, sự phân định cộng đoàn không lệ thuộc vào khả năng đặc biệt của một số người, nó cũng không phải là điều chỉ dành riêng cho những thành phần ưu tuyển có được trí thông minh hay sở trường chuyên môn sâu rộng. Vì chưng, Thiên Chúa sẵn sàng mặc khải chính Ngài cho những kẻ bé mọn[3]. Từ đây nảy sinh một đòi hỏi cấp thiết khác trong sự phân định cộng đoàn, đó là khả năng lắng nghe.

2. Cộng đoàn lắng nghe

Sách Công vụ Tông đồ minh chứng rằng sự sống của Giáo hội được bắt đầu từ việc lắng nghe: lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, lắng nghe nhau và lắng nghe từ những thực tại cụ thể. Như một hệ quả, lắng nghe dẫn đến việc tái khám phá ra chiều kích Thánh Linh của Giáo hội. Dựa vào truyền thống Tông đồ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: sự phân định cộng đoàn phải xuất phát từ một thái độ sẵn sàng lắng nghe: “Lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta”[4]. Như vậy, cộng đoàn lắng nghe thực sự là một tác động kép gồm ba chiều kích có liên hệ và gắn liền với nhau – lắng nghe nhau, lắng nghe thực tại cuộc sống và lắng nghe Thiên Chúa. Thực sự, “chỉ khi chúng ta đã sẵn sàng lắng nghe, thì chúng ta mới có đủ tự do để gác qua một bên những ý tưởng bất cập hay phiến diện của mình, những thói quen thường tình của mình và những cách mình nhìn mọi sự. Nhờ đó, chúng ta trở nên thực sự mở lòng ra để đón nhận một tiếng gọi có thể làm xáo trộn sự an toàn của mình, nhưng dẫn mình tới một đời sống tốt hơn.”[5]

Trong thực tế, việc lắng nghe thường bị giới hạn bởi những tư duy độc đoán, những tiên kiến chủ quan đã được hoạch định hay những tình cảm có tính ‘phe nhóm’. Kết quả là: việc thiếu khả năng lắng nghe sẽ dẫn đến những chia rẽ, mâu thuẫn; thậm chí người ta có thể trở nên hung hăng đối với nhau và bịt tai lại trước tiếng nói của Thiên Chúa. Đó là điều đã xảy ra trong cuộc tử đạo của phó tế Stê-pha-nô mà sách Công vụ Tông đồ thuật lại (x. Cv 7,57).[6]

Thực sự, việc lắng nghe không chỉ liên quan đến khả năng thính giác của con người, nhưng nó liên quan đến toàn bộ con người. Hay nói đúng hơn, nơi sâu thẳm của sự của lắng nghe chính là trái tim – lắng nghe bằng trái tim. Nghĩa là để cho trái tim bị khuất phục trước ý Thiên Chúa chứ không phải ý riêng mình (x. Lc 22,42); để trái tim rộng mở với mọi người và thực tại trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa thường nói qua những người và những hoàn cảnh mà chúng ta dễ dàng loại trừ, gạt qua một bên hay không đếm xỉa đến[7]. Dù còn rất trẻ, Vua Sa-lô-môn đã chứng tỏ mình khôn ngoan vì ông đã cầu xin Chúa ban cho ông một “trái tim biết lắng nghe” (x. 1V 3,9).

Vì thế, trong Giáo hội nói chung hay trong từng cộng đoàn cách riêng, việc lắng nghe và lắng nghe lẫn nhau bằng ‘trái tim’ là rất cần thiết và hệ trọng. Đó là món quà quí giá mà những môn đệ của Chúa Ki-tô có thể trao ban cho nhau, và nhờ đó giúp nhau lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Hơn nữa, lắng nghe cũng chính là sứ vụ quan trọng của các Ki-tô hữu đã được chính Đức Ki-tô trao cho, Người là Đấng lắng nghe vĩ đại và là Đấng đã chia sẻ sứ vụ đó cho họ. Nói cách khác, theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, “Chúng ta nên lắng nghe bằng đôi tai của Thiên Chúa để chúng ta có thể nói lời của Thiên Chúa.”[8]

3. Cộng đoàn tiến bước như Dân Thiên Chúa

Nếu lấy các Công đồng làm biểu mẫu quy chiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng ngay từ thời các Công đồng đầu tiên (x. Cv 15) cho đến các Công đồng trong các thế kỷ trước (Vat. I, II), và cả trong Thượng hội đồng đang diễn ra (THĐ. 2021-2023), sự phân định cộng đoàn luôn là linh hồn của đời sống Giáo hội xét như một đoàn Dân Thiên Chúa đang tiến bước. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm của đoàn Dân thánh thời Cựu ước (x. Xuất Hành) cũng như đoàn Dân thánh mới (x. Công vụ Tông đồ), chúng ta có thể xác quyết rằng Dân Thiên Chúa hiệp hành không phải là (một đám đông) hành trình mà không biết mình đi đâu. Dân Thiên Chúa hành trình cùng nhau, nhưng không chỉ là hành trình, mà bởi vì đoàn dân đó hành trình để biết mình sẽ đi đâu – đi đến sự hoàn thành của Nước Trời và do đó, phải tự vấn mình trên đường đi, lắng nghe những gì Thánh Thần nói với mình. Điều đó làm cho Giáo hội hiệp hành khác biệt với các thể chế chính trị hay các tổ chức xã hội; nó cũng khác biệt với các dạng thức nghị viện hay quốc hội trong các quốc gia.

Như vậy, sự phân định cộng đoàn không phải là một hành động tập thể có tính cách thời vụ hay ngẫu hứng mang tính đối phó, nhưng đó là cách sống của Giáo hội nói chung, các cộng đoàn và từng người nói riêng, một cung cách sống “đặt nền tảng trên Đức Ki-tô, theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần. Sống sao cho vinh quang Chúa được rạng rỡ hơn.” Như vậy, “Sự phân định cộng đoàn giúp xây dựng các cộng đoàn năng động và bền bỉ thi hành sứ vụ của Hội Thánh ngày nay.”[9]

Kết luận

Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội Chúa Ki-tô vẫn luôn hiện diện trong thế giới một cách sống động và hữu hiệu bất kể trong “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Giáo hội hiện diện như đoàn Dân thánh hiệp hành hướng đến một mục đích rõ ràng và không thay đổi: Hợp nhất trong Chúa Ki-tô, và được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trong cuộc hành trình đến Vương quốc của Cha mình.[10] Điều đó gợi đến một nhu cầu và như một đòi hỏi thường xuyên cho mỗi người, mỗi cộng đoàn cũng như toàn Dân Thiên Chúa: “Chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật phân định cá nhân và cộng đoàn.”[11]



[1] X. ĐỖ MẠNH THỊNH, “Tìm hiểu về hạn từ sự phân định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô” (03.01.2022), trong website https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tim-hieu-ve-han-tu-su-phan-dinh-cua-duc-thanh-cha-phan-xi-co-44334.

[2] X. ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, “Sensus fidei in the life of the Church” (2014), trong website:
https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20140610_sensus-fidei_en.html#Chapter_1:_The_sensus_fidei_in_Scripture_and_Tradition 

[3] X. Hãy Vui mừng Hoan hỷ, s. 170.

[4] VP. TỔNG THƯ KÝ HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành (09.2021), mục 2.2. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941#_Toc86001788

[5] Hãy Vui mừng Hoan hỷ, s. 172.

[6] X. Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 (24.01.2022), trong website https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/communications/documents/20220124-messaggio-comunicazioni-sociali.html

[7] X. VP. TỔNG THƯ KÝ HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành (09.2021), mục 2.2.

[8] Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 (24.01.2022), trong website https://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/communications/documents/20220124-messaggio-comunicazioni-sociali.html

[9] VP. TỔNG THƯ KÝ HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành (09.2021), mục 2.2.

[10] X. GS, s. 1.

[11] VP. TỔNG THƯ KÝ HĐGMVN, Cẩm nang cho Thượng hội đồng về tính Hiệp hành (09.2021), mục 2.2.