Diego Velázquez, Bữa tối tại Emmaus, 1622–23 (The Metropolitan Museum of Art/Bequest of Benjamin Altman, 1913)
SỰ GẦN GŨI VÀ HÀNH TRÌNH CHUNG -
VAI TRÒ CỦA TÍNH HIỆP HÀNH TRONG MỘT GIÁO HỘI ĐÁP ỨNG
Gm. Daniel E.
Flores[1]
WHĐ (27.01.2023) - Trọng tâm về hiệp hành của Đức giáo
hoàng Phanxicô được hiểu rõ nhất trong ánh sáng của lời ngài kêu gọi về một
Giáo hội truyền giáo; đó là sự mở rộng về mặt thực hành lời kêu gọi Giáo hội
hãy mang lấy một phong cách sống mới: chọn truyền giáo hơn là duy trì, và mở ra
với bên ngoài thay vì nhìn vào bên trong mà tự mãn.
Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm
Vui của Tin Mừng, EG) là bản hiến chương, có thể nói như vậy, xác định mức độ ưu tiên của sứ
vụ này.
Trong EG 23, Đức thánh cha Phanxicô nói:
Sự gần gũi của Hội Thánh với Chúa Giêsu là một phần của một hành trình
chung; “hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau”. Trung thành noi
gương Thầy mình, Hội Thánh hôm nay thấy tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng
cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. Niềm
vui của Tin Mừng được dành cho mọi người: không thể loại trừ ai.
Sự thôi thúc của Phúc âm bắt nguồn từ sự gần
gũi của Giáo hội với Đức Kitô và ngụ ý rằng chúng ta phải noi theo gương của
Người. Phong cách của Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho hoạt động của Giáo hội. Vì vậy,
đó là một “sự thân mật trên đường đi”.
Tính phổ quát của sứ mệnh là ra đi “đến với
tất cả mọi người”; và trong Giáo hội, lên đường là trách nhiệm của tất cả
những ai đã được rửa tội: “không ai có thể
được miễn trừ”. Trong Tông huấn Evangelii gaudium, chúng ta thấy rõ 3 yếu tố chính chi
phối tính hiệp hành của Giáo hội đó là: Hiệp thông, Sứ mệnh, và Tham gia.
Để hiểu tính hiệp hành, điều quan trọng là phải
bắt đầu với nguồn gốc của sứ mệnh. Sự thôi thúc thực hiện tính hiệp hành cũng
chính là sự thúc đẩy làm sống động sứ mệnh của Giáo hội. Và nguồn cội là Chúa
Kitô.
Trong EG 264, Đức thánh cha Phanxicô nói: “Lý
do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta
đã lãnh nhận, kinh nghiệm cứu độ thôi thúc chúng ta ngày càng yêu mến Ngài nhiều
hơn”. Kinh nghiệm khai sinh ra Giáo hội là kinh nghiệm được cứu độ. Công trình
của Đức Kitô là một hành động cứu độ, và chính công trình cứu độ này cũng thúc
giục chúng ta đáp ứng thông qua hoạt động truyền giáo hướng ra bên ngoài.
Kinh nghiệm này thách thức sự phân tích đầy đủ
từ bên ngoài ân sủng của đức tin đã trải nghiệm. Và ngay cả trong kinh nghiệm đức
tin của Giáo hội và của mỗi người đã được rửa tội, chúng ta chỉ có thể nói về
điều đó ít nhiều mang tính mô tả. Điều cốt yếu ở đây là niềm tin của chúng ta
vào một tình yêu có tác dụng cứu độ trong khi bằng một cách nào đó, kéo chúng
ta vào kinh nghiệm và tham gia vào chính tình yêu ấy. Kinh nghiệm về tình yêu ấy
khơi lên trong chúng ta một động thái để yêu mến Người “luôn luôn nhiều hơn”.
Cách diễn tả này về chuyển động của tình yêu đối
với Đức Kitô vừa mang dấu ấn sâu sắc của Gioan, vừa được diễn tả hùng hồn nơi
Phaolô: “Tình yêu cốt ở điều này: không
phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,
10); “Tôi sống trong niềm tin vào con
Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Ở đây, thánh Tôma Aquinô có thể giúp chúng ta trân
trọng chiều sâu của sự năng động này. Trong chuyên luận về cuộc đời của Đức
Kitô (ST III, 46, 3, c.), thánh Tôma cung cấp một trình thuật thần học đơn giản
và toàn diện về những gì Đức giáo hoàng Phanxicô mô tả. Đây là lý do đầu tiên
trong 5 lý do thánh Tôma đưa ra để làm sáng tỏ lý chứng thần học về Cuộc Khổ nạn
của Chúa Kitô.
Cho rằng Thiên Chúa có thể chọn bất kỳ cách
nào để cứu độ chúng ta, thánh Tôma thắc mắc, “Tại sao lại là Thập giá?” Để trả lời, ngài nghiên cứu Sách thánh để
xác định lý chứng, hoặc sự phù hợp, của công trình cứu độ. Thánh Tôma nói rõ việc
Chúa Giêsu chịu khổ hình Thập giá phù hợp với mục tiêu và mục đích của Thiên
Chúa để đền bù tội lỗi của chúng ta ra sao. Ngài đưa ra lý do đầu tiên như sau:
Trước hết, qua khổ hình thập giá, con người biết
được Thiên Chúa yêu thương mình đến mức nào, và do đó được khơi dậy để đáp lại
tình yêu của Ngài, và sự hoàn hảo của ơn cứu độ nhân loại là ở đó; vì thế thánh
Tông đồ nói trong thư Rôma 5, 8: “Thiên
Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta: ngay khi chúng ta còn là những
người tội lỗi… Đức Kitô đã chết vì chúng ta”.
Công trình của Đức Kitô là một hành động khơi
dậy, là ví dụ tuyệt hảo về việc Thiên Chúa đi bước trước về phía chúng ta. Đây
là điều mà Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến khi ngài phát minh ra từ “tiên phong” để mô tả tính ưu việt hoàn
toàn trong sáng kiến của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Kitô là sự
bày tỏ vĩ đại nhằm khơi dậy sự nhìn nhận và đáp ứng thích hợp. Thập giá của Đức
Kitô khắc sâu vào tâm trí chúng ta điều gì đó mà trước đây chúng ta không thực
sự biết - tức là Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nhường nào. Câu trích dẫn
thư Rôma nói lên điều này bởi vì bản Vulgata viết commendat caritatem suam in nobis (Ngài khơi dậy tình yêu của Ngài
trong chúng ta), là câu được thánh Tôma trích dẫn để nói đến sự chuyển động
của tình yêu Thiên Chúa về phía chúng ta. Chúng ta đối diện với nó như một thứ
gì đó đến với chúng ta từ bên ngoài mình, nhưng qua việc đón nhận điều đó như
là tình yêu, thì chính tình yêu ấy ngấm vào bên trong chúng ta.
Nguồn mạch
của sự thúc đẩy mang tính Phúc âm
Trong bài chú giải chương 5 của thư Rôma,
thánh Tôma đồng hóa tình yêu đáp lại này với sự tuôn đổ Thánh Thần trong tâm hồn
các tín hữu, và điều này làm cho chúng ta được công chính hóa. Về cơ bản, ơn cứu
độ là một ân sủng được khởi xướng trong hành động đức tin, đạt đến đỉnh cao là
sự tham dự vào tình yêu mà Chúa Giêsu Kitô đã bày tỏ và chúng ta đã tin vào
tình yêu ấy. Được thúc đẩy bởi hồng ân Thánh Thần, điều này dẫn đến sự tham dự
của con người vào đời sống Ba Ngôi.
Đức tin là một hành động mà nhờ ân sủng hiểu
được điều gì đó, như Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài, “Chúng ta tin vào điều này, là Thiên Chúa đã
yêu thương chúng ta trước”. Thuyết duy trí năng của thánh Tôma rất nổi bật ở
đây: ân sủng đức tin tin vào tình yêu Thiên Chúa, rõ ràng vì tình yêu ấy được cảm
nhận bằng giác quan và được con người hiểu như là một hành động của tình yêu tự
hiến, do sự kiện là chúng ta không có căn cứ nào để đòi hỏi tình yêu ấy, trong khi chúng ta vẫn còn là tội nhân.
Đức thánh cha Phanxicô chỉ ra khía cạnh này của Mầu nhiệm khi ngài nói rằng “lý do đầu tiên để truyền giáo là tình yêu của
Chúa Giêsu mà chúng ta đã nhận được”.
Tương tự như vậy, khi nói rằng “kinh nghiệm về ơn cứu độ thúc giục chúng ta
yêu mến Ngài ngày càng nhiều hơn”, Đức thánh cha đang diễn tả điều mà thánh
Tôma xác định như là cứu cánh của đức tin nhằm mục đích khơi dậy sự đáp lại của
tình yêu. Động thái đáp lại tình yêu này là nguồn gốc của động lực Phúc âm, và thực
sự là của bất kỳ động lực hành động nào của Kitô hữu đích thực. Thánh Tôma mô tả
sự đáp ứng này đối với tình yêu của Đức Kitô như một hành động từ phía chúng
ta, do Chúa Thánh Thần thực hiện, tạo nên sự hoàn hảo của ơn cứu độ của chúng
ta.
Đây là một cách diễn đạt cổ điển của Công giáo
về sự công chính hóa và được cứu độ như bạn sẽ thấy. Và đó là sự tổng kết của
truyền thống Kinh thánh đã được tiếp nhận. Đức tin không cứu độ trừ khi chúng
ta để cho đức tin ấy đưa mình vào chính tình yêu đã thúc đẩy Đức Kitô hướng đến
chúng ta. Hơn nữa, mầu nhiệm cứu độ chúng ta và sứ mệnh của người được rửa tội,
cả hai đều được nối kết với nhau trong chuyển động cách nào đó đáp lại tình yêu
của Chúa Kitô bằng một tình yêu tuôn trào trở lại với Người.
Vì vậy, câu hỏi nổi bật về ơn cứu độ và sứ mệnh
đối với chúng ta là: “Lạy Chúa, Ngài đang
ở đâu để chúng con có thể đáp lại Ngài?” Đức giáo hoàng Phanxicô, bằng việc
vọng lại Kinh thánh và truyền thống rao giảng của Công giáo, nói với chúng ta rằng
thật ra, Đức Kitô không khó tìm đến thế. Trên thực tế, có một câu hỏi cấp bách
hơn đối với Giáo hội: Chúng ta có thực sự đang tìm kiếm Người không?
Sau đó
trong EG 264, Đức giáo hoàng Phanxicô nói:
Thật tốt biết bao khi đứng trước tượng chịu nạn, hoặc quỳ gối trước
Thánh Thể, và chỉ đơn giản ở trong sự hiện diện của Ngài! Tốt biết bao khi một
lần nữa Ngài đánh động cuộc đời chúng ta và thúc đẩy chúng ta chia sẻ sự sống mới
của Ngài! Điều xảy ra sau đó là “chúng ta nói ra điều chúng ta đã thấy và đã
nghe!” (1 Ga 1, 3). Sự khích lệ tốt nhất để chia sẻ Tin Mừng là qua việc suy niệm
Tin Mừng với tình yêu, dừng lại ở mỗi trang và đọc bằng trái tim.
Ân sủng đầu tiên là sự biểu lộ của Ngôi Lời trở
thành xác thịt. Và có thể nói, cầu nối giữa ân sủng ấy và ân sủng mà qua đó
chúng ta đáp lại Người, đó là sự thấu hiểu mang tính chiêm niệm về toàn thể
Chúa Kitô: cách thức tương tác của Người với chúng ta, những lời dạy cụ thể,
gương sáng, mục đích, và cuối cùng là cách thức và lý do công trình của Người.
Sự hiểu biết của Kitô hữu về tình yêu mà Thiên
Chúa dành cho chúng ta dựa trên sự gần gũi thân quen với Phúc âm. Đó là bởi vì,
qua Phúc âm, chúng ta tiếp cận với chính Chúa Kitô. Kinh Thánh cung cấp những lời
được linh hứng, những lời ấy đưa chúng ta vào sự tiếp xúc với Ngôi Lời, Đấng là
tác giả Kinh Thánh. Đây là một chân lý thần học về ân sủng gắn với những cách
thức giao tiếp của con người. Điều này liên quan đến việc chiêm niệm đi vào
tình yêu cụ thể được bày tỏ trong những lời của các sách Phúc âm. Rồi nhờ ân sủng,
việc đó có thể dẫn đến chỗ chiêm ngắm toàn bộ những sự thuộc về Thiên Chúa nơi
hình ảnh của Chúa Kitô chịu đóng đinh, và trước sự hiện diện của Chúa Kitô
Thánh Thể trong Giáo hội. Thánh Tôma nói về sự chiêm ngắm như một chuyển động của
tâm trí từ những trường hợp cụ thể trong hành động của Thiên Chúa sang nhận thức
đơn giản về cái toàn thể hiện diện trong các phần.
Đây là điều làm cho tính hiệp hành trở thành một
hành động mang tính Giáo hội một cách đúng nghĩa: được bao phủ trong ân huệ
Thánh Thần tức là được tiếp cận với Đức Kitô. Việc đề xuất một chương trình
Phúc âm hóa mà lại không cắm rễ sâu trong tầm nhìn chiêm niệm, trong sự tiếp nhận
ân ban của Đức Kitô, và trong nhận thức về cách thức Người trao tặng là điều
sai lầm của một Kitô giáo quá khích. Toàn bộ công trình hoạt động của Đức Kitô
được Tân Ước truyền đạt cho chúng ta là sự bày tỏ về tình yêu của Người đã đến
và tiếp tục đến với chúng ta như thế nào, theo những cách có thể có ý nghĩa đối
với chúng ta và mời gọi tình yêu đáp lại. Chúa Giêsu thực hiện công trình của
Người như thế nào, điều đó không kém phần quan trọng hơn so với việc Người giảng
dạy điều gì và tại sao giảng dạy. Nếu Thiên Chúa chọn phương tiện cứu độ chúng
ta theo nhu cầu của chúng ta, thì Giáo hội cũng phải sắp xếp sứ mệnh thực tế của
mình theo cùng một mục đích và theo những cách thức tương tự.
Ở đây, cũng cần lưu ý rằng những người đã chịu
phép rửa, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, và nhờ việc tiếp xúc với Đức Kitô và với dân
Ngài, họ cảm nếm được những gì thuộc về Thiên Chúa. Họ cảm nhận được cách thế để
phân biệt giữa những gì đến từ Thiên Chúa và những gì không. Đồng điệu với truyền
thống giáo phụ và truyền thống đầu thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô xem cảm nhận
nói trên là ơn khôn ngoan tuôn chảy như hiệu quả của đức ái trong đời sống Kitô
hữu. Đây là nơi mà “cảm thức của tín hữu”
phát huy tác dụng của nó. Rồi ơn khôn ngoan được kết hợp chặt chẽ với ơn chiêm
ngắm. Hồng ân này là một nguồn tài nguyên quý giá dành riêng cho Giáo hội. Hồng
ân ấy đòi hỏi sự phân định mang tính cá nhân lẫn cộng đoàn. Nhưng trước hết là
chúng ta phải nghe đã. Trong quá trình tham gia các buổi lắng nghe, tôi vô cùng
xúc động và cảm phục trước sự khôn ngoan của mọi người, đặc biệt là những người
cao tuổi, những người sống và làm việc trong sự hiệp thông chặt chẽ với những
biểu hiện hàng ngày của các điều thuộc về Thiên Chúa. Được nghe những chia sẻ
này là một ân huệ tuyệt vời không thể diễn tả được đối với Giáo hội.
Dưới chân Thánh Giá, trước Mình Thánh Chúa, với
các sách Tin mừng trong tâm trí chúng ta, và bằng chứng tá của ơn khôn ngoan
trong Nhiệm Thể Giáo hội, chúng ta biết được Đấng đã yêu thương chúng ta, Người
đã biểu lộ tình yêu đó như thế nào, và làm sao chúng ta có thể dâng trao cho
Người một món quà tình yêu thích hợp để đáp lại. Vì vậy, khi Đức thánh cha
Phanxicô đề xuất một trong những nguyên tắc của ngài là “Thực tại quan trọng hơn ý tưởng” (EG 231), trước hết ngài đang khuyến
khích Giáo hội tìm kiếm vẻ đẹp của Chúa Kitô trong cái nhìn chiêm niệm. Chúng
ta phải để cho Đức Kitô tỏ mình ra cho chúng ta như Người là. Trong tranh cãi
thần học, các hệ tư tưởng trình bày về Chúa Kitô mà không bận tâm đến việc phải
xác minh xem mình có đúng hay không qua nẻo đường chiêm niệm Phúc âm, qua kinh
nghiệm gặp gỡ Người trong cầu nguyện, và qua kinh nghiệm cộng đoàn về đời sống
đức tin của Giáo hội. Cảm thức của chúng ta về Chúa Kitô phải ở trong cuộc đối
thoại chiêm niệm với chính Chúa Kitô qua những nẻo đường phong phú mà Người tỏ
mình cho chúng ta.
Điều này dẫn đến chủ đề tiếp theo của tôi:
Siêu hình học về đối thoại Có một phép loại suy ở đây có ý nghĩa sâu rộng đối với
toàn bộ việc thực hiện hiệp hành mà Đức giáo hoàng kêu gọi. Cũng như các phương
pháp và nguyện vọng của chúng ta trong Giáo hội phải được soi sáng bằng cách
không ngừng trở về nguồn sống thực sự nơi Chúa Kitô đang hiện diện trong Giáo hội,
thì việc chúng ta thực hiện sứ mệnh cũng phải được soi sáng bằng một nhận thức
chính xác về những tình huống cụ thể mà chúng ta đang đương đầu.
Tính hiệp hành bao gồm sự lắng nghe Đức Kitô
xét như một ngôi vị, và lắng nghe Đức Kitô trong hoàn cảnh sống của dân Người.
Hành động của Giáo hội, và của mỗi thành viên trong Giáo hội, hoàn toàn được
linh hoạt bằng cách đón nhận ân sủng đáp lại tình yêu của Chúa, nhưng nó hoàn
toàn bị vùi lấp trong một thế giới có vô vàn tình huống bất ngờ. Và cũng như
Thiên Chúa Cha đã gửi Con Một của Ngài đến thế gian theo cách cụ thể phù hợp với
nhu cầu của chúng ta, thì để đáp lại, chúng ta cũng phải hoạt động trong thế giới
với sự đánh giá thực tế về nhu cầu. Điều này có nghĩa là nhận biết những nỗi
đau, niềm hy vọng, lo lắng và khát vọng của những con người thực. Vì vậy, tính
Hiệp hành là một sự thể hiện cụ thể sự thận trọng trong mục vụ của Giáo hội, là
việc sử dụng lý trí để phục vụ đức ái đáp lại Đức Kitô đang hiện diện trong dân
Ngài. Sự đáp lại ấy phải hướng đến những hoàn cảnh cụ thể của dân yêu dấu của Đức
Chúa theo quan điểm thực tế.
Sự nổi bật của đối thoại xuyên suốt tầm nhìn mục
vụ của Đức giáo hoàng Phanxicô được hiểu rõ nhất như là sự kêu gọi tiếp xúc thường
xuyên với thực tại, tức là dựa trên sự tiếp xúc với cuộc sống của người khác, bắt
đầu bằng các giác quan và sau đó được lý trí suy xét theo những cách thế thực
tiễn và suy luận. “Cũng có một sự căng thẳng
thường xuyên giữa các ý tưởng và các thực tại. Các thực tại thì hiện hữu, còn
các ý tưởng thì được làm ra. Phải có sự đối thoại liên tục giữa thực tại và ý
tưởng, nếu không các ý tưởng sẽ trở thành xa rời thực tại” (EG 231).
Cách tiếp cận của thánh Tôma Aquinô đối với
siêu hình học về nhận thức của con người đã làm phát sinh một số trường phái nhận
thức luận khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói một cách an toàn rằng nền tảng của
thuyết duy thực thánh Tôma là sự cần thiết phải thường xuyên quay về ảnh ảo (hình ảnh giác quan tiếp
nhận hiện diện trong tâm trí rồi sau đó được trí năng hiểu là vật này hay vật
khác). Câu này đề cập đến thực tế là việc xây dựng khái niệm trừu tượng về thực
tại phải bao hàm việc quay trở lại tìm kiếm xác minh những gì các giác quan nhận
thức được. Đây có thể được gọi là cuộc đối thoại giữa trí năng và thực tế.
Bạn có thể nghĩ rằng bạn nhìn thấy một con kỳ
lân từ xa tiến lại và sau đó tiến hành xây dựng lý thuyết về kỳ lân. Nhưng nếu
bạn không bao giờ nhìn vào sinh vật đang đến gần, hoặc chạm vào trán của nó, hoặc
nghe thấy tiếng thở của nó, bạn sẽ tạo ra một học thuyết tuyệt đẹp nhưng không
có cơ sở thực tế. Đây là vấn đề. Ý tưởng được dựa trên những gì thực tế bày ra
cho các giác quan của bạn, và những gì trí năng có trong một khái niệm. Nhưng
khái niệm và sự hình thành khái niệm không bao giờ có thể gạt bỏ hoặc không cần
đến cảm nhận cụ thể mà nó thể hiện trước tiên đối với bạn.
Sự đối thoại của con người là một chuyển động
về truyền thông, bắt đầu bằng việc lắng nghe bởi vì lắng nghe là sự chú ý có ý
thức đối với người kia, một sự mở ra chân thật và siêu hình để người kia thể hiện
mình. Nếu không có bước này, chúng ta hồi đáp người khác, không dựa trên cuộc gặp
gỡ với một con người trong tất cả những huyền nhiệm về cuộc sống và lịch sử cụ
thể của họ, nhưng dựa trên sự xây dựng những ấn tượng và ý tưởng có thể không
có cơ sở nơi con người thực bằng xương bằng thịt ở trước mặt chúng ta.
Do đó, đối thoại trong Giáo hội là một sự chuyển
hướng sang chủ trương duy thực, giúp cho việc phân định về sự phán đoán thận trọng
trở thành khả thi. Thánh Tôma Aquinô mô tả sự thận trọng, có thể là tự nhiên hoặc
được hình thành bởi ân sủng, nhất thiết phải được hình thành cả bởi các nguyên
tắc phổ quát và những hoàn cảnh cụ thể: “Các
hành động chỉ là vấn đề đơn lẻ: và vì vậy, người thận trọng cần phải biết cả
các nguyên tắc phổ quát của lý trí cũng như những điều đơn lẻ về những hành động
được quan tâm”.
Là con người, đơn giản là chúng ta không thể
biết làm thế nào để đáp lại người khác một cách chính đáng và đồng cảm trừ khi
chúng ta lắng nghe họ. Đây là điều cần thiết trong toàn bộ nỗ lực của con người,
từ việc đồng hành với một người đang vật lộn với hoàn cảnh ly hôn và tái hôn
cho đến một thiếu niên thờ ơ với Chúa Kitô và Giáo hội. Điều này cũng hoạt động
trong lĩnh vực chính trị xã hội, ví dụ, các phán đoán về việc đối xử công bằng
đối với người di cư phải dựa trên bản tường trình thực tế về hoàn cảnh sống của
họ. Chỉ có phán đoán chính trị dựa trên ý thức hệ mới cho rằng không cần thực sự
hỏi một gia đình di cư về cuộc sống và hoàn cảnh của họ trước khi chúng ta quyết
định có trục xuất họ hay không.
Do đó, con đường hiệp hành bắt đầu với thực tế
của giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, lắng nghe
hoàn cảnh của chính mình và tiếng nói của những người khác. Việc lắng nghe tiến
đến chỗ thu thập một cảm thức cơ bản về những hy vọng và thách đố mà các chi thể
của Chúa Kitô đang đấu tranh để làm chứng và dấn thân thi hành sứ mệnh trong những
tình huống cụ thể của cuộc đời họ. Loại chuyển động này sau đó soi sáng thực tế
và sự phán đoán của Giáo hội hoàn vũ.
Tôi tin
rằng sự cấp bách mà Đức thánh cha Phanxicô thúc đẩy việc
thực hiện hiệp hành trong Giáo hội một phần dựa trên sự phân định khôn ngoan của
chính ngài rằng hệ tư tưởng và chứng điếc xã hội là một trong những vết thương
sâu nhất của thời hiện đại. Theo mặc định, chúng ta đã bị chia thành các nhóm
chỉ nói chuyện với nhau về “những người
khác”. Rất hiếm khi chúng ta nói chuyện một cách thân thiết với người có
quan điểm khác, xuất phát điểm khác, và ưu tiên khác. Và vì vậy Đức thánh cha Phanxicô
đã chọn gieo một loạt những hạt giống địa phương, hy vọng rằng với sự trợ giúp
của Thần Khí, các Giáo hội địa phương có thể sắp xếp không gian và thời gian để
mọi người có thể tụ họp và lắng nghe nhau. Cảm thức về sự hiệp thông trong Giáo
hội và tình liên đới hơn nữa trong thế giới cần được vun trồng cách ý thức từ
những cuộc gặp gỡ thực sự giữa con người với nhau. Với thời gian, điều này có
thể hoàn thành hai điều: để đặc tính đích thực của sự hiệp thông Giáo hội được
thể hiện; và đóng vai trò là chất xúc tác cho sự trở lại của tình liên đới và
việc đi sát với thực tế trong trật tự xã hội.
Theo một cách nào đó, cảm thức của chúng ta về
sự hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ đã bị giảm xuống thành việc đo lường xem người
này hay người kia đồng ý hay không đồng ý với giáo hoàng và các giám mục về điểm
này hay điểm kia của đạo lý Công giáo. Do đó, sự nhấn mạnh của Thượng Hội đồng
về tính linh hoạt của sự hiệp thông địa phương hướng giác quan và tâm trí chúng
ta đến những biểu hiện cụ thể và đặc thù của sự hiệp thông. Sự hiệp thông phổ
quát của Giáo hội trong đức tin, đức cậy, và đức mến tự thể hiện ở địa phương.
Trải nghiệm điều này giúp chúng ta tái khám phá rằng sự hiệp thông của những
người được rửa tội lớn hơn nhiều so với những gì mà thế giới được thu nhỏ trong
một màn hình có thể cho chúng ta thấy.
Theo đó, việc củng cố một ý thức mới về sự hiệp
thông trong Giáo hội, những biểu hiện thực sự của đức ái theo gương Đức Kitô dường
như là một công việc được bắt đầu tốt nhất tại địa phương. Giáo hội không phải
là một đảng phái chính trị, cũng không phải là một tập đoàn, hay là một tổ chức
phi chính phủ. Và mặc dù nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta biết điều mà chúng ta
không là, nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc diễn tả một cách ý thức
và rõ ràng hơn về con người mà Đức Kitô làm cho chúng ta trở thành: chúng ta là
những người uống từ cạnh sườn bị thương tích của Đức Kitô. Trong sự hiệp thông
địa phương, chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng rằng trong Giáo hội, không có chuyện
“chúng ta và họ”. Chỉ có chúng ta,
đang cố gắng khập khiễng đi cho đúng hướng.
Về phương diện con người, chúng ta không thể đối
thoại với một ý tưởng về Giáo hội, nhưng chúng ta chỉ có thể đối thoại với nhau
trong Giáo hội. Chúng ta không thể yêu Giáo hội như chúng ta mong ước Giáo hội
là, hoặc tưởng tượng Giáo hội có thể là; chúng ta chỉ có thể yêu Giáo hội như
Giáo hội là. Vì đó là cách Chúa Kitô yêu thương chúng ta. Lắng nghe một cách
tôn trọng là sự hồi đáp lẫn nhau trong tình yêu của Đức Kitô, và đó là sự đáp ứng
đối với Người. Những lời chúng ta công kích nhau trong Giáo hội là điều hoàn
toàn không đáng quan tâm nếu những lời ấy không phải là sự hồi đáp lẫn nhau
trong ân sủng đáp lời Đức Kitô.
Về trật tự xã hội và trách nhiệm của Giáo hội
trong vấn đề này, Đức thánh cha Phanxicô nói trong EG 99:
Tại nhiều nước, các xung đột và các mối chia rẽ cũ trong quá khứ nay xuất
hiện trở lại. Tôi đặc biệt xin các Kitô hữu trong các cộng đồng trên khắp thế
giới cống hiến một chứng tá rực sáng và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ.
Hãy làm cho mọi người thán phục vì anh chị em chăm lo cho nhau, khích lệ và
nâng đỡ lẫn nhau: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy:
là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Đây là lời cầu nguyện cảm động
của Đức Giêsu: “Xin cho tất cả nên một... trong chúng ta... để thế gian tin...”
(Ga 17, 21).
Chứng tá của chúng ta về sự yêu thương nhau thực
sự, bắt đầu bằng việc lắng nghe nhau, được phản ánh trong bối cảnh xã hội rộng
lớn hơn như một sự thay thế cho xung đột ý thức hệ. Chúng ta khó lòng có được
gì nhiều để cống hiến cho thế giới xung đột này, nếu những xung đột lại đang
chi phối đời sống bên trong của Giáo hội.
Tình yêu hỗ tương này với Đức Kitô nhờ ân ban
của Thần Khí nhất thiết phải là một tình yêu thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính
mình.
Trong EG 39, Đức giáo hoàng Phanxicô nói,
“Trên hết, Tin mừng mời gọi chúng ta đáp lại vị Thiên Chúa của tình
thương, Đấng cứu độ chúng ta, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và ra khỏi bản thân
mình để tìm lợi ích cho tha nhân”.
Về khía cạnh này, tính hiệp hành trong thời kỳ
đại dịch là một lời đáp mục vụ đối với sự cô lập và bận tâm về bản thân. Một lần
nữa, về phương diện thể lý, việc đi ra ngoài để gặp gỡ người khác, để nghe họ
và chia sẻ gánh nặng của họ, là một sự đáp ứng cơ bản đối với ân sủng ban đầu
là được Đức Kitô yêu thương, Đấng đã đến để tìm kiếm chúng ta. Đức giáo hoàng
Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng sự đáp ứng đối với Đức Kitô không thể được thể
hiện trong sự tách biệt khỏi người khác. Đây có lẽ là yếu tố bị lãng quên về sự
thật rằng Giáo hội cần thiết cho ơn cứu độ. Thuộc về, và đáp lại nhau là biểu
hiện mang tính bí tích của việc chúng ta thuộc về, và đáp lại Chúa Kitô.
Đức giáo hoàng Phanxicô nói trong EG 37: “Điều quan trọng hơn tất cả những thứ khác là
đức tin hoạt động qua đức ái” (Gl 5, 6). Các việc bác ái làm cho tha nhân
là biểu hiện bên ngoài hoàn hảo nhất của ơn Chúa Thánh Thần bên trong: “Nền tảng của Luật Mới hệ tại ân sủng của
Chúa Thánh Thần, Đấng được tỏ lộ trong đức tin hoạt động qua đức ái”.
Tôi nghĩ rằng sự tham khảo của Đức giáo hoàng
Phanxicô đối với lời dạy của thánh Tôma Aquinô về Luật Mới là một sự tham khảo
mang tính biểu tượng. Nó bao hàm sự nhấn mạnh của thánh Tôma về tính ưu việt của
đức ái trong đời sống Kitô hữu, và sứ mệnh của Thần Khí là thực hiện đức ái này
trên thế giới thông qua sự lưu tâm của chúng ta đến những người ngoại biên, những
người bị bỏ rơi, những người không được tôn trọng. Điều này cũng dẫn đến việc
chẩn đoán xem điều gì là cần thiết nhất trong sứ mệnh ngày nay: Thử thách trước
mắt chúng ta chủ yếu không phải là chúng ta dấn thân vào một thời đại đã mất niềm
tin vào chân lý mặc khải của Kitô giáo; thách thức sâu xa hơn là thời đại của
chúng ta đã mất niềm tin vào khả năng của tình yêu vị tha. Những người trẻ đặc
biệt cảm thấy thật khó để tin vào tình yêu là điều gì khác hơn một trò chơi quyền
lực được thần thoại hóa. Tất nhiên, quan sát này cần được xác minh cụ thể thông
qua đối thoại trong thực tế. Nhưng nếu chúng ta nói chuyện với những người thờ
ơ, và với những người không tin, tôi nghĩ chúng ta biết đây là một vấn đề phổ
biến. Tôi nghĩ rằng Đức giáo hoàng nghe thấy điều này ở mọi nơi ngài đến.
Vấn đề là tính khả tín của hồng ân đức ái của
Thần Khí. Đã hai nghìn năm kể từ khi Đức Kitô xuất hiện và rõ ràng là thế giới
nghi ngờ lời khẳng định của chúng ta về tình yêu của Đức Kitô, họ nghĩ là không
có thật. Và cũng không tin là thế giới này được chia sẻ tình yêu ấy trong lịch
sử.
Sự diễn tả đặc trưng này không phải là duy nhất
của Đức giáo hoàng Phanxicô. Tôi nghĩ, đó là điều mà Đức nguyên Giáo hoàng
Bênêđictô XVI đã cố gắng nói khi ngài quyết định viết Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu) đầu tiên của
ngài và sau đó chuyển sang đề cập tới niềm hy vọng và đức tin. Tính khả tín của
đức tin ngày nay phụ thuộc vào tính ưu việt và khả tín của đức ái. Câu trả lời
duy nhất mà Giáo hội có thể thực hiện đối với căn bệnh tinh thần đặc biệt này
là chứng tá về sự vị tha đích thực. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm
được như vậy bằng tài khéo của mình, thì chúng ta là những người kế thừa rủi ro
các pháp sư của Pharaoh.
Chứng tá của đức ái, được nuôi dưỡng bằng đức
tin nơi Chúa Kitô và bằng bí tích tình yêu, phải hướng tới hành động, và hành động
đòi hỏi phán đoán đúng đắn về những nguyên tắc và những đặc thù. Các nguyên tắc
là ở trong sự chiêm ngắm Đức Kitô; những đặc thù là trong việc lắng nghe mọi
người. Tiếp theo, phán đoán đúng về những đặc thù đòi hỏi việc tiếp xúc với thực
tế. Như thế, chúng ta quay về với tư thế của Kitô hữu là người lắng nghe thực tại
của con người và phản hồi lại những gì được nghe.
Tuy nhiên, thực tế mà nói, điều này có vẻ rõ
ràng: có nhiều nhóm và phe phái trong Giáo hội dường như không ưa nhau, và vì vậy
không thể phân định được nơi nhau một sự hiệp thông căn bản của tình yêu. Và
trong các cộng đoàn địa phương của chúng ta, có nhiều người ở xa hoặc bên ngoài
Giáo hội, họ có lý để nghĩ rằng chúng ta không thích họ; vì vậy họ không thể tưởng
tượng được rằng chúng ta có thể thực sự yêu thương họ. Đây là sự sự bế tắc
đương thời cản trở sự tiếp nhận Đức Kitô. Trong EG 268, Đức giáo hoàng Phanxicô
nói như sau:
Để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần
phát triển hương vị thiêng liêng của việc sống chan hòa với dân và khám phá ra
rằng điều này tự nó là một nguồn vui tuyệt vời. Truyền giáo vừa là một niềm say
mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người. Khi đứng trước Đức
Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của Ngài, tình yêu
nâng chúng ta lên và kiện cường chúng ta, nhưng đồng thời, trừ khi chúng ta mù,
chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng cái nhìn cháy bỏng yêu thương của Đức Giêsu
mở ra ôm ấp toàn thể dân của Người.
Theo nghĩa này, thực sự lắng nghe là một bước
khởi đầu để vượt qua thực tế coi thường và vô tâm mà nhiều người nhận thấy
trong mối tương quan của họ với Giáo hội.
Tôi thường nghĩ rằng đối với thế giới, tin rằng
Thiên Chúa thích họ thì khó hơn là tin rằng Ngài thực sự yêu họ. Chúng ta có xu
hướng nghĩ về tình yêu theo những thuật ngữ trừu tượng và nghĩ về việc thích một
ai đó theo những thuật ngữ cụ thể. Chúng ta nói rằng chúng ta yêu cả thế giới,
nhưng trên thực tế, chúng ta không thích hoặc không yêu nhiều người trong đó.
Có lẽ tôi nói một cách cường điệu, nhưng bài học về phong cách Đức Kitô rất
quan trọng ở đây. Phúc âm truyền đạt rõ ràng rằng Chúa Giêsu rất thích làm bạn
với mọi người. Những người nghèo khổ, những người bệnh tật, những người tuyệt vọng,
những người bị ruồng bỏ, những người giàu có, và những người cuối cùng quyết định
không theo Người đi qua cửa hẹp.
Hiệp hành địa phương đã thực hiện điều đầu
tiên mà chúng ta cần phải làm trong Giáo hội: học cách tận hưởng niềm vui
thiêng liêng khi được ở gần mọi người, như Đức thánh cha nói, trong mớ hỗn độn
của cuộc sống chung. Hành động của việc quy tụ là một biểu hiện cụ thể của ước
muốn được gần gũi với Chúa Kitô bằng cách gần gũi với những người xung quanh
chúng ta, có thể là trong giáo xứ địa phương, phong trào tông đồ, nồi cháo tình
thương, hoặc sự cô đơn của đau buồn. “Chúng
ta không sống tốt hơn được khi trốn tránh, náu ẩn, từ chối chia sẻ, ngừng trao
ban và đóng kín mình trong những tiện nghi của mình. Một nếp sống như thế không
khác gì một cuộc tự sát từ từ” (EG 272).
Đúng
hơn, Đức thánh cha Phanxicô đã làm cho các Giáo hội địa phương phải ngạc nhiên, và tôi ngờ rằng phần lớn Giáo triều Rôma, cũng ngạc nhiên về lời kêu
gọi tiến hành Thượng Hội đồng toàn thế giới trong thời gian 3 năm. Mọi người đều
hỏi, kế hoạch là gì? Chương trình nghị sự là gì? Điều gì xảy ra khi nó kết
thúc? Thường có sự nghi ngờ đằng sau các câu hỏi, và điều này đã chỉ ra lý do tại
sao cần có thời gian lắng nghe và phân định ở cấp độ địa phương. Mọi người
trong giáo phận của tôi luôn hỏi tôi: Chúng ta sẽ làm gì? Tôi chỉ đơn giản nói
rằng, tôi chưa chắc chắn lắm, trước tiên
chúng ta phải lắng nghe thật tốt, để chúng ta có thể phân định và quyết định
xem những gì cần chú ý khi chúng ta đi tới, và đưa ra những quyết định tốt về
việc phải làm thế nào để cùng nhau đáp trả những thách đố. Tôi cũng nói với
họ rằng chúng ta sẽ cần sự quảng đại của nhiều người cầu nguyện để giúp chúng
ta phân định đúng những gì chúng ta đã nghe. Nhiều người thấy đây là một câu trả
lời khó hiểu, nhưng tôi nghĩ đó là một câu trả lời đúng.
Tôi nghĩ Đức thánh cha Phanxicô hành động theo
quan điểm rằng thời gian thực sự quan trọng hơn không gian, và hạt giống trong
Nước Trời lớn lên bởi một ý muốn không tùy thuộc ý riêng của chúng ta. Như ngài
nói trong EG 278: “Vương quốc đang ở đây,
nó trở lại, nó đấu tranh để không ngừng phát triển. Sự phục sinh của Đức Kitô
khắp nơi làm phát sinh những hạt giống cho thế giới mới ấy; nếu chúng bị yếu
đi, chúng lại mọc trở lại, vì sự phục sinh đã âm thầm được đan vào trong cơ cấu
của lịch sử này, vì Đức Giêsu đã không sống lại một cách vô ích”. Đây là một
cách diễn tả sâu sắc cảm động về “Đức tin
của Phêrô”, đức tin sẽ không thất bại, đức tin chiến thắng quyền lực của hỏa
ngục.
Do đó, tính hiệp hành là một sáng kiến được Đấng
kế vị thánh Phêrô ban hành một cách thận trọng nhằm tìm kiếm sự thông thoáng
trong một hoàn cảnh ngày càng ngột ngạt. Đó là một cơ hội để làm cho sự hiệp
thông của chúng ta trở nên thực tế hơn và ít bị nhiễm ý thức hệ hơn, đối thoại
hơn với Chúa Kitô và với nhau, và tập trung hơn vào căn tính phép Rửa chung của
chúng ta hơn là những khác biệt mang tính phe nhóm của chúng ta. Đó là một chặng
đường phía trước, tập trung hơn vào tính xác thực của đức ái và ít bị ám ảnh bởi
mối bận tâm không giống với Đức Kitô về việc chúng ta nghĩ ai là người xứng
đáng và ai không.
Hoạt động hiệp hành là một hạt giống được gieo
trồng mang lại hy vọng đổi mới cảm thức về bản sắc và sứ mệnh chung của chúng
ta như là những người Công giáo trên thế giới. Đó không phải là một sửa chữa
nhanh chóng; đó là một sự đổi mới con đường tiến lên theo cách thích hợp với phẩm
giá phép Rửa của chúng ta. Và đó là một hành động hoàn thành điều tốt đẹp ngay
trong việc quy tụ và lắng nghe, một điều gì đó đơn giản, một điều gì đó đáp ứng
nổi bật đối với tình yêu mà chúng ta đã nhận được trong Đức Kitô. Việc xây dựng
sự hiệp thông của chúng ta không tách rời việc tham gia vào sứ mệnh đối với các
dân tộc, bởi vì chứng tá của tình yêu này, về cơ bản, chính là điều mà thế giới
bị thương tích dường như cần nhất.
Giáo hội là một “chúng ta” tồn tại như một sự hiệp thông trong cái “Tôi” của Chúa Kitô. Trong Thánh Thần do
Đức Kitô tuôn đổ qua sự chết và sống lại của Người, chúng ta có thể chiến thắng
khuynh hướng ngắt lời, tranh cãi, và phớt lờ của mình. Nhưng đó là một tập quán
của ân sủng cần phải được trân trọng, vun trồng và để cho phát triển.
Sẽ có các cuộc tổng kết khu vực và quốc gia và
cuối cùng là một cuộc quy tụ tại Rôma để khảo sát những gì chúng ta đã học được,
và trên cấp độ hoàn vũ, những gì cần phải phân định. Về mặt thần học, làm thế
nào để xây dựng một chuyển động trong lòng Giáo hội Công giáo giữa cái phổ
quát, cái toàn thể và cái đặc thù, điều đó hiện nay chưa quá rõ ràng. Tuy nhiên
đó là một thực tại Giáo hội đang hoạt động chứ không phải một thực tại mà chúng
ta đã suy nghĩ đủ. Khi chúng ta vật lộn với việc làm sao để công việc này được
thực hiện, điều đó lại giúp ta nhớ lại siêu hình học về nhận thức của con người:
cái toàn thể (phổ quát) không bao giờ có thể tách rời khỏi việc quan tâm đến
các phần, và các phần đặc thù không bao giờ có thể hành động mà không biết gì đến
lợi ích của toàn thể.
Chúng ta không biết thành quả của nỗ lực này sẽ
là gì. Nhưng trong 3 năm này, chúng ta sẽ học được điều gì đó về việc làm thế
nào để quan tâm đến thực tế địa phương và làm thế nào để đưa điều chúng ta nghe
vào trong toàn bộ căn tính của Giáo hội phổ quát như là sự hiệp thông đích thực,
sự hiệp thông rõ ràng là một nhưng vẫn đang hoạt động trong sự đáp ứng của từng
phần với Đức Kitô. Chúng ta sẽ học hỏi từ những sai lầm cũng như từ những phán
đoán đúng đắn. Mục đích là Giáo hội học hỏi bằng việc phản hồi sao cho tốt hơn
để thể hiện mình trong các hoàn cảnh hiện tại, địa phương và phổ quát, phù hợp
hơn với bản sắc sâu sắc nhất của mình - abscondita
cum Christo in Deo (“sự sống mới của
anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa” Cl 3, 3) - và do
đó, nghịch lý là nó cũng cung cấp một cách hữu hiệu hơn một chứng tá đáp ứng
cho sự hiện diện trong thế giới của tình yêu vị tha mà Chúa Kitô đã yêu chúng
ta trước.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh
Tâm
Chuyển ngữ từ: commonwealmagazine.org
(20.6.2022)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm
2022)
[1] Đức cha Daniel E. Flores được bổ nhiệm làm
Giám mục thứ sáu của giáo phận Brownsville, Texas, vào tháng 2/ 2010. Bài tiểu
luận này được ngài trình bày vào ngày 05/5/2022 tại trường Đại học Loyola,
Chicago, Hoa Kỳ.