NỘI LỰC CỦA LINH ĐẠO HIỆP HÀNH
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (05.09.2023) – Tạ ơn Chúa
vì chúng ta có thể đi cùng nhau trong Giáo hội. Đây là ước mơ của Thiên Chúa và
cũng là ý nguyện của Đức Giêsu: “Xin cho họ được nên một.” (Ga
17,20-26). Tính hiệp nhất này đang được cả Giáo hội hoàn vũ và Việt Nam theo đuổi.
Bài viết này tôi muốn góp thêm một nhành hoa cho vườn hoa hiệp hành đang khoe sắc.
“Đâu là nội lực, hoặc động lực cho linh đạo hiệp hành?” Để trả lời cho câu hỏi
này, tôi muốn khai triển ba khía cạnh dựa trên một câu Lời Chúa quen thuộc: “Tình yêu
Đức Kitô thúc bách chúng ta.”
1. Một tình yêu cá vị với Đức
Giêsu
Khuôn mặt bách đạo vào thời Giáo
hội sơ khai nổi bật nhất là Sao-lô (Phaolô). Ông từng là một tín hữu Do Thái
ngoan đạo và khôn ngoan. Khi muốn bảo vệ tính hiệp nhất của đạo mình, ông đã
gia nhập vào nhóm bách bớ những người tin vào Đức Giêsu phục sinh. Trên đường
đi Đa-mát để tìm bắt các tín hữu, Phaolô đã gặp Đức Giêsu phục sinh (Cv 9,1-9).
Một cuộc gặp gỡ rất riêng tư cá vị. Trong lần biến đổi này, chúng ta đều biết
ông đã theo Đức Giêsu. Từ đây cuộc đời của Phaolô thay đổi hoàn toàn. Đối với
người Do Thái, Phaolô rất “điên rồ” khi theo Đức Giêsu. Nhưng với chính Phaolô,
tình yêu Thiên Chúa đã thúc bách mình. Phaolô hăng say làm chứng cho Đức Giêsu
phục sinh trước người Do thái. Ông đến mọi nẻo đường để loan báo Tin mừng và
thành lập cộng đoàn.
Là mục tử, Phaolô đồng hành với
dân Chúa trong lời cầu nguyện. Hơn thế nữa, ông đã thường xuyên thăm hỏi và nhất
là viết những lá thư hướng dẫn và khích lệ các tín hữu trong cộng đoàn. Chẳng hạn,
cộng đoàn Côrintô được thánh Phaolô thành lập trong chuyến truyền giáo lần thứ
hai, vào khoảng cuối năm 50 đến giữa năm 52. Côrintô là một thành phố sầm uất về
thương mại và là trung tâm văn hóa Hy Lạp. Tuy các tín hữu mau chóng đón nhận
Tin mừng, nhưng cũng dễ bị các trào lưu ngoại đạo thời đó đe dọa. Khi đang ở Ê-phê-sô,
thánh nhân biết tin cộng đoàn đang gặp nhiều vấn đề. Ngoài việc ngài hứa sẽ trở
lại thăm, chính thánh nhân đã viết đến 2 bức thư để nhắn nhủ với các tín hữu ở
đây.
Có lẽ một trong những câu nổi
tiếng nhất trong hai bức thư trên liên quan đến linh đạo hiệp hành đó là: “Tình
yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi - ἡ γὰρ ἀγάπη τοῦ χριστοῦ συνέχει ἡμᾶς.”
(x. 2Cr 5,14). “Chúng tôi” ở bối cảnh này là chính các Tông đồ. Thánh
Phaolô cũng muốn mọi người trong cộng đoàn nhận được sự thúc bách này nữa! Ngày
nay nhiều người chọn câu này làm châm ngôn sống. Họ thường đổi đối tượng được
thúc bách từ số nhiều (ἡμᾶς-chúng tôi) sang số ít (tôi).
Điều này cũng có thể hiểu được
trong bối cảnh của chính thánh Phaolô. Chính thánh nhân đã được tình yêu Đức
Kitô thúc bách rao giảng Tin mừng. Đây là tình yêu rất cá vị. Tình yêu này mạnh
đến nỗi thánh nhân phải thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng”
(1Cr 9,16). Câu nói này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của người hướng
dẫn cộng đoàn. Nhất là khi cộng đoàn gặp vấn đề, thành viên lo một, người đứng
đầu lo mười.
Nếu đọc hai bức thư Côrintô 1
và 2, chúng ta cũng thấy hằng loạt vấn đề về mặt luân lý và tôn giáo. Chẳng hạn
về vấn đề chia rẽ, gương xấu, loạn luân, tà dâm, v.v. Hậu quả là cộng đoàn chia
rẽ. Thay vì hiệp hành, họ có nguy cơ tản mác mỗi người một ý. Trong bối cảnh
này, thánh nhân đã hướng dẫn với tình yêu thúc bách ngài hướng về đoàn chiên.
Điều này cũng rất đúng và cần thiết cho những mục tử ngày nay. Nếu muốn hướng dẫn
đoàn chiên như lòng mục tử Giêsu mong ước, họ cần tình yêu Đức Kitô thúc đẩy
trước, một tình yêu cá vị.
Từ kinh nghiệm cá vị trên đây,
thánh Phaolô muốn chuyển tải tình yêu này đến cộng đoàn. Một cộng đoàn được
tình yêu Đức Kitô thúc bách, chắc chắn nơi đó có hiệp nhất và có thể lữ hành
trên cuộc đời này.
2. Tình yêu Đức Kitô là trung
tâm của linh đạo hiệp hành
Thật khó định nghĩa được tình
yêu. Có lẽ cũng không cần định nghĩa cho bằng sống với tình yêu. Điều này có thể
hiểu được trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chẳng hạn thánh
Augustinô giải thích rằng: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi,
một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu.” Càng gặp
gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi trong cầu nguyện, người ta càng biết cách tương quan với
tha nhân. Gặp gỡ là cách diễn tả tình yêu của con người với Thiên Chúa, giữa
người với người. Hiểu theo nghĩa này, Tài liệu Hiệp hành mời gọi toàn thể Dân
Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ
mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta.
Nếu trở lại bối cảnh thư Côrintô
trên đây, chúng ta thấy ngụ ý của thánh Phaolô rằng: chúng ta hãy để tình yêu Đức
Kitô thúc bách mỗi người. Chính khi đó, cá nhân và cộng đoàn sẽ biết và nên làm
gì. Nếu không có tình yêu này, Giáo hội cũng giống như một tổ chức xã hội đơn
thuần. Để tránh đi vào con đường này, trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng tại
Rôma ngày 10/10/2021, Đức Thánh Cha nói: “Lời Chúa định
hướng cho Thượng Hội Đồng, ngăn không cho trở thành một “cuộc triệu tập” của Hội
thánh, một hội nghị nghiên cứu hay một cuộc hội họp chính trị, bởi vì đây không
phải là nghị trường quốc hội, mà là một sự kiện ân sủng, một tiến trình chữa
lành được Thánh Linh hướng dẫn.”[1]Nói một cách khác, Đức Giáo hoàng mời gọi mỗi người để
cho tình yêu Đức Giêsu dẫn lối. Khi đó mới có hy vọng chúng ta có thể làm nên một
linh đạo hiệp hành.
Nếu hiệp hành được diễn ra
trong hiệp thông – tham gia – sứ vụ, thì tình yêu phải là sợi chỉ nối kết
ba thành tố này. Đây là lý do biện chứng: tình yêu Chúa là nền tảng lớn nhất
cho mục vụ, mong muốn trao tặng điều gì đó cho người khác vì Chúa Giêsu đã ban
cho mình mọi thứ. Khi chúng ta thực sự nhận được tình yêu của Chúa Kitô, tình
yêu đó chạm đến chúng ta và khiến chúng ta muốn phục vụ người khác.
Nếu hỏi Phaolô: “Tại sao ngài lại
rao giảng Tin mừng, sao lại tìm mọi cách để dựng xây Giáo hội? Tại sao lại phải
chịu đau đớn và thử thách?” Thánh nhân đã trả lời ngay trong thư chúng ta đang
bàn ở đây: “Tôi phải làm vậy. Tôi đã nhận được tình yêu của Chúa Kitô. Tôi có
tình yêu của Đức Giêsu. Tôi yêu Chúa Giêsu.” Với tình yêu này, các Tông đồ cũng
đã lao tác hăng say trên những nẻo đường sứ vụ. Động lực của những ai muốn dấn
thân theo Chúa trong Giáo hội không gì khác hơn là tình yêu với Đức Kitô.
Lý do khác đáng đặt để tình
yêu Chúa làm trung tâm cho hiệp hành, đó là tình yêu này có sức mạnh phi thường.
Sức người không thể quy tụ anh chị em thành một cộng đoàn bền vững. Chỉ có
Chúa, Đấng là tình yêu, mới đủ sức làm được điều này. Ai dựa vào sức người, sức
Giáo hội đều thất bại không sớm thì muộn. Nhận thức được điều này, thánh Phaolô
đã giúp mỗi người để ý đến tình yêu Chúa nơi tâm hồn mình. Hoặc nói như nhà thần
học Tin lành Charles Spurgeon: “Tình yêu của Đức Kitô đã lay chuyển năng lượng
của Phaolô thành một sức mạnh, biến chúng thành một dòng kênh (channel), rồi
thúc đẩy chúng tiến về phía trước với một sức mạnh tuyệt vời, cho đến khi ngài
và những người trong cộng đoàn trở thành một sức mạnh to lớn vì điều tốt, luôn
năng động và tràn đầy năng lượng.”[2]
3. Tập sống cho tình yêu
“Làm sao định nghĩa được tình
yêu, một tình yêu với Thiên Chúa?” Giả như tôi cũng nhận được ơn hoán cải như
Phaolô, thì tôi cũng biết mình đang được tình yêu Đức Kitô thúc bách. Tôi nhìn
đến những vị lãnh đạo Giáo hội đang ngày đêm hăng say loan báo Tin mừng. Tôi
cũng thấy biết bao tu sĩ đang đồng hành với mọi thành phần của dân Chúa. Còn đó
biết bao giáo dân đang làm việc, dấn thân trong hội đoàn, giáo xứ. Những bậc lớn
tuổi đang cầu nguyện và lui đến nhà thờ. Cũng không thiếu các bạn trẻ đang khao
khát đóng góp cho Giáo hội. Và rất nhiều thiếu nhi cũng đang tung tăng đến nhà
thờ, nơi thánh lễ, giờ giáo lý hoặc những trại hè. Tôi tin trong những con người
này đang có ngọn lửa yêu mến của Đức Giêsu thôi thúc. Họ cũng muốn tập và thực
hành tình yêu này. Tôi cũng thế.
Làm sao để tập sống cho tình
yêu? Tôi nhớ đến lời chia sẻ của Đức Giáo hoàng Phanxicô vốn rất thích hợp cho
bối cảnh hiệp hành: “Đó là một tình yêu không lấn áp hay đàn áp, một tình yêu
không loại trừ, không bắt phải câm nín, một tình yêu không làm nhục hay độc
đoán. Đó là tình yêu của Chúa, một tình yêu mọi ngày, kín đáo và tôn trọng, một
tình yêu tự do và giải thoát, một tình yêu chữa lành và đỡ dậy. Đó là tình yêu
của Chúa, Đấng biết nhiều về việc nâng lên hơn là đạp xuống, về việc hòa giải
hơn là cấm đoán, về việc trao ban cơ hội mới thay vì lên án, nhìn đến tương lai
hơn là về quá khứ.”[3]
- Khi tình yêu Đức Kitô
thúc bách, tôi biết tôn trọng và đón nhận những khác biệt của nhau.
- Với Đức Kitô, những
người hướng dẫn cộng đoàn không thể loại trừ bất cứ ai. Chúng ta là con cái của
Thiên Chúa, dù ở tầng lớp xã hội nào đi nữa.
- Tình yêu thôi thúc người
ta chia sẻ. Trong con đường hiệp hành, ai cũng có quyền phát biểu. Xin bạn cũng
đừng câm nín trước những điều trông thấy.
- Tình yêu tự bản chất
là chia sẻ. Nó không cho phép chúng ta lăng nhục nhau. Nó càng không cho phép
chúng ta đàn áp người khác. Tình yêu thì công bình và bác ái.
- v.v.
Chúng ta đang sống trong ân sủng
để Hội Thánh thực tập sống hiệp hành. Ngạn ngữ Pháp có câu: chính lúc đang thực
tập rèn là ta trở thành thợ rèn (“C'est en forgeant qu'on devient
forgeron"). Cũng vậy, chính lúc ta khao khát sống yêu thương cũng là
lúc tôi được tình yêu Đức Kitô thúc bách. Thử tưởng tượng mỗi người được tình
yêu Chúa chi phối, khi đó, chúng ta sẽ trở thành một Hội Thánh hiệp hành với rất
nhiều tình yêu.
Ước gì mỗi người chúng ta tiếp
tục hỏi Chúa Giêsu về tình yêu. Xin Ngài tiếp tục thúc bách chúng ta. Cứ chiêm
ngắm cuộc đời của Ngài để thấy được tình yêu đúng nghĩa. Lúc đó, chúng ta có mẫu
gương để tập yêu, tập cư xử dễ thương với người khác, và tập chấp nhận những khổ
đau trong tình yêu.
[1] Đức Phanxicô, Bài giảng
Khai mạc khai mạc Thượng Hội đồng về tính hiệp hành ngày 10.10.2021, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-cua-duc-thanh-cha-phanxico-trong-thanh-le-khai-mac-thuong-hoi-dong-ve-tinh-hiep-hanh-44833
[3] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 1: AAS 105
(2013), 1019. Tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656