BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG THÁNH LỄ KHAI MẠC
THƯỢNG HỘI ĐỒNG VỀ TÍNH HIỆP HÀNH

WHĐ (12.4.2022) - Sáng Chúa nhật ngày 10.10.2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI cho Giáo hội hoàn vũ tại đền thờ thánh Phêrô. Sau đây là bài giảng của ngài:

*****

Một người giàu có đến gặp Chúa Giêsu khi “Đức Giêsu vừa lên đường” (Mc 10,17). Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu “trên đường”, trong lúc đang đi bên người nào đó, lắng nghe những vấn đề trong tâm tư và đang khuấy động tâm hồn họ. Như thế, Ngài cho chúng ta thấy Thiên Chúa không ngự trị ở những nơi trong lành yên ả, xa rời thực tế, nhưng bước đi bên chúng ta, bắt kịp chúng ta, trên những nẻo đường đời đôi khi gập ghềnh sỏi đá. Và hôm nay, khi khai mạc hành trình Thượng Hội đồng này, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tự vấn bản thân - tất cả chúng ta, Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - liệu chúng ta, cộng đồng Kitô giáo, có thể hiện “phong cách” này của Thiên Chúa, Đấng đang bước đi trong lịch sử và chia sẻ những nỗi thăng trầm của nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn sàng mạo hiểm bước vào cuộc hành trình này chưa? Hay chúng ta sợ hãi những điều chưa biết, thích trốn tránh với những lý do như “chẳng lợi ích gì” hoặc “đã quen làm như thế rồi”?

Tiến hành Thượng Hội đồng có nghĩa là bước đi trên chính con đường của Thượng Hội đồng, là cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã bước đi trên đường trước khi gặp người đàn ông giàu có, để rồi lắng nghe những vấn đề của ông, và cuối cùng giúp ông phân định phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời. Gặp gỡ, lắng nghe, phân định. Tôi muốn dừng lại suy nghĩ về ba động từ đặc trưng này của Thượng Hội đồng.

Đầu tiên là gặp gỡ. Bài Tin Mừng bắt đầu bằng việc kể lại một cuộc gặp gỡ. Có một người đến gặp Chúa Giêsu, quỳ gối trước mặt Ngài và hỏi một câu thật cốt yếu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (câu 17). Câu hỏi quan trọng như thế đòi phải hết sức chú ý, phải dành thời gian, phải sẵn lòng gặp gỡ người khác và để mình bị chất vấn bởi những ưu tư của họ. Thực vậy, Chúa không xa cách, không tỏ ra bực bội hay khó chịu vì bị làm phiền, ngược lại, Ngài dừng ngay lại với ông. Ngài sẵn sàng gặp gỡ. Chẳng có gì khiến Ngài sao lãng. Ngài hoàn toàn quan tâm yêu thích anh. Gặp gỡ các khuôn mặt, đón nhận những ánh mắt, chia sẻ chuyện đời của mỗi người: đây là nét gần gũi của Chúa Giêsu. Ngài biết rằng một cuộc gặp gỡ có thể làm thay đổi cuộc đời một con người. Tin Mừng có nhiều cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô như vậy, những cuộc gặp gỡ giúp nâng dậy và chữa lành. Chúa Giêsu không vội vã bước đi, không nhìn đồng hồ để mau chóng kết thúc cuộc trò chuyện. Ngài luôn phục vụ người đối diện, lắng nghe những gì họ nói.

Khi bắt đầu hành trình này, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những người thành thạo nghệ thuật gặp gỡ. Không phải để tổ chức các sự kiện hoặc lý thuyết hóa các vấn đề, cho bằng dành thời gian để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Thời gian dành để cầu nguyện và thờ phượng - thờ phượng là điều chúng ta thường lãng quên khi cầu nguyện, hãy dành chỗ cho việc thờ phượng - và để lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Hội thánh. Thời gian dành để nhìn vào khuôn mặt của người khác và lắng nghe họ nói, để gặp gỡ nhau mặt đối mặt, để cho mình được đánh động bởi những yêu cầu của anh chị em, để giúp đỡ lẫn nhau sao cho những khác biệt về đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ làm cho chúng ta được thêm phong phú. Mỗi cuộc gặp gỡ - như chúng ta đã biết - đều đòi hỏi sự cởi mở, can đảm và sẵn sàng để chính mình bị chất vấn bởi sự hiện diện và câu chuyện của người khác. Trong khi đôi lúc chúng ta muốn ẩn náu nơi những mối tương quan thủ tục hình thức hoặc mang lấy dáng vẻ theo đúng quy tắc - theo tinh thần giáo sĩ và kiểu cách: chúng ta là các quý ngài hơn là người cha -, thì cuộc gặp gỡ này biến đổi chúng ta và thường mở ra cho chúng ta những con đường mới mẻ mà chúng ta không hề nghĩ đến.

Hôm nay, sau buổi đọc kinh Truyền Tin, tôi sẽ tiếp đón một nhóm người sống trên đường phố, họ được quy tụ lại đơn giản chỉ vì có những người đã đến và lắng nghe họ, chỉ là lắng nghe họ. Và qua việc lắng nghe đó, những người này đã có thể bắt đầu được một cuộc hành trình. Vâng, lắng nghe. Đã biết bao lần theo cách này, Thiên Chúa chỉ cho chúng ta những nẻo đường mới phải đi. Ngài đưa chúng ta ra khỏi những thói quen nhàm chán của mình. Mọi thứ đều thay đổi khi chúng ta có khả năng thực sự gặp gỡ Ngài và gặp gỡ nhau. Không hình thức, không giả dối, không tráo trở.

Động từ thứ hai là lắng nghe. Cuộc gặp gỡ thực sự chỉ phát sinh từ việc lắng nghe. Chúa Giêsu đã lắng nghe câu hỏi của người đàn ông đó và lắng nghe nỗi ưu tư về tôn giáo và cuộc sống hiện nay của ông. Ngài đã không đưa ra một câu trả lời máy móc như thói thường, không đề nghị một giải pháp đóng gói sẵn, không giả vờ đáp lại theo phép lịch sự để đuổi khéo ông đi và tiếp tục con đường của mình. Đơn giản là Ngài lắng nghe ông. Ngài lắng nghe ông, dành tất cả thời giờ cần thiết cho ông, không vội vã. Và, điều quan trọng nhất, là Chúa Giêsu không ngại lắng nghe ông, lắng nghe bằng trái tim chứ không chỉ bằng đôi tai. Thật vậy, câu trả lời của Ngài không chỉ giới hạn cho tương ứng với câu hỏi, nhưng gợi mở để người đàn ông giàu có đó kể câu chuyện đời mình, tự do nói về bản thân mình. Chúa Kitô nhắc nhở ông về các điều răn, để rồi ông bắt đầu kể về thời trẻ của mình, chia sẻ hành trình tôn giáo của mình và cách thức ông nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa. Khi chúng ta lắng nghe bằng con tim, điều này sẽ xảy ra: người khác cảm thấy họ được lắng nghe mà không bị phán xét, họ tự do kể lại kinh nghiệm sống và hành trình tâm linh của chính mình.

Trong hành trình Thượng Hội đồng này chúng ta hãy thẳng thắn tự hỏi mình: Chúng ta lắng nghe thế nào? “Thính giác” của con tim chúng ta ra sao? Chúng ta có để cho người khác tự bày tỏ, được bước đi trong đức tin dù hành trình cuộc sống của họ có khó khăn trắc trở, và được góp phần vào đời sống cộng đoàn mà không bị cản trở, từ chối hoặc phán xét hay không? Tiến hành Thượng Hội Đồng là đặt mình trên chính con đường của Ngôi Lời đã làm người: là đi theo bước chân của Ngài, lắng nghe Lời Ngài cùng với lời của người khác; là ngạc nhiên khám phá việc Chúa Thánh Thần thổi hơi một cách lạ lùng để gợi mở những con đường mới và những cách nói mới. Học cách lắng nghe lẫn nhau - tất cả các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, tất cả những người đã được rửa tội - hẳn là bài tập chậm chạp và nhọc nhằn, cần tránh những câu trả lời giả tạo, hời hợt, như kiểu hàng đóng gói sẵn. Thánh Linh yêu cầu chúng ta lắng nghe những thắc mắc, lo lắng và hy vọng của mọi Hội thánh, mọi người và mọi quốc gia. Và cũng lắng nghe thế giới, lắng nghe những thách thức và thay đổi mà thế giới đặt ra trước mắt chúng ta. Đừng cách âm con tim, đừng bảo bọc chúng ta trong những điều chắc chắn. Đã bao phen chúng ta bị khóa chặt trong những điều chắc chắn. Hãy lắng nghe lẫn nhau.

Cuối cùng là sự phân định. Gặp gỡ và lắng nghe không tự kết thúc và rốt cuộc mọi thứ vẫn y như cũ. Ngược lại, khi chúng ta đi vào đối thoại, chúng ta bắt đầu thảo luận, lên đường, và cuối cùng, chúng ta được biến đổi, không còn như xưa nữa. Bài Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều đó. Qua trực giác, Chúa Giêsu hiểu rằng người trước mặt mình là một người tốt lành và ngoan đạo, tuân hành các giới răn, nhưng Ngài muốn dẫn dắt anh ta vươn xa hơn việc đơn thuần tuân giữ các giới luật. Qua cuộc đối thoại, Chúa giúp ông phân định. Ngài đề nghị ông nhìn vào bên trong, dưới ánh sáng của tình yêu mà chính Chúa dành cho ông qua cái nhìn chăm chú của Ngài (xem câu 21), và trong ánh sáng đó phân định xem điều gì thực sự ràng buộc trái tim ông. Để rồi khám phá ra rằng điều ông cần, không phải là làm thêm việc đạo đức khác, nhưng ngược lại, là làm trống rỗng bản thân: bán những gì đang chiếm giữ trái tim ông, để dành chỗ cho Thiên Chúa.

Đây cũng là một chỉ dẫn quý giá cho chúng ta. Thượng Hội Đồng là một tiến trình phân định tâm linh, tiến trình phân định của Giáo Hội, diễn ra trong việc thờ phượng, trong cầu nguyện, tiếp xúc với Lời Chúa. Bài đọc thứ hai hôm nay cho chúng ta biết rằng “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Lời Chúa dẫn chúng ta đến với sự phân định và soi sáng cho quá trình đó. Lời Chúa định hướng cho Thượng Hội Đồng, ngăn không cho trở thành một “cuộc triệu tập” của Hội thánh, một hội nghị nghiên cứu hay một cuộc hội họp chính trị, bởi vì đây không phải là nghị trường quốc hội, mà là một sự kiện ân sủng, một tiến trình chữa lành được Thánh Linh hướng dẫn. Trong những ngày này, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, như đã kêu gọi người đàn ông giàu có trong bài Tin Mừng, hãy làm trống rỗng bản thân, hãy giải thoát mình khỏi tất cả những gì thuộc về thế gian, kể cả sự khép kín của chúng ta cùng những mô hình mục vụ cứ lặp đi lặp lại; đồng thời hãy tự hỏi mình, Chúa muốn nói gì với chúng ta trong thời điểm này và muốn dẫn dắt chúng ta đi theo đường hướng nào.

Anh chị em thân mến, hãy cùng nhau phấn khởi lên đường! Ước chi chúng ta có thể trở nên những lữ khách hành hương say mê Tin Mừng, rộng mở đón nhận những điều kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Xin đừng bỏ lỡ những cơ hội ân sủng của việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Hãy luôn hân hoan vì biết rằng, trong khi chúng ta tìm kiếm Chúa, thì chính Chúa, với tình yêu của Người, đã đi bước trước đến gặp chúng ta.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 1 & 2 năm 2022)