Lời cầu nguyện của ông Mô-sê
Xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài để
con biết Ngài
(Xh 33,13)
Giê-ru-sa-lem, lễ Thiên Chúa Ba Ngôi 2020
Lm. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
Lời phi lộ
Tôi đã viết hai bài quanh vụ
«con bê bằng vàng» trong sách Xuất Hành (32-34), «Đọc lại sách Xuất Hành, vụ
«con bê bằng vàng » và «Đường Xuất
Hành mới». Những ngày gần đây liên tiếp
có thêm những vị chức sắc trong Hội Thánh, những vị sáng lập các cộng đoàn sống
thánh hiến, tông đồ, bác ái, bị đưa ra ánh sáng, thêm vào con số các vị đã bị
đưa ra những năm gần đây, chưa kể các vụ đã xử lý âm thầm, hoặc còn trong vòng
điều tra, vì nhiều thứ lạm dụng, từ tính dục đến quyền lực, tiền bạc, hoặc «ba
trong một»… Nhiều ngươi theo dõi các tin tức này thắc mắc hoang mang về Hội
Thánh, về đời tu. Có vị tu sĩ lão thành hỏi tôi: «Anh nghĩ sao ? Tôi trả lời :
Thứ nhất là trên khuôn mặt Hội Thánh những vầng sáng vẫn nhiều hơn những vết
đen. Chúng ta sống trong thời kỳ của nhiều vị thánh : Các vị thánh Giáo
Hoàng Pi-ô X, Gio-an XXIII, Phao-lô VI, Gio-an Phao-lô II ; các thánh sáng
lập từ Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta đến Anh Charles [đã được công nhận, sắp được tôn
phong] ; các thánh thuộc mọi bậc sống trong Hội Thánh của Chúa… chứng tỏ rằng
Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động mãnh liệt hơn.
Thời Cải Cách Tin Lành còn
nhiều chuyện kinh hồn hơn, khiến một thầy dòng thông minh như Luther tuyệt vọng
về Hội Thánh và đề nghị giải pháp tận gốc : Xóa bỏ cái Giáo Hội do Rô-ma đứng
đầu với mọi thứ phẩm trật, quyền bính… chỉ giữ lại Sách Thánh mà thôi, vì Lời
Chúa mới ban ơn cứu độ. Thánh I-nha-xi-ô, Phi-lip-phê Nê-ri, Tê-rê-sa A-vi-la,
và nhiều vị thánh khác đã giúp canh tân Hội Thánh từ bên trong tâm hồn mỗi người,
vì Hội Thánh hợp thành bởi những con người bằng xương bằng thịt, luôn cần được nâng
đỡ, băng bó, chữa lành và bổ sức. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ví Hội Thánh như «bệnh
viện dã chiến». Tội lỗi càng gia tăng thì Thánh Thần càng hoạt động mạnh hơn.
Còn nói về những trang sử
dang dở của các vị nói trên, thì có lẽ tương tự tình trạng mà thánh Phao-lô đã
quở trách tín hữu Ga-lát : «Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt
sao ?» (Gl 3,3) : Họ đã tin
Chúa Giê-su, đón nhận Thánh Thần, nay họ lại quay về Luật Do Thái Giáo với phép
cắt bì và các thứ nghi thức khác. Các vị nói trên có lẽ cũng khởi sự nhờ ơn
Thánh Thần, nhưng khi thấy được nhiều người theo, được ái mộ thì tưởng người ta
đi theo mình chứ không phải theo Chúa, bắt đầu thấy mình có chút quyền lực, liền
chiếm cộng đoàn làm sở hữu, chạy theo quyền lực và tiền bạc, rồi cũng hưởng những
gì quyền lực và tiền bạc vẫn đem cho thế gian. Lời Thánh Phao-lô viết cho các
tín hữu Cô-rin-tô vẫn thiết thực : «Những sự việc này xảy ra cho họ để
làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang
sống trong thời sau hết này. 12Bởi vậy, ai tưởng mình đang
đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.» (1Cr 10,11-12). Cả chuyện xảy ra trong sách Xuất Hành lẫn chuyện xảy ra ngày nay đều
làm bài học cho chúng ta.
Trở về phụng vụ «Thường
niên»
Sau 40 ngày sống Mùa Chay để xin ơn và tập hoán cải,
rồi 50 ngày Mùa Phục Sinh để mừng ơn cứu độ đã đến trong Đức Giê-su và ơn Thánh
Thần để sống đời sống mới, chúng ta trở về «mùa thường niên» để thực hành đời sống
mới trong cuộc sống thường ngày.
Mùa Chay năm nay, một nhà giảng thuyết đặc biệt là Cô Vi 19 đã bám theo rót vào tai, thọc
vào mắt mỗi người, dù có tín ngưỡng hay không: «Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro…». Nay trở về đời sống thường
ngày, nhưng với nhiều nước, không còn bóng ông «vũ như cẩn», mà vẫn còn bóng
«Cô Vi 19» hay chuyển sang «thời hậu Cô Vi 19»… Nhưng dù thời đại nào thì với
người tín hữu của Chúa, vẫn là sống cuộc sống thường ngày, vẫn là hành trình về quê hương trên trời theo đường của Chúa.
Nói thì dễ nhưng cuộc sống không dễ. Kinh nghiệm của ông Mô-sê và dân Chúa
trên hành trình vào Đất Hứa có thể soi sáng cho chúng ta rất nhiều. Tôi đã đề cập
trong bài «Đường Xuất Hành Mới», nhưng tôi xin đọc lại lần nữa cách hành xử và những lần cầu nguyện của ông Mô-sê sau
vụ «con bê bằng vàng», nhìn kỹ hơn một
vài khía cạnh.
Trở lại bối cảnh vụ «con bê
bằng vàng» (Xh 32,1-10))
Sau thời kỳ gian khổ dưới ách nô lệ và cuộc đấu tranh dai dẳng để thoát ách nô lệ, cuối cùng ông Mô-sê đã thành
công, đưa đoàn dân vừa được tự do ra khỏi Ai-Cập, đứng trên bờ biển bên kia hát
bài ca chiến thắng, rồi hăng hái lên đường.
Cái thường ngày của hoang địa: Buồn tẻ, nóng nực, cái khát khô họng,
cái đói cào ruột là những thử thách hàng ngày khiến họ kêu trách ông Mô-sê, người
đã đưa họ ra khỏi Ai-cập. Có khi họ đã toan giết ông rồi đặt người khác dẫn đường
đi ngược trở lại Ai-cập, với khẩu hiệu hấp dẫn: «Nô lệ bụng no, tự do bụng
đói !» Cuối cùng họ cũng tới được điểm
hẹn thứ nhất là núi Xi-nai, nơi Thiên Chúa đã đến gọi ông Mô-sê để sai ông
quay lại Ai-cập đưa dân đi ra. Tại núi Xi-nai, Thiên Chúa đã hiển linh uy nghi
trên đỉnh núi để công bố thiết lập Giao
Ước, nhận đám dân hỗn tạp vừa thoát ách nô lệ Ai-cập làm dân của Chúa, để
đưa họ vào miền đất phì nhiêu Người đã hứa cho Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp.
Sau khi ông Mô-sê cử hành nghi thức lập Giao Ước, Thiên Chúa gọi ông lên
núi để lãnh bia đá ghi khắc Luật Giao Ước, dạy họ biết sống làm dân của Thiên
Chúa.
Ông Mô-sê giao trách nhiệm cho A -ha-ron, người anh của ông mà Thiên Chúa
đã sai đi với ông, cùng với bảy mươi kỳ mục đã được tuyển chọn để hỗ trợ việc
lãnh đạo đoàn dân đông đúc này. Ông an tâm lên núi cùng với người thanh niên
Giô-su-ê.
Phút nói thật.
Trong khi ông Mô-sê ngây ngất gặp Thiên Chúa ở trên núi, thì đám dân vừa
đón nhận Giao Ước để làm dân của Thiên Chúa và thờ phượng một mình Thiên Chúa
đã thay lòng đổi dạ. Hôm nay họ không đói không khát, nên không nhớ thúng bánh nồi
thịt, củ hành củ tỏi Ai-cập, nhưng nhớ những ông thần mắt thấy được, tay sờ được,
khiêng đi được, đặt chỗ nào tùy ý mình, nhớ những ngày lễ hội tưng bừng, tha hồ
ăn uống no say, vui chơi, ca hát múa nhảy thỏa thích. Khác xa với Đấng vô hình
uy nghi cao cả đã phán với họ từ trên đỉnh núi cao vời, chỉ làm họ sợ hãi chứ
không cho họ tới gần, chỉ truyền cho họ những mệnh lệnh thật nghiêm khắc, cấm đủ
thứ mà họ đã quen hưởng bên Ai-cập, khiến đời nô lệ tủi hổ nhọc nhằn được chút
vui tươi[1]
như những củ hành củ tỏi làm cho bữa ăn thêm hương vị.
Họ kéo nhau đến ông «đại diện lâm thời» A-ha-ron và trình nguyện vọng : “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một
vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho
cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” (Xh 32,1).
Ông anh A-ha-ron bấy lâu này chỉ nói những gì Mô-sê bảo ông nói và làm những
gì Mô-sê bảo ông làm. Nay ông được Mô-sê trao toàn quyền giải quyết mọi việc
dân đệ đạt, ông vui vẻ đáp lời yêu cầu của dân. «Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một
con bê». Ta bỗng phát hiện ông là thợ kim hoàn và thợ đúc lành nghề !
Đồ trang sức bằng vàng mà dân đã đoạt của người Ai-cập, vào tay ông A-ha-ron biến
thành ông thần của người Ai-cập[2].
Ông thành công đến nỗi khi nhìn thấy công trình nghệ thuật của ông thì dân hô
hoán lên : «Hỡi Ít-ra-en, đây là thần
của ngươi đã đưa ngươi lên từ Ai-cập.» Ông A-ha-ron hưởng ứng ngay. «Ông dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi
hô to : «Mai có lễ kính Đức Chúa».
Dân nhiệt liệt hưởng ứng : «Ngay
hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ
an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.»
Lần cầu xin thứ nhất của
Mô-sê ở trên núi (Xh 32,11-14)
Trên đỉnh núi, Thiên Chúa báo cho ông Mô-sê biết chuyện gì đang diễn ra dưới
chân núi và đưa ra giải pháp : «Ta
đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. 10Bây
giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu
diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn».
Giải pháp hoàn toàn có lợi cho ông Mô-sê. Nhưng ông vội vàng năn nỉ xin
Thiên Chúa tha cho dân. Ông viện hai lý do : Thể diện của Thiên Chúa trước
mặt dân Ai-cập và lòng trung thành của Thiên Chúa với các tổ phụ Áp-ra-ham,
I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa chấp nhận và tha ngay. Ông Mô-sê ôm hai bia đá
xuống núi.
Cách hành xử của Mô-sê ở dưới
chân núi (Xh 32,15-29)
Khi đến gần trại, ông thấy
con bê và những bọn người đang nhảy múa. Ông Mô-sê nổi cơn thịnh nộ
: Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. 20Ông
lấy con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con
cái Ít-ra-en uống.
Ông phá hủy công trình của A-ha-ron. Ông phá luôn cả công trình của Thiên
Chúa, tự tay đập vỡ hai bia đá do Thiên Chúa trao và gián tiếp tuyên bố Giao Ước
đã vỡ, vì hai bia đá này ghi Luật của Giao Ước. Sau khi thanh tra một vòng
quanh trại, ông ra đứng ngoài cổng, tuyên bố thánh chiến, mượn lời Thiên Chúa
ra lệnh cho đám Lê-vi nhiệt thành :
Ông Mô-sê đứng ở cổng
trại và hô : “Ai thờ ĐỨC CHÚA thì theo tôi !” Tất cả con cái
ông Lê-vi đều tập họp bên ông Mô-sê. 27Ông bảo họ
: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này : Mỗi người hãy
đeo gươm vào. Hãy đi đi lại lại trong khắp trại, từ cửa này sang cửa khác mà giết
: kẻ thì giết anh em, người thì giết bạn hữu, kẻ thì giết người thân cận của
mình.”
Ông đã dùng tay đám Lê-vi này tàn sát ba ngàn người trong dân. Sau đó ông
nhân danh Thiên Chúa phong chức cho họ : “Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ ĐỨC CHÚA, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì đã hy
sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay. »
(32,25-29)
Lạ thật ! Khó hiểu thật ! Thiên Chúa đã nghe lời ông van xin khi
còn trên đỉnh núi và đã tha ngay rồi cơ mà ! Sao xuống tới chân núi ông chẳng
quay lại hỏi ý Thiên Chúa, tự ý mượn lời Thiên Chúa để dùng bạo lực với dân, và
nhân danh Thiên Chúa tấn phong bạo lực để phục vụ Thiên Chúa ? Hết
ý !
Hai anh em hai ngẫu tượng.
Ông Mô-sê đã chất vấn A-ha-ron : “Dân
này đã làm gì ông mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế ?”. Ông
này đổ tội cho dân và lò lửa :
“Xin ngài chớ bừng bừng nổi
giận ; chính ngài biết : Dân này có khuynh hướng xấu. 23Họ
nói với tôi : Xin ông làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng
tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này,
là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập. 24Tôi nói với
họ : Ai có vàng ? Họ đã gỡ đồ vàng đeo tai và đưa cho tôi ; tôi ném vào lửa, và đã ra con bê này.
Ngây thơ cụ ! [Bù trớt, nói theo kiểu miền Nam]. Nể mặt anh hai, Mô-sê
đành tạm ngưng ở đó. Nhưng ông quay ra trút cơn thịnh nộ của ông lên đầu dân.
Suy cho cùng, ta nhận ra Mô-sê cũng thờ một ông thần khác, không phải là
Thiên Chúa, Đấng đã sai ông trở lại Ai-cập cứu dòng dõi Áp-ra-ham.
Ngày ông trốn khỏi Ai-cập là ngày ông đã nông nổi, manh động, đơn phương
dùng bạo lực giết một người Ai-cập để bênh vực đồng bào của ông. Hôm nay nhờ Lời
Thiên Chúa ông đã giải thoát đồng bào, đưa họ tới núi này để thờ phượng Thiên
Chúa như Người đã hứa, khi ông toan thoái thác :
Ông Mô-sê thưa
với Thiên Chúa : “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa con
cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập ?” 12Người phán
: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi : Khi
ngươi đưa dân ra khỏi Ai-cập, các
ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này.” (Xh 3,11-12).
Ông đã đưa dân tới đây, và đã cùng
nhau thờ phượng Thiên Chúa khi đón nhận Giao Ước của Thiên Chúa từ trên núi
này. Họ đã thành dân của Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Người mà cứu họ. Người đã lập Giao Ước nhận
họ làm dân của Người và họ đã tôn nhận Người là Thiên Chúa của họ. Sự thành
công này hoàn toàn là của Thiên Chúa chứ đâu phải của ông.
Phải chăng vì ông đã được sai đi dùng Lời của Thiên Chúa mà đưa họ ra khỏi
ách nô lệ nên ông tưởng mình là ông chủ mới, đã mua đám nô lệ này từ tay
Pha-ra-ô ?
Phải chăng vì Thiên Chúa đã dùng ông để công bố và thiết lập Giao Ước (x. Xh 24) mà ông tưởng mình đứng ngang hàng
với Thiên Chúa, chứ không phải là một người trong dân, cùng đón nhận Giao Ước để
thành dân của Thiên Chúa ?
Thiên Chúa mà ông dùng bạo lực và tấn phong bạo lực để phục vụ, không phải
là Thiên Chúa đã phán với ông, và đã không chấp tội dân bao nhiêu lần, từ khi họ
phản kháng ông ngay lúc ông còn đi vật lộn với Pha-ra-ô để giải thoát họ, cũng
như hôm qua, hôm kia, khi ông van xin cho họ ngay trên đỉnh núi[3].
Thiên Chúa mà ông đang mượn danh để dùng bạo lực trừng phạt dân, và tấn
phong bạo lực để vĩnh viễn phục vụ, là một « ông thần » do ông nặn ra
trong đầu và trong tim ông.
Ông không dám mạnh tay với A-ha-ron là phải. Ông có hơn gì đâu.
Anh của ông đúc con bê bằng vàng, lập bàn thờ và công bố lễ kính Đức Chúa.
Còn bản thân ông thì nổi cơn thịnh nộ, đập vỡ bia đá ghi luật Giao Ước của
Thiên Chúa, mượn lời «thiên chúa của ông» để dùng bạo lực với dân Ít-ra-en, dù
Thiên Chúa của Ít-ra-en đã tha cho họ rồi. Ông lại còn tấn phong bạo lực để phục
vụ « thiên chúa của ông» : «thiên chúa của ông» là «thiên chúa của bạo
lực và không tha thứ».
Hai anh em, mỗi người nặn ra một ngẫu tượng : ngẫu tượng của A-ha-ron
đúc theo mẫu Ai-cập, bằng vàng của Ai-cập. Ngẫu tượng của Mô-sê nặn trong đầu
và trong tim, là ông thần của bạo lực, khủng bố.
Lần cầu xin thứ hai của
Mô-sê (Xh 32,30-35)
Thiên Chúa đã dùng và muốn tiếp tục dùng Mô-sê, nên kiên nhẫn giáo hóa ông
từng bước cách nhẹ nhàng để ông thật sự trở nên người của Thiên Chúa.
Đêm. Gió mát sa mạc đã làm cho ông Mô-sê lắng xuống.
Bình minh. Cả trại chìm trong thinh lặng của sa mạc. Trước mặt đám dân đang
kinh hoàng ngơ ngác vì cuộc khủng bố chết chóc hôm qua, mà Mô-sê tuyên bố là
mình hành động theo lời của Thiên Chúa, ông nói như an ủi : Ngày hôm sau, ông Mô-sê nói với
dân : “Anh em đã phạm một tội lớn, nhưng giờ đây tôi sắp lên gặp ĐỨC CHÚA
; may ra tôi sẽ xin được Người xá tội cho anh em.” (32,30)
Ô hay, sao lại thế nhỉ ? Mới hai ngày trước, ngay trên đỉnh núi ông đã xin
và Thiên Chúa đã tha rồi cơ mà ? Lòng nhiệt thành hay cơn giận đã làm ông quên
hết rồi, chỉ còn nhớ đến tội của dân thôi ? Sao lại nói may ra ? Hôm trước đang lúc dầu sôi lửa bỏng, ông xin thì
Thiên Chúa cũng đâu chờ ông phải xin lần thứ hai, Người đã tha liền mà ! Ông
chưa tha nên ông tưởng Thiên Chúa cũng giống như ông. Ông chưa chắc mình có thể
tha, nên ông cũng chưa chắc Thiên Chúa có thể tha, « may ra » thôi.
Ông Mô-sê trở
lại với ĐỨC CHÚA và thưa: “Than
ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng
vàng! 32Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng
không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.
Đọc kỹ mấy câu này trong bản tiếng Hip-ri sẽ phát hiện vài điều lý thú. Trước
hết “ông Mô-sê trở lại với Đức Chúa”. Hôm ông ôm hai bia đá đi xuống núi,
ông đã “quay mặt và đi xuống”
(32,15 dịch sát), tức là “quay lưng”
lại Thiên Chúa, hôm nay ông mới trở lại
với Đức Chúa. Khi ông quay lưng để Thiên Chúa lại trên núi mà đi xuống, ông
đã không hề ngoái cổ lại. Tới chân núi thì ông hành xử theo ý ông, theo cơn giận
của ông, như thể không có Thiên Chúa mà ông vừa van xin trên đỉnh núi ; thậm
chí ông còn tạo ra «lời Thiên Chúa» khi sai đám Lê-vi nhiệt thành đi tàn sát
dân của Thiên Chúa. Hôm nay ông mới “trở
lại với Đức Chúa”. “Quay mặt”
và “trở lại” đã trở thành hai
kiểu nói quen thuộc về tội và hoán cải : “quay
mặt đi” hay “quay lưng” là bỏ
Thiên Chúa. Quay trở lại tức là hoán cải, “trở
lại với Thiên Chúa”. Từ lúc quay mặt và đi xuống, ông đã bỏ Thiên Chúa lại
trên núi để theo “ông thần lạ” nào đó trong lòng trong trí ông.
Bây giờ ông mới kể cho Thiên Chúa chuyện tầy trời mà dân này đã làm. Chính
Thiên Chúa đã báo cho ông biết khi còn trên đỉnh núi, đâu cần ông báo cho Người
biết. Sao lại ông lại nói dân này ? Dân của Thiên Chúa đấy ông ạ.
Nhưng giờ đây, ước gì Ngài
miễn chấp tội họ! Giờ đây ông mới xin! Trễ rồi! Thiên Chúa mà đã chấp tội từ hai, ba ngày nay thì còn đâu cho ông xin! “Nếu Chúa chấp tội thì ai sống nổi!” (x.
Tv 129/130,3). Ông quên là ông đã xin ngay lúc Thiên Chúa báo cho ông biết và
Người đã tha ngay rồi sao?
Bằng không, thì xin Ngài xoá
tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết! Ông tốt bụng quá nhỉ. Chúng
tôi hiểu là ông xin thế mạng cho dân này đấy. Ông là ai mà xin đem mạng thế cho
cả dân của Thiên Chúa. Hay ông nhớ lại lời Người bảo sẽ tiêu diệt dân này và
cho ông thay thế họ. Ông làm như thiệt. Lúc đó ông đã phản ứng rất tốt. Nhưng
bây giờ ông tỏ ra vẫn chưa biết mình là ai, vẫn còn sống với ảo ảnh của
chính mình đấy. Ông quên là cái mạng của ông đâu còn là của ông, từ khi ông
đã chấp nhận đi thi hành sứ mạng do Thiên Chúa trao thì cái mạng của ông không
còn là của ông, nhưng là của Đấng đã sai ông đi và dùng để thi hành sứ mạng chứ
không được dùng vào việc gì khác.
ĐỨC CHÚA phán với
ông Mô-sê: “Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta sẽ xoá tên nó khỏi cuốn
sách của Ta. 34Bây giờ, ngươi hãy đi, đưa dân tới nơi Ta đã chỉ
cho ngươi. Này thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt ngươi; nhưng đến ngày Ta trừng
phạt, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội đã phạm.”
Câu trả lời của Thiên Chúa mới thật thâm thúy. Việc nhập sổ hay xóa sổ là
việc của Ta, không phải việc của ngươi. Ngươi là tôi tớ thì đi lo việc Ta đã
trao cho ngươi, đưa dân của Ta đi lên. Đừng quên rằng Ta dùng ngươi là vì Ta muốn
thôi chứ chẳng phải do công trạng gì của ngươi, và không có ngươi thì có người
khác, Ta búng ngón tay là có ngay. Không có ngươi thì sứ thần của Ta vẫn đưa
dân đi, được Ta dùng là phúc cho ngươi đấy chứ chẳng phải là một công trạng gì
đâu[4].
Ông Mô-sê đã quên mình là người tôi tớ, tự ý làm ông chủ ra tay trừng phạt dân
của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn nhẹ nhàng nhắc khéo ông: Việc thưởng phạt là của
Ta đấy nhé, Ta không trao cho ngươi đâu, ngươi đừng có tự quyền nữa nhé. Ta
không nôn nóng như ngươi đâu, việc gì Ta làm cũng có thời có lúc. Ta là Đấng hằng
sống, vĩnh cửu mà, đâu có sợ trễ hay không kịp.
Lần cầu xin thứ ba của ông
Mô-sê (Xh 33,12-23)
Từ khi tới núi Xi-nai (x. Xh 19), mỗi lần muốn thưa chuyện hay nhận lệnh của
Thiên Chúa ông phải lên núi. Sau lần “trở lại với Đức Chúa” này thì ông Mô-sê dựng
Lều Hội Ngộ bên ngoài trại để ông thường xuyên “gặp Thiên Chúa” và người nào
trong dân cũng có thể tới “thỉnh ý Đức Chúa”. Thiên Chúa tỏ ra chấp nhận sáng
kiến mới này, từ lúc xuất hành tới nay chưa thấy :
Mỗi khi ông Mô-sê vào
trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng
ở cửa Lều, và ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê. 10Khi
thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều
mình.
Ngay hôm khai trương Lều Hội Ngộ và được Thiên Chúa vui lòng ngự xuống cho
ông gặp, ông Mô-sê tiếp tục buổi cầu nguyện hôm trước.
Ông Mô-sê thưa
với ĐỨC CHÚA: “Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con: ‘Hãy đưa dân
ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy
nhiên chính Ngài đã phán : Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi đã được
nghĩa với Ta.’ 13Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với
Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường
lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài. Xin cũng
coi dân tộc này là dân của Ngài.”
Trước hết ông nhắc lại câu trả lời của Thiên Chúa khi ông cầu xin lần trước,
Thiên Chúa sai ông tiếp tục đưa dân đi lên. Ông nhắc Thiên Chúa : “Ngài chưa cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với
con ?”. Khi Thiên Chúa đến gặp ông lần đầu để sai ông đi nói với Pha-ra-ô
và nói với dân, thì ông thoái thác, viện lẽ ông cà lăm. Thiên Chúa sai anh của
ông là A-ha-ron cùng đi làm «phát ngôn». Ông chấp nhận. Nay Thiên Chúa tiếp tục
sai ông đi thì ông nhắc Thiên Chúa rằng chưa cho ông biết ai sẽ cùng đi với
ông. Ông đang nhắc khéo đấy !
Chuyện bây giờ mới nói là thế ! Hôm trước ông chất vấn anh hai về chuyện
« con bê bằng vàng », thì anh hai làm mặt « ngây thơ cụ »,
nhưng ông đã ngưng ở đó. Hôm nay ông mới trở lại câu chuyện ấy khi đàm đạo với
Thiên Chúa. Không nhắc tên người cùng đi bấy lâu, chỉ kín đáo nhắc Thiên
Chúa : «Ngài lại không cho con biết…».
Điều không nói ra đã được nói : A-ha-ron, người cùng đi với con từ đầu tới
nay, có còn đủ uy tín để cùng đi với con trên đoạn đường mới này không ?
Chẳng lẽ Ngài tiếp tục bắt con cùng đi với ông anh ‘ngây thơ cụ’ của con sao ?
Bây giờ ta mới được biết thêm lời này : «Chính Ngài đã phán : Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi
đã được nghĩa với Ta.»
Ta đã biết đích danh ngươi nghĩa là Ta đã gọi, đã chọn ngươi đích danh và
Ta biết rõ ngươi là ai[5].
Chúa biết rõ con thì Chúa biết con cần ai cùng đi với con, anh hai con đã tỏ ra
không đủ khả năng cùng đi với con rồi.
Khi cầu xin ơn tha thứ cho dân thì ông đưa ra hai lý do : Thể diện của
Thiên Chúa trước mặt dân Ai-cập và lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ các tổ
phụ. Bây giờ cầu xin cho chính mình thì ông vịn vào lời Chúa nói “ngươi đã được nghĩa với Ta » để xin
ơn tiếp theo gồm ba vế : Tỏ cho con biết đường lối của Ngài /
để con
biết Ngài / và được nghĩa với Ngài. Lần đầu ta nghe ông xin ơn này.
Lời cầu xin này lại nói ra một điều ông không nói : Qua lời Thiên Chúa
phán với ông trong buổi cầu nguyện lần trước, ông đã nhận ra mình chưa biết đường
lối của Thiên Chúa. Bây giờ Thiên Chúa tiếp tục sai ông dẫn đưa dân Chúa đi thì
ông xin được biết đường lối của Chúa. Đường đi trong hoang mạc này thì 40 năm
chăn chiên đã dạy cho ông. Đường lối của Thiên Chúa thì chỉ có Thiên Chúa có thể
tỏ cho ông. Ông phải đưa dân của Chúa đi lên tới Đất Hứa, nên biết đường đi
trong hoang địa chưa đủ, vì dân sẽ chỉ vào được Đất Hứa nếu họ sống theo đường
lối của Thiên Chúa. Sứ mạng của ông bây giờ đã rõ, vì chính ông đã được
Thiên Chúa sai công bố Giao Ước và cử hành lễ thiết lập Giao Ước (x. Xh
19,3-8 ; 24,1-8). Nhưng hai bia đá Thiên Chúa ghi Luật Giao Ước thì ông
cũng chưa đọc mà đã đập vỡ rồi !
Lần đầu Thiên Chúa đến gặp ông và sai ông đi, ông đã xin được biết DANH của
Thiên Chúa để trả lời khi dân hỏi, và Thiên Chúa cho ông một DANH trừu tượng và
một DANH cụ thể. Ông cũng chỉ dùng vào mục đích đó thôi. Thế là ông chẳng biết
gì hơn, ông mới chỉ biết « danh » mà chưa biết « tánh » của
Thiên Chúa ! Lời Thiên Chúa phán khi ông cầu xin lần trước đã ngầm vạch
cho ông thấy điều đó. Thiên Chúa biết đích danh ông và đã chọn ông để sai đi với
con người thật, với mọi giới hạn của ông, cả tính nóng nảy và ưa bạo lực, cả
cái bụng hẹp hòi không chịu tha thứ nữa.
«Để con biết Ngài». Đúng rồi, phải
biết cả «danh» và «tánh» mới thật là biết.
«Và được nghĩa với
Ngài ». Nghe đến đây thì ta thấy có gì ngược chiều rồi! Chính Thiên Chúa đã phán «Ngươi đã được nghĩa với Ta» và ông đã dựa
vào đó để xin. Ông được nghĩa với Thiên Chúa trước khi ông làm gì cho Thiên
Chúa. Vì được nghĩa với Thiên Chúa mà ông được biết đường lối của Thiên Chúa và
được biết Thiên Chúa, chứ không phải vì ông biết đường lối của Thiên Chúa và biết
Thiên Chúa mà ông được nghĩa với Thiên Chúa.
«Xin cũng coi dân tộc này là dân của
Ngài”. Thừa rồi ! Thiên Chúa có ngưng coi họ là dân của Người bao giờ
đâu ! Chính vì Thiên Chúa vẫn coi họ là dân của Người nên Người mới sai
ông tiếp tục đi với họ đấy chứ ! Ông mới là người quên rằng họ là dân của
Thiên Chúa và xử với họ như thể họ là dân của ông, để ông tự ý dùng bạo lực.
Chính ông đập vỡ hai bia Chứng Ước Thiên Chúa trao cho ông đem xuống cho họ. Nếu
Thiên Chúa không còn coi họ là dân của Người thì Người đã giữ lại Bia Chứng Ước
ở trên núi và cho ông thất nghiệp luôn rồi, đâu có cơ hội cho ông đập vỡ công
trình của Thiên Chúa.
«Đức Chúa phán : «Đích thân Ta sẽ đi và sẽ cho ngươi được nghỉ
ngơi ». Đáp lại lời cầu xin đầu tiên của Mô-sê, xin cho biết ai sẽ
cùng đi với ông, Thiên Chúa bảo « Đích
thân Ta sẽ đi». Câu tiếp theo nghe rợn rợn : «Sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi » là gì ? Hôm nay Mô-sê đâu
có xin cho được nghỉ ngơi ? Thử bóp trán nhớ lại thì thấy sách Dân số, chương 11 có kể rằng khi ông
Mô-sê kẹt «giữa hai lằn đạn», một bên là dân tụm năm tụm ba khóc lóc đòi ăn, một
bên là Thiên Chúa bừng bừng nổi giận, ông đã xin với Thiên Chúa:
Một mình con không thể gánh
cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. 15Nếu Ngài xử
với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn – ấy là nếu
con đẹp lòng Ngài ! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa !” (11,14-15)
Sách Đệ Nhị Luật sẽ cho thấy
Thiên Chúa thực hiện lời hứa này và cho ông Mô-sê được nghỉ ngơi trên núi Nê-bô
(34,1-12), khỏi vất vả đưa dân qua sông Gio-đan và dùng chiến tranh chiếm lãnh
Đất Hứa.
Xem ra ông Mô-sê thích thú với lời hứa thứ nhất, ông liền phụ họa :
Ông Mô-sê thưa với
Người : “Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi
đây. 16Nhưng làm thế nào [cho người ta] biết được là con và dân
của Ngài được nghĩa với Ngài ? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao ?
Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân trên mặt đất.”
Thiên Chúa như âu yếm trả lời bằng một tiếng «Ừ !» thiệt to, và nhắc lại
lời đã làm Mô-sê phấn chấn, như để kết thúc buổi tiếp kiến : “Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ
làm, vì ngươi đã được nghĩa với
Ta, và Ta biết đích danh ngươi ».
«Được lời như cởi tấm lòng», thấy
vì đã được nghĩa với Thiên Chúa thì xin gì cũng được, ông Mô-sê được nê xin
thêm một điều : “Xin Ngài
thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.” Thế ra ông xin
Thiên Chúa trả lời vắn gọn cho lời cầu xin chính của ông là «được biết đường lối của Ngài để con biết
Ngài» bằng cách cho thấy mặt luôn.
19Người phán : “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ
xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” 20Người
phán : “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy
Ta mà vẫn sống.” 21ĐỨC CHÚA còn phán : “Đây là chỗ gần Ta
; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22Khi vinh quang của Ta đi qua,
Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi
qua. 23Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn
tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Người viết sách không bận tâm giải thích tại sao đang ở trong Lều mà lại có
hốc đá. Điều quan trọng là một chuỗi lời cầu xin của Mô-sê và trả lời của Thiên
Chúa, liên tục với nhau như trong cùng một buổi cầu nguyện[6] . Xin được
thấy mặt Thiên Chúa là chạm trần nhà rồi, không được. Nhưng Thiên Chúa cho ông
biết đường lối của Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót vô điều kiện :
«Ta thương ai thì thương, xót ai thì
xót». Muốn biết đường lối của Thiên Chúa thì phải nhìn từ sau lưng để biết
đường đi nước bước[7]
của Người.
Thiên Chúa giáo hóa Mô-sê
cách quyết liệt trên núi (Xh 34)
Những «lỗ hổng» hay “lấn cấn” chúng ta đã nhận ra khi đọc kỹ các lời cầu
xin và cách hành xử của Mô-sê, Thiên Chúa sẽ chỉnh đốn trong một cuộc giáo huấn
kéo dài 40 ngày trên đỉnh núi, để hàn gắn lại những đổ vỡ do Mô-sê gây ra, và
biến đổi chính con người ông Mô-sê cho hợp với sứ mạng phục vụ Dân của Thiên
Chúa, trong giai đoạn mới của hành trình về Đất Hứa sau khi đã nhận Giao Ước ở
núi Xi-nai.
Lần này Thiên Chúa chủ động. Để chuẩn bị, Thiên Chúa truyền cho ông
Mô-sê :
“Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống
như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước
mà ngươi đã đập vỡ. 2Ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng cho sáng ngày
mai. Ngay từ sáng, ngươi hãy lên núi Xi-nai và đứng chờ Ta ở đó, trên
đỉnh núi. 30Không ai được lên với ngươi ; cũng không ai được xuất
hiện trên khắp vùng núi ; ngay cả bò bê hay dê cừu cũng không được ăn cỏ trên
sườn núi đó.”
Một cuộc cấm phòng nghiêm ngặt. Bắt đầu lại câu chuyện từ ngày Mô-sê ôm hai
bia đá do Thiên Chúa tự tay làm và tự tay viết mà ban cho dân, «quay mặt đi xuống» rồi tự tay đập vỡ hai
bia đá kia dưới chân núi. Mô-sê phải tự tay đẽo hai bia đá giống như hai bia mà
ông đã tự tay đập vỡ. Rồi ông phải ôm hai bia đá đi một mình lên núi– không có
Giô-su-ê theo hầu như lần trước, cũng không có dân đứng dưới chân núi. Lần trước
Thiên Chúa ngự sẵn trên đó, gọi và chờ ông lên, lần này ông phải lên đó và đứng
chờ Thiên Chúa.
Thiên Chúa uy nghi xuất hiện. Một cuộc triều yết long trọng dành riêng cho
Mô-sê. Thiên Chúa dành cho Mô-sê một cuộc hiển linh dài hơn cuộc hiển linh kết
thúc buổi cầu xin thứ ba của ông (Xh 33,
18-23).
ĐỨC CHÚA ngự xuống
trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. 6ĐỨC
CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA !
Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành
tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi
lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến
ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.”
Lần này Mô-sê được đứng nhìn Thiên Chúa đi qua và nghe xướng «danh tánh» đầy
đủ của Thiên Chúa. Danh tánh quảng diễn dài và đầy đủ hơn. Một đàng là Thiên
Chúa nhân hậu từ bi, kiên nhẫn chịu đựng, đàng khác không có xí xóa ba phải, tội
vẫn là tội, nếu phạt thì phải phạt tới ba bốn đời cơ, một đời chưa đủ. Hoàn
toàn ngược với những gì Mô-sê đã tự nghĩ về Thiên Chúa và đường lối của Thiên
Chúa.
Lời cầu xin chính của Mô-sê trong lần cầu xin tại Lều Hội Ngộ, xin biết đường
lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa, hôm nay Người đáp: Đường lối của Ta là
thế, và Ta là thế đấy.
Lập tức Mô-sê phủ phục và lặp lại những lời cầu xin đã quen từ khi xảy ra vụ
con bê bằng vàng, vin vào chỗ « được
nghĩa với Thiên Chúa » như lần trước. Những điều ông xin toàn là những
điều Thiên Chúa chẳng cần ông phải xin, mà chỉ bộc lộ rằng tâm trí ông vẫn chưa
thay đổi. Coi như Thiên Chúa đã cho ông đề tài để cấm phòng rồi, và ông cũng bộc
lộ rõ là ông cần được biến đổi trong cuộc cấm phòng này, để có thể tiếp tục sứ
mạng.
Thiên Chúa để cho ông Mô-sê nói, rồi không trả lời ông, Thiên Chúa tiếp tục
cho đề tài. Ông đẽo bia đá giống hai bia của Thiên Chúa trao lần trước và ôm
lên đây rồi. Chúa đọc lại nội dung Luật Giao ước đã ghi trên bia, Mô-sê chưa kịp
đọc đã tự tay đập vỡ.
Kết luận : ĐỨC CHÚA phán với
ông Mô-sê : “Hãy ghi chép
những lời này, vì dựa trên chính
những lời này mà Ta đã lập
giao ước với ngươi và với Ít-ra-en.”
Ta nên đọc kỹ câu kết luận này để thấy ý nghĩa của ba vế
1/ Hãy ghi chép những lời này.
Khi truyền cho Mô-sê đẽo hai bia đá thì Thiên Chúa bảo «Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập
vỡ». Bây giờ Thiên Chúa đọc lại nội dung rồi bảo Mô-sê ghi. Vẫn là Thiên
Chúa ghi, nhưng dùng Mô-sê làm thư ký. Ta sẽ trở lại điểm này.
2/ Dựa trên chính những lời này mà Ta
đã lập Giao Ước. Những lời Thiên
Chúa vừa nói lại cho Mô-sê nghe là nội dung Luật Giao Ước đã ban hôm trước, khi
toàn dân tụ họp dưới chân núi đấy, không phải một Giao Ước khác đâu. Hôm ấy dân
sợ nghe tiếng uy nghi như sấm sét của Thiên Chúa nên xin ông Mô-sê nói với họ bằng
tiếng loài người, Thiên Chúa cũng chiều ý dân. Ngay lúc đó, Thiên Chúa đã để
cho «dân đứng xa xa, còn Mô-sê thì tiến lại
gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự và Thiên Chúa phán với ông
Mô-sê : Ngươi sẽ bảo con cái Ít-ra-en như thế này… » (Xh 20,21-22). Sau đó, để ghi nhớ, Thiên
Chúa tự tay ghi Luật Giao Ước trên hai bia đá, để ông Mô-sê đem xuống đọc cho
dân, nhưng ông đã đập vỡ.
3/ «Ta đã lập Giao Ước với ngươi và với
Ít-ra-en»: Thiên Chúa nhẹ nhàng sửa dạy những lấn cấn của Mô-sê khi hành xử,
không biết mình đứng trong / đứng ngoài / hay đứng trên. Nay Thiên Chúa nói
rõ : Giao Ước với ngươi và với
Ít-ra-en. Rõ rồi nhé, Mô-sê đứng trong, là một trong những người được hưởng
Giao Ước, và cũng phải giữ luật của Giao Ước.
Phần hướng dẫn, Thiên Chúa cho đề tài và phương pháp cấm phòng rồi đấy. Ông
xin ơn biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa thì trong cuộc hiển
linh dành riêng cho ông hôm nay Chúa đã cho ông thấy và nghe. Đường lối của
Thiên Chúa thì nghe không đủ, phải đi theo mới biết. Thiên Chúa đã vạch ra
trong Luật Giao Ước để dân Chúa, trong đó có ông, biết mà đi theo. Ông là người
có trách nhiệm dẫn đầu thì càng phải lo học biết và đi cho đúng để dân theo sau[8],
chứ không thể làm cảnh sát giao thông, đứng một chỗ mà chỉ đường: « Đường
này đấy, anh chị em đi đi ! »
Phương pháp cấm phòng là ông Mô-sê phải tự tay khắc từng chữ trên bia đá, để
có thời gian và thinh lặng cho lời Thiên Chúa thấm vào lòng, ghi vào trí ông,
và nhất là để « Thần Khí của Thiên Chúa » thấm vào cả con người của
ông, cho ông được có cùng cảm nghĩ như Thiên Chúa[9], biết phản
ứng như Thiên Chúa, hành xử như Thiên Chúa để nên giống Thiên Chúa; nếu nên giống
Thiên Chúa thì sẽ biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta giống như
hình ảnh của Người[10].
Thần Khí Thiên Chúa đã «đậu trên ông»[11]
để ông dẫn dắt đoàn dân của Thiên Chúa, nhưng Thần Khí chưa thấm vào ông nên
cách cảm nghĩ và hành xử của ông không phải của Thiên Chúa. Trong vụ «con bê bằng
vàng» ông đã xử sự như thể ông là hiện thân của Thiên Chúa. Bây giờ ông phải học
biết rằng Thiên Chúa hoàn toàn khác[12]. Ông phải
nên giống Thiên Chúa chứ đừng uốn Thiên Chúa theo khuôn của ông như ông đã làm
bấy nay.
Kết quả cuộc cấm phòng trên
núi với Thiên Chúa
Ông ở đó với ĐỨC
CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên
những tấm bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều. 29Ông Mô-sê từ
trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi,
ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với
Thiên Chúa. 30Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái
con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói,
nên họ sợ không dám lại gần ông. 31Ông Mô-sê gọi họ :
ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và ông nói
chuyện với họ. Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại
gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC CHÚA đã phán với
ông trên núi Xi-nai.
Sự biến đổi bên trong tỏa ra bên ngoài, cả trên da mặt ông. Ông xuất hiện
như một con người mới trước mặt «A-ha-ron
và toàn thể con cái Ít-ra-en ». Họ không dám tới gần cho đến khi ông gọi
họ để họ nhận ra chính ông đã một mình lên núi và trở xuống với họ đây. Bộ mặt
ông hoàn toàn khác với bộ mặt khi ông xuống núi lần trước. Hôm nay ông ôm hai
bia đá có ghi khắc Luật Giao Ước xuống cho họ, và ông có thể dùng lời nói mà «truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC
CHÚA đã phán với ông trên núi Xi-nai.»
Khi dẫn vợ con của Mô-sê tới cho ông[13], nhạc phụ
đã dạy: “Anh hãy đứng ra thay mặt
dân trước nhan Thiên Chúa: Chính anh sẽ trình các việc lên Thiên Chúa, 20sẽ
dạy cho họ các thánh chỉ, các lề luật, và cho họ biết đường lối phải đi và cách
phải xử sự.”(18,19-20).
Bây giờ Mô-sê mới thi hành đúng lời bố vợ đã dạy:
Nói với họ xong, ông lấy
khăn che mặt đi. 34Khi vào trước nhan ĐỨC CHÚA để đàm
đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra ; ông trở ra và nói lại với
con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được. 35Con
cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói ;
ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên
Chúa. (34,33-35).
Từ nay Mô-sê che mặt lại, chỉ mở khăn khi vào chầu Thiên Chúa để «trình các
việc lên Thiên Chúa» và trở ra nói cho dân những mệnh lệnh ông đã nhận được, rồi
lại che mặt. Từ nay ông chỉ còn là con thoi giữa Thiên Chúa và dân của Thiên
Chúa.
Ta thầm nghĩ, phải chi ngay lần xuống núi trước ông đã là như thế thì đâu
nên nỗi… Trễ còn hơn không bao giờ. Thánh Phao-lô áp dụng chuyện Mô-sê cho
chúng ta: “Tất cả chúng ta, mặt không che
màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương”[14].
Chúa Giê-su dạy trong bài giảng trên núi: «Anh
em là ánh sáng cho trần gian»[15]
[1] Thời đó họ đâu còn biết còn
nhớ Thiên Chúa của tổ tiên, như sách Ê-dê-ki-en diễn tả (23,19-21). Thiên Chúa
nhớ lời đã hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp và sai Mô-sê đến giải cứu họ
(x. Xh 3,10—20)
[2] Ở bán đảo Xi-nai hiện nay vẫn
còn di tích hoang tàn một ngôi đền thờ của người Ai-cập trên núi Serabit El
Khadem, từ hơn hai ngàn năm trước CGS, các đầu kèo, đầu cột đều có hình đầu con bò.
[3] Sách Khôn ngoan (11,15-12,27) ca
tụng Thiên Chúa đã kiên nhẫn cả với dân Ai cập và dân Ca-na-an để dạy dân của
Chúa: “Người công chính phải có lòng nhân
ái” (12,19).
[4] Sau này Chúa Giê-su sẽ kể
thí dụ người tôi tớ và dạy: “Khi đã làm tất
cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “Chúng tôi chỉ là tôi tớ vô dụng…”
(Lc 17,7-10). Không có chúng tôi thì
có người khác, được chủ dùng là phúc rồi, ngoài kia có hàng trăm người chờ cả
ngày không ai mướn. Ông chủ ra ngoắt tay là tuyển không kịp đấy.
[5] Nhớ lời Tv 138/139: “Lạy Chúa, Ngài
dò xét con và Ngài biết rõ…” Thánh Phê-rô cũng gợi Thánh vịnh này khi trả lời
Chúa Giê-su ba lần: Thầy biết con yêu mến Thầy… Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết
con yêu mến Thầy (Ga 21,15-17).
Giê-rê-mi-a cũng kể tương tự về ơn gọi của mình (1,5); thánh Phao-lô lấy lại lời này (Gl 1,15).
[6] Kịch nghệ cổ điển của Pháp
cũng có nguyên tắc “tam nhất” do Racine vạch ra: Trong cùng một ngày, tại cùng một nơi, diễn biến của cùng một
hành động.
[13] Xh 18,1-27. Nhân dịp này ta mới biết là để rảnh tâm trí thi hành
nhiệm vụ bên Ai-cập, Mô-sê đã gởi vợ con về ở nhà bố vợ.
[15] Mt 5,14-16. Ông Mô-sê lên núi
một mình, nhận Luật khắc trên bia đá mang xuống cho dân; còn “Chúa Giê-su lên núi, ngồi xuống, các môn đệ
đến gần bên, Người mở miệng dạy họ” (Mt
5,1).