ĐỌC LẠI SÁCH XUẤT HÀNH
VỤ CON BÊ BẰNG VÀNG
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Giu-se Lao Động 2020
L.m. Giu-se Nguyễn công Đoan S.J.
WHĐ - Tội tổ tông thứ nhất xảy ra trong vườn Địa Đàng,
con người nghe Xa-tan xúi giục, nghi ngờ tình yêu thương của Thiên Chúa. Đã
nghi ngờ tình yêu thì mọi thứ bị đảo lộn. Những gì là quà tặng của tình yêu mất
hết giá trị, và người ta đi tìm cái khác bù lại. Cái gì cũng tin, trừ tình yêu
mình đã từ chối. Tin rằng một thứ trái cây lại có sức đem cho người ta hơn cả
những gì đã mất: cho mình trở nên như những vị thần. Đó là cái ảo tưởng dai dẳng
trong lòng con người từ đó tới nay. Lịch sử cứu độ từ Vườn Địa Đàng tới nay vẫn
là sự vật lộn giữa thật và giả, giữa Thiên Chúa thật và ngẫu tượng. Xưa thì ngẫu
tượng là những vật vô tri tay người ta làm ra, rồi đến của cải, quyền lực. Người
ta có thể “sát tế” cả đến con cái mình, dân tộc mình, ngày nay thì có thể sát tế
cả nhân loại cho thần quyền lực, thần tiền tài. Ngẫu tượng ngày nay còn có cả
những con người bằng xương bằng thịt, có sức cuốn hút cả một thế hệ, người ta
dùng chính cái tên “thần tượng” để gọi và người ta thèm nên giống thần tượng của
mình, từ mái tóc, từ cách đi đứng. Thần tượng kiểu nào cũng làm con người vong
thân. Điều nghịch lý là Thiên Chúa giải phóng, còn ngẫu tượng bắt người ta làm
nô lệ, nhưng người ta lạ cứ thích làm nô lệ hơn.
Đoàn dân nô lệ được Thiên Chúa sai Mô-sê đưa ra
khỏi Ai cập chỉ tin vào Thiên Chúa khi đã thấy xác của đoàn quân đuổi theo mình
phơi trên bờ biển, nhưng vừa thiếu bánh thiếu nước, thèm con cá, miếng thịt, quả
dưa quả bí, củ hành củ tỏi là đã muốn đánh đổi tự do lấy bụng no! Đoàn dân nô lệ
vừa được ngóc đầu lên muốn có “tất cả và ngay lập tức”. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn
săn sóc họ như một đứa trẻ (x. Xh
16-17).
Đến núi Xi-nai, Thiên Chúa muốn nâng phẩm giá cho
họ bằng một Giao Ước, nhận họ làm dân của Ngài (x. Xh 19-24), vì Ngài trung thành với lời đã hứa cho Áp-ra-ham, người “bạn
của Thiên Chúa”. Bấy lâu nay họ chỉ biết các ngẫu tượng của Ai-cập, chưa biết
Thiên Chúa của tổ tiên họ. Thiên Chúa cho họ thấy sự uy nghi siêu việt của
Thiên Chúa bằng cuộc hiển linh trên núi Xi-nai để phán dạy họ. Họ sợ hãi, xin
Mô-sê làm trung gian nói với họ bằng tiếng nói của loài người. Thiên Chúa cũng
chiều ý họ. Sau khi ông Mô-sê đã rao cho họ nghe Luật của Giao Ước thì họ nghe
và chấp nhận. Ông Mô-sê cử hành nghi lễ kết ước. Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên
núi để lãnh “hai tấm bia chứng ước; những
bia ấy viết cả hai mặt. Những bia ấy
là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia.”
Ông Mô-sê ở lại trên núi bốn mươi ngày đêm, biệt
vô âm tín. Dân sốt ruột. Trước khi lên núi, ông Mô-sê đã giao cho A-ha-ron, người
anh đã giúp ông từ đầu cuộc vận động giải phóng ở Ai-cập tới nay, làm đại diện ở
với dân. Ngồi chờ cả tháng trời họ mất kiên nhẫn. Họ đến gặp ông đại diện lâm
thời đang ngồi đó và yêu cầu: “Xin ông
đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần
để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho
cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” Họ
muốn có một vị thần dân đầu mà họ điều khiển được, thay vì Thiên Chúa uy nghi
trên núi khiến họ sợ hãi và không thể điều khiển.
Ông A-ha-ron không hề thắc mắc hay phản kháng.
Ông có ngay sáng kiến để thỏa mãn yêu cầu của dân khi nhìn họ đeo những đồ
trang sức bằng vàng dân đã đoạt của người Ai-cập. “Ông A-ha-ron nói với họ: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và
con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi.” 3Toàn
dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông A-ha-ron. 4Ông
lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê[1].
Có vẻ ông A-ha-ron thạo nghề kim hoàn!
Ông khỏi cần nói gì thêm. Thấy con bê bằng vàng
ông vừa hoàn thành, dân bộc phát tung hô: “Đây
là thần của ngươi đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập.” Vuốt râu đắc ý, ông dựng
bàn thờ trước tượng con bê, rồi tuyên bố: “Mai
có lễ kính Đức Chúa”. Dân nhiệt liệt hưởng ứng: “Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ
vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.”
Ông Mô-sê bị thả trôi sông, được công chúa cứu, lớn
lên trong hoàng cung. Sau đó trốn sang đất Ma-đi-an. A-ha-ron sinh trước cái lệnh
tàn ác kia, nên thanh thản lớn lên trong gia đình. Ông mang theo ký ức về các
ngẫu tượng, các buổi lễ hội của Ai-cập. Những ký ức kia và tay nghề giúp ông thỏa
mãn yêu cầu của dân thật dễ dàng.
Sách Xuất Hành không nói gì đến đời sống tôn giáo
của đám dân nô-lệ này suốt mấy trăm năm lưu lạc bên Ai-cập. Nhưng sách Ê-dê-ki-en cho thấy :
« Hỡi con người, xưa có hai người đàn bà là con cùng một mẹ. 3Chúng đã đàng điếm ở Ai-cập ;
ngay từ thời thơ ấu, chúng đã đàng điếm. Ở đó, chúng đã bị bóp vú, bị nắn
ngực còn trinh. 4Tên của chúng : chị là O-ho-la, em
là O-ho-li-va. Chúng đã thuộc về Ta và sinh được một bầy con trai con gái.
Đây là tên của chúng : O-ho-la là Sa-ma-ri và O-ho-li-va là Giê-ru-sa-lem. » (23,2-4).
Vậy thì tượng con bê bằng vàng và lễ hội không phải
là sáng kiến của ông A-ha-ron, nhưng chỉ là bắt chước dân Ai-cập thôi. Điều mỉa
mai là vàng đoạt của dân Ai cập lại thành ông thần đưa dân nô lệ ra khỏi Ai-cập.
Nếu nhớ lại câu chuyện của bà tổ Ra-khen khi theo chồng trốn về bên nội thì ta
thấy cái mỉa mai còn sâu sắc hơn nữa (x. St
31). Bà Ra-khen lấy trộm các tượng thần của cha mang theo. Khi cha đuổi theo và
hỏi tội Gia-cóp : « Sao con lại
lấy trộm các thần của cha ». Gia-cóp chẳng biết gì về việc vợ đã làm,
nên khẳng khái trả lời : « Nếu
cha tìm thấy các thần của cha nơi người nào, thì người ấy không được sống nữa. »
Trong khi ông La-ban lục lọi trong lều thì bà Ra-khen cho các thần trú ẩn dưới
yên lạc đà rồi thản nhiên ngồi lên trên. Cha tới thì bà viện cớ « ngày phụ
nữ của con » để xin miễn đứng lên. Ông La-ban chịu thua. Bà tổ thì cho thần
của tổ tiên núp ở nơi hiểm hóc nhất, con cháu bốn trăm năm mươi năm sau thì lấy
vàng của Ai-cập đúc tượng thần Ai-cập mà đặt lên bàn thờ[2] !
Ông Mô-sê còn ngây ngất ở trên núi thì Thiên Chúa
báo cho ông biết và bảo ông xuống ngay. Thiên Chúa cho ông biết kế hoạch mới :
xóa sổ dân phản loạn này và cho ông thay thế. Ông liền van xin, và đưa ra hai
lý do : một là thể diện của Thiên Chúa trước mặt dân Ai-cập, hai là sự
trung thành của Thiên Chúa với lời đã hứa cho Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Lập
tức « ĐỨC CHÚA đã thương, không
giáng phạt dân Người như Người đã đe. »
Ông Mô-sê ôm hai tấm bia đi xuống núi. Vậy khi đến gần trại, ông thấy con bê và những
bọn người đang nhảy múa. Ông Mô-sê nổi
cơn thịnh nộ : Ông ném các tấm
bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. 20Ông lấy
con bê họ đã làm, đốt đi, tán nhuyễn ra, rắc lên mặt nước, rồi bắt con
cái Ít-ra-en uống.
Rồi ông chất vấn ông đại diện A-ha-ron, được một
câu trả lời « ngây thơ cụ » :
Ông Mô-sê bảo ông A-ha-ron : “Dân này đã làm gì ông mà
ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế ?” 22Ông A-ha-ron nói
: “Xin ngài chớ bừng bừng nổi giận ; chính ngài biết : dân này có
khuynh hướng xấu. 23Họ nói với tôi : Xin ông làm
cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện
gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ
đất Ai-cập. 24Tôi nói với họ : Ai có vàng ? Họ đã gỡ đồ vàng đeo tai và đưa cho tôi
; tôi ném vào lửa, và đã ra con bê này.”
Đỉnh cao của phản ứng : Mô-sê kêu gọi thánh
chiến. Đám con cháu Lê-vi nhiệt thành theo ông. Tắm máu. Sau đó ông tuyên dương
cộng trạng và tấn phong đám người nhiệt thành :
Ông Mô-sê nói: “Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ ĐỨC
CHÚA, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì đã hy sinh anh em mình, khiến Người
chúc phúc cho anh em hôm nay.”
Nghe mà nổi da gà ! Họ được phong chức vì đã
hy sinh con mình, anh em mình chứ không phải chính mình. Bình tĩnh suy nghĩ thì
chúng ta thấy phản ứng sắt máu này hoàn toàn là sáng kiến của ông Mô-sê chứ
không phải lệnh của Thiên Chúa. Ông năn nỉ cho dân, Thiên Chúa nhận lời ngay và
tuyên bố tha rồi.
Ông Mô-sê tự ý đập vỡ bia chứng ước tức là tự tiện
tuyên bố « giao ước đã vỡ ». Chưa hết, ông còn tự ý tuyên bố thánh
chiến, gây ra cuộc tắm máu. Ông phải dạy cho dân biết đường lối của Thiên Chúa,
thế mà chính ông lại chẳng làm theo. Thiên Chúa tha, nhưng Mô-sê không
tha !
Qua một đêm lắng xuống, hôm sau :
Ông Mô-sê trở lại
với ĐỨC CHÚA và thưa : “Than
ôi, dân này đã phạm một tội lớn ! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! 32Nhưng giờ đây, ước
gì Ngài miễn chấp tội họ ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách
Ngài đã viết.” 33ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê :
“Kẻ nào phạm tội làm mất lòng Ta, Ta
sẽ xoá tên nó khỏi cuốn sách của Ta. 34Bây giờ,
ngươi hãy đi, đưa dân tới nơi Ta đã chỉ cho ngươi. Này thiên sứ của Ta sẽ đi
trước mặt ngươi ; nhưng đến ngày Ta trừng phạt, Ta sẽ trừng phạt chúng vì tội
đã phạm.” (32,31-34)
Hôm qua Thiên Chúa đã tuyên bố tha rồi mà, sao
ông còn năn nỉ nữa, lại còn xin được thế mạng cho dân. Có vẻ như vì ông đã
không tha nên ông tưởng Thiên Chúa cũng không tha. Thiên Chúa chẳng cần lấy mạng
ông như ông đã lấy mạng ba ngàn người hôm qua. Cái mạng của ông cứ để đó, còn
xài được. Thiên Chúa ra lệnh cho ông tiếp tục việc của ông là đưa dân đi tới
Đất Hứa, và để bảo đảm cho ông đừng tự hành động theo cơn nóng giận thì
« thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt
ngươi ». Việc trừng phạt là của Thiên Chúa chứ không phải
của ông, và Thiên Chúa không nóng vội như ông. « Đến ngày trừng phạt Ta sẽ trừng phạt ». Thế là rõ ràng. Đường
lối của Mô-sê không phải là đường lối của Thiên Chúa. Mô-sê còn phải học cho biết
đường lối của Thiên Chúa.
Mô-sê đã vỡ mộng với ông anh « ngây thơ cụ »,
hở ra một chút là làm hỏng việc, nên khi nghe Thiên Chúa ra lệnh đi tiếp, thì
xin Thiên Chúa cho người đồng hành.
Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA : “Xin Ngài coi, chính
Ngài đã phán với con : ‘Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy
nhiên chính Ngài đã phán : Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi
đã được nghĩa với Ta.’ 13Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã
được nghĩa với Ngài,
xin khấn tỏ cho con biết đường
lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.
Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài.” 14
ĐỨC CHÚA phán : “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ
ngơi.”
Đến đây ta hiểu rõ điều ông Mô-sê cầu xin. Ông
anh « ngây thơ cụ » vẫn cùng đi với ông bấy lâu nay đã tỏ ra không biết
đường lối của Thiên Chúa, mà bản thân ông cũng vừa ngộ ra là mình cũng chẳng biết
gì hơn. Điều ông xin là được biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên Chúa.
Hôm Thiên Chúa gọi ông từ trong đám lửa, ông đã chẳng biết Người, nên ông xin
biết tên của Người để có thể trả lời cho dân khi họ hỏi. Thiên Chúa đã cho ông
cái tên dễ hiểu để nói với dân : « Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của
Gia-cóp », nhưng các cụ tổ đã chết từ mấy trăm năm trước, nên nghe vậy
thì biết vậy thôi, đâu có đánh thức được các cụ dậy mà hỏi.
Câu chuyện vừa rồi đã cho ông thấy rằng đường lối
của Thiên Chúa mình còn chẳng biết, nói chi là biết chính Thiên Chúa. Qua vụ
con bê vàng này ông được « phá ngu » : ngộ ra rằng mình chưa biết
Thiên Chúa. Thiên Chúa biết đích danh ông, nhưng ông chưa biết Thiên Chúa.
Nhưng ông năn nỉ lần thứ ba : « xin
cũng coi dân tộc này là dân của Ngài » cho thấy là ông vẫn còn nghi ngờ
về ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa có tha thì mới sai ông tiếp tục dẫn nhọ
đi chứ. Một lần nữa ông tỏ ra chưa biết Thiên Chúa và cũng chưa biết đường lối
của Thiên Chúa.
Ông muốn xin đi đường tắt để biết Thiên Chúa :
“Xin Ngài
thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.” 19Người
phán : “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ
xưng danh Ta là ĐỨC CHÚA trước mặt ngươi. Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót.” 20Người
phán : “Ngươi không thể xem thấy tôn
nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” 21ĐỨC
CHÚA còn phán : “Đây là chỗ gần Ta ; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. 22Khi
vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che
ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. 23Rồi Ta sẽ rút tay lại,
và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn
tôn nhan Ta thì không được thấy.”
Thiên Chúa trả lời thẳng cho ông rằng điều ông vừa
xin thì không thể được, nhưng điều ông đã xin trước là đúng : « biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên
Chúa. » Muốn biết đường lối của Thiên Chúa thì hãy chờ Ngài đi qua rồi
nhìn lưng Ngài, nghĩa là đi đàng sau Thiên Chúa. Với cụ tổ Áp-ra-ham thì Thiên
Chúa truyền : « Ngươi hãy bước
đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo ». Cụ Tổ luôn tin lời Thiên Chúa
và làm theo, nên có thể bước đi trước mặt Thiên Chúa, đã nên hoàn hảo và được gọi
là « bạn của Thiên Chúa ». Mô-sê được trao nhiệm vụ dẫn dòng dõi
Áp-ra-ham về Đất Hứa thì phải nhìn sau lưng Thiên Chúa để biết đường lối. Thiên
Chúa đã hứa : « Này thiên sứ của
Ta sẽ đi trước mặt ngươi » (32,34).
Ông Mô-sê đã tự tiện đập vỡ hai bia đá Thiên Chúa
ban và bằng cử chỉ này tự ý tuyên bố là Giao Ước đã vỡ. Thiên Chúa truyền cho
ông : « Ngươi hãy đẽo hai bia
đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các
bia trước mà ngươi đã đập vỡ. Ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng cho sáng ngày mai.
Ngay từ sáng, ngươi hãy lên
núi Xi-nai và đứng chờ Ta ở đó, trên đỉnh núi. 3Không ai được lên với ngươi
; cũng không ai được xuất hiện trên khắp vùng núi ; ngay cả bò bê hay dê cừu
cũng không được ăn cỏ trên sườn núi đó.” 4Vậy
ông Mô-sê đẽo hai bia đá giống như những bia trước ; rồi sáng sớm ông
thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của ĐỨC CHÚA, tay mang hai
bia đá.
5 ĐỨC CHÚA ngự xuống
trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. 6ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt
ông và xướng : “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ
bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, 7giữ lòng
nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng
không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha
ông.” 8Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ
lạy 9và thưa : “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa,
thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng
xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm
cơ nghiệp của Ngài.”
10ĐỨC CHÚA phán : “Này Ta
sắp lập một giao ước. Trước mặt toàn dân của ngươi, Ta sẽ làm những việc lạ
lùng chưa hề được thực hiện trong một nước hay một dân nào. Toàn dân ở chung
quanh ngươi sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm, vì điều Ta sắp dùng ngươi mà
làm thì thật đáng sợ. 11Hãy giữ kỹ điều Ta truyền cho ngươi hôm
nay.
Mấy điều cần chú ý khi đọc lại toàn chương 34
này.
1/ Lần trước Thiên Chúa truyền tụ họp toàn dân dưới
chân núi. Lần này thì hoàn toàn chỉ có một mình ông Mô-sê : không ai được
cùng lên núi với ông và cũng không ai được xuất hiện trên khắp vùng.
2/ Đức Chúa đến, tự xưng danh là Đức Chúa, rồi đi
qua trước mặt ông và xướng… Lần trước Ngài chỉ nói « Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót ». Lần này dài
hơn : 6ĐỨC
CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : “ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA !
Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành
tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm,
tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn
đời vì lỗi lầm của cha ông. Thiên
Chúa như đang nói cho ông nghe nhiều hơn về đường lối của Thiên Chúa. Một đàng
thì Thiên Chúa nhân nghĩa… với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng… một đàng thì khi phạt
là phạt ba bốn đời. Muốn thấy Thiên Chúa phạt thì chịu khó chờ qua muôn ngàn thế
hệ ! Rõ ràng là cách hành xử theo cơn nóng giận của ông chẳng giống Thiên
Chúa một tí nào. Sau này sách ngôn sứ I-sai-a sẽ nói : « Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của
Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng
của các ngươi chừng ấy !» (Is
55,9)
3/ Thiên Chúa nhắc lại cho ông luật Giao Ước, rồi
truyền cho ông chép :
“Hãy ghi chép những lời này, vì dựa
trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và với Ít-ra-en.”
28Ông ở đó với ĐỨC
CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên
những tấm bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.
4/ Ông Mô-sê từ
trên núi Xi-nai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi,
ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với
Thiên Chúa. 30Khi ông A-ha-ron và toàn thể con
cái con Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng
chói, nên họ sợ không dám lại gần ông. 31Ông Mô-sê gọi
họ : ông A-ha-ron và các đầu mục của cộng đồng trở lại với ông, và
ông nói chuyện với họ. 32Sau đó, toàn thể con cái Ít-ra-en lại
gần ông, và ông truyền cho họ tất cả những điều ĐỨC CHÚA đã phán với
ông trên núi Xi-nai. 33Nói với họ xong, ông lấy khăn
che mặt đi.
Lần này ông đã được ơn soi sáng bên trong và ánh
sáng của Thiên Chúa tỏa ra trên khuôn mặt ông. Trong ánh sáng ấy, ông truyền lại
cho dân tất cả những điều Đức Chúa đã phán với ông trên núi. Nói xong, ông lấy
khăn che mặt đi, như để làm dấu rằng từ nay ông không nói, không hành động theo
con người cũ của ông nữa.
5/ Từ đó ông thay đổi nhịp sống để làm người
trung gian trung thành, mở khăn che mặt ra để nghe Thiên Chúa truyền, ra nói lại
cho dân, rồi lại che mặt : « Khi vào
trước nhan ĐỨC CHÚA để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc
trở ra ; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh
ông đã nhận được. 35Con cái Ít-ra-en nhìn mặt
ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói ; ông Mô-sê lại lấy
khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa. »[3]
Một ngôn sứ giống như Mô-sê
Hơn bốn trăm năm sau ta lại gặp một « ngôn sứ
giống như Mô-sê », đó là ông Ê-li-a. Ông được sai đến trong bối cảnh mà
chính ông kể với Thiên Chúa khi quay lại ngọn núi nơi Thiên Chúa đã đến nói với
Mô-sê :
Ông
vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời ĐỨC CHÚA phán với
ông : “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây ?” 10Ông thưa : “Lòng nhiệt
thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước
với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót
lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con.” 11Người
nói với ông : “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt ĐỨC CHÚA. Kìa ĐỨC CHÚA đang đi
qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC
CHÚA, nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất,
nhưng ĐỨC CHÚA không ở trong trận động đất. 12Sau động
đất là lửa, nhưng ĐỨC CHÚA cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng
gió hiu hiu. 13Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy
áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông
: “Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây ?” 14Ông thưa : “Lòng nhiệt
thành đối với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con
cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm
sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy
mạng con.”
Ông « quên » nói là ông cũng đã dùng
gươm chém 450 ngôn sứ của thần Ba-an !
Thiên Chúa nhẹ nhàng dạy dỗ ông : Ngài không
ở trong gió bão lớn, động đất, lửa… Ngài đến trong tiếng gió hiu hiu như xưa
trong vườn Địa Đàng, cả sau khi con người phạm tội đầu tiên (St 3,8).
Tuy vậy sau đó ông còn khiến lửa từ trời xuống đốt
hai toán lính vua sai đến tìm ông nhưng lại hỗn xược với ông (2V 1,9-15). Sau
này không thấy ngôn sứ nào hành xử như vậy nữa, phải chờ đến các môn đệ của
Chúa Giê-su mới lại có hai người muốn làm môn đệ của ông, toan khiến lửa từ trời
xuống đốt cả một làng ở Sa-ma-ri chỉ vì họ không chịu tiếp đón Chúa. Chúa quay
lại quở trách hai ông (Lc 9, 53-56)[4].
Mấy chương sách Xuất Hành xoay quanh vụ « Con bê bằng vàng » cho thấy rằng
ông Mô-sê, người được Thiên Chúa sai đến giải phóng dân nô lệ và thiết lập Giao
Ước Xi-nai cũng chưa biết đường lối của Thiên Chúa, lại càng không biết dung
nhan của Thiên Chúa. Qua kinh nghiệm sắt máu, rồi đối diện với lòng nhân hậu
thương xót của Thiên Chúa ông mới biết phải xin cho được « biết đường lối của Thiên Chúa để biết Thiên
Chúa ». Muốn biết đường lối của Thiên Chúa thì đừng che mặt, hãy mở
khăn che mặt ra để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi và nhìn theo cách
Thiên Chúa hành xử.
Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.
24Xin Ngài xem con có lạc
vào đường gian ác
thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 138/139,23-24)
Nhớ bài thánh ca “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa,
xin dạy bảo con nước bước của Người…”
[1] Trong sa mạc Xi-nai hiện
nay, trên núi Sê-ra-bít En Kha-đem, vẫn còn dấu vết hoang tàn của ngôi đền thờ
thần Ha-do của người Ai-cập từ hơn hai ngàn năm trước CGS. Trên đầu kèo đầu cột
còn thấy khắc hình con bò. Thung lũng dẫn tới đền thờ này đây những hình vẽ, chữ
viết lưu niệm hành hương của nhiều dân
khác nhau, nên gọi là Oa-đi Mu-kha-táp. Sách Khôn Ngoan dành bốn chương (12-15) nói về
việc thờ ngẫu tượng ở Ca-na-an và Ai-cập.
[2] Coi những châm biếm khác trong sách Khôn ngoan 12-15; Is 46,1-2; Tv 115/113B,4-7
[3] Sau này khi Chúa Giê-su hiển dung trên núi thì ông Mô-sê sẽ cùng với ông Ê-li-a, “hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9,30-31; x. Mt 17,3; Mc 9,4). Thánh Phao-lô sẽ nhắc chi tiết này để so sánh: “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. 7Nếu việc phục vụ Lề Luật –thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá– mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang –dù đó chỉ là vinh quang chóng qua–, 8thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? 9Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? 10So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì. 11Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao? 12Vì có một niềm hy vọng như thế mà chúng ta thật vững dạ an lòng. 13Chúng ta không làm như ông Mô-sê lấy màn che để dân Ít-ra-en khỏi thấy khi nào cái chóng qua kia chấm dứt” (2Cr 3,6-13).