LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG HÔN NHÂN THỜI GIÃN CÁCH?

Aug. Trần Cao Khải

Mục lục

I.- THỰC TRẠNG KHỦNG HOẢNG.. 1

        1. Nguy cơ ly hôn vì Covid tăng vọt 2

        2. Sự giảm sút chất lượng mối quan hệ vợ chồng. 2

        3. Sự thiếu hụt về tài chánh gia đình và những bất ổn tâm lý. 3

II.- KI-TÔ HỮU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ KHỦNG HOẢNG DO COVID.. 5

        1. Nhà là nơi hạnh phúc để ta quay về. 5

        2. Hãy tận dụng thời gian “vàng” khi phải ở nhà do giãn cách. 6

        3. Hãy tập sống hy sinh và quảng đại vì gia đình


WHĐ (9.8.2021) - Có lẽ không ai nghĩ rằng đại dịch Covid-19 xảy ra cách đây gần hai năm (12-2019) đã trở thành một thảm họa kinh khủng cho nhân loại chẳng những về sinh mạng con người mà còn bao trùm các lãnh vực khác như y tế, kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo vv. Không ai nghĩ rằng cái con virus nhỏ bé có tên Corona lại có uy lực đến thế, nó đến đâu thì gây tai họa kinh hoàng đến đó. Riêng trong phạm vi hôn nhân gia đình, nó đã gây ra biết bao xáo trộn, đổi thay, hư hỏng, biến chất không ngờ trước được. Thực tế đã cho thấy Covid đã gây nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong các gia đình, đặc biệt giữa vợ chồng với nhau, khiến cho cuộc hôn nhân của nhiều đôi bạn gặp sóng gió và chao đảo.

Nhìn vào mặt tối các gia đình thời Covid hiện nay, ta có thể thấy cuộc khủng hoảng hôn nhân xảy ra xuất phát từ nhiều lý do chẳng hạn như sự giảm sút chất lượng mối quan hệ vợ chồng, sự thiếu hụt về tài chánh gia đình, những căng thẳng giữa cha mẹ và con cái, sự xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, nguy cơ ly hôn tăng vọt vv…

I.- THỰC TRẠNG KHỦNG HOẢNG

Chúng ta biết rằng, để phòng và chống dịch Covid, mọi người được kêu gọi “Hãy ở nhà (Stay-home) và không di chuyển (Do-not-move)”. Vấn đề “Trở về nhà”, “Làm việc tại nhà”, “Sinh hoạt ở nhà”, “Hãy ở nhà” đã trở thành mệnh lệnh khẩn cấp cho mọi người, mọi nhà, mọi cộng đồng. Các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Đây là cơ hội tốt để các gia đình được “đoàn tụ” đầy đủ mọi thành viên, vì cha mẹ không đi làm, còn con cái được nghỉ học. Gia đình có dịp quây quần bên nhau, xum họp đông đủ, ấm cúng.

Thực vậy, trước khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng mơ ước được có dịp ở nhà lâu để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng cuộc sống thoải mái sau những tháng ngày đầu tắt mặt tối. Vì thế, khi phải ở nhà để cách ly do dịch cúm, nhiều người nhanh chóng lên kế hoạch ngay. Nào là sẽ tự tay sửa sang nhà cửa, làm mới khu vườn, chăm sóc trực tiếp con cái. Vợ chồng có thời gian ngồi lại với nhau để hâm nóng tình nghĩa phu thê. Có người lại dành thời gian để đọc những cuốn sách đã sắm từ lâu nhưng chưa bao giờ “đụng” tới. Có người thì chăm chỉ vào mạng xã hội để đọc tin tức, học ngoại ngữ hay tương tác bạn bè. Quả thực đây là một “bức tranh” đẹp, êm ả, không đến nỗi quá ảm đạm như nhiều người nghĩ.

Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Chuyện “gia đình đoàn tụ dài hạn vì Covid” cũng có thể trở thành mối nguy cơ gây nên biết bao hệ lụy không lường trước được. Một trong những khủng hoảng lớn đang đe dọa nhiều cặp vợ chồng, nhất là những đôi vợ chồng trẻ sinh sống ở khu vực thành phố, đó là nguy cơ ly hôn vì Covid.

1. Nguy cơ ly hôn vì Covid tăng vọt

Ngày 14-2-2021 trên báo điện tử VN Review có bài viết tựa “Vì sao các cuộc chia tay và ly hôn tăng đột biến trong đại dịch covid-19?”, theo đó thì tỷ lệ ly hôn đang gia tăng trên khắp thế giới và các chuyên gia tâm lý cho rằng một phần không nhỏ nguyên nhân đến từ tác động của đại dịch Covid-19.[1]

Bài báo trên đã đưa ra một case điển hình như sau: Sau 7 năm chung sống, Sophie Turner, 29 tuổi và chồng đã đệ đơn ly hôn. Họ chưa bao giờ nói về vấn đề chia tay trước khi có đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong đại dịch, cuộc hôn nhân của hai người trở nên tồi tệ. Turner là một nhân viên hỗ trợ cho các dịch vụ dành cho trẻ em ở Suffolk (Anh) cho biết: “Tôi cảm thấy căng thẳng hơn trong đại dịch và chúng tôi quyết định là thử chia tay. Nhưng rồi, rất nhanh chóng cả hai biết rằng việc chia tay không còn là thử nữa”. Được biết, ở Mỹ, một trang web tạo hợp đồng pháp lý lớn gần đây công bố doanh số bán thỏa thuận ly hôn tăng cơ bản 34%.

Bài báo trên cũng cho hay, các tin tức về đại dịch ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ cốt lõi của con người đã xuất hiện từ năm ngoái. Tuy nhiên, đến gần đây các luật sư, nhà trị liệu, chuyên gia, học giả mới bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về các yếu tố thúc đẩy sự chia tay trong năm 2020. Họ cũng dự đoán rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2021.

Tờ VN Review cũng cho biết tại công ty luật Stewarts, Carly Kinch mô tả đại dịch như một “cơn bão” cho các cặp vợ chồng với những cuộc cách ly, phong tỏa khiến mọi người có nhiều thời gian cho nhau hơn. Tuy nhiên, việc có nhiều thời gian cho nhau hơn cũng có thể đóng vai trò như một chất xúc tác cho các cuộc chia tay. Kinch cho biết nhóm của cô không ngạc nhiên trước sự gia tăng các đơn ly hôn trong đại dịch Covid-19. Nếu không có đại dịch này thì các cuộc ly hôn vẫn diễn ra nhiều vào thời điểm Giáng sinh - nơi mọi người có nhiều thời gian nghỉ hơn. Kinch nói: “Tôi nghĩ rằng việc cách ly cũng như những kỳ nghỉ kéo dài, các cuộc chia tay thường tăng đột biến khi các gia đình ở bên nhau lâu hơn”. 

Steve Li, một luật sư chuyên các vụ ly hôn ở Thượng Hải (TQ) đã nói về một số trường hợp anh đang xử lý, như sau: “Càng có nhiều thời gian ở bên nhau, họ càng ghét nhau hơn”.

2. Sự giảm sút chất lượng mối quan hệ vợ chồng

Nhiều người cứ ngỡ rằng được ở gần nhau, sinh hoạt chung với nhau, chia sẻ công việc gia đình chung với nhau… đôi bạn sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn, dễ chịu hơn. Nào ngờ trên thực tế, sự gần gũi thường xuyên lại là một nguyên nhân lớn gây sự nhàm chán, vô vị và bất đồng. Quả đúng như ông bà ta thường nói, “Xa thì thơm, gần thì thối!” hay ngày nay các bạn trẻ có câu “Xa thì thương, gần thì thường!”.

Một bài viết trên tờ Cần Thơ online ngày 15-5-2021 đã cho biết như sau:[2]

“Luật sư Emma Newman tại Stowe Family Law cho rằng đại dịch COVID-19 là chất xúc tác đối với các mối quan hệ vốn đã rạn nứt trước đó. Bà cho rằng trước đại dịch, cuộc sống bận rộn với những cuộc gặp gỡ bạn bè, du lịch khiến mỗi người gần như bỏ qua những khó khăn tồn đọng trong thực tế cuộc sống vợ chồng. Và khi phải đối mặt trực tiếp với nhau 24/24, các cặp đôi bắt đầu nhận ra vấn đề từ người bạn đời. Từ những khúc mắc khó dung hòa, họ bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của mối quan hệ. Cùng với đó, áp lực tài chính giữa đại dịch cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn không thể tháo gỡ giữa các cặp vợ chồng. Theo khảo sát của Stowe Family Law, có tới một nửa người tham gia cho biết lo lắng về tiền bạc đã gây ra xung đột và khiến mối quan hệ của họ trở nên căng thẳng.

Bài báo viết tiếp, “Trong một nghiên cứu nhằm làm rõ ảnh hưởng của đại dịch đến tình yêu và các mối quan hệ, trang Love Connection của Mỹ đã tổng hợp lượng lớn dữ liệu từ các ứng dụng hẹn hò, thông tin của một số công ty luật và những công trình khoa học. Họ phát hiện có tới 50% người thừa nhận đời sống tình dục bị suy giảm kể từ khi COVID-19 bùng phát trong khi 27% giảm mức độ hài lòng trong mối quan hệ. Số lượng đơn ly hôn ở Mỹ cũng gia tăng trong khi 45% thừa nhận đã ngừng hẳn việc hẹn hò. Ðặc biệt, nghiên cứu còn chỉ ra nguy cơ ly hôn đối với các cặp vợ chồng mới cưới khi có 20% người được khảo sát nói rằng họ phải vật lộn để duy trì tổ ấm trong thời kỳ đại dịch.

Như vậy ta thấy rằng, trong khi dịch bệnh Covid buộc nhiều người phải cách ly với xã hội bên ngoài để trở về mái ấm của mình nhằm tránh lây lan, thì chính tình trạng gần gũi thường xuyên lại đã gây ra cho mối quan hệ vợ chồng những căng thẳng, xung đột đáng tiếc. Điều này đã khiến cho chất lượng mối quan hệ giữa đôi bạn giảm sút đáng kể và nếu không giải quyết ổn thỏa thì đó có thể là lý do gây đổ vỡ cho cuộc hôn nhân. Nhiều người đã lên tiếng thừa nhận: “Vợ chồng khủng hoảng vì… sống chung?!” Quả vậy, khi Covid-19 bắt đầu tấn công vào xã hội, nhiều cặp vợ chồng đã phải trải qua thời gian giãn cách xã hội buộc họ phải sống chung cả ngày, cả tuần, cả tháng trong cùng một mái nhà, đôi khi là cả một gia đình lớn. Đối với một số người, điều đó là quá sức!

3. Sự thiếu hụt về tài chánh gia đình và những bất ổn tâm lý

Chúng ta biết rằng một trong những bất lợi lớn do việc phải ở nhà vì dịch Covid, đó là nhiều người mất việc, thất nghiệp, giảm lương hay trắng thu nhập…Điều này đã khiến cho đời sống nhiều gia đình vốn đã khó khăn thì nay trở nên càng khó khăn hơn. Sự thiếu hụt về tài chánh trong gia đình càng ngày càng trở nên trầm trọng và tình trạng này cũng là nguyên nhân gây khủng hoảng đời sống vợ chồng. Để khắc phục việc này, nhiều người không biết làm gì hơn là trông cậy vào sự trợ cấp của chính quyền và sự trợ giúp của các nhà mạnh thường quân hay các hội-đoàn-nhóm từ thiện. Một số gia đình rơi vào bế tắc và sống cầm cự cho qua ngày. Cũng có nhiều gia đình khăn gói lên đường về quê tạm sống cho qua cơn đại dịch.

Ngoài ra, bên cạnh sự khủng hoảng tiền bạc chi tiêu trong gia đình, nhiều đôi bạn rơi vào tình trạng tâm lý không ổn định, sinh ra bệnh tật. Một bài báo trên trang Tuổi Trẻ online ra ngày 2-8-2021 vừa qua đã nhấn mạnh rằng: “Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.[3]

Bài báo trên cho biết: Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch do TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần vừa lập đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Theo TS tâm lý học lâm sàng Lê Minh Công, hiện nay số người tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý ngày càng tăng. Mỗi ngày trung bình có từ 10-15 trường hợp đăng ký tìm sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Cùng với đó là những biểu hiện và tình trạng về sức khỏe tâm thần tương đối đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau và đa dạng độ tuổi từ trẻ em cho tới người lớn. Tuy nhiên có thể nhận thấy liên quan đến stress, trầm cảm, lo âu... là những nhóm vấn đề mà thường có nhu cầu hỗ trợ cao nhất.

ThS Nguyễn Công Bình - phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, trưởng nhóm điều phối dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” đã nhận định: “Phần lớn bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch COVID-19, khi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khủng hoảng, như mất việc làm, đối mặt với những lo lắng quá mức về tình hình dịch bệnh, về kinh tế, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, hay mất các kết nối xã hội.”

Bài báo trên cũng dẫn lời nhận định của một bác sĩ chuyên gia như sau: “Chúng ta đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Việc ở trong nhà lâu cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người dân như thiếu nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu, khó khăn trong việc đảm bảo chăm sóc y tế và thuốc men, hay gặp khó khăn khủng hoảng về vấn đề tài chính... Đây là những yếu tố gây nguy cơ gặp các vấn đề như stress, lo âu, trầm cảm, cáu kỉnh, sợ hãi, thất vọng, mất ngủ, gia tăng sử dụng chất kích thích và bạo lực gia đình...

Đối diện với những khủng hoảng cơ bản mà chúng ta vừa nêu trên, nhiều người đã đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết những khó khăn, căng thẳng, bất lợi do đại dịch Covid gây ra. Đó là hãy biến ngôi nhà thành mái ấm hạnh phúc, hãy biết quý trọng thời gian “vàng” của giai đoạn cách ly để làm mới cuộc sống và các mối quan hệ trong gia đình, hãy tập sống đơn giản và tiết kiệm, hãy dành thời gian cho gia đình với sự quan tâm chu đáo nhất…

II.- KI-TÔ HỮU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ KHỦNG HOẢNG DO COVID

Trước những khủng hoảng đã đề cập trên, chúng ta phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp thích ứng kịp thời nhằm làm giảm bớt những căng thẳng, khó khăn, bất lợi do tình trạng giãn cách vì dịch bệnh gây ra. Trước hết là chúng ta hãy tái khám phá ý nghĩa và vẻ đẹp ngôi nhà và mái ấm thân thương của mình.

1. Nhà là nơi hạnh phúc để ta quay về

Có lẽ trong chúng ta không ai xa lạ với câu thành ngữ “Không đâu bằng nhà mình” (There's no place like home). Quả vậy, nhà là nơi ta quay về để hưởng sự ấm áp của tình thương gia đình, những lúc vui cũng như khi buồn, những lúc thịnh đạt cũng như khi phải túng thiếu. Đặc biệt trong thời buổi giãn cách do dịch bệnh Covid, mọi người đều ý thức rằng việc trở về nhà, ở nhà, sống và sinh hoạt thường xuyên trong gia đình mình là một hồng ân chứ không phải là tai họa hay gánh nặng.

Về vấn đề này, tác giả Gio-an Lê Quang Vinh, trong bài viết tựa đề: “Về với Chúa và với gia đình trong đại dịch Covid-19” đã chia sẻ như sau:[4]

“Khi nạn dịch xảy ra, người ta không còn được đi đây đi đó, phải tránh các nơi vui chơi giải trí, thậm chí không còn đi làm được nữa. Lúc ấy việc “quay trở về” trở thành điều tất yếu, và việc “ra đi” (cho dù đi đâu) vốn là điều đương nhiên, nay trở thành vô bổ và nguy hại. Khi Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, lên tiếng về “cách thức gia đình sống trong thời điểm đại dịch”, ngài trích dẫn huấn quyền của Hội thánh như kim chỉ nam. Và có lẽ đây là thời điểm mà mọi người chợt nhận ra rằng huấn quyền Hội thánh (vốn không được chú ý lâu nay) lại là điều cần thiết và hữu ích cho cuộc sống của người tín hữu.

“Đức Hồng y trích Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia): ‘Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, thực sự, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ. ‘Trong Giáo hội chúng ta có một kho báu ẩn kín đó chính là gia đình. Chúa luôn đồng hành với dân Ngài trong mọi khủng hoảng cùng với những sứ điệp ngoại thường; và dường như Ngài cũng đã làm theo cách đó trong đại dịch này: tất cả chúng ta phải rút lui trở về nhà.

Người ta vẫn thường nói “Gia đình là thánh đường của tình yêu”. Còn Ki-tô hữu thì khẳng định: “Gia đình là cái nôi của sự sống, là Hội thánh tại gia”. Vậy khi dịch bệnh Covid tấn công các gia đình, thì hơn ai hết Ki-tô hữu chúng ta phải kiên vững bảo vệ gia đình mình qua sự gắn kết hiệp thông trong tình yêu và sự hy sinh. Như Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn là nam và nữ , cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị...Không có tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện, xét như một cộng đồng các ngôi vị...[5]

 ĐGM Luy Nguyễn Anh Tuấn trong bài viết “Sứ vụ của các gia đình Kitô hữu hôm nay - Bí tích của lòng thương xót” cũng đã nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, Kitô hữu phải sống lại tầm nhìn Gia đình như là một Hội thánh tại gia. Nhìn gia đình là nơi chốn để Tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình và sống động, để tình yêu thành hiện thực, và đức tin được lưu truyền cho thế hệ tương lai. Gia đình phải là nơi đặc biệt cho chứng từ của cộng đoàn, một dấu chỉ giữa xóm phường và sống yêu thương.[6]

Mới đây, một số bạn Công giáo đã truyền lan trên mạng xã hội Facebook một thông điệp kêu gọi Ki-tô hữu hãy trở về nhà mình, hãy sống vui, sống khỏe, sống thánh trong thời buổi cách ly ở nhà vì Covid. Thông điệp trên nêu rõ:

“Cách ly là cụm từ chỉ mô tả những bệnh nhân nguy kịch ở bệnh viện thôi. Hãy dừng than thở rằng “Tôi chán quá, tôi buồn quá vì tôi không thể ra ngoài được”, trong khi đó có những người đang ở bệnh viện thì họ chỉ “Mong muốn được về nhà”…

“Xin hãy tạ ơn Thiên Chúa vì mình đang được ở nhà, hãy bỏ qua mọi thứ xung quanh, có tiền hay không có tiền, có việc làm hay không có việc làm, thì mình đang được ở cái nơi tốt nhất cho bản thân mình, ở nhà và quây quần bên những thân yêu trong gia đình mình.

“Đây cũng là thời gian tốt nhất để chúng ta có thể chăm sóc lại cho ngôi nhà của chúng ta, hãy biến nó thành nơi tuyệt vời hơn nữa, là nơi mà chỉ có yên bình, không có những xô bồ lo toan, là nơi ấm cúng chứ không phải xa cách nhau. Hãy nhìn tình hình hiện tại bằng một con mắt thật khác.

“Hãy biến ngôi nhà của mình trở nên sôi động hơn: Nghe nhạc, ca hát và nhảy múa. Hãy biến ngôi nhà mình thành nơi thờ kính Thiên Chúa: Cầu nguyện cùng nhau, chữa lành cho nhau, đặt câu hỏi, cảm ơn, và khen ngợi nhau. Hãy biến ngôi nhà mình thành trường học: Đọc sách, Viết chữ, Vẽ tranh, tô màu, học hỏi và chia sẻ cho nhau những điều mới. Hãy biến ngôi nhà mình thành một cái tiệm nho nhỏ nơi mà chúng ta sẽ giúp nó sạch sẽ, gọn gàng, trang trí, và đóng góp. Hãy biến ngôi nhà mình thành quán ăn: Nấu, ăn, thử những món mới, trồng rau củ, chăm sóc khu vườn của mình. Hãy tập thể dục và cố gắng giữ sức khỏe tốt vì “mỗi cơ thể của mỗi chúng ta đều là một đền thờ, chúng ta phải nên giữ gìn bản thân mình hơn”. Hãy tận dụng cơ hội chỉ có một lần trong đời này mà chăm sóc ngôi nhà, tổ ấm, nơi để yêu thương… thật tốt!”

2. Hãy tận dụng thời gian “vàng” khi phải ở nhà do giãn cách

Theo tờ Lao Động Thủ Đô số ra ngày 21-4-2020 với bài viết “Cách ly xã hội, khoảng thời gian quý giá của mỗi người”, thì nhiều gia đình đã nhận định là chính biện pháp cách ly lại là thời gian quý báu cho mọi người, mọi nhà. Không còn cuống cuồng với guồng quay vội vã của cơm áo, gạo tiền, mà thay vào đó là vào bếp nấu ăn, dành thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. Theo nhiều người, cách ly xã hội không phải là điều gì đó quá khủng khiếp mà trái lại đây lại chính khoảng thời gian quý giá để mỗi người cân bằng lại cuộc sống của mình.[7]

Cũng theo bài viết của tờ báo trên, có người lợi dụng thời gian cách ly để làm mới lại quan hệ gia đình đồng thời có nhiều thời gian dành cho bản thân.

Cũng có người tâm sự rằng khi được làm việc tại nhà thay vì đến cơ quan, người ta đã có thêm thời gian để học cách nấu các món ăn ngon, có thể tự nấu ăn và cân đối tài chính giúp các bữa ăn của gia đình vừa đủ chất, đẹp mắt lại không quá tốn kém. Ngoài việc lo nấu nướng, người ta cũng tranh thủ sự giãn cách xã hội, dùng thời gian này để thực hiện những công việc mà trước đó ít có cơ hội làm như giúp con cái ôn bài hay ngồi kể chuyện cho con nghe.

Người ta đã đi đến nhận định này là có thể việc giãn cách xã hội sẽ khiến thu nhập của nhiều người giảm sút, nhưng đó sẽ không phải là điều quan trọng nữa vì thực ra cơ hội kiếm tiền còn nhiều nhưng thời gian bên gia đình thì không phải lúc nào cũng có. Thay vào việc chỉ nghĩ về những điều tiêu cực, có lẽ chúng ta nên nhận ra những điều tuyệt vời mà giãn cách xã hội đã mang đến.

Có trường hợp khác, khi được thưởng thức bữa cơm ngon do chính vợ mình nấu trong thời gian cách ly ở nhà, người chồng đã không khỏi tự hào và hạnh phúc. Họ tiếc rằng lâu nay đã vô tình mải mê với các cuộc bia rượu ở bên ngoài mà ít khi có thời gian về ăn cơm cùng với gia đình. Dịp này, gia đình có dịp thường xuyên quây quần ăn uống, không khí thật ấm áp và bình yên.

Cuối cùng thì người ta thấy rằng, “Mùa dịch” tuy khiến kinh tế giảm sút nhưng lại mang đến cho nhiều người một khoảng thời gian quý giá, có thể cùng nhau vun đắp tình cảm gia đình hay định hướng lại cuộc sống cho bản thân. Và chắc chắn, khi dịch bệnh qua đi, trở về với guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật thì mỗi người sẽ trân trọng thêm những phút giây được sống trọn vẹn cho bản thân. Vì vậy, thay vì quá trăn trở về cơm áo gạo tiền, hãy tìm cách biến cách ly xã hội trở thành những khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời.

Tác giả Xuân Quang trong bài viết “Tương quan trong gia đình thời đại dịch” trên trang web Hội đồng Giám mục VN ngày 7-8-2021 đã viết như sau:

“Thời gian cùng ở nhà với nhau cũng giúp mỗi người nhìn nhận lại giá trị của các thành viên trong gia đình mình. Người già trước kia bị “văn hoá thải loại” như thể xếp vào hàng thừa thãi, vướng vít thì nay con cái biết thêm trân trọng sự hiện diện của ông bà cha mẹ trong gia đình, bởi lo lắng về cảm nghiệm xa cách trước những nguy cơ tấn công của dịch bệnh, tử thần rình rập. Những đứa con sống bên cạnh cha mẹ nay mới có cơ hội để nhận ra những vết nhăn nheo trên khuôn mặt đấng sinh thành vì vất vả, nhọc nhằn mà bấy lâu chúng không quan sát thấy. Những người làm chồng cũng ngỡ ngàng nhận thấy những đốm tàn nhang, đồi mồi trên gò má người bạn đời vì thời gian tuổi tác, vì gánh nặng cuộc sống gia đình mà nọ nay ẩn sâu dưới lớp phấn son trang điểm khiến họ không để ý tới. Những người vợ cũng khám phá thêm những nét dễ thương dễ mến nơi người chồng của mình chứ không đến nỗi khô khan, lạnh nhạt như bề ngoài của họ.”[8]

Quả thực, thời kỳ giãn cách phải ở nhà chính là thời gian vàng để chúng ta cùng cảm nhận ý nghĩa sâu xa của thực tại gia đình, đó không chỉ là không gian vật chất, không chỉ là ngôi nhà gỗ đá nhưng đích thực là một “cộng đoàn nhỏ” đầy sự ấm áp của tình thương và chan hòa sức sống, như thông điệp “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn” nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2021 vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

3. Hãy tập sống hy sinh và quảng đại vì gia đình

Hơn ai hết, Ki-tô hữu chúng ta nhận ra rằng trong những lúc đầy khó khăn thử thách vì dịch bệnh, chúng ta có cơ hội để tập sống hy sinh và quảng đại vì gia đình mình.

Chồng sẽ có thời gian nhiều hơn để có thể quan tâm tới gia đình và chia sẻ các việc nhà với vợ. Vợ sẽ tận dụng cơ hội gia đình “đoàn tụ” đầy đủ và thường xuyên để ra sức chăm sóc chu đáo mọi người trong gia đình. Cha mẹ sẽ có nhiều thời gian dành cho con cái hơn bình thường, như cùng học, cùng chơi, cùng sinh hoạt và cùng làm việc với chúng. Vợ chồng có điều kiện thuận tiện để hợp tác cùng làm việc với nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm gia đình với nhau, nhờ đó họ được hâm nóng tình yêu và hưởng nhận sự chăm sóc chu đáo từ bạn đời. Bên cạnh đó, con cái cũng nhờ việc sống và sinh hoạt dài ngày bên cha mẹ, sẽ tận dụng thời gian vàng này để giúp đỡ cha mẹ và anh chị em qua việc thực hiện các bổn phận trong gia đình. Gia đình lúc này thực sự trở thành một trường học về lòng vị tha quảng đại, về tình thương liên đới và về sự hy sinh cao đẹp. 

Quả vậy, “Sống thời đại dịch là kinh nghiệm thử thách không mấy dễ dàng đối với các gia đình. Thời gian khó khăn này sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm ái hơn khi mỗi thành viên biết học cách lắng nghe, thấu hiểu, thông cảm và tha thứ, học cách quan tâm, ứng xử với trái tim yêu thương. Như thế, mái ấm gia đình luôn có Chúa hiện diện, tràn đầy niềm vui, bình an và đủ sức mạnh vượt qua đại dịch, thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường lớp dạy các đức tính nhân bản và yêu thương.”[9]



[5] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II - Tông Huấn về “Những bổn phận gia đình Ki-tô hữu”, số 18