Gia đình dự lễ trực tuyến, Ảnh: tgpsaigon.net
TƯƠNG QUAN TRONG GIA ĐÌNH THỜI ĐẠI DỊCH
Tác giả: Xuân Giang
WGPBC (5.8.2021) - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức
phức tạp tại Việt Nam, kéo theo biết bao hậu quả đau thương. Nhiều địa phương
phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Việc hạn chế
đi lại cùng với những thay đổi trong thói quen hàng ngày đã có tác động rất lớn
tới đời sống các gia đình, nhưng đây lại là cơ hội để mỗi người biết nhìn nhận
những giá trị của cuộc sống, đặc biệt là các giá trị của gia đình, đồng thời
cũng là thách đố rất lớn để các thành viên có thể vun đắp hạnh phúc thực sự
trong gia đình.
Đại dịch là lúc mà hầu hết mọi người phải ở nhà, không còn
luẩn quẩn trong vòng xoáy ồn ào, vội vã, tất bật mưu sinh. Người chồng không
còn vướng bận vào những cuộc nhậu liên miên; người vợ không còn mải lo mua sắm,
làm đẹp; con cái thì cũng giảm bớt những gánh nặng học hành chồng chất. Có thể
nói, đây là thời gian thuận tiện giúp mỗi thành viên dành thời gian cho nhau để
hiểu nhau hơn, để củng cố tình nghĩa gia đình và làm mới lại sự gắn kết yêu
thương lâu nay có vẻ hơi nhạt nhoà. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà,
cùng nhau quan tâm chăm sóc và giáo dục con cái. Hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản
là nấu ăn chung và đông đủ thành viên quây quần đầm ấm bên mâm cơm gia đình,
hay vợ chồng con cái cùng hiện diện trong giờ kinh chung nhưng rất nhiều người
lại thường lãng quên.
Thời gian cùng ở nhà với nhau cũng giúp mỗi người nhìn nhận
lại giá trị của các thành viên trong gia đình mình. Người già trước kia bị “văn
hoá thải loại” như thể xếp vào hàng thừa thãi, vướng vít thì nay con cái biết
thêm trân trọng sự hiện diện của ông bà cha mẹ trong gia đình, bởi lo lắng về cảm
nghiệm xa cách trước những nguy cơ tấn công của dịch bệnh, tử thần rình rập. Những
đứa con sống bên cạnh cha mẹ nay mới có cơ hội để nhận ra những vết nhăn nheo
trên khuôn mặt đấng sinh thành vì vất vả, nhọc nhằn mà bấy lâu chúng không quan
sát thấy. Những người làm chồng cũng ngỡ ngàng nhận thấy những đốm tàn nhang, đồi
mồi trên gò má người bạn đời vì thời gian tuổi tác, vì gánh nặng cuộc sống gia
đình mà nọ nay ẩn sâu dưới lớp phấn son trang điểm khiến họ không để ý tới. Những
người vợ cũng khám phá thêm những nét dễ thương dễ mến nơi người chồng của mình
chứ không đến nỗi khô khan, lạnh nhạt như bề ngoài của họ.
Quả thật, một cách nào đó, đại dịch nhắc nhở con người về
giá trị cốt lõi của gia đình mà suốt thời gian qua mình không chú ý xây đắp, về
những tình cảm cao quý mà mình đã không coi trọng đúng mức. Những mối tương
quan đôi khi không cần thiết, não trạng hưởng thụ ích kỷ, sự hấp dẫn của những
phương tiện truyền thông xã hội đã chiếm mất thời gian dành cho gia đình. Người
ta nói rằng khi những bữa ăn chung đang dần trở nên hiếm hoi thì điều mà mọi
người thèm khát hơn là việc mỗi thành viên biết đặt điện thoại xuống để đối thoại
với nhau trong những bữa cơm gia đình.
Thời gian đại dịch cũng chứng kiến một thực tế thật đáng buồn.
Theo con số thống kê ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh
dịch Covid-19, bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, gia
tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Đường dây nóng phản ánh các trường hợp bị
bạo hành luôn trong tình trạng quá tải[1].
Thật nghịch lý, trong khi mọi người được kêu gọi ở nhà chống dịch, là dịp dành
thời gian cho những người thân yêu thì bạo hành lại leo thang đột biến. Thay vì
trao nhau niềm vui nụ cười thì lại ném vào mặt nhau những cái nhìn hằn học, tức
tối và không thể kiềm chế tay chân. Thay vì yêu thương vợ con để cùng nhau vượt
qua những ngày tháng khó khăn này thì có những người làm cha, làm chồng lại
đang biến gia đình thành cảnh địa ngục trần gian. Thay vì là chỗ dựa tin cậy
cho vợ con thì lại trở thành nỗi khiếp đảm trong mắt họ. Jeremy Taylor nói rằng:
“Không yêu vợ con là nuôi trong nhà một con sư tử cái và ấp một tổ chim đau buồn”.
Có thể nhận thấy với thời tiết nóng bức như hiện nay, việc tất
cả các thành viên cùng ở trong một không gian đôi khi chật hẹp trong một thời
gian dài, ra chạm mặt nhau, vào lại cũng giáp mặt nhau thì rất dễ xảy ra những
bức xúc, bực dọc. Lệnh giãn cách xã hội làm hạn chế tự do đi lại, hạn chế những
thú vui giải trí khiến nhiều người cảm thấy tù túng, khó chịu. Cùng với đó là
vô vàn áp lực từ cuộc sống, vốn đã có quá nhiều thứ hoá đơn, nay lại trở nên
khó khăn, thiếu thốn vì hết tiền, thất nghiệp hay không thể đi làm. Những nguy
cơ làm rạn nứt tình cảm gia đình là hiển hiện trước mắt nếu như không tìm được
tiếng nói chung trước những khó khăn, bất đồng trong ứng xử. Như thế, nhiều khi
rất gần nhau nhưng thực ra lại rất xa nhau, “gần nhau trong gang tấc mà cách
nhau trời vực”. Sự gần gũi về mặt thể lý không đương nhiên dẫn tới sự gắn kết
trong tâm hồn. Đại dịch Covid-19 không chỉ đang huỷ hoại sức khoẻ, gây thiệt hại
về kinh tế, cản trở thực hành đời sống đạo, mà còn có nguy cơ phá huỷ các gia
đình.
Trước đây người ta vẫn thường đổ lỗi việc gây sứt mẻ, đổ vỡ
các mối tương quan trong gia đình là do các thành viên không dành thời gian cho
nhau và cho gia đình, thì trong và sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần xem xét
lại. Dành thời gian cho gia đình chưa đủ mà là dành thời gian như thế nào. Vấn
đề không chỉ là lượng thời gian mà còn ở chất lượng thời gian đó. Hiện diện
thôi chưa đủ mà cần hiện diện với đầy đủ trách nhiệm và tình yêu.
Những năm gần đây, người ta cũng nói đến hiện tượng “ly hôn
xanh”[2] mà rất nhiều trong số đó xuất
phát từ những nguyên nhân hết sức lặt vặt. Đôi khi chỉ những khác biệt nhỏ
trong thói quen sinh hoạt cá nhân đã dẫn tới việc phóng đại khuyết điểm và gây
ra những xích mích, cãi vã không đáng có. Hay do quá đề cao cái tôi mà không chịu
thay đổi, không biết chấp nhận bạn đời của mình nên vội vàng đưa nhau ra toà. Nếu
như không có cách hoá giải, nhiều rắc rối nhỏ sẽ tích tụ thành những mâu thuẫn
lớn. Nhiều vết mốc nhỏ sẽ làm hư một chiếc áo.
Cổ nhân từng nói: “Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu”, hay “Tiểu
bất nhẫn bất thành đại sự”, nghĩa là đối với những chuyện nhỏ, việc nhỏ mà
không thể kiềm chế, chịu đựng và nhẫn nại thì ắt sẽ làm hỏng việc lớn, khó có
thể thành công. Trong đời sống hôn nhân gia đình cũng vậy, rất nhiều những mâu
thuẫn, xung đột đến từ việc các thành viên không có khả năng chịu đựng, thiếu
lòng vị tha, hy sinh. Chỉ khi nào tình yêu đủ lớn và biết chịu đựng nhau thì
gia đình mới có thể trở thành tổ ấm. Dĩ nhiên sự hy sinh đó cần đến từ cả hai
phía và cũng không đòi phải cam chịu một cách mù quáng. Nếu hy sinh là một đức
tính, phẩm chất tốt đẹp và lại là hy sinh cho những giá trị cao cả thì không đến
mức phải rộ lên hô hào thông điệp: “Phụ nữ ơi, hãy ngừng hy sinh!” đã một thời
gây sốt. Hạnh phúc gia đình luôn đòi hỏi phải biết chấp nhận và chịu đựng lẫn
nhau. Ở đây, Kinh Thánh dạy các gia đình một nguyên tắc nền tảng: “Mau nghe, đừng
vội nói và khoan giận” (Gc 1,19). Bởi đức mến sẽ giúp mỗi thành viên tha thứ tất
cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả (x. 1Cr 13,7). Đời sống
chung không luôn dễ nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được.
Sống thời đại dịch là kinh nghiệm thử thách không mấy dễ
dàng đối với các gia đình. Thời gian khó khăn này sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm ái
hơn khi mỗi thành viên biết học cách lắng nghe, thấu hiểu, thông cảm và tha thứ,
học cách quan tâm, ứng xử với trái tim yêu thương. Như thế, mái ấm gia đình
luôn có Chúa hiện diện, tràn đầy niềm vui, bình an và đủ sức mạnh vượt qua đại
dịch, thực sự trở thành Hội Thánh tại gia, là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện,
là trường lớp dạy các đức tính nhân bản và yêu thương[3].
Nguồn: gpbuichu.org
[1] x. Chương trình Việt Nam hôm nay, Thứ Hai ngày 08/3/2021:
Dịch Covid-19 làm gia tăng bạo lực gia đình, https://vtv.vn/video/dich-covid-19-lam-gia-tang-bao-luc-gia-dinh-489195.htm.
[2] Ly hôn xanh là khái niệm gần đây thường dùng để chỉ những
cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn, kết thúc không lâu sau đám cưới khi cả vợ và chồng
còn đang rất trẻ (thường trong 5 năm đầu chung sống), theo kiểu yêu vội, cưới gấp,
sớm ra toà (sáng yêu, chiều cưới, tối cãi nhau, hôm sau ly dị).
[3]