LÀM THẾ
NÀO ĐỂ HÔN NHÂN KHÔNG CÒN LÀ GÁNH NẶNG CHO ĐÔI BẠN?
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (03.9.2021) - Người
xưa có câu “Gái có chồng như gông đeo cổ
/ Trai có vợ như rợ buộc chân”. Tục ngữ ca dao VN cũng có câu “Nhất vợ nhì nợ” hay “Chồng con là cái nợ nần / Thà rằng ở vậy
nuôi thân béo mầm”. Còn nhà văn, triết gia Pháp Michel de Montaigne thì mô
tả rằng “Hôn nhân ví như một cái lồng, những
con chim ở ngoài mong được vào, còn những con chim ở trong chỉ mong thoát ra”.
Hoặc có người đã chua chát nói thế này: “Hôn
nhân là một cuốn tiểu thuyết trữ tình mà nhân vật chính chết ngay từ chương đầu”
(J.P. McEvoy).
Ngày trước người ta thường gọi việc lập gia đình là đi “gánh
vác” tức là mang lấy trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ trong gia
đình. Còn ngày nay ta gọi đó là kết hôn, là cưới hỏi, là lên xe hoa… Đối với
nhiều bạn trẻ, khi bước lên xe hoa đó là lúc mở ra một viễn ảnh tươi đẹp, đầy
màu hồng, dù chỉ là “một túp lều tranh,
hai trái tim vàng!”. Không ai nghĩ rằng một thời gian ngắn sau đó, mọi sự
thay đổi không ngờ được. Hôn nhân không còn là giấc mộng đẹp nữa, mà đã trở nên
gánh nặng đè trên hai vai của đôi bạn. Ngày nay, không ít bạn trẻ đã phải cay đắng
mà nói rằng hôn nhân của họ đích thực là bi kịch, là thảm họa và hôn nhân ấy
không khác gì là địa ngục trần gian. Như một danh nhân đã từng nói “Hôn nhân là mồ chôn tình ái” (Chamfort).
Quả thực, dựa trên kinh nghiệm thực tế của nhiều người thì hôn nhân đúng là một
gánh nặng đôi khi vượt sức chịu đựng của con người.
Ngày 13-5-2021, trên trang báo điện tử soha.vn, có đăng bài
tựa “Tưởng kết hôn là hạnh phúc nhân đôi,
nhưng thực tế là gánh nặng gấp ba, khiến nhiều phụ nữ ở Trung Quốc vỡ mộng”. [1]
Bài báo cho hay, trong khi các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về những
lý do dẫn đến sự vỡ mộng đó, thì một kết quả khảo sát gần đây đã chứng minh rằng
ngày càng có nhiều phụ nữ không hạnh phúc trong hôn nhân. Năm 2020, gần 20% số
phụ nữ đã kết hôn nói rằng họ cảm thấy hối hận vì đã lập gia đình, tăng đáng kể
so với con số 12% trong năm 2017 và 9% trong năm 2012. Trong khi đó, chỉ có 7%
số đàn ông đã kết hôn nói rằng họ hối hận.
Người ta nói rằng, phụ nữ lấy chồng không có người hạnh phúc
nhất, mà chỉ có người ít khổ cực hơn. Trong mỗi gia đình, đằng sau mỗi người vợ
đều có những nỗi khổ tâm riêng, những giọt nước mắt được giấu kỹ càng.
Một tác giả đã nhận định vấn đề này như sau: “Không hiếm chị
em phụ nữ đã từng kết hôn tâm sự rằng, ngày họ lấy chồng cứ như có số phận đưa
đẩy. Họ tuân theo bản năng là chính mà ít khi có sự chủ động cho việc hệ trọng
nhất cuộc đời này. Và đó chính là lý do mà nhiều người đã phải “vỡ mộng”, nhận
thấy mình đã “lầm” trong việc kết hôn. Theo các chuyên gia, một đám cưới không
phải đích đến cuối cùng của tình yêu mà là khởi đầu cho hành trình chung sống
giữa hai cá tính khác biệt. Cuộc sống hôn nhân có thể sẽ “vỡ mộng” nếu không có
sự chuẩn bị kỹ càng.” [2]
Thực vậy, sự chuẩn bị cần thiết và quan trọng cho một cuộc kết
hôn luôn bắt đầu từ nhận thức rằng hôn nhân không chỉ là làm đám cưới. [3]
Bởi lẽ, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững, đôi bạn phải
xác tín rằng hôn nhân là khởi đầu cho một cuộc-sống-mới trong đó hai người nam
nữ chấp nhận sống chung với nhau trọn đời và cam kết giúp nhau đạt đến hạnh phúc
như nguyện ước ban đầu. Đời sống hôn nhân là một chuỗi tháng ngày có niềm vui
xen lẫn nước mắt. Đôi bạn phải hy sinh chịu đựng mọi khó khăn, bởi vì đã kết
hôn với nhau, các bạn không thể sống tự do, buông thả, trái lại phải tuân thủ
những đòi hỏi riêng của hôn nhân mà bất kỳ ai cũng phải tuân thủ nghiêm túc.
Chúng ta biết rằng, tự bản chất, hôn nhân không phải là gánh
nặng hay thảm họa hay ngục tù, trái lại đó là một dấn thân, một cam kết, một
trách nhiệm, một trường học rèn luyện đào tạo. Cho nên, dù muốn hay không, cuộc
sống lứa đôi luôn đòi buộc chúng ta phải chiến đấu, phải hy sinh mất mát để có
được hạnh phúc lâu bền. Một danh nhân đã nói “Yêu là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin). Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng
Giê-su đã khẳng định là “Yêu và hy sinh
là một. Không hy sinh là chưa yêu”.
Linh mục Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công giáo” đã đề cập
về những đòi hỏi của hạnh phúc hôn nhân, như sau: “Hạnh phúc con người nói
chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình nói riêng tuyệt đối không phải là một món
quà tặng được cho không và chỉ giơ tay đón nhận. Mọi hạnh phúc của cuộc sống đều
đòi hỏi khắt khe nơi mỗi người chúng ta sự nỗ lực cá nhân trường kỳ và cam go.
Vì thế chỉ những ai không sợ gai nhọn và can đảm dám chui vào bụi hồng cuộc đời,
thì mới hái được bông hoa hồng hạnh phúc thơm ngát và tươi đẹp.” [4]
Một danh nhân đã nói, “Trận
chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ
gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller). Quả vậy, thực tế cho thấy, cuộc sống
gia đình luôn đầy những khó khăn, vất vả, cực nhọc. Khó khăn về kinh tế, vất vả
trong công việc làm ăn, cực nhọc để giải quyết những vấn đề gia đình vv. Bên cạnh
đó, trách nhiệm của hôn nhân không chỉ là giải quyết vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”,
mà còn bao gồm tất cả những rắc rối phức tạp trong đời sống vợ chồng. Chẳng hạn,
chuyện xung đột nảy sinh do giới tính và cá tính khác biệt, do sở thích không đồng
bộ, do nền giáo dục hấp thu không tương xứng, do trục trặc trong sinh hoạt tình
dục vợ chồng vv. Những bất đồng này xói mòn tình yêu đôi bạn, khiến họ không thể
chịu đựng nhau được nữa, lúc đó phát sinh những khủng hoảng nặng nề mà hậu quả
ly hôn ly dị là điều dễ dàng xảy ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất kỳ cuộc hôn nhân nào
cũng là hỏa ngục, là thảm họa, là bi kịch, là gánh nặng cả. Đối với nhiều người,
hôn nhân tuy đầy khó khăn, thách thức nhưng họ đã anh dũng vượt qua, nhờ tình
yêu và sự chung thủy, nhờ hy sinh quảng đại, nhờ lòng bao dung, nhờ nghệ thuật
nhượng bộ… Nhiều nhà chuyên môn nghiên cứu về hôn nhân gia đình đã đưa ra những
lời khuyên hữu ích cho các cặp vợ để qua đó họ nhận biết và thực hành những
nguyên tắc cụ thể nhằm giúp cho đời sống đôi bạn luôn giữ được hòa khí, luôn
tươi vui nhẹ nhàng và tràn đầy hạnh phúc.
Sau đây chúng ta thử liệt kê một số lời khuyên nhằm giúp đôi bạn có được một đời sống hôn nhân nhẹ nhàng, êm ấm, dễ chịu.
Lời khuyên 1.- “Hãy cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì
làm”
“Hãy cứ yêu đi rồi muốn
làm gì thì làm”, đây là một câu nói rất nổi tiếng của Thánh Au-gus-ti-nô
trích trong bộ sách “Tự Thuật” (Confessio) của ngài. Hôn nhân không thể không
có tình yêu bởi vì tình yêu được coi như sức sống, như sức mạnh trong đời sống
vợ chồng. Tình yêu chi phối tất cả con người và cuộc sống của đôi bạn, từ ước
muốn, suy nghĩ đến hành động, phản ứng và cung cách cư xử. Vì thế có thể nói,
“Tình yêu cùng đồng hiện hữu với con người. Có con người là có tình yêu. Vì
tình yêu cũng cần thiết cho cuộc sống con người như khí trời, như hơi thở và
như cơm ăn nước uống vậy. Một cuộc sống không có tình yêu là một cuộc sống đã
chết, hay nói đúng hơn: Sống mà cũng như đã chết vậy!” [5]
Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh
Người, giống như họa ảnh của Người (x.St 1-26-27). Khi vì yêu mà kêu gọi con
người bước vào cuộc sống, Người cũng mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa
là Tình Yêu (x.1Ga 4,8) và nơi chính mình Người, Người cũng đang sống mầu nhiệm
hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị . Khi tạo dựng nhân tính của người nam
và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện
hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng,
mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông (x.HC MV 12). Tình yêu là ơn gọi
căn bản và bẩm sinh của mọi người.” [6]
Khi đôi bạn sống theo sự hướng dẫn của tình yêu như thế, thì
chắc chắn họ sẽ vượt thắng mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống bởi vì “Tình yêu chiến thắng tất cả” (Amor
vincit omnia).
Lời khuyên 2.- Hãy coi người bạn đời là số 1 của
nhau
Trên đài Truyền hình Vĩnh Long THVL1, có chương trình
gameshow tên là “Vợ tôi là số 1” phát sóng lúc 20g30 tối Chúa nhật hàng tuần. Nội
dung gameshow này nhằm đề cao vai trò và tài năng của người nữ trong gia đình.
Các ông chồng của những bà vợ tham gia chương trình này sẽ coi đó là niềm tự
hào của mình đối với người bạn đời. Theo dõi chương trình này, có lẽ bất kỳ quý
ông nào cũng ước ao mình cũng sẽ là “nhân vật số 1” dưới con mắt đầy yêu thương
và ngưỡng mộ của các cô vợ của mình.
Tác giả cuốn “Những
quy tắc trong đời sống vợ chồng” đã đưa ra quy tắc số 1 với tiêu đề là
“Luôn đặt bạn đời lên vị trí hàng đầu”, trong đó có đoạn viết: “Khi kết hôn với
ai đó, tức là bạn đã chấp nhận gắn kết phần còn lại của cuộc đời mình với họ và
đương nhiên, vợ/ chồng phải là người quan trọng nhất đối với bạn. Do đó, dù
trong hoàn cảnh nào, bạn đời phải luôn được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu.
Khi hai vợ chồng đều là ưu tiên số một trong lòng người kia thì mối quan hệ giữa
hai người sẽ luôn gắn bó và khăng khít, ít bị tác động bởi những yếu tố bên
ngoài… Rất nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ chỉ vì chồng hay vợ xem trọng người hay
vật khác hơn bạn đời mình, và nhiều khi đưa ra quyết định sai lầm dựa trên những
ý kiến từ bên ngoài.” [7]
Cuộc sống lứa đôi của đôi bạn nhiều khi nặng nề bởi vì các bạn
đã chọn những thứ khác là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là chính người bạn đời
của mình. Nhiều bà vợ than phiền là ông chồng của họ mê game hơn là vợ con, gia
đình. Trái lại, cũng có trường hợp quý ông chồng phàn nàn là cô vợ nhà mình say
mê mạng xã hội hơn là chồng con và việc gia đình. Hoặc có trường hợp ông chồng
mê nhậu với bạn bè hơn là phụ giúp bạn đời, còn bà vợ “nghiện” mua sắm hơn là
chu toàn bổn phận của nội tướng. Sự không hài lòng của đôi bạn về người bạn đời
mình sẽ là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ làm nảy sinh sự xung đột, lúc đầu âm ỉ rồi
đến sau bùng nổ to lớn khiến có lúc cả hai đều không còn chịu đựng được nhau nữa
và điều gì đến sẽ đến…
Lời khuyên 3.- Hãy luôn tôn trọng nhau
Các chuyên gia về tâm lý hôn nhân gia đình đều khẳng định là
việc vợ chồng tôn trọng nhau luôn là yếu tố hàng đầu bảo đảm hạnh phúc gia
đình. Trong tình yêu chân chính luôn bao hàm sự tương kính trân trọng nhau. Như
một danh nhân đã nói: “Nền tảng của tình
yêu vợ chồng, đó chính là yêu thương và kính trọng nhau” (Elijah Fenton). Sự
tôn trọng ở đây lưu ý chúng ta đến 2 khía cạnh: Vợ chồng tôn trọng vai trò của
nhau trong gia đình và tôn trọng những khác biệt của nhau.
Vợ chồng tôn trọng vai
trò của nhau: Theo tác giả D. Wahrheit cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình
Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp
nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng.
Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống
hôn nhân...”.[8]
Ông bà ta thường nói “Đàn
ông xây nhà/ đàn bà xây tổ ấm”, hay “Kẻ
xay lúa/ người bồng em”, điều đó cho thấy trong gia đình hai vợ chồng đều
có vai trò riêng của mình và người này phải biết tôn trọng và nâng đỡ người
kia. Chồng là chồng và có nghĩa vụ riêng của mình. Còn vợ là vợ và cũng có
trách nhiệm riêng của mình. Sự hòa hợp không phải là giống nhau mà là bổ sung
cho nhau. Khi hai người tôn trọng vai trò của nhau, mối quan hệ vợ chồng luôn
được duy trì một cách hài hòa và đồng thuận. Không còn kẻ trên người dưới.
Không còn kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa. Xin được
nhắc lại câu này, “Chính sự bình đẳng mới
có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing).
Vợ chồng tôn trọng sự
khác biệt của nhau: Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ John Gray đã cho rằng: Sai
lầm lớn nhất của nhiều người là chúng ta tưởng rằng để có sự hòa hợp, hai vợ chồng
phải giống nhau. Chúng ta quên mất một điều cơ bản là, vợ chồng không phải hai
người bạn cùng giới mà là hai người khác giới - người đàn ông và người đàn bà.
Hai người đó không bao giờ giống nhau cả. Chừng
nào chúng ta nắm được đặc điểm tâm lý khác nhau của mỗi giới mới có thể hy vọng
tìm thấy sự hòa hợp lứa đôi. Bởi vì hai người luôn suy nghĩ và hành động
khác nhau, họ có những thói quen và sở thích khác nhau. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt
hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó.
Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau.
Sự coi thường, khinh chê, phê phán, hạ thấp bạn đời luôn là
cái cớ tạo ra sự bất đồng, xung đột khiến cho đời sống vợ chồng luôn nặng nề,
khó chịu.
Lời khuyên 4.- Hãy biến tai họa thành chuyện nhỏ
Có người đã nói: “Bí
quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là
chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold
Nicolson). Ông bà ta cũng thường nói: “Yêu
nhau trăm sự chẳng nề / một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Điều đó nhắc
đôi bạn đừng nên “chuyện bé xé ra to”, mà hãy cư xử bao dung, biết bỏ qua những
tật xấu, những sai lỗi, những vấp váp, những ứng xử vụng về của người bạn đời.
Trên thực tế, trong nhiều gia đình dễ dàng xảy ra những mâu
thuẫn, xung đột chỉ vì một vài chuyện nhỏ nhặt không đâu, khiến cho bầu khí gia
đình luôn nặng nề và mối quan hệ vợ chồng luôn căng thẳng. Theo dõi mấy chương
trình về hôn nhân gia đình trên kênh HTV7 như “Vợ chồng son” hay “Tâm đầu ý hợp”,
người ta nhận thấy các cặp vợ chồng thường tỏ ra bất bình, trách móc nhau bởi
những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống và sinh hoạt thường nhật. Những chuyện nhỏ
ấy nếu không được giải quyết thỏa đáng, với thái độ bao dung, độ lượng thì chẳng
sớm thì muộn cũng sẽ trở thành tai họa khó lường…
Trái lại, nếu khi xảy ra những chuyện lớn giữa hai vợ chồng
thì cũng không vì thế mà đôi bạn làm cho lớn chuyện. Đừng bao giờ “thêm dầu vào
lửa”, trái lại phải biết tự chủ, tiết chế cảm xúc và hành động cách khôn ngoan.
“Chồng giận thì vợ bớt lời / cơm sôi nhỏ
lửa một đời chẳng khê” (Ca dao VN). Một danh nhân cũng đã nói: “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng
cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm.
Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero).
Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển
lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong
anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh
em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính,
anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (Cl 3,12-14).
Lời khuyên 5.- Hãy cùng nhau chia sẻ công việc gia
đình
Một danh nhân đã nói: “Trong
hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc
chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Trong cuốn
“Những quy tắc trong đời sống vợ chồng”,
tác giả đã đưa ra 3 cái “cùng”: Cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc con
cái, cùng nhau quyết định mọi việc trong gia đình. Tác giả đã phân tích như
sau:
“Thật sai lầm khi người vợ ôm đồm hết mọi thứ và để người chồng
đi làm về “ngồi chơi xơi nước”. Thứ nhất, vợ tập cho chồng thói quen ỷ lại, lười
biếng và thiếu trách nhiệm. Thứ hai, vợ đang tự biến mình thành người giúp việc
trong nhà, chứ không còn là vợ. Cuối cùng về lâu dài, việc này ảnh hưởng không
nhỏ đến tình cảm của vợ chồng đôi bạn. Hôn nhân là sự hợp tác, chia sẻ, và mọi
trách nhiệm đều phải được phân công với nhau.
“Ngoài ra, là vợ chồng, đôi bạn nên trao đổi, thống nhất với
nhau để đưa ra quyết định cho mọi việc dù lớn hay nhỏ trong gia đình. Có nhiều
gia đình phần lớn mọi việc do chồng hay do vợ quyết định, người còn lại chỉ biết
lắng nghe theo và ít khi tham gia ý kiến. Đó không phải là biểu hiện của một cuộc
hôn nhân hạnh phúc. Nó thể hiện sự thiếu cân bằng về trọng lượng lời nói, vị thế
của nhau trong hôn nhân. Để hôn nhân bền vững và hạnh phúc, một nguyên tắc cần
tuân thủ nghiêm ngặt, đó là mọi việc quan trọng trong gia đình, cả hai vợ chồng
đều phải bàn bạc, nêu ra ý kiến của mình để có quyết định thống nhất.”[9]
Hiện nay, có một tình trạng xem ra khá phổ biến trong các
gia đình trẻ. Đó là, phần đông các anh chồng lười biếng và ỷ lại vào sự đảm
đang của chị vợ mà bỏ bê việc chung trong gia đình. Điều đó khiến người vợ mệt
mỏi và thất vọng vì gia đình là của chung, hôn nhân là do hai người cùng kiến tạo
và niềm hạnh phúc là do hai người cùng chia sẻ. Khi hai bạn không biết chia sẻ
công việc gia đình với nhau, điều đó sẽ dễ dàng gây nên sự bất bình giữa hai vợ
chồng, và từ đó có thể sẽ xảy ra cãi vã xung đột khiến cho mối quan hệ vợ chồng
luôn nặng nề, khó chịu.
Lời khuyên 6.- Hãy nhượng bộ nhau khi cần thiết
Ngày nay người ta nói nhiều đến vấn đề nhượng bộ giữa hai vợ
chồng và người ta coi đó như là một nghệ thuật ứng xử rất cần thiết cho đôi bạn
nếu họ muốn duy trì cuộc hôn nhân lâu dài, bền vững. Trước hết phải nói rằng,
nhượng bộ không phải là bỏ cuộc, là thất thế và là đầu hàng. Bởi như thế thì
người ta sẽ rơi vào tình trạng tiêu cực khác khiến cho cuộc sống thêm buồn chán
và bế tắc. Ở đây, nhượng bộ có nghĩa là một thái độ ứng xử của người trưởng
thành, biết đâu là điều chính yếu nên làm, đâu là điều phụ thuộc cần bỏ qua.
Thực vậy, một tác giả đã viết như sau: “Nhượng bộ khác với sự
đầu hàng, chấp nhận. Vì đó là một nghệ thuật ứng xử, trong đó có điểm dừng cho
mỗi người. Nếu ai để cho bạn đời mình vượt qua ranh giới của sự nhượng bộ ấy
thì sẽ khiến hôn nhân bất lợi. Vậy nên, người nhận được sự nhượng bộ ấy cần biết
trân trọng cách ứng xử của bạn đời. Còn khi đầu hàng và chấp nhận có nghĩa là
người kia buộc phải chịu thua trước điều lệ của người bạn mình. Thường thì
trong tâm lý của người “bại trận” - buộc phải đầu hàng, chấp nhận sẽ có sự tích
tụ dần những hờn giận, bực bội. Thỉnh thoảng con người họ không kìm chế được những
bực bội bị dồn nén sẽ bung ra bất ngờ và dữ dội. Những lúc ấy cả hai vợ chồng đều
không cảm thấy an toàn về tâm lý và khó có thể được hưởng sự gần gũi về cảm xúc
với người bạn đời của mình.”[10]
Kinh nghiệm thực tế cho thấy trong lúc hai vợ chồng bất đồng,
người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ
đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia
cũng nhượng bộ như mình. Ông bà ta khuyên, “Một
sự nhịn chín sự lành”, nghĩa là nếu biết nhịn nhục, ta sẽ dễ dàng làm lành
với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc...Tác giả André de Mission đã viết:
“Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba
tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời
sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn
nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred
Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm
khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”.
Lời khuyên 7.- Hãy coi trọng việc trò chuyện thường
xuyên với bạn đời
Chúng ta biết rằng, lắng nghe, trò chuyện, đối thoại trong đời
sống lứa đôi là điều hết sức quan trọng và cần thiết đề xây dựng và phát huy sự
hòa hợp giữa hai vợ chồng. Hôn nhân không phải là đặt hai bức tượng cạnh nhau để
rồi giữa hai cá thể không tương tác, không đối thoại, không lắng nghe, không đồng
cảm.
Không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc nếu mỗi ngày họ
không nói chuyện với nhau được 30 phút. Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm
cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng
hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của
mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với
nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn
ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy
không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của đôi bạn đang
có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay…[11]
Kinh nghiệm thực tế cho thấy khi hai vợ chồng ít nói chuyện,
hạn chế giao tiếp, tiết kiệm lời nói với nhau…thì cuộc sống chung lúc đó sẽ rơi
vào trạng thái tẻ nhạt, nhàm chán, lạnh lùng, vô cảm. Điều đó sẽ dẫn đến tình
trạng “mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm”, và đây là nguyên
nhân khiến cho đôi bạn bản thân sống cùng nhà nhưng lòng dạ xa cách nhau theo
cách nói “Đồng sàng dị mộng”.
Bàn về vấn đề đối thoại hàng ngày trong đời sống vợ chồng,
có ý kiến thế này: “Hãy cố gắng đảm bảo rằng hai vợ chồng có đủ thời gian để
nói chuyện với nhau trước khi đi ngủ. Đôi bạn có thể cùng nhau chia sẻ những
câu chuyện trong ngày, những cảm xúc của bản thân. Hai vợ chồng có thể thảo
luận về cuộc sống, những điều bạn cần giãi bày. Đối thoại hàng ngày là yếu tố cần
thiết để đảm bảo hạnh phúc hôn nhân. Các bạn chỉ mất vài phút mỗi buổi tối trước
khi đi ngủ nhưng điều đó có thể làm thay đổi cuộc hôn nhân của các bạn trở nên
tốt đẹp hơn.” [12]
Lời khuyên 8.- Hãy biết kiềm chế khi có xung đột
Tác giả cuốn “Những
quy tắc trong đời sống vợ chồng” đã đề cập đến việc đôi bạn phải học cách
điều khiển và kiểm soát tình huống khi có xung đột. Tác giả đã viết như sau:
“Mâu thuẫn, xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít
hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải
có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần
thú vị. Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý thì không những làm cuộc cãi vã mau kết
thúc, mà còn làm tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn. Ngược lại, nếu
chúng ta nóng nảy và không kiềm chế cái tôi quá lớn trong mình, chúng ta sẽ dễ
dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn hại đến hôn nhân.” [13]
Chúng ta đều biết rằng các mối bất hòa, mâu thuẫn giữa hai vợ
chồng dù có nặng nề đến mấy đi nữa cũng sẽ được giải quyết cách êm đẹp nếu cả
hai bên đều có thiện chí hòa giải. Lúc này, hai bạn cần lắng nghe tiếng nói của
con tim mình: Yêu nhau trăm sự chẳng nề/
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng (Ca dao VN). Khi yêu nhau thì người ta sẵn
sàng bỏ qua những xích mích xung khắc nhỏ nhen. Khi yêu nhau thì sự hy sinh, vị
tha, bao dung luôn được đặt hàng đầu, nhờ đó mà ta tránh được những sứt mẻ, đổ
vỡ trong đời sống vợ chồng.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn những bổn phận
của gia đình Ki-tô hữu đã nhắc nhở như sau: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn
được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người
và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha
thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích
kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp
thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông
ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống
gia đình.” (số 21)
Lời Kết
Chúng ta biết rằng, tình yêu chân chính, lòng quảng đại bao
dung, sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm, sự chung thủy...luôn là những điều kiện
cần thiết để bảo đảm cho một cuộc hôn nhân lâu bền, hạnh phúc. Sự đổ vỡ, chia
ly trong hôn nhân xét cho cùng cũng là vì người ta sống ích kỷ, thiếu nền tảng
đạo đức, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự tôn trọng và không sẵn sàng hợp tác cởi mở
với nhau.
Người Kitô hữu trưởng thành luôn biết bảo vệ và trân trọng
hôn nhân của mình như một ơn huệ và ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Đối với họ, hôn
nhân không còn là gánh nặng hay thảm họa gì nữa. Bởi lẽ, qua đời sống Ki-tô hữu
và nhờ ân sủng của Bí tích Hôn nhân Ki-tô giáo, họ có nhiều niềm vui và hãnh diện
vì được cộng tác và chia sẻ kế hoạch của Thiên Chúa. Họ được nên thánh, được
góp phần xây dựng và phát triển “Hội
thánh tại gia” là mẫu gương gia đình đạo đức và hạnh phúc đích thực. Họ
loan báo Tin Mừng cho thế giới bằng đời sống chứng tá gương sáng nổi bật. Chúng
ta luôn xác tín về ơn gọi và sứ mệnh của mình, với một lòng tin mãnh liệt về sự
hiện diện của Chúa và sự trợ giúp của ơn thánh nhờ đó chúng ta có thể chu toàn
một cách trọn hảo và trung tín bổn phận hôn nhân gia đình của mình./.
[1] https://soha.vn/tuong-ket-hon-la-hanh-phuc-nhan-doi-nhung-thuc-te-la-ganh-nang-gap-3-nhieu-phu-nu-tq-vo-mong-2021050515544876.htm
[2] https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/5-co-3-khong-la-nhung-dieu-ma-moi-phu-nu-can-biet-truoc-khi-ket-hon-626171.html
[4] LM Nguyễn Hữu Thy – Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình
Công giáo – TTMV CGVN Gp Trier CHLB Đức - trang 201-202
[11] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/vai-tro-cua-truyen-thong-giao-tiep-trong-doi-song-vo-chong-39360
[12] https://www.giadinhmoi.vn/3-thoi-quen-giup-vo-chong-duy-tri-hon-nhan-hanh-phuc-sau-khi-co-con-d55388.html
[13] Alpha Books biên soạn – Sđd trang 31