HỘI THÁNH CHÚA KI-TÔ PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ HƠN
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (06.5.2022) - Bản
tin của Vatican News ngày 14-4-2022 vừa qua cho hay, trong buổi gặp riêng các
tu sĩ Dòng Tên tại Toà Sứ Thần ở Rabat trong chuyến tông du đến Malta ngày
03-4-2022, ĐTC Phan-xi-cô đã trả lời một số câu hỏi do các tu sĩ đặt ra về
tương lai của Giáo hội, về ơn gọi linh mục tu sĩ và về công cuộc loan báo Tin Mừng.[1]
Để trả lời câu hỏi về tương lai của Giáo hội, bản tin trên
cho biết câu trả lời của ĐTC Phan-xi-cô như sau: “Đức nguyên Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI là một ngôn sứ về tương lai của
Giáo hội. Một Giáo hội sẽ nhỏ hơn, không còn những đặc quyền, sống khiêm tốn,
xác thực hơn, và sẽ tìm được năng lượng cho những điều thiết yếu. Đó là một
Giáo hội thiêng liêng, nghèo và ít chính trị hơn. Giáo hội của những người bé
nhỏ. Khi còn là Giám mục, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã nói: Chúng ta phải chuẩn bị để trở thành một Giáo hội nhỏ hơn. Đây là một
trong những trực giác sâu sắc của ngài”.
Có thể nói, ĐTC Phan-xi-cô luôn luôn thao thức về diện mạo của
Hội thánh Chúa Ki-tô trong thế giới ngày nay. Đặc biệt ngài quan tâm đến việc Hội
thánh phải trở nên nghèo hèn, bé nhỏ dõi theo gương Chúa Ki-tô khi xưa. Một Hội
thánh âm thầm, kín đáo, không khoa trương, trái lại luôn thể hiện sự khiêm tốn,
bao dung, tế nhị, nhẹ nhàng, thánh thiện, sẵn sàng chịu khổ vì Tin Mừng.
Đặc biệt, trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” số 49, ĐTC
Phan-xi-cô còn muốn diễn tả một Hội thánh với nét đặc trưng của môn đệ Chúa
Ki-tô chịu đau khổ và bị đóng đinh, ngài đã viết: “Tôi muốn có một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở
ngoài đường, còn hơn một Giáo hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu
vào sự an toàn riêng của mình”.
Có lẽ không ai trong chúng ta muốn thấy Hội thánh của mình “bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn” do
phải sống ở ngoài đường, bởi hình ảnh ấy có vẻ “xấu xí” và xa lạ với cái nhìn sẵn
có của chúng ta về một Hội thánh đẹp đẽ, thánh thiện, trong sáng, tinh tuyền.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng ngay từ thời sơ khai, các tông đồ được Chúa chọn
để đi rao giảng Tin Mừng Ki-tô giáo và thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian,
các ngài chuyên chú rao giảng biến cố Đức Ki-tô bị đóng đinh, đã chết nhục nhã
và đã sống lại vinh quang. Các ông xứng đáng là những chứng nhân của Chúa Ki-tô
và hầu như tất cả các ông đều tử-vì-đạo. “Chữ tử-vì-đạo (Martyr/ Martyre) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp Marturion - sự
làm chứng, làm chứng cho đức tin, làm chứng cho Đức Ki-tô bằng cái chết của
chính mình (x. Cv 22, 20).”[2]
Như vậy, khi làm chứng cho Tin Mừng Đức Ki-tô, Hội thánh mọi
thời sẽ luôn là một thân thể mang đầy thương tích vì phải thoát ra khỏi sự an
toàn riêng của mình, ra đi để rao giảng và làm chứng tá cho sự chết và sống lại
của Đức Ki-tô. Hội thánh, do đó không thể mang khuôn mặt của một ngôi nhà đóng
kín cửa, trái lại Hội thánh mở toang cửa để đi ra ngoài, để đến với muôn dân.
ĐTC Phan-xi-cô cũng đã từng nói: “Cha muốn
mọi người ra đi. Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố. Cha muốn chúng ta tự bảo
vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị,
là khép kín vào chính mình...”.
Ở đây, xin trở lại lời tiên tri của ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI mà
ĐTC Phan-xi-cô mới nhắc lại, về tương lai của Hội thánh trong thời đại mới này.
Chắc chắn viễn ảnh về một Hội thánh như lòng Chúa mong ước sẽ khác với ý nghĩ
bình thường của chúng ta. Một Hội thánh sẽ nhỏ lại, khiêm tốn hơn, ít đặc quyền
hơn. Một Hội thánh sẽ ngày càng tự khẳng định mình với căn tính xác thực hơn,
thiêng liêng hơn và tập trung vào những điều thiết yếu hơn. Một Hội thánh sẽ
ngày càng trở nên nghèo hơn và là nơi nương tựa của những người nghèo khổ, đau
yếu, bị bỏ rơi…
Trong bài viết ngắn này, chúng ta sẽ suy tư về 3 điểm chính sau:
1.-
Hội thánh cần trở nên bé nhỏ để Chúa Ki-tô được lớn lên
2.-
Hội thánh cần trở về với căn tính đích thực của mình
3.- Hội thánh cần trở nên nghèo hơn để gần gũi những người bé nhỏ
1.- Hội thánh cần trở nên bé nhỏ để Chúa Ki-tô được
lớn lên
Hội thánh sẽ càng ngày càng trở nên nhỏ bé với dáng vẻ khiêm
tốn, nghèo hèn và ít đặc quyền hơn. “Người
phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.” (Ga 3, 30 ). Có thể nói Hội thánh
Chúa Ki-tô cũng có vai trò ngôn sứ như Gio-an Tẩy giả. Hội thánh rao giảng và
làm chứng cho Đức Ki-tô nhưng không thay thế Ngài. Vai trò của Hội thánh là giới
thiệu chân dung Đức Ki-tô cho thế giới chứ không phải là tự khẳng định vị thế của
mình khiến cho việc rao giảng Tin Mừng gặp khó khăn, bế tắc hay bị hiểu lầm. Hội
thánh phải trở nên nhỏ bé để dung mạo Đức Ki-tô trở nên sáng hơn, rõ hơn và thiết
thực hơn.
Hội thánh nhỏ hơn không phải xét về bề nổi, về con số, về tổ
chức, về cơ cấu… cho bằng Hội thánh phải nhỏ đi nhờ việc phô diễn hình ảnh một
cộng đoàn Dân Chúa với dáng vẻ khiêm nhu, hiền hòa, thấp bé và ít nhận lãnh đặc
quyền đặc lợi cho mình. Theo Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xv Nguyễn Văn Thuận, có một
căn bệnh mà người Công giáo thường mắc phải, đó là bệnh phô trương, tức là muốn
đạo của mình phình ra để cho người ngoài thấy mình hoành tráng, to lớn, trổi vượt
v.v… Trong bài nói chuyện tại Pháp ngày 12-9-1998 có tựa đề “Mười căn bệnh làm
băng hoại người Công giáo”, Đức cố H.Y đã đề cập đến căn bệnh gọi là bệnh Phô
trương chiến thắng. Ngài nói:
“Làm gì cũng chỉ nhắm
chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là Triomphalisme, người Mỹ
cũng có từ ngữ Show-up. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng
đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa
cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô
cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế… Nhưng hết tiệc
ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua
hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy bỏ chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu
thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần
trăm, ta mấy phần trăm?...”[3]
Chúng ta biết rằng, trong những hoạt động phô trương, chúng
ta sẽ được khen ngợi ở sự hoành tráng, vĩ đại, giàu có trong khi đó bản thân ta
hoàn toàn quên Chúa và danh Chúa sẽ không được cả sáng như chúng ta vẫn cầu xin
trong kinh Lạy Cha. Có thể chúng ta đã coi trọng hình thức bên ngoài hơn thực
chất bên trong, vì thế mặc dù cái hình thức thì to lớn, bề thế nhưng nội dung
thì lại trống rỗng nghèo nàn. Tín hữu chúng ta tự hỏi, Chúa ở đâu trong những
hoạt động mang tính phô trương của mình? Đạo mà chúng ta thực hành là Đạo của
Chúa hay là Đạo của riêng mình?
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị
lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng Giáng Sinh, ĐTC Phan-xi-cô đã nói về Giáo triều
và ngài đã liệt kê 15 thứ bệnh mà những người phục vụ tại đây có thể
mắc phải, trong đó ngài đã đề cập đến căn bệnh thứ bảy, đó là Bệnh cạnh tranh và háo danh. Ngài nói: “Khi
vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống,
quên đi lời thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì ích kỷ hoặc kiêu ngạo, nhưng với
tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Đừng tìm tư lợi, nhưng hãy
tìm lợi ích của người khác.” (Pl 2,1-4). Đó là căn bệnh khiến ta trở thành những
con người giả dối, sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo.
Chính Thánh Phaolô đã mô tả họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ
‘kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều
thuộc về trần thế này.’ (Pl 3,19)”[4]
Trong bài viết có tựa “Đạo
Sinh Hoạt”, LM Nguyễn Trọng Viễn O.P khi đề cập đến việc nhìn lại sứ mệnh của
Hội thánh, đã viết như sau:
“Có thể nói, hầu hết mọi người thời Chúa Giê-su, từ những
người Do Thái, những người nghèo được Chúa cứu chữa và cho ăn bánh, cho đến các
môn đệ của Chúa Giê-su, đều tưởng rằng Đấng Mêsia sẽ thiết lập Nước Trời bằng
cách tổ chức một triều đình, với các chức tước và đạo quân hùng mạnh để chinh
phục và thống trị muôn dân.
“Thế nhưng Đức Giê-su lại đã đi con đường cứu độ theo Thánh
ý Chúa Cha. Đó là con đường rao giảng Nước Trời với những giá trị mới, những
giá trị có khả năng đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn và bị loại
trừ: khó nghèo, hiền lành, thương xót, tha thứ, tôn trọng những người bé mọn,
tin tưởng và gắn bó với Chúa trong niềm tin [xc. Mt 5-7]… Rồi Ngài đã hy sinh mạng
sống của mình để làm bảo chứng cho những hạt men, hạt mầm Nước Trời ấy [xc. Lc
13, 18-21] được chiến thắng.
“Giáo hội được triệu tập, có Chúa Giê-su Phục Sinh luôn ở
cùng [xc. Mt 28, 20] và nhờ quyền năng Thánh Thần của Ngài [xc. Lc 24, 49] để đảm
nhận trách nhiệm gieo vãi Tin Mừng khắp thế gian.
“Do đó, biến cố Đấng Mêsia đến được kéo dài thành quãng thời
gian giữa hai lần Chúa đến, đó là thời gian Cánh chung và là thời gian của Giáo
hội. Tất cả ý nghĩa, tất cả lý do hiện hữu của Giáo hội là, sống giữa hai lần
Chúa đến, nỗ lực loan báo Tin Mừng, làm cho Nước Thiên Chúa được rộng mở và
thâm nhập vào trần gian. Giáo hội được triệu tập và tổ chức hữu hình không phải
là để tự củng cố và trở nên hùng mạnh, nhưng là để trở nên “Bí Tích Nước Trời” ở
trần gian [xc. GH 1], để gieo vãi hạt giống Tin Mừng và làm cho chính trần gian
này trở thành Nước Trời ngay trong hiện tại.”[5]
2.- Hội thánh cần trở về với căn tính đích thực của
mình
Hội thánh sẽ ngày càng tự khẳng định mình với căn tính xác
thực hơn, thiêng liêng hơn và tập trung vào những điều thiết yếu.
Công đồng Vat.II đã khẳng định, “Bản chất của Hội thánh là truyền giáo” (AG 2), nghĩa là Hội thánh
phải luôn luôn coi công cuộc truyền giáo là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Một Hội
thánh sẵn sàng ra đi, năng động, cởi mở đến những chân trời xa xôi để làm chứng
cho Đức Ki-tô tới tận cùng trái đất (x. Cv 1, 8). ĐTC Phan-xi-cô đã từng chia sẻ:
“Cha muốn một Hội thánh ra đi truyền giáo
nhiều hơn, một Hội Thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội thánh xinh đẹp khi biết
ra đi.”
Vậy điều cốt yếu của Hội thánh là phải lên đường, phải sẵn
sàng ra đi, phải mạnh dạn vượt qua những rào cản hữu hình và vô hình để đến với
mọi người anh em đang cần hơi ấm Tin Mừng Đức Ki-tô. Trong câu Tweet ngày
22-4-2022 vừa qua, ĐTC Phan-xi-cô đã viết:
“Thật đẹp biết bao khi một Giáo Hội
có thể chạy qua các nẻo đường trên thế giới với ước muốn mang lại niềm vui Tin
Mừng cho mọi người. Đó là điều mà chúng ta được kêu gọi phải làm: hãy lăn tảng
đá khỏi ngôi mộ nơi mà chúng ta vẫn thường niêm phong Chúa, để lan tỏa niềm vui
của Người trong thế giới.”
Trước đây, ĐTC Phan-xi-cô cũng đã từng nhắc nhở các vị giám
mục và linh mục như sau:
“Giám mục và linh mục
hãy đào tạo người trẻ trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước
tới. Chúa Giêsu đã làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các
tông đồ dưới cánh của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra!…
“Giám mục và linh mục
không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của
chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng. Không chỉ đơn giản là mở
cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm
và gặp gỡ người dân.”
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tại nhiều giáo xứ, cộng
đoàn và dòng tu, người ta không khỏi ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến nhiều
vị linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ và cả những giáo dân nhiệt thành, đã cùng nhau
“ra đi” để thực hiện những việc bác ái cấp bách. Các ngài mang lương thực thực
phẩm đến cho những người trong vùng cách ly. Bên cạnh đó, bề trên các giáo phận
đã không ngần ngại huy động các tình nguyện viên trực tiếp đến cứu giúp các bệnh
nhân F0. Thậm chí, nhiều vị còn tham gia các nhóm tình nguyện chống dịch, không
ngại sự lây lan dịch bệnh, tích cực giúp các bệnh nhân covid trong các bệnh viện
dã chiến…Và trên thực tế đã có không ít tu sĩ phải hy sinh mạng sống mình do
nhiễm virus corona trong khi thi hành nhiệm vụ. Những việc làm này đã tuy khiêm
tốn nhỏ bé nhưng đã được thực hiện với tấm lòng cao cả của bác ái Ki-tô giáo. Mẹ
thánh Tê-rê-xa Calcutta đã nói: “Những
người nghèo khổ đang kêu gọi chúng ta. Chúng ta phải nhanh chân đến để yêu
thương họ.”
Khi Hội thánh nhận ra căn tính thừa sai của mình, thì Hội
thánh sẽ luôn tập trung triệt để vào việc loan báo Chúa Ki-tô và chia sẻ niềm
vui Tin Mừng của Ngài. Hội thánh sẽ chuyên lo vào việc đề cao Chúa Ki-tô là Tin
Mừng cứu độ và ra sức thực hiện những điều thiết yếu mà Chúa đòi hỏi trong nhiệm
vụ làm sứ giả và chứng nhân của mình. “Như
Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21); “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”
(Mc 16, 15-16)
LM Giuse Nguyễn Văn Am SDB trong bài viết có tựa “Vì một Giáo hội hiệp hành: Những đề tài cần
được suy tư” đăng trên trang web của HĐGMVN ngày 17-4-2022 vừa qua, đã viết
như sau:
“Nỗ lực hình thành một Giáo hội hiệp hành trong thiên niên kỷ
thứ ba theo ý định của Thiên Chúa như Đức Phanxicô xác quyết mới tiệm tiến xóa
bỏ cung cách sống và mục vụ của một Giáo hội quy chiếu đến chính mình vốn tìm
cách để “tồn tại” hơn là táo bạo “loan báo Tin Mừng” trong thế giới, vì Giáo hội
ấy đang đi theo chủ trương “nguyên trạng trong mục vụ”, hay với cung cách
“chúng tôi đã từng làm như thế”. Điều ấy chỉ biểu dương một Giáo hội u buồn,
mang bộ mặt mùa Chay hơn là một Giáo hội hân hoan vì Chúa đã sống lại, và
vinh quang ngài chiếu tỏa trên Giáo hội. Giáo hội muốn biết chính mình thật sự
ư? Giáo hội hãy nhớ rằng mình thuộc về Đức Kitô và chỉ Đức Kitô mà thôi, Ecclesiam Suam.
“Nói cách khác, để thật sự là mình, Giáo hội phải nhìn nhận
Giáo hội là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae), không bao giờ tiếm quyền Đức
Kitô, và không bao giờ là mặt trời. Chúa
Kitô, chứ không phải Giáo hội, là Ánh
Sáng Muôn Dân. Đây không phải là điều Vat. II đã tuyên xưng ngay trong những
lời đầu tiên của LG 1 hay sao?
“Chúa Kitô chính là
ánh sáng muôn dân, vì vậy, thánh Công Đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần,
tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội,
để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15).
“Chỉ mình Đức Kitô là Mặt Trời, còn Giáo hội chỉ là một mầu
nhiệm xuất phát (mysterium lunae). Khi
Giáo hội quy chiếu về mình, một cách vô tình, Giáo hội tin mình có ánh sáng
riêng của mình... và Giáo hội nhượng bộ cho tính thế tục thiêng liêng cực kỳ xấu
xa. Giáo hội sống chỉ để tôn vinh lẫn nhau.”[6]
3.- Hội thánh cần trở nên nghèo hơn để gần gũi những
người bé nhỏ
Hội thánh sẽ sống nghèo hơn và sẽ trở nên nơi nương tựa của
những người nghèo khổ, đau yếu, bị bỏ rơi. Chúng ta biết rằng, để gần gũi những
người nghèo khổ, Hội thánh phải trở nên nghèo và sống nghèo. ĐTC Phan-xi-cô đã
từng nói: “Tôi ước muốn một Giáo hội
nghèo và cho người nghèo”.
Chúng ta tự hỏi “vì sao Hội thánh cần trở nên nghèo và ưu
tiên cho người nghèo?”.
Chúng ta biết rằng: “Vì Đức Kitô đứng về phía người nghèo và
Tin Mừng cứu độ gắn chặt với đời sống người nghèo nên những hiểu biết về sứ điệp
của Đức Kitô cũng gắn liền với đời sống của người nghèo. Dựa trên nền tảng Kitô
học này, ĐTC Phan-xi-cô đã mạnh dạn tuyên bố xác tín của ngài tại Philippines:
“Nếu tách người nghèo ra khỏi Tin Mừng,
chúng ta không thể hiểu được toàn thể sứ điệp của Đức Kitô.” Do đó, tất cả
những ai được đong đầy niềm vui của Tin Mừng cũng phải gần gũi với người nghèo
trong cùng một cách thức như Thiên Chúa đã thực hiện. (…)
“Dựa trên nền tảng Kitô học - Đức Kitô trở nên người nghèo
và gần gũi với người nghèo - ĐTC Phan-xi-cô mong muốn Giáo hội hiện tại là Giáo
hội nghèo và cho người nghèo. Về sứ vụ của Giáo hội, ĐTC không đóng khung Giáo
hội vào những không gian riêng tư nhưng mở ra với cuộc sống xã hội trong việc
phục vụ người nghèo, những người bị loại trừ và bị ngược đãi. Các Kitô hữu nên
ra khỏi nơi thờ tự, đến vùng ngoại biên, mang niềm vui Tin Mừng đến với người
nghèo và toàn thể thế giới. Chứng nhân loan báo Tin Mừng không nên đóng khung
hoạt động mục vụ trong việc từ thiện, bác ái, nhưng sống tình liên đới, mở ra với
các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị nhằm xây dựng một xã hội, một hành
tinh tốt đẹp hơn cho sự phát triển toàn diện của người nghèo. Về chiến lược
kinh tế và xã hội, ĐTC mời gọi chúng ta xóa bỏ nền thương mại tự trị, nạn đầu
cơ tài chính, những cơ cấu gây ra nghèo đói và bất công, cùng nối lại sự chia cắt
giữa lợi ích kinh tế cá nhân và công ích xã hội.”[7]
Dựa vào thực tế,
chúng ta sẽ nghĩ rằng Hội thánh cần phải có đầy đủ các phương tiện vật chất, kể
cả tiền bạc, để có thể thực hiện những công trình, dự án cần thiết cho việc tổ
chức, phát triển và loan báo Tin Mừng. Điều này là tất yếu. Nhưng nếu Hội thánh
trở nên nghèo thực sự trong tinh thần, trong cách sống, trong hoạt động, trong
phục vụ thì Hội thánh sẽ trở nên hấp dẫn hơn và có sức lôi kéo nhiều người đến
với mình.
Tác giả bài “Vì một giáo
hội hiệp hành: những đề tài cần được suy tư” (bài và tác giả đã dẫn trên)
đã chia sẻ như sau:
“Không ai phủ nhận được
Đức Phanxicô đã mơ về một Giáo hội nghèo của những người nghèo, cho người nghèo
và với người nghèo, ngay những ngày đầu tiên trong triều giáo hoàng. Ngài đã
làm những “điều” khiến thế giới kinh ngạc: rửa chân cho các tù nhân, ôm ấp người
dị dạng, hôn chân các vị lãnh đạo Nam Sudan để cầu xin hòa bình cho dân chúng.
“Ngài muốn một Giáo hội lấm láp vì phục vụ và làm việc hơn
là một Giáo hội trắng trẻo, vàng vọt và yên ổn trong chiếc ghế bành êm ấm của
mình. Ngài mơ đến một Giáo hội lao vào vùng ngoại biên với dân chúng, vì từ đó
mọi sự sẽ được nhìn lại và đánh giá khác hẳn.
“Ngài muốn một Giáo hội chỉ chuyên chú tập trung vào truyền
giáo, có khả năng huy động mọi sự, kể cả cấu trúc, cho truyền giáo gắn liền với
sứ điệp Kerygma, hơn là một Giáo hội bình phẩm và chua chát, dèm pha. Ngài muốn
một Giáo-hội-Mẹ, luôn rộng mở cánh tay đón nhận mọi người, nhất là những kẻ tội
lỗi.
“Đó là một Giáo hội mà mọi người đều có chỗ và thấy thoải
mái như ở nhà mình.
“Đó là một Giáo hội biết nói không trước não trạng thế tục,
trước một khoa linh đạo trần tục, rũ bỏ đi chủ thuyết giáo sĩ vốn mang lại một
sự lạm dụng lương tâm, quyền lực, tiền bạc và tình dục.
“Đó là một Giáo hội như một bệnh viện dã chiến, sẵn sàng
băng bó mọi vết thương cho con cái mình, bất chấp sự hy sinh và mệt nhọc và đau
khổ đến đâu chăng nữa.
“Đó là Giáo hội đi ra để tìm tâm điểm của mình luôn ở bên
ngoài, tức là Đức Kitô đang đau khổ và thương tật nơi các chi thể đau khổ của
mình.
“Đó là một Giáo-hội-Mẹ biết
khóc vì con cái mình đang thương tật và bị nô lệ, một Giáo hội sống hoàn toàn
nhờ, trong và vì lòng thương xót của Thiên Chúa mà tất cả mọi luật lệ tổ chức
phải phục vụ điều ấy, chứ không ngược lại.”[8]