CÁI NGHÈO THEO TÂM THỨC CỦA
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Lm. Gioan Phan Văn Định
Mục lục II. TƯƠNG QUAN GIỮA ĐTC VỚI NGƯỜI NGHÈO IV. CHỌN LỰA VÀ THĂNG TIẾN NGƯỜI NGHÈO 2.
Công bằng xã hội và nhân quyền 3.
Bảo vệ môi trường sống cho người nghèo |
I. DẪN NHẬP
“Nghèo” là chủ đề quen thuộc
đã được nhiều vị Giáo hoàng nhắc đến, nhưng cách riêng, với Đức Thánh Cha (ĐTC)
Phanxicô, nghèo không chỉ là chủ đề thần học nhưng còn là lối sống của cá nhân
ngài. Lối sống nghèo khó của ĐTC Phanxicô đã được giới truyền thông, người Công
giáo, và cả những người ngoài Công giáo, cảm phục và khen ngợi. Trong chuyến
tông du đến Philippines năm 2012, ĐTC đã khiến giới trí thức Công giáo ngỡ
ngàng khi ngài xác tín vai trò bất khả phân ly giữa người nghèo với sứ điệp của
Đức Kitô: “Nếu chúng ta loại người nghèo
ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu được toàn bộ sứ điệp của Đức Kitô.”
Ngoài ra, nơi Tông huấn Evangelii Gaudium,
dựa trên nền tảng Kitô học, ĐTC còn mời gọi các tín hữu tham gia vào đời sống
xã hội, kinh tế và chính trị để phục hồi cho người nghèo những gì vốn thuộc về
họ.[1] Đây quả là nét độc đáo của
ĐTC, nhưng điều này cũng mở ra một vài thắc mắc cần được xác định rõ: Người
nghèo có liên hệ thế nào với Đức Kitô và sứ điệp Tin Mừng? ĐTC có hướng Giáo hội
đến hoạt động từ thiện xã hội như một tổ chức NGO,[2]
hoặc khuyến khích Giáo hội tham gia vào hoạt động kinh tế và chính trị không?
Dựa trên lối sống của ĐTC, Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) và Thông điệp Fratelli Tutti (FT), bài
viết này sẽ trình bày quan niệm của ĐTC về cái nghèo và góp phần làm sáng tỏ những
thắc mắc trên đây với ba nội dung chính: (1) Tương quan giữa ĐTC với người
nghèo; (2) Nền tảng suy tư của ĐTC; (3) Ưu tiên chọn lựa và thăng tiến người
nghèo. Mong rằng những khảo luận về lối sống và suy tư của ĐTC sẽ hữu ích cho
người Kitô hữu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
II. TƯƠNG QUAN GIỮA ĐTC VỚI NGƯỜI NGHÈO
Với ĐTC Phanxicô, lối sống gần gũi người nghèo đã cắm rễ sâu
nơi cuộc sống hằng ngày và tâm thức mục vụ từ khi ngài còn là giám mục và hồng
y thuộc Tổng giáo phận Buenos Aires, nước Argentina. Ngài thường sử dụng phương
tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện...) thay vì xe ôtô, taxi hoặc xe
sang vì ngài muốn có cơ hội gặp gỡ tha nhân, biết và chia sẻ với những khó khăn
của họ. Suốt thời gian khủng hoảng kinh tế tại Argentina vào những năm 1990,
ngài chọn sống trong một nhà trọ đơn sơ thay vì sống tại tòa tổng giám mục.
Vào tháng 3 năm 2013, nhiều người trên thế giới đã khen ngợi
và cảm phục về hình ảnh đẹp từ lối sống nghèo khó của vị Tân Giáo hoàng. Gương
sống của ngài như một thông điệp về dung mạo mới mẻ của Giáo hội dành cho người
nghèo. Từ khi lên ngôi Giáo hoàng, ĐTC chọn sống tại nhà trọ Santa Marta, nơi ở
dành cho khách vãng lai, thay vì sống tại dinh thự dành cho Giáo hoàng.[3] Xuất phát từ lời nhắc nhở của
một vị hồng y đã nghỉ hưu, Đức hồng y Claudio Hummes: “Đừng quên người nghèo”, Đức Thánh Cha đã chọn tên gọi Phanxicô làm
tước hiệu cho triều đại giáo hoàng của mình. Tước hiệu Phanxicô là dấu chỉ cho
thấy ĐTC muốn noi gương sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assisi, hướng lòng về
người nghèo trong triều đại giáo hoàng của ngài. Xét về nguyên nhân chọn tước
hiệu, tác giả Olga Caro cho rằng có lẽ sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần trong mật
viện về mục vụ cho người nghèo đã trở nên mạnh mẽ nơi ĐTC, và có lẽ đường hướng
mục vụ này vốn đã là mối bận tâm then chốt từ lâu trong đời sống của ngài.[4]
Cũng trong tháng 3/2013, người Công giáo hết sức ngạc nhiên
khi nghe tin lần đầu tiên ĐTC phá vỡ truyền thống rửa chân vào ngày lễ thứ Năm
Tuần Thánh. Thay vì rửa chân cho 12 giáo sĩ như những vị tiền nhiệm thường làm,
ĐTC đã rửa chân cho 12 tù nhân trẻ trong chuyến viếng thăm nhà tù Casal Del
Marmo, nước Ý. Trong số 12 người được rửa chân có 2 người phụ nữ trẻ, một trong
hai người này là người Hồi giáo.[5] Việc làm này cho thấy ĐTC thể
hiện sự gần gũi người nghèo, không phân biệt nam nữ hoặc tôn giáo.
Như thế, kể cả khi sống ở Argentina, nơi có nhiều người
nghèo, trong vai trò giám mục và hồng y, hay ở Rôma trong cương vị giáo hoàng,
ĐTC vẫn thường gần gũi với người nghèo. Nơi ngài, cái nghèo không còn là những
nguyên tắc thần học trừu tượng hay viễn tượng mục vụ trên bàn giấy, nhưng là lối
sống thực tế của một vị Giáo hoàng. Lối sống này đã tác động lên cách triển
khai suy tư của ĐTC về chủ đề người nghèo nơi các giáo huấn chính thức của Giáo
hội, cách riêng là Tông huấn Evangelii
Gaudium và Thông điệp Fratelli Tutti.
III. NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG
1. Ai là người nghèo?
Dù đã nhiều lần nhắc đến người nghèo trong bài giảng và văn
kiện chính thức nhưng ĐTC vẫn chưa trực tiếp đưa ra định nghĩa về người nghèo.[6] Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Đức
Hồng y Pedrioli nhận xét: Trong tâm thức của ĐTC, người nghèo là những người
nghèo về điều kiện vật chất. Nghèo vật chất không chỉ gồm những người đói khát
và bị bóc lột, nhưng còn là những người thiếu điều kiện bình thường về chăm sóc
sức khỏe, y tế, nhà ở, giáo dục, thu nhập và những quyền căn bản. [7] Đức Hồng y Pedrioli lưu ý đến
khía cạnh thể lý và xã hội khi đưa ra định nghĩa về người nghèo theo tâm thức của
ĐTC Phanxicô.
Thế nhưng, nơi Tông huấn EG,
khi thảo luận về chủ đề người nghèo trong xã hội, ĐTC còn đề cập đến những hình
thức nghèo và bị tổn thương mới. Phụ nữ nghèo và thai thi là những người không
có được quyền tự vệ chính đáng, bị loại trừ, bị đối xử tệ bạc và bạo lực.[8] Đối tượng người nghèo nơi
ĐTC không chỉ là nghèo điều kiện vật chất nhưng còn là những người nghiện ngập,
tị nạn, bị loại trừ và cô lập.[9] Nơi Thông điệp FT, ĐTC còn đề cập đến tình trạng những
người già và người tàn tật không được chăm sóc, bị bỏ rơi và bị xem như virus
corona.[10] Nơi Tông huấn Querida Amazonia, ĐTC nhận thấy người
dân bản địa (người dân tộc thiểu số) của vùng Amazon bị đẩy ra khỏi thành phố
là hình thức nô lệ mới từ chính sách bài ngoại, nạn khai thác tình dục và buôn
người.[11]Nói chung, người nghèo là nạn
nhân của những bất công và tệ nạn xã hội,[12]
của sự ích kỷ cá nhân và ý thức hệ chính trị.[13]
Từ những hiểu biết về người nghèo tại Argentina, linh mục Luciani lưu ý thêm:
Người nghèo là những người không có khả năng phát triển thực sự vì điều kiện sống
của họ xuất thân từ nghèo đói và bị loại trừ khốc liệt. Thậm chí họ còn bị loại
ra khỏi những kế hoạch và chương trình phát triển toàn cầu trong xã hội hiện đại.[14]
Vì thế, việc tìm hiểu chủ đề nghèo theo quan niệm của ĐTC
Phanxicô không chỉ dừng lại nơi đối tượng nghèo đói, nhưng còn nơi những người
bị loại trừ, bị bỏ rơi và cô lập bởi những người xung quanh, bởi kế hoạch phát
triển xã hội và thể chế chính trị. ĐTC không chỉ quan tâm đến người nghèo về điều
kiện vật chất mà còn về điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị. Đây vốn là những
điều kiện căn bản và cần thiết cho việc phát triển con người toàn diện.
2. Nền tảng suy tư
a. Ưu tiên chọn lựa người nghèo
Theo tác giả Stan Chu Llo, nơi Tông huấn EG, một trong những khẩu hiệu đáng nhớ
nhất diễn tả khao khát của ĐTC cho Giáo hội đương thời là “Giáo hội nghèo và cho người nghèo”.[15]
Tư tưởng này không trực tiếp bắt nguồn từ ĐTC Phanxicô mà được thôi thúc từ những
vị Giáo hoàng tiền nhiệm. Theo cha Rafael Luciani,[16]
ĐTC Gioan XXIII là vị Giáo hoàng đầu tiên khởi xướng ý tưởng Giáo hội hiện diện
cho người nghèo vào năm 1962: “Theo căn
tính và ước muốn, Giáo hội hiện diện cho tất cả mọi người, cách riêng là cho
người nghèo"[17]
( Tiếp sau đó, lời mời gọi '“Giáo
hội nghèo và cho người nghèo” được đưa vào Công đồng Vaticanô II, được phát
triển bởi các thần học gia Gustavo Gutiérrez, Ignacio Ellacuría và Jon Sobrino,[18] và được Liên Hội
đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh tiếp nhận năm 1968.[19]
Gần đây, Đức Bênêđictô XVI còn nói thêm Thiên Chúa đã trở
nên nghèo cho người nghèo và làm cho cái nghèo của chúng ta trở nên giàu có.[20] Từ đường hướng mục vụ của
Giáo hội và nền tảng thần học của vị tiền nhiệm này, ĐTC Phanxicô đã từng bước
suy tư thêm về chọn lựa ưu tiên cho người nghèo và thăng tiến người nghèo toàn
diện. Có thể nói, dù ĐTC Phanxicô được sinh ra và lớn lên tại Argentina, châu Mỹ
La Tinh, nơi có nhiều người nghèo, nhưng lời mời gọi Giáo hội “chọn lựa người nghèo” của Ngài không nằm
ngoài hướng đi chung của Giáo hội toàn cầu đã được những vị tiền nhiệm khởi xướng.
Theo cách giải thích của tác giả George Sauch, thật nguy hiểm
khi hiểu chọn lựa người nghèo (the option for the poor) như một điều ưu tiên
nhưng có thể chọn lựa hay từ chối (an optional preference for the poor), mà cần
phải hiểu đây là lời mời gọi hãy ưu tiên chọn lựa người nghèo (preferential
option for the poor).[21] Tuy nhiên, dù phục vụ người
nghèo và những người bị bỏ rơi, giúp đỡ vật chất và bảo vệ quyền lợi xã hội cho
họ là điều cần thiết nhưng giúp họ sống mật thiết với Chúa - Đấng thăng tiến và
ban phẩm giá cho họ - lại là điều cần thiết hơn.[22]
Sứ mạng cốt yếu của Giáo hội không phải là phát triển xã hội nhưng hướng con
người đến ơn cứu độ của Thiên Chúa qua trung gian của Giáo hội lữ hành. Vì thế,
ĐTC xác định “chọn lựa người nghèo” phải được đặt nền tảng trên chiều kích thần
học,[23] cách riêng chiều kích Kitô
học và Giáo hội học.
b. Chiều kích Kitô học
“Chọn lựa người nghèo” được đặt nền tảng trên sự liên kết giữa
Mầu nhiệm Nhập thể và giáo huấn của Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã mặc lấy
hình ảnh một người nghèo thực sự. Người đã sống trọn cuộc đời trong điều kiện sống
của một người nghèo. Nơi người nghèo, chúng ta nhận ra dung mạo và thân thể của
Đức Kitô, Đấng đã mặc lấy cái nghèo mà làm cho chúng ta trở nên giàu có (2Cr
8,9).[24] Từ đó, ĐTC nhận thấy sự hiện
diện của Đức Kitô nơi người nghèo vì ngài tin rằng “người nghèo là thân thể Đức Kitô”.[25]
Đức Kitô đã trở nên nghèo khó để luôn gần gũi người nghèo và những ai bị
lãng quên.[26] Không chỉ người nghèo, Lời
Chúa cũng thôi thúc người Kitô hữu nhận ra Đức Kitô nơi mỗi anh em bị bỏ rơi và
bị loại trừ.[27]
Nơi Thông điệp FT,
từ hành vi phớt lờ người bị hại của hai thầy tư tế trong dụ ngôn người Samaria
nhân hậu, ĐTC nhận thấy niềm tin và tôn thờ Thiên Chúa là điều kiện cần nhưng
chưa đủ để chắc chắn rằng chúng ta đang làm hài lòng Thiên Chúa. Trong việc thực
hành việc đức tin, chúng ta chỉ thực sự mở lòng ra với Chúa khi chúng ta mở
lòng ra với anh em.[28] Qua hình ảnh người Samaria
nhân hậu, Chúa Giêsu ngụ ý diễn tả sự quan tâm của Chúa đến những người nghèo
và bị loại trừ. Người nghèo có chỗ đứng đặc biệt nơi trái tim của Chúa. [29]
Người nghèo có vai trò đặc biệt trong đời sống Giáo hội. Ơn
cứu chuộc của Thiên Chúa đã đi vào thế gian và được mạc khải qua sự hiện diện của
người nghèo: “Toàn thể lịch sử cứu chuộc
được đánh dấu bởi sự hiện diện của người nghèo.”[30]
Tin Mừng cứu độ đã bắt đầu và gắn chặt với đời sống của người nghèo. Thật vậy,
qua lời thưa “xin vâng” của Đức Maria, một phụ nữ nghèo, Đức Kitô đã nhập thể
và được sinh ra trong một gia đình nghèo.[31]
Và cũng chính nơi đó, quà tặng cứu độ của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong
lịch sử nhân loại. Suốt dòng lịch sử, người nghèo chia sẻ cảm thức đức tin của
dân Chúa. Qua sự khó nghèo của mình, họ nhận biết đau khổ của Đức Kitô.[32] ĐTC khẳng định “người nghèo dạy chúng ta nhiều điều; chúng
ta cần để chính mình được loan báo Tin Mừng nhờ người nghèo.”[33] Quả thật, đời sống đức tin
của người Kitô hữu được tăng trưởng nhờ vai trò của người nghèo.
Vì Đức Kitô đứng về phía người nghèo và Tin Mừng cứu độ gắn
chặt với đời sống người nghèo nên những hiểu biết về sứ điệp của Đức Kitô cũng
gắn liền với đời sống của người nghèo. Dựa trên nền tảng Kitô học này, ĐTC đã mạnh
dạn tuyên bố xác tín của ngài tại Philippines: “Nếu tách người nghèo ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu được
toàn thể sứ điệp của Đức Kitô.” Do đó, tất cả những ai được đong đầy niềm
vui của Tin Mừng cũng phải gần gũi với người nghèo trong cùng một cách thức như
Thiên Chúa đã thực hiện.
c. Chiều kích Giáo hội học
Nơi Thông điệp FT,
ĐTC triển khai sự liên đới của mọi người trong xã hội qua dụ ngôn của Chúa
Giêsu về người Samaria nhân hậu. Sự quan tâm chăm sóc của người Samaria với người
bị hại cho thấy mỗi cá nhân đều bị ràng buộc thâm sâu với các cá nhân khác.
Cuộc sống không đơn thuần là những khoảng thời gian đang
trôi qua, nhưng là những khoảnh khắc con người tương tác với nhau.[34]
Dụ ngôn này đề xuất việc tái xây dựng một thế giới đã bị tổn
thương. Tình thương trong cộng đoàn có thể được tái xây dựng bởi những người tự
đồng hóa bản thân với những người bị tổn thương và bị loại trừ.[35] ĐTC nói chúng ta không thể
dửng dưng trước đau khổ, không thể để bất cứ ai lâm vào hoàn cảnh bị loại trừ.
Trái lại, chúng ta nên cảm thấy phẫn nộ, bị thách thức để thoát khỏi khuynh hướng
tìm sự thoải mái cho mình mà tiếp xúc với đau khổ của con người.[36] Quyết định tiếp nhận hay loại
trừ những người bị thương đang nằm bên vệ đường không chỉ được đặt ra trong
tương quan cá nhân, nhưng còn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và
tôn giáo.[37]
ĐTC nhận thấy tình thương là sợi chỉ đỏ nối kết con người lại
với nhau. Tình thương chân thành không phân biệt xuất thân của nhau. Tình
thương sẽ phá vỡ xiềng xích đang chia cắt và loại trừ con người. Tình thương
xây dựng những chiếc cầu nối con người lại với nhau trong cùng một đại gia đình
nhân loại, nơi mọi người đều cảm thấy như ở nhà.[38]
Sự hiệp nhất được mở rộng từ phạm vi gia đình đến cộng đoàn, quốc gia và thế giới
vì “chúng ta được mời gọi hiệp nhất trong
cùng một gia đình” hơn là tổng cộng những thành viên riêng lẻ.”[39]
Thế nên, Giáo hội không loại trừ người nghèo nhưng đối xử bằng
sự quan tâm xuất phát từ tình thương.[40]
Với tình thương chân thành, Giáo hội có trách nhiệm phục vụ người nghèo vượt
lên trên dáng vẻ bên ngoài của họ. Chọn lựa người nghèo không chỉ là giúp đỡ
hay cổ võ chung chung, nhưng còn là gặp gỡ cá nhân người nghèo trong những nhu
cầu thiết thực, nơi văn hóa và đời sống đức tin của họ.[41]
Giáo hội muốn bảo đảm chắc chắn rằng nơi mỗi cộng đoàn, người nghèo đều cảm thấy
như ở nhà.
Trong Tông huấn EG,
ĐTC xem chọn lựa người nghèo như hình thức ưu tiên của hoạt động bác ái Kitô
giáo mà toàn thể truyền thống Giáo hội đang làm chứng.[42]
Với sự liên đới của mọi người trong cùng một đại gia đình nhân loại, Giáo hội cần
mang văn hóa gặp gỡ đến với người nghèo và những người đau khổ trên thế giới.
Văn hóa gặp gỡ phải là điểm khởi đầu cho sứ mạng của Giáo hội. Được thúc đẩy bởi
ân sủng, chứng nhân Tin Mừng phải phát triển khả năng mang ánh sáng của Thiên
Chúa đến cho anh chị em, cách riêng là cho người nghèo, những người thiếu sức mạnh,
ánh sáng và niềm an ủi phát xuất từ tương quan huynh đệ với Đức Kitô.[43] Thái độ này nên lan tỏa đến
tất cả các khía cạnh trong Giáo hội như cơ cấu, thể chế, sứ vụ, đời sống bí
tích, niềm tin và thực hành Kitô giáo.[44]
Cùng với văn hóa gặp gỡ, gần gũi cũng là thái độ Giáo hội
nên biểu lộ với dân Chúa.[45] Khi khuyến khích gần gũi
người nghèo và tha nhân, ĐTC mong muốn Giáo hội ra đi, phá tan các bức tường
ngăn cách giữa Giáo hội với người nghèo.[46]
Mỗi cộng đoàn loan báo Tin Mừng cần hội nhập vào lời nói và việc làm của người
dân trong cuộc sống thường ngày. Điều đó góp phần nối liền ngăn cách, gắn chặt
với đời sống và đụng chạm đến nỗi đau thể xác của Đức Kitô nơi tha nhân. Nhờ
đó, chứng nhân Tin Mừng có thể cảm nhận được “mùi chiên”.[47]
Giáo hội không chỉ quan tâm đến người nghèo nhưng còn nhận
ra sự nghèo khó, lắng nghe tiếng kêu khóc, cảm nếm và xúc động trước đau khổ của
họ.[48] Giáo hội và các nhà lãnh đạo
Giáo hội phải đặt nền tảng đời sống trên thực tại đau đớn của những người yếu
đuối. Vượt trên cả tương quan xã hội trần thế, người Kitô hữu cần phục vụ người
nghèo với sự thúc bách của Tin Mừng như tình thương huynh đệ, phục vụ trong
khiêm tốn và quảng đại, công lý và lòng thương xót.[49]
Trách nhiệm này chỉ có thể thực hiện được khi Giáo hội Công
giáo là một Giáo hội nghèo. Giáo hội sẽ không bao giờ có thể nhận thấy được sự
nghèo đói trên thế giới nếu Giáo hội không sống căn tính của một Giáo hội
nghèo.[50] Theo nhận định của Rafael
Luciani về tư duy của ĐTC, thực thi căn tính Giáo hội nghèo là điều kiện cần
thiết đầu tiên để Giáo hội nghèo và cho người nghèo. Thiếu điều kiện này, Giáo
hội sẽ không thể là dấu chỉ và bí tích mang lại khả năng biến đổi tâm hồn.[51] Khi trở nên nghèo và cho
người nghèo, Giáo hội không còn quan sát những cảnh đời bất công từ xa, nhưng từ
sự gặp gỡ thân tình và gần gũi người nghèo.
IV. CHỌN LỰA VÀ THĂNG TIẾN NGƯỜI NGHÈO
1. Thăng tiến xã hội
Với ĐTC Phanxicô, ơn cứu chuộc có chiều kích xã hội. Đức
Kitô không cứu chuộc từng cá nhân riêng lẻ nhưng cứu những con người có tương
quan xã hội.[52] Nơi Thánh Ý Thiên Chúa,
chúng ta không nên nghĩ về khái niệm như “họ” hay “chúng nó”, nhưng là khái niệm
“chúng ta”.[53] Thiên Chúa ngự trị trong thế
giới, trong và qua chúng ta, nên đời sống xã hội sẽ là môi trường huynh đệ,
công bằng, bình an và nhân phẩm cộng đồng. Đời sống Kitô hữu cần có sự ảnh hưởng
nào đó lên đời sống xã hội.[54] Nơi công tác phục vụ người
nghèo và loan báo Tin Mừng, chọn lựa người nghèo không có nghĩa là chọn phục vụ
một vài cá nhân riêng lẻ nhưng phục vụ cho những tương quan xã hội giữa con người
với nhau. Việc cổ võ chân lý Kitô giáo không đóng khung trong lĩnh vực giáo lý
và đời sống Giáo hội nhưng luôn bao hàm khát vọng biến đổi thế giới, xây dựng một
thế giới tốt đẹp hơn về xã hội và chính trị.[55]
Như khí cụ của Chúa, mỗi cá nhân và cộng đoàn cần nỗ lực giải phóng và thăng tiến
đời sống xã hội của người nghèo.[56]
Hoạt động cần thiết đầu tiên thể hiện Giáo hội ưu tiên cho
người nghèo là thực thi lòng bác ái Kitô giáo. Thiếu lòng bác ái, người Kitô hữu
chỉ thực hành nhân đức cách hời hợt bên ngoài bề ngoài và chưa chu toàn những
điều răn Chúa muốn.[57] Nhưng bác ái thôi vẫn chưa
đủ. ĐTC kêu gọi các tín hữu sống tình liên đới, không đơn thuần chỉ là thực thi
một vài hoạt động bác ái nhưng là giúp phát triển người nghèo toàn diện. Tình
liên đới nảy sinh từ lương tâm chân thật sẽ nhận ra rằng sự sống của mọi người
ưu tiên hơn nhu cầu cá nhân của một ít người.[58]
Thể hiện tình liên đới không có nghĩa là bố thí nhưng là tôn trọng người nghèo
như những chủ thể có vai trò dẫn dắt xã hội[59]
và phục hồi nơi người nghèo những gì vốn thuộc về họ.[60]
Để thực hiện đúng tinh thần bác ái Kitô giáo, ĐTC mời gọi các tín hữu đổi mới
tư duy, ưu tiên cho sự sống con người và đời sống cộng đồng.[61]
Các dự án an sinh xã hội là cần thiết nhưng đó chẳng qua chỉ
là giải pháp tạm thời. ĐTC nhận thấy nền kinh tế thị trường và phân phối thu nhập
mới là nguyên nhân chính yếu đang kìm hãm cái nghèo. Nếu muốn giải phóng và
thăng tiến người nghèo, cùng đưa họ hội nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội thì
phải thay đổi những cơ cấu tạo nên cái nghèo trong xã hội. Nỗ lực thay đổi cần
tác động lên cả chiều kích cấu trúc (thay đổi về kinh tế xã hội) và tái cấu
trúc (thay đổi tư duy trong toàn bộ đời sống Kitô hữu).[62]
Sự biến đổi này cần tác động lên mối tương quan giữa các vùng trung tâm và ngoại
biên, giữa Giáo hội Rôma với Giáo hội địa phương, giữa Giáo hội và toàn xã hội.[63]
Hệ lụy tác động lâu dài lên nguyên nhân nhân sâu xa của cái
nghèo là nền thương mại hoàn toàn tự trị và hành vi đầu cơ tích trữ tài chính.
Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng tự do thương mại là đã đủ cho sự an toàn xã hội.
Thế nhưng, bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 khiến họ tái khám phá mối
quan tâm đến cộng đồng nhân loại, đến mọi người chứ không chỉ lợi ích của một
ít người.[64] ĐTC khuyến khích tác động
vào những cơ cấu tạo nên bất công, được cắm rễ nơi các tệ nạn xã hội.[65] Không chỉ lắng nghe tiếng
khóc than của người nghèo, Giáo hội cần phải lắng nghe tiếng khóc than của những
bất công và tìm cách đáp ứng, xóa bỏ những cơ cấu gây ra tình trạng nghèo đói,
cùng giúp thăng tiến sự phát triển toàn diện cho người nghèo.[66]
Thế nhưng, khi đặt người nghèo nơi vị trí trung tâm của những
suy tư về xã hội và sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội, như khí cụ của Chúa,
tình liên đới và thăng tiến cho người nghèo còn phải giúp họ triển nở mối tương
quan với Chúa. [67] Theo ĐTC, vì người nghèo là
thân thể trần thế của Đức Kitô, nên thể hiện tình liên đới với người nghèo sẽ
đưa người Kitô hữu đến gần Chúa hơn. Sống thiếu tình liên đới với người nghèo sẽ
tác động xấu đến mối tương quan giữa người Kitô hữu với Thiên Chúa.[68] Từ đó, Luciani nhận xét: Những
người đi vào tương quan hiệp thông với Chúa thì cũng đi vào tương quan hiệp
thông với con người.[69] Mặt khác, tham gia vào đời
sống xã hội với người nghèo là cách thức nền tảng để nhận thấy, đào sâu đức tin
và phân định ơn gọi.[70] Bằng cách liên kết đức tin
với hành động cho một thế giới tốt đẹp hơn, ĐTC đã khai triển chọn lựa người
nghèo trên nền tảng thần học và sự hiệp thông với Chúa. Thiếu loan báo Tin Mừng,
mọi cơ cấu của Giáo hội sẽ biến thành tổ chức phi chính phủ.[71] Theo tác giả Joseph
Kuppens, lối suy tư này giúp ĐTC tránh được mối nguy hiểm đồng nhất Giáo hội với
các tổ chức NGO.[72]
2. Công bằng xã hội và nhân quyền
Trong Tông huấn EG,
ĐTC trích dẫn lại câu chuyện giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập. Khi nghe thấy
tiếng kêu than của đoàn dân đang chịu thống khổ bên Ai Cập, Thiên Chúa đã tác động
lên lịch sử nhân loại, giải phóng và đưa dân thoát khỏi tình trạng nô lệ. Bằng
cách thuyết phục ông Môsê dấn thân vào hành trình giải phóng lâu dài, Thiên
Chúa đã mạc khải đường hướng của Ngài và quyết định đem dân từ cảnh nô lệ khốn
cùng đến cuộc sống mới.[73] Tiếng kêu than của người
nghèo và những người bị đối xử bất công ngày nay cũng tương tự như tiếng kêu
khóc của dân Chúa trên đất Ai Cập.[74]
Do hậu quả của nền kinh tế loại trừ và bất công xã hội, thế giới đang phải
đương đầu với thực trạng nô lệ mới, khiến con người lâm vào tình trạng không lối
thoát.
Nền kinh tế loại trừ và bất công xã hội là hậu quả của cơ chế
cạnh tranh thương mại, đấu tranh sinh tồn và khao khát tiền của.[75] Người nghèo cảm
thấy mình bị đẩy ra bên lề xã hội khi họ đang đói mà thực phẩm bị quăng bỏ. Người
ta quan tâm đến điểm dao động của thị trường chứng khoán hơn là số người đói
nghèo trong xã hội.[76] Khi con người đặt
sự thống trị của đồng tiền lên trên nhân phẩm và xã hội, họ hướng đến nền kinh
tế vô cảm, thương mại tự trị và đầu cơ tài chính. Khao khát kiếm tiền đã tạo
nên một ý thức hệ mới (ý thức hệ của đồng tiền). Khủng hoảng tài chính khiến
người ta chối bỏ ưu tiên dành cho nhân quyền.[77]
Đặt mình vào cuộc chiến này, ĐTC kêu gọi người giàu hãy giúp đỡ người nghèo: “Nhân danh Đức Kitô, tôi xin nhắc lại rằng
người giàu phải trợ giúp, tôn trọng và thăng tiến người nghèo.”[78] Ưu tư về những thách thức
phát sinh từ đồng tiền, ĐTC cảnh báo: “Đồng
tiền phải phục vụ, không được thống trị.”[79]
Nơi một góc nhìn khác, ĐTC đề cao vai trò của việc kinh
doanh: “Kinh doanh là một ơn gọi và là một
ơn gọi cao quý.”[80] Kinh doanh tạo nên sự phồn
thịnh và cải thiện thế giới chúng ta đang sống.[81]
Trong kế hoạch của Chúa, mỗi cá nhân được mời gọi thúc đẩy phát triển
chính mình. Thế nhưng, như quà tặng của Chúa, khả năng kinh doanh nên được vận
dụng để phát triển tha nhân và xóa bỏ nghèo đói.[82]
Theo nhận định của ĐTC, quyền tích trữ cá nhân chỉ được xem là quyền tự nhiên
thứ yếu, được rút ra từ mục đích phổ quát của hàng hóa. Nguyên lý sử dụng hàng
hóa cho lợi ích của dân chúng mới là quyền tự nhiên chính yếu của con người. [83] Thế nên, các doanh nhân nên
để mình bị chất vấn bởi ý nghĩa lớn lao về sự sống, phục vụ công ích và gia
tăng hàng hóa cho thế giới hơn là chỉ lo cho lợi ích cá nhân. Sẽ không có giải
pháp nào được tìm thấy nếu chưa loại trừ nền kinh tế hoàn toàn tự trị, nạn đầu
cơ tài chính và tấn công vào cơ cấu gây ra bất bình đẳng xã hội.[84]
ĐTC triển khai hành vi bác ái cả trong tương quan vi mô (bạn
bè, các thành viên trong gia đình hay nhóm nhỏ) lẫn tương quan vĩ mô (tương
quan xã hội, kinh tế và chính trị).[85]
Nền kinh tế cần phải mang lại lợi ích cho từng cá nhân, cho quốc gia và toàn thế
giới như là căn nhà chung của nhân loại. Nhiệm vụ này được thực hiện không chỉ
nhờ những nhà lãnh đạo, cơ quan tài chính, nhưng còn nhờ các chính trị gia, những
người được mong đợi cải thiện điều kiện sống xã hội như: lương thực, việc làm,
giáo dục và chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhân phẩm con người. Tuy nhiên, đây
không phải là những điều tự con người có thể làm được. ĐTC khẩn xin Thiên Chúa
mang lại tâm thức chính trị và kinh tế mới, giúp đập tan các bức tường chia cắt
giữa nền kinh tế và công ích xã hội.[86]
3. Bảo vệ môi trường sống cho người nghèo
ĐTC còn mở rộng chủ đề nghèo đến tương quan mật thiết giữa
người nghèo với sự mỏng giòn của hành tinh chúng ta đang sống. Đây là tương
quan bất khả phân chia giữa mối bận tâm về tự nhiên, công bằng cho người nghèo,
trách nhiệm xã hội và bình an nội tâm.[87]
Theo nhận thức của ĐTC, thế giới hiện hữu cho mọi người và tất cả mọi người
được sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau. Thiên Chúa ban thế giới cho toàn
thể nhân loại, không dành riêng cho bất kỳ ai. Ngài lưu ý “chúng ta đừng bao giờ quên rằng hành tinh này thuộc về mọi người và
dành cho con người.”[88]
Lặp lại lời nhắc nhở của ĐTC Bênêđictô XVI: “Môi trường Amazon bị hủy diệt và phẩm giá
con người của các dân tộc sống ở đó bị đe dọa”,[89]
ĐTC cho rằng một người nghèo thiếu những điều kiện cần thiết để sống cho nhân
phẩm là do người khác đang ngăn trở họ. Không san sẻ nguồn sống tự nhiên cho
người nghèo đồng nghĩa với việc cướp đi sự sống và quăng họ ra bên lề.[90] Vì phần đông dân số thế giới
là người nghèo, nên hậu quả để lại từ hành vi quăng họ ra bên lề xã hội là vô
cùng lớn.[91] Chúng ta phải có trách nhiệm
theo đuổi công lý cho người nghèo và người yếu đuối.[92]
Vì những khó khăn do biến đổi khí hậu, nhiều người nghèo đã
mất khả năng tự tìm kế sinh nhai và buộc phải di cư sang vùng đất khác.[93] Tại châu Phi, nhiều người
nghèo đang thiếu nước sạch. ĐTC nhận thấy nhu cầu có nước sạch là quyền cơ bản
của con người: “Có được nguồn nước sạch
là quyền căn bản và phổ quát của con người vì đó là điều kiện sinh tồn thiết yếu.”[94] Những khủng hoảng môi trường
đang diễn ra do chất thải công nghiệp gây nguy hại cho trái đất và sự sống của
người nghèo: “Chính trái đất, đang oằn
mình và bị tàn phá, lại ở trong số những người nghèo bị bỏ rơi và lạm dụng nhất
của chúng ta.”[95] Là một cộng đoàn trong thế
giới - ngôi nhà chung của chúng ta - Giáo hội có trách nhiệm bảo đảm mỗi người
nghèo đều sống đúng với nhân phẩm và có đầy đủ cơ hội phát triển toàn diện.[96] Đáng buồn thay, thế giới nợ
người nghèo sự trợ giúp kiện toàn nhân quyền và nhân phẩm, nhưng người ta lại
không chú tâm đến trọng trách này.[97]
Với các thành viên trong Giáo hội, ĐTC mời gọi các Kitô hữu tôn trọng mối
liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa, người thân cận và công trình sáng tạo, cùng
vun đắp cho mối tương quan này. Khi tương quan này bị phá vỡ thì hậu quả để lại
sẽ là tội lỗi và những nguy hại cho sự sống con người.[98]
V. KẾT LUẬN
Dựa trên nền tảng Kitô học - Đức Kitô trở nên người nghèo và
gần gũi với người nghèo - ĐTC mong muốn Giáo hội hiện tại là Giáo hội nghèo và
cho người nghèo. Về sứ vụ của Giáo hội, ĐTC không đóng khung Giáo hội vào những
không gian riêng tư nhưng mở ra với cuộc sống xã hội trong việc phục vụ người
nghèo, những người bị loại trừ và bị ngược đãi. Các Kitô hữu nên ra khỏi nơi thờ
tự, đến vùng ngoại biên, mang niềm vui Tin Mừng đến với người nghèo và toàn thể
thế giới.[99] Chứng nhân loan báo Tin Mừng
không nên đóng khung hoạt động mục vụ trong việc từ thiện, bác ái, nhưng sống
tình liên đới, mở ra với các hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị nhằm xây dựng
một xã hội, một hành tinh tốt đẹp hơn cho sự phát triển toàn diện của người
nghèo. Về chiến lược kinh tế và xã hội, ĐTC mời gọi chúng ta xóa bỏ nền thương
mại tự trị, nạn đầu cơ tài chính, những cơ cấu gây ra nghèo đói và bất công,
cùng nối lại sự chia cắt giữa lợi ích kinh tế cá nhân và công ích xã hội.[100]
Mặc dù mời gọi Giáo hội dấn thân vào tương quan xã hội, kinh tế và chính trị nhưng ĐTC không tham gia và cũng không mời gọi các thừa tác viên có chức thánh tham gia vào các đảng phái chính trị: “Thừa tác viên có chức thánh không được tham gia vào các đảng phái chính trị”[101] Những điều ĐTC mời gọi không chỉ là những suy tư mang tính lý thuyết, nhưng là lối sống của chính ngài, thể hiện qua sự yêu thương, gần gũi và chăm lo cho người nghèo nơi đời sống hàng ngày, trong vai trò giám mục và hồng y tại tổng Giáo phận Buenos Aires và cả trong cương vị Giám mục thành Rôma./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguồn chính yếu:
- Francis. Evangelii
Gaudium: On the Proclamation of the Gospel in the Today's World. www.vatican.va/evangelii-gaudium.html.
- Francis, Fratelli
Tutti: On Fraternity and Social Friendship. www.vatican.va/fratelli-tutti.html.
- Francis. Gaudete et
Exultate: On the Call to Holiness in Today's World. www.vatican.va/gaudete-et-exsultate.html.
- Francis. Laudato Si':
On Care for Our Common Home. www.vatican.va/laudato-si.html
- Francis, Querida
Amazonia. www.vatican.va/querida-amazonia.html .
Nguồn thứ yếu:
- Caro, Olga C.V.
“The Social Dimension of Evangelization: An Incontrovertible Commitment.” In Evangelii Gaudium: Voices of the Universal
Church, edited by Klaus Krẳmer and Klaus Vellguth, 189-198. Philippines:
Claretian Communications Foundation, 2015.
- Gispert-Sauch, George. “The Social Dimension of
Evangelization: A Reflection from India.” In Evangelii Gaudium: Voices of the Universal Church, edited by Klaus
Krẳmer and Klaus Vellguth, 163-174. Philippines: Claretian Communications
Foundation, 2015.
- Ilo, Stan. Poverty
and Economic Justice in Pope Francis. Accessed January, 2019. www.researchgate.net/Poverty_and_Economic_Justice_in_Pope_Francis
- Johnson, Siluvaipillai. “Encountering the Word-Event: The
Realization of God's Nearness and Newness in the Fragile World.” In Evangelii Gaudium: Voices of the Universal
Church, edited by Klaus Krẳmer and Klaus Vellguth, 137-148. Philippines:
Claretian Communications Foundation, 2015.
- Krẳmer, Klaus. “The Social Dimension of Evangelization:
The Kingdom of God as the Horizon of Social and Communal Activity.” In Evangelii Gaudium: Voices of the Universal
Church, edited by Klaus Krẳmer and Klaus Vellguth, 199-210. Philippines:
Claretian Communications Foundation, 2015.
- Kuppens, Jos. “On the Social Dimension of Evangelization.”
In Evangelii Gaudium: Voices of the
Universal Church, edited by Klaus Krẳmer and Klaus Vellguth, 175-188.
Philippines: Claretian Communications Foundation, 2015.
- Luciani, Rafael. Pope
Francis and the Theology of the People. Trans. Phillip Berryman. Maryknoll,
New York: Orbis Books, 2017.
- Pedrioli, Carlo A. Pope Francis, Poverty, and the Third Persona.
Accessed May 31, 2019. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3385076
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 124 (Tháng 5 & 6 năm 2021)
[1] Francis, Evangelii Gaudium: On the Proclamation of the Gospel in the Today's World, 189. Trích
dẫn về Tông huấn Evangelii Gaudium được
lấy từ bản văn tiếng Anh của Tòa Thánh tại trang web http://www.vatican.va/content/francesco/en.
[2] ‘NGO' là
từ viết tắt của cụm từ ‘non-governmential organization, tên gọi chung cho các tổ
chức phi chính phủ.
[3] Carlo A.
Pedrioli, Pope Francis, Poverty and the
Third Persona, 372, accessed May 31, 2019, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3385076.
[4] Olga Consuelo Vélez Caro, “The Social Dimension of
Evangelization: An Incontrovertible Commitment,” in Evangelii Gaudium: Voices of
the Universal Church, edited by Klaus Krămer and Klaus Vellguth
(Philippines: Claretian Communications Foundation, 2015), 194.
[10] Francis, Fratelli Tutti: On Fraternity and Social
Friendship, 19. Trích dẫn về Thông điệp Fratelli
Tutti được lấy từ bản văn tiếng Anh của Tòa Thánh tại trang web http://www.vatican.va/content/francesco/en.
[11] Francis, Querida Amazonia, 10. Trích dẫn về Tông huấn Querida Amazonia được lấy từ bản văn tiếng Anh của Tòa Thánh tại
trang web http://www.vatican.va/content/francesco/en
[15] Stan Chu
Llo, Poverty and Economic Justice in Pope
Francis, 44, accessed December 19, 2018, https://doi.org/10.1177/2396939318810698.
[16] Cha
Rafael Luciani là một trong ba linh mục khởi xướng phong trào Thần học về con
người (Theology of the People) tại Argentina.
[21] George
Gispert-Sauch, “The Social Dimension
of Evangelization: A Reflection from India,” in Evangelii Gaudium: Voices of the Universal Church, edited by Klaus
Kramer and Klaus Vellguth (Philippines: Claretian Communications Foundation,
2015), 169.
[25] Francis, Address to representatives of Civil Society,
Asuncion, Paraguay, in July 11, 2015. See Rafael Luciani, Pope Francis and the Theology of the People, 65.
[56] Trong
Tông huấn Evangelii Gaudium số 187,
ĐTC viết: “Mỗi Kitô hữu và cộng đoàn đều
được mời gọi để trở thành khí cụ của Thiên Chúa trong việc giải phóng và thăng
tiến người nghèo, ngõ hầu họ có thể gia nhập cách trọn vẹn vào xã hội”.
[65] Jos
Kuppens, “On the Social Dimension of Evangelization,” in Evangelii Gaudium: Voices of the Universal Church, edited by Klaus
Kramer and Klaus Vellguth (Philippines: Claretian Communications Foundation,
2015), 181. And see Francis, Evangelii
Gaudium 202.
[73] Siluvaipillai
Johnson, “Encountering the Word-Event: The Realization of God's Nearness and
Newness in the Fragile World,” in Evangelii
Gaudium: Voices of the Universal Church, edited by Klaus Kramer and Klaus
Vellguth (Philippines: Claretian Communications Foundation, 2015), 144.
[92] Francis, Gaudete et Exsultate : On the Call to
Holiness in Today's World, 79. Trích dẫn về Tông huấn Gaudete et Exsultate được lấy từ bản văn tiếng Anh của Tòa Thánh tại
trang web http://www.vatican.va/content/francesco/en.
[101] Ibid., 276.