GIÁM MỤC - THỪA TÁC VIÊN CỦA TIN MỪNG ĐỨC GIÊSU KITÔ, PHỤC VỤ NIỀM HY VỌNG THẾ GIỚI
BÀI 5:
HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA CÁC GIÁM MỤC
Tác giả: Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm
1998
WHĐ (12.10.2020) – Các chương trước đã mô tả những nét khái quát của
bối cảnh mà trong đó các giám mục hôm nay được mời gọi thi hành sứ mạng trong
Giáo Hội, sứ mạng của một thầy dạy đức tin chân chính, không luồn cúi cũng chẳng
thoả hiệp, luôn loan báo, dạy dỗ, bênh vực sự thật; thứ đến là sứ mạng của người
thánh hoá và trung thành quản lý các ơn của Thiên Chúa; và sau cùng là sứ mạng
của một người cha, gần gũi những ai mà Cha Trên Trời đã đoái thương giao cho
chăm sóc, trong những nhu cầu căn bản của họ, và nhất là trong nỗi khát khao
Thiên Chúa. Sống giữa dân mình, các giám mục chính là hình ảnh sống động của Đức
Giêsu Mục Tử Tốt Lành, đang cùng bước với đoàn chiên của Người.
Giám mục cũng đã
được nhắc nhở để thấy sứ mạng làm mục tử của ngài, mỗi khi kết hợp với Giám Mục
Đoàn, nghĩa là kết hợp với đức giám mục Rôma và các anh em giám mục, thông qua
các tổ chức của Giáo Hội, giúp giám mục thi hành công tác mà Chúa Giêsu và Giáo
Hội đã uỷ thác cho. Sau cùng, ta đã lưu ý rằng sứ mạng của giám mục cũng rộng
rãi to lớn như sứ mạng của chính Giáo Hội trên thế giới này.
1. NHỮNG ĐÒI HỎI NÊN THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG
NGƯỜI GIÁM MỤC
Tác vụ của giám mục
đúng là một tác vụ rất cao cả và rất đòi hỏi; đó là một lý tưởng mà đứng trước
đó ai được gọi cũng cảm thấy lo sợ một cách dễ hiểu, nhất là khi cảm nhận sự yếu
đuối và bất tương xứng của mình. Chính vì thế, giám mục phải sống bằng niềm hy
vọng đã từng thúc đẩy ngài chấp nhận làm tôi tớ trong Giáo Hội và thế giới.
Ngài sẽ nhắc lại như thánh tông đồ Phaolô: "Tôi
có thể làm được mọi sự trong Đấng làm cho tôi nên mạnh mẽ" (P1 4,13),
và cũng như thánh nhân, ngài tin chắc rằng "hy
vọng như thế, sẽ không phải thất vọng, vì tình yêu của Chúa đã đổ vào tâm hồn
chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5).
Kế đó, để mình
không sống dưới mức đòi hỏi của tác vụ với trách nhiệm quá nặng nề, giám mục phải
biết nhìn ra trong đức ái mục tử bí quyết làm cho mình trở nên hoàn thiện vừa
là kết quả của ân sủng, vừa là đặc tính của bí tích truyền chức mà ngài đã lãnh
nhận. Vì thế, ngài phải luôn luôn uốn nắn mình sao cho giống một cách đặc biệt
với Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành trong đời sống cá nhân cũng như trong khi thi
hành tác vụ tông đồ, sao cho trong mọi việc cũng như đối với mọi việc, tư duy,
tình cảm, những lựa chọn và hành vi của ngài đều thâm nhuần tình cảm của Đức
Kitô (x. 1Cr 2,16).[1] Nhân
kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng, Đại Hội Bất Thường của THĐGM năm 1985 đã nhóm
họp và ghi nhận rằng "các nam nữ
thánh nhân luôn luôn là nguồn canh tân Giáo Hội, trong những lúc khó khăn nhất
của Giáo Hội".[2] Chắc
một điều là Giáo Hội luôn luôn cần các mục tử sáng chói, không phải chỉ vì những
phẩm chất nhân bản của các ngài, mà còn vì sự thánh thiện của các ngài. Chính
các mục tử ấy đã giúp làm sống dậy được nơi người trẻ hôm nay dự phóng làm linh
mục.
Thế nên, trong
chương này, chúng ta sẽ nêu lên một vài đường nét trong hành trình tâm linh của
người giám mục, cũng là hành trình phúc âm hoá và thánh hoá dân Chúa, vì có một
mối liên hệ mật thiết giữa sự thánh thiện cá nhân của người giám mục và việc
thi hành tác vụ. Vả lại, chính tác vụ giám mục, nếu được thi hành cách trung
thành và can đảm theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần, cũng là nguồn mang lại sự
thánh thiện cho giám mục và là nguồn giúp ngài thánh hoá các tín hữu được giao
cho ngài chăm sóc, với điều kiện ngài biết đánh giá các con đường nên thánh
khác nhau tùy theo những đoàn sủng khác nhau.
2. CÁC CHIỀU KÍCH LÀM NÊN LINH ĐẠO CỦA
NGƯỜI GIÁM MỤC
Dĩ nhiên, hành
trình tâm linh của người giám mục bắt nguồn sâu xa trong ơn bí tích Rửa Tội và
Thêm Sức: như mọi tín hữu khác, chính nhờ các bí tích này mà giám mục trở nên
có khả năng tin Chúa, cậy Chúa và mến Chúa bằng các nhân đức đối thần, cũng như
có khả năng sống và hoạt động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần thông qua
các ơn rất thánh thiện mà Người đã ban cho. Xét theo khía cạnh này, ngài phải sống
một linh đạo không khác với linh đạo của các môn đệ khác, vì họ cũng được sáp
nhập vào Đức Kitô và đã trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần. Giám mục sống linh đạo
của người đã chịu rửa tội và thêm sức, được bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng và
cũng cần sự thứ tha của Chúa Cha do bản tính loài người yếu đuối của mình. Giám
mục phải cùng với các linh mục trong linh mục đoàn của mình đi qua những nẻo đường
tu đức dành cho những người đã được mời gọi nên thánh với một tư cách mới mẻ,
do Chức Thánh đem lại.[3]
Tuy nhiên, giám mục
còn phải sống một linh đạo "chuyên biệt" nữa do đã nhận được ơn đặc
biệt của Chúa Thánh Thần ở mức sung mãn để làm cha và làm mục tử trong Giáo Hội.
Đó là một nền linh đạo "riêng", nhằm giúp vị giám mục sống trong niềm
tin tưởng, cậy trông và bác ái, phù hợp với tác vụ của người phúc âm hoá, của
người làm thượng tế và dìu dắt cộng đoàn. Đó là một nền linh đạo đặt người giám
mục vào trong mối tương quan với Chúa Cha mà ngài là hình ảnh của Người; mối
tương quan với Chúa Con như khuôn mẫu mà ngài cần phải noi theo để thi hành sứ
mạng làm mục tử; tương quan với Chúa Thánh Thần, là đấng đang dẫn dắt Giáo Hội
với những ân huệ phong phú mang tính phẩm trật hay mang tính đặc sủng.
Đó cũng là một nền
linh đạo mang tính Giáo Hội, vì mỗi giám mục phải trở nên giống Đức Kitô Mục Tử,
yêu Giáo Hội bằng chính tình yêu của Đức Kitô Lang Quân, phục vụ Giáo Hội và
làm thầy, làm người thánh hoá và hướng dẫn trong Giáo Hội. Có thế, ngài mới trở
thành mẫu gương và thành người đẩy mạnh một nền linh đạo hiệp thông trong Giáo
Hội, trên hết mọi cấp độ.
Không thể yêu Đức
Kitô và sống thân mật với Người, mà không đồng thời yêu Giáo Hội như Đức Kitô
đã yêu. Thật vậy, càng yêu mến Thánh Thần Thiên Chúa, ta càng yêu mến Giáo Hội,
"là một trong tất cả mọi người và là
tất cả trong từng người; là đơn thuần trong đa dạng vì chỉ có một đức tin và là
đa dạng trong mỗi người do đức ái nối kết và do các đoàn sủng đa dạng".[4] Chỉ
có từ lòng yêu mến Giáo Hội, đã được Đức Kitô yêu tới mức hiến mạng mình (x. Ep
5,25) và làm cho trở nên bí tích phổ quát của ơn cứu độ, ta mới có được một
linh đạo truyền giáo và một lòng nhiệt thành truyền giáo, cũng như mới cống hiến
được một bằng chứng rằng: Chúa Giêsu yêu thương con người bằng hết cho tình
yêu, nghĩa là cho tới mức chết trên thập giá.
3. THỪA TÁC VIÊN CỦA TIN MỪNG HY VỌNG
Giám mục sẽ xuất
hiện trong Giáo Hội như thế đó, theo đúng lời thánh tông đồ Phaolô: "Nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương
bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh
em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.
Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng
vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng
(...), và tôi, Phaolô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng ấy"
(C1 1,22-23; 1,5).
Kim Chỉ Nam "Ecclesiae imago" đã dành cả một
chương khá chi tiết để nói tới các nhân đức cần thiết cho người giám mục.[5]
Trong bối cảnh ấy, ngoài những nhân đức siêu nhiên như vâng phục, tiết dục trọn
vẹn vì Nước Trời, khó nghèo, khôn ngoan của người mục tử và dũng cảm, ta còn thấy
nhắc tới một nhân đức đối thần là hy vọng. Chính nhờ có nhân đức này mà người
giám mục cương quyết chỉ chờ đợi mọi điều tốt lành từ nơi Chúa và đặt hết tin
tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, "vì
nhớ tới các thánh Tông Đồ và các giám mục đầu tiên, đã từng gặp những khó khăn
to lớn và những trở ngại đa dạng, vẫn rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa với tất
cả sự vững dạ".[6] Tuy
nhiên, trong viễn tượng chuẩn bị Đại Hội Thường Lệ lần thứ 10 của THĐGM, chúng
ta nên dừng lại lâu hơn với nhân đức hy vọng này, một nhân đức nằm trong chính
tác vụ giám mục, là nguồn khơi gợi tinh thần sáng tạo mang lại sự lạc quan lành
mạnh để giám mục đích thân cảm nghiệm và vui mừng thông chia cho những người
khác.
Niềm hy vọng Kitô
giáo xuất phát từ Đức Kitô và được nuôi sống nhờ Người. Đó là một cách tham gia
vào mầu nhiệm Vượt Qua của Người và là bảo chứng cho ta được một số phận tương
tự như của Đức Kitô, vì Chúa Cha đã "cho
chúng ta sống lại và ngự trên trời" cùng với Đức Kitô (x. Ep 2,6).
Giám mục được đặt
làm dấu chỉ là cho niềm hy vọng ấy và làm người phục vụ cũng chính niềm hy vọng
ấy. Mỗi giám mục có thể lấy những lời của Đức Gioan Phaolô II sau đây làm những
lời dành cho mình: "Nếu không có niềm
hy vọng ấy thì chúng ta chỉ là những con người bất hạnh và đáng thương, toàn bộ
hoạt động mục vụ của chúng ta sẽ bị cằn cỗi, và nhất là chúng ta chẳng còn dám
tra tay vào việc gì. Nhưng bí quyết khiến ta có thể chu toàn sứ mạng của mình
là nhờ niềm hy vọng không nao núng ấy. Niềm hy vọng ấy vượt lên trên tất cả những
lần ta gặp phải thất vọng và nghi ngờ, vì niềm hy vọng ấy xuất phát từ một nguồn
mà nếu ta có vô tâm hay hờ hững đến đâu đi nữa, ta cũng không bao giờ hết hy vọng.
Nguồn cội cho phép ta hy vọng chính là Thiên Chúa, đấng đã chiến thắng thế gian
một lần dứt khoát, thông qua Đức Kitô, và hiện nay Người cũng tiếp tục sứ mạng
cứu độ của mình giữa nhân loại, thông qua chúng ta".[7]
4. NHÂN ĐỨC HY VỌNG TRONG HÀNH TRÌNH TÂM
LINH CỦA NGƯỜI GIÁM MỤC
Giám mục là người
phục vụ Chân Lý, một Chân Lý có sức cứu thoát không phải chỉ để dạy dỗ và giáo
hoá con người mà còn để dẫn đưa con người tới chỗ biết sống hy vọng và từ đó,
tiến bước trên đường hy vọng. Thế nên, nếu giám mục muốn xuất hiện trước mặt
dân mình như một dấu chỉ, một chứng nhân và một người phục vụ cho niềm hy vọng,
thì ngài chỉ còn cách là lấy Lời Chân Lý nuôi sống mình, với tất cả tâm tình gắn
bó và thái độ sẵn sàng, như Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa là Đức Maria, người "đã tin rằng những lời Chúa phán với
mình sẽ được thực hiện" (x. Lc 1,45).
Kế đó, vì Lời
Chúa được chứa đựng và diễn tả trong Sách Thánh, nên giám mục phải thường xuyên
nhờ đến Sách Thánh, siêng năng đọc và tìm hiểu kỹ càng. Không phải chỉ vì ngài
sẽ hoài công giảng Lời Chúa cho người khác nếu chính ngài chưa lắng nghe Lời ấy
trước,[8] mà
còn vì ngài sẽ làm cho mình trở nên trống rỗng, không thể thi hành tác vụ xây dựng
hy vọng nếu chính ngài chưa lắng nghe Lời ấy trước.
Chính trong Kinh
Thánh mà giám mục nuôi dưỡng được nền linh đạo hy vọng của mình, từ đó có thể
chu toàn tác vụ phúc âm hoá của mình một cách đúng nghĩa. Như thánh Phaolô đã
nói, chỉ có như thế, giám mục mới có khả năng nói với các tín hữu của mình rằng
"chính nhờ được Kinh Thánh an ủi và
củng cố mà chúng ta mới vững lòng hy vọng" (Rm 15,4).
Cầu nguyện chính
là giây phút ưu tiên để lắng nghe Lời Chúa. Ý thức rằng mình không thể nào dạy
các tín hữu cầu nguyện nếu không thông qua chính đời sống cầu nguyện của mình,
giám mục sẽ siêng năng hướng lòng về với Chúa để nhắc lại với Chúa lời của một
tác giả Thánh vịnh: "Con cậy trông
vào lời Ngài" (Tv 119, 114). Thật vậy, cầu nguyện là nơi ưu tiên diễn
tả niềm hy vọng, hay như thánh Tôma nói, cầu nguyện là "người thuyết minh cho niềm hy vọng".[9]
Thế nhưng, nếu
không ai chỉ cầu nguyện cho bản thân mình, thì huống nữa là giám mục. Chính
trong khi cầu nguyện, ngài phải cưu mang Giáo Hội với mình, nhất là cưu mang
dân Chúa đã được giao phó cho ngài. Noi gương Đức Giêsu khi lựa chọn các tông đồ
(x. Lc 6,12-13), ngài cũng sẽ đệ trình Chúa Cha tất cả mọi sáng kiến Tông Đồ của
mình và nhờ Đức Kitô, cũng như trong Thánh Thần, ngài sẽ trình lên Chúa những mối
hy vọng của mình về linh mục đoàn giáo phận, những ưu tư của mình về các ơn gọi
linh mục, các ơn gọi tu trì, các ơn gọi truyền giáo và các thừa tác vụ khác, những
bận tâm của mình về những người tận hiến và hoạt động tông đồ của họ trong Giáo
Hội địa phương, sau cùng những ước vọng của mình về các giáo dân, sao cho tất cả
mọi người cũng như mỗi một người, tuỳ theo ơn gọi, tác vụ và đoàn sủng riêng của
họ, dưới sự hướng dẫn của ngài, đều tập trung hướng tới việc xây dựng Thân Thể
Đức Kitô. Và rồi, Chúa của mọi hy vọng sẽ cho ngài được vui tươi và bình an
tràn trề, để nhờ Chúa Thánh Thần tâm hồn ngài chan chứa niềm hy vọng (x. Rm
15,13).
Giám mục cũng phải
tìm những cơ hội để có thể sống việc lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện chung với
linh mục đoàn, với các phó tế vĩnh viễn (nếu có), với các chủng sinh, với những
người tận hiến đang có mặt trong Giáo Hội địa phương mình và cả với giáo dân,
nhất là với những người đang làm tông đồ trong các hiệp hội, ở đâu và khi nào
có thể được.
Nhờ đó, ngài cổ
võ tinh thần hiệp thông và nâng đỡ đời sống tâm linh của mọi người, bằng cách tỏ
rõ mình là "thầy của sự hoàn thiện"
ngay tại Giáo Hội địa phương, cương quyết "thúc
đẩy các linh mục, tu sĩ và giáo dân tiến lên trên con đường thánh thiện, mỗi
người tuỳ theo ơn gọi riêng của mình".[10] Đồng thời,
ngài cũng củng cố sự liên kết những tương quan trong Giáo Hội mà ngài đã được đặt
lên làm trung tâm hữu hình để thống nhất các mối tương quan ấy.
Ngài cũng sẽ
không bỏ qua những cơ hội để sống những giây phút gặp gỡ thiêng liêng tương tự
với các anh em giám mục, nhất là với các giám mục gần gũi trong cùng một giáo tỉnh
hay giáo miền. Trong những lần gặp gỡ ấy, các ngài có thể cảm nghiệm được niềm
vui của những anh em được sống chung với nhau (x. Tv 133,1) và tình thân ái
trong Giám Mục Đoàn ngày càng thấy rõ hơn và lớn mạnh hơn.
Giám mục cũng tìm
được nguồn nuôi dưỡng niềm hy vọng của mình trong chính khi cử hành Phụng Vụ
Thánh với toàn dân. Thật vậy, chính khi cử hành Phụng Vụ trên trần gian này, là
Giáo Hội đã nếm trước, trong hy vọng, Phụng Vụ của Giêrusalem trên trời, nơi
Giáo Hội đang tiến về trong cuộc lữ hành của mình, cũng là nơi Đức Kitô đang ngự
bên hữu Chúa Cha để làm "thừa tác
viên phục vụ Đền Thánh, phục vụ Lều Thánh, Lều đích thực do Chúa chứ không phải
do loài người, dựng lên" (Dt 8,2).[11]
Tất cả các bí
tích, cách riêng bí tích Thánh Thể, đều là những hành vi tưởng niệm những việc Chúa đã làm và những điều Chúa đã
chịu (acta et passa), là những cách biểu hiện ơn cứu độ mà Đức Kitô đã thực
hiện một lần dứt khoát, và là những cách có trước hồng ân mà ta sẽ có trọn vẹn
trong ngày sau hết.[12] Từ
đây cho đến lúc đó, Giáo Hội sẽ cử hành các bí tích như những dấu chỉ hữu hiệu
nói lên sự chờ đợi, kêu xin và hy vọng của mình.
Trong một số cuộc
cử hành phụng vụ, sự có mặt của giám mục mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Trước
hết là trong thánh lễ Dầu khi giám mục làm phép dầu dự tòng, dầu xức bệnh nhân
và thánh hiến dầu Thánh. Đó chính là lúc biểu lộ Giáo Hội địa phương rõ rệt nhất:
Giáo Hội cử hành Hy Tế của Chúa Giêsu, vị Thượng Tế tối cao và hằng hữu. Đối với
giám mục, đó cũng là lúc bày tỏ niềm hy vọng của ngài mãnh liệt nhất, vì trong
thánh lễ ấy có cả linh mục đoàn giáo phận quy tụ chung quanh ngài; tất cả,
trong niềm vui hướng về chân trời Vượt Qua, họ sẽ cùng nhau nhìn vào vị Thượng
Tế và làm sống lại ơn bí tích Truyền Chức bằng cách lặp lại các lời hứa, mà từ
ngày thụ phong linh mục, đó đã là nền tảng làm cho tác vụ của họ trong Giáo Hội
mang một tính chất hết sức đặc biệt. Dân Chúa cũng nhìn thấy những mối dây hiệp
thông Giáo Hội hết sức chặt chẽ trong nghi lễ ấy, mà một năm chỉ có một lần,
đúng là một tiếng thốt lên chứa chan hy vọng, dù phải trải qua bao nỗi dày vò
day dứt.
Bên cạnh nghi lễ ấy,
còn có một nghi lễ rất trang trọng là truyền chức cho các tân linh mục và tân
phó tế. Khi tiếp nhận từ tay Chúa những cộng sự viên mới cho hàng giám mục và
những người cộng tác mới cho thừa tác vụ của mình, các giám mục sẽ coi đó như một
câu trả lời của Chúa Thánh Thần, đấng "vừa
là quà tặng của Thiên Chúa vừa là người ban tặng các chức vụ"
("Donum Dei et dator munerum"), trước lời cầu xin của mình mong có
thêm các ơn gọi, cũng là để làm cho Giáo Hội mình trở nên sáng sủa hơn với bộ mặt
các thừa tác viên ấy.
Ta cũng có thể
nói tương tự như thế, dựa vào phép loại suy, về bí tích Thêm Sức, mà thừa tác
viên cử hành nguyên thuỷ là giám mục và riêng trong nghi lễ La Tinh, thừa tác
viên thông thường cũng là giám mục. Tại đây, "nguyên việc bí tích này phải do các giám mục cử hành đã nói lên rằng
bí tích này có công dụng là nối kết một cách chặt chẽ hơn những người tiếp nhận
bí tích ấy với Giáo Hội, với nguồn gốc tông đồ của Giáo Hội và với sứ mạng của
Giáo Hội là minh chứng về Đức Kitô
".[13]
Bản thân người hướng
dẫn mục vụ, tức là giám mục, và lời chứng của ngài về Đức Kitô có hiệu quả hay
không là tuỳ phần lớn vào cung cách ngài bước theo Đức Kitô và "sống thân
mật với Đức Giêsu Kitô" có chính hiệu hay không. Chỉ có sự thánh thiện mới
loan báo được sự canh tân đúng đắn, nên giám mục không thể bỏ vai trò của người
ngôn sứ phục vụ sự thánh thiện: qua đời sống thánh thiện của mình, các ngài thực
hiện trước nơi mình mục tiêu mà các ngài đang cố gắng dẫn các tín hữu đến. Tuy
nhiên, trong hành trình tâm linh ấy, các ngài cũng cảm nghiệm như mọi Kitô hữu
khác rằng cần phải hoán cải luôn vì các ngài không quên những yếu đuối, những
thất vọng và tội lỗi của mình. Nhưng, như thánh Augustinô đã dạy, vì ta không
thể nào hết hy vọng về những người chưa loại bỏ hết tội lỗi nơi mình,[14] nên
giám mục sẽ chạy tới bí tích sám hối và hoà giải, và chân thành thưa lên với
Chúa: "Lạy Chúa, con hy vọng nơi
Ngài, xin cứu thoát con" (x. Tv 7,2; 31,2; 38,16). Bất cứ ai hy vọng
mình được làm con Chúa và hy vọng có thể nhìn thấy Người đúng với sự thật của
Người, đều phải thanh tẩy mình như Cha Trên Trời là Đấng thanh sạch (x. 1Ga
3,3).
Dân Chúa chắc chắn
sẽ coi đó là một dấu chỉ hy vọng cho mình, khi nhìn thấy giám mục của mình tiến
tới lãnh nhận bí tích chữa trị, như trong các dịp đặc biệt, khi ngài chủ sự một
nghi lễ cộng đoàn. Hoặc khi nhìn thấy giám mục đang đau ốm của mình lãnh nhận
bí tích xức dầu bệnh nhân và của ăn đường thánh thiện, cùng với các linh mục và
giáo dân.[15]
Qua bằng chứng cuối
cùng ấy nơi đời sống thế trần, giám mục có thêm dịp dạy các tín hữu của mình
không bao giờ được hết hy vọng, và đau khổ nào trong hiện tại này cũng được dịu
bớt do biết hy vọng vào thực tại tương lai.[16] Chính
trong chuyến ra đi cuối cùng của mình từ thế gian này về với Chúa Cha, giám mục
đã nói lên được cách tóm tắt, cũng như đã nhắc lại được mục tiêu của tác vụ mà
lâu nay mình thi hành trong Giáo Hội là gì: đó là chỉ cho con cái Giáo Hội biết
đâu là cứu cánh cuối cùng, như Môsê đã từng chỉ cho con cái Israel thây miền đất
hứa.
5. NHƯ ĐỨC TRINH NỮ MARIA, CÁC GIÁM MỤC
LUÔN HÂN HOAN TRONG HY VỌNG
Như thế, các giám
mục đã có thể tự hào “khi hy vọng được hưởng
vinh quang Thiên Chúa", như thánh tông đồ Phaolô đã nói: "Và không phải chỉ có thế, chúng ta còn
tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng,
ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung
kiên thì có quyền hy vọng" (Rm 5,2-4). Từ chỗ hy vọng như thế, ta sẽ
có được niềm vui. Thật vậy, niềm vui Kitô giáo, một niềm vui phát sinh từ hy vọng
(x. Rm 12,12), cũng là mục tiêu của hy vọng. Người Kitô hữu không những chỉ nói
tới niềm vui, mà còn "hy vọng sẽ được
vui".[17]
Để làm chứng và
làm mẫu cho sự liên kết thiêng liêng giữa niềm vui và hy vọng, Giáo Hội chúng
ta có Đức Maria như người tiên phong. Bài ca "Magnificat" của Mẹ nói
lên niềm vui của tất cả mọi người nghèo đã biết dựa vào Lời Chúa để cậy trông
hy vọng nơi Người. Không phải vì được vui như thế mà Đức Maria không gặp đau khổ.
Trái lại, Mẹ đã liên kết cách xuất sắc với sự hy sinh của Con mình khi đứng dưới
chân thập giá để làm "mẹ của đau khổ"
thế nào, thì Mẹ cũng mở rộng lòng mình hết sức để đón lấy niềm vui của Chúa Phục
Sinh như vậy.
Và hiện nay, bên
cạnh Con mình, đang hiển ngự bên hữu Chúa Cha, sau khi Mẹ được đưa lên trời với
con người nguyên vẹn, cả xác lẫn hồn, Đức Maria đang tiếp nhận vào mình tất cả
mọi niềm vui và đang nếm cảm niềm vui trọn vẹn đã từng hứa cho Giáo Hội. Giáo Hội,
hay những người còn lữ hành trên trần gian, nhìn lên Ngài như một "dấu chỉ sáng rực của một niềm hy vọng
và của một niềm an ủi đã được bảo đảm, trong lúc chờ ngày Chúa đến",[18]
và sẽ cầu xin với Ngài như với "một
Người Mẹ của hy vọng, một Người Mẹ đầy tràn niềm vui thánh thiện và là nguyên cớ
cho ta được vui" ("mater spei, mater plena sanctae laetitiae et
causa nostrae laetitiae").
Bất cứ giám mục
nào, cũng như bất cứ Kitô hữu nào, cũng đều đầy lòng con thảo cậy trông Đức
Maria theo gương người môn đệ được yêu, sau khi tiếp nhận Mẹ Chúa trên đồi
Canvê, đã đưa Ngài vào trong mọi ngõ ngách của đời sống nội tâm mình.[19]
Giáo Hội thường kêu cầu Đức Maria là "Nữ vương các thánh Tông Đồ"
("Regina Apostolorum”) - "Xin Đức
Trinh Nữ Rất Thánh chuyển cầu cho mọi vị mục tử của Giáo Hội được ngày càng trở
nên giống vị Mục Tử nhân hậu khi thi hành thừa tác vụ khó khăn của mình".[20]
Câu hỏi suy tư:
1. Đâu là mối thống nhất linh đạo của
giám mục, cũng như cách sống cụ thể của giám mục trong quan hệ với Thiên Chúa
và với thực tại chung quanh?
2. Những sáng kiến nào tạo điều kiện cụ
thể để giám mục kết hợp thiêng liêng trước hết với các linh mục và phó tế, rồi
với những người tận hiến và giáo dân, nhất là những giáo dân tham gia các hiệp
hội và các tổ chức của Giáo Hội?
3. Những đề nghị nào có thể đưa ra để
giúp giám mục tiến tới trong suốt cuộc hành trình thiêng liêng? Vào thời kỳ đầu
của sứ vụ? Trong suốt những năm sau đó?
4. Những vị Thánh Giám Mục nào có thể được
coi hay đã được coi là mẫu mực cho giám mục noi theo để nuôi dưỡng đời sống tâm
linh của mình?
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 1 (Tháng 12 năm 1998)
Xin đọc thêm:
Bài 1: Bối cảnh hiện nay của sứ mạng giám mục
Bài 2: Những đặc điểm xác định tác vụ giám mục
Bài 3: Công tác mục vụ của người giám mục tại giáo phận của mình
Bài 4: Giám mục, thừa tác viên Tin mừng phục vụ hết mọi người
[4] Thánh Phêrô Đamiani, "Op. XI" ("Liber qui appellatur Dominus vobiscum"')
5 : PL 145, 235 ; Xem thánh Augustinô, "In
Jo. tr. 32, 8" : PL 35, 1645.
[7] Đức Gioan Phaolô II, Huấn từ cho các giám
mục Áo quốc đến viếng thăm ad limina (6-7-1982), 2 : AAS 74 (1982) 1123.
[20] Đức Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin ngày
19-11-1995, 3. "L'Osservatore
Romano", bản Pháp ngữ, số 47, 21-11-1995.