BẢN
TIN HIỆP THÔNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC MỆT NAM
SỐ 136 (THÁNG 7 & 8 NĂM 2023)
Chủ đề:
“Hiệp thông trong cuộc sống”
Lời nói đầu:
Truyền thống Hasidic lưu truyền một chuyện kể rằng:
Một ngày nọ, một đệ tử trẻ tuổi hỏi vị thầy
cao niên của mình:
‘Thưa Thầy, thầy có thể cho con biết tại sao
vào thời xa xưa, Thiên Chúa đã hiện ra với tổ phụ chúng ta là Abraham, Isaac và
Giacob trong khi ngày nay chẳng ai còn thấy Ngài nữa, không ạ?’
Sau một lúc yên lặng, vị giáo sĩ già trả lời:
“Bởi vì chúng ta không còn biết cách hạ mình
xuống thấp cho đủ”.
Có một giải thích ý nghĩa câu chuyện bí nhiệm
này, đó là, để có thể đến gần Thiên Chúa chúng ta phải có cái nhìn “từ bên dưới”.
Để khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa, để tiếp cận với mặc khải của Ngài, người
ta phải cúi xuống mặt đất, tìm kiếm Ngài giữa nhân loại, bởi vì Thiên Chúa “đã
cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Nguồn sống Hiệp thông tuôn tràn tưới thắm Hội thánh chúng ta từ kênh Phụng vụ bí tích, làm chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Phụng vụ, nghe tiếng Chúa Thánh Thần thúc đẩy mình vươn ra với anh em đồng loại tiếp tục sống hiệp thông trong bữa tiệc Vượt Qua thần linh. Đức hồng y Michael Czerny, SJ, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, trong bài viết Kinh thánh và sự dấn thân xã hội của Giáo hội, nói nhìn “từ bên dưới” có nghĩa là hạ mình xuống với con người trong đời thật, đi xuống vực sâu thăm thẳm của những giới hạn của phận người. Lịch sử là nơi Thiên Chúa đã chọn để tỏ mình ra, Thiên Chúa trở nên hữu hình và được nhận biết: để “Danh Cha được cả sáng”. Thiên Chúa tỏ mình là Thiên Chúa của một ai đó: của Abraham, Isaac, Giacóp, của dân Israel và cuối cùng, trong thời viên mãn (Dt 9,26), của Đức Giêsu Kitô. Tương quan của Bí tích Lời Chúa và sự dấn thân xã hội của Giáo hội được thiết lập trong nhiệm cuộc cứu độ, mang tính thông giao của mầu nhiệm Vượt qua, giữa Đấng Tạo Thành và thụ tạo, giữa nội tại và siêu việt, giữa Thiên Chúa và thế gian: đó là cuộc xuất hành của Ba Ngôi hướng về con người và của con người hướng về Ba Ngôi.
Củng cố sự Hiệp thông Hội thánh, từ chiều kích hàng dọc thấm sâu
vào chiều kích hàng ngang: cộng đồng Hội thánh và nhân loại: “Như Cha ở trong
Thầy, Thầy cũng ở trong anh em”. Một chủ thể đặc biệt trong Hội thánh hiệp hành
(cùng đi trên con đường), thành phần của nhân loại dễ bị tổn thương và giới hạn
mà Chúa Kitô mang lấy và thánh hóa, lại thường bị đa số coi nhẹ như chỉ là đối
tượng của lòng từ bi bác ái xã hội, đó là những người khuyết tật. Như một giới
thiệu, chúng ta hãy nghe tiếng nói của một người khuyết tật là tu sĩ linh mục
dòng Tên, trong bài viết Người Khuyết tật trong đời sống Giáo hội của
linh mục Justin Glyn, SJ.: “Nếu chúng tôi không phải là thành phần của một Giáo
hội nói với chúng ta thì tiếng nói của chính Giáo hội sẽ không được lắng nghe đầy
đủ. Người khuyết tật có thể và nên nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội”.
Từ chia sẻ cá nhân của một thành phần thường
bị gạt ra bên lề xã hội và Giáo hội trên như một ý kiến tiêu biểu, tôi muốn giới
thiệu với quý độc giả đường hướng loan báo Tin mừng của Giáo hội qua đối thoại
liên tôn, trong Bản tin Hiệp Thông này, qua những bài viết của các tác
giả trong Hội thảo (19.5.2021) kỷ niệm 30 năm Văn kiện “Đối thoại và Rao giảng”
do Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển dịch.
Nội dung bao gồm:
1. Diễn văn chào mừng mở đầu cuộc Hội thảo về
Văn kiện “Đối thoại và Rao giảng” - Đức hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot;
2. Các chủ đề chính của Văn kiện - Michael
Fitzgerald, M. Afr. ;
3. Tìm hiểu Văn kiện - Indunil J.
Kodithuwakku K. ;
4. Đọc lại “Đối thoại và Rao giảng” ba mươi
năm sau, một quan điểm Châu Âu - François Bousquet;
5. Đọc lại “Đối thoại và Rao giảng” ba mươi
năm sau, một quan điểm Châu Á: Hai mặt của đồng tiền - Thomas Dabre;
6. Đọc lại “Đối thoại và Rao giảng” ba mươi
năm sau, một quan điểm của Trung Đông - Pierbattista Pizzaballa;
7. Đọc lại “Đối thoại và Rao giảng” ba mươi
năm sau, một quan điểm của Châu Mỹ - Rita George-TvrtkoviC, Ph.D.
Sau đó, xin giới thiệu với quý độc giả văn kiện của Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập FABC tại
Bangkok - Thái Lan: “CÙNG NHAU TIẾN BƯỚC NHƯ CÁC DÂN TỘC CHÂU Á” - “...và họ đã
đi một con đường khác ” (Mt 2,12).
Tài liệu quý giá này cho ta một đánh giá tình
cảnh mục vụ tại Châu Á ngày nay, 50 năm sau (1970) thành lập Liên Hội đồng Giám
mục Á Châu (FABC) và hướng mục vụ quan tâm nhất thời đại ngày nay:
A. Người di cư, người tị nạn và người bản địa,
thường phải rời bỏ quê hương của họ;
B. Gia đình, nền tảng của xã hội;
C. Vai trò ngày càng tăng của Phụ nữ trong
các xã hội Châu Á đang thay đổi nhanh chóng;
D. Các vấn đề giới tính mà Giáo hội và xã hội
phải đối mặt;
E. Người trẻ trước một thế giới mới;
F. Tác động của Công nghệ số;
G. Thúc đẩy một nền kinh tế công bằng trong bối
cảnh Đô thị hóa và Toàn cầu hóa;
H. Cuộc khủng hoảng khí hậu gây nguy hiểm cho
ngôi nhà chung của chúng ta;
I. Đối thoại liên tôn nhằm mang lại hòa hợp
và hòa bình ở lục địa Châu Á.
Để kết thúc, tôi xin trở lại với lời nhắc nhở
của Đức hồng y Michael Czerny, SJ: “Đức ái không thể bị giản lược vào việc lựa
chọn thực hiện một loạt các hành động tốt lành, bởi vì tình yêu dành cho người
thân cận của chúng ta được thể hiện ở một mức độ sâu sắc hơn, nghĩa là nó bao
hàm sự thể hiện vẻ đẹp thần linh của hữu thể: người khác được mạc khải trong vẻ
đẹp nguyên thủy của họ, quý giá trước mắt Thiên Chúa, như một thụ tạo được tạo
thành với phẩm giá bất khả nhượng.” Tình yêu dành cho người khác vì chính họ,
thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt nhất cho sự sống của họ, sự sống viên mãn,
phát triển con người toàn diện của họ. Tình yêu là chìa khóa duy nhất có khả
năng giải mã vấn đề xã hội. Tình yêu thúc đẩy chúng ta xây dựng một nền văn
minh bao dung, có thể tạo ra tình bằng hữu xã hội không thờ ơ với tiếng kêu của
người nghèo trên trái đất. Tình yêu làm lên men xã hội bằng Tin Mừng, Hội thánh
được mời gọi ngay cả trong tương quan với những người không tin, xây dựng và
lưu truyền các giá trị nhân bản xuất phát từ sứ điệp cứu độ của Đức Kitô.
Kính chúc quý độc giả thưởng thức các món ăn
tinh thần bổ dưỡng để tình yêu Đức Kitô nơi anh chị em được lớn lên viên mãn.
Ngày 29 tháng 6 năm
2023, Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông đồ,
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam
Đọc thêm các bài trong Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam số 136 (tháng 7 & 8 năm 2023) với chủ đề: Hiệp thông trong cuộc sống.
I. CHUYÊN ĐỀ 1. Kinh Thánh và sự dấn thân xã hội của Giáo hội 2. Người Khuyết tật trong đời sống Giáo hội 3. Mở đầu cuộc Hội thảo về Văn kiện Đối thoại và Rao giảng - Diễn văn chào mừng 4. Các Chủ đề chính của Văn kiện Đối thoại và Rao giảng - Bài Thuyết trình Chủ đề 5. Tìm hiểu Văn kiện Đối thoại và Rao giảng 6. Đọc lại Đối thoại và Rao giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Âu 7. Đọc lại Đối thoại và Rao giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Á: Hai mặt của Đồng tiền 8. Đọc lại Đối thoại và Rao giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Trung Đông 9. Đọc lại Đối thoại và Rao giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Mỹ II.TƯ LIỆU 10. Cùng nhau Tiến bước như các Dân tộc Châu Á… và họ đã đi một con đường khác” (Mt 2,12) - Văn kiện Bangkok - Thái Lan 11. Tính Hiệp hành và Quyền Tối thượng trong Thiên niên kỷ thứ II và ngày nay III. ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN 12. Tin Tổng hợp Giáo hội Công giáo Việt Nam (Tháng
5 & 6 năm 2023) |
Thực
hiện:
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng
Chủ nhiệm:
Gm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Tổng thư ký HĐGM VN
Chịu trách nhiệm thực hiện:
Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Phó Tổng thư ký HĐGM VN