ĐỌC LẠI ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG BA MƯƠI NĂM SAU:
MỘT QUAN ĐIỂM CHÂU MỸ

Rita George-Tvrtković, Ph.D[1]

WHĐ (16.12.2023) - “Hội Thánh Công giáo... chân thành biểu lộ sự trân trọng đối với những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết (của các tôn giáo) khác, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại một tia sáng của Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Hội Thánh rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô” (Nostra Aetate §2).

Ngay ở câu mở đầu, Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng (Dialogue and Proclamation, 1991 – từ đây viết tắt là D&P) đã minh nhiên nhắc đến đoạn văn trên đây của Nostra Aetate (1965). Khi làm điều này, D&P muốn khẳng định ý tưởng rằng người Công giáo phải gắn kết lại hai quan niệm có vẻ tách rời nhau: cởi mở với các tôn giáo khác và trung thành với đức tin của mình. Nhưng sự căng thẳng mà Nostra Aetate chỉ khêu gợi ra, thì D&P đã nghiêm túc đặt nó vào tâm điểm thảo luận thông qua nhan đề, chủ đề và tư cách đồng tác giả của văn kiện. Hơn nữa, D&P thảo luận tính lưỡng cực này một cách minh nhiên và sâu rộng hơn, gồm trọn ba đoạn dành để mô tả “thái độ quân bình” (gồm sự cởi mở với chân lý và niềm xác tín tôn giáo) cần phải có cho việc đối thoại liên tôn tốt đẹp[2].

Bên cạnh sự cởi mở và xác tín, Đối Thoại và Rao Giảng biểu lộ một tính lưỡng cực quan trọng khác: giáo thuyết và thực hành. Văn kiện 1991 phát triển một cách có hệ thống từ một phần tư thế kỷ trải nghiệm thực hành của Hội Thánh về đối thoại – những trải nghiệm được gợi hứng từ giáo thuyết của Nostra Aetate[3]. Và chính Nostra Aetate (NA) đã được biên soạn bởi các chuyên gia, các giám mục, và một vị giáo hoàng có nhiều kinh nghiệm thực tế và hiểu biết sâu rộng về các tôn giáo khác[4]. Chu trình này đã tiếp tục từ 1991 (có thể nói là “đối thoại” không?) với một sự tác động qua lại bền bỉ giữa các phát biểu giáo thuyết chính thức và những cuộc gặp gỡ liên tôn cụ thể. Thông điệp mới đây của Đức giáo hoàng, Fratelli Tutti (2020) diễn tả rất hay sự tác động qua lại này giữa giáo thuyết và thực hành, như là thần học gặp gỡ của nó được tạo khuôn bởi hai cuộc gặp gỡ đời thực giữa Kitô giáo và Hồi giáo: cuộc gặp giữa Thánh Phanxicô Assisi và vua Hồi giáo Al-Malik vào thế kỷ 13, và giữa Đức giáo hoàng Phanxicô và lãnh tụ Hồi giáo Al-Tayyeb năm 2019. Tóm lại, lộ trình từ Nostra Aetate đến Dialogue and Proclamation đến Fratelli Tutti và xa hơn nữa cho thấy một sự tác động qua lại giữa giáo thuyết và thực hành.

Những ảnh hưởng năng động trong D&P từng gây âm hưởng mạnh nhất với người Mỹ là ảnh hưởng giữa bốn hình thức đối thoại: đời sống, hành động, trao đổi thần học, và trải nghiệm tôn giáo[5]. Mặc dù bốn hình thức này từng được giới thiệu lần đầu tiên trong một văn kiện trước đó của Vatican[6], nhưng chính sự trình bày mạch lạc và rõ ràng của D&P đã lôi cuốn trí tưởng tượng của nhiều người. Trong ba mươi năm qua, bốn hình thức này đã được dùng làm đá thử vàng chính cho đối thoại liên tôn tại Hoa Kỳ. Bốn hình thức này không chỉ được trích dẫn trong các bài báo hàn lâm và bởi những chuyên gia và tổ chức liên tôn, nhưng nhiều người Công giáo bình thường cũng nhận ra rằng họ đã có trải nghiệm bản thân về đối thoại liên tôn thông qua một trong bốn hình thức này.

Bài viết này cung cấp một quan điểm Mỹ về Đối Thoại và Rao Giảng ba mươi năm sau khi nó được ban hành. Trong khi lưu tâm tới những cặp lưỡng cực cởi mở – xác tín và giáo thuyết – thực hành, bài viết sẽ xét xem các cuộc đối thoại bằng đời sống, hành động, trao đổi thần học và trải nghiệm tôn giáo đã được diễn tả như thế nào trong bối cảnh Mỹ, với sự chú ý tập trung đặc biệt vào các đại học Công giáo và các mô hình đối thoại của giới phụ nữ bình thường, vì hai thành phần này chứng tỏ rõ ràng sư giao thoa của bốn hình thức nói trên.

1. Đối thoại liên tôn tại các Đại học Công giáo

Vào những năm sau khi Nostra Aetate được công bố, các giáo phận Công giáo tại Hoa Kỳ đã bổ nhiệm các quan chức đại kết hay thiết lập các văn phòng đại kết để lo các vấn đề về đại kết và đối thoại liên tôn. Các văn phòng này đã là những địa điểm quan trọng cho công việc đối thoại của Công giáo cả trong giới hàn lâm và trong giới bình dân. Tuy nhiên, trong ba thập kỷ vừa qua, các đại học Công giáo – được thúc đẩy một phần bởi [Tông hiến] Ex Corde Ecclesiae vừa ban hành một năm trước văn kiện Dialogue and Proclamation – đã xuất hiện như một đối tác sinh động cho các giáo phận trong công việc này[7].

Nhiều đại học Công giáo tham gia vào công cuộc đối thoại liên tôn đã công khai chấp nhận bốn hình thức của D&P. Một số trường thậm chí đã thiết kế toàn bộ cách tiếp cận của họ về các mối quan hệ liên tôn dựa trên một sơ đồ bốn phần, như Đại học Santa Clara ở California, mô tả hoạt động liên tôn của trường như là chịu ảnh hưởng của cả Dòng Tên sáng lập trường này và ảnh hưởng của bốn hình thức của D&P. Một ví dụ khác là Đại học Depaul tại Chicago. Trường này có tờ bướm quảng cáo về các hoạt động trong chiến dịch liên tôn nhan đề: “Bốn Con Đường Đối Thoại tại Depaul.”[8] Các trường khác có các trung tâm đặc biệt về các mối quan hệ liên tôn, như Center for Christian-Jewish Learning của Đại học Boston, Prince Alwaleed Bin Talal Center for Muslim-Christian Understanding của

Đại học Georgetown, Jay Phillips Center for Interfaith Learning của Đại học St. Thomas, Institute for Interreligious Study and Dialogue của Catholic University of America: các Đại học này thường xuyên tham gia cả bốn hình thức đối thoại. Những trường này và nhiều trường khác nữa không chỉ cổ vũ các chương trình hàn lâm chuyên về đối thoại của các chuyên gia thần học, tổ chức các sự kiện nuôi dưỡng đối thoại về các trải nghiệm tôn giáo, và tài trợ các ký túc xá để các sinh viên có nơi tham gia vào đối thoại cuộc sống; nhưng các trường này cũng khá tích cực trong hình thức đối thoại bằng hành động. Trong hai thập kỷ qua, nhiều đại học Công giáo Mỹ cũng đã gia tăng sự tham dự của họ vào hình thức đối thoại bằng hành động, nhờ sự gợi hứng từ các thực thể ngoài Công giáo. Một trong những thực thể ảnh hưởng nhất trong số này tiếp tục là tổ chức Interfaith Youth Core, một tổ chức phi lợi nhuận tại Chicago đã khơi dậy hay củng cố việc đối thoại liên tôn tại các trường công lập và tư thục của Mỹ, bao gồm các trường Công giáo, với tiêu điểm là các hình thức đối thoại bằng đời sống và hành động[9].

Hình thức đối thoại bằng hành động tại các trường đại học Công giáo hôm nay đã phát triển theo những cách mà văn kiện D&P đã không hề dự kiến trước, một lần nữa chứng minh sự tương tác qua lại giữa lý thuyết và thực hành. Ví dụ, trong khi văn kiện năm 1991 thậm chí còn không hề nhắc đến từ “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, thì các sinh viên đại học Công giáo Mỹ và các đối tác liên tôn của họ vào năm 2021 đang cùng nhau chống lại tình trạng gia tăng gần đây của xu hướng ghét Hồi giáo, chủ nghĩa bài Do Thái, địa vị ưu việt của người da trắng, và xu hướng ghét phụ nữ tại Hoa Kỳ. Khi làm điều này, họ đang diễn tả tốt đẹp bản chất tương quan chặt chẽ của các hình thức đối thoại được mô tả bởi D&P số 43: “Sự tiếp xúc trong đời sống thường ngày và sự dấn thân chung cho hành động sẽ thường mở cánh cửa cho sự hợp tác trong việc phát huy các giá trị nhân bản và thiêng liêng.” Hơn nữa, các đại học đã giúp mở rộng sự tham dự của người Công giáo vào đối thoại liên tôn, từ một “lãnh vực dành riêng cho các chuyên gia”, sang một nhóm người Công giáo rộng rãi hơn, bao gồm những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, những thế hệ này không còn coi đối thoại như là một “đồ xa xỉ trong sứ vụ của Hội Thánh,” nhưng đúng hơn, nó là một công cụ cần thiết trong bước tiến bộ của hòa bình và công lý[10].

Một khía cạnh bất ngờ khác nữa của D&P đang diễn ra hôm nay tại các đại học Công giáo Mỹ liên quan đến tiềm năng ảnh hưởng của đối thoại đối với việc rao giảng trên bình diện phương pháp và người nghe. Một trong những mục tiêu chính của văn kiện D&P là nhắc nhở những người Công giáo đang tham gia đối thoại liên tôn không được bỏ qua việc rao giảng. Nhưng khi văn kiện nói về rao giảng, văn kiện có ý hiểu về rao giảng cho những người ngoài Kitô giáo. Tuy nhiên, một nhận thức mới và sâu sắc đã xuất hiện từ các khuôn viên đại học Mỹ trong ba mươi năm qua: đó là những người dấn thân rao giảng Tin Mừng (Phúc âm hóa, theo nghĩa rộng) cho các sinh viên Công giáo phải tận dụng các kỹ năng họ đã có được trong đối thoại tôn giáo để làm đòn bẩy cho công việc này. Dù sao, khung cảnh tôn giáo tại các đại học Công giáo tại Hoa Kỳ đã thay đổi từ năm 1991, với nhiều trường báo cáo rằng số sinh viên Công giáo chiếm khoảng 50 phần trăm hay ít hơn. Số sinh viên còn lại không chỉ gồm những người theo các tôn giáo khác, nhưng số sinh viên Công giáo đã bỏ đạo hay ít hiểu biết giáo lý và cả những sinh viên “không theo đạo nào” cũng gia tăng. Trong khung cảnh này, cả việc rao giảng cho những người ngoài Kitô giáo cũng như việc “tân Phúc âm hoá” giữa những người trẻ Công giáo có thể được hưởng lợi từ thái độ đối thoại: điều này giúp cân bằng giữa sự cởi mở và niềm xác tín[11]. Tóm lại, các phương pháp rao giảng tôn giáo trong nội bộ có thể hưởng lợi từ việc thực hành đối thoại liên tôn. Một thái độ đối thoại là thiết yếu trong việc tiếp xúc với các sinh viên đại học hôm nay, vì rao giảng khó có thể được tiếp nhận nếu không được làm trong tinh thần đối thoại[12]. Những sinh viên Công giáo và những sinh viên khác trong các lớp học thuộc thế hệ thiên niên kỷ vẫn còn đang làm thần học theo câu châm ngôn nổi tiếng của Thánh Anselmô: “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, nhưng đối với nhiều người, điểm xuất phát không phải là “đức tin” nhưng là “tìm kiếm”[13].

Hơn nữa, tôi có kinh nghiệm bản thân ngay tại trường đại học tôi đang giảng dạy, Đại học Benedictine ở ngoại ô Chicago, đó là đức tin của các sinh viên Công giáo đôi khi có thể được loé lên hay đào sâu nhờ đối thoại với các bạn học là các sinh viên đạo Hồi hay đạo Sikh. Đáng chú ý là việc đối thoại tôi đang nói đến ở đây không phải là bằng các cuộc thảo luận về đạo Hồi hay đạo Sikh, nhưng đúng hơn, là đọc các bản văn Công giáo chung với nhau (chẳng hạn bộ Summa của Thánh Tôma Aquinô, quyển Showings của Julian of Norwich, hay quyển Luật Dòng của Thánh Biển Đức), và bằng cách xin các bạn người Hồi hay người Sikh chỉ ra cho các bạn Công giáo những khía cạnh của các bản văn Công giáo[14]. Tình hình này cho thấy rằng việc rao giảng Tin Mừng có thể chịu ảnh hưởng bởi việc đối thoại liên tôn theo những cách mà văn kiện D&P không ngờ tới, một lần nữa chứng tỏ sự tương tác bền bỉ giữa thực hành và giáo thuyết. Có lẽ giáo thuyết Công giáo về Phúc âm hóa cần phải được ảnh hưởng một cách hữu ý bởi các phương pháp của đối thoại liên tôn chăng? Ví dụ, Văn kiện năm 2001 Go and Make Disciple của HĐGM Hoa Kỳ về Phúc âm hóa bao gồm một danh sách các chiến lược, thế nhưng cả đối thoại liên tôn hay thần học so sánh lại không hề được nhắc đến như là có liên quan gì với việc tái rao giảng Tin Mừng của người Công giáo (chỗ duy nhất nhắc đến đối thoại liên tôn thì rất vắn tắt: khuyến khích sự tôn trọng, không khuyến khích việc cải đạo)[15]. Trong khi Dialogue and Proclamation số 77 nhấn mạnh cả đối thoại và rao giảng, ngôn từ của “đối thoại” vẫn chưa được tích hợp thực sự tốt vào các cố gắng Phúc âm hóa. Tuy nhiên, tính đa nguyên liên tôn đang trở thành chính bối cảnh cho các nỗ lực Phúc âm hóa giữa những người Công giáo Mỹ, như đã là như thế rồi tại Châu Á trong nhiều thập kỷ[16]. Sự tương tác giữa lý thuyết và thực hành có tiềm năng tạo ra những nhận thức mới, không chỉ cho việc đối thoại liên tôn, mà cũng cho việc rao giảng nữa.

2. Đối thoại liên tôn trong các nhóm đối thoại phụ nữ bình thường

Tại Mỹ, các nhóm liên tôn phụ nữ là một khung cảnh thuận lợi biểu lộ sự giao thoa giữa bốn hình thức đối thoại nói trên. Các nhóm này đã tăng số theo cấp lũy thừa trong ba mươi năm qua, cho thấy sự tham gia sâu nhưng thường bị quên lãng của các phụ nữ Công giáo là các giáo dân, các nữ tu, và các phong trào giáo hội trong đối thoại liên tôn ở cấp cơ sở.

Một số nhóm đối thoại của phụ nữ tại Hoa Kỳ đã được khởi xướng thông qua các tổ chức tôn giáo truyền thống. Chẳng hạn, một cuộc đối thoại giữa các phụ nữ Công giáo tại Nhà thờ Thánh Fabianô và các phụ nữ Hồi giáo tại Nhà thờ (Hồi giáo) Foundation ở Bridgeview, Illinois, hội họp với nhau hằng tháng từ năm 1997, được khởi xướng bởi một nữ thành viên của nhà thờ Hồi giáo này, bà đã đến gặp cha xứ của Nhà thờ Thánh Fabianô bên cạnh để xin giúp tổ chức một cuộc đối thoại giữa các phụ nữ. Nhóm này, được điều hành một cách độc lập bởi các thành viên nữ của nhóm, tham gia trong tất cả bốn hình thức đối thoại. Các cuộc gặp gỡ hằng tháng của họ, thường được tổ chức trong các giờ uống trà buổi trưa hay các bữa ăn đồ nướng ngoài sân, là bản chất của đối thoại đời sống: họ bàn luận các vấn đề của gia đình và địa phương họ như trường học, chính trị, và tội phạm. Họ dự các đám tang, đám cưới, và các sự kiện đặc biệt khác để biểu lộ sự ủng hộ đối với các bạn bè liên tôn của họ. Các phụ nữ cũng có một lập trường đối với công bằng xã hội, ví dụ nói công khai chống lại phong trào ghét phụ nữ sau ngày 11 tháng 9. Đối thoại của nhóm phụ nữ Thánh Fabianô-Nhà thờ Hồi giáo Foundation cũng tổ chức một bữa tiệc liên tôn hằng năm, người Hồi giáo gọi là iftar, cho các gia đình của địa phương, có thể được coi là một đối thoại trải nghiệm tôn giáo.

Các nhóm đối thoại liên tôn khác của các phụ nữ tại Hoa Kỳ đã được tổ chức bởi các phong trào giáo hội Công giáo. Ví dụ các cộng đoàn phụ nữ Focolare sống tại Milwaukee, New York, và Chicago vẫn đang đứng ra bảo trợ các cuộc đối thoại với các phụ nữ của nhóm Imam W. D. Muhammad Society (IWDM, một nhóm người Hồi giáo Mỹ gốc Phi) từ những năm 1990. Các cuộc đối thoại liên tôn Focolare – IWDM biểu lộ sự giao thoa không chỉ trong bốn hình thức đối thoại, nhưng cũng bằng việc cổ vũ đối thoại liên tôn và liên sắc tộc. Trên thực tế, các phụ nữ Focolare ở Chicago đã thực hành đối thoại đời sống từ ít là hai thập kỷ trước khi văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng (D&P) mô tả hình thức đối thoại này vào năm 1991. Các chị Focolare lần đầu tiên mở nhà của họ ở khu vực Hyde Park phía nam của Chicago vào những năm 1960, là thời kỳ những người da trắng rời bỏ khu vực phía nam và chạy về những vùng ngoại ô, tất cả vì sợ những người da đen đang đổ về đó. Thoạt đầu, một số thành viên da trắng của nhóm Focolare nói họ sẽ tránh đến thăm ngôi nhà mới của họ tại Hyde Park, trong khi những người da đen thì ngờ vực những người hàng xóm mới của mình. Nhưng dần dần, các chị em Focolare đã xây dựng được những mối quan hệ bằng đời sống, vượt qua cả những chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, và nhấn mạnh về gia đình và trẻ em; ví dụ, họ nổi tiếng vì tổ chức các lễ hội đại kết mừng lễ Chúa Giáng Sinh hằng năm, một lễ hội mà các trẻ em địa phương rất thích thú[17]. Cho tới hôm nay, Nhóm Focolare Mỹ vẫn duy trì đối thoại với những người hàng xóm da đen của họ, cả Hồi giáo và Công giáo, không chỉ ở Chicago, mà còn ở những nơi khác trên khắp nước Mỹ, bao gồm Atlanta, Pittsburgh, và Detroit. Một phụ nữ da đen Mỹ gốc Phi tóm tắt mối quan hệ của cộng đồng bà với Nhóm Focolare như sau: “Các chị Focolare đã giúp tôi không còn nhìn thấy màu da trước khi tôi nhìn thấy tính tình. Chúng tôi đã trở nên quá gần gũi với các chị của Nhà Focolare tại Hyde Park đến nỗi tôi đã nói với các con tôi, ‘Nếu mẹ hay gia đình không ở quanh các con và các con có cần gì, cứ chạy đến Nhà Focolare. Đó cũng là gia đình chúng ta đấy.’”[18]

Các nhóm phụ nữ đối thoại liên tôn khác tại Hoa Kỳ được tài trợ bởi các cộng đoàn nữ tu, chẳng hạn như “Các Nữ Tu Phương Tây”, họ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các ni cô Phật giáo và các nữ tu dòng Biển Đức tại Hacienda Heights, California, và Rock Island, Illinois. Tập trung vào các cuộc đối thoại về các trải nghiệm tôn giáo và các trao đổi thần học, các nữ tu này đã thảo luận về chiêm niệm, kỷ luật nội tâm, cộng đoàn, và quyền bính. Một ví dụ khác về nhóm đối thoại cơ sở của Mỹ gồm những nữ tu Công giáo là nhóm “Các Nữ Tu và Những Người Không Đạo”, một tổ chức phi lợi nhuận được điều hành hợp tác bởi các nữ tu Công giáo và dân thường thuộc các tôn giáo khác nhau. Liên minh này tập hợp các nữ tu Công giáo (gồm các chị Dòng Đaminh, Dòng Biển Đức, và các chị Tu Hội Lòng Chúa Thương Xót) và những người dân thường với các quan điểm tâm linh khác nhau (gồm “những người không đạo” và những người Do Thái) để tập trung vào các hình thức đối thoại đời sống, đối thoại hành động và trải nghiệm tôn giáo. Sứ mạng tự nhận của tổ chức này là “tạo ra những cộng đồng chăm sóc và chiêm niệm có khả năng kích thích hành động can đảm”, và họ đã giúp những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ tìm thấy được những người bạn tâm hồn đáng ngạc nhiên nơi các chị nữ tu Công giáo.

Kết luận

Năm 1991, Đối Thoại & Rao Giảng (D&P) đã gợi ý về tương lai của nước Mỹ khi đề nghị rằng nhiều người trẻ hơn cần phải được đào tạo về đối thoại trong một bối cảnh đa nguyên: “Dựa trên cơ sở những kết quả của các nghiên cứu này, các học viện cũng phải tổ chức những khóa học và nghiên cứu đặc biệt để đào tạo những con người cho cả Đối Thoại & Rao Giảng. Cần phải đặc biệt chú ý đến những người trẻ sống trong môi trường đa nguyên, họ gặp gỡ những tín đồ của các tôn giáo khác tại trường học, nơi làm việc, trong các phong trào giới trẻ và các hiệp hội khác và thậm chí ngay trong các gia đình của chính họ.”[19] Trên thực tế, tính đa nguyên tôn giáo đã trở thành bối cảnh cho cả việc đối thoại liên tôn lẫn việc rao giảng tại nước Mỹ của thế kỷ 21, và giới trẻ là chìa khóa cho cả hai công việc này. Và vì thế, các đại học và các nhóm phụ nữ liên tôn sẽ tiếp tục là những nơi đặc biệt quan trọng để người Công giáo học cách sống sứ vụ kép của họ là đối thoại và rao giảng.

Các ví dụ của bài này về cách mà Văn kiện D&P đã được đón nhận như thế nào tại Mỹ cho thấy cái động năng phức tạp đang tác động trong đối thoại liên tôn: giữa sự cởi mở và sự xác tín, giữa giáo thuyết và thực hành, và giữa bốn hình thức của đối thoại. Tại Mỹ, chắc chắn một trong những di sản lâu dài nhất của D&P là sự mô tả mạch lạc của nó về bốn hình thức đối thoại. Lý do là vì bốn hình thức này, trong tính chất đơn giản, dễ tiếp cận và hữu ích, đã giúp cho các tầng lớp đông đảo người Công giáo – từ các linh mục, các học giả và các sinh viên, cho tới các phụ nữ, các nữ tu và các gia đình – đáp lại lời kêu gọi ngàn đời của Hội Thánh về đối thoại, như được dạy trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate số 2 (“Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình… đối thoại và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo khác…”), trong Văn kiện Đối Thoại & Rao Giảng số 43 (“Tất cả các giáo hội địa phương, và tất cả các thành viên của các giáo hội này, được mời gọi đối thoại, dù không phải theo cùng một cách như nhau”), trong Thông điệp Fratelli Tutti số 217 (“Chúng ta hãy trang bị cho con cháu chúng ta những vũ khí của đối thoại!”), và trong nhiều văn kiện khác nữa.

Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)




[1] Cố vấn, Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn.

[2] Dialogue and Proclamation, 47-49.

[3] Các nhà thiết kế văn kiện D&P gồm có các nhà thực hành như Jacques Dupuis, một linh mục Dòng Tên sống nhiều thập kỷ tại Ấn Độ và tham gia vào tiến trình đối thoại Ấn giáo–Kitô giáo. Xem Michael Fitzgerald, “Dialogue and Proclamation: A Reading in the Perspective of Christian-Muslim Relations,” trong In Many and Diverse Ways, ed. Daniel Kendall and Gerald O’Collins (Orbis, 2003), tr. 181-193, ở tr. 181.

[4] Ví dụ, hai trong số các chuyên gia viết Nostra Aetate, Georges Anawati, OP, và Robert Caspar, M. Afr., là những nhà nghiên cứu về Hồi giáo từng có kinh nghiệm sống rất sâu rộng trong thế giới Hồi giáo; Anawati sinh tại Ai Cập và Caspar đã sống lâu năm tại Bắc Phi. Trước khi trở thành Giáo hoàng Phaolô VI, Hồng y Giovanni Montini từng tham gia trong nhóm đối thoại Hồi giáo Kitô giáo, gọi là Phong trào Cầu nguyện Badaliya, của Louis Massignon. Để biết thêm về Anawati, xem Wilhelmus Valkenberg, Abuna Anawati: A Catholic Theology of Islam (Catholic University of America Press, sắp phát hành). Để biết thêm về Massignon, xem Christian Krokus, The Theology of Louis Massignon: Islam, Christ, and the Church (Catholic University of America Press, 2017).

[5] Dialogue and Proclamation, 42.

[6] Văn kiện năm 1984 của Văn Phòng về những người ngoài-Kitô giáo nhan đề Thái độ của Hội Thánh đối với các tín đồ của các tôn giáo khác: Các Suy tư và Đường hướng về Đối thoại và Sứ vụ

[7] J. Michael Miller, “Catholic Universities and Interreligious Dialogue,” America, 20-6-2005. Đối thoại liên tôn được nhắc đến một cách minh nhiên trong Ex corde ecclesiae, 47.

[8] Về trường Santa Clara, xem: https://www.scu.edu/mcae/world-affairs/ religion/interfaith.cfm.html‘s. Về trường Depaul, xem: https://offices.depaul.edu/mission-ministry/religious-spiritual-life/religious/Documents/Four%20ways%20of%20dialogue.pdf

[9] Nhà sáng lập Interfaith Youth Core (IFYC) là Eboo Patel, người Hồi giáo, nói rằng các quan điểm của ông về hoạt động công lý liên tôn đã chịu ảnh hưởng bởi những người Kitô giáo như Dorothy Day và Martin Luther King, Jr.

[10] Dialogue and Proclamation, 43.

[11] Dialogue and Proclamation, 47.

[12] David Hollenbach, “Dialogue and Proclamation in Catholic Universities,” 153-2018, La Civiltà Cattolica, tr. 63.

[13] Jeannine Hill Fletcher, “Among the Nones: Questing for God in the TwentyFirst Classroom,” trong Comparative Theology in the Millennial Classroom, ed. Mara Brecht and Reid B. Locklin (Routledge, 2016), tr. 141-152, ở tr. 143.

[14] Rita George-Tvrtković, “What Muslims Can Teach Catholics about Christianity,” in Comparative Theology in the Millennial Classroom, pp. 153164, at p. 160.

[15] Go and Make Disciple, 43-44.

[16] The Federation of Asian Bishops Conferences has repeatedly stressed Asia’s “triple dialogue” context (dialogues with the poor, cultures, and religions), for example in its 2012 FABC paper #138, “FABC at 40 Years: Responding to the Challenges of Asia.

Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) đã nhiều lần nhấn mạnh bối cảnh “đối thoại ba chiều” của Châu Á (đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, và với các tôn giáo), chẳng hạn trong tài liệu năm 2012 của FABC bài #138, “FABC at 40 Years: Responding to the Challenges of Asia.”.

[17] Nori Henk, “The Practice and Meaning of Communitarian Spirituality in the Focolare Movement,” (Loyola University Chicago PhD Dissertation, 2010), tr. 70.

[18] Theo lời thuật lại của Tariq Najee-Ullah trong “Evaluating the Impact of Interfaith Dialogue between the Muslim American Society and the Catholic Church especially through the Focolare Movement,” (Georgetown University Master’s Thesis, 2017), tr. 93.

[19] Dialogue and Proclamation, 88.