GIÁO HỘI NHƯ LÀ LỀU HỘI NGỘ CỦA DÂN THIÊN CHÚA LỮ HÀNH VÀ TRUYỀN GIÁO

Nt. Maria Trần Thị Diệu Huyền
Dòng Mến Thánh Giá Vinh

WHĐ (01.4.2023) - Như Israel xưa bước đi trong sa mạc, đoàn Dân Mới của Thiên Chúa đã cất bước đăng trình qua hơn hai mươi thế kỷ trong dòng lịch sử giữa lòng thế giới. Dân tộc ấy đang thực hiện cuộc vượt qua từ “sự sống của Ba Ngôi trong thời gian” tới cùng đích là “đời sống của Ba Ngôi trong niềm vui vĩnh cửu”. Nói theo một cách khác, dân Thiên Chúa đang hành trình trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, theo vết chân của Đức Giêsu Kitô, mắt hướng về Chúa Cha, Đấng đang chờ đợi tất cả con cái của Ngài trong bữa tiệc cánh chung[1]. Trong cuộc lữ hành đức tin, Giáo Hội được ví như là “Căn Lều mà Thiên Chúa cắm giữa lòng nhân loại”[2], nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và hội ngộ với nhau.

Hình ảnh Lều Hội Ngộ và Lều Tạm trong Cựu Ước

Lều Hội Ngộ trong tiếng Do Thái là משכן - mishkan, nghĩa là “cư ngụ” hoặc “nơi ở, nơi gặp gỡ”. Lều Hội Ngộ là lều phụng tự di động của dân Israel ngày xưa, là nơi Thiên Chúa hiện diện để gặp gỡ dân Ngài. Lều Hội Ngộ còn được gọi là Lều Chứng Ước vì bên trong có Hòm Bia Giao Ước (x.Ds 9,15. Xh 25,16)[3]. Lều này tồn tại từ cuộc hành trình dân Israel vượt qua sa mạc để vào đất hứa (x. Xh 26,1; 29.42) cho đến khi Vua Salomon xây dựng xong Đền thờ Giêrusalem (x.2 Sbn 5,2-10 – Thế kỷ X TCN).

Biến cố Xuất Hành là tâm điểm kinh nghiệm đức tin của dân Israel. Biến cố này trở thành điểm quy chiếu cho dân Israel qua mọi hoàn cảnh của lịch sử và cũng là điểm phóng chiếu cuộc lữ hành của Dân Mới. Trong thời gian Xuất Hành, con cái Israel sống dưới lều như dân du mục, Thiên Chúa hằng đồng hành, gần gũi với họ. Sách Xuất hành cho biết “Đức Chúa đi đằng trước dân, ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng” (Xh 13,21). Để chứng minh sự hiện diện kín nhiệm của Ngài, Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê phải làm cho Ngài một chiếc lều, gọi là Lều Hội Ngộ, hay Nhà Tạm (Xh 40,1-2). Đó là cung thánh tạm thời, nơi Ngài ngự giữa con cái Israel. Điều này cho thấy Thiên Chúa là Đấng thích gặp gỡ, hội ngộ với dân mình, chứ không xa cách. Ngày ông Môsê làm xong Lều Hội Ngộ, Thiên Chúa cho Lều của Ngài tràn ngập những áng mây và vinh quang rực rỡ, để ra dấu cho dân biết Ngài hiện diện trong Lều (Xh 40,34-35)[4]. Thế là Thiên Chúa “cắm lều” giữa dân và “ở trong lều” như dân của Ngài. Lều Hội Ngộ là tâm điểm giữa rất nhiều lều tạm của dân Israel; họ dựa vào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm để nhổ trại và đóng trại trong suốt chặng đường Xuất Hành (Xh 40,36-38). Sau này, khi đã tiến vào cư ngụ trong Đất Hứa, Thiên Chúa đã truyền cho dân Israel tổ chức Lễ Lều (Sukkot) hằng năm để tưởng nhớ đến cột mây, cột lửa, lều trại mà họ đã ở suốt 40 năm trong sa mạc (Xh 23,16; Xh 40, 1-3; Lv 23,34-36; Ds 29,12-38; Đnl 16,13-15). Đây như cách Chúa nhắc nhở họ về việc Ngài đã đồng hành và dẫn dân Israel ra khỏi Ai-cập (Lv 23,42-43).

Đức Kitô chính là Lều Mới của Dân Mới

Toàn bộ Cựu Ước đã đến với chúng ta như là lịch sử trong đó Thiên Chúa hiện diện với dân Ngài qua nhiều cách thế: Ngài ở dưới lều, Ngài ở trong Đền Thờ (x. Xh 25,8; Ds 35,34), và Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan còn ở trong Luật Môsê nữa (x. Hc, 24,7-22; Br 3,36-44). Nhưng sang Tân Ước, nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ở giữa Dân Ngài cách gần gũi hơn nhiều. Thiên Chúa hiện diện bằng chính bản thân và một cách hữu hình bằng xương bằng thịt (sarx), chứ không vô hình như xưa nữa[5]. Sự hiện diện thần linh của Ngài nay có một diện mạo, đã trở nên một con người để chúng ta có thể nhìn thấy “Ngôi Lời là Con Thiên Chúa đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Theo nguyên nghĩa, tiếng Hy Lạp “eskenosen” trong câu Kinh Thánh trên có nghĩa là “dựng lều, cắm lều, ở trong lều”. Tuy nhiên, theo thời gian, hình ảnh cụ thể đó dần biến đi, động từ ấy mất dần nghĩa gốc, và cuối cùng chỉ còn nghĩa đơn sơ là “ở, cư ngụ”. Dù vậy, trong Kinh Thánh, từ ấy đã trở thành từ chuyên môn để chỉ việc Thiên Chúa ở giữa loài người[6]. Vì thế, Tin Mừng theo thánh Gioan đã dùng từ ấy để nói về việc Ngôi Lời ở giữa loài người chúng ta. Như vậy, khi dùng động từ đầy tính tượng hình là “cắm lều”, một nét đặc trưng của người Do Thái du mục, tác giả Tin Mừng Gioan muốn nói rằng Ngôi Lời nhập thể chính là Lều Mới và Thánh Thể Người là Nhà Tạm mới của Giao Ước mới. Khi xưa, Thiên Chúa ngự ở Lều Hội Ngộ giữa con cái Israel trong suốt thời gian dân đi qua sa mạc tiến về Đất Hứa; nay Đức Kitô cũng ngự giữa lòng Dân mới, đồng hành với họ trên đường dương thế hướng về Thiên Quốc[7] và bằng cuộc Vượt Qua vinh hiển của Người, Người đã dẫn nhân loại đi từ bóng tối của sự chết sang ánh sáng vinh quang của sự phục sinh muôn đời.

Giáo Hội là Lều Hội Ngộ của Dân Thiên Chúa lữ hành và truyền giáo

Hiến chế Lumen Gentium mô tả Dân Thiên Chúa là đoàn người đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Kitô, cũng như đang sống thân phận lữ hành, không “định cư” ở thế gian, mà phải không ngừng tiến bước, hướng tới thời hoàn tất cánh chung (LG 14a; 48c; DV 7c; GS 39)[8]. Hiện diện trong lịch sử, Giáo Hội như là Căn Lều Hội Ngộ của dân Thiên Chúa, quy tụ những người đặt niềm tin vào Đấng Hằng Sống. Chiếc lều ám chỉ bản chất sự cư ngụ tạm thời, là trạm nghỉ chân để lấy sức cho hành trình tiến về Đất Hứa. Còn tính chất “hội ngộ” chỉ sự gặp gỡ, liên kết với nhau trong một chí hướng, niềm tin. Như vậy, Giáo Hội chính là Lều Hội Ngộ, nơi nương ẩn, điểm quy tụ cho con người trong công cuộc vượt qua thế gian này và đặc biệt là chốn bổ sức thần linh cho đoàn người đang tiến bước. Trung tâm điểm của Lều Giáo Hội là chính Thánh Thể Chúa Kitô, Đấng đã đi qua cái chết để tới vinh quang Phục Sinh. Người thực sự “cắm lều” trong niềm tin và trái tim của Giáo hội bởi vì Đấng Emmanuel, một khi đã làm người thì tiếp tục ở với nhân loại cho đến tận thế (Mt 28,20)[9].

Như vậy, Dân Mới - tức là Dân Thiên Sai, tự bản chất mang tính lữ hành và truyền giáo (Ad Gentes, 2a), phải cất cao tiếng rao truyền cho thiên hạ nghe biết Tin Mừng cứu độ. Dân Thiên Sai sẽ về tới vương quốc cánh chung, lúc mà Thiên Chúa hoàn tất đổi mới mọi sự, nhưng ngay khi còn ở Lều Tạm Giáo Hội ở dương thế này thì “phải hướng về thành đô tương lai mà con người đang tìm kiếm”. Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium nhận định Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách (SC 2). Theo viễn tượng này, Giáo Hội luôn ý thức mình không phải là một thực thể tuyệt đối, nhưng là một dụng cụ, không phải là cứu cánh nhưng là phương tiện. Giáo Hội không tìm cách thống trị, nhưng phục vụ trong tinh thần nghèo khó. Giáo Hội biết mình đang lữ hành về đất hứa, sẵn sàng, như ông già Simêon, trung thành chờ màn đêm qua đi và ánh sáng muôn dân toả chiếu[10].

Khi so sánh Giáo Hội như Căn Lều, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Giáo Hội không phải là một pháo đài đóng kín nhưng là Căn Lều đón tiếp mọi người. Ngài nhấn mạnh đến căn tính luôn luôn mở của Lều Giáo Hội”[11]. Quả vậy, Giáo hội phải là nơi cư ngụ của những người rốt cùng bởi vì họ là đối tượng ưu ái của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu không xua đuổi người giàu đi. Giáo hội không phải là ngôi nhà của một vài người, Giáo hội không có tính chọn lọc. Dân thánh trung thành của Thiên Chúa là: tất cả mọi người. Như vậy, với tuyên bố chọn lựa ưu tiên của mình là đứng về phía người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và người bị gạt ra ngoài lề xã hội trong nhân loại chúng ta, Giáo hội phải nhận ra gương mặt của Thiên Chúa trong những con người đó. Nếu chúng ta có thể nhận thấy Thiên Chúa trong gương mặt của người đói khát, người trần truồng, người đau yếu, người xa lạ và người bị giam cầm (Mt 25,31-46) như Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, “chúng ta sẽ là những người biết cảm tạ Thiên Chúa vì đã có thể gặp gỡ, yêu thương và phục vụ Chúa trong  những người ấy.”

Lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc, vì ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu” (Is 54,2-3) đã được Đức Phanxicô triển khai trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng Evangelii Gaudium với lời mời gọi “Hãy đi đến vùng ngoại biên”. Thêm vào đó, trước bối cảnh Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI, trong Tài liệu làm việc cấp châu lục, khi ý thức mình là một Căn Lều mở thì Giáo Hội đã chân nhận lệnh truyền mà Thiên Chúa muốn thể hiện nơi Giáo Hội là: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở” (Is 54,2). Chúng ta có thể hiểu rằng những người ở trong Lều là dân Thiên Chúa, là gia đình của Hội Thánh. Sở dĩ phải “Nới rộng Lều” là để dành chỗ cho những người ở ngoại vi được vào Lều. Trong căn lều của Giáo Hội luôn luôn còn chỗ và không bao giờ tuyên bố là hết chỗ. Như vậy, Hội Thánh của thiên niên kỷ thứ ba cần phải đi đến hiệp hành với những ai bị loại trừ, còn nằm ngoài Lều Giáo Hội để họ có thể vào trong cư ngụ và được tiếp sức thiêng liêng cho hành trình đạt tới cùng đích[12]. Căn lều này phải là một không gian hiệp thông, một nơi để tham gia và là nền tảng cho sứ mạng.

Sống trong mầu nhiệm Giáo Hội, thân phận hiện sinh của con người được ví như một cuộc lữ hành (Pilgrimage, Pèlerinage) tìm kiếm hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa mà ngôi nhà cần hướng tới là Lều Hội Ngộ trên trời. Bước đi giữa đoàn Dân Thánh, mỗi người chúng ta là một lữ khách, tìm kiếm nguồn năng lượng thiêng liêng trong Lều Giáo Hội. Giáo Hội là Căn Lều Hội Ngộ giúp chúng ta ý thức sự tạm bợ của đời này, sống đúng căn tính Kitô hữu của mình và luôn sẵn sàng thực hiện cuộc chuyển tâm dưới tác động của ơn Chúa, để hân hoan tiến về nhà Cha trên trời. Điều này có nghĩa là chúng ta đang cùng nhau làm một cuộc vượt qua từ Căn Lều Tạm nơi trần thế đến Ngôi nhà Thiên Quốc. Chúng ta hãy cứ vững tin vào hành trình đức tin của mình vì: “Nếu ngôi nhà của chúng ta là chiếc lều ở dưới đất bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra. Ngôi nhà Thiên Quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều nơi thế gian.” (x.2 Cr 5,1-3).



[1] X. Noberto Nguyễn Văn Khanh OFM., Thiên Chúa của Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi, Tái bản 2013, 289-309.

[2] X. Micae Trần Đình Quảng, Giáo Hội. Hình Ảnh của Ba Ngôi, Lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur, éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.139-151.

[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb.Tôn Giáo, 2016, tr. 530.

[4] Jos Hưng Đạo, OP., Ngôi Lời “cắm lều” ở giữa chúng ta, https://tgpsaigon.net/, Truy cập 05/01/2023.

[5] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan, Mai Khôi, 2004, tr. 74-75.

[6] Jos Hưng Đạo, OP., Ngôi Lời “cắm lều” ở giữa chúng ta, https://tgpsaigon.net/, Truy cập 05/01/2023.

[7] Tanila Hoàng Đắc Ánh OP., Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan, Mai Khôi 2004, tr. 74-75.

[8] Felipe Gomez, SJ., Giáo Hội Học, Tủ Sách Antôn & Đuốc Sáng, 178-180.

[9] Lm Đinh Đức Hảo, Ngôi Lời Mặc Xác Phàm, https://vietdao.org/phung-vu/ngoi-loi-mac-xac-pham. Truy cập 10/01/2023.

[10] Lm Micae Trần Đình Quảng, Giáo Hội Hình Ảnh của Ba Ngôi, Lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur, éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.139-151

[11] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Buổi tiếp kiến chung ngày 23.10.2019, tại https://www.vatican.va/content/francesco/fr/audiences/2019/documents/papa-francesco_20191023_udienza-generale.html, Truy Cập ngày 10/01/2023.

[12] Văn phòng Tổng Thư Ký HĐGMVN, Tài Liệu Làm Việc cấp Châu Lục, Giai đoạn Tiền Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI, số 10, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805