ĐƯỜNG NÊN THÁNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 HÔM NAY
Bs. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, 15/8/2021
WHĐ (14.8.2021) - Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác
lên Trời có nhiều ý nghĩa quan trọng về phương diện thần học và đời sống đức
tin, tôi chỉ chia sẻ một ánh sáng chợt đến khi suy niệm hôm nay. Ngày lễ này,
Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng Đức Maria vội vã lên đường thăm viếng và giúp đỡ,
chăm sóc người chị họ Elizabeth đang mang thai lúc tuổi già (Lc 1,39-56). Thật
bất ngờ và ngỡ ngàng! Ngày lễ Đức Mẹ Maria Hồn Xác lên Trời được Giáo Hội làm nổi
bật với cuộc lên đường của Mẹ Maria, một mình Mẹ không ngần ngại đường xá xa
xôi gập ghềnh sỏi đá của xứ Palestine để phục vụ tha nhân, cho ta thấy con đường
lên đến Trời cao chính là con đường của cuộc sống đời thường, chính là con đường
mà mỗi người chúng ta hàng ngày đi đến bệnh viện, trường học, công sở, đi gặp gỡ… tùy theo nhiệm vụ
và nghề nghiệp của mỗi người, khi con đường đó được dệt bằng tình yêu, bằng
trái tim yêu thương, bằng hành động nhân ái, bằng tấm lòng chia sẻ và liên đới.
Như thế, ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời nhắc nhớ chúng ta hướng về Trời
cao, với niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng, nhưng đồng thời cũng nhắc chúng ta
con đường dẫn tới Trời cao chính là con đường phục vụ, sẻ chia, liên đới trong
cuộc sống đời thường hiện tại.[1]
Giữa cơn đại dịch đang diễn biến khốc liệt
trên quê hương Việt Nam, cách riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), hầu hết
chúng ta phải đối diện với rất nhiều thử thách cho đời sống thường nhật về mọi
mặt, kể cả khía cạnh đức tin. Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, đoạn suy niệm
ngắn trên lại chiếu tia sáng cho mỗi người chúng ta hôm nay, trong hoàn cảnh
này, Chúa muốn chỉ cho ta con đường hướng về Trời cao như Mẹ Maria, hay nói
cách khác, con đường NÊN THÁNH hôm nay.
NHỮNG NGƯỜI TRÊN ĐƯỜNG NÊN THÁNH
Các bác sĩ (BS), y tá, nhân viên y tế đang ở
tuyến đầu chống dịch, họ đang bước vào một trận chiến thực sự, luôn có nguy cơ
bị phơi nhiễm và hy sinh cả mạng sống. Trong nhiều tháng liền, họ đã phải xa
gia đình, cha mẹ, vợ /chồng, con thơ, để giành giật từng mạng sống của các bệnh
nhân nguy kịch. Chính bản thân cũng mang nhiều nỗi lo toan và nhớ thương, nhưng
các thiên thần áo trắng vẫn nỗ lực đem lại hy vọng, niềm an ủi, sức khỏe và sự
sống cho người bệnh. Vâng, các vị là chứng nhân sống động của tình yêu tha
nhân, huynh đệ đại đồng! Các vị đã đặt quyền lợi bản thân dưới quyền lợi của
người bệnh. Các chiến sĩ áo trắng là những anh hùng thời đại. Các vị đang trên
đường NÊN THÁNH!
Đã có các chiến sĩ áo trắng quỵ ngã, như BS Lý
Văn Lượng, thuộc nhóm các bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán chết vì tham gia điều trị bệnh
nhân COVID-19. Câu thơ Anh để lại trước khi chết là lời của Thánh Phaolô:
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp
Tôi đã chạy hết chặng đường
Tôi đã giữ vững đức tin
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người
công chính (2Tm 4, 7-8a)[2]
Các tu sĩ và các tình nguyện viên ở các bệnh
viện chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, các anh chị không tránh khỏi nỗi lo
lắng, sợ hãi ban đầu: mới tiêm một mũi vaccine ngày hôm trước, hôm sau đã lên
đường, vaccine chưa kịp phát huy tác dụng; không có chuyên môn về y khoa lại tiếp
xúc trực tiếp với F0, sự an toàn của chính mình có thể gặp nguy cơ. Vâng, nỗi sợ
thật bình thường và chính đáng! Các anh chị vẫn sợ nhưng một tình yêu lớn đối với
Thiên Chúa và tha nhân đã giúp các anh chị vượt qua nỗi sợ để lên đường dấn
thân! Nếu ai cũng sợ và lùi bước thì ai sẽ xông pha chiến trận bảo vệ quê
hương, người bệnh? Các anh chị không phải là nhân viên y tế, chỉ tham gia công
tác vệ sinh phòng bệnh, thay tã, đổ bô, thay drap cho bệnh nhân, cho người bệnh
ăn và vệ sinh thân thể cho họ… công việc nhỏ nhưng với tình yêu lớn! Vâng, các
anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa! Các anh chị đang
trên đường NÊN THÁNH!
Các công nhân vệ sinh môi trường, hàng ngày âm
thầm đẩy xe rác nặng nề, tiếp xúc với
rác thải dơ bẩn và nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Các tình nguyện
viên ở tuyến đầu chống dịch, hay tham gia công tác hậu cần, đặc biệt những nơi
phong tỏa, cách ly, nhóm tài xế thiện nguyện thành lập đội xe cấp cứu 0 đồng,
chuyên chở F0 đi cách ly... khi nhận việc các anh chị quên hẳn những cảnh báo của
người thân về việc mình có thể bị nhiễm bệnh. Các anh chị đã được thúc bách bởi
một Tình Yêu. Vâng, các anh chị đang là chứng nhân sống động của tình yêu tha
nhân HƠN chính mình ! Các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!
Biết bao người Samari nhân hậu thời đại, tại
TP HCM và nhiều tỉnh thành khác, nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những
người bán vé số, lượm ve chai, xe ôm, người nghèo,... bị ảnh hưởng trong
thời gian cách ly xã hội. Từ các cha xứ đi phát lương thực từ thiện, các
siêu thị mini 0 đồng; các ATM gạo, nam sinh viên chở rau miễn phí từ Kontum về
TP HCM, anh công an hỗ trợ sản phụ trên đường đến bệnh viện phụ sản, các chiến
sĩ gặt lúa giúp dân ở khu phong tỏa, em
bé dành tiền tiết kiệm để giúp người nghèo…[3]
Thật ấm lòng! Thật đẹp thay tình người! Công việc ý nghĩa trên đời là những gì
ta làm để chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho nhau, sống
tình liên đới. Những người Samari nhân hậu thời dịch bệnh đang trên đường NÊN
THÁNH!
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa
hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa
Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ,
các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các
ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất
của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 34;37).
Có lẽ hơn bao giờ hết, giữa đau thương thử
thách, tình người lại được thắp sáng cả bầu trời.
Hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 đang đau khổ
và thậm chí đối diện với cái chết bất ngờ. Đau khổ, cách riêng là đau khổ trong
những giờ phút cuối cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa. Đau khổ quả thật là chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và hiệp nhất
với hy tế cứu độ của Ngài trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Như thánh Phaolô
nói: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống
của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10). Sự thật
này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự tin
tưởng và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta.[4]
Và như thế, các bệnh nhân đang trên đường NÊN THÁNH!
Những ngày qua hàng ngàn người bệnh nhiễm
SARS-CoV-2 chết cô độc. Karl Rahner, nhà thần học lớn thế kỷ XX đã chiêm niệm về
cái chết: “bất luận sự chết có tàn bạo, có làm con người đau khổ thế nào thì
cũng không thể hủy hoại tính cách độc lập và tự ý thức của con người. Chính nhờ
sức sống của đức tin mà chúng ta biết rằng: khi đối mặt với cái chết, con người
có thể nhìn thấu vào những giới hạn của cái chết, và chính khi ấy chân trời mới
của huyền nhiệm Thiên Chúa được khai mở, nhờ thế cuộc sống con người có được ý
nghĩa tròn đầy vĩnh viễn.” Chính thời khắc vô cùng đáng sợ của sự chết lại biến
thành thời cơ quan trọng nhất để con người tiến gần Thiên Chúa hơn.[5]
Có những người Kitô hữu hấp hối đã tỉnh thức
chờ đợi Chúa đến trong bình an, nhưng cũng có nhiều người chưa tỉnh thức sẵn
sàng. Ắt hẳn mọi người Công giáo đều biết đến câu chuyện của người trộm lành,
“Kẻ của phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một”.
Ở một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống kia có
bức tranh Chúa Phục Sinh. Bức tranh mô tả cảnh Chúa Phục sinh đang giải thoát
những người công chính thời Cựu Ước : Ngài giúp Ađam chỗi dậy khỏi mồ, Evà đang
quỳ mọp đôi tay hướng về Đấng Cứu Độ, trong khi các ngôn sứ đang diễn hành, tay
cầm biểu ngữ trên có ghi lời sấm nổi tiếng nhất của mình. Thiên đàng còn trống
vắng, chỉ một mình tên trộm lành giữa cây cối tươi tốt. Anh ta đã không có thì
giờ khoác chiếc áo cưới của những người được tuyển chọn, vẫn còn đóng cái khố của
tên tử tù, nhưng giờ đây nó lại trắng tinh, tươm tất. Anh ta là vị thánh đầu
tiên của thiên đàng, là kẻ được chính Chúa Giêsu phong thánh: “Ngay hôm nay,
anh sẽ được ở trên thiên đàng với ta”. Vì sao anh ta lại được diễm phúc như thế
? Vì hắn đã tin! Và bởi tin, hắn đã thốt lên lời cầu xin bất hủ trong giờ phút
chót: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,
42).[6]
Vậy đừng ai bỏ lỡ cơ hội phút cuối cùng: với lòng tin cậy, hãy nài xin lòng
thương xót của Chúa. Khi ấy bạn vẫn có cơ hội NÊN THÁNH!
Với gia đình có người thân qua đời vì
COVID-19, không được gặp lại nhau phút lìa đời, thật đau đớn, và chỉ nhận được
hũ tro cốt sau đó. Có người đã than thở “Nước mắt người ra đi cũng xong, nhưng
nước mắt người thân yêu còn sống chẳng biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Lệ có
khô, nhưng nước mắt chảy vào trong còn mãi, ngậm ngùi nhớ thương chẳng bao giờ
cạn.”[7]
Trong đức tin, chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ
không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những
điều cũ biến mất” (Kh 21,4). Đức Maria hồn xác về Trời, Kinh Tin Kinh tuyên
xưng niềm tin xác chúng ta ngày sau sống lại. Thân xác và linh hồn hiệp nhất với
nhau, hiện tại thân xác người thân yêu qua đời có thành tro bụi, chúng ta sẽ gặp
lại người thân, cả hồn và xác trong ngày sau hết. Trong tin yêu phó thác, hãy kết
hợp với Đức Maria dưới chân thập giá, hiệp thông với Người Con thân yêu bị các
môn đệ bỏ rơi, chết trần trụi, khi ấy, chúng ta được thông phần với hy tế cứu độ
của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta NÊN THÁNH trong vâng phục Thánh Ý Chúa Cha nhiệm
mầu.
Với các bạn trẻ thời gian cách ly xã hội, ở
trong nhà nhiều hơn, nhờ đó bạn trẻ có thể học thinh lặng và thấy được giá trị
của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu
trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, hay sống gần Chúa, gần thiên nhiên nhiều
hơn. Mỗi ngày bạn trẻ tham dự thánh lễ online, bàn học bạn trở thành bàn thờ! Bạn
hãy tạ ơn chúa và tôn vinh Ngài qua những nỗ lực học tập, mong muốn góp phần
xây dựng quê hương mai sau, và làm vinh danh Chúa hơn. Khi ấy, các bạn trẻ đang
trên đường NÊN THÁNH!
Các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn, thất nghiệp,
phải ở nhà cùng nhau 7ngày/24 giờ. Hãy dành cho nhau những lời an ủi, ân cần
chăm sóc cho nhau: “Anh/ chị em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi
gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết : đức tin có vượt qua thử thách mới
sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những
việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót
điều gì” (Gc 1,2-4). Được như thế, các anh chị đang trên đường NÊN THÁNH!
Và biết bao người nữa, mỗi người chúng ta, khi
làm một việc nhỏ cho tha nhân, cho cộng đồng với tình yêu lớn thúc bách, chúng
ta đang trên đường NÊN THÁNH.
XIN TẠ ƠN CHÚA! XIN CHÚC TỤNG VÀ NGỢI KHEN
CHÚA!
Giữa bao đau thương cuộc đời, qua Mẹ Maria,
Chúa đã chỉ cho chúng con Con đường hướng về Trời cao, con đường NÊN THÁNH của
mỗi người chúng con được hiện thực hóa trong từng hành vi, cử chỉ, chọn lựa yêu
thương trong cuộc sống đời thường.
[1] Giám Mục Nguyễn Văn Khảm, Giảng lễ Đức Mẹ
Maria Hồn Xác Lên Trời, <https://www.youtube.com/watch?v=7sKuOt9_pIo>.
[2] Đã được trích lại trong BS Trần Như Ý Lan, “KHÔNG! ANH KHÔNG CHẾT! ANH VẪN SỐNG:Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một tấm gương sáng cho bạn trẻ Công giáo”, trong Hiệp Thông, số 117, tháng 3&4 năm 2020. <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bac-si-ly-van-luong-mot-tam-guong-sang-cho-ban-tre-cong-giao-40169>
[3] Trần Huy, “Xếp hàng nhận cơm miễn phí”, <https://video.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/xep-hang-nhan-com-mien-phi-4078623.html>, (3/4/2020); Diệp Phan, “Chàng trai
chuyên chở F0”, <https://vnexpress.net/chang-trai-chuyen-cho-f0-4325371.html>, (16/7/2021); Bình Minh, “Nam sinh chở
rau miễn phí từ Kon Tum về Sài Gòn”, <https://vnexpress.net/nam-sinh-cho-rau-mien-phi-tu-kon-tum-ve-sai-gon-4330619.html>, (26/7/2021).
[4] Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức
và Tôn Giáo cho các Dịch Vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo”, 2009, Dẫn Nhập Tổng
Quát. <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ht-100-chi-dan-dao-duc-va-ton-giao-khi-cham-soc-benh-nhan-31836>
[5] Trích trong Vũ Kim Chính, Nhân Thần Hội Ngộ: Quan điểm thần học của
Karl Rahner, Nguyễn Phước Bảo Ân chuyển ngữ từ bản tiếng Hoa, (Nhà Xuất bản
Hồng Đức, 2019), t.71.
[6] “Người Trộm Lành: Kẻ
của phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một”, <http://www.caimon.org/Songdao/Suyniem_ngayle/MuaPSinh/tromlanh.htm>
[7] Hàn Cư Sĩ, “Ra đi trong cô đơn và cô độc”, <https://dongten.net/2021/08/12/ra-di-trong-co-don-va-co-doc/>