CÁC CHỈ DẪN ĐẠO ĐỨC VÀ TÔN GIÁO CHO CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÔNG GIÁO
(Ấn bản lần thứ năm 2009 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ)
Nội Dung
Lời tựa
Dẫn Nhập Tổng Quát
Phần Một: Trách Nhiệm Xã Hội của Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo
Phần Hai: Trách Nhiệm Mục Vụ và Thiêng Liêng củaChăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo
Phần Ba: Tương Quan giữa Nhân viên Y tế và Bệnh Nhân
Phần Bốn: Các Vấn Đề trong Chăm Sóc Lúc Khởi Đầu Đời Sống
Phần Năm: Các Vấn Đề trong Chăm SócLúc Bệnh Nặng và Cận Tử
Phần Sáu: Thiết Lập các Hợp Tác Mới với Các Tổ Chức Chăm Sóc Sức Khỏe và
Các Nhà Cung Cấp Khác
Kết Luận
Lời Tựa
Việc chăm
sóc sức khỏe (CSSK) ở Hoa Kỳ được đánh dấu bởi sự thay đổi lớn lao. Không chỉ
có sự thay đổi liên tục trong thực hành lâm sàng do tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà
cả hệ thống CSSK tại Hoa Kỳ cũng đang bị thách thức bởi các nhân tố mang tính
tổ chức và xã hội nữa. Đồng thời, có một số phát triển trong Giáo hội Công giáo
ảnh hưởng đến sứ mạng CSSK của Giáo hội (GH). Trong số này phải kể đến các thay
đổi quan trọng trong các Dòng tu và Tu hội đời, giáo dân nam và nữ ngày càngtham
gia vào đời sống GH, sự ý thức ngày càng rộng lớn của GH về vai trò của mình
trong thế giới và việc phát triển thần học luân lý từ sau Công Đồng Vatican II.
Một cách hiểu mới về sứ vụ Chăm Sóc Sức Khỏe mang tính Công Giáo phải tính đến các
thách thức mới do GH và xã hội Hoa Kỳ đặt ra.
Qua các thế
kỷ, với sự trợ giúp của các khoa học khác, một hệ thống các nguyên tắc luân lý
đã được hình thành. Hệ thống này diễn tả giáo huấn của GH về các vấn đề y tế và
luân lý. Hệ thống này tỏ ra thích hợp và có thể áp dụng vào các hoàn cảnh CSSK
vốn không ngừng thay đổi. Để đáp ứng với các thách đố ngày nay, chính những
nguyên tắc luân lý này trong giáo huấn của GH cung cấp nền tảng và định hướng
cho việc cải tổ “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức
Khỏe Công giáo”.
Các Chỉ Dẫn
này giả thiết bản công bố “Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe” xuất bản năm 1981.[1]
Bản công bố đó trình bày các nguyên tắc thần học hướng dẫn cái nhìn của GH về
chăm sóc sức khỏe, mời gọi tất cả các tín hữu tham gia sứ mạng chữa lành của
GH, diễn tả việc dấn thân trọn vẹn của các tín hữu đối với sứ vụ CSSK và khích
lệ tất cả những ai có liên quan. Giờ đây, khi việc CSSK tại Hoa Kỳ đang đối
diện với những thay đổi sâu xa hơn, chúng tôi tái khẳng định việc dấn thân của
GH với sứ vụ CSSK và căn tính riêng của GH trong các cơ sở CSSK của mình.[2]
Mục đích của “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo” nhắm vào hai khía cạnh: một là
tái khẳng định các tiêu chuẩn đạo đức về cách hành xử trong việc CSSK xuất phát
từ giáo huấn của GH về phẩm giá con người; hai là đưa ra những Chỉ Dẫn có thẩm
quyền về một số vấn đề luân lý mà việc CSSKCG ngày nay đang phải đối diện.
“Các Chỉ Dẫn
Đạo Đức và Tôn Giáo” cách chính yếu nhắm đến các dịch vụ CSSK xuất phát từ các
tổ chức Công giáo. Các chỉ dẫn này dành cho những người tài trợ, ủy thác, quản
trị, tuyên úy, bác sĩ, đội ngũ cán bộ y tế, và bệnh nhân hay cư dân thuộc các
cơ sở cung cấp dịch vụ này. Vì chúng diễn tả giáo huấn luân lý của GH, các chỉ
dẫn này cũng hữu ích cho các chuyên viên Công giáo tham gia vào các dịch vụ
CSSK trong các hoàn cảnh khác nhau. Các giáo huấn về luân lý mà chúng tôi đưa
ra ở đây xuất phát chủ yếu từ luật tự nhiên, hiểu trong ánh sáng mặc khải của
Chúa Kitô đã được ủy thác cho GH. Từ nguồn sáng này, GH có được sự hiểu biết về
bản chất của con người, về hành vi nhân linh vàcùng đích chi phối việc hình
thành nên các hoạt động của con người.
Các chỉ dẫn
này đã được gạn lọc qua một quá trình dài bàn thảo với các Giám mục, thần học
gia, người tài trợ, quản trị, bác sĩ và các người liên quan đến việc CSSK.
Trong khi cung cấp những tiêu chuẩn và hướng dẫn, các Chỉ Dẫn này không bao hàm
cách chi tiết các vấn đề phức tạp mà CSSKCG đang phải đối diện ngày nay. Hơn
nữa, các Chỉ Dẫn này sẽ được HĐGM Hoa Kỳ (trước đây là Hội Đồng Quốc gia các
Giám Mục Công giáo), xem xét lại cách định kỳ trong ánh sáng Giáo huấn có thẩm
quyền của GH, để cập nhật những soi sáng mới đến từ các nghiên cứu về thần học
và y khoa hay những đòi hỏi mới đến từ các chính sách cộng đồng.
Các Chỉ Dẫn
bắt đầu với phần giới thiệu tổng quát về nền tảng thần học cho dịch vụ CSSKCG.
Mỗi mục trong sáu mục tiếp theo đều gồm hai phần. Phần đầu là phần trình bày
chung; phần này như phần giới thiệu và cung cấp bối cảnh nơi đó các vấn đề cụ
thể sẽ được bàn luận theo cái nhìn đức tin Công giáo. Phần hai là phần mô tả;
các Chỉ Dẫn thăng tiến và bảo vệ các chân lý đức tin Công giáo vì các chân lý
đó có liên quan chặt chẽ tới các vấn đề cụ thể của dịch vụ CSSK.
Dẫn Nhập Tổng Quát
GH luôn tìm
cách thể hiện quan tâm của Đấng Cứu Độ đối với người bệnh. Các trình thuật Tin
Mừng về sứ vụ của Chúa Giêsu chú trọng khá nhiều đến hành động chữa lành của
Người: Người chữa lành người phong hủi (Mt 8, 1-4; Mc 1, 40-42); Người chữa
lành hai người mù (Mt 20, 29-34; Mc 10, 46-52); Người làm cho người câm nói
được (Lc 11, 14); Người chữa lành người phụ nữ băng huyết (Mt 9, 20-22; Mc 5,
25-34); và Người làm cho một bé gái sống lại (Mt 9, 18. 23-25; Mc 5, 35-42).
Thực vậy, Tin Mừng có nhiều câu chuyện về việc Chúa chữa mọi thứ bệnh hoạn tật
nguyền (Mt 9, 35). Trong Tin Mừng Mát-thêu, sứ vụ Chúa Giêsu ứng nghiệm lời
tiên tri Isaia: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh
hoạn của ta” (Mt 8, 17; x. Is 53, 4).
Sứ mạng chữa
lành của Chúa Giêsu đi xa hơn việc chữa lành bệnh tật thể lý. Người chạm đến
con người ở phần hiện hữu sâu xa nhất của họ; Người tìm cách chữa lành họ về
phần xác, tinh thần và thiêng liêng (Ga 6, 35; 11, 25-27). Người “đến để họ
được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).
Mầu nhiệm
Chúa Kitô chiếu sáng trên mọi khía cạnh của dịch vụ CSSKCG: xem tình yêu là
nguyên tắc sống động của dịch vụ CSSK; xem việc chữa lành và lòng thương cảm là
việc nối dài sứ mạng của Chúa Kitô; xem đau khổ như sự tham gia vào sức mạnh
cứu độ của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa; và xem sự chết,
được biến đổi nhờ sự phục sinh, như cơ hội cho hành vi cuối cùng hiệp thông với
Chúa Kitô.
Với người Kitô hữu, đau khổ và cái chết mang một ý nghĩa tích cực và riêng
biệt nhờ sức mạnh cứu độ nơi sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu. Như thánh
Phaolô nói, “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để
sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4, 10).
Sự thật này tuy không làm vơi đi nỗi đau và sự sợ hãi, nhưng cho chúng ta sự
tin tưởng và ân sủng để mang lấy sự đau khổ thay vì để nó đè bẹp chúng ta. Sứ vụ
CSSKCG làm chứng cho sự thật đó là với những ai ở trong Chúa Kitô, đau khổ và
cái chết chỉ là cơn đau đớn trong lúc sinh ra một tạo thành mới. “Người sẽ cư
ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở
cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng
còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21, 3-4).
Trong việc trung tín noi gương Chúa Giêsu, GH trong lịch sử đã phục vụ những
người bệnh tật, khổ đau và những người cận kề cái chết bằng nhiều cách khác
nhau. Sự phục vụ tận tâm của các cá nhân cũng như cộng đoàn đã cho người lữ
hành có chỗ trú đêm; cho người đau yếu có bệnh viện; cho trẻ em, người lớn và
người già có nhà ở.[3]
Ở Hoa Kỳ, các cộng đoàn tu trì cũng như các giáo phận có tài trợ và cung cấp
nhân viên cho các cơ sở CSSKCG đều thể hiện một sự hiện diện mang tính Công
giáo đầy hiệu quả trong dịch vụ CSSK. Bắt chước người Samari nhân hậu trong Tin
Mừng, các cộng đoàn tu này đã thể hiện tình thân cận đích thực với những ai
đang cần đến (Lc 10, 25 -37). GH luôn cố gắng để đảm bảo rằng những gì được làm
ở quá khứ sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Trong khi nhiều cộng đoàn tu sĩ tiếp tục dấn thân cho sứ vụ CSSK, giáo dân
đang cộng tác ngày càng một mạnh dạn hơn trong sứ vụ này. Được gợi hứng từ
gương Chúa Giêsu và cũng là mệnh lệnh của Công đồng Vatican II, giáo dân được mời
gọi hướng đến các sứ vụ rộng lớn hơn và thách đố hơn so với quá khứ.[4]
Qua Bí tích Rửa tội, giáo dân được mời gọi tham gia cách năng động vào đời sống
và sứ mạng của GH.[5]
Sự tham gia và lãnh đạo của họ trong dịch vụ CSSK, ngang qua các hình thức tài
trợ và quản trị mới của các cơ sở CSSKCG, có tính thiết yếu đối với GH trong việc
tiếp tục sứ vụ chữa lành và thương xót của mình. Họ cũng nhận được sự hợp tác từ
nhiều người ngoài Công giáo trong dịch vụ CSSK của GH.
Dịch vụ CSSKCG diễn tả cách đặc biệt sứ vụ chữa lành của Chúa Kitô trong GH
địa phương. Nơi đó, Giám mục địa phận thi hành trách nhiệm trong nhiệm vụ của
mình như người mục tử, thầy dạy và tư tế. Như là trung tâm nối kết trong giáo
phận và là người điều phối các sứ vụ tại GH địa phương, Giám mục địa phận nuôi
dưỡng sứ mạng CSSKCG theo cách thức đẩy mạnh sự cộng tác giữa những người lãnh
đạo về CSSK, người cung ứng và các bác sĩ, thần học gia, và các chuyên gia
khác. Là mục tử, Giám mục địa phận có một vị thế đặc biệt trong việc khuyến
khích giáo dân đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong sứ vụ chữa lành của GH. Là thầy
dạy, Giám mục địa phận đảm bảo rằng trong giáo phận mình, căn tính luân lý và
tôn giáo của sứ vụ CSSK phải được thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Là tư tế, Giám
mục địa phận giám sát việc chăm sóc thiêng liêng cho các bệnh nhân. Các trách
nhiệm này đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ CSSKCG và Giám mục địa phận phải dấn
thân vào việc đối thoại về các vấn đề đạo đức và mục vụ mà Giám mục thấy cần
chú ý.
Trong thời đại có nhiều khám phá mới về y học, với nhiều tiến bộ nhanh
chóng về kỹ thuật, cùng với nhiều thay đổi nơi xã hội, mọi cái mới đều có thể
hoặc là cơ hội cho một sự thăng tiến đích thực văn hóa con người hoặc có thể dẫn
tới các chính sách và hành động đi ngược lại với phẩm giá đích thực và ơn gọi của
con người. Trong việc tham vấn với các chuyên gia y tế, các vị lãnh đạo GH cần
xem xét những sự phát triển này, đánh giá chúng theo các nguyên tắc của lý trí
đúng đắn và tiêu chuẩn tối cao của chân lý mặc khải, và đưa ra các chỉ dẫn và
giáo huấn có thẩm quyền về trách nhiệm luân lý và mục vụ mà đức tin Công giáo
đòi buộc.[6]
Tuy GH không thể cung cấp câu trả lời có sẵn cho mọi nan giải về luân lý, nhưng
GH có thể cung ứng nhiều chỉ dẫn và đường hướng có tính chuẩn mực. Khi không có
quyết định của Huấn quyền, nhưng không trái với giáo huấn của GH, các chỉ dẫn của
những vị đã được GH chấp nhận có thể cho chúng ta các hướng dẫn thích hợp về việc
đưa ra các quyết định liên quan đến đạo đức.
Được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, gia đình nhân loại cũng chia sẻ việc
cai quản chăm sóc mà Đức Kitô thể hiện trong sứ vụ chữa lành. Việc chia sẻ này
bao hàm việc phục vụ mọi thụ tạo (Ga, 26),mà không lạm dụng hay làm suy kiệt những
nguồn tài nguyên tự nhiên. Qua khoa học, con người đi đến việc hiểu được công
trình tuyệt vời của Thiên Chúa; và qua kỹ thuật, nhân loại phải giữ gìn, bảo vệ
và hoàn thiện tự nhiên trong sự hòa hợp với mục đích của Thiên Chúa. Các chuyên
viên CSSK theo đuổi một ơn gọi đặc biệt đó là chia sẻ công trình trao ban sự sống
và chữa lành của Chúa.
Việc đối thoại giữa y khoa và đức tin Kitô giáo nhắm chủ yếu đến lợi ích
chung của toàn nhân loại. Điều này giả thiết khoa học và đức tin không trái ngược
nhau. Cả hai đều đặt nền trên sự tôn trọng chân lý và tự do. Khi tri thức và
công nghệ phát triển, mỗi người phải hình thành một lương tâm đúng đắn dựa trên
những quy phạm luân lý đối với việc CSSK đúng đắn.
PHẦN MỘT
TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA
CÁC DỊCH VỤ CSSKCG
Dẫn Nhập
Lòng khao khát chia sẻ sứ mạng chữa lành của Chúa Giêsu đã khiến cho các dịch
vụ CSSKCG tại Hoa Kỳ trở nên một phần không thể tách rời khỏi hệ thống CSSK quốc
gia. Ngày nay, hệ thống CSSK phức tạp này đang đối diện với nhiều thách thức có
tính luân lý, xã hội cũng như kinh tế và khoa học kỹ thuật. Những nguyên tắc hướng
dẫn sứ mạng chữa lành của GH sẽ giúp các cơ sở CSSKCG có các bước đi thích hợp
trước các thách đố này.
Trước hết, sứ vụ CSSKCG bắt nguồn từ một sự dấn thân nhằm thăng tiến và bảo
vệ phẩm giá con người; đây là nền tảng cho việc chú tâm đến việc tôn trọng tính
thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết. Quyền trên
hết của con người, quyền được sống, kéo theo quyền có được những phương tiện để
đạt đến sự phát triển thích hợp trong đời sống, ví dụ như việc CSSK đầy đủ.[7]
Thứ hai, mệnh lệnh của Tin Mừng phải chăm sóc cho người nghèo đòi buộc
chúng ta diễn tả bằng hành động cụ thể ở mọi cấp độ trong việc CSSKCG. Mệnh lệnh
này thúc giục chúng ta dấn thân để bảo đảm rằng hệ thống CSSK quốc gia đáp ứng
đầy đủ nhu cầu của người nghèo. Trong
các cơ sở Công giáo, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến nhu cầu CSSK của người
nghèo, người không có bảo hiểm y tế hay những người chỉ được bảo hiểm một phần.[8]
Thứ ba, dịch vụ CSSKCG tìm cách đóng góp cho lợi ích chung. Lợi ích chung
có được khi các điều kiện về kinh tế, chính trị và xã hội đảm bảo được những
quyền căn bản của mọi cá nhân và giúp mọi người có thể đạt được mục tiêu căn bản
của họ cũng như đạt đến những mục tiêu chung.[9]
Thứ bốn, dịch vụ CSSKCG phục vụ cách có trách nhiệm với các nguồn lực CSSK
hiện có. Một hệ thống CSSK công bằng phải quan tâm đến cả việc thăng tiến sự
bình đẳng – bảo đảm rằng quyền của mỗi người đối với việc CSSK căn bản phải được
tôn trọng – và việc thăng tiến sức khỏe của toàn thể cộng đồng. Việc phục vụ một
cách có trách nhiệm đối với những nguồn lực CSSK có thể được hoàn thành cách tốt
nhất trong sự đối thoại với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, theo các
nguyên tắc bổ trợ đi kèm với việc tôn trọng các nguyên tắc luân lý hướng dẫn
các cơ sở và cá nhân.
Thứ năm, trong một xã hội đa nguyên, các dịch vụ CSSKCG phải đối diện với
các biện pháp y khoa trái với giáo huấn về luân lý của GH. Khi từ chối cung cấp
hay cho phép các biện pháp y khoa mà giáo huấn của giáo hội xét thấy sai trái về
mặt luân lý, dịch vụ CSSKCG không vi phạm các quyền thuộc lương tâm cá nhân.
Các Chỉ Dẫn
1. Một cơ sở CSSKCG là một cộng đoàn cung cấp dịch vụ CSSK cho những ai cần
đến. Các dịch vụ này phải có động lực là Tin Mừng Chúa Giêsu và được hướng dẫn
bởi truyền thống luân lý của GH.
2. Dịch vụ CSSKCG phải có đặc nét là tinh thần tôn trọng lẫn nhau nơi nhân
viên; tinh thần này giúp nhân viên có cách hành xử theo tinh thần thương xót của
Chúa Kitô với những ai họ phục vụ cũng như gia đình của họ đồng thời có được sự
nhạy bén trước những người dễ bị tổn thương trong những lúc họ cần được giúp đỡ
đặc biệt.
3. Theo sứ mạng của mình, dịch vụ CSSKCG phải nổi bật trong khía cạnh phục
vụ và bênh vực những ai mà xã hội gạt ra bên lề và khiến họ dễ là nạn nhân của
việc phân biệt đối xử: người nghèo, người không có bảo hiểm hay chỉ bảo hiểm một
phần; trẻ em và thai nhi; những người mẹ đơn thân, người già; những người mắc bệnh
nan y và những ai phải dùng thuốc suốt đời; người dân tộc thiểu số, người nhập
cư và tỵ nạn. Cách riêng, những người bị thiểu năng về trí não hay thể chất, bất
kể thuộc nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ nào, đều phải được đối xử như những
ngôi vị duy nhất, có giá trị tuyệt đối, có cùng một quyền đối với sự sống và với
dịch vụ CSSK đầy đủ như mọi người khác.
4.Một cơ sở CSSKCG, đặc biệt là bệnh viện có nhiệm vụ giảng dạy, sẽ thăng
tiến việc nghiên cứu y khoa cách nhất quán với sứ mạng CSSK của mình và với việc
lưu tâm đến việc phục vụ cách có trách nhiệm đối với các nguồn lực CSSK. Các
nghiên cứu y học như thế phải theo sát với các nguyên tắc luân lý Công giáo.
5. Các dịch vụ CSSKCG phải xem những Chỉ Dẫn này như chính sách, đòi hỏi phải
tuân theo và coi chúng như là điều điện để sắp đặt các ưu tiên trong y khoa và
việc tuyển dụng nhân viên; các chỉ dẫn này cũng cung cấp những hướng dẫn thích
hợp liên quan tới các hướng dẫn về quản trị, đội ngũ bác sĩ, y tá, và các nhân
viên khác.
6. Một tổ chức CSSKCG phải phục vụ cách có trách nhiệm đối với các nguồn lực
CSSK có sẵn. Việc cộng tác với các nhà cung cấp dịch vụ CSSK khác, theo những
cách thế không làm phương hại đến giáo huấn về xã hội và luân lý của GH, có thể
là một phương tiện hiệu quả cho việc phục vụ như thế.[10]
7. Một cơ sở CSSKCG phải đối xử với nhân viên cách tôn trọng và công bằng.
Trách nhiệm này bao gồm: sự bình đẳng về cơ hội làm việc cho mọi người có đủ khả
năng, không tính đến chủng tộc, giới tính, tuổi tác, quốc tịch hay khuyết tật;
một nơi làm việc khuyến khích sự tham gia của nhân viên; một môi trường làm việc
bảo đảm sự an toàn cho nhân viên; sự đền bù và trả lương công bằng; nhìn nhận
các quyền của nhân viên trong việc tổ chức và và thương thuyết cách tập thể với
cơ sở họ làm việc miễn là không có phương hại với lợi ích chung.
8. Các cơ sở CSSKCG có một tương quan đặc biệt với cả GH và cộng đồng mà họ
phục vụ. Vì bản chất tương quan này mang tính GH, các đòi buộc liên quan đến
giáo luật phải được tuân giữ khi thiết lập một cơ sở CSSKCG mới; khi xem xét lại
toàn bộ sứ mạng của một cơ sở; và khi bán, chuyển nhượng, tài trợ, hay đóng cửa
một cơ sở.
9. Các nhân viên trong cơ sở CSSKCG phải tôn trọng và theo đuổi sứ mạng tôn
giáo của tổ chức đó và theo sát các Chỉ Dẫn. Họ phải duy trì tiêu chuẩn chuyên
môn và thăng tiến việc dấn thân của tổ chức đó đối với nhân phẩm và công ích.
PHẦN HAI
TRÁCH NHIỆM THIÊNG
LIÊNG VÀ MỤC VỤ CỦA DỊCH VỤ CSSKCG
Dẫn Nhập
Phẩm giá của sự sống con người xuất phát từ việc được dựng nên theo hình ảnh
Thiên Chúa (St 1, 26), từ việc Chúa Giêsu cứu độ (Ep1, 10; 1 Tm 2, 4-6), và từ
cùng đích chung của chúng ta là chia sẻ đời sống với Thiên Chúa vượt ra khỏi mọi
sự hư nát (1Cr 15, 42-57). Trước những ai cần đến, cơ sở CSSKCG có trách nhiệm
đối xử theo một cách thế thấm nhuần việc tôn trọng nhân phẩm và cùng đích vĩnh
cửu dành cho tất cả. Những lời Chúa Giêsu đã khích lệ việc CSSKCG: “Ta đau ốm,
các ngươi chăm sóc” (Mt 25, 36). Việc chăm sóc như thế sẽ giúp những ai cần đến
có thể cảm nghiệm được phẩm giá và giá trị của chính họ, nhất là khi những điều
này bị lu mờ trước gánh nặng bệnh tật hay lo lắng về cái chết sắp đến.
Vì một cơ sở CSSKCG là một cộng đoàn chữa lành và nhân ái, việc phục vụ
theo đó không giới hạn vào việc chữa trị bệnh tật thể lý nhưng bao hàm cả các
khía cạnh tâm lý xã hội và thiêng liêng của mỗi con người. Chuyên môn y khoa mà
cơ sở CSSKCG cung cấp được kết nối với các hình thức chăm sóc khác để thăng tiến
sức khỏe và xoa dịu nỗi khổ đau của con người. Vì lý do này, dịch vụ CSSKCG
cũng hướng đến bản chất thiêng liêng của con người. “Thiếu vắng sức khỏe tinh
thần, công nghệ cao tập trung sát sao vào thể xác sẽ cho rất ít hy vọng trong
việc chữa lành con người toàn diện”.[11]
Vì hướng đến những nhu cầu thiêng liêng vốn là những điều được trân trọng nhiều
hơn trong lúc ốm đau, việc chăm sóc mục vụ là phần không thể thiếu trong dịch vụ
CSSKCG. Chăm sóc mục vụ bao hàm rất nhiều công việc thiêng liêng, bao gồm cả việc
hiện diện và lắng nghe bệnh nhân; việc giúp bệnh nhân đối diện với sự bất lực,
sự đau đớn, lẫn trí của họ; và việc trợ giúp họ nhận ra và tuân theo thánh ý
Chúa với niềm vui và bình an lớn hơn. Tất nhiên phải nhìn nhận rằng tiến bộ về
khoa học kỹ thuật trong y khoa đã giảm thiểu thời gian nằm viện cách đáng kể.
Vì thế việc chăm sóc mục vụ cho bệnh nhân, cách riêng là các bí tích, nói chung
phải được cung cấp ở cấp độ Giáo xứ, cả trước và sau khi một người vào viện. Vì
lý do này, điều rất quan trọng là phải có những mối liên hệ thân thiết và đầy
tính hợp tác giữa các nhân viên thuộc văn phòng chăm sóc mục vụ và các giáo sĩ
và thừa tác viên địa phương.
Linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân là những người thực thi những vai trò
tuy khác biệt nhưng bổ trợ lẫn nhau trong việc chăm sóc mục vụ này. Vì nhiều
lãnh vực trong việc chăm sóc mục vụ cần đến sự cộng tác cách sáng tạo từ các
nhân viên chăm sóc mục vụ trước các nhu cầu cụ thể của bệnh nhân hay cư dân,
các chỉ dẫn sau đây chỉ bàn đến một số giới hạn các hoạt động mục vụ cụ thể.
Các Chỉ Dẫn
10. Một tổ chức CSSKCG phải cung cấp việc chăm sóc mục vụ để đáp ứng các
nhu cầu tôn giáo và thiêng liêng của tất cả những người cơ sở ấy phục vụ. Nhân
viên chăm sóc mục vụ - giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân – phải có sự chuẩn bị
chuyên môn thích hợp, bao gồm cả việc hiểu các Chỉ Dẫn này.
11. Nhân viên chăm sóc mục vụ phải làm việc trong sự hợp tác chặt chẽ với
giáo xứ địa phương và cộng đoàn tu sĩ. Các hình thức chăm sóc mục vụ thích hợp
và/hoặc việc thuyên chuyển đến người thích hợp khác phải có sẵn cho những ai cần
đến và phải phù hợp với niềm tin tôn giáo và lòng đạo đức của họ.
12. Với bệnh nhân Công giáo, việc giúp họ lãnh nhận các bí tích là một phần
rất quan trọng trong dịch vụ CSSKCG. Phải hết sức nỗ lực để có linh mục hiện diện
nơi bệnh viện và các cơ sở CSSK để cử hành bí tích Thánh Thể và giúp bệnh nhân
và nhân viên lãnh nhận các bí tích.
13. Phải chú ý cách đặc biệt đến việc tạo điều kiện và giới thiệu cho bệnh
nhân lãnh nhận bí tích hòa giải.
14. Các tín hữu Công giáo được chuẩn bị tốt có thể được chỉ định làm thừa
tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa, theo như Giáo luật và quy định của
giáo phận địa phương. Họ phải giúp đội ngũ chăm sóc mục vụ - giáo sĩ, tu sĩ và
giáo dân – qua việc thăm viếng nâng đỡ, nhắc nhở bệnh nhân về sự có mặt của các
cha để giải tội, và trao Mình Thánh cho những ai yêu cầu.
15. Để đáp ứng các mong muốn của bệnh nhân, những ai tham gia vào việc chăm
sóc mục vụ nên lo sao để có linh mục để ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân, với ý thức
rằng qua Bí tích này, Chúa Kitô ban ơn và trợ giúp những ai đau ốm nặng hay yếu
đi vì tuổi tác. Thông thường, Bí tích này được cử hành khi đương sự còn tỉnh
táo. Cũng có thể ban Bí tích này cho những ai đã bất tỉnh hay không còn có thể
sử dụng lý trí, nếu có lý do để tin rằng họ mong muốn điều ấy khi còn tỉnh.
16. Mọi người Công giáo có khả năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa nên lãnh nhận
Của Ăn Đàng khi nguy tử, trong khi họ còn làm chủ được mình.[12]
17. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp (nguy tử), mọi yêu cầu rửa tội cho người
lớn hay trẻ em đều phải chuyển đến cho vị tuyên úy cơ sở. Trẻ sơ sinh trong
tình trạng nguy tử, bao gồm cả trường hợp sẩy thai, phải được rửa tội nếu như
có thể.[13]
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu không có linh mục hay phó tế, mọi người đều có
thể rửa tội.[14]
Trong trường hợp rửa tội khẩn cấp, vị tuyên úy hay giám đốc ban chăm sóc mục vụ
phải được thông báo.
18. Trong trường hợp người Công giáo đã được rửa tội nhưng chưa lãnh Bí
tích Thêm sức và rơi vào tình trạng nguy tử, mọi linh mục có thể trao ban Bí
tích Thêm sức cho người ấy.[15]
19. Một danh sách các trường hợp được ban Bí tích Rửa tội hay Thêm sức phải
được gửi tới giáo xứ nơi cơ sở tọa lạc và đồng thời được gắn trên bảng rửa tội/thêm
sức tại cơ sở.
20. Quy định của GH nói chung quy định chỉ người Công giáo mới lãnh nhận
các bí tích. Theo Giáo luật số 844, mục 3, các thừa tác viên Công giáo có thể
ban các Bí tích Thánh thể, Giải tội và Xức dầu bệnh nhân cho các thành viên của
Giáo hội Đông phương vốn là những người không có sự hiệp thông hoàn toàn với
Giáo hội Công giáo, hoặc các giáo hội khác mà theo nhận xét của Tòa Thánh có
cùng tình trạng như các Giáo hội Đông phương, nếu những người đó xin các bí
tích cho chính họ và có thái độ xứng hợp.
Đối với các Kitô hữu khác không có sự hiệp thông trọn vẹn với GH Công giáo,
trong trường hợp nguy tử, hay trường hợp vô cùng khẩn thiết, bốn điều kiện
trong giáo luật 844, mục 4, cũng phải có, nghĩa là họ không có thừa tác viên
trong cộng đoàn của họ; chính họ xin bí tích cho họ; họ diễn tả đức tin Công
giáo trong các bí tích này; và họ có thái độ xứng hợp. Giám mục địa phận có
trách nhiệm giám sát thực hành mục vụ này.
21. Việc chỉ định linh mục hay phó tế vào đội ngũ chăm sóc mục vụ thuộc cơ
sở Công giáo phải có sự chấp thuận minh nhiên hay sự chuẩn nhận của Giám mục địa
phương trong sự cộng tác với việc điều hành cơ sở đó. Việc chỉ định giám đốc đội
ngũ chăm sóc mục vụ phải được tiến hành qua việc bàn thảo với Giám mục địa phận.
22. Vì lợi ích của các mối tương quan mang tính đại kết và đối thoại tôn
giáo, phải có một chính sách thuộc cấp giáo phận nhắm tới việc chỉ định các
thành viên không Công giáo vào đội ngũ chăm sóc mục vụ trong cơ sở CSSKCG. Vị
giám đốc ban chăm sóc mục vụ tại cơ sở Công giáo phải là người Công giáo; mọi
ngoại lệ với quy tắc này phải có sự chấp thuận của Giám mục giáo phận.
PHẦN BA
TƯƠNG QUAN GIỮA NHÂN
VIÊN Y TẾ VÀ BỆNH NHÂN
Dẫn Nhập
Người cần chăm sóc sức khỏe và nhân viên chăm sóc - người chấp nhận người
kia như là bệnh nhân, thiết lập một tương quan trước hết đòi hỏi sự tôn trọng lẫn
nhau, sự tin tưởng, chân thực, và việc bảo mật cách đúng đắn. Trong việc trao đổi
thông tin tự do khi chữa trị phải tránh việc lạm dụng, gây tổn thương hay coi
thường. Một tương quan như thế sẽ giúp bệnh nhân nói ra các thông tin cá nhân cần
thiết cho việc chăm sóc có hiệu quả và cho phép người chăm sóc sử dụng khả năng
chuyên môn cách hiệu quả nhất để duy trì hay phục hồi sức khỏe bệnh nhân. Cả
nhân viên và bệnh nhân không ai hành xử cách độc lập với người kia; cả hai đều
tham gia vào cùng một tiến trình chữa lành.
Ngày nay, một bệnh nhân thường nhận sự chăm sóc từ một đội ngũ nhân viên,
cách riêng trong bối cảnh chăm sóc đặc biệt của bệnh viện hiện đại. Nhưng việc
có nhiều mối tương quan không làm thay đổi tính chất cá nhân của các tương tác
giữa người chăm sóc và người bệnh. Tương quan giữa bệnh nhân và những người
chăm sóc là nền tảng quan trọng giúp cho việc chẩn đoán và chăm sóc được tốt đẹp
và có hiệu quả. Việc chẩn đoán và chăm sóc, vì thế kéo theo một loạt các quyết
định liên quan đến các khía cạnh đạo đức và y khoa. Nhân viên chăm sóc y tế phải
có tri thức và kinh nghiệm hầu có thể đạt được mục tiêu chữa trị, duy trì sức
khỏe, và chăm sóc nhân ái với người đang bệnh nặng, đồng thời lưu tâm đến niềm
xác tín và nhu cầu thiêng liêng của bệnh nhân, và các trách nhiệm luân lý của
những ai liên quan. Người cần chăm sóc sức khỏe phải phụ thuộc vào kỹ năng nơi
chuyên viên chăm sóc hầu có thể duy trì và cải thiện sức khỏe thể lý, tâm trí,
và tinh thần. Bệnh nhân có trách nhiệm dùng các nguồn lực thể lý và tâm trí để
hướng đến các mục đích thiêng liêng và luân lý cách hết sức có thể.
Khi chuyên viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân sử dụng cơ sở CSSKCG, họ
cũng chấp nhận thực tế rằng tổ chức này sống sát với cách hiểu của GH vềphẩm
giá con người, và việc làm chứng cho điều ấy. Giáo huấn luân lý của GH về việc
CSSK nuôi dưỡng mối tương quan giữa chuyên viên y tế và bệnh nhân mang tính
liên vị đích thực nhất. Như thế, mối tương quan giữa chuyên viên và bệnh nhân
không bao giờ tách biệt khỏi căn tính Công giáo của cơ sở CSSK. Đức tin, điều gợi
hứng cho việc CSSKCG, sẽ hướng dẫn các quyết định liên quan đến y khoa theo những
cách thế hoàn toàn tôn trọng phẩm giá con người và tôn trọng mối liên hệ với
chuyên viên chăm sóc.
Các Chỉ Dẫn
23. Phẩm giá tự nhiên của mỗi người phải được tôn trọng và bảo vệ, bất kể sức
khỏe và địa vị của người ấy có như thế nào. Việc tôn trọng phẩm giá con người
phải trải rộng tới mọi người thuộc cơ cở CSSKCG.
24. Trong sự hòa hợp với luật địa phương, cơ sở CSSKCG sẽ cho bệnh nhân biết,
theo luật của nơi họ sống, những thông tin về quyền của họ đối với việc đưa ra
các hướng dẫn khi họ còn tỉnh táo về cách thức họ muốn chữa trị trong tương
lai. Tuy nhiên, cơ sở Công giáo sẽ không chấp nhận các hướng dẫn trái ngược với
giáo huấn GH. Nếu các hướng dẫn làm trước này xung đột với giáo huấn GH, bệnh
nhân phải được giải thích lý do tại sao các hướng dẫn của họ không thể được chấp
nhận.
25. Mỗi người có thể xác định trước người đại diện cho mình để đưa ra những
quyết định liên quan đến việc CSSK. Các quyết định của người được chỉ định phải
trung thành với các nguyên tắc luân lý Công giáo và với ý hướng và giá trị của
bệnh nhân, hoặc nếu ý hướng của bệnh nhân không rõ, thì phải hòa hợp với những
gì mang lại lợi ích lớn nhất cho người ấy. Trong trường hợp bệnh nhân không có
các hướng dẫn làm trước, những ai biết rõ nhất ước nguyện của bệnh nhân – thường
là thành viên trong gia đình hay người thân thuộc – phải tham gia vào các quyết
định chữa trị cho bệnh nhân - người không còn khả năng đưa ra quyết định.
26. Sự đồng ý do người bệnh hay người đại diện làm với sự tự do và thông
tin đầy đủ là điều không thể thiếu trong việc điều trị, ngoại trừ trong trường
hợp khẩn cấp khi không thể có được sự đồng ý và không có dấu hiệu nào cho thấy
bệnh nhân sẽ từ chối việc chữa trị như thế.
27. Sự đồng ý được làm khi có đủ thông tin và tự do đòi buộc bệnh nhân hoặc
người đại diện phải nhận được đầy đủ thông tin về bản chất thiết yếu của cách
chữa trị được đề nghị cùng lợi ích, rủi ro, tác dụng phụ, hậu quả, và chi phí
kèm theo; và mọi cách thế chữa trị hợp lý và hợp luân lý khác, bao gồm cả việc
không chữa trị.
28. Mỗi bệnh nhân hoặc người đại diện phải được tiếp cận với thông tin về y
khoa và luân lý và các tư vấn để có thể huấn luyện lương tâm. Quyết định về việc
chữa trị được làm khi có đủ thông tin và tự do của bệnh nhân hoặc người đại diện
phải được thực hiện nếu nó không đi ngược lại với các nguyên tắc của GH.
29. Tất cả những ai được chăm sóc bởi cở cở CSSKCG có quyền và nghĩa vụ bảo
vệ và duy trì sự toàn vẹn về thể lý và các chức năng nơi cơ thể.[16]
Khi không còn phương tiện hợp luân lý nào khác có thể áp dụng, sự toàn vẹn chức
năng cơ thể có thể được hy sinh để duy trì sức khỏe hay sự sống của bệnh nhân.[17]
30. Việc cấy ghép cơ quan được lấy từ người hiến tặng còn sống là điều hợp
luân lý khi sự hiến tặng đó không phá hủy hay làm tổn hại nghiêm trọng bất cứ
chức năng thể lý quan trọng nào và lợi ích tiên liệu cho người nhận phải cân xứng
với nguy hại gây ra cho người hiến tặng. Hơn nữa, sự tự do của người hiến tặng
phải được tôn trọng, và lợi ích kinh tế không được ảnh hưởng đến quyết định của
người hiến tặng.
31. Không ai là đối tượng cho các thử nghiệm y khoa hay thử nghiệm gien,
ngay cả khi thử nghiệm đó mang tính chữa trị, trừ khi đương sự hay người đại diện
trước đó đã đồng ý cách tự do khi có đầy thông tin. Trong trường hợp không mang
tính chữa trị, người đại diện chỉ có thể đồng ý khi thử nghiệm không kéo theo rủi
ro nghiêm trọng nào cho sức khỏe của bệnh nhân. Hơn nữa, bệnh nhân càng là người
có ít khả năng và dễ bị lạm dụng thì lý do để thử nghiệm phải càng lớn hơn, đặc
biệt trong trường hợp các thử nghiệm không mang tính chữa trị.
32. Tuy mỗi người buộc phải dùng phương tiện thông thường để bảo vệ sức khỏe
của mình, không ai bị đòi buộc phải theo một cách thức chữa trị mà người ấy, với
một lương tâm tự do và có đủ thông tin, thấy rằng có quá nhiều nhiều rủi ro và
gánh nặng hoặc chi phí quá tốn kém cho gia đình và cộng đoàn trong khi chỉ có
được ít hy vọng về lợi ích mang lại.[18]
33. Sức khỏe và hạnh phúc của người bệnh phải được lưu tâm trong khi quyết
định về bất cứ phương cách can thiệp mang tính chữa trị nào hoặc về việc sử dụng
các kỹ thuật. Các giải pháp chữa trị có nhiều nguy cơ gây hại hoặc gây ra tác dụng
phụ không mong muốn chỉ được coi là hợp lý khi mang lợi ích cân xứng cho bệnh
nhân.
34. Người chăm sóc chữa trị phải tôn trọng sự riêng tư và bảo mật cá nhân của
mỗi bệnh nhân liên quan đến những thông tin trong việc chẩn đoán, điều trị, và
chăm sóc.
35. Chuyên viên chăm sóc phải được huấn luyện để nhận ra những dấu hiệu lạm
dụng và bạo lực và buộc phải báo cáo những trường hợp lạm dụng với cơ quan có
thẩm quyền theo như luật địa phương quy định.
36. Nạn nhân của việc bị lạm dụng tình dục phải nhận được sự chăm sóc với
lòng nhân ái và hiểu biết. Người chăm sóc phải hợp tác với nhân viên hành pháp
và cung cấp cho đương sự các hỗ trợ về mặt tâm lý và thiêng liêng cũng như các
thông tin chính xác về y tế. Một phụ nữ bị hiếp dâm phải được lo sao để cô ấy
có thể bảo vệ mình khỏi tiềm năng mang thai từ sự việc đó. Nếu, sau kiểm tra,
không có dấu hiệu cho thấy việc thụ thai đã hình thành, đương sự có thể được điều
trị bằng thuốc ngăn cản sự rụng trứng, ngăn cản tinh trùng phát triển khả năng
thâm nhập trứng hay ngăn cản việc thụ tinh. Tuy vậy, chuyên viên chăm sóc không
được phép đề xướng hay đề nghị các giải pháp có mục đích hay có tác dụng trực
tiếp đối với việc trục xuất, phá hủy hay can thiệp vào việc làm tổ của trứng đã
thụ tinh.[19]
37. Ủy ban đạo đức, hoặc các tham vấn đạo đức thay thế khác, phải có sẵn để
trợ giúp những ai cần đến bằng việc cho lời khuyên đối với các tình huống đạo đức
đặc thù, bằng việc cung cấp các cơ hội học hỏi, và bằng việc xem lại và đề nghị
các chính sách. Với các mục đích này, phải có những tiêu chuẩn thích hợp đối với
việc tham vấn đạo đức y khoa trong mỗi giáo phận. Các tiêu chuẩn này vừa tôn trọng
trách nhiệm mục vụ của Giám mục địa phận vừa trợ giúp thành viên trong các ủy
ban đạo đức làm quen với đạo đức y khoa Công giáo và cách riêng các Chỉ Dẫn này.
PHẦN BỐN
Dẫn Nhập
Việc GH dấn thân bảo vệ phẩm giá con người kéo theo ý thức về tính thánh
thiêng của đời sống con người ngay lúc mới hình thành, và ý thức về phẩm giá của
hôn nhân và hành vi hôn nhân qua đó sự sống con người được phát sinh. GH không
thể chấp thuận các thực hành y khoa gây tổn hại đến mối dây liên kết mang tính
luân lý, tâm lý và sinh học vì đây là nơi sức mạnh của hôn nhân lệ thuộc vào.
Sứ vụ CSSKCG làm chứng cho tính thánh thiêng của sự sống “từ lúc thụ thai đến
khi chết”.[20]
Việc GH bảo vệ sự sống bao gồm thai nhi và việc chăm sóc phụ nữ và con cái của
họ trong và sau khi mang thai. Việc GH dấn thân cho sự sống được thể hiện qua
việc sẵn sàng cộng tác với mọi người để giảm bớt các nguyên nhân gây tử vong
cao nơi trẻ em và cung cấp đủ các hình thức CSSK cho các bà mẹ và con cái trước
và sau khi sinh. GH có sự trân trọng sâu xa nhất dành cho gia đình, cho giao ước
hôn nhân, và cho tình yêu nối kết vợ chồng với nhau. Điều này bao hàm việc tôn
trọng hành vi hôn nhân mà qua đó vợ chồng diễn tả tình yêu và cộng tác với ThiênChúa
trong việc tạo ra một con người mới. Công đồng Vatican II xác nhận:
Tình yêu này là tình yêu cao cả của con người… Nó bao gồm
điều tốt đẹp của cả con người … Những hành vi trong hôn nhân nhờ đó vợ chồng được
hiệp nhất cách thân mật và khiết tịnh đều là những hành vi đáng quý và cao cả.
Được diễn tả theo một cung cách con người thực sự, những hành vi này chỉ rõ và
thăng tiến việc hiến thân cho nhau qua đó vợ chồng làm phong phú lẫn nhau với
lòng vui tươi và tạ ơn.[21]
Hôn nhân và tình yêu đôi lứa tự bản chất hướng đến việc
truyền sinh và giáo dục con cái. Con cái thực sự là món quà cao quý nhất của
hôn nhân và góp phần chính yếu vào hạnh phúc của cha mẹ… Cha mẹ phải xem là sứ
mạng của mình việc trao ban sự sống và giáo dục con cái… Qua đó họ cộng tác với
tình yêu Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và có thể nói, họ là người diễn tả tình yêu
đó.[22]
Với những lý do hợp pháp từ bổn phận làm cha mẹ có trách nhiệm, vợ chồng có
thể giới hạn số con cái theo cách thức tự nhiên. GH không thể chấp thuận các
can thiệp tránh thai “hoặc trước hành vi giao hợp, hay khi đã xong hoặc trong
tiến trình phát triển tự nhiên của hành vi này, có ý định, dù là phương tiện
hay mục đích, làm cho việc sinh sản trở nên bất khả.[23]
Những can thiệp như thế vi phạm “sự nối kết bất khả phân ly mà Chúa đã mong muốn…
giữa hai ý nghĩa của hành vi giao hợp: sự hiệp nhất và sự truyền sinh.[24]
Với sự tiến bộ của y sinh học, xã hội có sẵn các kỹ thuật mới để đối phó với
việc vô sinh. Tuy chúng ta hân hoan trước tiềm năng tốt lành mà các kỹ thuật
này có thể đem lại, chúng ta không thể cho rằng mọi sự khả thi về mặt kỹ thuật
thì đều đúng về mặt luân lý. Mọi kỹ thuật giúp sinh sản thay thế cho hành vi
hôn nhân đều không phù hợp với phẩm giá con người. Hành vi hôn nhân gắn liền với
việc sinh sản thế nào thì việc sinh sản cũng gắn kết một cách tự nhiên với hành
vi hôn nhân như vậy. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhận thấy:
Việc truyền sinh tự bản chất được trao phó cho hành vi có ngôi vị và ý thức,
và như thế nó lệ thuộc vào toàn bộ luật thánh của Chúa: luật bất di bất dịch và
bất khả xâm phạm đòi buộc phải được nhận ra và tuân giữ. Vì lý do này, một người
không thể dùng các phương tiện và theo các phương pháp truyền sinh vốn có thể hợp
pháp đối với cây trồng và vật nuôi.[25]
Vì luật luân lý bắt rễ trong toàn bộ bản chất con người, nên qua việc suy
tư về cùng đích thiêng liêng của mình, con người có thể khám phá và cộng tác
trong kế hoạch của Đấng Tạo hóa.[26]
Các Chỉ Dẫn
38. Khi hành vi giao hợp trong hôn nhân không thể đạt đến việc sinh sản, việc
trợ giúp nào không chia tách mục đích truyền sinh và tính hiệp nhất của hành vi
giao hợp, và không thay thế chính hành vi này, việc trợ giúp ấy có thể được
dùng để giúp vợ chồng thụ thai.[27]
39. Các kỹ thuật trợ giúp thụ thai nào tôn trọng ý nghĩa hiệp nhất và truyền
sinh của hành vi giao hợp và không bao hàm việc phá hủy phôi thai, hoặc không cố
ý tạo ra nhiều phôi thai khi biết trước rằng không phải tất cả đều được cấy và
một số sẽ được sử dụng đơn giản chỉ để làm gia tăng cơ hội cho các phôi khác được
cấy, kỹ thuật ấy có thể được sử dụng trong trường hợp vô sinh.
40. Việc thụ thai dị hợp (nghĩa là, việc thụ thai dùng giao tử của ít là một
người hiến tặng không phải vợ/chồng) là điều bị cấm vì nó trái với giao ước hôn
nhân, với sự hiệp nhất của vợ chồng và với phẩm giá của cha mẹ và đứa con.[28]
41. Việc thụ thai nhân tạo đồng hợp (nghĩa là kỹ thuật thụ thai dùng các
giao tử của vợ chồng trong hôn nhân) cũng bị cấm khi nó tách sự truyền sinh ra
khỏi hành vi giao hợp (ví dụ, mọi kỹ thuật thụ tinh ngoài cơ thể).[29]
42. Vì phẩm giá của đứa trẻ và hôn nhân, và vì tính độc đáo của mối tình mẹ-con,
việc tham gia vào các hợp đồng hay thỏa thuận để kiếm người mang thai giúp đều
không được phép. Hơn nữa, việc thương mại hóa việc đẻ mướn như thế sẽ phá hủy
phẩm giá phụ nữ, cách riêng là người nghèo.[30]
43. Cơ sở CSSKCG nào cung cấp kỹ thuật hỗ trợ thụ thai không chỉ nên trợ
giúp kỹ thuật cho những cặp vô sinh mà còn phải giúp họ tìm kiếm những giải
pháp khác (ví dụ tư vấn, nhận con nuôi).
44. Cơ sở CSSKCG phải cung cấp các dịch vụ chăm sóc tiền sản, theo dõi thai
nhi, và chăm sóc hậu sản cho những bà mẹ và con cái của họ theo những cách thế
phù hợp với sứ mạng của cơ sở.
45. Phá thai (nghĩa là, việc trực tiếp
và cố ý kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống hoặc trực tiếp
cố ý phá hủy thai còn sống) là điều không được phép. Mọi hành vi có tác dụng trực
tiếp duy nhất là kết thúc việc mang thai trước khi thai nhi có thể tự sống đều
là phá thai. Phá thai, trong bối cảnh luân lý của nó bao gồm cả giai đoạn giữa
khi thụ thai và phôi thai làm tổ. Các cơ sở CSSKCG không được cung cấp dịch vụ
phá thai, ngay cả khi dựa trên nguyên tắc hợp tác về phương tiện cũng không được.
46. Các cơ sở CSSKCG phải sẵn sàng chăm sóc và hỗ trợ về mặt thiêng liêng,
luân lý, tâm lý và thể lý cho những ai chịu đau khổ vì phá thai.
47. Các phẫu thuật, cách chữa trị và thuốc men vốn có mục đích trực tiếp chữa
trị một bệnh trầm trọng tương xứng nơi người mang thai đều được phép dùng ngay
cả khi dự đoán trước chúng sẽ gây ra cái chết cho thai nhi, nếu xét thấy cách
cách chữa trị ấy không thể trì hoãn cho đến khi thai nhi có thể tự sống.
48. Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, không can thiệp nào được coi
là hợp luân lý nếu như gây ra việc phá thai trực tiếp.[31]
49. Với lý do cân xứng, cơ sở CSSKCG được phép giúp người mang thai sinh sớm
nếu thai nhi có thể tự sống.
50. Việc khám tiền sản được chấp nhận khi việc làm này không đe dọa đến đời
sống hay sự toàn vẹn thân thể của thai nhi hay người mẹ và không gây cho họ rủi
ro không cân xứng; khi việc chẩn đoán có thể cung cấp thông tin cho việc chăm
sóc phòng ngừa cho người mẹ hay việc chăm sóc tiền hoặc hậu sản cho đứa bé; và
khi cha mẹ, hay ít là người mẹ, đưa ra sự đồng ý có tự do và thông tin đầy đủ.
Việc chẩn đoán tiền sản không được phép khi làm với ý định phá bỏ thai nhi nếu
phát hiện thai nhi có khiếm khuyết nghiêm trọng.[32]
51. Các thử nghiệm không mang tính chữa trị trên các phôi sống hay thai nhi
đều không được phép, ngay cả khi cha mẹ đồng ý. Các thử nghiệm mang tính cách
chữa trị chỉ được phép khi có lý do cân xứng và được cha mẹ đồng ý với tự do
khi có đủ thông tin hoặc, nếu không thể liên lạc được với người cha, thì ít là
người mẹ. Các nghiên cứu y khoa không gây hại cho đời sống hay sự toàn vẹn thân
xác của thai nhi đều được phép với sự đồng ý của cha mẹ.[33]
52. Cơ sở CSSKCG có thể không ủng hộ hay cổ võ các lối thực hành tránh thai,
nhưng phải cung cấp cho các cặp vợ chồng và nhân viên y tế chăm sóc họ, các hướng
dẫn về giáo huấn GH về việc làm cha mẹ có trách nhiệm và các cách kế hoạch hóa
gia đình tự nhiên.
53. Việc triệt sản trực tiếp nam hay nữ, dù vĩnh viễn hay tạm thời, đều
không được phép trong cơ sở CSSKCG. Các cách chữa trị gây ra triệt sản được
phép dùng khi hiệu quả trực tiếp của chúng hướng đến việc điều trị căn bệnh
nguy hiểm hiện tại trong khi không thể tìm được một cách chữa đơn giản hơn.[34]
54. Việc tư vấn về gien có thể được phép khi nhắm đến việc thăng tiến bổn phận làm cha mẹ có trách nhiệm và để chuẩn bị cho việc chữa trị thích hợp cho trẻ em với khiếm khuyết do gien gây ra, căn cứ theo giáo huấn luân lý Công giáo và quyền và nghĩa vụ nội tại của vợ chồng trong việc ban truyền sự sống.
PHẦN NĂM
CÁC VẤN ĐỀ CHĂM SÓC
NGƯỜI ĐAU NẶNG VÀ CẬN TỬ
Dẫn nhập
Công cuộc cứu độ và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô ôm trọn lấy thân phận con người,
đặc biệt trong sự đau khổ bệnh tật và cái chết của họ.[35] Sứ
vụ CSSKCG đối diện với thực tại sự chết bằng sự tín thác trong đức tin. Khi đối
diện với cái chết – với nhiều người, đây là lúc dường như không còn hy vọng –
GH làm chứng cho niềm tin của mình rằng Thiên Chúa đã tạo ra mỗi người cho sự sống
vĩnh cửu.[36]
Trên hết, là nhân chứng cho đức tin,
cơ sở CSSKCG sẽ là một cộng đoàn tôn trọng, yêu thương và nâng đỡ bệnh nhân hay
người già yếu và gia đình của họ khi họ đối diện với thực tại sự chết. Điều khó
đối diện nhất là thời gian đi đến gần cái chết, cách riêng là sự lệ thuộc, sự bất
lực, và sự đau đớn vốn là những điều đi kèm với các căn bệnh giai đoạn cuối. Một
trong những mục đích của y khoa trong việc chăm sóc người cận tử là việc giảm
đau đớn và sầu khổ do đau đớn gây ra. Việc kiểm soát sự đau đớn dưới mọi hình
thức là điều quan trọng trong việc chăm sóc người cận tử cách đúng đắn.
Vì sự sống là món quà quý giá của Thiên Chúa nên chân lý này có ý nghĩa sâu
xa đối với vấn đề phục vụ sự sống con người. Chúng ta không phải là người sở hữu
sự sống của mình, vì thế, không có quyền tuyệt đối trên sự sống. Chúng ta có bổn
phận gìn giữ sự sống và dùng nó để làm vinh danh Chúa, nhưng nghĩa vụ gìn giữ sự
sống không mang tính tuyệt đối, vì chúng ta có thể từ chối các biện pháp kéo
dài sự sống vốn không mang lại lợi ích tương xứng hay quá tốn kém. Tự tử và gây
chết êm dịu không bao giờ là các chọn lựa hợp luân lý.
Nhiệm vụ của y khoa là chăm sóc ngay cả khi không thể chữa trị. Bác sĩ và bệnh
nhân phải đánh giá các kỹ thuật họ có. Việc suy tư về phẩm giá nội tại của sự sống
con người trong mọi chiều kích và về mục đích của việc chăm sóc y tế là điều
không thể thiếu để hình thành một phán đoán luân lý thật sự về việc dùng các kỹ
thuật để duy trì sự sống. Việc dùng kỹ thuật duy trì sự sống được đánh giá
trong ánh sáng của ý nghĩa về đời sống, sự đau khổ và cái chết theo Kitô giáo.
Theo cách này, cần tránh hai thái cực: một mặt, việc kiên quyết dùng kỹ thuật
vô ích hay gây nhiều gánh nặng ngay cả khi bệnh nhân có thể một cách hợp pháp
đã muốn ngưng, và mặt khác việc ngưng dùng các kỹ thuật với ý hướng gây ra cái
chết.[37]
Giáo huấn của GH cũng nói tới các vấn đề luân lý liên quan đến việc trợ
giúp y khoa trong việc cung cấp chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Chúng ta được
GH hướng dẫn về vấn đề này rằng GH chống lại gây chết êm dịu, vốn là “một hành
động, hay một thiếu sót, mà vì đó hay có ý hướng, gây ra cái chết, để rồi mọi
đau khổ theo đó chấm dứt”.[38]
Tuy việc trợ giúp y khoa liên quan đến việc cung cấp chất dinh dưỡng không có
tính đòi buộc về mặt luân lý trong một số trường hợp, nhưng những hình thức
chăm sóc căn bản này về nguyên tắc phải có sẵn cho mọi bệnh nhân cần đến, bao gồm
cả bệnh nhân thuộc tình trạng “đời sống thực vật trường kỳ”, vì ngay cả một bệnh
nhân suy yếu và bất lực nhất vẫn giữ nguyên vẹn phẩm giá con người và phải nhận
được sự chăm sóc thông thường và tương xứng.
Các Chỉ Dẫn
55. Các cơ sở CSSKCG chăm sóc người nguy tử do bệnh tật, tai nạn, tuổi tác
hay các hoàn cảnh tương tự phải cung cấp cho họ những cơ hội thích hợp để chuẩn
bị cho cái chết. Những ai nguy tử cần được cung cấp mọi thông tin cần thiết để
giúp họ hiểu hoàn cảnh của họ và có cơ hội bàn thảo điều kiện của họ với gia
đình và bác sĩ. Họ cũng nên được báo cho biết các thông tin về y khoa thích hợp
giúp họ hiểu được các chọn lựa hợp luân lý hầu có thể chọn lựa. Họ cũng phải được
cung cấp sự hỗ trợ thiêng liêng cũng như có cơ hội nhận các bí tích để chuẩn bị
tốt cho cái chết.
56. Mỗi người có bổn phận luân lý dùng các phương tiện thông thường và cân
xứng để giữ gìn sự sống của mình. Các phương tiện cân xứng là những phương tiện
theo phán đoán của bệnh nhân mang lại hy vọng về lợi ích tương xứng và không
kéo theo quá nhiều gánh nặng hoặc chi phí quá lớn cho gia đình và cộng đồng.[39]
57. Mỗi người có thể bỏ qua các phương tiện ngoại thường hoặc không cân xứng
để duy trì sự sống. Các phương tiện không cân xứng là các phương tiện theo phán
đoán của bệnh nhân không mang lại hy vọng về ích lợi tương xứng hoặc kéo theo
quá nhiều gánh nặng hoặc chi phí quá lớn cho gia đình và cộng đồng.
58. Theo nguyên tắc, phải cung cấp thức ăn nước uống cho bệnh nhân, bao gồm
cả chất dinh dưỡng và dịch truyền có sự hỗ trợ về mặt y khoa cho những ai không
thể ăn uống qua miệng. Trách nhiệm này áp dụng đối với những bệnh nhân mạn tính
và các tình trạng được xem là không thể phục hồi (ví dụ, đời sống thực vật trường
kỳ), họ là những người một cách hợp lý có hy vọng sống lâu nếu được chăm sóc
như thế.[40]
Chất dinh dưỡng và dịch truyền có sự hỗ trợ về mặt y khoa trở thành điều không
bắt buộc về mặt luân lý khi điều ấy không có nhiều hy vọng kéo dài đời sống bệnh
nhân hay khi chúng “kéo theo gánh nặng quá lớn cho bệnh nhân hay gây quá nhiều
khó chịu về mặt thể xác, chẳng hạn như việc có quá nhiều phương tiện phức tạp
được sử dụng”.[41]
Ví dụ, khi một người đi đến gần cái chết không thể tránh khỏi do bệnh nặng và
đã tiến triển đến những giờ phút cuối, một số cách thức cung cấp chất dinh dưỡng
và nước cho bệnh nhân có thể là gánh nặng quá sức và vì thế trở thành điều
không bắt buộc vì lý do những phương tiện ấy mang lại rất ít khả năng kéo dài sự
sống hay đem lại sự thoải mái cho bệnh nhân.
59. Khi bệnh nhân trưởng thành có quyết định tự do và được làm khi có đầy đủ
thông tin về việc dùng hay ngưng dùng các kỹ thuật duy trì sự sống, thì quyết định
ấy phải luôn được tôn trọng và thực hiện, trừ khi nó trái với giáo huấn luân lý
của GH.
60. Vấn đề trợ tử là một hành động hay một thiếu sót, tự chính nó hay có ý
hướng, gây ra cái chết để giảm bớt đau khổ cho bệnh nhân. Các cơ sở CSSKCG
không bao giờ đồng tình hay tham gia vào vấn đề trợ tử hay trợ giúp tự tử dưới
bất cứ hình thức nào. Các bệnh nhân bệnh nặng yêu cầu trợ tử phải nhận được sự
chăm sóc đầy tình thương, sự hỗ trợ về tâm lý và thiêng liêng, và các biện pháp
chăm sóc thích hợp để giảm đau và các triệu chứng khác để họ có thể sống với
nhân phẩm cho tới thời điểm cái chết tự nhiên diễn ra.[42]
61. Phải giúp bệnh nhân tránh được đau đớn bao nhiêu có thể để họ có thể chết
cách bình an và với nhân phẩm, và nên để họ chết nơi họ muốn. Vì một người có
quyền chuẩn bị cho cái chết của mình khi còn tỉnh, nên không ai được tước đoạt
quyền lương tâm của họ khi không có lý do đòi buộc. Thuốc giảm đau hay ức chế
cơn đau có thể cho người đang cận kề cái chết dùng ngay cả khi những thuốc này
có thể giảm bớt thời gian sống của bệnh nhân miễn là không có ý hướng gây ra
cái chết nhanh hơn. Những bệnh nhân chịu đau đớn mà không thể giảm bớt do thuốc
men phải được trợ giúp để hiểu được ý nghĩa cứu độ nơi sự đau khổ theo cái nhìn
Kitô giáo.
62. Việc quyết định một người đã chết hay chưa phải do bác sĩ hay chuyên
viên y khoa có thẩm quyền quyết định trong sự phù hợp với các tiêu chuẩn khoa học
đáng tin cậy và được chấp nhận cách phổ biến.
63. Các cơ sở CSSKCG nên khuyến khích và cung cấp các phương tiện để những
ai muốn, với các mục tiêu hợp đạo đức, có thể thu xếp việc hiến tặng nội tạng
và mô cơ thể, để có thể nghiên cứu hay hiến tặng sau khi đương sự qua đời.
64. Những cơ phậnđịnh hiến tặng đó không được lấy khỏi cơ thể cho đến khi
bác sĩ xác nhận rằng bệnh nhân đã qua đời. Để tránh xung đột về lợi ích, bác sĩ
quyết định cái chết của bệnh nhân không thuộc nhóm bác sĩ cấy ghép nội tạng.
65. Việc dùng mô tế bào hay nội tạng của trẻ em có thể được phép sau khi
đương sự qua đời và nếu được cha mẹ hay người bảo hộ đồng ý khi có đủ thông
tin.
66. Các cơ sở CSSKCG không được dùng tế bào cơ thể của những thai nhi bị phá thai trực tiếp, ngay cả khi dùng để nghiên cứu vì mục đích chữa trị.[43]
PHẦN SÁU
THIẾT LẬP SỰ CỘNG TÁC
MỚI
VỚI CÁC TỔ CHỨC CHĂM
SÓC SỨC KHỎE KHÁC
Dẫn nhập
Cho đến gần đây, hầu hết các cơ sở CSSK có sự độc lập với các cơ quan CSSK
khác. Tuy vậy, các cơ sở CSSKCG ngày càng liên đới nhiều hơn với các tổ chức
CSSK khác. Chẳng hạn, nhiều hệ thống và cơ sở CSSKCG tham gia góp vốn với các
cơ sở địa phương hay nhóm y bác sĩ khác để mua các công nghệ và dịch vụ. Một hiện
tượng nữa đó là các hệ thống và cơ sở CSSKCG tham gia hay đồng tài trợ những mạng
lưới chăm sóc hay các cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe để có thể ký kết với
các nhà bảo hiểm và những người chi trả cho việc CSSK. Trong một vài trường hợp,
các hệ thống CSSKCG tài trợ một kế hoạch CSSK hay một tổ chức bảo dưỡng sức khỏe.
Tại một số giáo phận, việc liên kết kéo theo việc giảm con số các nhà cung cấp
dịch vụ CSSK, và đôi khi các cơ sở Công giáo là nhà cung cấp dịch vụ CSSK duy
nhất. Dù ở cấp độ nào, việc liên kết tạo ra nhiều mối tương quan đan xen: giữa
các nhà cung cấp dịch vụ, giữa nhà cung cấp và cộng đồng, giữa y bác sĩ và các
cơ sở CSSK, giữa dịch vụ CSSK và người trả tiền.
Một mặt, những liên kết mới này được xem là cơ hội để các cơ sở và dịch vụ
CSSKCG làm chứng cho việc dấn thân mang tính đạo đức và tôn giáo của mình và
như thế ảnh hưởng tốt đến sứ vụ chữa bệnh. Ví dụ, việc liên kết giúp thực hiện
giáo huấn xã hội của GH. Việc liên kết mới cũng có thể là các cơ hội để tái sắp
xếp hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK tại địa phương để mang lại một hệ thống CSSK
có tính liên tục và thống nhất cho cộng đồng; các liên kết này có thể làm chứng
cho việc phục vụ cách có trách nhiệm với các nguồn lực CSSK giới hạn; các liên
kết này còn là cơ hội cung cấp cho người nghèo và người yếu thế cô thân có được
sự bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe căn bản.
Mặt khác, các liên kết mới này có thể tạo ra các thách thức nghiêm trọng
cho sự sống còn của căn tính Công giáo nơi các cơ sở CSSKCG, cũng như cho khả
năng của họ trong việc thực thi các Chỉ Dẫn này cách thống nhất, đặc biệt khi
những liên kết đó bao gồm những đối tác không chia sẻ cùng các nguyên tắc luân
lý với chúng ta. Nguy cơ về gương xấu là điều không thể coi thường khi đối tác
không hành xử theo các nguyên tắc luân lý hay các giá trị chung. Đối với một
vài cơ sở CSSKCG, các cơ hội liên kết còn bao hàm nguy cơ đe dọa sự tồn tại của
chính các cơ sở này, cách riêng khi các đối tác có động cơ hoạt động là tài
chính mà thôi. Vì những nguy cơ ẩn tàng trong việc liên kết đang xuất hiện, việc
phải gia tăng liên kết giữa các cơ sở CSSKCG với nhau phải là ưu tiên trước khi
đi tìm các đối tác khác.
Tuy vậy, các thách đố lớn phát sinh từ các đối tác không nhất thiết khiến
chúng ta, xét theo các nguyên tắc luân lý, phải loại trừ khả năng liên kết với
họ. Các nguy cơ tiềm tàng này đòi hỏi việc liên kết mới phải trải qua những
phân tích luân lý khách quan và có hệ thống, phân tích này lưu tâm tới các yếu
tố khác nhau vốn thường đẩy các cơ sở và dịch vụ CSSK vào một liên kết vốn có
thể làm giảm tính tự quyết và sứ mạng của phía Công giáo. Các chỉ dẫn sau được
đưa ra để trợ giúp các dịch vụ và cở sở CSSKCG trong tiến trình phân tích này.
Vì mục đích này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (trước đây là Hội Nghị Quốc Gia các
Giám Mục Công Giáo) đã thành lập một ủy ban chuyên biệt về “Các vấn đề CSSK và
GH”, ủy ban này là nơi để các Giám mục và các nhà lãnh đạo CSSK có thể tìm sự
trợ giúp.
Ấn bản mới này về ‘Các Chỉ Dẫn Mang Tính Tôn Giáo và Đạo Đức” bỏ qua phần
phụ lục liên quan đến việc cộng tác mà ấn bản năm 1995 có. Kinh nghiệm cho thấy
rằng việc diễn tả ngắn gọn các nguyên tắc trong việc hợp tác trong ấn bản trước
không đủ để tiên liệu một vài sự hiểu sai có thể xảy ra và trong thực tế gây ra
các vấn nạn trong việc áp dụng cách cụ thể những nguyên tắc ấy. Các chuyên gia
thần học đáng tin cậy phải được tham vấn trong việc diễn giải và áp dụng các
nguyên tắc chi phối việc hợp tác, với điều kiện rằng, trên nguyên tắc, phía
Công giáo phải tránh đi vào một liên kết mà nơi đó họ tham gia vào việc hợp tác
với những hành động sai trái của các đối tác khác.
Các Chỉ dẫn
67. Các quyết định có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với căn
tính hay danh tiếng của dịch vụ CSSKCG, hoặc kéo theo nguy cơ cao về gương xấu,
phải có sự tham vấn trước với Giám mục giáo phận hay với người đặc trách về
CSSK của ngài.
68. Khi đối tác có ảnh hưởng đến sứ mạng hoặc căn tính Công giáo và đạo đức
của cơ sở CSSKCG, họ phải tôn trọng giáo huấn và nguyên tắc của GH. Các giám mục
giáo phận và các nhà lãnh đạo khác trong GH phải tham gia khi những việc liên kết
đó đang được xúc tiến, và vị Giám mục địa phương phải cho ý kiến thích hợp trước
khi việc liên kết được ký kết. Sự chấp thuận của Giám mục là điều phải có đối với
một liên kết được tài trợ bởi các cơ sở trực thuộc quyền của ngài; với những cở
sở thuộc dòng tu và thuộc quyền Giáo hoàng, cần có sự phê chuẩn “nihil obstat”
của ngài.
69. Nếu một tổ chức CSSKCG xem xét việc liên kết với một tổ chức khác vốn
có những hoạt động xét thấy trái với giáo huấn GH, tổ chức ấy phải giới hạn phạm
vi liên kết của mình vào các lãnh vực không trái với các nguyên tắc luân lý của
GH.
70. Các tổ chức CSSKCG không được phép tham gia vào các cách thức cộng tác
trực tiếp về mặt phương tiện đối với những hành động sai trái luân lý có tính nội
tại như phá thai, gây chết êm dịu, trợ tử, và triệt sản trực tiếp.[44]
71. Khả năng gây gương xấu phải được xem xét khi áp dụng các nguyên tắc
trong sự hợp tác.[45]
Việc hợp tác, mặc dù về mọi phương diện khác đều hợp luân lý, vẫn có thể cần bị
từ chối vì những gương xấu có thể phát sinh. Các gương xấu có thể đôi khi tránh
được bằng một sự giải thích thỏa đáng về những gì thực sự được làm tại cơ sở
CSSK dưới sự bảo trợ Công giáo. Giám mục giáo phận có trách nhiệm cuối cùng
trong việc đánh giá và trả lời các vấn đề về gương xấu; ngài phải xét đến không
chỉ hoàn cảnh trong giáo hội địa phương nhưng còn dư âm của quyết định của ngài
có trên vùng và quốc gia của ngài.[46]
72. Phía Công giáo trong việc soạn thảo hợp đồng phải có quyền xem xét định
kỳ liệu những thỏa thuận có được tuân giữ và việc thực thi có gì trái với giáo
huấn GH không.
KẾT LUẬN
Bệnh tật nói với chúng ta về giới hạn và sự mong manh của phận người. Bệnh
tật có thể vì tuổi tác hay những chấn thương do tuổi trẻ quá sung sức. Bệnh tật
có thể cấp tính hay mạn tính, mới phát hay đã đến giai đoạn cuối. Tuy vậy, những
người theo Chúa đối diện với bệnh tật và các hệ lụy của kiếp người với một ý thức
rằng Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương những ai đau yếu.
Chúa Giêsu không chỉ dạy các môn đệ phải biết chạnh lòng thương, Ngài còn dạy
họ biết ai là đối tượng của lòng thương yêu ấy. Dụ ngôn bữa tiệc với những vị
khách mời khiêm tốn đi sau lời dạy: “Khi các người tổ chức tiệc, hãy mời người
nghèo, què quặt, và đui mù” (Lc 14, 13). Đây là những người Chúa Giêsu chữa
lành và yêu mến.
Việc CSSKCG là cách thức dấn thân trước thách đố mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: hãy đi và làm như vậy. Các dịch vụ CSSKCG hân hoan trước thách đố trở nên tình thương chữa lành của Chúa Kitô trong thế giới và thấy sứ vụ của họ không chỉ là nỗ lực để phục hồi và gìn giữ sức khỏe nhưng còn là một công việc thiêng liêng và một dấu chỉ hướng đến sự chữa lành sau cùng mà một ngày nào đó sẽ đem lại một tạo thành mới vốn là hoa trái sau cùng của sứ vụ Chúa Giêsu và tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta.
Ấn bản lần thứ năm này về các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo đối với Dịch Vụ CSSKCG được Ủy ban Giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) khai triển và được toàn bộ Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận như là bộ luật mang tính quốc gia vào buổi họp tháng 11, 2009. Việc biên tập các Chỉ Dẫn, là điều sẽ thay thế tất cả các Chỉ Dẫn trước, đã được các Giám mục giáo phận đề nghị triển khai và được người ký tên dưới dây cho phép xuất bản.
Đức Ông.
David J. Malloy, STD, Tổng
Thư Ký, USCCB
Lm Vũ
Uyên Thi S.J. và BS Trần Như Ý-Lan, CND chuyển dịch từ www.usccb.org
[1]Hội Đồng Giám Mục Hoa-Kỳ, Sức Khỏe và Việc Chăm Sóc Sức Khỏe: Thư Mục vụ của các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa-Kỳ, 1981).
[2] Các dịch vụ CSSK dưới sự bảo trợ của GH Công giáo mang nhiều hình thức khác nhau (như bệnh viện, trạm xá, cơ sở điều trị ngoại trú, trung tâm cấp cứu, cơ sở chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối, nhà hưu dưỡng và các giáo xứ). Tùy vào bối cảnh, những Chỉ Dẫn này sẽ dùng từ “cơ sở” và/hoặc “dịch vụ” để bao hàm nhiều hoàn cảnh khác nhau.
[3]Sức Khỏe và Chăm Sóc Sức Khỏe, p. 5.
[4] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam Actuositatem) (1965), số 1.
[5] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Lời Cổ võ Tông đồ Hậu Hội nghị về Ơn gọi và Sứ mạng của Giáo dân trong Giáo hội và trên Thế giới (Christififeles Laici) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1988), số.29.
[6] Chẳn hạn, xem Bộ Giáo Lý và Đức tin, Tuyên ngôn về việc Phá thai Cố ý (1974); Bộ Giáo Lý và Đức tin, Tuyên Ngôn về Làm Chết Êm Dịu (1980); Bộ Giáo Lý và Đức tin,Huấn thị Hồng Ân Sự Sống:Những Chỉ Dẫn về việc Tôn trọng Sự sống Con người ngay từ Khởi đầu và Phẩm giá của việc Truyền sinh: Trả lời một số Vấn đề Thời đại (Donum Vitae) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1987).
[7] Giáo hoàng Gioan XXIII, Thông Điệp Hòa Bình trên Trái Đất (Pacem in Terris) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1963), số 11; Sức Khỏe và việc Chăm sóc Sức khỏe, tr. 5, 17-18; Giáo lý HTCG, ấn bản lần hai, (Washington, DC: Libreria Editrice Vaticana - Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 2000), số 2211.
[8] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Các Lưu tâm về Xã hội, Tông thư về Dịp Kỷ niệm lần thứ Hai mươi Văn kiện “Populorum Progressio”(Sollicitudo Rei Socialis) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1988), số 43.
[9] Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, Công bằng về Kinh tế cho Tất cả: Thư Mục vụ về Giáo huấn Công giáo về Xã hội và nền Kinh tế Hoa- Kỳ (Washington, DC: Hội ĐồngGiám Mục Hoa- Kỳ, 1986), số 80.
[10] Nghĩa vụ phục vụ có trách nhiệm đòi hỏi sự cộng tác có trách nhiệm. Nhưng trong các nỗ lực cộng tác này, các dịch vụ tại các cơ sở CSSKCG phải lưu ý đến những trường hợp các chính sách và thực hành của các cơ sở khác không tương thích với giáo huấn luân lý của Giáo hội. Lúc này, các cơ sở CSSKCG phải xác định xem những việc hợp tác như thế có được phép không hoặc được phép trong phạm vi nào. Để có quyết định, ban quản trị thuộc cơ sở Công giáo phải bám sát các nguyên tắc luân lý đối với việc hợp tác. Xem thêm phần Sáu.
[11]Sức Khỏe và việc Chăm sóc Sức khỏe, tr.12.
[12] X. Giáo Luật, số 921-923.
[13] X. sđd, số 867§ 2, và số 871.
[14] Để ban Phép Rửa tội trong trường hợp khẩn cấp, người làm phải có ý hướng đúng đắn (làm những gì GH nhắm đến trong Bí tích Rửa tội) và đổ nước trên đầu người lãnh nhận, đồng thời đọc những lời sau: “Tôi rửa em (anh, chị) nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
[15] X, Giáo luật số 883, mục 3.
[16] Chẳng hạn, việc hiến tặng một thận có thể được xem là việc vi phạm sự toàn vẹn sinh học, nhưng một hiến tặng như thế không vi phạm sự toàn vẹn chức năng vì con người có thể sống với chỉ một thận.
[17] X. chỉ dẫn số 53.
[18]Tuyên ngôn về Làm Chết Êm Dịu, Phần IV; X. Các chỉ cẫn số 56-57.
[19] Người nữ bị xâm hại tình dục phải được thông báo về các ràng buộc đạo đức vốn không cho phép bệnh viện Công giáo tiến hành các thủ tục phá thai; x. Hội thảo Công giáo tại Pennsylvania, “Các Chỉ dẫn cho Bệnh viện Công giáo khi Điều trị Nạn nhân bị Xâm hại Tình dục”, Origins 22 (1993): 810.
[20] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “Bài nói chuyện ngày 29.10.1983 với Tổng hội nghị lần thứ 35 về Hiệp hội Y tế Thế giới Hiện đại” Acta Apostolocae Sedis 76 (1984): 390.
[21] Vatican II, Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, (Gaudium et Spes) (1965), số 49.
[22] Sđd, số 50.
[23] Giáo hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1986), số 14.
[24] Sđd, số 12.
[25] Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông Điệp ‘Mater et Magistra’ (1961), số 193, được trích trong Bộ Giáo lý Đức tin, Donum Vitae, số 4.
[26] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ánh Rạng ngời Chân lý (Veritatis Splendor) (Washington, DC: Hội đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1993), số 50.
[27] “Việc thụ tinh nhân tạo đồng hợp trong hôn nhân sẽ không được phép, trừ những trường hợp các phương tiện kỹ thuật không thay thế hành vi giao hợp nhưng chỉ hỗ trợ để hành vi ấy đạt được kết quả tự nhiên” (Donum Vitae, Phần II, B, số 6; x. Phần I, các số 1,6).
[28] Sđd, Phần II, A, số 2.
[29]Kỹ Thuật thụ tinh nhân tạo thay thế hành vi giao hợp là điều bị cấm với lý do cố ý tách biệt hai ý nghĩa của hành vi giao hợp. Thủ dâm, cách thông thường để lấy tinh trùng, là một dấu hiệu nữa của việc tách biệt này: ngay cả khi việc này được làm với mục đích truyền sinh, hành vi ấy thiếu chiều kích hiệp nhất: “Nó thiếu tương quan trong hành vi giao hợp vốn là điều luân lý đòi buộc, nghĩa là, tương quan giúp có được “ý nghĩa đầy đủ của tình yêu trao hiến lẫn nhau và việc truyền sinh mang tính nhân văn trong bối cảnh tình yêu chân thực”. (Donum Vitae, Phần II, B, số 6).
[30] Sđd, Phần II, A, số 3.
[31] X. Chỉ Dẫn 45.
[32]Donum Vitae, Phần I, số 2.
[33] X. Sđd, số 4. (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 1988), số 43.
[34] X. Bộ Giáo Lý Đức tin, “Trả lời cho các Vấn đề về ‘Cô lập Tử cung’ và các Vấn đề Liên quan” 32.07.1993 Origins 24 (1994): 311-212.
[35] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư về Ý nghĩa của Đau khổ theo Kitô giáo (Salvifici Doloris) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, 1984), các số 25-27.
[36] Hội Đồng Giám Mục Hoa- Kỳ, Nghi lễ An táng mang tính Kitô giáo (Collegeville, Minn.: The Liturgical Press, 1989), số 1.
[37] Xem Tuyên ngôn về Làm Chết Êm Dịu.[38] Sđd, Phần II.
[39] Ibid., Phần IV; Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống, về Giá trị và Tính bất khả xâm phạm của Sự sống Con người (Evangelium Vitae) (Washington, DC: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 1995), số 65.
[40] Xem Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bài nói chuyện với những người tham dự hội nghị quốc tế về “Các Chữa trị Duy trì Sự sống và Đời sống Tình trạng Thực vật: Những Tiến bộ Khoa học và các Vấn nạn Đạo đức” (20.03.2004), số 4, nơi ngài nhấn mạnh rằng “việc cung cấp dưỡng chất và nước uống, ngay cả khi phải dùng các phương tiện nhân tạo, vẫn luôn là những cách tự nhiên để duy trì sự sống, không phải là can thiệp mang tính y khoa”, xem thêm Bộ Giáo lý Đức tin, “Trả lời một số Câu hỏi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc Cung cấp Chất Dinh Dưỡng và Nước theo Cách thức Nhân tạo” (01.08.2007)
[41] Bộ Giáo lý Đức tin, Bàn về “Trả lời Một số Câu hỏi của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về việc Cung cấp Chất Dinh Dưỡng và Nước theo Cách thức Nhân tạo”.
[42] Xem Bản Tuyên ngôn về Làm Chết Êm Dịu, Phần IV.
[43]Donum Vitae, Phần I, số 4.
[44] Trong khi có nhiều hành vi với mức độ nghiêm trọng về luân lý khác nhau có thể được xem là xấu nội tại, trong bối cảnh CSSK hiện tại, những vấn đề nóng bỏng nhất vẫn là phá thai, gây chết êm dịu, trợ tử và triệt sản trực tiếp. Xem, Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện dịp Ad Limina với các giám mục Texax, Oklahoma, and Arkansas (Vùng X), trong Origins 28 (1998): 283. Xem thêm “Trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin về Triệt sản trong Bệnh viện Công giáo” (Quaecumqu Sterilizatio), 13.03.1975, Origins 6 (1976): 33-35: “Mọi sự hợp tác, được tổ chức đồng ý hoặc cho phép, với những hành động tự chúng, nghĩa là theo bản chất và điều kiện của chúng, hướng tới việc tránh thai … thì tuyệt đối bị cấm. Đối với việc chính thức chấp thuận triệt sản trực tiếp và, nghiêm trọng hơn, việc giám sát và thực hiện hành vi này theo như quy định của bệnh viện, là một vấn đề, về khía cạnh khách quan mà nói, tự bản chất là xấu.” Chỉ dẫn này thay thế “Bàn luận về Trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin về việc Triệt sản trong các Bệnh viện Công giáo” được Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ xuất bản 15.09.1977, trong Origins 7 (1997): 399-400.
[45]Xem Giáo Lý HTCG: “Gương xấu là một thái độ hay hành vi dẫn người khác đến chỗ làm việc xấu” (số 2284); “Bất cứ ai dùng quyền của mình theo những cách thế dẫn người khác đến chỗ làm việc xấu sẽ mắc tội về gương xấu đó và chịu trách nhiệm về điều xấu mà mình đã trực tiếp hay gián tiếp khuyến khích” (số 2287).
[46] Xem “Vai trò Mục vụ của Giám mục Địa phận trong Sứ vụ Chăm sóc Sức khỏe có Tính Công giáo”, Origins 26 (1997): 703.
Ghi chú: Năm 2001 Hội nghị quốc gia các giám Mục Công giáo và Hội nghị công giáo Hoa Kỳ trở thành Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.