Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vẫy tay chào khi rời buổi tiếp kiến chung cuối cùng tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 27. 2. 2013. (CNS photo/Paul Haring)

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI: TIẾNG KÊU CỦA TÌNH YÊU

Lm. Gabriel Torretta, OP

WHĐ (09.01.2023) - Khi bầu trời vẫn còn chìm sâu trong bóng tối trước rạng đông của ngày 31. 12. 2022, người y tá túc trực bên giường bệnh nghe thấy Đức Bênêđictô XVI thốt ra một câu nhẹ nhàng và rõ ràng: “Signore ti amo!” (Lạy Chúa, con yêu mến Chúa). Đây có lẽ là những lời cuối cùng của ngài.

Một chiếc giường đau đớn. Một giọng nói trong bóng tối. Một tiếng kêu tình yêu. Đối với những người biết các tác phẩm của Đức Bênêđictô, chắc hẳn khung cảnh này không thể không liên tưởng đến một đoạn trong cuốn sách đầu tay của ngài, “Dẫn Vào Kitô Giáo” (Introduction to Christianity). Trong đó, ngài trích dẫn một phân đoạn trong vở kịch “Chiếc dép Satanh” (The Satin Slipper) của Paul Claudel, mô tả một người đàn ông lênh đênh trên biển, bị trói vào một khúc gỗ, và cuối cùng bị ngã quỵ trước cơn thịnh nộ của sóng nước. Đức hồng y Ratzinger coi đây là một hình ảnh tuyệt vời đối với trải nghiệm đức tin: “Bị buộc chặt vào thập giá – một thập giá chơi vơi, trôi dạt trên biển sâu thăm thẳm”. Giữa dòng nước xoáy, một giọng nói vang lên trong bóng tối, và người đàn ông cất tiếng: “Lạy Đức Chúa, con cảm tạ Chúa đã cột con lại với Chúa”.

Đối với tất cả ý nghĩa sâu rộng của các bản văn của Đức Bênêđíctô; đối với tất cả thời gian ngài làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin; đối với tất cả sự phục vụ của ngài dành cho Giáo hội với tư cách là giáo hoàng; và đối với tất cả những ân sủng trong những năm tháng thầm lặng sau khi ngài từ chức, thì 2 hoạt cảnh này — một hoạt cảnh ngài viết và một hoạt cảnh ngài sống — tạo thành một cái khung duy nhất chứa đựng tâm điểm cuộc đời và tầm nhìn thần học của ngài.


Alessia Giuliani/CPP / Polaris/East News

Bóng tối

Trước hết, bóng tối. Tư tưởng của Đức Bênêđictô được đánh dấu bằng xác tín sâu sắc rằng sự sa ngã của Adam và Eva đã khuấy động những đám mây bụi và mảnh vỡ làm lu mờ con mắt vốn một thời trong sáng của tâm trí con người. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1Cr 13, 12), đến mức mọi điều chúng ta cảm nghiệm đều có thể bị sự không chắc chắn che phủ và bị bóng tối nghi ngờ nuốt chửng. Các triết gia đặt câu hỏi về thực tại của cảm thức; các nhà khoa học cho rằng quan hệ nhân-quả là một trò lừa; các nhà thần học nói về Thiên Chúa như một câu chuyện thần thoại an ủi dành cho trẻ em.

Nhưng đây không phải là điểm kết của câu chuyện. “Không có cách nào thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc là một con người” Đức Bênêđictô nói trong cuốn “Dẫn Vào Kitô Giáo”. Chủ nghĩa hoài nghi không có sự chắc chắn cuối cùng; bóng tối của sự nghi ngờ nuốt chửng cả chính nó. Mỗi con người đều phải tự hỏi liệu sự thật rốt cuộc là có thật hay không.


Đức Bênêđictô XVI thờ lạy Thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 06. 4. 2012 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (Vincenzo Pinto/AFP/Getty Images)

Thập giá

Thứ đến, Thập giá. Thiên Chúa trong lòng thương xót của Ngài không bỏ mặc tâm hồn con người bị che phủ bởi số phận của nó. Đức Giêsu Kitô đem đến cho nhân loại sa ngã một nền tảng mới lạ lùng và đẹp đẽ cho sự chắc chắn, là chính thân thể bị đóng đinh của Người.

Sự nhận thức tối tăm của con người muốn tin rằng sự thật là không có thật, sự thật là vũ khí, hoặc sự thật là thứ mà tôi tự tạo ra lúc này lúc khác. Chiến thắng của Thập Giá cho thấy rằng Sự Thật là một con người, Đấng không ngừng hiến thân cho bạn và cho tôi. Sự chắc chắn của Kitô giáo - sự chắc chắn của đức tin - bắt đầu từ “sự gặp gỡ với một biến cố, với một con người, Đấng đem lại cho cuộc sống một chân trời mới và một định hướng dứt khoát” (Thông điệp Deus Caritas Est, số 1).

Sự chắc chắn của Đức tin đến từ Chúa Giêsu Kitô, và thập giá của Người không tạo ra loại kiến thức mà tôi sở hữu, cũng không có nghĩa là tôi sẽ thắng mọi cuộc tranh luận và thuyết phục mọi kẻ nhạo báng, và cũng không giản lược nó thành những lời sáo rỗng. Kiến thức Kitô giáo có tính cấp bách của một người lênh đênh trên biển; chúng ta bám vào thập giá vì cuộc đời của chúng ta phụ thuộc vào đó.

Bị cột với thập giá, ngụp lặn giữa những bấp bênh và khó khăn của cuộc sống, chúng ta khám phá ra một điều đáng kinh ngạc. Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời mà qua đó “muôn vật được tạo thành”; Người là sự sống, là “ánh sáng cho nhân loại”, và “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1, 3-5). Thiên Chúa không tạo dựng thế gian để trở thành một câu đố hay một cái bẫy, nhưng Ngài đã làm cho thế gian được nhìn nhận, được biết đến, và được yêu mến. Kitô hữu là người, theo một nghĩa nào đó, gắn bó với Đức Kitô và thập giá của Người, sẽ nhận được từ Thiên Chúa sự tự do tuyệt vời nhất của tâm hồn và tâm trí. Chúng ta không cần phải phát minh ra ý nghĩa của riêng mình, hoặc bằng cách nào đó, đấu tranh để mãn nguyện với một thế giới chẳng có ý nghĩa gì; đôi mắt Kitô hữu được tự do nhìn mọi thứ trên thế giới với niềm tin tưởng rằng thế giới này có ý nghĩa trong Lời Chúa, rằng có một sự thật đáng khám phá, một sự tốt lành đáng yêu mến, và một vẻ đẹp đáng chiêm ngưỡng.

Sự tin tưởng rằng Chúa Giêsu Kitô là nền tảng cho sự nhận thức của con người giải thích cho sự phát triển xuất sắc trong tầm nhìn trí tuệ của Đức Bênêđictô, và cho sự lo lắng hoàn toàn không có chỗ đứng trong các tác phẩm của ngài. Đức Bênêđictô không coi Kitô giáo như một tập hợp nhỏ những sự thật vững chắc được cất giữ cẩn thận, và được phòng thủ chống lại bất cứ thách thức nào. Được liên kết với sự tự do của Thập tự giá, Đức Bênêđictô có thể tham gia với những nhà tư tưởng, những ý tưởng và những phong trào rất khác nhau mà không có sự hiềm khích hay phòng thủ; khi đọc các bài viết của ngài, người ta luôn có cảm giác rằng ngài không tìm kiếm điều được cho là đúng, mà là tìm kiếm Sự Thật.


Đức Bênêđictô XVI nâng cao Mặt nhật trong buổi canh thức
Ngày Giới trẻ Thế giới ở Sydney, Úc, 19. 7. 2008.
(CNS photo/Paul Haring)

Tiếng kêu của tình yêu

Cuối cùng là tiếng kêu của tình yêu. “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả” (Deus Caritas Est, số 1); không trừu tượng hay xa vời; đó là một tiếng kêu của tình yêu hoặc chẳng là gì cả. Hồng ân đức tin mang theo niềm xác tín rằng chúng ta không đơn độc, rằng Sự Thật, Đấng cứu chuộc chúng ta luôn hiện diện với chúng ta mọi lúc, và được kết hợp với Người có nghĩa là chúng ta được kết hợp với toàn thể dân lữ hành của Thiên Chúa qua các thời đại, những người cũng đồng hành với chúng ta trong niềm vui và đau khổ của chúng ta. Lòng yêu mến Phụng vụ và sùng kính Thánh Thể cách mật thiết của cá nhân Đức Bênêđictô phát sinh từ đặc tính tương quan thiết yếu của Kitô giáo. Tôi không thể phát minh ra một hình thức thờ phượng, một Giáo hội, hoặc một ngôn ngữ của riêng mình; Chúa Kitô trao hiến chính mình cho tôi trên Thập giá, và khi đón nhận Người trong tình yêu, tôi đón nhận toàn thể cộng đoàn những người được cứu chuộc như những anh chị em yêu dấu, những người cùng nhau học nói lời yêu thương mà chúng ta đã học được từ Chúa Giêsu Kitô.

Thiên Chúa đã ban cho Đức Bênêđictô một ân sủng đặc biệt khi cho phép ngài báo trước cái chết của mình trong tác phẩm đầu tay, và chấp nhận cho ngài sống thực tại mà ngài mô tả trong chính thân thể mình. Ngay cả cái chết của ngài cũng là một minh chứng cho những xác tín cốt yếu đã thúc đẩy cuộc đời ngài rằng: không có bóng tối nào mà Ngôi Lời không chiếu soi ánh sáng của Người, không có sự cô đơn nào mà Chúa Kitô không đến gặp gỡ chúng ta. Như chính Đức Bênêđíctô đã nói về Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một bài diễn văn trước Lễ Giáng Sinh tại Giáo triều Rôma năm 2005 “Đức Thánh Cha đã trao tặng cho chúng ta những điều tuyệt vời; và điều tuyệt vời không kém là bài học mà ngài đã truyền đạt cho chúng ta trong thời gian thinh lặng và đau khổ”. Signore ti amoLạy Chúa, con yêu mến Chúa.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (05. 01. 2023)