ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ THEO TINH THẦN CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Lm. Giuse Lê Ngọc Ngà
WHĐ (02.11.2023) – Sáu mươi năm trôi qua, từ khi Đức Thánh
Giáo hoàng Phaolô VI ban hành Hiến chế Phụng Vụ, ngày 04 tháng 12 năm 1963, có
thể nói, việc tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn thể dân Chúa khi cử hành phụng
vụ luôn là định hướng cho công cuộc cải cách phụng vụ của Hội Thánh Công giáo.
Định hướng này đặt môn Phụng vụ Thánh vào nhóm các môn học chính trong các chủng
viện, các học viện dòng tu và các phân khoa thần học. Dĩ nhiên, đào tạo phụng vụ
đích thực không đơn thuần là việc học hành và thí nghiệm với những hoạt động
bên ngoài. Vì trong phụng vụ, mọi thành phần dân Chúa, tuỳ theo phận vụ, được dẫn
tới “hoạt động của Thiên Chúa”, Đấng hành động thực sự và thực hiện điều chính
yếu bên trong. Qua phụng vụ, Thiên Chúa muốn biến đổi người tham dự phụng vụ và thế giới.
Do đó, việc đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa luôn cần phải định hướng và chỉ dẫn để
việc huấn luyện được tiến hành cách nghiêm túc.
Bài viết này muốn giúp độc giả đọc lại các giáo huấn của Hội
Thánh, từ Công đồng Vatican II đến nay, liên quan đến việc đào tạo phụng vụ cho
Dân Chúa, để có cái nhìn chung về định hướng đào tạo của Hội Thánh về lĩnh vực
phụng vụ: khởi đi từ các tài liệu của Giáo hội từ Công đồng; tiếp đến là các
tài liệu định hướng việc dạy môn Phụng vụ hiện nay trong các chủng viện hay
dòng tu; sau cùng là những gợi ý của Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Tông
huấn Sacramentum Caritatis, Bí tích Tình
Yêu và Tông Thư Desiderio Desideravi của Đức thánh cha Phanxicô, về đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa.
I. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CHỈ DẪN VỀ VIỆC ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ TỪ
CÔNG ĐỒNG VATICAN II ĐẾN NAY
1. Các tài liệu của Công đồng Vatican II
1.1. Hiến chế Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium
Ước mong mọi thành phần dân Chúa được hướng dẫn tham dự vào
cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động, Hiến chế Phụng Vụ định hướng
việc huấn luyện phụng vụ thích hợp cho mọi thành phần dân Chúa tùy theo phận vụ
của mình.
Với các nhà đào tạo, các giáo sư giảng dạy môn Phụng vụ
Thánh trong các chủng viện và các phân khoa thần học cần được đào tạo đầy đủ tại
các trường chuyên môn đặc biệt[1]. Ngoài những nhân đức nổi bật
Giáo luật còn đòi hỏi chuyên môn của các vị Giáo sư thần học phải có bằng Tiến
sĩ hoặc Cử nhân của các phân khoa được Tòa Thánh công nhận[2].
Với chủng sinh và tu sĩ đang được đào tạo trong các chủng viện
và các học viện, “môn Phụng vụ phải được
đặt vào hàng các môn cần thiết và quan trọng; còn trong các phân khoa thần học,
phải được kể vào hàng các môn chính. Hơn nữa, môn Phụng vụ phải được giảng dạy
dưới khía cạnh vừa thần học, vừa lịch sử vừa tu đức, vừa mục vụ và luật pháp”[3].
Các môn học như thần học tín lý, Thánh Kinh, thần học tu đức
và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo
những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, đồng thời giúp học viên thấy rõ
mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo
linh mục[4].
Ngoài ra, các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải
được huấn luyện về đời sống thiêng liêng theo tinh thần phụng vụ. Nhờ tham dự
những nghi lễ, cử hành các mầu nhiệm thánh, các giáo sĩ tập quen tuân giữ các
luật lệ phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống[5].
Với các linh mục triều hay dòng, phải được trợ giúp bằng mọi
phương tiện thích hợp, để hiểu rõ những gì họ thi hành trong tác vụ thánh, nhằm
giúp họ sống và thông ban đời sống phụng vụ cho các tín hữu[6].
Với các tín hữu, Công đồng đặc biệt lưu ý đến vai trò của
người mục tử trong việc huấn luyện phụng vụ cho họ: “Những chủ chăn phải chú trọng
và kiên tâm thực hiện việc giảng dạy về Phụng vụ cho các tín hữu, giúp họ tham
dự tích cực cả bề trong lẫn bề ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống
và trình độ văn hóa tôn giáo của mỗi người”[7].
Hiến chế Phụng Vụ chia thành 7 chương, gồm mọi lĩnh vực của
ngành phụng vụ. Dựa theo nội dung của Hiến chế mà các chủng viện và phân khoa
thần học tổ chức các môn học Phụng vụ: Chương I: Những nguyên tắc tổng quát để
canh tân và cổ võ Phụng vụ Thánh. Thần học của Phụng vụ; Chương II: Mầu nhiệm
Thánh của Lễ Tạ Ơn; Chương III: Các Bí Tích và các Á Bí Tích; Chương IV: Kinh
Nhật Tụng; Chương V: Năm Phụng Vụ; Chương VI: Thánh Nhạc; Chương VII: Nghệ Thuật
Thánh và Dụng cụ Thánh.
1.2. Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis
Sắc lệnh nhấn mạnh sự cao trọng của tác vụ linh mục khi cử
hành phụng vụ. Qua việc đặt tay của giám mục, linh mục tham dự vào chức linh mục
của Chúa Kitô, khi “cử hành các việc
thánh, các ngài phải hành động như những thừa tác viên của Người, Đấng không ngừng
thi hành Chức vụ Linh mục trong phụng vụ, nhờ Thánh Thần Người, để mưu ích cho
chúng ta”[8]. Sắc lệnh cho thấy, nhờ phụng
vụ, linh mục sẽ đạt tới sự hoàn thiện trong thiên chức linh mục[9]. Do đó, linh mục phải lo
trau dồi kiến thức và nghệ thuật thánh, để nhờ việc thi hành phụng vụ, cộng
đoàn Kitô hữu biết ca ngợi Thiên Chúa mỗi ngày một hoàn hảo hơn[10].
Đối với giáo dân, qua việc tham gia cử hành phụng vụ, linh mục
dạy tín hữu biết dâng của lễ đời mình lên Thiên Chúa, biết hết lòng thống hối
xưng thú tội lỗi qua Bí tích Hoà Giải, biết tham dự những buổi cử hành phụng vụ,
biết dùng thánh thi và thánh ca mà hết lòng chúc tụng Thiên Chúa[11]. Như vậy, trong chức vụ và
đời sống, nhờ và qua phụng vụ, linh mục đào tạo phụng vụ cho giáo dân, giúp họ
biết tôn vinh Danh Thiên Chúa và thăng tiến đời sống thiêng liêng[12].
1.3. Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục Optatam totius
Đào tạo ứng sinh linh mục cách toàn diện là huấn luyện họ trở
thành những vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Cho nên, Sắc lệnh dạy: “các ứng sinh linh mục phải được chuẩn bị chu
toàn tác vụ phụng vụ và thánh hoá: để thi hành công cuộc cứu rỗi qua Hy Tế
Thánh Thể và các Bí tích, bằng lời cầu nguyện và nghiêm chỉnh cử hành các nghi
lễ phụng vụ”[13].
Chính nhờ phụng vụ, ứng sinh linh mục biết tìm gặp Chúa Kitô nhờ hiệp thông với
Mầu nhiệm Thánh Thể và trung thành với các giờ Kinh Phụng Vụ[14].
Các môn thần học Thánh Kinh, Tín Lý giúp chủng sinh thấu triệt
các chân lý Mặc khải, thì nhờ việc cử hành phụng vụ, họ gặp thấy các chân lý ấy
hiện diện và tác động trong các nghi thức phụng vụ và trong toàn thể đời sống
Giáo hội[15]. Do đó, Sắc lệnh khẳng định:
“Môn phụng vụ phải được coi là nguồn mạch
thiết yếu số một của tinh thần Kitô giáo đích thực, nên phải được giảng dạy
đúng theo tinh thần các khoản 15 và 16 của Hiến chế Phụng vụ”[16].
2. Các tài liệu hướng dẫn và đào tạo phụng vụ sau
Công đồng
2.1. Huấn thị về việc Đào tạo Phụng vụ trong các Đại chủng viện
Instruction on Liturgical Formation in Seminaries[17]
Nhằm cập nhật các văn kiện của Công đồng Vatican II, nhất là
Ratio Fundamentalis của Bộ Giáo Dục
Công Giáo, Huấn thị về việc Đào tạo Phụng
vụ trong các Đại chủng viện được ban hành ngày 3 tháng 6 năm 1979. Trước
tiên, Huấn thị đưa ra nguyên tắc chung
cho việc dạy phụng vụ trong Chủng viện như sau: “Ngoài những hướng dẫn ban đầu và căn bản về phụng vụ phải được dạy, khi
chủng sinh mới bước vào chủng viện và những khi cần thiết, các Hội đồng Giám mục
phải sắp xếp trong mỗi Ratio institutionis của quốc gia mình để việc giảng dạy
phụng vụ phải được tổ chức trong chương trình thần học bốn năm nhằm đáp ứng các
quy định của Hiến chế Phụng vụ số 16”[18].
Tiếp đến, Huấn thị xác định mục đích giảng dạy của bộ môn phụng
vụ: “Các môn phụng vụ phải được giảng dạy
nhằm đáp ứng các nhu cầu của thời đại, chủ yếu là về thần học, mục vụ và đại kết”[19].
Cập nhật vào số 16 của Hiến chế Phụng vụ, Huấn thị bổ túc thêm khía cạnh “đại kết”
trong nội dung môn học này.
Huấn thị phác thảo các quy tắc tổng quát về phạm vi của bộ môn phụng vụ và chương trình
giảng dạy, đồng thời kèm theo phần Phụ lục một danh sách những điểm chính cần
tham khảo cho phạm vi giảng dạy phụng vụ.
Phác hoạ cách tổng quát cho môn Phụng vụ, Huấn thị đề cập
trước hết là các cử hành phụng vụ phải được
giải thích cho chủng sinh. Cụ thể là những lời kinh, lời nguyện không chỉ đọc
chúng trong bản dịch tiếng địa phương nhưng cần phải sử dụng các bản văn gốc và
giải thích nhờ sự trợ giúp của Thánh kinh và truyền thống các giáo phụ.
Các giáo sư hướng dẫn các chủng sinh về các Praenotanda - Dẫn nhập hay những điều cần
biết trước trong các Sách Phụng vụ, vì “trong những tài liệu này, người ta sẽ
tìm thấy giáo thuyết thần học, sự thúc đẩy mục vụ và khía cạnh thiêng liêng
không chỉ của các nghi thức nói chung, nhưng còn mỗi phần riêng của nghi thức”[20].
Lịch sử phụng vụ, nhất lịch sử của các nghi thức, cần phải
trình bày cho chủng sinh nhằm giúp hiểu hơn về ý nghĩa và những yếu tố do Thiên
Chúa thiết lập cũng như những yếu tố khác có thể thay đổi theo dòng thời gian để
phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng vụ[21].
Song song đó, học viên cũng cần nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng và hiểu biết
về các nghi lễ Phụng vụ Đông Phương: “Truyền
thống từ các Tông đồ qua các Giáo phụ, luôn toả sáng nơi các Giáo hội vẫn nổi
danh nhờ sự cổ kính thật đáng quý trọng, chính nhờ Truyền thống này là thành phần
của cùng một gia sản trọn vẹn được Thiên Chúa mặc khải và thuộc về toàn thể
Giáo hội”[22].
Về mặt Thần học phụng vụ, chủng sinh cần hiểu biết sâu xa
hơn về Mầu nhiệm Vượt Qua, lịch sử cứu độ, và sự hiện diện của Đức Kitô trong
Phụng vụ Thánh.
Việc đào tạo phụng vụ cũng phải giúp chủng sinh hiểu về các dấu chỉ được sử dụng trong phụng vụ
vì thông qua các dấu chỉ này, con người được thánh hoá[23].
Vì tầm quan trọng của thánh
nhạc trong các cử hành phụng vụ, các chủng sinh cũng cần được đào tạo về âm
nhạc. Cũng rất cần thiết, trong thời gian đào tạo, chủng sinh cũng phải học hỏi
về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật
thánh, để họ biết quý trọng và bảo trì những công trình đáng được đề cao của
Giáo hội. Cuối cùng, “chủng sinh cũng phải được huấn luyện về nghệ thuật nói chuyện, sử dụng các biểu tượng
và phương tiện truyền thông, để khi linh mục nói, giảng, đọc các lời nguyện,
người tín hữu có thể hiểu được những cử chỉ và hành động của ngài”[24].
Huấn thị đòi trong mỗi chủng viện phải có một giáo sư phụng
vụ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng qua việc học thần học và lịch sử cũng như tìm hiểu
thực tế mục vụ và có cảm thức về kinh nghiệm chung của Giáo hội, nhằm hướng dẫn
các chủng sinh đi vào đời sống phụng vụ và vào tính chất thiêng liêng của nó[25].
2.2. Giáo lý của Hội Thánh Công giáo
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dành trọn phần II: Cử Hành Mầu
Nhiệm Kitô Giáo, từ số 1066-1690, để khai triển hai nội dung chính: Nhiệm cục
Bí Tích và Bảy Bí Tích của Hội Thánh. Như vậy, phụng vụ có vị trí rất đặc biệt
trong chương trình dạy giáo lý cho dân Thiên Chúa.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: “Tự bản chất, dạy
giáo lý gắn liền với mọi cử hành phụng vụ và bí tích, vì chính trong các bí
tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Giêsu hành động cách trọn vẹn nhất để
biến đổi con người”[26]. Bên cạnh đó, “việc dạy
giáo lý trong phụng vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Đức Kitô, dẫn từ hữu
hình đến vô hình, từ dấu chỉ đến thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm”[27].
2.3. Đào tạo Linh mục, Định hướng và Chỉ dẫn
Ngày 01 tháng 02 năm 2012, tài liệu Đào tạo Linh mục - Định hướng và
Chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành. Dựa trên các tài liệu
hướng dẫn mới nhất của Tòa Thánh về việc đào tạo linh mục[28],
Đào tạo Linh mục đã định hướng và chỉ
dẫn phù hợp với bối cảnh hiện nay tại Việt Nam. Riêng lĩnh vực đào tạo phụng vụ,
tài liệu cho thấy chiều kích đào tạo thiêng liêng có mối tương quan mật thiết với
chiều kích đào tạo tri thức về phụng vụ, vì hằng ngày các ứng sinh phải tập cử
hành và sống phụng vụ trong môi trường Chủng viện.
Ngay Năm Tu đức, chủng sinh tập nguyện gẫm với những bài
Phúc âm hằng ngày đã được phụng vụ của Giáo hội chọn. Nhờ chu kỳ của Năm Phụng
Vụ, chủng sinh chiêm ngắm toàn bộ Mầu nhiệm Chúa Kitô, từ đó sẽ được biến đổi
nên giống Người[29]. Nhờ học nhập môn phụng vụ,
ứng sinh biết sống Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải cách tốt đẹp. Thời gian dành
cho các Phụng vụ nhập môn là 45 tiết[30].
Những năm Triết học và Thần học, ứng sinh linh mục tiếp tục
tự đào tạo chiều kích thiêng liêng nhằm phát triển mối tương quan với Chúa
Giêsu nhờ Lời Chúa hằng ngày, Phụng Vụ các Giờ Kinh, tham dự Thánh lễ cách tích
cực, cử hành và sống Năm Phụng Vụ.
Trong chu kỳ 2 năm triết học, Đào tạo Linh mục không dành
riêng số tiết học cho môn phụng vụ, nhưng môn học này được xếp chung với nhóm
“Dẫn nhập vào các chân lý siêu nhiên (hiểu, sống, loan báo) là 240 tiết, bao gồm
các môn: Linh đạo, Phụng vụ, lịch sử Giáo hội[31].
Những năm 4 thần học, các môn phụng vụ giúp ứng sinh cử hành
chân lý đức tin[32]. Những môn học phụng vụ được
dành với thời lượng 90 tiết, được cụ thể như sau: Năm Phụng Vụ (30 tiết), Phụng
vụ bí tích (30 tiết), Phụng vụ giờ kinh (30 tiết)[33].
II. HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN
THIÊN CHÚA
1. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, Tông huấn Sacramentum Caritatis, Bí tích Tình Yêu, năm 2007
Tông huấn này không phải là tài liệu bàn trực tiếp đến mọi
lãnh vực của phụng vụ, nhưng Đức Bênêđictô XVI tập trung về Bí tích Thánh Thể
và trình bày ba khía cạnh của bí tích được liên kết chặt chẽ: Mầu nhiệm Thánh
Thể, cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể và sống Mầu nhiệm Thánh Thể, đặc biệt trong phần
II: Cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể từ các số 34-65, hướng dẫn đào tạo về cử
hành phụng vụ đúng nghệ thuật cử hành, nhất là Thánh lễ. Đức Thánh Cha đề cập
trước tiên về nghệ thuật cử hành là trung thành tuân giữ các quy luật phụng vụ,
làm sáng tỏ các quy luật phụng vụ và là điều kiện tốt nhất làm cho sự tham dự
được sống động.
Từ số 52-64, Đức Bênêđictô XVI nhắc lại
tinh thần của Công đồng Vatican II về việc tham dự tích cực, ý thức và hữu hiệu
của toàn thể Dân Chúa trong cử hành Thánh Thể. Ngài nhắc lại Hiến chế Phụng Vụ
đã khuyến khích các tín hữu tham dự vào phụng vụ Thánh Thể không phải như những
khách bàng quan, câm lặng, mà như những người tham dự “hành động thánh một cách
ý thức, thành kính và linh động”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh “cái đẹp và sự hài hoà của phụng vụ được diễn tả đầy đủ ý nghĩa trong trật
tự mà theo đó mọi người được mời gọi tham dự cách tích cực”[34]. Do đó, cần đến
phương pháp đào tạo nhằm giúp mọi thành phần Dân Chúa tham dự tích cực và ý thức.
Tông huấn đưa ra phương pháp giáo lý nhiệm huấn[35] hướng dẫn các tín hữu hiểu
các mầu nhiệm đang cử hành một cách sâu sắc hơn, từ đó họ tham dự tích cực và ý
thức hơn. Xin tóm lược tiến trình nhiệm huấn với ba yếu tố sau:
Một, giáo lý nhiệm huấn giải thích các nghi lễ trong ánh
sáng của các biến cố cứu độ, phù hợp với truyền thống của Hội Thánh. Bí tích
Thánh Thể luôn quy chiều vào lịch sử cứu độ.
Hai, giáo lý nhiệm huấn trình bày ý nghĩa của các dấu chỉ chứa
đựng trong các nghi lễ, giúp các tín hữu hiểu rõ hơn ngôn ngữ của dấu chỉ, cử
chỉ và lời đọc làm nên nghi lễ.
Ba, giáo lý nhiệm huấn giúp thấy rõ mối quan hệ giữa các mầu
nhiệm được cử hành trong các nghi lễ với trách nhiệm truyền giáo của các tín hữu.
Vì mục đích của tất cả việc giáo dục Kitô giáo là huấn luyện mọi tín hữu có một
đức tin trưởng thành, và có khả năng làm chứng về niềm hy vọng Kitô giáo đã
thôi thúc họ.
2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, năm 2022
Ngày 29 tháng 6 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành
Tông thư Desiderio Desideravi, về đào
tạo Phụng vụ gửi toàn thể Dân Chúa. Được gợi hứng từ Hiến chế Phụng Vụ, các vị tiền nhiệm và học giả linh mục Guardini, một chuyên
viên về phụng vụ của Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha nhắc lại những điểm
thần học căn bản về phụng vụ, những lĩnh vực liên quan đến môn phụng vụ, những
thái độ cần phải tránh khi cử hành phụng vụ, và như một lời kêu gọi canh tân,
ngài chỉ ra sự cần thiết phải đào tạo phụng vụ cách nghiêm túc và gắn liền với
cuộc sống trong các số 27-47, nghệ
thuật cử hành phụng vụ từ số 48-65,
nhằm giúp người tín hữu chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong việc cử hành.
Trước tiên, Đức Giáo Hoàng nhắc lại việc tham dự tích cực và
trọn vẹn buổi cử hành phụng vụ của người tín hữu, qua việc tích cực chuẩn bị
tâm hồn xứng đáng, tích cực trong việc thưa kinh, ca hát, cử chỉ và thái độ của
thân xác, cũng như cần tôn trọng thinh lặng thánh trong khi cử hành. Phụng vụ
là chức năng tư tế của Đức Kitô, được hiện tại hóa và tác động qua những dấu chỉ
hữu hình (nước, dầu, bánh, rượu, cử chỉ, lời nói), để Thần Khí biến đổi chúng
ta ngày càng giống Chúa Kitô hơn, nên phụng vụ không phải là việc phô diễn nghi
lễ, bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ bên ngoài theo đúng nghi thức do
Hội Thánh thiết lập, nhưng khi cử hành phụng vụ cần phải quan tâm đến tất cả mọi
khía cạnh của việc cử hành (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ
phục, thánh nhac, hoa đèn...) và phải tôn trọng từng thành phần của nghi thức
phụng vụ[36] và nghệ thuật cử hành phụng
vụ[37].
Tông thư đặc biệt nhắc đến một thái độ tích cực cần phải có
khi tham gia cử hành phụng vụ, đó là thái độ ngỡ ngàng, thán phục trước mầu nhiệm
Vượt Qua được cử hành và hiệu quả phát sinh ơn cứu độ. Vì khi cử hành nghi lễ
cách tốt đẹp và đúng quy định, vẫn chưa đủ để thông phần cách trọn vẹn vào Mầu
nhiệm Vượt Qua được cử hành, mà người cử hành còn phải thán phục vì mầu nhiệm
được cử hành đã phát sinh hiệu qua ơn cứu độ cho toàn thể Hội Thánh. Vì không
có thái độ ngỡ ngàng thán phục trước mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa cách
cụ thể qua các dấu chỉ bí tích, người tín hữu sẽ không kín múc hết nguồn ân sủng
được trao ban trong từng cử hành phụng vụ. Nói cách khác, người cử hành phụng vụ
cần phải hiểu rõ giá trị của biểu tượng được sử dụng trong phụng vụ như là dấu
chỉ bên ngoài của bí tích để nhờ việc cử hành, chúng sẽ thông ban ân sủng vào
trong tâm hồn của người tín hữu[38].
Tiếp theo, Đức Thánh Cha đề nghị phải đào tạo phụng vụ cách
nghiêm túc và gắn liền với cuộc sống, từ số 27-47. Ngài nhận định rằng con người
ngày nay đã mất khả năng tham gia vào hành vi biểu tượng, do ảnh hưởng của thuyết
Ngộ đạo và thuyết Pêlagiô (chủ nghĩa cá nhân, tự mãn) và chủ nghĩa tâm linh trừu
tượng, mâu thuẫn với bản chất con người[39].
Từ đó con người cảm thấy lạc lõng, cô độc, vô nghĩa, vô tâm và không có điểm
quy chiếu nào. Cho nên, cần phục hồi khả năng hiểu biết dấu chỉ và biểu tượng,
để người tín hữu có thể tham gia vào những hành vi phụng vụ mang tính biểu tượng,
một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ Kitô giáo.
Theo Đức Thánh Cha, cần phải đào tạo phụng vụ theo hai khía
cạnh: đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ[40].
Đào tạo cho phụng vụ là việc đào tạo trong nghiên cứu phụng
vụ. Ngoài việc nghiên cứu và đóng góp của các học giả, học viện về phụng vụ,
cũng cần phải tạo môi trường đào tạo dễ dàng tiếp cận, để mỗi tín hữu có thể
tham gia nâng cao kiến thức về ý nghĩa thần học phụng vụ. Đây là vấn đề mang
tính quyết định, là nền tảng cho sự hiểu biết và thực hành phụng vụ, giúp người
tín hữu có khả năng hiểu được bản văn kinh nguyện, tính năng động và ý nghĩa
nhân học của các nghi lễ.
Đào tạo qua phụng vụ là đi sâu vào mầu nhiệm được cử hành.
Các kiến thức được đào tạo cho phụng vụ chỉ là bước đầu tiên để có thể cử hành
phụng vụ cách tốt đẹp. Cho nên, với thừa tác viên chủ sự cộng đoàn, vừa phải nắm
rõ lộ trình trên bản đồ nghiên cứu thần học, vừa phải siêng năng cử hành phụng
vụ để có những trải nghiệm về một đức tin sống động và được nuôi dưỡng bằng lời
cầu nguyện. Với các tín hữu, mỗi người trong ơn gọi của mình tham gia cử hành
phụng vụ, là phục vụ cho chức năng đào tạo phụng vụ được thực thi.
Tông thư cũng phác hoạ chương trình đào tạo phụng vụ cho chủng
sinh trong chủng viện như sau[41]: Chương trình đào tạo tri
thức cho chủng sinh trong chủng viện theo một hệ thống và thống nhất về tất cả
các kiến thức thần học. Trong từng lĩnh vực thần học riêng biệt, phải thể hiện
mối liên hệ mật thiết với phụng vụ, để trong ánh sáng của phụng vụ, chương
trình thần học biểu lộ rõ nét và thực hiện tính cách thống nhất của việc đào tạo
linh mục. Liên kết phụng vụ và kiến thức thần học chuyên biệt khác sẽ có những
tác động tích cực trong hoạt động mục vụ. Vì một cử hành phụng vụ mà không rao
giảng Tin Mừng là một cử hành không xác thực và cũng không xác thực, nếu lời
rao giảng không dẫn đến gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong cử hành phụng vụ, và tất cả
đều phải có chứng từ bác ái, nếu không thì sẽ giống như tiếng cồng chiêng ồn
ào!
Chủng viện cũng cần giúp chủng sinh trải nghiệm về việc cử
hành phụng vụ cách chuẩn mực về nghi thức, xác thực và sống động, để có thể sống
hiệp thông thực sự với Thiên Chúa và cũng là hiệp thông mà kiến thức thần học
phải hướng tới. Ngoài ra, cần phải đào tạo phụng vụ trường kỳ cho thừa tác viên
và tất cả những ai đã được rửa tội, vì ân huệ của mầu nhiệm được cử hành vượt
quá khả năng hiểu biết của Dân Chúa. Mức độ trọn vẹn của đào tạo là làm cho mọi
tín hữu phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.
KẾT LUẬN
Sau khi có cái nhìn tổng quan về việc đào tạo phụng vụ cho
Dân Chúa, theo các tài liệu của Giáo hội, xoay quanh tư tưởng chủ đạo là việc
tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực trong phụng vụ, có thể thấy rằng mọi thành
phần Dân Chúa đều có trách nhiệm và cần được huấn luyện cách kỹ lưỡng trong
lĩnh vực đặc biệt này.
Giám mục giáo phận là người quản lý chính các mầu nhiệm của
Thiên Chúa, là người hướng dẫn, thúc đẩy và gìn giữ tất cả đời sống phụng vụ.
Chính ngài là nhà phụng vụ tiêu biểu nhất trong giáo phận. Ngài phải “chắc chắn rằng các linh mục, phó tế và các
Kitô hữu giáo dân nắm bắt ngày càng sâu ý nghĩa đích thực của các nghi lễ và
các bản văn phụng vụ, như thế họ đạt tới sự tham dự Thánh Thể tích cực và hữu
hiệu”[42].
Các linh mục và những người có trách nhiệm về mục vụ phụng vụ
phải tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các dấu chỉ phụng vụ. Cần
có sự hiểu biết về thần học phụng vụ, lịch sử và nghệ thuật cử hành phụng vụ.
Ngoài ra, vì nhu cầu mục vụ ngày nay, chủng sinh và linh mục cần phải được học
về lịch sử nghệ thuật thánh, đặc biệt liên quan đến việc xây cất nơi thờ phượng
theo các tiêu chuẩn phụng vụ.
Đối với người tín hữu giáo dân, việc “đào tạo cho phụng vụ” cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh
ngày nay, các học viện thần học đã được mở cửa, cũng cần có khoa phụng vụ và
các giáo sư chuyên môn để đào tạo “bài bản” cho những giáo dân phụ trách mục vụ
phụng vụ cho các giáo xứ. Các học viên này được giáo phận hoặc giáo xứ giới thiệu
để theo học các học phần phụng vụ cơ bản. Việc “đào tạo qua phụng vụ” cũng cần quan tâm đúng mức. Trước tiên, các
linh mục, người chủ toạ phụng vụ phải tôn trọng và cử hành đúng “nghệ thuật cử
hành”, với các thành phần khác, như người giúp lễ, người đọc sách, dẫn lễ, ca
viên, đệm đàn, người phục vụ phòng thanh... tất cả cũng cần được đào tạo để khi
chuẩn bị và tham gia cử hành phụng vụ thánh, họ biết và thực thi đúng chức năng
của mình trong phụng vụ, vừa làm cho cộng đoàn tham gia cử hành sốt sắng và hiệu
quả, vừa đào luyện bản thân nên giống Đức Kitô, Đấng luôn hiện diện trong mọi cử
hành phụng vụ của Hội Thánh.
Đọc lại các tài liệu của Giáo hội, chiều kích thần học, các
lĩnh vực phụng vụ cần được huấn luyện cho mọi thành phần Dân Chúa đều được nêu
rõ ràng. Do đó, điều cần thiết hiện nay là làm sao có một phân khoa phụng vụ
trong Học viện Công giáo tại Việt Nam, tại các phân khoa thần học của các Dòng
Tu. Các phân khoa này tạo điều kiện dễ dàng cho các những “thí sinh nghe tự do”
đăng ký tham dự các môn phụng vụ chuyên biệt mà họ yêu thích.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)
[17] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Instruction on Liturgical Formation in
Seminaries, Huấn thị về việc Đào tạo Phụng Vụ trong các Chủng viện (HTĐTPV), Viết
Cao dịch, nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2015.
[26] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae, số 23;
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 1074.
[28] Ngoài các Văn kiện của Công đồng Vatican II
như đã trình bày trong bài viết, Đào tạo
Linh mục còn tham khảo các tài liệu khác như: Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng
Giám mục Pastores Dabo Vobis; Bộ Giáo
Dục Công Giáo, Ratio Fundamentalis
Institutionis sacerdotalis, 1970-1985; Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, Chỉ Nam Linh Mục, 1989 và nhiều tài liệu
khác liên quan đến việc đào tạo linh mục.
[29] Ngoài các Văn kiện của Công đồng Vatican II
như đã trình bày trong bài viết, Đào tạo
Linh mục còn tham khảo các tài liệu khác như: Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng
Giám mục Pastores Dabo Vobis; Bộ Giáo
Dục Công Giáo, Ratio Fundamentalis
Institutionis sacerdotalis, 1970-1985; Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc, Chỉ Nam Linh Mục, 1989 và nhiều tài liệu
khác liên quan đến việc đào tạo linh mục.
[42] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 39.