WHĐ (13.11.2023) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam
đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
I. VĂN
KIỆN
Sau ca nhập lễ, vị tư tế, đứng tại
ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá. Tiếp đó, dùng lời chào mà nói
cho cộng đoàn biết là có Chúa hiện diện... Sau khi chào giáo dân xong, vị tư tế
hay phó tế, hay một thừa tác viên khác có thể nói ít lời dẫn nhập tín hữu vào
Thánh lễ hôm ấy (QCSL 50).
II. LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA
Làm dấu thánh giá là một thói quen lâu đời
trong Kitô giáo bắt nguồn và dựa trên bản văn Tin Mừng Mt 28,19: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Bí tích Rửa
tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Có lẽ thực hành này đã có từ thế kỷ thứ II nhằm gợi lại sự kiện máu con chiên được
bôi trên cửa của những người Do Thái tại Ai Cập vào đêm Vượt qua (x. Xh 12,7)
và báo trước dấu ấn sẽ được ghi trên trán của các vị thánh trên trời.
Từ
“dấu” trong tiếng Hipri là Tav. Đây là chữ cuối cùng trong bảng chữ cái của ngôn ngữ này và có hình dạng
được viết như hình thánh giá (T hay X). Dấu được sử dụng trong Edêkien 9 là dấu ấn nói lên
chủ quyền của Thiên Chúa trên đối tượng được ghi dấu. Bởi vậy, khi làm dấu thánh giá chúng
ta đồng hóa mình là dân của Chúa. Các thiên thần trong Kh 7,2-3 cũng mang dấu ấn của Thiên Chúa. Dấu ấn
này cũng liên kết chúng ta với danh của Con Chiên và thánh danh Chúa Cha (Kh
14,1; 22,4). Bởi vậy, ngay từ thế kỷ III Giáo phụ Tertullianô đã dạy rằng: “...mỗi bước đi và di chuyển, mỗi lần đi vào và đi ra, khi mặc y phục và xỏ
giày…trong tất cả mọi hoạt động thường ngày, chúng ta hãy ghi dấu thánh giá.”[1]
Theo truyền thống từ xa xưa, các tín hữu làm dấu
thánh giá khi bắt đầu mỗi công việc, đặc biệt là khi khai mở cử hành phụng vụ.[2]
Dĩ nhiên, cách thức chỉ là ghi dấu thánh giá [nhỏ] trên trán như đứa trẻ được cha mẹ và những
người đỡ đầu thực hiện trong nghi thức Thanh tẩy hiện nay.[3]
Từ đầu thế kỷ III, tại Phi châu và Rôma, việc ghi dấu thánh giá trên trán trong nghi thức khai tâm Kitô giáo
đã trở thành một phương thức truyền thống bày tỏ người đón nhận thuộc về Chúa
Kitô. Cuối thế kỷ IV, làm dấu thánh giá được thực hiện nhiều lần khi cử hành các
bí tích. Đến thế kỷ IX, khi tới bàn thờ, Đức Giáo hoàng ghi dấu thánh giá chỉ trên trán của
ngài.[4]
Mãi tới thời hậu Trung cổ (1100-1400), trong phụng vụ Rôma, việc làm dấu thánh
giá lúc bắt đầu Thánh lễ mới xuất hiện khi chủ tế dẫn vào lời nguyện nhập lễ tại chân bàn thờ... Đó
là những lời nguyện được linh mục đọc trên đường dẫn tới cung thánh.[5]
Theo Jungmann, công thức và hành động làm dấu thánh giá lúc khởi đầu Thánh lễ thời Trung cổ là
nhằm “khấn xin phúc lành của Thiên Chúa” và thừa nhận rằng “chúng ta bắt đầu
hành vi thánh thiện trong quyền năng từ Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ thập giá Chúa Kitô.”[6]
Dấu thánh giá mang thêm nhiều ý nghĩa sau đó và trở
thành một cử điệu trừ tà. Vào thế kỷ thứ XIII, Đức Innocent III (cùng thời với
thánh Phanxicô Atxixi) mô tả tập tục làm dấu thánh giá ở Tây phương đồng thời
cũng hướng dẫn các tín hữu ý nghĩa của dấu thánh giá rằng:
Dấu thánh giá được làm với 3 ngón tay (cái, trỏ và giữa) chụm lại với nhau bởi
vì dấu hiệu được thực hiện với sự khẩn cầu Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách làm như thế
này: từ trên xuống dưới, và từ phải qua trái, bởi lẽ Đức Kitô đã từ trời xuống
thế và từ người Do Thái (phải) Người tiến sang dân ngoại (trái).
Bấy giờ, cả Đông lẫn Tây phương, mọi người vẫn
làm dấu thánh giá như trên, nghĩa
là từ phải qua trái, nhưng sau lại bắt chước phép lành của
linh mục, họ đã bắt đầu làm dấu từ trái qua phải. Thế là, từ nhiều thế kỷ qua,
Tây phương vẫn cứ theo cách làm dấu thánh giá như thế, tức là từ trái qua phải.
Đó là lý do tồn tại cho đến nay truyền thống Đông phương làm dấu từ phải qua
trái trong khi Tây phương lại làm từ trái qua phải và đã phát triển thành
truyền thống phụng vụ.[7]
Dấu thánh giá là dấu chỉ thánh thiện nhất trong các dấu
chỉ. Dấu thánh
giá còn là dấu chỉ của vũ trụ và là dấu chỉ sự cứu độ nhân loại nhờ duy chỉ thập giá vinh thắng của
Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 5,8). Ngài thánh hóa và cứu độ con người nhờ thánh giá (x. Cv 4,12). Làm dấu thánh
giá là một hình thức tuyên xưng đức tin trong Chúa Kitô.[8]
Vì vậy, dấu thánh giá thánh hiến và
thánh hóa các tín hữu trong sức mạnh của Chúa Kitô và trong danh Ba Ngôi Thiên
Chúa. Dấu thánh
giá không chỉ hướng lòng các tín hữu lên Chúa Ba Ngôi, kêu cầu danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng còn nài xin ân sủng của Thiên Chúa
do thập giá Chúa Kitô
đem lại và nhắc nhớ họ về nguồn mạch của công cuộc thánh hóa là hy tế của Đức
Kitô, về bí tích Thánh tẩy mà tất cả Kitô hữu
đã được lãnh nhận nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhờ đó, họ được gia nhập Hội Thánh, thành
dân của Chúa, được sống một đời sống mới (x. Rm 6,3-4), được bước vào gia đình thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa và được
tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Do đó, họ cũng được quyền tế lễ với Chúa
Kitô và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.[9]
Ngay lúc bắt đầu Thánh lễ, việc làm dấu thánh giá
trên mình nhằm diễn tả các tín hữu được triệu tập dưới dấu
hiệu của thánh giá[10] và họ “ngước nhìn lên Đấng
người ta đã đâm thâu” (Ga 19, 37).[11]
Dấu thánh giá làm trên mình đặt các tín hữu trong tương quan với Chúa Cha, nhờ
Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, cũng như nhắc nhớ về bí tích Thánh tẩy của họ.
III. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ
Chủ tế đứng tại ghế chủ
tọa [hơn là ở bất cứ vị trí nào khác trong cung thánh], cùng toàn thể cộng đoàn
làm dấu thánh giá trên mình (NTTL 1; QCSL 50, 124; LNGM 131).
IV. SUY NIỆM[12]
Khi bắt đầu cử hành
Thánh lễ, chúng con làm dấu thánh giá đang khi vị chủ tế cất tiếng đọc “Nhân
danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn thường tự hỏi tại
sao chúng con lại phối hợp dấu thánh giá với danh Ba Ngôi chí thánh. Chúng con
tin rằng chính bởi vì mọi kinh nguyện của Kitô hữu đều gợi lại hy tế trên thập
giá. Chúng con kết hợp cả hai để nhắc nhớ mình rằng Chúa đã quy tụ chúng con để
cử hành tiệc thánh nhân danh Chúa Ba Ngôi trong sự tưởng niệm Chúa chịu nạn và
chịu chết trên thánh giá.
Dấu thánh giá là một
phương tiện nhờ đó chúng con thừa nhận sự hiện diện của thánh giá Chúa trong cuộc
đời chúng con. Chúng con làm dấu thánh giá trong những hoàn cảnh khác nhau: lúc
vui cũng như khi buồn; lúc gặp hiểm nguy hay do tai họa từ thiên nhiên; khi khởi
sự cầu nguyện hay bắt tay vào công việc gì. Lạy Chúa, thánh giá Chúa là biểu tượng
cho quyền năng Chúa và nhắc nhớ chúng con nhiều điều.
Khi chúng con làm dấu
thánh giá, chúng con kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Chính do ý muốn và quyền bính của
Chúa Cha và với uy lực của Chúa Thánh Thần mà Chúa, lạy Chúa Giêsu, đã vác thập
giá lên đồi Canvê. Khi Chúa từ bỏ mạng sống mình, sự xấu xa của tội lỗi nhân loại
hiện ra càng ghê gớm nhưng rồi lòng trắc ẩn đầy yêu thương của Thiên Chúa Ba
Ngôi đã được tỏ hiện. Lạy Chúa, chính trên thánh giá, Chúa đã quay về với cung
lòng của Chúa Cha và dạy chúng con biết rằng nhờ chịu đóng đinh vào thánh giá
mà chúng con được kéo lên với Chúa. Cũng chính trên thánh giá mà Chúa đã ban
Thánh Thần cho chúng con – Đấng đã đồng hành với Chúa từ nhập thể cho đến khi bị
đóng đinh trên thánh giá. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn bám chặt không rời
khỏi Chúa Thánh Thần khi chúng con phải đương đầu vượt qua sóng gió cuộc đời
này.
Khi chịu phép thanh tẩy,
chính với dấu thánh giá ghi trên trán chúng con và nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần,
Chúa Cha đã đón nhận chúng con làm con cái của Người. Nhờ thánh giá, Chúa Thánh
Thần được ban cho chúng con. Ước gì bí tích rửa tội chúng con lãnh nhận luôn giữ
mãi trong lòng trí chúng con sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và quyền năng của
thánh giá.
Thánh Ambrosio nói rằng
Chúa Thánh Thần và thánh giá nằm ngay trong nước rửa tội. Điều này đã họa ra
trong trí chúng con về cuộc đời mình, cuộc đời đã được nhận chìm trong dòng nước
thanh tẩy. Chính nơi dòng nước này mà chúng con, khi bám lấy thập giá Chúa, đã
được hòa hợp với Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Lạy Chúa, xin hãy để
cho dòng nước thánh tẩy thường xuyên tồn tại trong chúng con. Xin luôn luôn nhắc
nhớ chúng con rằng bên ngoài dòng nước này, chúng con sẽ chẳng thể nào hít thở
được thần khí sự sống của Chúa Thánh Linh; không có dòng nước rửa tội này,
chúng con sẽ không thể thấu hiểu được thập giá. Cuộc sống sẽ là gì nếu không
thông hiệp với Chúa Ba Ngôi? Đời sống chúng con sẽ bấp bênh chao đảo thế nào nếu
không có đồn lũy của thập giá chở che?
[1] De Corona, 3:4, CCL 2:1043, trích lại trong Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications,
2011), 4.
[2] Trần
Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 35;
Le Gall, La Mess au fil de ses
rites (Chambray: C.L.D, 1992), 24.
[4] Trích lại trong John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 102.
[5] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order
of the Mass (Washington DC: FDLC,
NE, 2003), 10.
[6] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman
Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 1, trans. Francis A. Brunner (New York: Benziger Brothers, 1951), 296-297.
[7] X. Cassian
Folsom, OSB, “Sacred Signs and Active Participation at Mass”, Adoremus,
vol. IV, no. 3 (May/June 1998), acc, 25/06/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/sacred-signs-and-active-participation-in-mass-4253.
[8] X. Romano Guardini, Sacred Signs, trans. by Grace Branham, Pio Decimo Press, St. Louis,
1956, http://www.ewtn.com/library/LITURGY/SACRSIGN.TXT;
Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Thánh lễ 2,
107.
[10] Eugenio Costa, “Phần Mở đầu Thánh lễ,” trong Họp
nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng
Nai: Nxb. Đồng Nai, 1992), 148-149.
[12] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and
Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.