WHĐ (23.10.2023) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội
đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
I. VĂN KIỆN
Khi dân chúng đã tập họp,
và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ...
(QCSL 47).
II. LỊCH SỬ
Thời Hội Thánh sơ khai và thời bị bách hại, vì nghi lễ bẻ
bánh diễn ra tại các nhà tư, nên chắc chắn là không có cuộc rước nhập lễ. Chỉ
khi ra đời những nhà thờ rộng lớn (basilica)
từ thế kỷ thứ IV [với các lối đi cân đối dẫn vào vương cung thánh đường] thì mới
nảy sinh cuộc rước nhập lễ vốn không thể thiếu trong phụng vụ Thánh lễ Chặng viếng.[1]
Có hai lý do khiến cho cuộc rước nhập lễ ngày càng khác xa với
cuộc rước nhập lễ nguyên thủy trong Thánh lễ Giáo hoàng / Giám mục ngày xưa, tức
là chúng trở nên đơn giản và mất dần, thường lộ trình cuộc rước chỉ còn từ
phòng thánh tới cung thánh. [i] Thứ
nhất, khi Thánh lễ dần dần liên kết với cử hành Phụng vụ Giờ kinh mà các giáo
sĩ tề tựu để đọc; [ii] Thứ hai, vào
thời Trung cổ, khi thay đổi vị trí phòng thánh [vốn chứa các lễ phục trong đó
(phòng áo)] từ khu vực ở cuối thánh đường sang gần phía đầu cung thánh.[2]
Ngày nay, cuộc rước nhập lễ đã được phục hồi như sau:
-
Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới
bàn thờ theo thứ tự sau đây: [a] Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu
có xông hương; [b]Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác
viên khác cầm thánh giá đi giữa họ; [c] Các thầy giúp lễ và các thừa tác
viên khác; [d] Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ
không phải sách Bài đọc, nâng cao lên một chút; [e] Vị chủ tế, nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước
khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết (QCSL 120).
-
Hai tay nâng sách Tin Mừng, thầy phó tế đi trước vị tư tế mà tiến đến bàn thờ;
nếu không có cầm sách thì thầy đi bên cạnh chủ tế (QCSL 172).
III. Ý NGHĨA
Cuộc rước nhập lễ báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Cuộc rước này nhắc
nhở chúng ta về chiều kích lữ hành của cuộc sống. Đó là biểu tượng chúng ta
đang cùng nhau bước trên một hành trình thánh như: [i] Hành trình của dân Israel tiến bước trong sa mạc dưới sự
hướng dẫn của Môsê, Giôsuê… để tìm về đất hứa (x. Ex 19,4); và rồi trong hành
trình này, Thiên Chúa đã ban man-na làm lương thực nuôi dưỡng họ; [ii] Hành trình bước theo Chúa
Giêsu và các môn đệ của Ngài đi lên Giêrusalem; hơn nữa còn vượt qua thế
giới này để đi đến với Đấng mà Người gọi là ‘Áp-ba’ (Abba), Cha ơi!;[3] [iii] Là hành trình của “Dân Chúa đang tiến vào Nhà Chúa.”[4]
Khi vị chủ tế từ bên ngoài đi vào giữa những người đang quy
tụ để cử hành phụng vụ, bấy giờ cộng đồng trong Đức Kitô sẽ được thiết lập một
cách đầy đủ như một dấu chỉ thay thế cho một Hội Thánh rộng lớn hơn và cho toàn
thể nhân loại. Biểu tượng phụng vụ này của cộng đồng sẽ được hoàn tất vào lúc
giải tán cuối Thánh lễ khi những anh chị em tham dự Thánh lễ được sai đi len lỏi
vào trong thế giới để tiếp tục thi hành sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh là quy tụ
tất cả mọi người trở thành một Thân Mình Đức Kitô (Dt 13,12-14).[5]
Đi đầu đoàn rước cũng có thể là thừa tác viên cầm bình hương
nghi ngút khói [nếu hương được sử dụng] hầu nhắc chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện
của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ
hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian như Ngài ngự trong đền thờ
Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới của giao ước mới: Xh
13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL 117, 120).[6]
Sách Tin Mừng sau khi rước vào trong cung thánh sẽ được đặt
trên bàn thờ nhằm diễn tả sự hợp nhất của hai biểu tượng hàng đầu của Chúa
Kitô, tức Lời Chúa và Thánh Thể: Lời của Ngài qua dấu chỉ Sách Tin Mừng và Mình của Ngài qua dấu chỉ bàn thờ (x. QCSL 122,
173, 195; GLCG 1382); đây cũng là hai đối tượng được linh mục và phó tế hôn
kính (x. NTTL 1, 16; QCSL 273).[7]
IV. ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ
1) Nên tổ chức thường xuyên những cuộc rước đầu lễ long trọng
vào ngày Chúa nhật và những dịp lễ lớn (QCSL 120-21).[8]
2) Nên nhớ rằng tiếng hát của con người mới thuộc về “thần
thánh” và cao trọng hơn mọi nhạc cụ trần gian (x. Tra le Sollecitudini, no. 16; x. Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc [= MVTN], 44, 47). Vậy, (i) có thể diễn
tấu riêng với đại phong cầm hoặc các nhạc cụ khác trước khi nhập lễ. Đoàn rước
không di chuyển khi đang diễn tấu (MVTN 47); (ii) trống, trắc không chuyển tải
được lời, nên chỉ sử dụng khi tập họp cộng đoàn, trước khi đi rước; (ii) kèn thổi
khi đường rước xa, nhưng phải ngưng khi đoàn rước tiến tới cửa nhà thờ và phải
thổi theo bài thánh ca được chuẩn nhận;[9]
(iii) phải tránh trường hợp đoàn đồng tế đã tới cung thánh rồi mà ca đoàn / cộng
đoàn vẫn chưa hát ca nhập lễ (x. QCSL 44, 121, 139).[10]
3) Người giúp lễ phải xin chủ sự bỏ hương vào bình hương trước
khi cuộc rước bắt đầu (QCSL 120; LNGM 127).
4) Đi đầu đoàn rước có thể là thừa tác viên cầm bình hương
chủ động xông hương bằng cách lắc bình hương bên hông phải của mình theo hướng
trước và sau cho khói bay nghi ngút[11]
biểu tượng cho lời cầu nguyện của các thánh dâng lên Đấng Tối Cao, cũng là một
dấu hiệu cho thấy Hội Thánh lữ hành là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên trần gian
như Ngài ngự trong đền thờ Giêrusalem vậy, và dân Thiên Chúa chính là đền thờ mới
của giao ước mới: Xh 13,21, 15,13; Gs 3,6.11; 4,11; Tv 43,3; 78,14 (x. QCSL
117, 120).[12]
5) Nếu không có đủ số người giúp lễ, đoàn rước [đơn giản] có
thể được dẫn đầu bởi 2 người giúp lễ cầm nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô
mang đến và được lan tỏa nhờ các cuộc lễ.[13]
6) Chỉ rước Sách Tin Mừng
[do phó tế / linh mục đồng tế / thầy giúp lễ mang] chứ không phải Sách Bài đọc và vị trí của người mang Sách Tin Mừng là ở ngay trước các vị có
chức thánh. Tại Việt Nam, giáo dân không được dự trù để mang Sách Tin Mừng trong nghi thức này (x.
QCSL 120d, 172, 194, 117, 210; LNGM 128).[14]
7) Cuộc rước phải hướng về Chúa Kitô chứ không về bất cứ ai
khác. Vì vậy, chủ tế / các linh mục đồng tế phải tránh vẫy tay chào ai đó đang
khi đi rước như thể các ngài là nhân vật nổi tiếng đang bước đi giữa một đám
đông đầy thán phục mình. Lúc này, mọi người phải lo chăm chú ca hát chứ không
phải hành động như thế.[15]
8) Khi tới gần bàn thờ, những ai trong đoàn rước không mang
gì thì sẽ cúi sâu chào bàn thờ; còn những người đang cầm vật gì thì chỉ cúi đầu
(x. NTTL 1; QCSL 49, 274).[16]
9) Thừa tác viên mang Sách
Tin Mừng không cúi chào bàn thờ nhưng đi thẳng lên bàn thờ, cung kính đặt Sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. LNGM
129); sau đó phó tế / vị đồng tế cầm Sách
Tin Mừng mới hôn lên bàn thờ để tỏ lòng kính trọng và yêu mến Đức Kitô xét
vì bàn thờ không chỉ là bàn tiệc Thánh Thể mà còn là dấu chỉ của chính Chúa
Kitô, Đấng là đá tảng và nền móng của chúng ta (x. NTTL 1; QCSL 49, 120d, 173,
195).[17]
10) Chủ tế phải hôn kính bàn thờ trước rồi mới xông hương
sau chứ không làm ngược lại vì các bản văn hướng dẫn của Hội Thánh đều ghi theo
trình tự đó hầu cho thấy hôn kính bàn thờ là hành động phải làm trong mọi Thánh
lễ, còn xông hương chỉ là hành động tùy nghi hay phụ thêm (x. NTTL 1; QCSL 49,
123, 276; LNGM 131).
[1] John D. Laurance (ed.), The
Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 94.
[2] X. Johannes H. Emminghaus (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), The Eucharist: Essence, Form, Celebration,
105.
[3] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn
bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 60.
[6] X. McNamara, “Who
Goes First in a Procession,” Zenit.org/The
Zenit Daily Dispatch (31 May 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à
l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la
pratique léguée du rit romain (Perpignan: Editions Artège, 2012), 75-76.
[8] Edward McNamara, “Đoàn
rước Chủ tế buộc cần có Thánh giá và Nến không?” (13/12/2016), dg. Nguyễn Trọng Đa, http://conggiao.info/doan-ruoc-chu-te-buoc-can-co-thanh-gia-va-nen-khong-d-39368.
[9] Ủy Ban Phụng Tự/HĐGM.VN, “Đào tạo phụng vụ
cho Dân Chúa: Bài 1 - Cử hành Thánh lễ” (16/08/2023), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dao-tao-phung-vu-cho-dan-chua-bai-1-cu-hanh-thanh-le-52401.
[10] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral
Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011),
no. 121.
[11] Nguyễn Văn Vi, “Giải Đáp Thắc Mắc Về Phụng Vụ”, Tập San Phụng Vụ, số 10 (06/1972):
62; X. Peter Elliott, Ceremonies of the
Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 165.
[12] X. McNamara, “Who
Goes First in a Procession,” Zenit.org/The
Zenit Daily Dispatch (31 May 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à
l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la
pratique léguée du rit romain (Perpignan: Editions Artège, 2012), 75-76.
[13] X. Marc B. Caron, “Liturgical Traditions: The Entrance Procession,” Adoremus online (Dec. 27, 2018), https://adoremuno.org/2018/12/liturgical-traditions-the-entrance-procession/; x. Dom Robert Le Gall, “Nến cao” trong Từ Điển Phụng Vụ, 203.
[14] X. A. Fortescue, J.B. O’Connell, A. Reid, The Ceremonies of the Roman Rite Described (London: Bloomsbury,
2009), 137, 207; McNamara, “Who Goes First in a Procession” (31 May
2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/who-goes-first-in-a-procession-4950.
[17] X. McNamara, “Carrying
the Book of the Gospels” (16
July 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/carrying-the-book-of-the-gospels-13347.