WHĐ (25.03.2024) - Ngày
5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành
mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy
ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục
Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
Sau lời kinh được chủ tế cúi sâu và đọc thầm: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm
nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay
được đẹp lòng Chúa” (NTTL 26), hoặc sau khi xông hương (x. NTTL 27), chủ tế tiến hành rửa tay bên cạnh bàn thờ để
biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn. Đang khi thừa tác
viên đổ nước, chủ tế đọc thầm: “Lạy
Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm xin Ngài thanh tẩy” (x. NTTL 28; QCSL 76, 145).
II/ LỊCH
SỬ
Rửa tay là một thói quen được thực hành trong
Do Thái giáo và Kitô giáo thời sơ khai như một dấu chỉ thanh tẩy nội tâm và bày
tỏ thống hối. Trong thời Cựu Ước, các tư tế và thầy Lêvi phải trải qua nghi thức
tẩy rửa trước khi thi hành bổn phận trong cung thánh (x. Xh 29,4; Ds 8,7). Họ rửa
tay (và chân) trong một cái vạc nước bằng đồng trước khi bước vào nhà tạm hay tới
gần bàn thờ để xông hương (x. Xh 30,17-21). Về phần cộng đồng, tầm quan trọng của
nghi thức thanh tẩy dân chúng hầu chuẩn bị họ bước vào đền thờ được phản ảnh
trong Thánh vịnh 24, 3-4 cũng như trong 1Tm 2,8.
Dựa vào nền tảng Kinh Thánh, thực hành rửa tay
của linh mục khi cử hành Thánh Thể được đưa vào phụng vụ từ rất sớm và giống
như tư tế/thầy Lêvi trong Cựu Ước đã làm: rửa tay là vì sắp bước vào nơi cực thánh, nhưng cung thánh ngày nay là nơi còn linh thánh hơn cả nhà tạm và đền thờ xưa kia.[1]
Linh thánh hơn là vì sự hiện diện của Thiên Chúa thời Cựu Ước đôi khi được biểu
lộ qua những áng mây nơi cung thánh (x. Xh 40,34; 1V 8,10-11), còn trong Thánh lễ, Thiên
Chúa sắp đến với dân Người theo một cách thế gần gũi thân mật hơn trước kia.
Trên bàn thờ, nơi chủ tế đứng cử hành Thánh Thể, lễ phẩm bánh và rượu chẳng bao
lâu sau sẽ biến đổi thành Mình và Máu Chúa Kitô và Người sẽ đến cư ngụ trong
tâm hồn những ai hiệp lễ.
Những thực hành thời xưa cho biết có nhiều thời
điểm rửa tay khác nhau. Đôi lúc rửa tay trước khi nhận lễ vật từ dân chúng. Đôi
lúc lại rửa tay sau khi nhận lễ vật.
Rửa tay trước khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể để thanh tẩy
tâm hồn và rửa tay sau khi cho rước lễ để mụn Bánh Thánh không còn dính trên
tay…Thông thường, mỗi khi rửa tay, vị tư tế sẽ đọc một lời nguyện thầm mang chiều
kích sám hối và thanh tẩy. Bằng chứng
rõ rệt đầu tiên về nghi
thức rửa tay là từ Cyrilo thành
Giêrusalem (hồi thế kỷ
thứ IV),
như vậy nghi thức này còn
xuất hiện sớm hơn cả việc rước tiến lễ vật, và thậm chí, chúng ta được biết là
chủ tế thường rửa tay trước chứ không phải sau khi nhận lễ vật.[2]
Rửa tay xuất hiện trước tiên ở bên ngoài Rôma
và chỉ tồn tại trong Thánh lễ do linh mục chủ sự. Ban đầu không có lời nguyện
nào kèm theo hành động này. Nhưng từ đầu thế kỷ XI,[3]
một số công thức được thêm vào: công thức này gồm một hay nhiều câu lấy từ
Thánh vịnh 26, 6-12 (“Lạy CHÚA, con rửa tay nói lên lòng vô tội và
đi vòng quanh bàn thờ Chúa…”), và Vinh tụng ca kết
thúc. Vào cuối thời Trung cổ, khi không còn đoàn rước dâng lễ vật và không xông
hương vào dịp
lễ không trọng thể, người ta bỏ nghi thức rửa tay trước Kinh nguyện Thánh Thể,
vì cho rằng trước khi dâng lễ tư tế đã rửa tay xin ơn thanh tẩy rồi.[4]
Tuy nhiên, khi canh tân phụng vụ, Đức Piô V vẫn giữ lại nghi thức này trong
Thánh lễ và vẫn duy trì ý nghĩa thanh tẩy.[5] Nó cũng
thích hợp như một chức năng thực tế là rửa tay tư tế sau khi ngài vừa xông
hương.[6]
Ngày nay, những lời truyền thống từ Thánh vịnh
26, 6-12 như đòi hỏi của Sách lễ 1570 được Hội Thánh thay bằng một câu trong
Thánh vịnh 51,4, nên vị chủ tế đọc thầm khi rửa tay rằng: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài Thánh tẩy”
(x. NTTL 28).
III/ Ý
NGHĨA
Nước để rửa tay tự nó là dấu chỉ của sự thanh
sạch. Hình ảnh của nước gợi cho chúng ta nhớ lại nước trong bí tích Rửa tội và
bản văn tuyệt vời của tiên tri Êdêkien khi ngài công bố Giao ước Mới: “Ta sẽ
rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch. Ta sẽ ban tặng
các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed
36,25-26).[7]
Nghi thức rửa
tay luôn luôn có ý nghĩa thiêng liêng và biểu tượng lớn lao như QCSL số 76 xác
định: “Sau đó, vị tư tế rửa tay bên cạnh bàn thờ: nghi thức này biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn.” Lời của chủ tế đọc đang khi rửa
tay cũng giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa Hội Thánh lồng cho cử chỉ này: “Lạy
Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội con đã phạm, xin Ngài Thánh tẩy” (NTTL 28). Như vậy, nghi thức
rửa tay đã trở thành một dấu hiệu của thanh tẩy nội tâm và của sự ngay chính
tâm hồn. Nó diễn tả nhu cầu thanh tẩy của tư tế trước khi bắt đầu Kinh nguyện
Thánh Thể (x. NTTL 28; QCSL 76).
IV/ KỶ LUẬT
Trong vai trò là tôi tớ
của các mầu nhiệm thánh, tư tế không được bỏ rửa tay vì nghi thức này biểu tượng cho sự thanh tẩy
khỏi mọi hành động
tội lỗi và bất chính,[8] biểu lộ lòng ước ao của tín hữu muốn được thanh tẩy trong tâm hồn trước
khi tiến hành dâng tiến hy lễ ngợi khen cũng như cho thấy sự nối kết giữa nước
thanh tẩy của phép Rửa với cử hành Thánh Thể. Lời của chủ tế đọc đang khi rửa tay giúp
chúng ta hiểu rõ ý nghĩa Hội Thánh lồng cho hành động này: “Lạy
Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy” (x.
QCSL 76,145).[9]
VII/ MỤC VỤ
1) Sau khi đặt chén thánh lên
khăn thánh hay nếu có xông
hương, thì sau khi xông hương của lễ, thánh giá và bàn thờ, chủ tế sẽ rửa
tay ở góc/cạnh bàn thờ, chứ không phải ở vị trí giữa bàn thờ (x. NTTL 28; QCSL 76).
2) Dù đây chỉ là một
cử điệu nhỏ, nhưng xác thực tính của các dấu chỉ phụng vụ đòi hỏi rằng chủ tế nên rửa tay một cách thật sự với nhiều nước hơn là chỉ rửa đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ với chút chút nước như hướng dẫn trước đây của Ritus servandus celebratione in Missae [hay Chữ
đỏ của Sách Lễ Rôma 1962] (phần VII. 6).[10] Như thế, một là các vật dụng hỗ trợ việc rửa tay phải đủ lớn để chủ tế có thể nhúng cả hai bàn tay
vào,
hoặc nếu rửa theo kiểu đổ nước thì cần dùng riêng một cái bình lớn
hơn cho rửa tay và một
bình nhỏ hơn cho nghi thức hòa nước
rượu cũng như tráng chén. Không nên dùng chỉ một bình nước nho nhỏ cho cả 3 chức năng: hoà nước vào rượu; rửa tay tư tế; và tráng chén (x. QCSL 145; DNTL 51,
109);[11] hai là, cũng do xác thực tính của dấu chỉ phụng
vụ mà khăn lau tay nên
đủ lớn để lau khô cả bàn tay chứ không để lau khô chỉ những ngón tay.[12]
V/ SUY NIỆM
Khi chúng con đến gần
hơn với trọng tâm và đỉnh cao của Thánh lễ – tức phần Kinh nguyện Thánh Thể - linh
mục chủ tế sẽ rửa tay. Lạy Chúa, nghi thức này tượng trưng cho sự thanh khiết
tâm hồn mà mỗi linh mục cần có khi cử hành mầu nhiệm cao cả này. Có một thành
ngữ diễn tả “việc rửa tay” là phủ nhận trách nhiệm bản thân. Tất nhiên hành động
rửa tay ở đây không mang ý nghĩa như thế. Bằng việc rửa tay mình, linh mục thú
nhận rằng chính tôi là kẻ có tội: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội
con phạm, xin Ngài thanh tẩy”.
Lạy Chúa, Chúa biết rằng khi đóng vai trò chủ sự Thánh lễ, ngay cả trong điều kiện tuyệt hảo của bầu khí cầu nguyện, tư tế vẫn phải chịu nhiều chi phối và lo ra, phải vật lộn chiến đấu giữa ngoại cảnh chung quanh với yên tịnh nội tâm, dễ bị cám dỗ cử hành cách vội vã để thoát khỏi cảnh ồn ào, nóng bức và nhiều thứ khác …. Lạy Chúa, khi nhìn xem linh mục rửa tay và cầu khẩn ơn tha thứ của Chúa, chúng con cũng được mời gọi khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình. Tất cả chúng con đều như chiếc bình sành mỏng manh và dễ vỡ. Dù vậy, trong sự khôn ngoan khôn dò khôn thấu, Chúa đã chọn các linh mục làm thừa tác viên của Lời và Bí tích. Xin Chúa không ngừng giải thích Kinh Thánh cho linh mục để ngài có thể rao truyền lời Chúa cho những anh chị em khác. Xin Chúa không ngừng bẻ bánh với linh mục, để trong sự mỏng dòn của mình, ngài vẫn có thể sẻ chia Bánh Hằng Sống cho mọi người. “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”.
[1] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and
Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 76.
[3] Có tác giả cho là từ thế kỷ XIII như Guy Oury, La Messe de S. Pie V à Paul VI
(Solesmes, 1975), 82.
[7] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 108.
[9] X. Notitiae
6 (1970) 38-39, no. 27; Smolarski, SJ, How
Not to Say Mass, 62-63; Irwin, Responses
to 101 Questions on The Mass,
85; McNamara, “Omitting
the Washing of the Hands” (24 FEB. 2004), acc. 26/12/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/omitting-the-washing-of-the-hands-4421.
[11] X. Catholic Bishops’ Conference of England
and Wales, Celebrating the Mass (London:
Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 110,
184; Joseph M. Champlin, Bên trong Nhà thờ Công giáo (Hà Nội:
Nxb. Tôn giáo, 2005), 94; Catherine Vincie, “The Mystagogical Implications” trong
A Commentary on the Order of Mass of the
Roman Missal, ed. Foley Edward (Collegeville:
The Liturgical Press, 2011), 225;
Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 277; DeGrocco, A
Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, nos.
118, 145; Turner, Let Us Pray, no.
496; Smolarski, SJ, 62-63.
[12] X. Smolarski, SJ, 63; Vincie, 225.